Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Lục Bát Nhớ


Tôi chỉ đọc thơ Nguyên Sa khi mua tập thơ của ông, lúc mới lên lycée .Trước đó tôi không biết ông. Trong tủ-sách-gia-đình nhà tôi chỉ có các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn (văn/thơ), của: Nguyễn công Hoan, Tô Hoài, tạp chí Bách Khoa … vv ; các quyển thơ của: Nguyễn Bính, Nguyễn văn Cổn, Đông Hồ, Vũ hoàng Chương ..vv  những người cùng thế hệ ba mẹ tôi (chào đời thập niên 1910’s). Đọc Thơ Nguyên Sa là đã thích thơ ông rồi. Vài năm sau, nghe cuốn băng"Tình ca Ngô Thụy Miên" lại càng yêu (thơ) ông hơn!

Những bài thơ tuổi -học- trò ( Tuổi 13, Cần Thiết ) của Nguyên Sa khiến tôi tưởng ông làm thơ sớm, thủa còn là học-trò, như ông đã viết:"thơ học trò anh chép lại thành non" (Áo lụa Hà Đông). Nhưng không. Theo nhà phê bình Thụy Khuê, 3 bài thơ đầu tiên của ông chỉ được viết năm 1953, năm ông 21 tuổi, năm ông đậu tú tài, cũng là năm ông có người yêu."Hôm nay Nga buồn như con chó ốm" là một trong 3 bài này, là quà Noël tặng Nga.

Học-trò (học-sinh) là những người chưa xong trung học. Lên đại học thì « được » gọi là sinh-viên. Như thế, nói về tuổi tác và danh xưng, Nguyên Sa (có thể) là nhà thơ của tuổi học trò, nhưng ông không là nhà-thơ-học-trò. Trước 1975, dù miền Nam có nhiều tài thơ làm thơ rất sớm (Du tử Lê, Trần dạ Từ, Tô thùy Yên, Nguyễn đức Sơn …) nhưng, có lẻ, chỉ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) mới thật sự là nhà-thơ-học-trò ( có tác phẩm lúc còn là học trò ) với nhiều bài-thơ-học-trò (tập "Thiên Tai"/1970): Nên sầu khổ dịu dàng, Tình một hai năm, Bài thấm mệt đầu tiên ..vv

Nếu hiểu thơ-học-trò khác với thơ-sinh-viên, ở chỗ nó còn .. "vị-thành-niên" thì, theo tôi, những bài-thơ-học-trò của cậu học-trò Nguyễn tất Nhiên là những bài thơ được viết bằng ngôn từ của một .. sinh-viên: ".. tín đồ là người tình / người tình là ác quỷ / ác quỷ là quyền năng / quyền năng là tín đồ …" ( Linh Mục ) / " .. sao thiên thu không là thiên thu ? / nên những người yêu là những ngôi mồ .. " (Thiên Thu), đọc chúng, không thấy đâu những thơ-dại, ngu-ngơ, đáng yêu … của tuổi học trò. Có phải vì thế mà nhà thơ "già trước tuổi" này đã tự hủy mình ở tuổi 40, đúng 30 năm trước ( 03/08/1992 ) !?

Như nhiều người Việt Nam, tôi cũng có những"bài-thơ"-học-trò và những "bài-"thơ"-sinh-viên.  "Thơ"-học-trò của tôi (lớp nhất – tú tài ) thì rất nhiều bài hồn nhiên và vô tư, nếu có tí "yêu" trong đó (từ năm đệ tam) thì chỉ là tưởng tượng, là bắt chước các sư phụ: Xuân Diệu/ Lưu trọng Lư/ Tế Hanh/ Nguyễn Bính/ Đinh Hùng ..vv chứ không có ai làm tôi bâng khuâng hay mất ngủ cả! Chỉ có, với thơ thời-sinh-viên. Lúc đó, vừa đậu tú tài, tự nhiên tôi thấy mình "lạ" đi, thấy mình ... "người lớn"!
Đó cũng là lúc, dù không "nhớ nhà" vẫn cứ tập "châm điếu thuốc", cho " khói huyền bay lên" mấy tách... cà phê! Đó cũng là lúc hay ghếch xe (khi một mình, khi với bạn) đối diện các cổng trường trung học, ngắm .... hoa ! Như một lần, với " Marie Curie ":

Ngang Qua "Marie Curie"

Các em đứng đó thật si, thật nồng
Tôi về: chao ôi, nhớ mong !
Những: đôi mắt sáng, má hồng, tóc xanh
Tôi đi: lòng cũng không đành
Mơ làm chim nhỏ bay quanh quẩn trường
Các em nào biết tôi thương
Chiếc xe em đạp, con đường em đi
........
Ngang qua "Marie Curie"
Quay nhìn lại tuổi xuân-thì: đã xa !
(1974)

Viết " tuổi xuân thì đã xa " là để gợi lòng thương hại của người khác ( phái ) thôi, chứ lúc đó, tôi vẫn còn "khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm / chỉ biết .. chơi thôi, chả biết gì"!

Và chuyện gì phải đến, đã đến, nói như Huy Cận : "một hôm trận gió tình yêu lại ".
Cái thứ gió làm cho mất ngủ, cho "Lục-bát-nhớ" ra đời …

Lục-bát-nhớ

· khi biển xanh vào giấc ngủ tôi

Đi

đi dưới bóng trăng nhạt màu
hai hàng cây đứng chụm đầu ngó tôi
đi trong đêm vắng, thơm ngời
"dạ lai, hương " ngát một trời tiểu thư
đi một mình, đường âm u
nghe đâu đây tiếng mẹ ru thiếu thời
đi hoài, không hay sương rơi
hỡi tôi, lòng chợt nhớ người, hay chăng?!

Đứng

đứng lên, buốt hai bàn chân
tôi mang nỗi nhớ đặt gần nỗi mong!
đứng lên, thấy nhói trong lòng

(trên vai áo trắng còn hồng vết môi!)
đứng lên, thân xác rã rời,
tôi: cây nến cháy dở, ngoài nghĩa trang!
đứng lên, khẽ vói lấy đàn
dạo dăm khúc nhạc cho tràn nhớ thương

Nằm

nằm đây, ngửa mặt lên trần
thấy em cười lộ hàm răng hạt đều
nằm đây lắng tiếng chim kêu
len trong tiếng gió, tiếng chiều lướt êm
nằm đây, ngày cũng như đêm
đèn soi lên vách tôi tìm bóng in
nằm đây, ôm gối một mình
ngỡ như ôm trọn thân hình người yêu

Ngồi

tôi ngồi thương tôi cô đơn
dòng sông trước mặt buồn hơn dòng đời
tôi ngồi thương tôi mệt nhoài
mồ hôi nhỏ giọt xuống bài thơ xưa
tôi ngồi, sớm nắng chiều mưa
nắng lười hong tóc, mưa chưa ướt hồn
tôi ngồi, tiếng nỉ, tiếng non
sao người xa cách vẫn còn … cách xa?!
( 12/1977 )

BP
19/08/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét