Ngày 17 tháng 10/2021, tại Hội Chợ Sách (Book Fair) ở Trung Tâm thương xá Eden, do Nhà Việt Nam tại Virginia và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tổ chức, “Tuyển Tập THƠ Chim Bay Mỏi Cánh” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân được giới thiệu lần đầu tiên. Đó là một Hội Chợ Sách thật quy mô, quy tụ nhiều văn thi sĩ quanh vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Khi ấy vì còn trong thời kỳ trốn tránh Covid -19, nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã không thể bay qua miền Đông tham dự. Chị nhờ người viết đại diện đem sách qua cho nhà văn Hồng Thủy, Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ (VBVNHN VĐB HK) nhờ ghi danh vào Hội Chợ Sách để “trình làng” cùng công chúng giúp chị.
Có rất nhiều đài truyền hình và ký giả các tờ báo ở Washington DC và vùng phụ cận tới quay phim, ghi hình, phỏng vấn, đưa tin ngày Hội Chợ Sách. “Tuyển Tập THƠ Chim Bay Mỏi Cánh” của nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã được nhiều đài truyền hình khác nhau đến phỏng vấn những người đại diện cho tác giả Cao Mỵ Nhân: Cung Lan chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhà văn Hồng Thủy chủ tịch VBVNHN VĐB HK, và người viết, Phương Hoa. Mỗi người đều giới thiệu kỹ càng chi tiết về tập thơ còn nóng hôi hổi bay từ California sang Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn dự Book Fair. Thật ra, từ California “bay” qua DC dự Hội Chợ Sách không phải chỉ có tập thơ của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân, mà còn nhiều tác phẩm khác của nhóm văn thơ California, bao gồm của người viết nữa.
Từ trái qua, các tác giả có sách tham dự tại Book Fair: Phương Hoa, Hồng Thủy, Mỹ Hoàn, Phương Hoa, Minh Thúy, Hồng Thủy, Phương Hoa, Cung Lan.
Vài tháng sau đó, Văn Thơ Lạc Việt cũng đã giới thiệu “Tuyển Tập THƠ Chim Bay Mỏi Cánh” của Cao Mỵ Nhân trong một buổi sinh hoạt thường kỳ, bao gồm tiệc sinh nhật quý II trong năm của thành viên, tại San Jose. Sau cuộc họp, các thành viên vui vẻ ra về với tập thơ “THƠ Chim Bay Mỏi Cánh” nhưng vẫn còn cảm giác...thiêu thiếu, khi không được chính thi sĩ tác giả Cao Mỵ Nhân ký tên vào sách, mà là do chủ tịch Lê Văn Hải đại diện.
Trong khi chờ đợi nữ sĩ Cao Mỵ Nhân “xé rào Covid” để ra mắt sách tại Nam Cali - chưa biết đến bao giờ, vì Covid hiện vẫn tiếp tục lan tràn - người viết xin tạm giới thiệu đôi điều về tập thơ này cùng bạn đọc.
Trước hết, xin phép được tản mạn đôi chút về tác giả Cao Mỵ Nhân. Có lần tôi nói với nữ sĩ, “Chị là ‘hàng hiếm’ trong làng văn học Việt.” Mặc dù chị đã khiêm nhượng dãy nảy chối từ, nhưng tôi không nói quá, hay vì quen biết với chị mà “áo thụng vái nhau.” Vì sự thực đúng như vậy, những văn thi sĩ danh tiếng từng thời, mỗi người đều có biệt tài riêng, lập những kỳ tích riêng. Nhưng thật khó mà tìm ra một nhà văn nhà thơ khi còn nhỏ tuổi đã viết báo được trả tiền. 13 tuổi, cô bé Cao Mỵ Nhân đã có bài đăng trên tờ Liên Hiệp tại Hà Nội, tờ Tia Sáng, tờ Giang Sơn Hà Nội, và được mời cộng tác cho Trang Nhi Đồng của tờ Giang Sơn Hà Nội, chủ bút là Mộc Đình Nhân, vào năm 1953. Thêm vào đó, chị là một trong số không nhiều các nhà thơ nhà văn hiện tại còn nhớ và biết rõ về những văn thi sĩ nổi tiếng thời Việt Nam Cộng Hòa và cả thời tiền chiến.
Trong những lần trao đổi với tôi, và trong những bài viết đó đây của chị, tôi biết được rất nhiều điều thú vị. Chị Cao Mỵ Nhân đã có một chiều dài tham gia hoạt động về văn học Việt thật đáng nể. Chị gia nhập Thi Đàn Quỳnh Dao thời VNCH khi mới vừa 40, trong khi những bậc đàn chị như nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội hay nữ sĩ Vân Nương đều đã gấp đôi niên tuế chị.
Nhà thơ thường kể tôi nghe về kỷ niệm ngày xưa, những lần chị tháp tùng nữ sĩ Mộng Tuyết đi thăm những bậc tài danh như quý cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Đông Xuyên, Bàng Bá Lân...mà tên tuổi những vị này tôi chỉ nghe qua sách vở, vì khi họ nổi tiếng tôi vẫn còn đâu trong bụng mẹ, hoặc chỉ mới chập chững những bước đi đầu đời.
Có nhiều chi tiết độc đáo chị Cao Mỵ Nhân thuật lại tôi nghe qua rồi nhớ mãi, vì nó giống chuyện đời xửa đời xưa, thời còn vua chúa. Như trong đám cưới nữ sĩ Vân Nương, chú rể là Luật Sư Lê Ngọc Chấn một Tri Phủ, sau này làm đại sứ VNCH ở Luân Đôn và Tunisie, và nhị vị phù rể là hai thi sĩ danh tiếng thời tiền chiến: Huy Cận và Xuân Diệu. Rồi chuyện trong đám cưới anh chị Cao Mỵ Nhân, đại tá Biệt Động Quân VNCH Cao Văn Uỷ, thì phù rể là nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhac sĩ Nhật Bằng rất nổi tiếng thời VNCH.
Chị còn kể về hai nhà văn tên tuổi Duy Lam và Thế Uyên, về những người bạn thiết như thi sĩ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca, nhà văn Thế Phong v.v.... Hơn thế nữa, chị Cao Mỵ Nhân còn biết rất rõ về những hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn. Cho nên nếu có ai hỏi, chị có thể kể vanh vách về dòng họ Nguyễn Tường, như Nguyễn Tường Tâm, con cụ Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Thiết, con cụ Nguyễn Tường Tam ( Nhất Linh ), Nguyễn Lân, con cụ Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) bác sĩ Nguyễn Tường Giang, con cụ Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam)... mà mỗi lần nghe tôi chỉ biết...há hốc vì khâm phục. Nữ sĩ Cao Mỵ Nhân quả đúng là một “nhân chứng sống” đã từng sống qua bốn chế độ: Cộng Sản Miền Bắc VN, Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa Nam Việt Nam, Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa sau 1975, rồi bây giờ thì ở trên đất nước tự do Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Có ai đó đã viết một câu về tình yêu của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân mà chị rất tâm đắc, "Người yêu thực sự của chị MỴ chỉ là THƠ thôi." Người viết cũng rất đồng ý với điều này. Đối với nhà thơ Cao Mỵ Nhân, thơ là tất cả. Chị có thể làm hàng chục bài thơ trong một đêm không ngủ và gửi cho tôi để đăng lên diễn đàn Văn Thơ Lạc Việt. Tôi mê chị nhất ở cái duyên dáng, cái nũng nịu, cái hờn giận dễ thương, trong thơ, và trong cả đời thường. Chẳng hạn như chị viết mail mà tôi chưa kịp hồi âm, là chị trách móc, “PH ghét gì chị Mỵ hay sao vậy? Không thèm trả lời trả vốn chi hết? Chị Mỵ buồn lắm cơ! Giận rồi, không thèm chơi nữa đâu nha!”
Những lời giận hờn trách móc đáng yêu này như phát ra từ một cô bé mới lớn, ai nghĩ là của một nhà thơ nhà văn lão thành chứ! Có lẽ đó là cái vốn “Trời cho” nên thơ Cao Mỵ Nhân lúc nào cũng mượt mà thướt tha và nũng nịu. Như trong bài “Trái Tim Mầu Tím” của thi phẩm “Chim Bay Mỏi Cánh,” Cao Mỵ Nhân đã bắt “chàng” tô trái tim máu đỏ tự nhiên bằng một mầu tím bất thường, nhưng lại là mầu tím trữ tình, một mầu tím hấp dẫn để cho ai kia phải quay quắt đến... nhận chìm cả tuổi thơ:
“Người tô tim sắc tím sim
Khiến ta quay quắt nhận chìm tuổi thơ” (Trái Tim Màu Tím tr. 34)
Tôi đã đọc hết 101 bài thơ trong Chim Bay Mỏi Cánh” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân với một sự thích thú khôn lường. Tôi hỏi chị, nguyên do nào mà mỗi tập thơ của chị đều giữ đúng 101 bài thơ, không hơn không kém. Câu trả lời của chị thật thú vị, đúng như người ta nói các nhà thơ hay “đi mây về gió” nên thường có ý tưởng khác người. Theo lời chị Cao Mỵ Nhân, “Con số 101 đó có nghĩa là... trên trăm vẫn còn tiếp nối, giống như chuyện “Nghìn Lẻ Một Đêm” vậy, vì chị muốn giữ cho dòng thơ “trên trăm năm vẫn tuôn chảy mãi không ngừng...”
Tuy tựa đề tập thơ là “Chim Bay Mỏi Cánh” nhưng thơ trong tuyển tập thì chẳng những không thấy chút... mỏi mệt nào, mà trái lại, còn bừng bừng sức sống và bát ngát hương yêu.
Sau đây Phương Hoa (PH) xin chia sẻ cùng quý vị về những trao đổi rất thú vị của nhà thơ Cao Mỵ Nhân (CMN) cùng người viết, về Tập Thơ “Chim Bay Mỏi Cánh.”
PH: Thưa chị Cao Mỵ Nhân, khi thấy tựa đề tập thơ “Chim Bay Mỏi Cánh” của chị, em nghĩ chắc đây là tập thơ cuối cùng vì chị muốn gác bút dừng chân. Thế nhưng, từ đó đến nay chị vẫn sáng tác ào ào, có nhiều đêm chị làm tới 5, 6 bài thơ xướng họa liên tiếp, vừa nhanh lại vừa hay, mà những cây bút hậu bối như tụi em đây phải bái phục. Vậy chị làm ơn cho biết, tại sao chị lại chọn cái tựa đề này? Và nó có ý nghĩa gì với chị như thế nào ạ?
CMN: Số là có vị bạn thân, nguyên thủ khoa khoá 14 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, CMN đưa 3 tên sách, nhờ vị bạn lựa. Ông nói: "Chúng ta đã đi qua gần cả một chiều dài thế kỷ rồi, cô làm thơ đã cảm thấy mệt mỏi chưa, theo tôi, cô nên đặt tên cho sách thơ này là “CHIM BAY MỎI CÁNH." Mỵ tôi rất vui, vì bạn vàng đã chọn cho tựa đề mình ưng ý. Thế là tập thơ "Chim Bay Mỏi Cánh" thành hình.
PH: Dạ, hay quá! Vậy là “tư tưởng lớn gặp nhau” rồi (Smile). Thưa chị, trong thi phẩm “Chim Bay Mỏi Cánh” có một điều rất đặc biệt, đó là nơi trang đầu có bản nhạc do Gs nhạc sĩ Thái Phạm phổ tặng tác giả từ bài thơ “Nhặt Nắng Xuân”và em cũng đã được nghe giọng hát mượt mà của ca sĩ Thanh Hoài trình bày. (https://www.youtube.com/watch?v=XXtxVPQ9ZyY) Trong này có những câu thơ em rất tâm đắc như,“Anh rủ em nhặt nắng/Về hun khói lều tình/Ngọn lửa vàng hoang vắng/Sưởi ấm thơ hồi sinh.” Xin chị chia sẻ chị đã viết bài thơ này trong trường hợp nào, cảm hứng từ đâu mà có những lời thơ như đến từ tận trái tim?
CMN: Giáo sư Phạm Thái đã ưu ái phổ nhạc bài thơ "Nhặt Nắng Xuân." Cám ơn Gs Thái đã chọn đúng bài thơ tác giả tâm đắc và đã hoàn thành ca khúc thật bay bổng. Thì đúng là những lời thơ xuất phát từ tận cùng trái tim, với lý do rất thông thường: Viết cho ... người yêu tưởng tượng nào đó, nhờ điều tưởng tượng đó, mới làm được thơ tình chứ (Smile).
PH: Wow! Sự tưởng tượng của nhà thơ rất có hồn, rất sống động, hèn chi chị đã làm nên lịch sử. Thưa chị CMN, em nhận thấy chị là một người luôn vui vẻ và yêu đời. Nhưng xuyên suốt tập thơ “Chim Bay Mỏi Cánh” lại có rất nhiều bài thơ tình buồn, chẳng hạn như “Ánh Nguyệt Tà” với “Nguyệt vẫn tròn như dạ nửa khuya/Buồn tênh mây hẹn bóng trăng thề,” hay “Man Dại” cùng “Con rắn nào đã cuốn/Tình yêu trườn đi xa,” và bài “Tan Cơn Mê Hoảng” có những câu, “Thoáng hơi gió thoảng sau lưng/Giật mình tỉnh mộng, mơ chừng ấy thôi” v.v...nghe thật xót xa, thật não nề. Xin chị “bật mí” chút xíu, đây có phải là những sáng tác chị muốn ngầm “nhắn gửi cho cố nhân” hay cũng chỉ là những sáng tác từ trong tưởng tượng?
CMN: Đã làm thơ tình thì hình như phải viết những lời thơ thật buồn, thật não nuột. Thực tế, chỉ buồn chút thôi, nhưng tưởng tượng thêm cho khổ luỵ, xót xa, để được bạn đọc... thương cảm tác giả (Smile). Như những định luật cổ kim, chuyện vui thì dễ lấy nụ cười, nhưng chỉ trong thoáng chốc nụ cười liền bay theo gió, và khi chạm đến nỗi buồn thì nỗi buồn nó sẽ vương vấn mãi trong ta. Cho nên những câu chuyện tình với happy ending ít được người nhớ tới, nhưng “Romeo & Juliet” thì mãi mãi lưu truyền.
PH: Dạ cám ơn chị Mỵ cho những chia sẻ rất là thú vị này. Câu hỏi sau cùng: Trong trang đầu của thi tập “Chim Bay Mỏi Cánh” chị đã ưu ái ghi dành tặng “Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ” và “Văn Thơ Lạc Việt.” Chị có thể cho biết lý do?
CMN: Thưa quý vị và thưa nhà thơ Phương Hoa, tôi ghi tác phẩm được dành tặng và cám ơn 2 cơ sở văn học tên tuổi ở hải ngoại nói chung và Hoa Kỳ nói riêng, “Văn Bút Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ” và “Văn Thơ Lạc Việt” lý do rất đơn giản. CMN tôi hiện đang là thành viên của 2 cơ sở Văn Học và Thi Văn Đàn này. Phàm một người nào sinh hoạt ở một Hội, Đoàn nào, cũng muốn ghi nhận những việc đang làm của các cơ quan ấy. Tôi là một người trọng lẽ thuỷ chung ở đời, nên chuyện cám ơn Văn Bút Vùng Đông Băc Hoa Kỳ và Văn Thơ Lạc Việt rất hợp tình lý.
Hơn nữa, Thi phẩm "CHIM BAY MỎI CÁNH" của CMN tôi, được sự chia sẻ của Nhà Văn HỒNG THUỶ, Chủ Tịch VB/VĐBHK viết Tựa và nhà thơ Phương Hoa hội viên trung tâm Văn Bút nêu trên viết Bạt.
Thêm vào đó, Thi tập "CHIM BAY MỎI CÁNH" còn được nhà văn thi hoạ sĩ Phạm Thái giáo sư điện toán, Trưởng Ban Biên Tập VTLV, cùng nhà thơ Phương Hoa Phó Ban Biên Tập, đã giúp cho các phần trình bày và in ấn cuốn thơ đó. Như đã nói ở trên, Giáo sư Phạm Hồng Thái còn là một nhạc sĩ tài hoa, ông cũng tặng tác phẩm CHIM BAY MỎI CÁNH bản nhạc "NHẶT NẮNG XUÂN" ông phổ từ bài thơ cùng tựa đề của CMN trong tuyển tập.
Tóm lại, nhờ Văn Thơ Lạc Việt yểm trợ kỹ thuật để Thi phẩm "CHIM BAY MỎI CÁNH" của CMN được hình thành, cùng sự hỗ trợ của Văn Bút Vùng ĐBHK trong các phần giới thiệu cùng hội viên VĂN BÚT VNHN để phổ biến tác phẩm này, qua 3 mục đích chính đáng: Kỷ niệm, quảng cáo, một chút đóng góp thực tại của tác giả. Cao Mỵ Nhân xin cám ơn VB/VĐBHK, VBVNHN, và VĂN THƠ LẠC VIỆT cùng tất cả bạn văn thơ đã đọc tập thơ nhỏ "CHIM BAY MỎI CÁNH" này của Cao Mỵ Nhân, xin gởi lời kính chúc vạn an.
PH: Dạ cám ơn chị CMN. Những lý do trên chứng tỏ chị là một người rất trọng tình nghĩa. Xin cho hỏi thêm câu... chót chót: “Theo PH biết, thì ngoài việc sáng tác thơ... như vũ bão, chị còn viết rất nhiều những bài văn cũng hay không kém, đã được VTLV, Văn Bút, và các thi văn đàn khác phổ biến lâu nay. Vậy thì sau tập thơ này, chị có dự định xuất bản thêm tác phẩm nào nữa không? Nếu có, thì đó cũng sẽ là thơ hay sách truyện?
CMN: Từ khi bắt đầu tập viết lách, CMN đã thích cả Thơ lẫn Văn xuôi rồi. Thế nên đã viết những bài truyện cổ tích, nhi đồng, đăng trên báo Giang Sơn Hà Nội kể từ 19/3/1953. Di cư vô Nam 1954, tập viết tuỳ bút, truyện ngắn gởi đăng các báo học sinh, văn nghệ. Qua Mỹ, bắt đầu từ 15/3/1992, tuần báo Saigontimes dành cho CMN viết mục CHỐN BỤI HỒNG, mỗi thứ sáu 1 bài cho tới bây giờ vẫn tiếp tục viết. Nhà xuất bản Sông Thu của Thi Sĩ THÁI TÚ HẠP đã xuất bản cho CMN cuốn "CHỐN BỤI HỒNG 1" năm 1994. Nên, nếu định in ấn thêm các truyện Văn Xuôi, CMN có thể xuất bản tiếp các cuốn truyện "Chốn Bụi Hồng” 2,3,4 v.v... Nhưng bây giờ trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng cao, những tác phẩm in bằng giấy hình như có vẻ không thực dụng nữa, có lẽ CMN sẽ nhờ người giúp xuất bản theo dạng Ebooks, hoặc là chỉ... để dành làm kỷ niệm vậy (Smile).
PH: Cám ơn nữ sĩ Cao Mỵ Nhân đã chia sẻ những tâm tình, những suy nghĩ rất độc đáo về văn học, và về tập thơ “Chim Bay Mỏi Cánh.” Kính chúc chị luôn vui khỏe trẻ bình an, tiếp tục sáng tác để cho đời thưởng thức những dòng thơ trữ tình và những áng văn đầy thú vị của chị.
Lời kết, Tuyển tập THƠ “Chim Bay Mỏi Cánh” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân là một tác phẩm văn học tuyệt vời, mà với trình độ thơ hạn hẹp của một hậu bối, người viết cảm thấy mình không đủ ngôn ngữ để diễn tả cho đầy đủ và xứng đáng với giá trị của tập thơ. Độc giả phải tự mình đọc thì mới thưởng thức được hết những cái hay, lạ, và độc đáo trong tuyển tập.
Xin trân trọng kính giới thiệu Tuyển tập THƠ “Chim Bay Mỏi Cánh” của nữ sĩ Cao Mỵ Nhân cùng quý độc giả khắp nơi.
Link order sách từ Amazon:
https://www.amazon.com/s?k=chim+bay+moi+canh+-+cao+my+nhan&i=stripbooks&crid=1TAOLWWEPOPZE&sprefix=chim+bay+moi+canh+-+cao+my+nhan%2Cstripbooks%2C174&ref=nb_sb_noss
Phương Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét