Vào cuối năm 1988 làng văn nghệ Paris rất vui vì được tin nhà văn An Khê một cây bút lão thành, tính tình hiều hậu, khiêm tốn trong giới cầm bút trước 75 ở Sài Gòn mới từ Việt Nam qua Pháp định cư.
Nhà văn An Khê tên thật là Nguyễn Bính Thinh sinh ngaày 01 tháng 09 năm 1923 tại làng Tân An, tỉnh Sa Đéc, nhưng trưởng thành ở Rạch Giá Kiên Giang. Thời trẻ ông đã tham gia phong trào chống Pháp , năm 1941 bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn rồi bị đày ra Côn Đảo. Tháng 8 năm 1945, ông được chính phủ Trần Trọng Kim trả tự do đưa về đất liền cùng 122 chiến sĩ quốc gia khác. Năm 1952 ông vào quân đội Quốc Gia với cấp bậc thiếu tá và năm 1954 ông bị thương vì đụng trận với Việt Minh ở đèo An Khê thuộc tỉnh Bình Định bị hỏng cánh tay mặt, từ đó ông lấy bút hiệu An Khê và gõ máy một tay để viết tiểu thuyết Dã Sử VN. Nhà văn An Khê là một cây bút đã gia nhập vào làng báo VN từ đầu năm 1950 cho đến ngày 30. 04.1975 ngoài bút hiệu An Khê trước đó ông còn dùng những bút hiệu khác như: Cửu Lang, với những tác phẩm truyện dã sử: Xương Máu Phiên Ngung, Người Anh Hùng Mặt Sắt (Mai Thúc Loan), Đoàn Quân Ma (Trần Quốc Toản), Ngai Vàng Sụp Đổ,...
Bút hiệu Vân Nga viết loại truyện tình cảm: Ánh Sáng Đô Thành, Cây Kiếng Vàng.
Với bút hiệu Nguyễn Bính Long tên một người anh đã qua đời để viết về gián điệp.
Bút hiệu:Trương Thanh Vân viết về trinh thám.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước ông là nhà văn viết rất khỏe, chỉ trong một ngày ông viết cho 13 tờ nhật báo Sài gòn, mỗi tờ một truyện tình cảm lâm ly được nối tiếp hết ngày nay tiếp ngày mai.. Điểm đặc biệt là tình tiết trong mỗi câu truyện khác nhau, không nhầm lẫn mối tình của câu truyện này với mối tình của câu truyện khác. Do đó ông được các chủ báo lôi kéo để viết cho báo mình. Truyện của ông đuợc công chúng hâm mộ trong đó có tác phẩm “Người Vợ Hai Lần Cưới”, cuốn tiểu thuyết này đã được các soạn giả cải lương soạn thành những tuồng cải lương “Bơ Vơ,” “Tuyệt Tình Ca”, “Hai Chuyến Xe Hoa” do đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã trình diễn vang bóng Sài Gòn năm xưa. Tiểu thuyết của ông đăng trên các nhựt báo ở thủ đô. Năm 1966 ông làm chủ nhiệm nhụt báo Miền Tây là tờ báo đầu tiên của vùng, sau biến cố năm Mậu Thân tờ báo đình bản. Trước năm 1975 ông cộng tác với các tạp chí: Đời Mới, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Tiếng Chuông, Buổi sáng, Công Nhân, Dân Tiến, Vận Hội mới, Tin Sớm, Tia Sáng, Quyết Tiến, Thời Báo, Cấp Tiến, Dân Chúng, Dân Nguyện, Tiến…Đã viết khoảng 250 quyển tiểu thuyết, và đã in thành sách ở VN được 22 bộ. Ra hải ngoại vì tuổi tác và sức khỏe kém, nhất là cánh tay bị đau nhức nên ông chỉ viết được ít truyện ngắn cộng tác với một số báo ở hải ngoại như : Làng Văn, Tiểu Thuyết Nguyệt San, Văn Nghệ Tiền Phong, Viên Giác Ái Hữu và Ngày Mai. Năm 1993 Cơ sở Làng Văn (Canada) có giúp ông hoàn thành tác phẩm cuối đời cuốn hồi ký ngắn:Từ Khám Lớn Đến Côn Đảo.
Tác Phẩm:
Sóng Tình (Miền Nam, 1960)
Người Vợ Hai Lần Cưới (1961)
Vợ Kẻ Khác (Miền Nam, 1965)
Bơ Vơ (Tia Sáng, 1960-65)
Tình Tuyệt Vọng (Miền Nam, 1965)
Mối Tình Đầu (Miền Nam, 1965)
Hương Nhàn (Tia Sáng, 1966)
Cô Gái Tà Niên (Miền Nam, 1966)
Người Yêu Của X13 (ký Nguyễn Bính Long, NXB Trí, 1966)
X13 Trong Lưới Nhện (ký Nguyễn Bính Long, NXB Trí, 1966)
Đau Đớn Phận Giàu (1967)
Con Ma Dễ Yêu (Miền Nam,1967)
Bông Lúa Sa Mo (Miền Nam,1968)
Gừng Cay Muối Mặn (Miền Nam, 1969)
Máu Loang Biển Hồ (Miền Nam, 1969)
Tâm Sự Cô Gái Mù (Đại Hưng, 1969)
Người Yêu Lý Tưởng (Miền Nam, 1969)
Vợ Người Tử Tội (Miền Nam, 1969)
Nỗi Sầu Khuê Phụ (Đồng Nai, 1969)
May Rủi Một Chồng (Miền Nam 1969)
Chân Trời Nào Cho Em? (Đồng Nai,1971)
Món Nợ Tình Yêu (Mây Hồng, 1972)
Cưới Chồng (Mây Hồng, 1972)
Từ Khám Lớn... Tới Côn Đảo (Làng Văn, 1993)
Ở Pháp, giới nhà văn gốc miền Nam không nhiều, có thể kể ra như: An Khê, Hồ Trường An, Sĩ Trung, Nguyễn Thùy, Hà Ngọc Bích, Kiệt Tấn, Trần Trung Quân, Tiểu Tử, Võ Đức Trung, Đặng Đình Túy, Nguyễn Đại Thuật, Thanh Phương, Miêng, Huyền Châu, Diễm Thy, Phan Thị Trọng Tuyến, Đặng Mai Lan, Trần Thị Diệu Tâm, Quỳnh Dao, Hà Lan Phương... Thời kỳ tờ Báo Tiến đang bán chạy ở Sài Gòn do Ký giả Đặng Văn Nhâm làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, lúc đó nhà văn An Khê cộng tác viết truyện cháo báo Tiến, và nhà văn Tiểu Tử cộng tác với báo Tiến với vai trò họa sĩ và ký tên thật Võ Hoài Nam. Thuở đó nhà văn Hà Ngọc Bích đang là giáo sư các trường trung học và đại học ở Sài gòn, và hai nhà văn Hồ trường An và Sĩ Trung phục vụ trong quân đội VNCH.
Riêng nhà văn Võ Đức Trung ngày đó là công chức, sang Pháp ông định cư ở thành phố Lille ở cực bắc của nước Pháp. Ông là người chủ trương Thi Tập “Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Hải Ngoại” cùng với: nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, GS Nguyễn Thùy, GS Võ Thu Tịnh và nhà thơ Đỗ Bình. Nhà văn Võ Đức Trung rất qúy trọng nhà văn An Khê xem như thày, dù rằng chưa từng học An Khê viết văn , nhưng ông được nhà văn An Khê khuyến khích sáng tác và khuyên ông hãy giữ chất giọng miệt vườn miền Nam trong văn chương, đó là chất liệu đặc sắc đã làn nổi bật tính chất các nhân vật trong truyuện của những tác phẩm Võ Đức Trung. Do đó ông thực hiện một cuốn sách về An Khê mang tựa đề:“An Khê Nguyễn Bính Thinh Hoài Niệm”mà ông là chủ biên, cùng với sự góp mặt của nhiều người khác.
Trong sinh hoạt văn chương nhà văn An Khê xem nhà văn Bình Nguyên Lộc là ông thầy vì bút hiệu An Khê là do Bình Nguyên Lộc gợi ý lấy từ chứng tích địa danh trong đó có sự mất mát máu xương và lòng dũng cảm hào hùng để đặt cho tác giả và khuyên ông hãy viết loại tiểu thuyết tình cảm vì thể loại đó hợp với văn phong của An Khê hơn là những loại tiểu thuyết võ hiệp lịch sử hay trinh thám gián điệp.
Nhà văn An Khê tính tình hiền hậu, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nên tâm hồn luôn vị tha, bao dung, hòa ái. Ngay khi viết cuốn “Từ Khám Lớn Tới Côn Đảo” do Làng Văn xuất bản năm 1093, nhà văn An khê chỉ kể lại cảnh khốn khổ nghiệt ngã trong tù và sức chịu đựng của con người trong nhà giam, nhưng vẫn giữ được tấm lòng trung kiên với lý tưởng quốc gia, mà không hề đề cao hoặc đổ lỗi cho ai.
Dể trả lời một bài báo lúc đó đang gây xôn xao dư luận liên quan đến một cuốn hồi ký chính trị của một vị tướng thời đệ nhất Cộng Hòa, đăng trên tạp chí VNTP số 441 và 442. Nhà văn đã viết bài “ Xin Bạn Đồng Nghiệp Thận Trọng Ngòi Bút” ngày 16 tháng 8 năm 1994. Thuở ấy chưa có internet, ông gởi tập bản đánh máy bằng thư cho tôi. Một tháng sau ông từ trần! Không biết ông đã gởi cho báo chưa ?
Là một tín đồ Phật Giáo nhà văn An Khê quan niệm:“Người tu học đạo Phật để đạt đến Chân Thiện Mỹ hầu được giác ngộ giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, được tự tại vô ưu của bậc Toàn Giác, tức là Phật,tức là thấy được cái Phật tánh có sãn, nhưng vì vô minh, bởi lòng tham sân si đã che lấp nên con người mới khổ! ”
Ông tự nhận mình là kẻ đang tu học về Phật Giáo và chỉ mới lãnh hội được sơ đẳng, nhưng đã nhận thức được:
“Người tu học phải lấy từ bi hỷ xả làm đầu, lấy tình thương làm cho xã hội nhân loại thương yêu nhau hơn. Lấy ánh sáng trí tuệ làm cho xã hội, nhân loại bớt sân si lầm lạc mà thấy đâu là cái giá trị thật, đâu là phỉnh phờ giả dối. Lấy bình đẳng tuyệt đối san bằng bất công xã hội, nhân loại và làm cho cảnh giới ta bà này được sáng sủa , an vui hơn…Cứu cánh là vô thường, không, vô tướng, vô tác…”
Từ trước năm1975 ở Sài gòn và sau này ra hải ngoại nhà văn An Khê ngoài viết văn viết báo, ông còn rất hăng say trong sinh hoạt từ thiện có lẽ bắt nguồn từ nỗi mất mát của bản thân. Nếu đôi bàn tay của ông bình thường thì với tài năng và tâm hồn nhân ái đó chắc đã cống hiến cho đời nhiều tác phẩm hơn! Do đó trong sinh hoạt cộng dồng ông đã hướng về tình người hơn. Ông gợi ý cho tôi viết những bài về nạn nhân chiến tranh, những người bị chiến tranh cướp đi một phần thân thể! Lúc bắt đầu phát động phong trào yểm trợ thương phế binh VNCH ở hải ngoại rất khó khăn vì hầu hết những người tị nạn cộng sản vừa đặt chân đến xứ tự do đều e ngại hoặc nghi ngờ những ai liên hệ với những người trong nước! Do đó chúng tôi rất cần những cây viết yểm trợ trên mặt báo chí, nhà văn An Khê biết tôi thân với họa sĩ Hiếu Đệ, nhà báo Đặng Văn Nhâm, nhà báo Phạm Hữu (chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Chiến hữu), nhà báo Mạc Kinh (cựu chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Dân Chúng)… nên bảo tôi hãy nhờ các anh ấy viết bài yểm trợ phế binh. Thuở ấy làng báo chí ở Pháp còn thưa thớt, nhưng ở Mỹ báo chí Việt ngữ đang được mùa, rực rỡ như hoa. Mọi sinh hoạt cộng đồng bừng khí thế, hòa nhịp trong tinh thần tình bằng hữu thân thiện hướng về sự tự do cho quê hương.
Trước năm 1975 ở Sài Gòn giáo sư Đặng Văn Nhâm là chủ của nghiệp đoàn Báo Chí và là người “thân tín ” của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ từ thời Tướng Ký làm chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương cho đến tháng tư năm 1975, nhưng ra hải ngoại lại là cây bút phê phán Tướng Kỳ gay gắt trong cuốn “Bí Mật Hậu Trường Chính Trị Miền Nam“. Ngày đó GS Đặng Văn Nhâm vừa ra cuốn Đan Việt Đại Từ Điển được đông đảo đồng hương ở ÂuChâu đón nhận, nhưng ngoài việc chăm lo viết sách, ông còn hăng say trong sinh hoạt chính trị đảng phái. GS Nhâm thường xuyên từ Đan Mạch qua Paris sinh hoạt, và đã kết nạp BS Trần Duy Tâm làm thành viên, một người du học Pháp từ thập niên 50, hiện làm giám đốc đài radio Sài Gòn ở Paris phát thanh hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Đài được sự cộng tác của TS Trần Bình Tịnh, du học ở Pháp vào thập niên 50 hiện là chủ tịch Liên Minh Quốc Tế, gồm những trí thức người Đông Âu là những lãnh tụ nghiệp đoàn chống CS thuộc các nước Đông Âu, cùng một số người khác, trong đó có nhạc sĩ Trần Văn Trạch.
Riêng GS Nguyễn Tánh Đệ vừa ra tù và định cư ở Mỹ, ông đã từng là thày dạycho tôi vẽ và có thời từng là bạn tù nằm cạnh nhau. Ngày trước ở Sài Gòn chung đường phố nên đã được ông tặng cho bức tranh phong cảnh bằng sơn mài trước năm 1975 mà gia đình tôi còn giữ ở VN. Họa sĩ Hiếu Đệ sau khi bắt liên lạc với nhà văn An Khê hai người rất hợp nhau vì là bạn cũ, anh Hiệu Đệ là lớp đàn em của An Khê trong giới báo chí Sài Gòn tthời cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Ở Paris còn có họa sĩ Vương Đình Thư người nhiều năm cộng tác làm việc chung với họa sĩ Hiếu Đệ ở xưởng vẽ. Hiện anh Vương Đình Thư có giữ nhiều bộ tranh sơn mài qúy của họa sĩ Hiếu Đệ.
Chúng tôi: LS Phạm Thanh Dân, nhà Báo Nguyễn Cao, và tôi được nhà văn An Khê nhận làm anh em kết nghĩa nên gọi nhà văn An Khê là “Anh Hai”, trong giới nghệ sĩ việc xưng hô với nhau người ngoài nghe hơi nghịch nhĩ nhưng chúng tôi thì quen dù chúng tôi lại là bạn thân của cháu ruột ông là cựu thiếu tá Lực Lượng Đặc Biệt Nguyễn Bính Quang, mỗi lần chúng tôi gặp nhau ngôn ngữ vẫn tự nhiên.
Có thể nói nhà văn An Khê là người khởi xướng đầu tiên Phong Trào yểm Trợ Thương Phế Binh VNCH ở hải ngoại mà chúng tôi là những thành viên rất ít ỏi ban đầu trong đó có GS Lương Thị Nga, anh chị BS Nguyễn Văn Màu du học và định cư ở Pháp từ đầu thập niên 60 là những tấm lòng vàng. Thuở ấy rất ít những bài viết về thương phế binh, những lời kêu gọi tình người rất nhạy cảm dễ bị ngộ nhận, vì sau cuộc chiến có quá nhiều người bị thương tật do chiến tranh. Nhất là việc gởi tiền về quê nhà sợ bị ăn chận vì sự kiểm soát chặt chẽ của giới cầm quyền địa phương! Nhờ sự trong sáng và lòng chân thật đã giúp chúng tôi thêm nghị lực để phục vụ những người cựu chiến hữu còn đang sống vất vưởng trong chế độ hà khắc nơi quê nhà. Ngày ấy tôi phụ trách chủ bút nguyệt san Lính ở Paris, chủ nhiệm là cựu Trung Tướng Trần Văn Trung. Nhà văn An Khê từ Marseille lên Paris thăm tôi và mời tôi cùng ông đi vận động giúp cho anh em phế binh VNCH còn nơi quê nhà. Nhiều lần từ Paris xuống Marseille thấy anh An Khê cặm cụi gõ máy, ngón tay của anh bị chảy máu chúng tôi thấy xót xa! Hiểu lòng chúng tôi anh nói:
“Xá gì chút máu các chú ơi! Anh em phế binh bên nhà còn khổ gấp trăm ngàn lần nữa! Chỉ có chúng ta bị thương tật nên mới thông cảm được những mất mát của anh em.”
Câu châm ngôn “Lá lành đùm lá rách ” bỗng có một ý nghĩa sâu sắc xoáy vào vào hồn tôi nên tôi đã thêm vào:“ Lá rách đùm lá nát” để tự an ủi mình trên con đường làm việc nghĩa. những bài viết của chúng tôi đã động lòng những người đồng hương ở Pháp và Âu Châu nên đã được hưởng ứng lời kêu gọi. Chiến hữu Nguyễn Quang Hạnh là một khuôn mặt tích cực trong giới đấu tranh thuở đó, anh là đàn em thân tín của cựuTrung tướng Nguyễn Chánh Thi, vì thận trọng sợ tôi bị chụp mũ nên anh hết sức ngăn cản. Với tấm lòng thành tôi đã kêu gọi được lương tâm của những người đã có một thời từng ở đơn vị tác chiến hiện đang cư ngụ ở Pháp và cựu thiếu tá Nguyễn Quang Hạnh từ chống đối đã chuyển sang nhận trách nhiệm làm hội trưởng Hội Bạn Của Thương Phế Binh VNCH, và tôi lấy tựa bài thơ của mình đặt tên cho tờ báo là Nạng Gỗ:
"Ngày tháng trôi đi buồn vẫn đọng
Trên dòng chinh chiến đã rêu phong.
Súng gươm lặng lẽ vào quên lãng,
Khấp khểnh đường chiều, chiếc nạng cong!"
(Nạng Gỗ)
Đó là tiếng nói chính thức của hội, từ đó cho đến hôm nay đã gần ba mươi năm. Những người tích cực trong hội là các anh Nguyễn Quang Hạnh, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng,GS Nguyễn Vô Kỷ, GS Nguyễn Ngọc Chân, BS Nguyễn Bá Linh, nhạc sĩ Minh Nhật, ca sĩ Kim Nga.. .vv…đã không quản ngại thời gian, tiền bạc, làm công việc chia sẻ Tình Thương để tổ chức những bữa tiệc tình thương lấy tiền giúp cho những người có một thời là lính đã vì quê hương mà bị thương tật. Tiếng thơm đồn xa, vì là việc nghĩa nên đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đồng hương đến tham dự chia sẻ và giúp đỡ. Những tấm lòng nhân đã không phân biệt tuổi tác, nam nữ đã cộng tác nhiệt thành như: Nhà văn nữ Hà Lan Phương, nhà thơ nữ Kim Lan, nhà báo Ca Dao, chị Nguyễn Quang Hạnh, anh Jean Tài, những ca sĩ, nghệ sĩ Paris và nhiều nhà hảo tâm ẩn danh…Ttrong đó phải kể BS Phan Minh Hiển và GS Nguyễn Văn Huy những người chưa một lần mặc áo lính, nhưng thương những người đã vì tự do và quê hương mà mất đi phần thân thể. Hai người này đã viết một cuốn sách:“ Những Mảnh Đời Rách Nát” nói về sự khốn cùng của người phế binh VNCH còn lại trong nước, cuốn sách gây động lòng người làm rơi bao nước mắt. Có lần chúng tôi : Nhà văn An Khê, LS Phạm Thanh Dân, GS Lương Thị Nga và tôi đi vận động ở các tỉnh miền Nam nước Pháp, trên đường trở về nhà anh An Khê lúc gần sáng, chị Lương Thị Nga vì lái xe đường xa đưa chúng tôi đi nhiều ngày nên quá mỏi mệt, lúc về xúyt nữa xe rơi xuống đèo! Khi phong trào phế binh ở hải ngoại được mọi người chiếu cố tôi tự ý rút lui, và cũng rời khỏi tờ nguyệt san lui về đọc sách. Thuở đó chỉ có hai nhóm ở hải ngoại tiếp xúc với Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ở Thụy Sĩ và được đón tiếp tại hội trường, nhóm thứ nhất là Ủy Ban Quyền Làm Người của ông Võ Văn Ái thường xuyên ra vào Cao Ủy Liên Hiệp Quốc tranh đấu; nhóm thứ hai là chúng tôi mà GS Lương Thị Nga là phát ngôn viên, vì thông thạo nhiều thứ tiếng nên tiếp xúc nhiều nhất với Cao ủy Liên Hiệp Quốc.
Vào thu năm 1994 nhà văn An Khê từ giã cõi đời tại Marseille, ở Paris chúng tôi đã làm buổi lễ tưởng niệm nhà văn An Khê được hầu hết các anh chị văn nghệ sĩ báo chí đến tham dự. Ít lâu sau GS Lương Thị Nga cũng về miền vĩnh hằng! Trước khi mất nhà văn An Khê gởi cho tôi thư và bài viết về những sự việc cũ của đất nước thời VNCH, đó là cái nhìn về thời cuộc phản ánh tâm thức bắt nguồn từ lòng nhiệt huyết và nghề nghiệp qua lăng kính một nhà cách mạng muốn thay đổi xã hội, một nhà báo luôn đi tìm sự thật, một nhà văn tìm cái đẹp cho đời và một người lính luôn trung thành với tổ quốc. Việt Nam trớc năm 1975 là một đất nước bị chiến tranh và bị phân đôi bởi lằn ranh ý thức hệ và miền Nam đang bị họa cộng sản xâm lăng phải giữ từng tấc đất, và trước sự mất còn đó có cần thiết làm một cuộc cách mạng thay đổi để dân chủ hơn?
Cả đời viết văn làm báo nên nhà văn An Khê chỉ nghĩ đến cái thiện, cái đẹp và chỉ muốn đi tìm sự thật. Nhưng có những sự thật bị che dấu, những gì xảy ra ở hiện trường nhiều khi được dàn dựng! Những sự thật bình thường thì ông có thể đến quan sát để làm phóng sự, nhưng có những sự thật liên quan đến bí mật quốc gia thì ông sẽ không bao giờ được đến, và sự việc chỉ được hé mở thời gian sau này do ngưởi trong cuộc tiết lộ! Trong lãnh vực văn chương ông khởi đầu bằng thể loại tiểu thuyết võ hiệp, dã sử, loại tiểu thuyết võ hiệp ông có thể tưởng tượng, dàn dựng một mẫu người anh hùng và những chiêu pháp độc đáo nhưng trên đời sẽ không thể tìm thấy! Viết về thể loại dã sử là dựa trên ký ức lịch sử lưu truyền trong dân gian, muốn tăng giá trị phải nghiên cứu thêm về chính sử để chứng minh đòi hỏi ngườiviết phải mất nhiều thời gian, mà thì giờ của ông đã dành cho các báo! Thời gian trôi đi, biết bao sự việc thay đổi nhưng chỉ có tấm lòng yêu nước là cao cả và tuyệt vời. Ông vẫn giữ mãi những hình ảnh người Lính trong trái tim, cho dù dù ông vào quân đội không lâu, nhưng thương tật chiến tranh đã theo ông từ thời tuổi còn trẻ đến khi lìa đời về cõi khác.
Người xưa đã nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, nhà văn An Khê may mắn còn đôi mắt sáng dể nhìn đời dù đôi tay không còn lành lặn nhưng con người ấy có quả tim nhân hậu nồng thắm tình người và không rthù hận. Ngay từ thuở còn viết văn làm báo ở quê nhà dù được nổi tiếng và tiểu thuyết bán chạy nhưng ông không chăm chú làm giàu mà đã dùng ngòi bút của mình và vận động những cây bút khác, tiếng nói của giới báo chí đã mang nhiều quyền lợi cho anh em thương phế binh. Sau năm 1975 dưới chế độ cộng sản những tiếng nói của giới báo chí năm xưa tắt thanh chết trheo mệnh số của nền tự do dân chủ còn non trẻ! Nhà văn An Khê cũng bỏ bút, bị tắc tiếng nhưng tấm lòng của ông vẫn rộng mở, vẫn chia sẻ với bằng hữu chút vật chất mà ông may mắn nhận được do người thân ở nước ngoài gởi về. Ra được xứ người niềm hoaài bảo cuối cùng của ông là tiếp tục được giúp đỡ những người cựu chiến binh Cộng Hòa năm xưa bị tàn phế nơi quê nhà , họ khốn khổ hơn nhiều người khác vì không che dấu được những chứng tích thương tật tàn dư của chiến tranh giữa một xã hội mới. Chiến nạng gỗ còn bị thời gian làm cong, huống chi tấm thân của phế nhân! Là kẻ ở lại quê nhà nên nhà văn An Khê đã thấm thía và thấu cảm cảnh nghèo nên đã hết lòng vì hai chữ “chia sẻ”với những người cùng cảnh ngộ.
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét