Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Covid-19 Delta: Biến Chủng Mới


Mặc dù đã có thuốc chủng ngừa (vaccine) cho đến nay, sau gần 2 năm cơn đại dịch coronavirus từ Vũ Hán (Trung Quốc) vẫn chưa có dấu hiệu "đứng lại". Bản thống kê Covid 19 trên toàn cầu của đại học Johns Hopkins cho thấy con số lây nhiễm gần 200 triệu, số tử vong trên 4 triêu người và vẫn tiếp tục gia tăng. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia dẫn đầu với trên 34 triêu ca nhiễm và số tử vong trên 600 ngàn người. Sau Hoa Kỳ là Ấn Độ, Brazil, Nga và Pháp. Những tuần lễ gần đây, các đợt dịch đợt 3, 4 đang gia tăng với những con số đáng lo ngại. Thêm nữa đây lại là coronavirus biến chủng mới: Covid-19 Delta Variant có sức lây lan nhanh và nguy hiểm trong cộng đồng.

Có khá nhiều nghịch lý trong việc lây nhiễm cộng đồng tại Hoa Kỳ, đất nước có dư thừa vaccine cho toàn dân. "Nhân quyền" là nguyên tắc căn bản và có giá trị hiến pháp cao nhất tại quốc gia này! Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) Hoa Kỳ hơn 90% các ca lây nhiễm mới trong thời gian vừa qua là những nạn nhân không tiêm chủng ngừa Covid 19. Có thể đây là những người từ chối tiêm chủng ngừa Covid 19 và họ có quyền làm như vậy theo hiến pháp Hoa Kỳ (?)! Và con số người dân Hoa Kỳ từ chối tiêm chủng ngừa Covid-19 không phải là nhỏ. Nên những cố gắng của chính phủ tiểu bang, liên bang trong việc ngăn chận sự lây lan của coronavirus đã gặp nhiều khó khăn, sau thời gian có nhiều dấu hiệu chậm lại do hiệu quả của thuốc chủng ngừa Covid-19 vaccine.

Thậm chí có gia đình người Mỹ, vợ tình nguyện tiêm vaccine còn chồng thì nhất định từ chối không chủng ngừa. Kết quả là: người chồng nhiễm Covid-19 và lây cả cho vợ. Người chồng phải nhập viện điều trị, còn vợ thì điều trị tại nhà do các triệu chứng nhẹ hơn! Nhưng nói gì thì cả hai đều bị nhiễm Covid-19 do việc từ chối tiêm chủng của một thành viên trong gia đình! Không phải chỉ có Hoa Kỳ, mà một số dân chúng Pháp đã xuống đường biểu tình chống lại chính sách đòi hỏi tiêm chủng ngừa Covid-19.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã ra thông báo trong đó gồm tiêm vaccine bắt buộc với nhân viên y tế và yêu cầu người dân trình giấy chứng nhận âm tính Covid-19 để vào những địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim. Người biểu tình cho rằng điều này đã xâm phạm quyền tự do của những người không muốn tiêm vaccine. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Pháp từ đầu tuần, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông.

Covid-19 Delta Variant:

Biến thể Covid-19 Delta (còn được gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể Coronavirus chủng mới được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ. Biến chủng này được coi là biến thể nguy hiểm nhất trong số 4 biến thể Coronavirus mới được phát hiện. Hiện đã có hơn 80 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng này và nó đang lây lan với tốc độ vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia vi trùng học.

Đáng chú ý, những triệu chứng do biến chủng Delta Ấn Độ gây ra rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường, khiến nhiều người chủ quan bỏ qua, làm tăng nguy cơ biến chứng hoặc tử vong ở người bệnh (theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO).

***
Trong những tuần lễ vừa qua, tình hình lây nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có nhiều dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại, nhất là tại thành phố Sài Gòn. Phần lớn những ca nhiễm tại các tỉnh thành Việt Nam đều mang dấu hiệu của Covid-19 loại chủng mới. Cho đến hôm nay ngày 26 tháng 7, 2021 con số lây nhiễm mới trong cộng đồng đã lên tới con số gần 8 ngàn cho mỗi ngày. Dưới đây là bảng số liệu được VnExpress online đưa tin:

Nhiều biện pháp ngăn ngừa, phòng chống sự lây nhiễm trong cộng đồng đã được áp dụng tại Việt Nam, nhất là trong các tỉnh thành có mức lây nhiễm cao như thành phố Sài Gòn và hầu hết 19 tỉnh miền tây nam bộ. Hình ảnh những trạm phong tỏa, cách ly y tế được thành lập khi khám phá có người bị nhiễm Covid-19 ( F1) trong khu phố, con hẽm, ấp phường... đã trở nên khá quen thuộc.

Trái ngược với hình ảnh biểu tình phản đối ở Pháp, thì ở Việt Nam người dân phải xếp hàng tràn ngập, "rồng rắn" để được tiêm ngừa Covid-19! Làm sao không xót xa và thương cảm cho người dân trong nước, mong được tiêm chủng ngừa, mong được thoát qua cơn đại dịch để trở lại cuộc sống bình thường ngày xưa. Nhất là đối với hàng quán ven đường, những mãnh đời mưu sinh bằng đường phố, buôn gánh bán bưng phổ biến... đời sống của họ ra sao trong tình trạng phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.

Không riêng một đất nước nào, mà toàn thể nhân loại đang đương đầu với cơn đại dịch Covid-19 của thế kỷ. Tổn hại về kinh tế, khủng hoảng về xã hội và nhiều tiềm năng thương tổn trong quan hệ tình người... là những hậu quả không thể tránh khỏi hiện tại và mai này. Trước mắt là việc cung cấp đầy đủ thuốc chủng ngừa (Covid-19 vaccine) cho toàn thể nhân dân của các nước, cho tất cả con người trên toàn cầu. Chúng ta có thể kiểm soát, ngăn chận cơn đại dịch, nhưng có thể loại "cúm gây ra bởi Coronavirus" sẽ chung sống với con người như bao loại cảm cúm khác? Cách sống, mọi giao tiếp xã hội và nhân sinh quan mới cũng phải hình thành sau cơn đại dịch này chăng? Chúng ta gần gũi nhau hơn hay ngày càng càng ngại ngần, xa cách? Con người có cảm nhận được lẽ vô thường hay ngày càng quá khích, dễ nổi loạn nhiều hơn? Có quá nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, phải không các bạn!

Cho dù câu trả lời cho tương lai thế nào, nhân loại phải trước hết vượt qua cơn đại dịch. Xin cùng nguyện cầu và mong tất cả chúng ta sẽ cùng nhau có được nhiều an lành, đầy nghị lực để vượt qua cơn đại dịch biến dạng khó lường của thế kỷ!

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét