Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Dã Vọng 野望 - Đỗ Phủ




Nguyên bản                 Dịch âm

野望(清秋望不极) Dã Vọng (Thanh Thu Vọng Bất Cực)

清秋望不极 Thanh thu vọng bất cực
迢遞起層陰 Thiều đệ khởi tằng âm
遠水兼天淨 Viễn thủy kiêm thiên tĩnh
孤城隱霧深 Cô thành ẩn vụ thâm
葉稀風更落 Diệp hi phong cánh lạc
山迥日初沈 Sơn quýnh nhật sơ trầm
獨鶴歸何晚 Độc hạc qui hà vãn?
昏鴉已滿林 Hôn nha dĩ mãn lâm

Đỗ Phủ

Chú giải: Thiều: xa. Đệ: truyền đi. Thiều đệ: xa xôi. Tằng: tầng. Âm: (khác với dương): trời không mưa, không nắng. Tĩnh: yên lặng. Vụ: sương mù. Cánh: lần lượt. Quýnh: rất xa. Vãn: buổi chiều, muộn. Hôn: hoàng hôn. Nha: con quạ.

Dịch thơ

Ngắm Cảnh Hoang Vu (Thu trong nhìn vô tận)

Hơi thu trong suốt nhìn vô tận
Lớp lớp mây xanh vẽ chân trời
Mênh mông trời nước cùng tĩnh lặng
Khuất dạng cô thành sương đầy vơi
Lá cây rời rạc rơi trước gió*
Vừng ô trầm lặn núi xa xôi
Cánh hạc cô đơn về đâu vậy?
Quạ đậu đầy rừng ánh chiều phai

Lời bàn:

Bài ngũ ngôn bát cú này quá xúc tích. Có một số chữ Hán rất khó dùng một chữ Việt tương đương để dịch cho đủ nghĩa. Bài dịch đành thay thế bằng thể thất ngôn bát cú. Hãy lấy câu thứ 5 làm thí dụ: nếu dịch 5 chữ của của nguyên bản thành 5 chữ Việt như lá rỡn gió rụng hết thì vừa không diễn tả được nét tượng hình của lá rơi, vừa không thành thơ. Con Cò bèn phịa ra 3 chữ (r) đứng liền nhau (rời rạc rơi)* rồi kéo dài câu 5 chữ của nguyên bàn thành một câu 7 chữ của mình: Lá cây rời rạc rơi trước gió. Xin Lỗi Đỗ Phủ nhé, tài năng của Cò chỉ có bấy nhiêu, ông nên tìm người giỏi ngũ ngôn hơn để dịch bài này.
Nghĩa đen rất ngoạn mục và hùng vĩ. Nghĩa bóng còn phong phú hơn nữa. Trước mặt là cảnh thu trời nước mênh mông (ý nói thế sự đa đoan vượt khỏi tầm mắt của mình). Sau lưng là thành quách cô đơn che lấp bởi sương mù (ý nói vua bị bọn tham quan che mắt). Qụa (quan tham ô) thì đậu đầy rừng. Một con hạc cô đơn chả biết bay về đâu? (một mình ta đơn độc thì làm được gì được?)
Rất thâm thúy. Rất cảm khái. Rất thi vị.

Con Cò
***
Ống Cò luôn luôn giữ đúng thể thơ của nguyên tác, kỳ này sao lại đổi ý lấy bẩy thay năm Lạc Thủy trái lại ưa thể thơ cô đọng cứ giữ ngũ ngôn bát cú cổ phong của Đỗ Phủ để độc giả có thể phóng túng theo ý mình có lẽ cũng vui vui :

Hoang Vu

Tiếng thu vang vô tận,
Mây xanh tới chân trời ...
Không gian sao tĩnh lặng?
Thành cũ vẻ chơi vơi ...
Lá cây bay trước gió.
Kim ô lặn xa vời.
Hoàng hạc bay đâu vội?
Quạ đầy rừng chiều phơi

LTĐQB
***
Đồng Vọng

Thu trong nhìn mút mắt
Bao lớp rợp màn râm
Nước thẳm pha trời tạnh
Thành cô sương khuất tầm
Lá thưa theo gió rụng
Núi nổi ngày u trầm
Hạc lẻ về sao trễ?
Quạ chiều núi rộn âm!

Lộc Bắc
***
Phỏng Dịch:

Ngắm cảnh đồng quê.
Thu trong nhìn bát ngát,
Thăm thẳm khí mờ đầy.
Nước khắp nơi trời lặng.
Thành côi ngập sương bay,
Lá rơi theo cánh gió,
Nắng tắt núi chân mây.
Hạc lẻ về đâu muộn?
Quạ đêm rừng đậu đầy.

Mỹ Ngọc 
Aug. 13/2022.
***
Nguyên Tác: Phiên Âm:

野望 - 杜甫   Dã Vọng - Đỗ Phủ

清秋望不極 Thanh thu vọng bất cực
迢遞起曾陰 Điều đệ khởi tằng âm
遠水兼天淨 Viễn thủy kiêm thiên tịnh
孤城隱霧深 Cô thành ẩn vụ thâm
葉稀風更落 Diệp hi phong cánh lạc
山迥日初沈 San huýnh nhật sơ trầm
獨鶴歸何晚 Độc hạc quy hà vãn
昏鴉已滿林 Hôn nha dĩ mãn lâm

Ghi Chú:

Điều đệ: xa xôi (điều: xa, đệ: truyền đi)
Bất cực: vô cùng tận
Tằng âm: tầng mây chồng chất lên nhau
Kiêm…. tịnh: cùng yên lặng, tịch mịch
Vụ thâm: sương mù dày đặc.
Quy hà vãn: đi về đâu lúc chiều muộn
Hôn nha: quạ đen vào đêm.

Bài thơ thơ luật ngũ ngôn rất chỉnh về luật, niêm, vận và đối chiếu nên khó dịch xác nghĩa và đúng niêm vận. Xem câu 3 và 4, và câu 5 và 6 đối nhau về thanh, từ và ý.

Viễn thủy kiêm thiên tịnh đối với:
Cô thành ẩn vụ thâm

Diệp hi phong cánh lạc đối với:
San huýnh nhật sơ trầm

Trong 8 câu thơ, 6 câu: 1, 2, 3, 6 ,7 và 8 nói lên sự xa xôi, rộng lớn, vô tận.

Ngắm Nhìn Khoáng Dã

Thu sáng ngắm khôn cùng
Chân trời mây chập chùng
Nước trời cùng tĩnh mịch
Thành cổ khuất trong sương
Lá rời rạc theo gió
Núi mờ trời lửng lưng
Hạc chiều về xóm vắng
Quạ tối đậu đầy rừng.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

Qua bài thơ tôi có cảm tưởng nhà thơ nói lên một tâm hồn cô đơn trước một cảnh trời đất hoang vu, còn thật sự vì lời giới thiệu của Bồ Tùng Bảo tôi tìm mãi cũng không thấy yêu tính hay tinh khí ẩn dấu ở chỗ nào cả. Thế mới biết mỗi người cảm thông với tác giả một khác.

Hoàng Xuân Thảo
***
Góp ý :

BS đồng ý với anh Khôi. Đỗ Phủ có thiếu gì bài hay mà ÔC chọn một bài rất khô, BS loay hoay hoài, không dịch nổi, thật ra là không mấy hứng thú. Chỉ có 2 câu chót làm BS thông cảm với nỗi cô đơn, nỗi khổ của Đỗ:

Độc hạc quy hà vãn.
Hôn nha dĩ mãn lâm.

Mấy đứa thấp hèn (hôn nha) sao đầy dẫy, người thanh cao thì cô độc (độc hạc). Mấy ngàn năm trước và bây giờ sao giống nhau!

Bát Sách.
***
Góp ý:

Kẻ đi hoang đã về.

Tại hạ cũng xin tự nhận là kẻ đi hoang đã về - như một lời giải thích cho sự im tiếng những ngày qua, vì mấy tuần nay bận hầu tiếp khách quý từ phương xa nên không muốn phân trí đọc thư và tin tức quanh ba tuần nay.

Theo các ý kiến trên mạng Bách Độ, Đỗ Phủ làm bài thơ này trong thời loạn An Lộc Sơn (năm thứ hai của Đường Túc Tông) và Đỗ Phủ muốn đến Lạc Dương, lúc đó đã bị An Lộc Sơn chiếm; có thể rằng cho dù lúc đó Tràng An đã trở thành kinh đô của nhà Đường, họ Đỗ vẫn nghĩ đến Lạc Dương như là đất thần kinh. Nhìn trong bối cảnh đó, tựa đề 野望= Dã Vọng, và ba câu cuối tả tâm tình nuối tiếc cố đô Lạc Dương giờ chỉ còn vang bóng một thời!

Cũng nhìn trong bối cảnh đó, con hạc cô đơn trong câu 7 không ai khác hơn là nhà thơ họ Đỗ không biết nơi đâu là nhà, không phải vì lạc đàn (cho dù hạc thường thấy nhiều con trong một vùng khi kiếm ăn hay ngủ đêm - và hôm qua là lần đầu tiên tôi thấy hạc (white heron) lội đầm săn mồi trong nước biển phía đông của vịnh San Francisco - chúng không phải là loài chim có đời sống cộng đồng như ngỗng hay quạ), nhưng vì không biết nên đi về đâu trong lúc quân của An Lộc Sơn đang hăm dọa kinh đô Tràng An của nhà Đường. 鸦=nha dĩ nhiên chỉ đoàn quân của ALS và 昏=hôn nói về buổi hoàng hôn của Đường Huyền Tông, được người đời sau biết đến dưới thụy hiệu Đường Minh Hoàng cho dù y chằng minh chút nào! Từ 林=lâm cuối bài thơ có thể là lối họ Đỗ hình dung Lạc Dương, không còn là chốn phồn hoa đô hội mà đã trở thành hoang phế, đang dần bị cây rừng bao phủ.

Huỳnh Kim Giám



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét