Mỗi lần ngồi máy bay từ trường Couvent des Oiseaux. Đà Lạt về thăm nhà, chị tôi thường đưa tay ra bên ngoài cửa máy bay với bốc những cụm mây trắng cho vào miệng ăn, mùi thơm ngọt và nhẹ y như kẹo bông gòn hoặc giống như kẹo kéo sợi nếu nặng vì có mưa. Tôi nằm nghe chị kể một cách say sưa. Sau này, tôi đọc chuyện ông già Noel cho các con. Có điều khác nhau, chị chưa bao giờ đem về cho tôi một cụm kẹo mây nào. Nhưng các con tôi đều có quà Noel để cạnh giường trong đêm Giáng Sinh.
Bà già ăn mày đi ngang cây Thị cầu nguyện “Trái Thị rớt bị bà già, bà đem bà cất chứ bà không ăn”. Về nhà bà ta đem trái Thị dú trong thùng gạo. Những khi bà ra khỏi nhà, trái Thị biến thành một cô gái đẹp, nhảy ra khỏi thùng gạo dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, cho đến khi bà già ăn xin gần về lại nhà cô gái nhảy vào trong thùng gạo trở lại thành trái Thị. Câu truyện được các chị kể lui kể tới nhiều lần, nhưng vẫn làm tôi say mê, và dồn dập hỏi mấy chị “cô đó mấy tuổi? lớn lên có đi lấy chồng không? Răng mà bà già không đem thêm nhiều trái Thị khác về nhà dú cho có thêm nhiều cô nữa? Có khi nào bà già về sớm, bắt gặp cô đang nấu cơm chùi nhà…?” Hỏi riết một hồi mấy chị chán không thèm trả lời, kêu tôi ngu. Thời buổi này, chúng ta có nàng Alexa, chú người máy trong nhà, các người đẹp đứng quầy tiếp khách tại khách sạn và ngay cả nàng babydoll tuyệt sắc trên giường.
Tôi đứng đầu hàng, cầm cái muỗng nhôm.Sau tôi là hai chị tôi rồi ông anh họ đứng cuối, mọi người cầm lấy vai nhau. Họ giục tôi cho muỗng vào cầu chì điện. Một chớp điện giựt làm tôi té văng xuống sàn nhà. Tôi chưa kịp khóc nhưng cả ba người sau tôi cười vang. Thì ra họ thả tay không nắm vai nhau ngay trước khi tôi cho muỗng vào cầu chì. Bài học cho tôi sau này: đừng tin nghe những lời dịu ngọt vì đàng sau có thể là cạm bẩy.
Mi muốn bơi, tau cho con chuồn chuồn voi cắn lỗ rốn là mi biết bơi liền. Tôi bị đè xuống, trần trụi ngoại trừ cái quần xà lỏn. Vừa kịp nhảy đựng và la hét vì đau nhói ở lỗ rốn, tôi bị quăng ngay xuống sông. Dù sặc sụa vì nước nhưng tôi tự động bơi kiểu chó vào bờ giữa tiếng hoan hô của các anh chị. Niềm tin làm cho con người có sức mạnh, chịu đựng được thử thách.
Hai chị sinh đôi của tôi rất ham mê chơi búp bê, nhất là khi Măng tôi đem về cho một con búp bê cũ có mắt nhằm mắt mở. Làm chỗ cho búp bê ngủ, may áo quần cho nó, nấu ăn cho nó…Sau một thời gian dợt với búp bê, hai chị quay qua trét phấn kẻ lông mày rồi dụ cắt lông mi cho thằng em, “cắt xong, lông mi dài ra mi sẽ đẹp trai hơn”. Cắt xong, mắt tôi bị xốn mỗi khi nhắm mắt vì lông mi quá cụt. Lớn hơn chút xíu, tôi cũng làm bộ nhướng nhướng, chớp chớp đôi mắt khi nói chuyện với gái, nghĩ mình có đôi lông mi dài đẹp dù con mắt chỉ có một mí như Đại Hàn.
Khi học lớp Ba ở trường Tiểu Học Đồng Khánh với cô giáo Ngọc Yến, học trò trong lớp được cho đọc bài về câu truyện một cậu bé nhìn thấy tấm bảng mang hàng chữ “Ngày Mai Ăn Khỏi Trả Tiền” ngay trước một tiệm ăn nhỏ. Sáng hôm sau, cậu bé vào trong tiệm đó, mua đồ ăn và không chịu trả tiền. Người làm dẫn cậu ra bên ngoài, chỉ tấm bảng bảo đọc, vẫn câu “Ngày Mai Ăn Khỏi Trả Tiền”. Lớn thêm một chút nữa, tôi có nghe người lớn nói “Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi”. Sau này, tôi thấy luận điệu “nếu tôi đắc cử” thường xuyên được các chính khách hứa hẹn, nhất là trước các cuộc bầu cử.
Trong một câu truyện đọc cũng tại lớp Ba này, một anh học trò được cho một cuộn dây thời gian. Do ham chơi, đến ngày đi học anh lại kéo dây dài cho đến mùa hè để vui chơi. Cứ thế nên rất chóng anh trở nên già cả, tóc bạc phơ, lưng còm và chống gậy. Biết vậy, nên về sau tôi vừa học vừa chơi, chơi cũng nhiều mà học cũng nhiều, vừa làm việc vừa vui hưởng, ngoại trừ mươi năm mới qua Mỹ chỉ biết làm chứ chưa biết chơi. Hiện tại thư thả sống, thư thả chơi, thư thả viết gõ, cho những ngày sắp tới chậm và thật chậm.
Cô giáo cho làm bài tập về câu ngụ ngôn “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Tôi viết trả lời “Thưa cô, em thấy mình có nhiều cầu bắt ngang qua sông, như cầu Bến Ngự, cầu Phủ Cam, cầu Ga, cầu Trường Tiền. Nếu sông không có cầu thì mình đi bằng thuyền. Và em tình nguyện chèo thuyền vì em rất thích chèo…” Cô phê “Lạc đề. Chưa hiểu hết.” Về sau nghĩ lại, tuy có lạc đề, tôi vẫn cảm thấy mình có tinh thần phục vụ từ lúc còn nhỏ, dù chỉ xin tình nguyện chèo thuyền thôi.
Một câu truyện khác về cậu học trò rất nhác tắm, chuyên ở bẩn, không chịu gội đầu. Ngày nọ có hột rớt trên đầu, theo thời gian hột mọc thành cây, lớn dần trên đầu. Nhìn hình thấy rất ghê. Bây giờ nghĩ đến vẫn còn sợ, nên dù ở tuổi trên bảy mươi tôi vẫn quyết định cạo trọc tóc trên đầu, nhất là trong mùa Covid này.
Ở lớp Nhì với Cô giáo Hy, một bài đọc kèm theo hình vẽ cho thấy năm hay sáu chú bị mù mắt được cho sờ một con voi. Một chú sờ được vòi con voi nghĩ đó là con voi, chú khác sờ cái tai nghĩ đấy là con voi, chú nọ sờ cái ngà voi nghĩ đây là con voi, còn chú kia ôm cái chân voi nghĩ đấy là con voi…Khi lớn, đọc nhiều thấy nhiều đi nhiều biết nhiều, chúng ta càng thấu hiểu kiến thức của mình còn quá thô sơ, nhận thức của mình còn quá thiển cận, vì biết vậy nhưng thực ra không hẳn như vậy. Cuộc đời luôn là một nơi học hỏi không ngưng, nhất là việc đi tìm sự thật. The truth, the whole truth and nothing but the truth.
Trong một bài đọc của lớp Nhì, có thằng bé có tính nghổ nghịch, thường hay phá phách xóm làng. Một bửa nọ, nó đứng trước nhà la lớn nhiều lần “bớ làng xóm nhà tôi cháy”. Nhiều người chạy nhanh đến giúp, hóa ra nhà không cháy mà chỉ thấy thằng bé ôm bụng cười ngất ngưỡng. Ba bốn lần như vậy xẩy ra, lần nào cũng có người chạy đến giúp nhưng vẫn không có cháy nhà. Đến lần nhà thằng bé bị sét đánh trúng bốc cháy, nó chạy ra đầu ngỏ la lớn “bớ làng xóm nhà tôi cháy” như mọi lần, nhưng lần nay chẳng một người nào trong xóm đến giúp. Sau này, chúng ta thường hay nghe “NÓI LÁO NHƯ VẸM”. Cũng vì vậy câu nói “đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được gắn liền với lịch sử Miền Nam VN.
Trong một lần chơi kéo dây ở Tiểu Học, một chị bạn cùng lớp bi té nặng, tức giận nhào đến một chị khác đang đứng cười ngắt nghẻo bên ngoài. Thế là hai chị ôm nhau, cào nhau, giựt tóc, nắm tóc nhau mà day, giữa tiếng la hét của chúng bạn. Khi tiếng trống vang lên chấm dứt giờ chơi, tôi bỗng kịp thấy một vệt máu ở quần của một trong hai chị. Tôi hoảng sợ, chạy vào trong lớp, đến thẳng bục thưa với cô Hy: “Có hai chị đánh nhau ở ngoài và có một chị bị chảy máu cô ơi.” Cô vội chạy ra, vừa lúc hai chị bạn đã thôi đánh và đang đứng dậy. Tôi thấy cô Hy chạy tới đứng bên cạnh chị bị có vết máu ở quần, nói vài câu gì đó rồi đưa ngay chị ấy lên văn phòng. Một lát sau, cô Hy về lại lớp và thản nhiên dạy. Trong lúc ấy, lòng tôi vô cùng hồi hộp, thắc mắc muốn biết vì sao chị bạn đánh nhau ở đầu mà lại bị chảy máu ở quần nhưng chẳng dám hỏi cô. Nhưng có lẽ vì chuyện chảy máu nầy mà sau đó bà Hiệu Trưởng nói Măng tôi tìm trường nam cho tôi học niên khóa tới. Bạn Phạm Hiếu Liêm, bạn học Tiểu Học Đồng Khánh với tôi từ Mẩu Giáo cho đến lớp Nhì, hiền ngoan chứ không nghịch tặc như tôi, cũng bị chuyển trường… vì tôi. Kể từ khi hiểu nguyên nhân của sự chảy máu, tôi muốn chữa trị các bệnh chảy máu ấy. Và đó cũng là một trong những lý do khiến cả Liêm lẫn tôi cùng theo học Y Khoa sau này.
Tôi có nuôi một con chim sáo, lông đen mướt, mỏ màu vàng, thường ngày đi bắt châu chấu với chúng bạn từ sân cỏ trong trường ĐK cho nó ăn. Dần dần sáo quen chủ nhỏ, khi thả ra sáo bay xa, đậu trên cành cây phương chơi một hồi rồi bay về lồng. Cứ vậy cho đến một ngày sáo bị con mèo hàng xóm vồ chết. Tôi bỏ xác chim trong hộp sắt, cùng các bạn trang lứa, cả trai lẫn gái, đào huyệt chôn và cùng giả khóc. Sau này, nghe ở VN cũng có màn thuê người khóc giả cho người chết. Càng nhiều người khóc mướn, nhà càng danh giá, giàu sang. Như cảnh dân Bắc Triều Tiên khóc đám tang lãnh tụ tối cao của đảng. Hay ngoạn mục hơn cả “Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi! Hỡi ơi! Ông mất! Đất trời có không?” Ôi thôi! trò chơi con nít lúc xưa bây giờ thuộc về người lớn.
Hồi còn nhỏ ai lại không thích nghe người lớn kể chuyện ma. Nào là ma le lưỡi đỏ cả máu, ma hời, ma xó, ma rà dưới nước, ma cụt chân cụt đầu. Mỗi lần ngồi nghe chuyện ma, tôi run sợ, co rúm cả người. Lớn tuổi thêm, tôi còn chơi cầu cơ nữa. Khi ở Mỹ, mới thấy rỏ những chuyện ma quỷ, chuyện kinh dị có nguyên cả một kỹ nghệ điện ảnh đi theo làm ăn. Nhất là trong mùa Halloween, nhìn các con chăm chú thích xem những phim ma quái làm tôi buồn vì bị mất tài kể chuyện ma, như khi còn ở trong nước.
Một trong những cây tôi có nhiều kỷ niệm là cây Phượng, vì suốt 18 năm tôi trở thành “cư dân” khuôn viên trường Đồng Khánh, một nơi có rất nhiều cây Phượng. Mùa hè là mùa của Phượng, mùa của “Nghìn hoa phượng vĩ huy hoàng trổ bông” (Trần Dạ Từ). Và cũng là mùa của thi cử. Thời gian này, hoa Phượng sáng rực cả một góc trời nhờ vào sắc đỏ của nụ hoa kết thành từng tản lớn. Các chị đến học thi thường hay ngồi dưới tàn cây Phượng, nhờ tôi leo lên cây hái các chùm hoa Phượng, cho vào giỏ xe trước khi đạp về nhà cuối ngày. Với chiếc quần xà lỏn trên người, tôi vui vẻ leo, chồm ra các cành nhỏ trong khi phía dưới mấy chị hò hét vỗ tay khuyến khích, chỉ chỏ cười. Khi ở tuổi 12-13, tôi bắt đầu trổ mã, bể tiếng và biết ốt dột, tôi thôi chơi trò khoe của.
Tôi có 2 bà chị sinh đôi rất giống nhau, người bên ngoài rất khó nhận ra được, một người tên L.Tâm, một người là M. Tâm. Đi ngoài đường nến có ai lỡ kêu “Tâm”, cả hai bà đều nhìn về hướng gọi. Khá nhiều anh nhờ tôi đưa thư. Tôi nhận hết vì thấy tội nghiệp và cũng vì có nhận chút hối lộ; tôi chia điều cho cả 2 chị vì đa số bì thơ không có viết tên người nhận, mà nếu có thì đơn giản chỉ đề “Gởi Tâm”. Ngày nào nhận 1 lá thư tôi đưa cho một chị, ngày hôm sau nhận 1 lá thư khác, tôi chia cho chị kia. Chị nào cũng vui cả. Tuy nhiên cũng có lúc xẩy ra cảnh tréo cẳng ngỗng, tôi chuyễn lộn thư của 1 người quen với chị này qua cho chị kia. Thế là có màn lời qua tiếng lại. Nhưng chẳng sao. Vì hầu như tất cả các loại thư đó rồi cũng được hai chị chuyền tay nhau đọc. Rồi cả nhà tôi cũng được đọc theo. Từ đó tôi học được bài học: khi đi cua gái thì chớ nên viết thư. Không có gì gọi là bí mật mà cả gia đình người con gái không biết.
Vào một buổi chiều đạp xe trên cầu Trường Tiền, tôi gặp lại một chị bạn học cùng lớp tiểu học Đồng Khánh với tôi dạo nào. Chị đi bộ trên cầu, mặc áo tang trắng với một em bé vài tháng tuổi ở nách hông. Chị cho biết chồng chị mới tử trận. Khi ấy tôi đang học lớp Quatrième tại trường Providence. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến một cái chết liên quan đến chiến cuộc.
Trường Providence có 1 sân bóng rổ tại Préau và 1 sân đá banh rất rộng ở phía sau. Hồi đó tôi không biết chơi bóng rổ, nhưng rất muốn chơi đá banh. Cũng vì trong xóm Đồng Khánh, giữa đám mù đàn em đá banh tennis thì tôi là thằng chột nên có vẻ đá ngon lành. Nhưng khi đá thử vài lần tại sân trường Providence, không những tôi bị hụt hơi khi chạy, mà còn bị các bạn cùng trang lứa như Trần Văn Hóa, Nguyễn Văn Sa, Nguyễn Văn Thi, Bùi Văn Ái…lấn ép quá chừng, làm tôi té đùi đụi, chân cẳng tím bầm nên tôi tự động dãn ra. Thay vào đó, tôi theo bạn Vĩnh Việt San về nhà của bạn ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nằm trong phòng cùng nhau nghe nhạc Sylvie Vartan, Francoise Hardy… rồi chở nhau trên xe Velosolex của San lượn qua về trên các đường gần trường. Đó là giai đoạn đi nghễ gái đầu tiên của thằng con trai vừa lớn.
Trong một thách đố bất ngờ, Lương và tôi - hai chúng tôi cùng ở trong trường Đồng Khánh từ nhiều năm qua - cùng bơi song song bên cạnh chiếc thuyền chèo tay chở mấy chị học sinh Đồng Khánh từ bến đò Thừa Phủ qua tận bến Thương Bạc bên kia sông Hương, giữa tiếng cười và vổ tay khuyến khích của các chị. Vòng lội trở về chúng tôi cảm thấy mệt nhiều nhưng vui thú. Sáu bảy năm sau, bạn tôi bỏ học Khoa Học tại Đại Học Huế, tình nguyện vào Hải Quân. Chắc chuyến bơi kỷ niệm qua sông Hương với tôi dạo đó là một trong những lý do khiến bạn thích cuộc sống hải hồ.
Lớp Seconde chúng tôi được cho một bài tập cuối tuần, chủ đề: tự do, muốn viết gì thì viết. Tôi chọn viết một bài có tính chất khoa học giả tưởng. Trong một buổi sáng thức dậy, nhiều người trên thế giới, nhất là tại những thành phố văn minh, nhận thấy áo quần của họ làm bằng nylon hoàn toàn bị hư hỏng, từ đó sinh hoạt bị trở ngại, với rất nhiều người không thể rời nhà đi làm hay chợ búa; di chuyển trong thành phố hay giao thông giữa các nước giàu có cũng chịu cùng tình trạng vì bất cứ cái gì làm bằng nguyên liệu nhựa tổng hợp, nylon… đều đồng loạt bị hư hỏng. Ngay cả các phi cơ nằm ụ, các bệnh viện cũng bị tê liệt vì các ống chích thuốc làm bằng chất nhựa hóa học…Về sau, các khoa học gia tìm hiểu được nguyên nhân là do một loại vi khuẩn lạ gây ra sự mục nát của chất nhựa tổng hợp và nylon. Những nước chậm tiến ngược lại ít bị ảnh hưởng vì đa số hàng may mặc còn thô sơ với tơ lụa hay bông sợi và di chuyển đơn sơ, bằng chân, lạc đà… hay ghe… Riêng với học sinh chúng tôi, các linh mục dạy chúng tôi không thể ra khỏi phòng vì các áo dòng của các ngài đa số được may bằng nylon cho nhẹ. Chúng tôi rất vui mừng vì được nghỉ học nhiều ngày. Mãi cho đến lúc các khoa học gia tìm ra được phương pháp khống chế con vi khuẫn kỳ dị này, và cả thế giới trở lại kỷ nghệ may mặc với bông sợi hay tơ lụa, bấy giờ đời sống mới dần trở lại bình thường…Cha Lefas, người dạy chúng tôi rất nhiều năm về nhiều môn, như sinh ngữ Pháp, Văn Chương Pháp, Histoire & Géographie, và luôn cả Anh Văn, cho điểm bài viết của tôi rất thấp. Tôi nghĩ một phần Cha chưa nghiệm ra được cái tếu của bài viết, nhất là khi tôi mô tả các linh mục không thể rời phòng nếu không muốn mình là ông Adam.., phần khác có lẽ các Cha hơi bị gò bó về thể thức nên ít có sự thông cảm về khoa học giả tưởng. Tôi liên tưởng những chuyện giả tưởng thế kỷ 19 của Jule Vernes mình từng đọc qua như “20 ngàn dặm dưới đáy biển”, “Hành trình vào lòng trái đất”, “Bay lên mặt Trăng”… không ít thì nhiều đã ảnh hưởng tôi viết bài viết giả tưởng ở trên, nhưng ở mức độ không thể khủng khiếp như so với với nạn Covid-19 bây giờ.
Sau giờ học đầu tiên, bà giáo Vigouroux ra bài làm cuối tuần cho cả lớp “Qu’est ce que la philosophie?” Vì tôi là học trò duy nhất từ trường Providence, Huế, vừa chuyển vào học lớp Terminale tại Lycée Blaise Pascal, Đà Nẵng, tôi quyết chí phải làm bài này thật tốt để ra mắt bạn mới, đồng thời cho xứng danh của trường cũ của mình. Tôi cặm cụi suy nghĩ, viết, sửa, viết…cả cuối tuần đó. Bài viết dài đến 6 trang, có phần mở đầu, phần chính ở giữa với nhiều tên tuổi của các nhà triết học lừng danh thế giới từ xưa đến nay, tuy thuộc nhiều hệ phái và sáng lập nhiều lý thuyết tuyệt vời khác nhau nhưng họ lại cùng có một cá tính và cuộc sống gần giống nhau: bất cần, râu tóc vô lối, thường say sưa, lẩm bẩm trong miệng những câu khó hiểu, kém thực tế, tư tưởng viễn vông nếu không muốn nói là bất thường…Vì vậy trong phần kết luận, tôi chơi chữ nói lái: Philo, c’est folie. Bà giáo dạy Triết đem bài tôi ra dủa trước cả lớp và cho 2 điểm trên 20, giải thích: 1 điểm vì bài viết dài mà lại không bị sai lỗi văn phạm nhiều, điểm thứ hai vì viết sạch sẽ, dễ đọc. Tôi ê mặt. Tháng sau, với bài tập Triết lần thứ hai tôi không hứng thú nên làm bài một cách lơ là, trong trạng thái chán nản, nghĩ sao viết vậy chứ không cần soạn rồi viết nháp trước. Vậy mà bài tôi lại được khen trước lớp và chấm 14 điểm trên 20. Bây giờ, nếu ai hỏi tôi Triết Học là gì, tôi xin chào thua. Tuy nhiên với tôi, sống một cuộc đời, với bao màu sắc khi hư khi thực, với bao câu hỏi có trả lời hay không thể trả lời, đã là một triết lý với chính nó.
Xóm Đồng Khánh gồm nhiều gia đình các bà giáo dạy, hay làm việc cho trường, trong đó có gia đình tôi. Khi Xóm vừa cho ra cái lệ người nào thi đậu tú tài 2 thì phải mời bao tất cả chúng bạn trong Xóm một chầu xinê, anh thứ hai của tôi là người đầu tiên kéo chừng trên 20 người vừa trai vừa gái, từ 9-10 tuổi trở lên 17-18 tuổi đi xinê vào hè 1961. Và tuần tự như vậy, cứ hè đến là bạn bè trong Xóm chờ được mời gọi đi xinê vì hè nào cũng có người thi, và thi đậu, có khi có đến 2 người cùng thi đậu một lúc. Nếp sinh hoạt trong Xóm thật thân tình và sinh động. Thảm họa Mậu Thân đến, rồi đi, để lại bao tang tóc cho Huế. Xóm Đồng Khánh tiêu điều, không những vì dấu vết chiến tranh mà vì nhiều gia đình quyết định rời Huế, dù không có một ai trong Xóm bị chết trong biến cố này. Những người còn lại, như gia đình tôi và một số ít khác, không còn tinh thần vui chơi bất cứ chuyện gì – Như những con chim bắt đầu biết sợ tiếng súng - Chiến tranh đã đánh mất tuổi thơ ngây của lớp trẻ chúng tôi từ dạo ấy.
Tính sổ, Xóm Đồng Khánh của tôi sản xuất 9 người cho ngành giáo dục. Đáng nói là chị Tôn Nữ Thanh Cầm, sau một thời gian học Văn Khoa tại Saigon, trở về làm hiệu trưởng trường ĐK trong một thời gian 2-3 năm; chị Vương Thúy Nga, giáo sư Toán Lý Hóa, sau này làm hiệu trưởng trường Nữ Trung Học Quy Nhơn trên cả chục năm cho đến ngày mất nước. Gia đình 4 chị em gái của chị Thùy Nga còn có thêm 2 người em nữa là chị Vương Thúy Hoa, giáo sư Anh Văn trường Nữ Trung Học Nha Trang và chị Vương Thúy Loan, giáo sư Anh Văn trường Trần Quý Cáp, Hội An. Thêm một cô giáo nửa của Xóm là chị Túy An, trưởng nữ của Dì Dần, tổng Giám Thị trường ĐK, làm giáo sư tại trường Gia Long trong 2 năm cuối trước khi mất nước. Trội hẳn hơn cả là anh Nguyễn Xuân Đặng, học trên tôi 4 lớp tại trường Providence, du học Pháp từ năm 1962, trở thành một professeur titulaire về Toán của nước Pháp, về sau giữ chức President của ĐH Polytechnique de Grenoble (một trong 2 đại học về khoa học kỷ thuật của Pháp); trước khi về hưu anh Đặng được tổng thống Pháp trao tặng huân chương Légion d’Honneur cao quý nhất (được lập ra từ thời vua Napoleon Bonaparte) mang tên la Croix du Chevalier. Xóm ĐK chúng tôi luôn hãnh diện có những cô thầy xuất thân từ Xóm đã góp phần vào giáo dục trong và ngoài nước.
Chuyện trùng hơp, Xóm ĐK cũng sản xuất 9 người cho Quân Đội VNCH, phục vụ trong nhiều binh chủng, Bộ Binh, Quân Y, Lực Lượng Đặc Biệt, Không Quân, Hải Quân, Công Binh, Nhảy Dù. Thật may không có một ai được lên chức Cố trong chiến tranh, một phước lớn của Xóm, duy chỉ anh thiếu tá LL ĐB bị chết trong chốn ngục tù CS sau 1975. Với cuộc chiến chấm dứt, cuộc sống trở nên đục tối, thù hằn, hãi hùng, đầy cạm bẫy và ma quỷ đỏ. Đường chia muôn ngả, đời rẽ vạn lối, đều dẫn vào ngõ cụt không tên. May mắn thay, đa số chúng tôi kẻ trước người sau cũng đến được bến bờ tự do. Cám ơn Thượng Đế. Cám ơn quê hương thứ hai.
Trong dịp lễ Hai Bà Trưng từ năm 1970 trở về sau, trường Đồng Khánh thường tổ chức cắm trại ngay trong khuôn viên của trường. Tất cả 4 vạt cỏ rộng của trường tràn ngập những lều lớn nhỏ, đủ màu sắc. Có năm còn có thêm cả cổng chào rất đặc biệt, gần cửa trước của trường do các thầy cùng nhóm Hướng Đạo phụ làm. Có nhiều cuộc thi như trang trí lều, kéo dây, nấu ăn…rất vui nhộn. Có lẻ đông khách và được các o học trò thích nhất là căn liều đăc biệt coi chỉ tay và bói bài do chính cô Quế Hương đảm nhận. Tôi vẫn còn hình dung các cô Tường Loan, Mai Hương, Bích Đào, Thanh Ngọc, Bạch Vân, Thanh Tâm, Tuyết Mai, Phương Chi, B. Tuyết thể dục, Lưu Ty, Mỹ Trang, Mỹ, Thanh Thu, Như Mai… và các thầy Ngô, Âu, Thụy, Nam, Dòng…Ôi! hình ảnh muôn năm cũ nay chỉ còn lại là những ghế đá phai màu theo thời gian.
Vào hè 1970, với nhiệm vụ chụp hình cho Sinh Viên Vụ, tôi tham dự một buổi văn nghệ khoảng đải phái đoàn giáo dục ngoại quốc đến thăm Viện ĐH Huế. Cuộc trình diễn đặc biệt này bắt đầu trong buổi chiều còn óng ánh nắng vàng, trên một chiếc thuyền lớn thả trôi trên sông Hương với màn văn nghệ duy nhất do một nữ sinh viên chơi đàn tranh. Vừa tìm góc cạnh để ghi vào máy ảnh dáng ngồi quý phái của thiếu nữ đang dịu dàng thả hồn chơi nhạc, những ngón tay lã lướt nhấn lên phím đàn, khuôn mặt nhu mì thật thanh tú, ánh mắt đoan trang, lòng tôi nghe dâng trào lên một niềm cảm xúc lung linh trong tình nhạc của Huế. Huế xưa, Huế thầm lặng. Huế của kín cổng cao tường và Huế của sóng ngầm. Để thỉnh thoảng, từ nơi xa tôi vẫn lưu luyến nhớ đến hình ảnh thiếu nữ bên cây đàn tranh những khi hồn phiêu lạc về xứ Huế.
Vào hè năm Thứ 3 Y Khoa, tôi đến thăm cha Lefas như từng làm nhiều lần từ khi rời trường Providence, nơi mà tôi học liên tiếp trong 7 năm. Sau một hồi chuyện trò, bổng nhiên Ngài nhờ tôi dạy môn Anglais cho lớp Troisième ở trường Jeanne D’Arc. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao tôi nhận lời, có lẻ không những vì Ngài đặt quá nhiều tin tưởng vào thằng học trò này mà phần khác tôi cảm thấy an tâm do Ngài chuyển tôi các tài liệu Ngài từng xử dụng trước đây khi dạy Anglais cho chúng tôi. Khi thật sự dạy, tuy chỉ 2 lần mỗi tuần, mỗi lần chỉ 1 giờ, nhưng thì giờ soạn bài, soạn cách ăn nói bằng tiếng Pháp, chấm bài, phê bình…đó là chưa kể phải ăn mặc cho đúng ra mặt thầy, không quần jean, không áo pull. Nên sau 1 năm tôi xin thôi, dù 2 ngàn đồng mỗi tháng cũng không là nhỏ, vã lại năm thứ Năm rất bận rộn cho thực tập tại bệnh viện. Cách học và dạy Anglais giúp tôi chút vốn liếng về đọc sách và giỏi về ngữ vựng, nhưng thực sự trong mấy năm đầu trên xứ Mỹ, tiếp xúc nói chuyện, hỏi bệnh với bệnh nhân luôn là vấn đề không dễ, nhất là với những người lớn tuổi có bệnh nặng chỉ thì thào trong miệng, nên tôi thường bình tĩnh cứ… nói. Khá nhiều lần, khi tôi xoay lưng bước ra khỏi phòng tôi nghe bệnh nhân hỏi cô ý tá “what did he say?”
Năm 1972, nhóm bạn YK chúng tôi quyết định cùng nhau làm một party Noen tại nhà của Hoàng Ngọc Vinh sau khi được bạn bật đèn xanh. Mỗi đứa chịu trách nhiệm một phần cho tổ chức buổi tiệc. Không biết vì tính nghịch ngợm của tôi hay vì không có bạn nào chịu đưa tay, tôi tình nguyện là người đi tìm cây thông về treo đèn và trang hoàng. Những nơi có nhiều cây thông ở Huế là các đồi núi, các chùa xa trong núi, hay nhà Dòng Thiên An. Tôi chọn “ăn cắp” thông tại chùa Từ Hiếu. Cho có vẻ gay cấn. Đến khuôn viên chùa để ăn cắp cây thông trong mùa Giáng Sinh thì quả là gan thật. Theo kế hoạch chúng tôi có 4 người chở nhau trên 2 xe honda. Một xe canh chừng ngoài đường lớn, một xe chở tôi vào vườn thông gần chùa. Tôi ngắm được cây thông ăn ý, thẳng, vừa tầm không quá lớn. Tôi leo nhanh lên thân cây thông được 2 thước và đưa dao phay chặt thân cây ngay trên bàn tay mình đang ôm thân cây. Sau vài nhát dao, tôi đu vào phía trên chổ chặt khiến phần trên cây thông bị gảy ngang, rơi xuống đất cùng với tôi. Tôi vội ôm chỏm cây thông gảy dài khoảng 4 thước, nhảy lên yên sau xe Honda; xe rú máy dọt nhanh, để lại tiếng la hét đằng sau. Xe chạy càng nhanh thì càng khó giữ cây thông trên vai vì gió mạnh. Đêm party rất thành công, mọi người đều thích chụp hình với cây thông, nhất là mấy con ghệ. “Mon beau sapin, roi des forêts, que j’aime ta verdure”, và bao nhiêu ca khúc Giáng Sinh tuyệt vời khác được thả từ cassette ra trong đêm.Tuy nhiên tôi phải trả giá hơi đắt: áo xịn bị dính nhiều mũ thông phải vất bỏ, và loay hoay làm cháy loạt đèn treo cây thông nên phải bỏ tiền ra mua loạt đèn thứ hai.
Thuở còn đi hoang, có vài lần tôi bắt thằng bạn thả tôi xuống bên này cầu Trường Tiền ở góc Morin, và lẻo đẻo đi theo sau lưng 1 O học trường ĐK cho qua hết cầu Trường Tiền, rồi lại phóc lên ngồi trên yên xe Honda về lại nhà. Đi theo đuôi được cũng vài lần như vậy, bổng có ngày O đang đi trước tôi bổng dừng lại, chờ tôi cùng lên ngang hàng. O thỏ thẻ “anh đi sau lưng tui hoài làm tui dễ bị trật chân vì 2 chân cứ đập vào nhau. Mà đi bên cạnh nhau thì bạn bè dị nghị, Huế biết thì tui mắc cở chết. Thôi thì mời anh cứ đến thẳng nhà, tui mời anh vô nhà thưa chuyện”. Nghe vậy tôi đâm hoảng, stop tức khắc, thôi đùa giởn. Những lần gặp sau, tôi giả ngơ, nhìn thẳng, dù biết O nhìn tôi đăm đăm như chờ đợi, nhắn gởi trong thầm lặng. Cứ thế thời gian trôi đi. Nước sông Hương vẫn chảy, nhưng không giống nhau ở bến chờ. Trước khi vượt biên, có bạn ở Huế cho tôi biết O lấy chồng năm 1973, 1 sĩ quan, gốc Huế, đóng tại Pleiku và cả 2 vợ chồng đều chết trên đường di tản tháng 3, 1975.
Lớp YK tôi có 7-8 chị. Đặc biệt có một chị trông xinh xinh, mignonne, mũm mĩm, có da có thịt và rất chi ngây thơ…cụ. Vì thuộc loại hoa hậu của cả trường, nên không những chị được các đàn em nữ SV vô cùng ngưỡng mộ, viết thơ tỏ tình, mà còn có vô số các nam sinh viên đeo đuổi, hầm hè với nhau. Ít nhất cũng trên 2 tá, kể từ khóa đầu của trường cho đến 5-6 bạn trong cùng khóa 7 của tôi. Vậy mà đùng một cái chị lấy chồng, cũng là YK cùng lứa, khiến bao người từng theo đuôi bỗng chưng hững, đau đớn. Không phải vì anh ta tốt nghiệp Saigon, mà chỉ vì 2 gia đình ở sát cạnh nhau; một bên là nhà sách Ái Hoa của gia đình chị Trần Thị Bích Thụy, một bên là cửa hàng Nam Thiên chuyên bán thực phẩm ngoại quốc của gia đình anh Đỗ Doãn Trang. Lẽ đương nhiên anh chị Trang và Bích Thụy nên duyên vợ chồng là do tiền định, nhưng người xưa thường hay nói là nhờ “gần đâu xâu đó” – với bức tường ngăn giữa 2 nhà có nhiều lỗ lủng, tạo cơ hội cho 2 bạn trẻ nhìn thấy nhau từ hồi còn “ăn lông ở lỗ”. Mấy chục năm trước khi mới gia nhập cộng đồng Montreal, dù biết chị đã có chồng, nhưng vẫn có vô số người bị chị Bích Thụy hớp hồn. Còn anh Trang, biệt hiệu là Trang Slow, làm cái gì cũng rất từ tốn, mài dủa rất chậm, nên luôn được vợ cưng chìu. Hai anh chị bác sĩ Trang và Bích Thụy hành nghề tại Montreal từ nhiều thập niên qua, và luôn là mạnh thường quân cho cả hai ba phía, vừa YK Huế của chị, vừa YK Saigon của anh, lại vừa cho hội Y Sĩ Canada của cả hai.
Thời SV Y Khoa, sáu bảy đứa chúng tôi thường hay tụ tập nhà bạn Hoàng Ngọc Vinh nằm trên đường Lê Lợi, trước mặt khách sạn Hương Giang. Là nơi đấu láo, nghe nhạc, đánh bạc, học bài... chen chúc trong một căn phòng nhỏ ngập khói thuốc lá và sàn ngập tàn thuốc. Đó cũng là nơi chúng tôi soạn thảo chương trình du hí với nhau, hay cùng nhau giả viết lá thư tỏ tình càng sến càng tốt gởi ra cho mấy O ĐK nào đó. Toàn những chuyện nghịch tặc, kỳ cục nhưng không mang tính chất phá hoại một ai cả. Do dính chùm với nhau, rút cuộc rồi tất cả chúng tôi đều rời được VN, đứa thì ở Montreal nhu Hoàng Ngọc Vinh và Lê Quang Tiến, đứa thì ở CA như Trần Tiển Ngạc, Tôn Thất Phước,Nguyễn Chi và tôi; riêng bạn Bùi Cao Đẳng qua Mỹ sớm nhất trong bọn, hành nghề ở Maryland và cũng là người sớm nhất đã nhảy saut cuối vào đúng ngày 30 tháng 4, năm 2012. Nay mỗi đứa mỗi ngã, khó có dịp gặp nhau cười phá nhau. Mong chúng mình mãi nhớ nhau, đóng khung những kỷ niệm khó phai của cái thời không mấy lo âu mà chỉ biết ăn với chơi và học.
Mission Viejo, CA
** Viết ngày 15 tháng 12, 2020. Được bổ túc và hoàn chỉnh vào ngày 27, tháng 6, 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét