Tiếng Ðàn Xưa
Vào tháng 11 năm 2002, lần đầu tiên Hoa Hậu Việt Nam, cô Mai Phương, tham dự cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới, tổ chức tại Nigeria. Tin tức được đăng tải trên nhiều báo chí trong nước và hải ngoại cũng như trên những màn ảnh nhỏ. Vì những chống đối, biểu tình bạo động tại Nigeria, cuộc thi Hoa Hậu hoàn vũ sau đó phải chuyển về Anh Quốc. Tôi cũng không có dịp theo dõi. Ðối với nhiều người Việt, tin về Hoa Hậu Việt Nam tham dự Hoa Hậu Hoàn Vũ là một niềm vui, một hy vọng vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam được thế giới biết đến. Nhưng riêng với Tâm, bạn tôi, tin này làm anh thích thú và hãnh diện hơn nhiều người khác. Lý do là Hoa Hậu Mai Phương và Tâm cùng sinh quán tại thành phố Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam, nơi Tâm đã ra đời và trải qua thời niên thiếu. Tâm thường hay nhắc tới thành phố hải cảng này. Anh nói Hải Phòng, thành phố lớn thứ nhì miền Bắc, là nơi có những nhân vật nổi tiếng về văn nghệ, về âm nhạc hay những nhân sĩ đã từng sanh sống... Tâm yêu mến âm nhạc, nhất là nhạc Việt. Anh thường nói các nhạc sĩ mà anh ngưỡng mộ như Phạm Duy, Ðoàn Chuẩn, Từ Linh, Ngô Thụy Miên... đều đã từng sống tại Hải Phòng. Hôm ấy, nhân có dịp lại nói về Hải Phòng, Tâm kể cho chúng tôi nghe mối tình thầm lặng, đầu đời, của anh. Tâm hiện hành nghề luật sư tại Hoa Kỳ. Truyện ngắn sau đây viết theo lời kể của Tâm:
Trời đã vào cuối mùa Thu, những ngày nghỉ Hè đã hết. Một số bạn tôi lên Hà Nội học vì trường Trung học công lập duy nhất tại Hải Phòng thời bấy giờ là trường Ngô Quyền chỉ có tới lớp đệ tứ. Gia đình tôi đông anh em, cha tôi là một tiểu công chức, cuộc sống chỉ đủ chi dùng. Ðể đỡ tốn kém, tôi ở lại Hải Phòng, học lớp đệ tam trường trung học tư thục Phùng Hưng do giáo sư Chu Văn Bình, sau này là nhà văn Chu Tử, làm hiệu trưởng. Hải Phòng là thành phố nơi tôi ra chào đời và có thật nhiều kỷ niệm thời niên thiếu. Năm ấy, tôi mới 16 tuổi cùng đám bạn bè sinh hoạt học đường rất hứng thú vì năm đệ tam không phải lo thi cử và ban giảng huấn trường tôi học có những nhà văn được nhiều người biết đến như giáo sư Trần Tiêu tác giả truyện Con Trâu và là anh em của Khái Hưng, nhà văn Sao Mai, Giáo Sư Chu Văn Bình, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Côn... Các thầy dạy chúng tôi Việt văn, Pháp văn và thường nói chuyện về văn chương ngoài đời. Ðám học trò chúng tôi ngồi nghe vừa thích thú, vừa mến mộ.
Gần đến Tết, tôi được cha mẹ cho lên Hà Nội lo việc biếu quà Tết một số các bác, các cô tôi và những người ân nghĩa, quen thân của gia đình. Mấy ngày tại Hà Nội, tôi ở nhà người em họ là Mỹ Linh, con của Cô tôi, đường Gambetta. Mỹ Linh cùng tuổi với tôi, cũng đang học Ðệ Tam, nhưng học ban sinh ngữ và văn chương tại Hà Nội, còn tôi thì học ban toán ở Hải Phòng. Mỹ Linh khá đẹp, tươi vui và hồn nhiên, thân mến với tôi như anh em ruột.
Vừa gặp lại nhau, Mỹ Linh nói như reo lên:
- Anh Tâm, em phải giới thiệu một cô bạn của em cho anh. Bạn em sắp xuống Hải Phòng học.
Tôi lấy lòng cô em:
- Cô bạn có xinh bằng Mỹ Linh không?
Con gái, và cả con trai nữa, có lẽ ai cũng thích được khen. Mỹ Linh cười:
- Anh Tâm còn nhỏ mà đã mê các cô đẹp, hết học cho mà xem. Phượng, bạn của em đẹp nhất lớp, hiền và ngoan lắm, sợ xuống Hải Phòng các anh bắt nạt nó.
Ngày hôm sau, dùng cơm tối xong, tôi đang giúp Mỹ Linh giải thích một bài học về toán đại số, thì Phượng tới. Tôi nghĩ cô em Mỹ Linh có sắp đặt nhưng không cho tôi và Phượng biết. Mỹ Linh giới thiệu tôi cho bạn rất tự nhiên:
- Anh Tâm, anh của Linh ở Hải Phòng mới lên chơi, đang giảng bài học về toán của thầy Bích cho mình. Ðây là Phượng, bạn cùng lớp với em.
Phượng nhẹ cúi đầu, mái tóc dài đen huyền, buông sau đôi vai thon nhỏ, khẽ lay động. Phượng có giọng nói Hà Nội:
- Chào anh.
Tôi cũng đáp lại:
- Chào chị Phượng.
Mỹ Linh nói thêm vào:
- Anh Tâm gọi bạn em là Phượng được rồi. Phượng là bạn của em thì cũng là em của anh luôn.
Tôi thầm cám ơn cô em, đã tạo thân mật trong buổi đầu gặp gỡ. Trái tim tuổi con trai mới lớn của tôi rộn rã. Phượng quả là một thiếu nữ đẹp, duyên dáng và tôi thấy người con gái mới gặp này khả ái lạ thường. Thấy tôi chú ý nhìn, Phượng hơi mất tự nhiên, và tôi cũng chợt nhận ra cái "ngố" của mình, vội tránh không nhìn nàng một cách "ngây ngô" nữa. Mỹ Linh mời chúng tôi vào phòng khách. Gần dịp Tết, nhà sẵn trái cây, Linh cho chúng tôi dùng trái hồng mềm, ăn với cốm Vòng. Những trái hồng chín đỏ, da mọng và hương vị ngọt, thơm ngon vô cùng. Chưa từng yêu thương người thiếu nữ nào, nhưng ngồi ăn hồng trước mặt Phượng và cô em, tôi đã tưởng tượng má người thiếu nữ đẹp có lẽ cũng căng và ngọt thơm như những trái hồng này. Cốm xanh của làng Vòng là một thổ sản nổi tiếng miền Bắc nhiều người biết, tôi nghĩ có lẽ còn danh tiếng hơn cả thuốc ông Lang Vòng thời bấy giờ.
Chúng tôi nói chuyện rất vui, có lẽ vì cùng lứa tuổi và cùng học năm đầu của chương trình Tú tài, chỉ khác ban. Qua câu chuyện, tôi được biết Ba của Phượng làm ngành công chánh. Vì tình hình chiến sự lúc bấy giờ, ông sắp phải xuống Hải Phòng vài năm lo chương trình tu bổ và xây cất, nới rộng phi trường Cát Bi Hải Phòng cho nhu cầu phi đạo và chỗ đậu của những chiến đấu cơ Pháp.
Phượng nói với tôi, giọng hơi lo lắng:
- Phượng học ban C. Anh Tâm nói Hải Phòng chỉ có một trường của anh là dạy tới lớp Ðệ Tam, chỉ có ban toán. Không biết làm sao Phượng theo kịp.
Tôi nói cho Phượng an tâm:
- Phượng đừng lo, toán lớp Ðệ Tam không đến nỗi khó lắm. Phượng sẽ vui vì trường Tâm đang học bây giờ, có nhiều thầy dạy Việt văn hay lắm, chắc Phượng sẽ thích.
Tôi đã tự động xưng hô với tên của mình cho thân mật. Mỹ Linh nói quảng cáo cho bạn:
- Phượng giỏi Việt văn lắm anh Tâm ạ, làm luận văn hay nhất lớp em. Phượng thích thơ và biết làm thơ nữa.
Phượng hơi cúi đầu và má ửng đỏ vì lời khen của bạn. Tôi kể tên các nhà văn đang dạy tại trường Phùng Hưng. Phượng nghe nói, mắt nàng sáng long lanh:
- Phượng chỉ xuống Hải Phòng có một hai lần, lúc bé. Rồi năm ngoái chỉ ngang qua Hải Phòng lúc đi biển Ðồ Sơn. Bây giờ còn chưa quen với thành phố của anh. Anh Tâm thấy Hải Phòng có những gì đặc biệt?
Tôi nói với nàng:
- Mỹ Linh có thể cho Phượng biết thêm, Linh có xuống thăm Hải Cảng nhiều lần. Hải Phòng là một thành phố nhiều lao động, với bến tàu, với công nhân, không thơ mộng và "văn hiến" như Hà Nội. Hải Phòng có sắc thái đặc biệt của một thành phố hải cảng. Có một giáo sư trẻ dạy trường Trí Tri Hải Phòng, bút hiệu Song Nhất Nữ, mới lập gia đình với một cô gái tại thành phố này, đã làm một bài thơ nói về Hải Phòng, để đọc cho Phượng và Linh nghe. Tôi thong thả đọc bài thơ Hải Phòng, đã được ngâm trên Ðài phát thanh Pháp Á nhiều tháng trước:
Ơi Hải Phòng xa xôi
Có ngàn dân lành cặm cụi
Giữa phố phường đô hội
Sống ngặt nghèo nơi ngõ tối âm u
Ơi Hải Phòng bụi mù
Ơi Hải Phòng chen chúc
Bến Tàu đông đúc
Và đây, Cầu Hạ Lý vẫn trơ trơ
Bên kia Sáu Kho
Bên đây Cửa Cấm
Gió Tam Bạc chiều nay sao lồng lộng
Nước suối nguồn theo lớp sóng ra khơi
Chị bán rau trong Chợ Sắt ngụt người
Anh phu gạo ngoài Ba Ty ngợp bụi
Mười phương loạn quay về đây tụ hội
Mồ hôi nghèo mong đổi chút cơm khô
Hải Phòng ơi,
Này bến ô-tô
Nọ ga xe lửa
Bể mặn chát đã dạt về bao cửa
Những hương ngàn gió nội của năm châu
Hải Phòng ơi,
Ðây đất để làm giàu
Ðất để sống, để kiếm tiền kiếm gạo
Ðất vật lộn để tìm cơm, tìm áo
Ðất kiêu hùng cửa họng của non sông
Hải Phòng ơi,
Ta nhớ mãi Hải Phòng
(Thơ Song Nhất Nữ)
Những ngày kế tiếp, Mỹ Linh và Phượng cùng tôi dùng xe đạp dạo các phố phường và thắng cảnh tại Hà Nội. Linh giới thiệu cho tôi món bánh tôm Cổ Ngư, mướn thuyền đi trên Hồ Tây, đi dạo và ăn kem mấy lần bên bờ Hồ Gươm. Trước hôm tôi trở về Hải Phòng, người chị cả của Phượng là Chị Huyền cho chúng tôi dùng món bún chả Hà Nội, ngay tại cửa hàng tơ lụa của Chị ở Phố Hàng Gai. Cửa hàng của chị có tên là Ðan Phượng, lấy tên của một huyện của tỉnh Hà Ðông. Chị Huyền cho tôi biết là gia đình quê quán ở Hà Ðông, chuyên sản xuất tơ lụa. Phượng được sanh ra tại quê của nàng, nên được cha mẹ chọn tên như vậy.
° ° °
Sau Tết năm đó, gia đình Phượng di chuyển xuống Hải Phòng sinh sống, cư ngụ tại một căn nhà khang trang ở Phố Ga, cách nhà của Hoài, một người bạn thân cùng lớp với tôi chừng mươi căn phố. Nhà tôi ở phố Ðường Cát Dài, chỉ cách nhà nàng khoảng trên một cây số. Phượng mau chóng hội nhập với lớp học mới, với trường mới, và vì có quen tôi rồi quen Hoài nên nàng không mấy bỡ ngỡ. Phượng với vẻ đẹp nữ sinh thơ mộng, mớ tóc mây dài buông tới ngang lưng. nàng hay mặc áo dài lụa có lẽ do cửa hàng Chị Huyền may cho, rất tha thướt, duyên dáng làm cho nhiều đám học trò con trai trong trường tôi chú ý và ươm mộng. Thế nhưng cũng như các cô con gái thời bấy giờ, gia đình kỹ lưỡng và nghiêm túc, Phượng rất ít giao thiệp với các bạn trai khác cùng lớp, ngoại trừ Hoài và tôi. Hai chúng vài lần hướng dẫn Phượng và đôi khi có cả hai em trai của nàng đi thăm, giới thiệu những phố xá Hải Phòng. Chỉ vài tháng sau "tình bạn tay ba" giữa chúng tôi trở nên thân thiết và rồi tôi có thêm những nhớ mong, mơ mộng của một "tình yêu âm thầm" nào mới chớm lúc tuổi thanh xuân.
Phượng đàn dương cầm rất hay, còn Hoài bạn tôi vừa biết đàn Guitar, vừa hát giỏi. Trong những sinh hoạt văn nghệ trong lớp hoặc của toàn trường, Hoài luôn luôn là một ngôi sao sáng. Tôi không biết đàn và hát cũng chẳng ra gì. Ðôi lần tại nhà của Phượng, tôi ngồi nghe Hoài vừa đàn ghi-ta vừa hát, Phượng đệm thêm dương cầm. Tôi nghe tiếng đàn, giọng hát một cách thú vị, nhưng lại thấy lẫn lộn với một chút mặc cảm về khả năng văn nghệ của mình!
Hoài và tôi thường hay lại nhà Phượng giúp nàng giải những bài toán hình học phẳng. Hoài học giỏi và đẹp trai. Anh tự động đặt cho Phượng một tên mới là Phoenix. Một hôm cuối tuần, chúng tôi rủ nhau đến nhà Phượng. Nói là đến thăm để ôn bài, nhưng thực ra cả hai chúng tôi đều nhớ nàng, dù vẫn gặp nhau mỗi ngày trong tuần tại nhà trường. Hôm ấy chỉ có Phượng ở nhà, còn cả gia đình đã dùng chiếc xe Peugeot của gia đình về thăm lại Hà Nội để giúp một vài việc cho công chuyện buôn bán của chị Huyền. Chúng tôi yêu cầu Phượng đàn dương cầm cho nghe. Phượng mặc một bộ đồ trong nhà, màu ngà bằng lụa, tóc buông thả sau lưng, dáng đẹp nghiêng nghiêng nổi bật trước cây dương cầm màu đen, hai bàn tay thon trắng lướt trên những phím đàn. Hoài giỏi âm nhạc, nên có lẽ bạn tôi chú ý nhiều đến âm thanh, đến giai điệu các tấu khúc, đến các hợp âm qua tiếng dương cầm. Trong khi tôi thì lại chú ý hơn về dáng đẹp của người con gái mà có lẽ tôi đã thầm yêu. Phượng đàn những bản Việt Nam như Suối Mơ, Bến Xuân, Thiên Thai của Văn Cao. Rồi Con Thuyền Không Bến và vài bản khác của Ðặng Thế Phong. Sau đó nàng dạo những tấu khúc nhạc cổ điển của Mozart, Chopin, Schubert và Litz... Tiếng đàn thánh thót điêu luyện của nàng cũng như dáng đẹp thanh cao đưa tôi vào một thế giới tình cảm và âm thanh mơ ảo. Nàng ngưng sau bản nhạc quen thuộc Lettre à Elise, ai học dương cầm cũng biết, rồi kể chuyện giai thoại về tác giả khi sáng tác ông bản nhạc này...
Hai tháng sau khi gia đình Phượng xuống Hải Phòng, Hoài tâm sự với tôi là anh đã thầm yêu Phượng. Người bạn thân của tôi yêu mà chưa thổ lộ với nàng. Có lẽ anh có cái e dè, nhút nhát của tuổi học trò thời bấy giờ, hay cũng sợ ngỏ lời, tình yêu sẽ bay xa thành mây khói. Việc thổ lộ tâm tình của người bạn thân làm tôi thấy xốn xang vì như đã nói ở phần trên, trong lòng tôi cũng thầm thương mến cô bạn gái này, có lẽ từ "thuở ban đầu mới gặp" tại Hà Nội. Nhưng nghĩ mình còn đang là học sinh trung học, mơ mộng thì có, đâu dám tính chuyện yêu đương. Tôi giữ trong lòng những tình cảm của mình. Vì vậy mỗi khi Hoài nhắc tới Phoenix, trong lòng tôi có những giao động khó tả. Tôi chỉ nói theo, đôi khi còn trái với lòng mình, tán thưởng miễn cưỡng những ý nghĩ của Hoài nữa. Tình bạn, và niềm yêu thầm kín trong trường hợp này khó cho tôi bày tỏ những ý nghĩ của mình.
Người ta vẫn cho rằng, vào lúc niên thiếu với cùng một tuổi đời, đa số các cô gái khôn ngoan, dày dặn và "hiểu biết" hơn các cậu con trai. Tôi nghĩ rằng với cảm tính bén nhạy của phụ nữ, thêm với sự săn đón thân tình và ân cần của hai đứa bạn chúng tôi, Phượng có thể đoán hiểu những cảm tình dù rất kín đáo của chúng tôi đối với nàng. Phượng cũng giữ "im lặng tình cảm" trong cách giao thiệp, và cư xử thân mến, hòa nhã đồng đều với cả tôi và Hoài.
° ° °
Chiến cuộc tại miền Bắc giữa quân kháng chiến Việt Minh và quân đội viễn chinh Pháp cùng với quân đội quốc gia ngày càng mạnh mẽ và lan rộng. Nhiều đồn bót bị mất. Rồi quân Pháp rút bỏ khỏi thành phố Nam Ðịnh. Những tin chiến sự cực kỳ sôi động về mặt trận Ðiện Biên Phủ. Hội nghị Genève về Việt Nam đã nhóm họp nhiều tháng. Rồi Ðiện Biên thất thủ và bản văn của Hội Nghị Hòa Bình được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến 17, bởi dòng sông Bến Hải. Miền Bắc thuộc về Việt Minh Cộng Sản được hậu thuẫn yểm trợ bởi Nga, Tàu. Miền Nam thuộc về thế giới Tự Do, và Hoa Kỳ thực sự nhúng tay vào việc củng cố cho miền Nam thành một tiền đồn chống lại sự bành trướng của khối Cộng tại Ðông Nam Á. Quân đội viễn chinh Pháp từ từ rút khỏi Việt Nam, nhường chỗ cho những phái đoàn cố vấn dân và quân sự Hoa Kỳ. Một cuộc di cư cả triệu người miền Bắc vào Nam được tổ chức do Mỹ yểm trợ. Dân chúng thành phố Hải Phòng nơi tôi cư trú cũng rất giao động, mọi người xao xuyến, phải chọn một quyết định di cư vào Nam hay ở lại miền Bắc.
Cha tôi mau chóng quyết định cả nhà sẽ vào Nam. Gia đình Hoài có một người anh, một người chị còn ở vùng kháng chiến. Hoài nói nay "kháng chiến đã thắng lợi", "nước nhà đã độc lập", nên ở lại miền Bắc. Chúng tôi lại thăm hỏi Phượng. Nàng có người anh cả theo Việt Minh từ ngày còn hoạt động bí mật ở chiến khu, anh cho người vào Hải Phòng nhắn nhủ gia đình ở lại, anh "bảo đảm" an toàn. Ông bà nội, ngoại của Phượng lại rất lưu luyến với quê hương miền Bắc, có cả một cơ sở sản xuất tơ lụa tại Hà Ðông, không chịu đi đâu cả. Vì vậy gia đình Phượng cũng không di cư vào Nam.
Tôi chuẩn bị rời xa miền Bắc và thành phố Hải Phòng thân thuộc với nỗi buồn trong lòng. Trước ngày di cư xuống tàu vào Nam một tuần, tôi có gặp và chuyện trò riêng cùng Phượng khá lâu. Phượng tâm sự:
- Phượng có Chú Hải, em của Ba, làm sở Liêm Phóng Hà Nội. Chú không thể nào ở lại. Gia đình Chú Hải sẽ xuống Hải Phòng, rồi vào Nam vì Hà Nội sẽ được tiếp thu trước. Chú nói với Ba là, nếu Ba muốn, sẽ cho Phượng và một hai đứa em đi theo Chú vào Nam. Hai năm nữa, tổng tuyển cử, hai miền Nam Bắc thống nhất, mọi người lại gặp lại nhau, mọi gia đình sẽ đoàn tụ.
Tôi hỏi nàng, với một chút hy vọng:
- Thế Ba và Phượng tính sao?
Nàng nói với giọng buồn:
- Ba mẹ Phượng không muốn Phượng xa cha mẹ, xa anh em, gia đình phải ở cùng một nơi.
Tôi im lặng, tâm hồn như trống vắng, nghĩ một ngày mai, ngày mai rất gần, sẽ ở xa, rất xa những người bạn thân thiết của tôi. Cả tuần đó, ngày nào tôi cũng tìm cách gặp Toàn và gặp Phượng.
Gia đình tôi xuống tàu Ville de Saigon tại bến tàu Hải Phòng vào một buổi sáng trời mưa nhưng không lạnh, mặc dù đã cuối thu. Anh em trong gia đình tôi, áo ướt nước mưa, khuân vác những vali, những thùng vật dụng và sách vở gia sản học trò xuống tàu. Tôi thấy cha mẹ tôi trầm ngâm, có lẽ vì phải rời bỏ thành phố thân thuộc, sau bao nhiêu năm cần cù làm việc, bây giờ ra đi với một mớ tài sản nhỏ bé là mấy thùng đồ, để sẽ đến một nơi xa lạ, tương lai chưa biết sẽ ra sao. Còn tôi không có thời giờ suy tư nhiều. Tôi cố dành những giây phút còn lại tại Hải Phòng để nấn ná ở bên hai người bạn thân ra tiễn tôi là Phượng và Hoài. Tôi ở trên bờ cho tới lúc tàu hú còi hiệu lần chót trước khi rời bến. Tôi bắt tay Hoài thật chặt, và không hiểu tại sao, có lẽ đã nghe qua nhiều người tiên đoán, tôi nói với Hoài:
- Từ biệt Hoài và Phượng ở đây. Sẽ nhớ mãi hôm nay. Chúng mình khó gặp lại nhau, người ta nói có thể không có tổng tuyển cử.
Lần đầu tiên tôi nắm tay Phượng, và có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi nắm tay rất thân mật, rất luyến lưu với một người con gái không phải là họ hàng. Bàn tay người con gái thật mềm mại. Ước gì tôi được nắm mãi tay nàng. Trong lòng rất muốn nhưng tôi e dè không dám đặt môi hôn lên bàn tay ấy. Tôi muốn ôm tấm thân nhỏ bé dễ thương của Phượng vào trong vòng tay của mình, một lần thôi, nhưng tôi không có can đảm thực hiện ý muốn. Tôi nhìn vào mắt Phượng, và giọng tôi như chùng xuống:
- Mong Phượng và Hoài ở lại, có nhau, giúp đỡ nhau, sẽ... bên nhau mãi.
Tôi nói tiếp, có lẽ chỉ đủ cho Phượng nghe:
- Hoài rất quý mến Phượng, Phượng biết không?
Phượng nhẹ nhàng trong lời nói, và ánh mắt thân mến nhìn tôi:
- Phượng biết, có lẽ biết nhiều điều khác nữa, anh Tâm ạ.
Tôi kịp lên tàu, chỉ năm phút trước khi tàu nhổ neo rời bến, và tôi xa cách người bạn học thân nhất và người con gái tôi có thật nhiều cảm tình từ ngày hôm ấy.
° ° °
Mãi đến nhiều năm, sau khi cuộc chiến tại Việt Nam chấm dứt, tôi có dịp về Việt Nam vào đầu thập niên 90, thăm lại Hải Phòng. Phố Ðường Cát Dài của tôi đã thay tên. Phố Ga của Hoài, của Phượng ngày xưa xa lạ và đổi khác. Tôi đọc một mình một câu thơ trong truyện Kiều "Trải qua một cuộc bể dâu". Tôi không muốn đọc tới những câu Kiều kế tiếp, dù thuộc từ hồi trung học. Tôi tìm lại những mái nhà xưa. Nhà cũ của tôi, nhà cũ của bạn. Những người ở các căn nhà của hai bạn tôi ngày xưa, hoàn toàn xa lạ, giọng nói cũng xa lạ. Họ nhìn tôi xa lạ nhưng không lạnh lùng. Nhắc đến tên, không ai biết Hoài và Phượng của tôi là ai. Tôi xa Hải Phòng trên 30 năm rồi. Cảm giác tôi có lẽ không phải cảm giác Từ Thức trở về chốn cũ, vì tôi chưa thấy nơi nào trên trái đất này có thể được coi là Thiên Thai. Nhưng quả thật tôi có cảm giác trống vắng khó tả trong tâm trạng.
Rồi tôi thăm Hà Nội và một mình lang thang những phố phường. Dù tôi không quen thuộc Hà Nội ngày xưa như nhiều người bạn của tôi, nhưng tôi thấy Thăng Long ngày trước cũng đổi khác, nhiều, rất nhiều. Sau cùng, chân đưa tôi trở lại phố cũ, phố Hàng Gai. Một điều làm tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, tim tôi hồi hộp, là bảng hiệu của một cửa hàng bán áo len, áo dài, tơ lụa mang tên Ðan Phượng vẫn còn. Những đường phố buôn bán tại Thủ Ðô Hà Nội thường là ngắn, nhất là so sánh với những con phố ở nước ngoài. Tôi mang máng nhớ cửa hàng Ðan Phượng ngày xưa cũng ở khoảng này trên đường phố. Chiếc bảng hiệu hôm nay lớn hơn bảng ngày xưa, nét chữ kẻ trên bảng hoa mỹ và nghệ thuật hơn ngày trước. Tôi tần ngần đứng trước cửa tiệm một hồi lâu, không vào, để cho lòng mình lắng xuống. Hay để tránh gặp lại một thực tế có thể sẽ làm tôi thất vọng khi người trong tiệm chẳng ai quen mình, và mình cũng chẳng biết ai! Qua tấm kính lớn của tủ hàng, tôi thấy những áo đan bằng len, bằng sợi, những áo dài màu sắc đẹp cắt khéo, và những tấm lụa chưa may được treo từ trên cao thả dài tha thướt và mỹ thuật. Một hồi sau, tôi hướng tầm quan sát vào phía trong tiệm... Một cô gái trẻ đẹp, ngoài hai mươi, đang tiếp vài ba người khách hàng, có lẽ Việt Kiều về mua hay đặt may áo lụa. Cô gái bán hàng tôi chưa hề gặp mà sao có bóng dáng như đã quen. Ðây là lần đầu tiên tôi trở lại Hà Nội sau gần bốn thập niên xa cách. Cô gái cúi chào, vui vẻ với giọng nói Hà Nội ngày xưa chứ không phải giọng của nhiều người tại Hà Nội ngày nay mà tôi có dịp tiếp xúc:
- Ông muốn mua áo may sẵn hay mua lụa?
- Cô cứ tự nhiên tiếp mấy bà khách đang thử áo, tôi coi các hàng trưng bày, nếu cần mua gì tôi sẽ nhờ Cô.
Thong thả quan sát các mặt hàng, và đồng thời cố tìm lại hình bóng một cảnh vật nào ngày xưa, nhưng tôi không thấy. Mà làm sao thấy được sau bao nhiêu năm đã qua rồi. Tôi dừng lại một quầy phía bên trong. Nơi sau quầy một phụ nữ ngoài năm mươi tuổi đang ngồi đan áo. Mái tóc điểm vài sợi bạc, uốn nhẹ và để dài một chút ở phía dưới sau cổ. Dáng sang và thanh tú. Người phụ nữ ngước mắt nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng và tôi thấy thật là quen thuộc. Tôi nhẹ chào hỏi một câu cho chắc chắn, mà bây giờ tôi nghĩ hơi ngớ ngẩn vì "nửa bà nửa cô":
- Xin lỗi, có phải bà là cô Phượng ngày trước từng ở phố Ga, Hải Phòng?
Người phụ nữ buông kim và sợi đan trên mặt quầy hàng, đứng dậy chăm chú nhìn tôi, một giọng quen từ nhiều năm ngày trước như reo lên:
- Có phải anh Tâm không?
Tôi quên cả lịch sự tối thiểu. Ðáng lẽ phải để người phụ nữ đưa tay ra trước, nhưng vì vội vã mừng gặp lại người xưa, tôi quên cả xã giao nắm lấy bàn tay mặt của nàng, bàn tay tôi đã nắm một lần, lần đầu và tưởng như đã là lần là lần cuối, từ nhiều năm trước tại bến tàu Hải Phòng, ngày tôi rời xa đất Bắc:
- Phượng còn nhận ra tôi sao?
- Em nhận ra anh ngay. Anh vẫn có nụ cười ngày xưa, khó có thể quên được.
Chưa bao giờ Phượng xưng em với tôi, vào những ngày học trò. Bây giờ có lẽ vì thói quen nghề nghiệp, giao thiệp với những bà khách hàng người Việt từ Sài Gòn hay từ hải ngoại về đây, nàng dùng lối xưng hô này. Nhưng tôi lại chủ quan, thấy tiếng xưng hô thân mật như gửi gắm một chút gì ấm cúng của một tình cảm đã xa, đã có từ những ngày tuổi xanh. Tôi nóng lòng vội hỏi:
- Hoài bây giờ ở đâu? Phượng có tin tức gì về Hoài không. Tâm muốn gặp lại Hoài.
Tôi vẫn dùng cách xưng hô thân mật tuổi học trò. Nàng chớp mắt. Ðã có những vết nhăn nhẹ, dấu tích của thời gian sau đuôi mắt. Giọng nàng hơi trầm xuống:
- Chuyện dài và buồn anh ạ. Anh Hoài mất từ nhiều năm trước. Sẽ kể anh nghe. Mà anh chắc từ ngoại quốc về thăm? Sẽ ở lại Hà Nội bao lâu? Có chị và các con anh cùng về với anh không?
Nhiều câu hỏi dồn dập cùng một lúc, tôi không biết trả lời câu nào trước, nhưng cũng nói với nàng với lối xưng hô ngày trước:
- Chuyện của Tâm cũng dài và cũng buồn. Về đây, vừa thăm Việt Nam vừa có công việc do nghề nghiệp. Sẽ ở lại đây một tuần nữa. Hiện tại Tâm ở Hoa Kỳ.
Phượng vội gọi cô gái bán hàng lại và giới thiệu với một giọng thật vui:
- Cháu Ðan Tâm, con gái của em và Hoài.
Nàng nói với Ðan Tâm:
- Bác Tâm là bạn học của ba mẹ cả mấy chục năm trước. Bác ngày xưa thân với Ba con lắm.
Ðan Tâm chào tôi, dáng đẹp và hiền như mẹ ngày nào:
- Mẹ cháu nhắc tới bác nhiều lần. Mẹ nói đã mượn tên bác đặt tên cho cháu khi cháu mới sinh.
Phượng nhìn tôi, nàng nói giọng rất chân thành:
- Gặp lại anh, em mừng lắm. Bây giờ đã gần sáu giờ chiều. Em sẽ đóng cửa hàng sớm hôm nay. Bây giờ anh dạo phố Hà Nội đi, mời anh tám giờ tối trở lại đây ăn cơm tối với mẹ con em.
- Cho phép Tâm mời Phượng và cháu đi ăn tại một nhà hàng gần đây, bên hồ Hoàn Kiếm được không?
- Không có không khí gia đình và ồn ào anh ạ, mình không chuyện trò tự nhiên và được nhiều. Anh cứ nhận lời dùng cơm tại nhà cho em vui.
Tôi không thể nói khác hơn, và cũng không muốn nói khác hơn. Tôi tạm biệt Phượng và Ðan Tâm, rồi tiếp tục đi dạo quanh những phố cũ Hàng Ðào, hàng Ngang, Hàng Trống, Hàng Mành... của Hà Nội. Nhưng sự quan sát phố phường của tôi giờ đây không chú ý nhiều tới ngoại cảnh như một tiếng đồng hồ trước nữa. Tôi nghĩ nhiều về những ngày xưa cũ, về Hoài, về Phượng, về thời gian cùng sống tại thành phố Hải Phòng, về lần đầu tiên tôi gặp Phượng tại nhà cô em họ Mỹ Linh của tôi...
Ðúng giờ hẹn, tôi trở lại. Cửa hàng Ðan Phượng đã khép, Phượng mở cửa mời tôi lên căn gác. Căn gác chị Huyền của nàng đã mời tôi, Mỹ Linh và nàng dùng món bún chả lần tôi lên Hà Nội dịp gần gần Tết một năm nào xa xưa. Căn gác, mà nhiều năm tôi đã chịu ảnh hưởng ngôn ngữ tại miền Nam nước Việt, bây giờ muốn kêu là từng lầu, được trang trí gọn ghẽ và ấm cúng, làm tôi tin rằng Phượng đang có một cuộc sống khá sung túc so với nhiều người tại nước nhà hiện nay. Nàng cho tôi dùng bánh cuốn Thanh Trì, rồi dùng cơm trắng với thịt kho tàu kiểu miền Bắc ngày xưa nước thịt có vị khá ngọt và không có nước dừa như thịt kho miền Nam. Rau muống Sơn Tây loại đọt non nhỏ và xanh như ngọc thạch được luộc vừa đủ chín dùng với tương Bần Yên Nhân. Nhưng món ăn tôi thích nhất hôm ấy là món canh riêu cá chép, những khúc cá đã được chiên vàng cho rắn thịt và thơm ngon, nấu với cà chua và khế, nổi vị với một chút thì là. Ðã thật lâu, tôi chưa được dùng lại món cá chép của miền Bắc, nó thơm ngon hơn cá Carpe cùng loại tại Hoa Kỳ, dân ở Mỹ cũng ít ai dùng.
Phượng kể chuyện nàng cho tôi nghe:
- Sau khi tiếp thu Hà Nội, anh cả của em từ vùng kháng chiến về, và gia đình em trả lại căn nhà thuê ở Hải Phòng, và trở về Hà Nội sinh sống, cả nhà đoàn tụ một thời gian. Nhưng cuộc sống ngày càng chật vật vào những năm sau vì kinh tế yếu kém, việc quản chế của nhà nước chặt chẽ, không được "cởi mở" như anh thấy bây giờ. Anh Hoài ngày đó vẫn ở Hải Phòng nhưng vẫn liên lạc thường với gia đình em. Ba mẹ em rất có cảm tình với anh Hoài. Trong khi đó anh cả của em từ vùng kháng chiến về, có giới thiệu một cán bộ cấp cao là bạn của anh ấy cho em, nhưng em không thấy một chút rung động nào cho tình yêu với một người mới quen, do anh của em giới thiệu. Ba em, như anh biết trước kia làm ngành công chánh, khuyên anh Hoài theo học ngành xây dựng. Anh Hoài giỏi toán, vừa làm vừa học, tốt nghiệp kỹ sư xây dựng và đường xá vào năm 1962, và chúng em sau đó thành hôn. Ba năm sau, em sanh một cháu trai, cháu Hùng, hiện cháu làm kỹ sư cho chính phủ tại mỏ than Hòn Gay. Vì chiến tranh để giải phóng miền Nam, nhà nước khuyên dân hạn chế sinh đẻ, mãi đến năm 1972 chúng em mới sinh cháu Ðan Tâm, kém cháu trai đầu lòng bảy tuổi. Vừa sinh cháu gái được hai tháng, anh Hoài được gọi đi nghĩa vụ lên đường vào Nam, làm công tác mở đường cho việc chuyển vận trên đường Hồ Chí Minh . Sáu tháng sau ngày anh Hoài đi nghĩa vụ, em được hung tin anh ấy tử nạn, đã được chôn vội vàng bên sườn núi Trường Sơn Trung bộ. Anh Hoài không chết vì súng đạn, không tử thương vì bom B 52. Xe vận tải làm đường của anh rủi ro bị lật xuống một triền núi, nghe nói anh bị chấn thương nặng nơi đầu và mất ngay. Vì gia đình có người theo kháng chiến từ sớm, anh Hoài tử nạn vì đi nghĩa vụ vào Nam, em và các con thuộc thành phần gia đình liệt sĩ nên cũng có một số lợi quyền và nhiều sự dễ dãi. Từ khi chính phủ cho tự do kinh doanh, việc buôn bán và lợi nhuận của gia đình khá hơn. Ba mẹ em đã về hưu, hiện tiếp tay giúp gia đình chị Huyền sản xuất tơ lụa tại Hà Ðông, bây giờ là một phần của Hà Nam Ninh. Cửa hàng này giao cho mẹ con em.
Tôi bùi ngùi trong lòng, nhớ tới Hoài, người bạn thân ngày xưa. Ðúng như lời tôi chúc hai bạn tôi khi rời xa Hải Phòng, hai người đã lập gia đình cùng nhau, đã sống bên nhau. Một điều không trọn vẹn cho lời chúc là họ không ở bên nhau mãi! Một người đã mất. Một người còn đây.
Ðược hỏi chuyện đời tôi, tôi cũng rất thành thật kể cho Phượng:
- Sau ngày xa miền Bắc vô Nam, gia đình Tâm sanh sống tại Sài Gòn, cha tiếp tục làm tiểu công chức như cũ. Tâm theo học ngành Luật, rồi động viên vào quân đội quốc gia, chuyển sang làm thẩm phán cho tòa án quân sự tại một tỉnh miền Hậu Giang, lập gia đình với một cô dược sĩ và có hai cháu gái. Sau ngày 30 tháng tư, Tâm trong khi phải học cải tạo suốt bảy năm và đã khuyến khích vợ và các con vượt biên, thành công sang Mỹ. Khi ra cải tạo, Tâm sang được Hoa Kỳ thì người vợ đã có gia đình mới. Tâm cũng không trách gì, vì người phụ nữ còn trẻ, vượt biên với hai con lúc đó còn nhỏ dại, khó có đủ nghị lực để một mình nuôi con tại một nơi xa lạ, cần một điểm tựa cũng là chuyện mình phải thông cảm mà thôi.
Một cây đàn dương cầm loại đứng, mầu nâu sậm và đẹp dựng bên tường. Cây đàn ngày xưa tại Hải Phòng chắc giờ này đã lưu lạc nơi đâu. Phượng ngồi đàn, chỉ dạo lại cho tôi nghe một bản Suối Mơ. Tôi ngồi thưởng thức và thấy cuộc sống của mình như trẻ lại, tiếng đàn và âm điệu gợi cho tôi những cảm xúc và kỷ niệm của những năm tháng ngày xưa, thời thanh xuân, tuổi học trò. Ðan Tâm tốt nghiệp trường âm nhạc Hà Nội, đàn cho tôi nghe những nhạc bản mẹ cháu thường trình bày hồi trước. Ngón đàn của Ðan Tâm điêu luyện, và điều làm tôi ngạc nhiên là cháu đàn cả nhạc cổ điển cũng như những nhạc bản sau này của những nhạc sĩ tên tuổi rất quen thuộc của miền Nam trước 75.
Trong lúc Phượng lo dọn dẹp, tôi ngồi trò chuyện cùng Ðan Tâm. Cô con gái đẹp như mẹ ngày trước, 22 tuổi, nói chuyện rất dễ thương. Ðan Tâm cho tôi xem những tập Albums của gia đình. Ngạc nhiên là Phượng còn giữ được một bức hình chụp ba chúng tôi trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tại lớp học ngày xưa. Trong hình chụp, Phượng đứng giữa, mái tóc che mất nửa một bên má, Hoài đứng một bên và tôi một bên. Tôi đang thầm nghĩ nhiều người dị đoan, cho rằng chụp hình ba người, rồi sẽ xa cách. Một người là Hoài giờ này đã ra đi, vĩnh viễn ra đi. Ðan Tâm thân mật, nói khẽ bên tôi, làm ngưng điều tôi đang suy nghĩ:
- Mẹ con có lần nói, nếu đất nước ngày ấy không chia đôi, có khi chúng con đã là con của Bác.
Câu nói của Ðan Tâm làm tôi thật ngạc nhiên. Những năm sau khi chồng mất, nàng có tâm sự với con vậy sao ? Vừa lúc đó, Phượng đem trà sen và bánh đậu xanh Hải Dương ra đãi bạn. Ðan Tâm tiếp chuyện một lúc rồi xin phép đi nghỉ sớm, có lẽ chủ tâm cô bé muốn mẹ và tôi được tự nhiên ôn lại những kỷ niệm của một thời đã xa.
Phượng giọng rất chân thành:
- Bất ngờ gặp lại anh, em mừng lắm. Sau chiến tranh, em cố gắng tìm hỏi thăm về anh, nhưng bạn bè mới cũ không ai biết.
Tôi trầm ngâm. Nghĩ về Hoài. Nghĩ về Phượng giờ đây đơn côi goá bụa. Nghĩ về tôi, xa rời xứ sở, vợ đã có chồng khác. Cuộc sống vật chất của tôi nay đầy đủ mà tình cảm thật cô đơn. Từ khi mở văn phòng luật sư, tôi có quen năm bảy người phụ nữ nhưng không thấy hợp với ai để tiến thêm bước nữa. Vì câu nói của Ðan Tâm hồi nãy, có lẽ Phượng không nghe, tôi nói và cũng như tự hỏi mình:
- Không rõ nếu ngày ấy, gia đình Tâm ở lại Hải Phòng không di cư vào Nam, giờ này hoàn cảnh sẽ ra sao.
Phượng như muốn tâm sự:
- Phượng có đọc trong một tiểu thuyết của Lâm Ngữ Ðường, một điều Phượng thấy đúng vô cùng: "đôi khi một sự việc nhỏ, một quyết định nhất thời có thể lại mang một ảnh hưởng to lớn đến cả một đời người..." Phượng biết rằng ngày ấy lúc học ở Hải Phòng, cả anh Hoài và anh đều mến Phượng. Nếu Phượng theo chú vào Sài Gòn thì rất có thể đời mình đã khác bây giờ.
Tôi chợt nhớ lại câu nói của Phượng ngày chia tay tại Hải Phòng "Phượng đoán biết chứ, có lẽ biết nhiều hơn nữa, anh Tâm ạ". Và hai chữ đời mình Phượng vừa mới dùng, tôi chủ quan muốn hiểu là đời chúng mình.
° ° °
Do gặp lại Phượng, tôi ở lại Việt Nam thêm hơn một tuần nữa. Ngày nào tôi cũng lại thăm nàng. Tôi đi thăm lại những nơi có kỷ niệm ngày xưa. Chúng tôi đi ăn uống tại nhiều nhà hàng lớn nhỏ, đôi khi có cả Ðan Tâm đi cùng. Cô bé thấy Mẹ có bạn cũ cũng vui lây và tỏ ra có nhiều thiện cảm với tôi.
Một buổi tối, sau khi nghe ca nhạc tại phòng trà khách sạn tôi đang cư ngụ, tôi cùng nàng ra uống rượu, nghe nhạc tại câu lạc bộ nhỏ của khách sạn. Quá nửa khuya, khách đã vắng. Trước đàn dương cầm, người nhạc sĩ dạo những nhạc bản cổ điển. Tôi yêu cầu Phượng đàn lại cho tôi những bản nhạc ngày xưa. Nàng ngập ngừng một chút, vì căn phòng lúc đó còn năm bảy người khách ngoại quốc. Tôi xin phép họ, cho người bạn cũ đàn một số nhạc phẩm. Tôi tin tưởng ngón đàn của nàng, đã một thời làm tôi khi đêm về còn nhớ những âm ba. Không vị khách nào phản đối mà còn thích thú, họ cũng muốn nghe những tiếng đàn tài tử. Phượng khoan thai dạo những nốt đàn mở đầu, rồi trình bày những nhạc phẩm cổ điển, xong lại qua một số nhạc bản Việt Nam tôi rất quen thuộc, từ nhạc tiền chiến đến nhạc gần đây. Tiếng đàn của nàng tha thiết, kỹ thuật còn điêu luyện hơn ngày xưa. Tôi và số thính giả nhỏ bé ngồi thưởng thức và tán thưởng cho đến quá hai giờ đêm, phòng rượu ngưng sinh hoạt. Cùng với những ly rượu, những tiếng đàn xưa đã mang cho tôi và có lẽ cho cả nàng những rung động, xao xuyến của ngày thanh xuân. Tối hôm đó, Phượng đã ở lại phòng tôi trong khách sạn và cả hai chúng tôi như có lại mơ ước ngày xanh. Nàng thủ thỉ: "Thực ra em đã thấy mến anh từ lần đầu mới gặp anh tại nhà Mỹ Linh..."
Cuộc tình của tôi với Phượng từ hôm đó trở đi thật là nồng ấm. Tôi "khám phá" thêm nhiều điều chưa biết về Phượng. Chẳng hạn nàng có một nốt ruồi mà tôi thấy rất xinh nơi phần trên của ngực trái, nàng không thích đồ trang sức như nhiều phụ nữ khác, khi đi dạo hay trên giường nằm, nàng thích ở bên phải của tôi, sau khi thân mật chăn gối nàng thích nằm ôm nhau nói chuyện không cho tôi... đi ngủ, và bây giờ nàng thích đàn một số bài tân nhạc của Ðài Loan...
Tôi thuyết phục Phượng lập gia đình cùng tôi và sẽ cùng sống tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cùng đã quá tuổi trung niên, có người bạn đường hiểu biết, quen nhau từ nhiều năm, cuộc sống sẽ thêm phong vị. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ sống hạnh phúc, tôi sẽ được nghe đàn dương cầm ấm áp của nàng mỗi ngày. Phượng đồng ý nghe theo đề nghị của tôi.
Tôi trở về Hoa Kỳ, mau chóng làm thủ tục cho nàng sang thăm nước Mỹ hai tháng với tư cách vị hôn thê của tôi. Sau đó, vài tháng tôi lại về thăm nàng một hai tuần lễ, và gần một năm sau, tôi chuẩn bị về Hà Nội làm lễ cưới. Mọi chuyện có bạn tôi và bên gia đình nàng sắp xếp. Chỉ còn hai ngày nữa là tôi lên máy bay về Việt Nam thì nàng điện thoại:
- Anh Tâm, em mong anh không giận em. Em không đủ thanh thản nói ý kiến em qua điện thoại, em sợ nghe giọng nói của anh khi anh buồn. Anh mở máy tính, coi điện thư của em mới viết cho anh.
- Có chuyện gì trở ngại vậy em?
Tiếng Phượng vẫn tươi vui ở đầu dây bên kia:
- Không có gì trở ngại đâu. Em vẫn mãi yêu anh. Anh vẫn có em. Anh coi điện thư đi rồi khi thuận tiện anh điện thoại lại cho em. Em hôn anh.
Phượng gác máy. Tôi bỏ hết việc đang làm dở, mở máy điện toán, đọc bức điện thư của nàng:
Anh Tâm yêu mến,
Em sợ nói qua điện thoại sẽ không hết ý của em. Anh hãy tạm hoãn chuyến bay này, và về thăm em và các con em một hai tháng sau anh nhé. Ý em muốn thế, để lúc mình gặp nhau lần tới, em hy vọng anh không giận em nữa.
Em đã suy nghĩ thật kỹ. Em và anh nên sống với nhau như hai người yêu thân thiết, như đôi tình nhân "tân tiến" thời bây giờ. Mình lập gia đình cùng nhau, mới nghe thì thật là lý tưởng, rất là thuận lý. Anh đã ly dị, chồng em không còn, mình lại "quen nhau từ những ngày xưa", lòng thương yêu và tình thân thiết chúng mình đã có từ lâu. Thế nhưng lập gia đình ở tuổi nào cũng vậy, là có ràng buộc, là có bổn phận, là có những kỳ vọng nơi nhau. Em đã sang Mỹ thăm anh, sống cùng anh nhiều tuần lễ. Có những điều vui và mới lạ, có những tiện nghi mà em không thể tìm được ở nơi đây. Nhưng có lẽ vì em đã đóng cội rễ ở miền đất thân thuộc tại Việt Nam này, xa nó em thấy như một cây bị rời bỏ cái gốc đang có. Sống với anh ở ngoại quốc chỉ hai tháng, em nhiều khi cảm nhận thấy những hụt hẫng, những hoang mang, những xa lạ, em không diễn tả nổi. Dù có anh ở bên, em chưa thấy cái hạnh phúc hoàn toàn, và em e ngại vì thế sẽ không mang tới niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn cho anh. Sống cùng anh tại Mỹ, em lại xa cha mẹ già, xa hai đứa con của em. Em cũng không muốn yêu cầu anh về luôn Việt Nam để sống cùng em. Mà dù có muốn cũng không được vì em hiểu rõ tư tưởng, ý nghĩ của anh về cuộc sống và xã hội bên này.
Em xin anh theo ý em, mình sẽ là "đôi tình nhân yêu nhau mãi", "sẽ mãi là tình nhân" như nhan đề một bản nhạc, những lúc ở xa nhau mà luôn nghĩ tới nhau, lúc gần nhau thì thật hạnh phúc... Ðôi khi em sẽ sang Mỹ thăm anh, và vài tháng anh lại về thăm em một hai tuần. Em vẫn là của anh. Mãi là của anh.
Yêu và nhớ anh,
Phượng
Tôi bị ngạc nhiên và ngẩn ngơ lúc đầu vì quyết định rất bất ngờ của Phượng. Tôi đã sẵn sàng đủ mọi thứ, cả vé máy bay, vài bộ đồ mới, cả nhẫn cưới cho nàng. Nhưng có người nói phụ nữ muốn là trời muốn. Và riêng tôi thấy nhiều khi phụ nữ muốn đúng, họ muốn có lý. Họ không bồng bột như một số nam giới trong đó có tôi. Suy nghĩ này của tôi thành thực chứ không phải nói ra để đề cao, để lấy lòng phụ nữ. Tôi cũng cẩn thận dùng chữ đôi khi để vừa lòng một số phái nam không đồng ý với tôi. Vả lại Phượng vẫn là của tôi, tôi vẫn là của nàng. Vì vậy, chỉ ngày hôm sau, tôi điện thoại cho biết tôi đồng ý theo đề nghị của nàng, không giận hay phiền trách gì nàng.
Lần thăm Phượng gần đây tại Hà Nội, trong một quán ăn bên Hồ Tây, nàng còn sợ tôi buồn. Ngồi cạnh bên tôi, Phượng nói nhỏ:
- Anh có phiền lòng về quyết định của em không?
Tôi nhìn Phượng, cầm tay nàng, đeo cho nàng chiếc nhẫn cưới. Chúng tôi coi như cưới nhau, không hôn lễ, không tiệc tùng, không hôn thú. Trao nàng chiếc nhẫn cưới rồi, mà Phượng vẫn sợ tôi còn buồn. Tôi nói vừa thành thực vừa như một lời khen tặng:
- Anh chỉ tiếc là không được nghe tiếng đàn dương cầm của em mỗi ngày.
Phượng có dáng vui vì lời tôi nói, nàng nhẹ nhàng trả lời:
- Anh không nên tiếc điều đó. Có một nhạc sĩ, bạn của Ðan Tâm, cho em một đĩa nhạc do anh ấy sáng tác và thực hiện. Em thích đĩa nhạc này, hòa âm và dòng nhạc khá lắm. Em cứ nghe hoài mỗi ngày, sau hai tuần thì bắt đầu thấy chán, không nghe nữa. Thế nhưng lâu lâu mới đem ra thưởng thức, thì lại thấy hay. Tiếng đàn em cũng vậy, để lâu lâu em sẽ đàn cho anh nghe.
Phượng làm đúng như điều nàng nói. Tôi biết Phượng vẫn luyện ngón đàn rất thường, có lẽ mỗi ngày. Có lần Phượng nói khi đàn dương cầm là lúc tâm hồn nàng đi theo dòng nhạc và được thảnh thơi nhất. Nhưng những ngày chúng tôi ở bên nhau như một đôi tình nhân vô cùng thân thiết, chỉ lâu lâu nàng mới đàn cho tôi nghe những nhạc bản tràn đầy những kỷ niệm ngày xưa.
Trần Văn Khang
(trích trong Tập Hai Bên Chiến Tuyến)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét