Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Tình Quê Hương Trong Thơ Vũ Hối (Ngô Tằng Giao)


Danh họa Vũ Hối là tác giả nhiều tập thơ, truyện ngắn và thư họa. Riêng hai tác phẩm "Chiêm Bao Trở Giấc" (1997) và "Nghìn Thương Đất Mẹ" (1999) đã được giới thiệu trong một buổi ra mắt sách vào năm 2000 tại Virginia với diễn giả là Luật sư Ngô Tằng Giao. Dưới đây là bài nói chuyện của diễn giả.

Danh họa Vũ Hối là tác giả tập "Chiêm Bao Trở Giấc" (Thơ, xuất bản năm 1997) và "Nghìn Thương Đất Mẹ" (Thơ và Thư Họa, xuất bản năm 1999). Trong "Lời Tựa" để giới thiệu tác phẩm của Vũ Hối, giáo sư Nguyễn Thùy viết: "...Vũ Hối là một tài danh biệt lệ và đa diện. Ở người tổng hợp cả Hội Họa, Thư Họa, Văn Thơ và Nhiếp Ảnh...".

Trong buổi ra mắt sách ngày hôm nay tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ trong cái "đa diện" trên mà thôi, đó là "Tình Quê Hương" trong thơ Vũ Hối. Bàng bạc trong tác phẩm của mình Vũ Hối đã bộc lộ một lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc rất thiết tha, rất nồng nàn.

Người dân Việt chúng ta nói chung ai cũng có lòng yêu quê cha, đất tổ. Bởi thế khi phải bắt buộc rời xa đất nước như chim lìa tổ, như lá lìa cành, Vũ Hối đã rơi lệ và thốt lên những lời ai oán ngậm ngùi:

- "Ngày ra đi, cây buồn ủ rũ
Gió heo may, lá úa, ngậm ngùi
Mòn lối cũ, thương từng hàng sỏi
Mưa bay bay! Sao bỗng sụt sùi"
(Ngày xa quê)

- "Rớm nước mắt,
ngày rời quê Mẹ
Chết lặng nửa người
đếm tái tê!
Lững lờ
mây trắng buồn tang chế
Hành trang gói trọn,
mảnh tình quê!"
(Bâng khuâng, cỏ úa)

Cái lý do chính khiến Vũ Hối phải bỏ nước ra đi cũng như biết bao người khác, trong đó lắm thân xác con dân đất Việt đã bị vùi sâu thê thảm nơi lòng biển cả, đó là quyền được sống tự do chân chính đúng với danh nghĩa một con người. Vũ Hối đặt bút viết những lời thơ ca tụng tự do:

- "Nàng Tự Do ơi!
Nàng hãy về nhé!
Cho bao người
Lại thấy nụ cười
Cho ta thấy
Màu xanh trên mái tóc
Và nụ hôn đầu
Còn lại mãi trên môi"
(Gửi nàng Tự Do)

Tuy đã đến được bến bờ tự do nhưng trong cuộc sống tạm dung nơi đất khách lòng người dân Việt ly hương luôn cảm thấy chán chường, xót xa, nhớ nhung về chốn cũ. Người ly hương ở khắp năm châu, bốn biển thấy tình hoài hương dào dạt. Khi thì tuôn trào theo màn mưa nơi xứ lạ:

- "Xót xa thân phận ly hương
Tạm dung đất khách chán chường người ơi!
Sầu nghiêng cuối nét lệ rơi
Năm châu lê bước, chơi vơi nỗi buồn
Nhớ quê, cuối giọt mưa nguồn
Cơn mưa xứ lạ, mưa tuôn vào hồn..."
(Cuối giọt mưa nguồn)

Khi thì tan loãng hội nhập vào vạt nắng chiều, vào bóng đêm thâu nơi xứ người với niềm nhung nhớ suy tư như gội trắng mái đầu:

- "Nhuốm sương mái tóc phù sa
Nắng chiều nghiêng bóng, quê ta ngút ngàn
Đêm buồn lạc xứ, dở dang
Xót thân ly khách, ngỡ ngàng đơn côi
Đâu còn mặn một bờ môi
Nỗi đau, tóc bạc như vôi, đất người!"
(Cuội đá tương tư)

Khi thì dâng tràn theo ánh trăng khuya và dù cảnh vật thiên nhiên có đẹp đẽ thơ mộng biết mấy cũng không sao khỏa lấp nổi nỗi buồn xa xứ:

- "Sông dài, trời rộng, núi cao
Trăng khuya vời vợi dạt dào tình quê
Buồn xa thấp thoáng đi về
Vi vu gió núi nặng thề nghĩa sông!"
(Bức tranh sông núi)

Trong nhung nhớ nhà thơ đôi khi lại để lòng mình trùng xuống và theo gót người xưa mà "dụng tửu phá thành sầu", mượn chút hơi men để tạm thời làm dịu lắng tâm tư trong những lúc chiêm bao trở giấc, chập chờn trong cõi mộng:

- "Chiêm bao trở giấc tỉnh, mê
Đèn khuya hắt gió, tái tê, lay sầu
Nghẹn ngào, vạn nẻo về đâu?
Cứ xem nhẹ tựa qua cầu gió bay
Người yêu dấu hỡi! cùng say
Tình ru cõi mộng, quên ngày tha hương..."
(Chiêm bao trở giấc)

Nhưng trong lúc say tình, say mộng như vậy lòng quê vẫn chập chờn ẩn hiện. Nhà thơ nhớ về cái vị cay cay của chút rượu đế, thường được gọi là "nước mắt quê hương", nhớ về cái cảnh quê đơn sơ nơi quán lá:

- "Quê Mẹ, hết mùa mưa chưa nhỉ
Sao mắt anh, vướng lệ mưa rơi
Nhớ cốc đế, chiều mưa quán lá
Mãi trong anh, nỗi nhớ chơi vơi!"
(Chơi vơi nỗi nhớ)

Thành phố Sài Gòn, thủ đô cũ của miền Nam, của vùng đất tự do thuở trước thường được tất cả những người ly hương nhắc nhở đến dù nay thành phố đã bị đổi tên:

- "Nghe hai tiếng Sài Gòn rưng rưng nước mắt
Ôi! Sài Gòn ơi! Sài Gòn biết mấy thân thương
Sài Gòn ơi! Sài Gòn! Ta ngồi ôm kỷ niệm
Sài Gòn đổi tên, thành phố đổi tên đường!...

"Ta vẫn mơ, Sài Gòn chiêm bao trở giấc
Ngày vui nắng mới, Sài Gòn, một ngày mai
Sài Gòn ơi! Sài Gòn không còn lận đận
Sài Gòn một đời! Sài Gòn e ấp tương lai!"
(Sài Gòn ơi! Thành phố kỷ niệm)

Trong lòng mỗi người dân Việt xa xứ ngoài hình ảnh chung về quê hương đất nước thường bao giờ cũng có ghi lại đậm đà trong tim hình ảnh riêng của một địa danh. Một địa danh mà mình đã ấp ủ biết bao kỷ niệm riêng tư yêu dấu.

Nơi chốn đó có thể là Hà Nội của miền Bắc, có thể là Sài Gòn của miền Nam hay Huế của miền Trung v.v...

Vũ Hối người con dân của xứ "Ngũ Phụng Tề Phi" như nhà thơ viết:

- "Người hỏi: quê quán anh đâu hỉ?
Nhỏ nhẹ thưa: "Tôi đất Quảng Nam"
Miền đất anh: "địa linh nhân kiệt"
Dân xứ Quảng, truyền thống hiên ngang!"
(Ngũ phụng tề phi)

Vũ Hối tất nhiên mang nặng trong tim hình ảnh của xứ Quảng. Những hình ảnh mộc mạc nhưng đầy thân thương:

- "Tô mì Quảng ôi sao nhớ quá!
Đi "mô" cũng lại nhớ quê nhà.
Nhớ tay em bóp dòn bánh tráng
"Cao lầu Bà Cảnh" nhớ trong ta!"
(Tình ta, xứ Quảng)

- "Nhớ về xứ Quảng,
bút trở trăn
Nhớ đêm giã gạo,
hò nhân ngãi
Nhớ chiều hát bội,
buổi đầu Xuân
Nhớ bài chòi,
giọng rao xứ Quảng
Nhớ trường gà,
cáp độ ăn thua
Đất Quảng ơi!
nửa vòng trái đất
Nhớ thương quê,
cay mắt nhạt nhòa..."
("Non nước" xứ Quảng)

Vũ Hối đã chẳng chịu dừng lại trong quằn quại nhung nhớ đến quê hương đất nước mà còn để con tim chung nhịp đập với đa số các kẻ ly hương khác, ước mong và tin tưởng ở một ngày mai đất nước tươi màu. Một đất nước có độc lập, tự do và hạnh phúc thật sự:

- "Thấm thoắt đã bao năm xa nước
Khắp năm châu, mòn mỏi đấu tranh
Mong vá lại, quê nghèo rách nát
Xóa sao vàng, đất trổ mầm xanh!
Bước gian lao, quyết không sờn chí
Mong sao đất nước mãi sống còn
Đuốc nhân quyền rạng soi đất Việt
Khắp ba miền thoát khỏi cùm gông!"...
(Ngàn năm đất Việt)

Nhà thơ tin tưởng sắt đá vào một vận mệnh mới của dân tộc khi suốt cả dải non sông hình chữ S từ Nam chí Bắc rực rỡ cờ vàng, ngọn cờ chính nghĩa tung bay:

- "Khắp ba miền, phất cờ đại nghĩa
Vang quốc ca khắp cả xóm làng
Con sẽ trở về ngày xuân mới
Cùng toàn dân, phất phới cờ vàng!"
(Mẹ vẫn đợi ngày xuân mới)

Ngày đó không những là ngày vui Xuân của đất trời với cỏ cây hoa lá đua sắc thắm giữa thiên nhiên vạn vật mà còn là ngày vui Xuân, ngày hội mới tưng bừng trong lòng muôn triệu con dân đất Việt:

- "Ngày mai, vui Xuân chiến thắng
Mai vàng nở rộ, đón Xuân sang!
Khải hoàn ca, ầm vang khắp phố
Cả non sông rợp bóng cờ vàng!"
(Xuân chiến thắng)

Qua những vần thơ của mình danh họa Vũ Hối đã tỏ ra là một người dân Việt có tình hoài hương lai láng, chất chứa tình tự dân tộc, yêu tổ quốc nồng nàn, khát khao tự do và đề cao quyền sống nhân bản của con người.

Thưa toàn thể quý vị quan khách,

Để chấm dứt bài giới thiệu hai tác phẩm của danh họa Vũ Hối trong buổi ra mắt sách ngày hôm nay tôi thấy có lẽ không gì hơn là xin nhắc lại lời phát biểu của Tiến sĩ Cao Thế Dung ghi trong tác phẩm:

"Đọc Thơ Vũ Hối, xem thư họa Vũ Hối, ta sẽ thấy tiềm tàng Đạo Nước, Đạo Người, Đạo Sống, có đi, có đến, có trước, có sau, thủy chung như nhất. Nếu có ai hỏi tôi, Vũ Hối là người như thế nào? Tôi trả lời không ngần ngại: "Vũ Hối là một nhà thơ yêu nước, vẫn chưa đủ, Vũ Hối là một nghệ sĩ của tâm hồn đam mê nghệ thuật như đam mê Nhân thế"...

LS. NGÔ TẰNG GIAO
(Virginia, USA, ngày 1- 7 năm 2000)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét