Đa số các cô gái và cả tôi của thời tuổi trẻ, nhìn vẻ đẹp người phụ nữ, chỉ dựa vào ngoại hình. Trau chuốt đôi mày thêm sắc, uốn rèm mi cho cong, dậm đôi má tươi hồng, tô bờ môi thêm mộng. Thân hình gợi cảm với đôi chân dài, dáng uyển chuyển, chiếc lưng thon, bờ vai mỏng, hầu thu hút cái nhìn của những gã tình si, mà quên đi sự thông mình và cá tính riêng của một người nữ...
Riêng dưới mắt má tôi…
Má, một phụ nữ nông thôn, học hết bậc Tiểu học, là bậc cao nhất của thời con gái lúc bấy giờ. Vậy mà, tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác với lối giáo dục của má.
Từ lúc chúng tôi còn bé, má lo từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy điều hay, tránh xa thói hư tật xấu. Con ngày một lớn, má hướng dẫn, trau dồi sự trung thực về lời nói, hành động qua cách ăn, nói, gói, mở. Biết tôn trọng người khác, kính trên nhường dưới, không trọng kẻ giàu sang mà khinh khi người nghèo khó, kém học hơn mình.
Má dạy con vun đắp tình yêu thương qua tính bao dung, độ lượng, vị tha. Dạy “Người ta ăn còn, mình ăn hết. Kẻ thù đôi khi là người ơn của mình”. Dạy con trai, dù không đội đá vá trời, nhưng làm trai cho đáng nên trai. Phận gái, không chỉ trau chuốt nhan sắc mà quên trau dồi công dung ngôn hạnh.
Sống trong một gia đình, dù không giàu có, lên xe xuống ngựa như nhà người, nhưng hạnh phúc, êm đềm như dòng nước chảy xuôi. Bỗng đất trời nổi cơn gió bụi. Từ mùa hè chia xa 1975 và những năm sau đó, đại gia đình chúng tôi như đàn chim buộc vỡ tổ. Ba má đã đau lòng, bứt ruột để các con chọn lựa phương hướng, chọn cái chết hầu tìm bến bờ tự do nơi phương trời xa lạ.
Trên đất khách...
Không biết má giáo dục mỗi đứa con như thế nào, nhưng điểm đặc sắc nhất, rõ ràng nhất, tôi vẫn còn tìm thấy nơi 10 anh chị em đã thành gia thất của chúng tôi. Đó là, những buổi họp mặt gia đình vào dịp Tết hay giỗ quảy, trong lúc trà dư…, tôi chưa hề nghe, các anh chị, các em trai gái phàn nàn, lời ra tiếng vào về vợ, chồng hay gia đình bên người phối ngẫu. Nếu cần mang ra “soi mói” chăng, thì... chỉ là phàn nàn về ông anh, bà chị hay về các em ruột rà của mình mà thôi.
Sau những năm tháng chia ly, có mầm hội ngộ! Và như mơ, vào một ngày, bầy chim con như được quay về tổ, khi ba má sang Úc định cư, năm 1984. Dòng đời cứ thế...êm ả. Nhưng quy luật đất trời không tránh khỏi, mười lăm năm sau, ba đã vĩnh viễn ra đi, má ở lại căn nhà của một thời với ba, vẫn giữ cương thường của một người vợ, vẫn chu toàn bổn phận của một người mẹ dạy dỗ con, dù các con của má tuổi đời khá lớn, có cả con đàn cháu đống.
Ngoài những thú vui tiêu khiển má tự tìm cho riêng mình, má thường quanh đi quẩn lại, sang viếng đứa con này, thăm nhà đứa con khác. Có lần má đến nhà tôi, ở lại vài hôm. Sau bữa cơm chiều, hai má con... cùng thủ thỉ, nhắc nhớ chuyện xưa chốn quê nhà hay lúc chân ướt chân ráo nơi đất khách. Đang lúc ấy, đôi mắt tôi thả rong quanh phòng khách. Bỗng… tôi ngồi bật dậy, vừa đưa tay sửa lại những bức tượng đang chưng bày, vừa thì thầm đủ nghe.
- Mấy đứa con của con phá quá! Các bức tượng này, cái nào chúng cũng sửa... quay lưng ra phía trước. Con đã sửa lại hôm qua mà hôm nay cũng vậy...Má từ tốn kèm với nụ cười hiền...
- Má đó con!
- Má đã sửa, chứ không phải các cháu đâu. Con biết không, phụ nữ cần phải kín đáo một chút mới đẹp.
Tôi bật cười thành tiếng…
- Má ơi, bức tượng mà cũng cần kín đáo nữa sao má!?
- Ờ! Phụ nữ đẹp, cần phải kín đáo.
Từ dạo đó đến nay, đã mấy mươi năm qua, những bức tượng tôi yêu thích, thích ở đây, không phải vì đắt giá mà vì là quà của người em trai quá cố đã tặng riêng cho tôi với tiếng lời khó quên … “chỉ ông bạn* mới có đó nghe” hoặc nét riêng của mỗi bức tượng chính tôi chọn mua. Tất cả các bức tượng được tôi “xoay lưng” ra ngoài. Có lẽ vì má đã nhìn được cái đẹp của người nữ qua hai chữ kín đáo, mà 6 đứa con gái của má, ai cũng ăn mặc “kín mít”.
Hôm nay, 20 năm má đã xa anh chị em chúng tôi. Đưa mắt nhìn quanh những bức tượng, vị trí cái nào cũng đặt “xoay lưng”. Nhớ về má, người đã cho tôi nhận chân cái đẹp của sự kín đáo. Nhìn kỹ vào từng bức tượng, rồi ngẫm lại, chẳng phải từ thuở thiếu thời và tận bây giờ, tôi đã từng thích...nhìn các cô gái trong tà áo dài thướt tha, từng thích vẻ đẹp với chiếc lưng thon thon, bờ vai nghiêng nghiêng nắng đó hay sao.
Suy ra cái đẹp của người nữ là do đâu? Và được xác định như thế nào? Nhan sắc bên ngoài hay cái đẹp sâu thẳm trong tâm hồn? Người có ngoại hình đẹp, khác nào nhận được món quà, được phúc báu từ trời ban cho. Bởi, cái đẹp đẽ gây được ấn tượng cho người khác, từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, sự dịu dàng, đoan trang, hiền lành, thật thà, nhân hậu, biết quan tâm đến người khác, dù không được phơi bày rõ ràng, dù ẩn kín bên trong, nhưng mang một giá trị cao và tồn tại với thời gian. Và má chúng tôi, chính má đã mở tầm mắt và rót vào lòng tôi, cho tôi biết thế nào…, biết chiêm ngưỡng điều gì…, biết nhận chân ra sao về...vẻ đẹp của người nữ qua sự kín đáo.
Kim Phượng
24.9.2022, Ngày giỗ thứ 20 của má
*“Ông bạn”, hoặc gọn lỏn là “sáu”, ngôi thứ trong gia đình. Đó là tiếng lời cậu em dành cho tôi, chưa 1 lần gọi tôi bằng “chị”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét