Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Cây Chuối

1.Dẫn nhập.

Cây chuối là một thực vật thân thương trong đời sống người Việt .Ngoài trái chuối để ăn thì người Việt đã sử dụng mọi thành phần cây chuối:

- Lá chuối gói bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết 

- Bắp chuối xắt nhỏ làm gỏi bắp chuối, nộm bắp chuối dùng các nguyên liệu như  lỗ tai heo, ớt, nước mắm, chanh, rau thơm, đậu phụng rang đã xuất hiện trong các thực đơn của các nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ khắp Việt Nam. Nó đã trở thành một trong những các món ăn mang hương vị dân tộc, mộc mạc  và phổ biến ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam . 

- Thân cây chuối dùng cho heo ăn  

- Trái chuối được chế biến ra  kem chuối, chè chuối,... 

Nhiều ca dao Việt đề cập đến loài chuối:

-Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ.
-Mẹ già như chuối chín cây
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.
-Nhà em không hiếm chi hoa
Chanh chua, chuối chát, cải cà nhiều hung
Cây lê, cây lựu, cây tùng
Ba bốn cây đứng đó tứ tung một vườn
Sau hè có đám hành hương
Trong nhà có mấy cái rương đựng đồ

Chuối hiện nay loài người tiêu thụ có nguồn gốc từ 2 loài chuối hoang dại (ở Việt Nam còn gọi là chuối rừng) có nhiều hột lớn và cứng: Musa acuminataMusa balbisiana. Loài người đã thuần hoá, và lai tạo nên những giống chuối có bộ nhiễm sắc thể tam bội , tức chuối không hột, ăn được . 'A' là kiểu gen của Musa acuminata, 'B' là kiểu gen của Musa balbisiana. Các kiểu gen đa bội là kết hợp giữa hai kiểu gen A và B. Các dạng đa bội của Musa acuminata thường dùng làm đồ ăn tráng miệng trong khi các dạng đa bội của Musa balbisiana và các giống lai giữa hai kiểu gen thường được dùng để chế biến công nghiệp.

Cây chuối được trồng chủ yếu để lấy quả. Vì cây thường mọc lên cao, thẳng, và hơi vững, nó thường bị lầm lẫn với thân cây gỗ, trong khi "thân" chính của nó là một "thân giả" (tiếng Anh: pseudostem) vì trên thực tế chỉ là phần gốc cuống lá của các lá lớn. Vì thế, về mặt kỹ thuật mà nói thì chúng là các loại cây thân thảo khổng lồ. Thân giả của một số loài có thể cao tới 2–8 m, với lá kéo dài 3,5 m. 

Cây chuối là cây mọc vùng nhiệt đới: ta gặp cây chuối ở Đông Nam Á, ở Phi châu nhiệt đới, ở Nam Mỹ, Trung Mỹ .  

Có ba loại chuối cơ bản: 

- Chuối tráng miệng có màu vàng và được ăn khi chín. Phần lớn các nước Âu Châu và Bác Mỹ nhập cảng loại chuối để ăn tráng miệng. 

- Chuối luộc như loài chuối plantain có thể dùng để chiên hay nướng, ăn giống như khoai tây  Loại chuối plantain thích nghi với nhiều vùng khí hậu khác nhau, nhiều chất khoáng và sinh tố.

- Chuối làm bia. 

2. .  Thân chuối, bắp chuối, buồng chuối, nải chuối

 

Cây chuối được trồng chủ yếu để lấy quả. Cây chuối có thân rễ ngầm (củ chuối), mọc ra những lá có phiến rất lớn, dài đến 3 mét, rộng đến 60 centimét với những bẹ lá to ôm lấy nhau thành một thân giả hình trụ tròn, cao 3-4 mét.  Cây chuối không có thân gỗ và đáy cây chuối giống như một hành (bulbe), gọi là căn hành (rhizome). Lá cây chuối có phiến rất lớn, dài đến 3 mét, rộng đến 60 centimét. Hoa chuối  chỉ nở một lần trong đời cây chuối và thường phát triển thành chùm, thường quen gọi là buồng chuối. Các loài chuối đều do sinh sản vô tính và trái chuối không phải từ sự thụ tinh. Trái chuối mất 4 tháng từ lúc thành tạo đến lúc ăn chín hay ăn luộc (chuối plantain)

 Buồng chuối có hoa cái ở đáy  và hoa đực ở ngọn:

-hoa cái sẽ phát triển thành quả chuối ; buồng chuối có nhiều nãi nên có khi phải lấy cọc chống đỡ cho cây không để thân cây oằn xuống. 

-hoa đực cây chuối thường vô sinh, bất thụ (stérile), còn được gọi là bắp chuối, hình nón dài  gồm nhiều lá bắc màu đỏ tía úp lên nhau và quả chuối do đó là quả đơn tính (parthenocarpy) chỉ cho quả một lần, do đó khi thu hoạch xong, nên đốn bỏ để nhường chỗ cho cây sau .

 Bắp chuối được dùng như rau ở Đông Nam Á; nó được hấp, trộn salad, hoặc ăn sống

Buồng chuối, nặng 30-50kg gồm 10-12 nãi  và mỗi nãi có quãng 20 trái, một trái/quả trung bình nặng 125 g, trong số đó vào khoảng 75% là nước và 25% là chất khô.  Quả chuối mất 4 tháng từ lúc thành tạo đến lúc ăn chín hay ăn luộc (chuối plantain).  Thời gian từ trồng đến thu hoạch: 13 – 14 tháng.   

3. Các loại chuối. Ngoài chuối rừng (Musa coccinea, hoa đỏ, quả nhiều hạt) và chuối sợi (Musa textilis) trồng để lấy sợi ở Philippin, ta phân biệt:

- Chuối ăn tráng miệng. Đây là các loài chuối  thuộc loài Musa paradisiaca là cây thể tam bội (triploide), bắt nguồn từ hai loài: Musa acuminata ( thể nhị bội (diploide), phát sinh ở Mã Lai) và Musa balbusiana (nhị bội, phát sinh ở Ấn Độ). Chuối ăn tráng miệng thuộc nhóm Cavendish và được trồng thương mại trên diện tích rộng ở các xứ Trung Mỹ để xuất cảng.  Hầu hết loại chuối được buôn bán để ăn thì không có hột vì đã được thuần hóa lâu đời nên có bộ nhiễm sắc thể đa bội (thường là tam bội). 
- Chuối luộc. Trong nhóm này, có chuối plantain to hơn và dài hơn chuối  ăn tráng miệng. Chuối này ít ngọt hơn, giàu tinh bột hơn, thường luộc chín để ăn. Chuối plantain là loại tam bội và do lai giữa vài chủng loại Musa acuminataMusa balbisiana .
- Chuối làm bia gồm nhiều giống chuối có vị hơi chát. Nếu để cho lên men thì chuối này dùng để nấu rượu bia

Ở vài xứ Phi châu (Uganda, Rwanda, Gabon ..), tiêu thụ cho mỗi đầu người trong mỗi năm biến thiên từ 100 đến 200 kg chuối mỗi năm. Ỏ Việt Nam, có chuối hột rừng, cao khoảng 3 đến 4 mét, với buồng chuối ít hơn 10 nãi, quả có cạnh và chứa nhiều hột từ 4 đến 5 mm, phiến lá dài, cuống xanh sọc đỏ.

Cũng phải kể thêm chuối kiểng, dùng trang trí trong nhà


4. Vài giống chuối trồng ở Việt Nam


Viet Nam có nhiều giống chuối trong đó có thể kể chuối cau, chuối già, chuối tiêu, chuối mạch mốc, chuối ngự v.v.

- Giống chuối Tiêu (Già) lùn: Trái cong và vỏ còn xanh khi chín. Chóp trái hình cổ chai ngắn, đầu trái bằng phẳng. Quầy ít lông, dạng hình nón cụt, chống quầy còn sót nhiều lá mo chưa rụng hết. 

- Giống Chuối Tiêu (Già) hương: Trái hơi cong và còn xanh khi chín, đầu trái lõm vô rõ rệt. Quầy có ít lông hay trung bình, hình lăng trụ, cuống quầy không có mo khô vì rụng hết. Vòi noãn khô cũng rụng hết. 

- Giống Chuối Tiêu (Già) cúi: Trái hơi cong và còn xanh khi chín, đầu trái bằng phẳng hay hơi lõm vô. Quầy ít lông hay trung bình, quầy hơi có hình nón cụt vì có một nãi mọc ra xa. Mo khô không rụng hết ở quầy nhưng còn lại ít hơn già lùn. Vòi noãn khô còn sót lại ở trái. 

- Giống Chuối Tiêu hồng đã trở thành cây đặc sản của tỉnh Hưng Yên và là cây  làm giàu cho nhân dân địa phương.

- Giống Chuối Mật mốc. Với tổng diện tích lên đến 1.800ha, từ lâu huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được mệnh danh là “thủ phủ” của cây chuối Mật mốc miền Trung đầy nắng gió. Sản phẩm chuối quả ở đây chủ yếu xuất đi các thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan… và một phần tiêu thụ nội địa. Trước đây cây chuối Mật mốc ở huyện Hướng Hóa chủ yếu được trồng trong vườn nhà manh mún, nhỏ lẻ, chuối sau thu hoạch có giá trị thấp, thường dùng thờ cúng hoặc làm thực phẩm phụ hàng ngày. Khoảng 10 năm lại đây, khi thị trường chuối Mật mốc được mở rộng, rồi xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Thái Lan… thì quả chuối Mật mốc Hướng Hóa đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có thể sánh ngang với bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), cam Xã Đoài (Nghệ An), Thanh Long (Bình Thuận)…

Sở dĩ Chuối Mật mốc Hướng Hóa được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng bởi ngoài hình thức trái to, đều, màu sắc đẹp do đặc thù của khí hậu khô nóng nơi vùng biên giới Việt - Lào, thì điều đặc biệt hơn cả chính là vì phương thức canh tác thuận theo tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến sản phẩm chuối được ưa thích. Theo dân địa phương thì trồng chuối cho năng suất khoảng 15 tấn/ha, với giá dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/kg, mỗi ha chuối thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Ngoài ra lá, thân chuối tận dụng để gói bánh hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

- Giống Chuối ngự vì là thứ chuối ngày trước được kén chọn để dâng vua (áo vua mặc là ngự bào, món vua ăn gọi là ngự thiện, thầy thuốc chữa bệnh cho vua gọi là ngự y...). Quả chuối ngự chỉ to hơn ngón tay cái đôi chút. Vỏ chuối ngự vàng óng như lụa và mỏng như giấy, bóc ra là tới ruột ngay, không có lượt màng như nhiều giống chuối khác.
Ruột chuối mềm nuột, hương thơm sực nức, vị ngọt thanh mà vẫn đậm đà. Khi thưởng thức, chuối ngự có mùi rất thơm, ngọt sắc cực kỳ ngon nên loại chuối này khi xưa còn được dùng để dâng cho vua thưởng thức nên mới được gọi là chuối ngự.

- Giống Chuối cau .Chuối cau sở dĩ được gọi như vậy là do giống chuối này có quả nhỏ, hướng tròn, mập giống hình quả cau. Một cây chuối cau có khả năng cho ra rất nhiều quả, năng suất cao nên bà con nông dân ở miền Trung và miền Nam hoặc khu vực có đồi núi ưa trồng.

Chuối cau khi chưa chín nhìn rất giống chuối ngự, nhiều người không có kinh nghiệm chọn mua thường lầm tưởng đây là chuối ngự. Cách phân biệt hai loại chuối này khá đơn giản, chuối cau mật độ quả san sát hơn, vỏ mịn hơn, quả tròn hơn và thường không còn râu ở đầu quả.

Khi ăn, chuối cau có vị thơm, ngọt dịu không quá gắt như chuối ngự, ngoài ra quả chuối cau cũng nhỏ nên ăn chuối cau cũng không ngán như các loại chuối khác.

 - Giống  Chuối Tiêu

Chuối Tiêu rất phổ biến và được nhiều người ưa chuộng lắm. Chuối Tiêu thường có hai loại là Chuối Tiêu Lùn và Chuối Tiêu Cao. Nải chuối tiêu thường có khoảng 12 trái, Quả chuối tiêu có hình dáng cong như lưỡi liềm, chưa chín có màu xanh đậm, chín thì chuyển sang màu vàng, phần thịt vàng nõn, rất thơm và ngọt.

Chuối tiêu khi xanh hay chín đều ăn được:  có thể cắt lát ăn kèm với các loại rau sống; nấu các món giấm chuối, cá kho chuối, lươn om chuối… hay đơn giản là cho vào nồi luộc để có món ăn vặt hấp dẫn. Chuối tiêu chín, có thể ăn trực tiếp, làm sinh tố chuối, kem chuối, bánh chuối, sữa chua dầm chuối…và rất nhiều món tráng miệng khác.

- Giống Chuối sứ (Chuối hương)

Chuối sứ hay được gọi là chuối xiêm, chuối hương. Chuối sứ có 2 loại chuối sứ trắng và chuối sứ xanh. Quả chuối sứ to, không dài thường được ăn chín và ăn sống lúc trái còn xanh. Khi ăn chuối sứ có mùi thơm và độ ngọt nhẹ, vừa phải, vị hơi chát một chút..

- Giống  Chuối Hột

Chuối Hột còn được gọi là chuối chát và là loại chuối rất được ưa chuộng tại nước ta nổi danh với món rượu chuối hột. Đúng với tên của nó, chuối hột có ruột trắng, nhiều hột, có vị chát nhiều hơn ngọt nên loại chuối này thường được làm rau ăn kèm với nhiều loại rau khác hay ngâm rượu.

 - Giống  Chuối Già Hương 

-Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Chuối ba hương (còn gọi chuối bà hương/già hương) có quả  không to, vỏ dày vừa phải, khi chín có lấm tấm như trứng cuốc và là loại chuối ngon nhất trong họ chuối tiêu. Lúa nếp một  là giống lúa nếp ngon nhất trong số hàng chục loại lúa nếp được trồng ở nước ta (nên được xếp vào loại 1 - một). Thân cây lúa nếp này cao, cứng, lá to, hạt trắng tròn, dài, là loại lúa dài ngày (tới 5 - 6 tháng mới thu hoạch). “Xôi nếp một” trắng, dẻo, thơm, ngon nổi tiếng .

- Giống Chuối  đỏ:

Xuất hiện trên thị trường Việt Nam vài năm gần đây, loại chuối đỏ Dacca, hay còn gọi là chuối đỏ Hỏa long siêu lạ đã được rất nhiều người săn lùng tìm mua để bày trên mâm ngũ quả ngày Tết.


Tuy có giá cao ngất ngưởng những loại chuối này vẫn rất hút khách.

Chuối Dacca có xuất xứ từ Úc. Loại chuối này nhỏ hơn và có vỏ dày hơn so với các loại chuối thông thường. Mặc dù bên ngoài khác lạ, nhưng khi chín phần quả bên trong vẫn có màu vàng như các loại chuối bình thường.

5. Xuất cảng chuối.

Các nước Trung Mỹ xuất cảng chuối sang Hoa Kỳ và Canada. Viet Nam xuất cảng chuối sang Trung Quốc, sang Nhật .. Giống chuối phục vụ XK phải là chuối nuôi cấy mô, được kiểm soát nghiêm ngặt về dịch bệnh, chất lượng...Theo các nguồn tin quốc tế, do chuối bị héo rũ thường xuyên, chi phí sản xuất cao và ảnh hưởng của việc sử dụng đất đối với các loại cây trồng khác, nên trong những năm gần đây, diện tích và sản lượng thu hoạch chuối ở Trung Quốc giảm dần qua từng năm. Do sản lượng giảm trong khi nhu cầu tăng, nên khối lượng chuối nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng lên qua từng năm. Chuối nhập khẩu vào Trung Quốc ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ từ trung cấp đến cao cấp.Trong năm 2019, do nguồn cung chuối trong nước thiếu hụt, Trung Quốc nhập khẩu từ ba nguồn cung chính là Philippines (chiếm 53,3% tổng lượng nhập khẩu chuối); tiếp theo là Ecuador chiếm 23,7% và Việt Nam chiếm 14,3%.

Tờ Business Mirror dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Nông dân trồng và Xuất khẩu chuối Philippines (PBGEA) cho biết, kim ngạch xuất khẩu chuối của nước này đã sụt giảm 15% do đại dịch Covid-19 làm tăng chi phí vận chuyển cùng nhiều khó khăn khác khiến mặt hàng trái cây khó bảo quản này mất nhiều thời gian mới đến được thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu chuối của Việt Nam và Campuchia tận dụng được lợi thế khoảng cách đưa mặt hàng chuối bù đắp thiếu hụt ở thị trường Trung Quốc. Thống kê của hải quan cho biết, từ đầu năm đến nay đã có gần 40% lượng chuối nhập vào thị trường Trung Quốc là của Việt Nam và Campuchia.

“Do Việt Nam và Campuchia ở gần thị trường Trung Quốc hơn nên họ đang từng bước đẩy chuối của Philippines ra khỏi thị trường Trung Quốc”, đại diện PBGEA cho biết.

Trong năm ngoái, gần 90% lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Philippines, trong khi chỉ có 10% sản phẩm cùng loại đến từ Việt Nam và Campuchia.

Ông Bakani, người đứng đầu PBGEA giải thích rằng, chi phí vận chuyển chuối nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung đã tăng 15% -20% trong năm nay và thời gian vận chuyển cũng tăng từ trung bình 25 ngày lên trung bình 30-33 ngày.

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ trong việc vận chuyển là do hàng hóa bị ùn ứ và tồn đọng tại các cảng của Trung Quốc và Singapore từ hồi cuối năm 2020, dẫn đến việc chậm trễ hơn nữa ở các công đoạn tiếp theo.

Theo ông Kabani, sự sụt giảm về khối lượng và giá trị xuất khẩu chuối của Philippines khiến người trồng chuối trong nước lo lắng. Dữ liệu cho thấy tổng lượng xuất khẩu chuối đã giảm 51% trong tháng 1, xuống chỉ còn 186.000 tấn, trong khi giá trị xuất khẩu giảm 47% xuống còn 85 triệu USD.

Hiện Nhật Bản là thị trường nhập khẩu chuối thu về lợi nhuận lớn nhất của Philippines, tuy nhiên nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường nhập  khẩu lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu chuối của Philippines đã giảm 20,6% trong năm 2020, chỉ còn đạt 1,55 tỷ USD, trong khi chuối là sản phẩm xuất khẩu quan trọng thứ sáu của Philippines.

Từ hàng chục năm qua, Philippines liên tục là một trong năm nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới, với lượng xuất khẩu hàng năm đạt từ 2,85 đến gần 3 triệu tấn.

Số liệu năm 2018 cho biết, Philippines đã sản xuất khoảng 9,36 triệu tấn chuối trên diện tích 447.889 ha, với các giống chuối Cavendish chiếm khoảng 52% tổng sản lượng, Saba (27%) và Lakatan (10%).

Các vựa trồng chuối lớn là đảo Mindanao, vùng Davao, và thung lũng Cagayan.

Chuối trồng ở Trung Quốc do chi phí sản xuất cao, chất lượng thấp nên chủ yếu để tiêu thụ trong nước. Chỉ một lượng nhỏ chuối sản xuất ở Trung Quốc được xuất khẩu, chủ yếu tới thị trường Hồng Kông, Macao và một số quốc gia lân cận. Chuối chiếm 32% tổng lượng trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc. Năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,74 triệu tấn chuối.


Một trong những yêu cầu đối với chuối xuất cảng nói chung,  là quả phải to, đều, mẫu mã phải "không tì vết". Vì vậy ngay từ khi chuối còn non, phải kê bao lót bằng giấy xốp giữa các nải trong buồng để tránh các nải chèn vào nhau ảnh hưởng tới mẫu mã. Bên cạnh đó, vườn chuối phải được cắt tỉa bớt lá, nhất là lá vàng để tránh việc va đập gây thâm quả.


Các vườn chuối được đầu tư hệ thống ròng rọc. Khi thu hoạch, những buồng chuối được móc lên ròng rọc và chuyển thẳng về khu sơ chế đóng gói. Điều này vừa giảm được chi phí nhân công thu hoạch, vừa giúp chuối hạn chế va chạm gây thâm dập trong quá trình thu hoạch, vận chuyển. 


Sau khi ròng rọc chuyển chuối về khu sơ chế, chuối được pha nải (hình thức tùy theo yêu cầu từng thị trường xuất cảng). Sau đó đưa vào bể để xử lí, làm sạch bằng các loại chất khử vi sinh vật, vi khuẩn. Điều này giúp tăng thời gian bảo quản cho quả chuối trong quá trình tiêu thụ.


Những buồng chuối có thể nặng trung bình từ 23-25 kg/buồng, cá biệt có những buồng có thể nặng tới 30kg, mỗi nải có thể nặng từ 5-6 kg và yêu cầu phải đồng đều. Do đó từ khi mới trổ buồng, mỗi buồng chỉ giữ lại khoảng 5-7 nải, còn lại những nải "kẹ" cuối buồng sẽ bị cắt bỏ.


Sau khi xong, chuối được đóng thùng. Giữa mỗi nải trong thùng phải được lót giấy xốp rất cẩn thận nhằm tránh va chạm, ảnh hưởng tới mẫu mã trong quá trình vận chuyển XK. Mỗi thùng được mọc một tí ni-lon và hút chân không. 

 

Sau đó đóng thành các kiện lớn để máy nâng chuyển lên container bảo quản lạnh trong suốt quá trình vận chuyển. 


Dưới đây là những lợi ích đáng ngạc nhiên của chuối đối với hệ thống miễn dịch của bạn, theo Eat This, Not That!


6. Ích lợi của chuối

. Có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm

Bạn muốn vượt qua mùa cúm tiếp theo mà không bị tổn thương? Hãy thử thêm chuối vào thói quen của bạn ngay bây giờ.

Theo một bài báo nghiên cứu năm 2020 được xuất bản trên PNAS, một lectin chuối được biến đổi gien - một loại protein khó tiêu hóa liên kết với đường - đã được chứng minh là có hoạt tính chống lại bệnh cúm đối với nhiều chủng virus cúm.

. Có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở nam giới và phụ nữ ở Mỹ và có tỷ lệ tử vong cao thứ 3. Tuy nhiên, tiêu thụ thực phẩm giàu tinh bột kháng, như chuối, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo một đánh giá năm 2013 về nghiên cứu được công bố trên Current Opinion in Gastroenterology, tinh bột kháng có hiệu quả trong việc giảm viêm và có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng ở người.

Có thể giúp tăng cường miễn dịch sau khi tập luyện .

Bạn đang tìm loại thực phẩm lý tưởng để cung cấp năng lượng cho quá trình tập luyện và giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động mạnh mẽ? Nếu vậy thì thay vì lấy một thanh protein, hãy lấy một quả chuối.

Theo một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên PLOS One, những người ăn chuối trước khi thử nghiệm thời gian đạp xe 75 km ít có phản ứng suy yếu hệ miễn dịch đối với các bài tập mạnh, bao gồm mức độ viêm do tập thể dục và stress ô xy hóa thấp hơn.

. Có thể làm giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật

Tinh bột kháng, như được tìm thấy trong chuối, có thể chỉ là vũ khí bí mật của bạn khi nói đến việc ngăn ngừa các kết quả bất lợi sau phẫu thuật, như bệnh ghép vật chủ (GVHD).

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Nature Immunology cho thấy tinh bột kháng, giống như được tìm thấy trong chuối, có thể gây ra những thay đổi có lợi đối với vi khuẩn trong đường tiêu hóa của con người, do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh GVHD.

. Có thể cải thiện sức khỏe đường ruột tổng thể

Phần lớn các tế bào miễn dịch sống trong đường tiêu hóa của bạn, làm cho sức khỏe đường ruột trở nên quan trọng. Điều may mắn là chuối có thể giúp duy trì sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn có lợi trong đường ruột của bạn, giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn.

Theo một bài báo nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí mBio của Hiệp hội Vi sinh vật Mỹ, tinh bột kháng, như được tìm thấy trong chuối, có thể giúp vi khuẩn đường ruột có lợi phát triển cũng như thúc đẩy sự trao đổi chất lipid của một người, theo Eat This, Not That!

5. Thay lời kết. Cây chuối hữu ích cho con người cách trọn vẹn: 

1. trái ăn bổ, hoa chuối và lõi thân chuối dùng làm ghém.

2. củ chuối giã nhuyễn, vắt bỏ bớt nước, trộn thêm muối và men, ủ 12 giờ, bắt thành hình tròn, dẹp, mang vào lò nướng thành bánh mì, ăn ai nấy khen ngon,
3. lá chuối dùng gói bánh tét bánh chưng, bánh ú.
4. bẹ chuối được tướt ra lấy tơ se lại làm chỉ khâu, cuốn lá chuối khô được chẻ ra làm dây buộc.

Thì ra tạo hóa đã sinh ra nhiều thứ nuôi sống con người như cây lúa, cây dừa, cây chuối, và nhiều nhiều nữa mà đa số con người đâu có quan tâm. 

Ngoài chuối ăn tráng miệng, tại các vùng xa và sâu, dọc theo khe suối miền Cao Nguyên và dọc theo giải Trường Sơn cũng nên phát triển trồng chuối plantain vì chuối này cho lương thực và giữ đất ven sông suối tránh xói mòn. Người Thượng miền núi có thể trồng loài chuối plantain vừa giữ đất ven suối, ven sông chống xói mòn lại vừa có nguyên liệu để ăn cũng như để làm rượu cần. 

                                                                                                                                                                    Thái Công Tụng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét