Đang lang thang tôi tình cờ tìm thấy những bức ảnh ấy trong Internet nhưng không biết ai là người chụp nó, cố gắng mãi tôi cũng không biết những cô cậu học sinh nhỏ ấy học trường nào mặc dù ở cổ áo dài trắng của cô có gắn huy hiệu trường, tôi chắc đó phải là một trường nữ nào đó, tất cả các bạn của cô đều mặc đồng phục trắng, và tuổi khoảng 11 hay 12 là cùng.
Cô có mái tóc ngắn uốn quăn, không một nỗ lực làm dáng hay chải chuốt nào. Cô đeo ở tai một cặp tòn ten, miệng cười chúm chím. Cô có cái nét tươi tắn hơn tất cả những người bạn cùng lớp trong ảnh. Ở tuổi đó, chắc cô đang học lớp đầu trung học, có thể là lớp Sáu. Có một điều lạ trong bức ảnh đó: cô có nét mặt rất miền Nam. Hỏi cái nét miền Nam đó là nét gì thì quả thực tôi không biết trả lời làm sao. Nhưng nhìn cô học sinh nhỏ ấy, tôi nghĩ ngay cô là một cô bé miền Nam. Hồn nhiên, hiền lành, đằm thắm. Cô cười, hai mắt cũng cười theo.
Tự nhiên khi xếp những chi tiết tưởng tượng đó lại gần nhau, tôi nhớ ngay đến một bài thơ đăng trong tờ Bách Khoa mà một người quen mua được ở Việt Nam khoảng hơn hai chục năm trước và cho lại tôi. Bài thơ ấy nguyên được tìm thấy trong tờ báo xuân năm 1975 của trường trung học Bùi Thị Xuân. Tác giả là một người tên Trần Bích Tiên, chắc là một nữ sinh Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Bài thơ nhan đề là “Nói Với Em Lớp Sáu”.
Bài thơ viết bằng 7 chữ có 9 đoạn 4 câu, tổng cộng 36 câu kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ buổi chiều ngoài phố. Cô học sinh lớp Sáu tung tăng chạy trước, tác giả Trần Bích Tiên đi sau. Tác giả nhìn cô rồi nhớ lại tuổi thơ trong lửa đạn của mình. Cha mẹ đã khuất, nhà cửa tan nát vì binh lửa, và người từng rót vào hồn tác giả những lời hạnh phúc ngày nào cũng không còn nữa. Tác giả muốn người bạn nhỏ mới quen cứ hồn nhiên, vô tư đuổi hoa bắt bướm như trong buổi chiều hai người quen nhau vì chính tác giả đã đánh mất cái thời hoa niên đẹp đẽ đó.
Câu cuối cùng “Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên” cũng làm nhớ một câu trong một ca khúc của Lê Trạch Lựu: “Đường đời anh muốn em còn mơ”.
Bức ảnh ít nhất phải được chụp từ hơn 40 năm. Cô học trò nhỏ đó ngày nay phải ở tuổi ngoài 50. Cô đang ở đâu nơi quê hương mù mịt đó? Cô có còn ở cái thành phố nơi cô đi học và lớn lên không? Đời sống của cô như thế nào? Cô có làm được như lời căn dặn của câu cuối trong bài thơ không? Và cả Trần Bích Tiên nữa. Cô có còn làm thơ nữa không? Thơ cô làm còn buồn như bài thơ cô viết cho báo xuân năm nào?
Gặp em rồi không quen em đâu
Chiều nay hai đứa về qua phố
Rất tự nhiên mà mình quen nhau
Em chạy tung tăng không mắc cỡ
Chị thì bước bước chậm theo sau
Tuổi mười hai chị xa vời quá
Chị gọi em chờ, em chạy mau
Này em lớp sáu này em nhỏ
Em hãy dừng chân một chút lâu
Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ
Tóc em thơm ngát mùi hương cau
Hương cau vườn chị xa như tuổi
Ba má chị nằm dưới mộ sâu
Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa
Chị đi về hai buổi âm u
Gặp em ngoài phố mình như bạn
Thời mộng trong bàn tay nắm nhau
Chị ngắt cho em hoa cúc nhỏ
Em cười cái miệng mới xinh sao
Ngày xưa chị cũng như em chứ
Cũng rất ngây thơ rất ngọt ngào
Chị nhớ mỗi chiều tan học sớm
Bạn bè đuổi bướm thật xôn xao
Những con bướm lượn trên bờ cỏ
Chị cũng như em chạy đuổi mau
Bây giờ bướm biệt trên đường phố
Em đuổi sương mù chơi chiêm bao
Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi muôn thuở không quên
Trời ơi câu đó ngày hôm trước
Ai rót vào hồn chị hỡi em?
Sách trên tay chị nghe chừng nặng
Sao cặp em đây vẫn nhẹ tênh?
Thôi nhé em về con phố dưới
Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét