Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Nước Mắt Chiều Xuân

Một mùa Xuân nữa lại về trên đất khách. Không biết đây là mùa Xuân thứ mấy tôi đã xa quê hương, tôi không muốn đếm, không muốn tính vì nếu biết chính xác thì chắc đã nhiều lần lắm rồi, càng thêm buồn. Tôi nhớ đến mẹ, anh em và bạn bè thân thuộc…Tất cả bây giờ ở đâu? Kẻ còn người mất, kẻ lưu lạc phương trời nào? Chiều nay 30 Tết nhìn mấy chậu Mai, Lan, Cúc…đua nhau khoe sắc trong không gian lành lạnh cuối năm sao lòng tôi chẳng thấy nôn nao vui vẻ chút nào. Tôi bỗng nhớ về quá khứ, hồi ức về những ngày tháng đó, những gì tôi từng chứng kiến hoặc chính bản thân tôi từng trải qua lần lượt trở dậy như cơn ác mộng làm tê buốt hồn tôi…

Một buổi chiều cuối năm xưa khi gia đình tôi đang chuẩn bị cúng rước ông bà thì nhận được hung tin: anh trai tôi tử trận sa trường. Mẹ tôi ngất xỉu không biết bao lần vì đứa con trai thân yêu ra đi đột ngột. Riêng tôi không còn nỗi đau đớn nào hơn vì đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự mất mát người thân như thế nào. Nỗi đau xé nát tâm cang của kẻ khóc người đi vĩnh viễn không thể nào diễn tả hết được. Cả một thời gian dài đăng đẵng về sau cứ mỗi chiều 30 Tết, lúc sửa soạn cúng ông bà thì mẹ tôi lại ngồi khóc thật nhiều trước bàn thờ anh, và gia đình tôi chẳng bao giờ có được những ngày Xuân vui vẻ. Làm người dân trong thời loạn, thời chinh chiến khó được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.

Thời gian sau tôi theo chồng đổi về một tỉnh xa: tỉnh Kiến Hòa.Người dân ở đây không ai có thể biết họ thuộc phía nào, phe ta hay phe bên kia.Thành phố đó không an ninh, bất cứ giờ nào cũng có thể bị pháo kích, bất cứ nơi nào cũng có thể bị họ đặt mìn, ném lựu đạn.Từ ngoài đường xe chạy, trường học, công sở đến chợ búa, trong đống bắp cải, rau đậu hay đống dừa vẫn thể nổ được. Có lần tôi đang đi chợ gặp phải mìn nổ ngay trong đống rau bắp cải làm mọi người chạy tán loạn, có người chết, có người bị thương. Riêng tôi may mắn chạy ra xa được nên an toàn nhưng phải một phen kinh hoàng khó quên. Dân ở nơi đây lúc nào cũng phải cảnh giác, phòng bị vì nguy hiểm luôn chực chờ.

Tôi còn nhớ một buổi chiều kia có anh bạn của chồng tôi đến chơi, anh Trần Văn Phước là Đại Úy Trưởng Phòng 1 của Tiểu Khu Kiến Hòa. Anh khoảng 26, 27 tuổi, anh có gương mặt hơi giống Elvis Presley nhưng có giọng ca trầm ấm và anh chỉ hát tình ca. Hôm ấy trông anh không được vui, anh cũng không nói gì cả, cứ ngồi ôm đàn hát hết bài nầy sang bài khác.Tôi thấy trời đã về chiều sợ anh đi đường nguy hiểm vì anh tự lái xe Jeep nhà binh đi nên nói chồng tôi khuyên anh nên về sớm.

Ngày hôm sau khi tôi từ trường về, chồng tôi bảo:
Em ơi, thằng Phước chết rồi. Hôm qua ở nhà mình ra nó lái xe về đến Ngã Ba Tháp bị bắn sẻ, trúng đầu và nó đã chết.
Tôi bàng hoàng, thờ thẩn:
Trời ơi, có thể nào là vậy? Mới chiều hôm qua anh còn ngồi đây đàn hát kia mà.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, chồng tôi nói anh ấy đã đi rồi. Tôi không cầm được nước mắt, lòng ngậm ngùi thương xót cho một người bạn của chồng mình. Những giọt nước mắt nầy tôi khóc không những cho riêng anh mà tôi khóc cho cả một thế hệ trẻ đau thương của chúng tôi. Những người thân, những người bạn chung quanh tôi dù trai hay gái đang ở lứa tuổi đôi mươi, đang độ thanh xuân nhưng không thể tìm thấy mùa xuân giữa thời binh đao khói lửa.

Tôi về đây không bao lâu nhưng nhận ra được không khí chiến tranh bao trùm thành phố. Cuộc sống hồi hộp, lo lắng, phòng bị hằng ngày làm tôi muốn nghẹt thở.

Bên hàng xóm tôi có một cô giáo trẻ, xinh đẹp, tóc dài da trắng, người mảnh khảnh mang dáng dấp liêu trai, cô tên Kim Chi.Những lúc buồn tôi hay sang hàn huyên cùng Chi.Thỉnh thoảng tôi bắt gặp cô nàng đi cùng một anh Trung Úy Biệt Động Quân trẻ, rất đẹp trai tên Long. Chẳng bao lâu hai người cưới nhau. Tôi rất mừng và cầu mong cho họ được hạnh phúc đến suốt cuộc đời. Sau tuần trăng mật chàng ra đi biền biệt, Chi dù sống đời chinh phụ nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc vì đứa con trong bụng.

Rồi vào một buổi chiều cuối năm âm u, lạnh lẽo người ta đã đưa về cho nàng chiếc quan tài của người thương mà nàng mỏi mắt chờ trông.Thế là hết, bao nhiêu mộng ước tan tành, đổ vỡ. Chi gào thét, vật vã điên cuồng bên quan tài người đã anh dũng ngã xuống giữa sa trường vì non sông, vì tổ quốc. Ôi! Còn nỗi đau đớn nào hơn? Mái tóc dài liêu trai của nàng rối bời tơi tả, đôi mắt đỏ ngầu vì luyến thương hay uất hận? Đôi vai gầy run từng chập theo tiếng khóc bi thương với những lời kể lể thiết tha thống hận.Tôi không biết dùng lời gì để an ủi Chi vì giờ phút nầy có lẽ nước mắt là liều thuốc tốt nhất làm vơi bớt đớn đau của nàng.Tôi chợt thấy thương và thông cảm cho những người mẹ, người vợ, người yêu của chiến sĩ VNCH đã phải gánh chịu nỗi đau đớn tột cùng nầy. Không biết có bao nhiêu người vợ trẻ cùng cảnh ngộ với Chi bây giờ?

Tôi thờ thẩn rời nhà Chi đi lang thang dọc theo bờ sông Hàm Luông. Chiều xuống thủy triều dâng cao, dòng sông lặng lẽ trôi xa hun hút không biết chảy về tận phương nào. Dòng sông sâu thẳm mênh mang buồn như cũng cảm thông tâm trạng đau thương cho người góa phụ, cho tuổi trẻ hôm nay, cho cuộc chiến dai dẳng nầy không biết bao giờ mới chấm dứt!

Về sống nơi đây chưa được bao lâu mà tôi phải chứng kiến nhiều cảnh đau thương, tàn khốc của chiến tranh. Hằng đêm tôi thường cầu nguyện xin Chúa thương xót, cứu giúp dân tộc đáng thương, bất hạnh của tôi. Chồng tôi mỗi ngày phải đi công tác xuống các quận, cứ mỗi lần anh ra khỏi nhà là tôi cầm xâu chuỗi lên đọc kinh cầu xin bình an cho chuyến đi của anh. Có một lần khi đọc xong một chuỗi kinh, đáng lý tôi ngưng lại nhưng không hiểu sao lòng tôi cứ bồn chồn xốn xang không an tâm. Thế là tôi cầm xâu chuỗi lên đọc tiếp, cứ đọc hết 50 kinh tôi trở lại đọc tiếp nữa…cho đến lúc nghe tiếng gõ cửa và chồng tôi đã về. Anh bảo tôi rằng:

Hôm nay anh suýt chết. Khi trực thăng chở anh về đến bên kia bờ sông thì bị súng phòng không của họ bắn lên trúng cánh máy bay của anh. May mà anh phi công Hoa Kỳ giỏi đã “lết”được qua sông và đáp xuống bãi đáp kịp thời nên tụi anh không sao. Nếu máy bay rớt nằm bên kia bờ sông thì coi như xong đời rồi vì bên đó là vùng của họ.
Thảo nào hôm nay em cứ phập phồng lo sợ và cứ đọc kinh mãi không dám buông xâu chuỗi xuống.

Tạ ơn Chúa và sau đó chồng tôi còn gặp vài trường hợp nguy hiểm hơn thế nữa mà Chúa đều cứu chàng ấy thoát chết.

Khoảng thời gian từ 1971 đến 1973 tôi ở Kiến Hòa, một trong những tỉnh tệ nhất về an ninh ở vùng 4. Xác chết của binh sĩ hoặc thương binh được chở về Quân Y Viện hằng ngày qua những rú kinh hoàng của xe cứu thương, của trực thăng tải thương. Còn dân chúng thì lo sợ pháo kích hằng đêm, đôi khi họ pháo vào thành phố cả ban ngày.
Có một chuyện mà có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên được, đó là cái chết của em Trần Thị Nhỏ, học sinh lớp 8 trường trung học Tân Dân - Kiến Hòa. Hôm đó trong giờ dạy của tôi em Nhỏ phá phách bạn bè đủ thứ.Tôi lấy làm ngạc nhiên vì thường ngày em rất ngoan, hai lần tôi lên tiếng cảnh cáo nhưng em cứ tiếp tục nghịch. Sau đó tôi bắt em lặp lại những gì tôi vừa dạy thì em chẳng biết gì cả chứng tỏ em không nghe giảng bài.Trong cơn nóng giận tôi đã phạt em chép lại bài học hôm đó 20 lần và nộp cho tôi vào kỳ tới.
Lần kế tiếp tôi đến lớp, tôi chợt nhớ có một em thiếu nộp bài phạt. Tôi hỏi:
Có em nào chưa nộp bài phạt của cô không?
Cả lớp im lặng nhìn nhau. Em trưởng lớp đứng lên nói:
Thưa cô, có trò Trần Thị Nhỏ chưa nộp bài.
Tại sao vậy? Em đó đâu?
Thưa cô, trò ấy chết rồi ạ!
Tôi hốt hoảng, biến sắc:
- Sao? Em vừa nói gì, tại sao trò ấy chết?
Cả lớp học nhao nhao lên:
- Trò Nhỏ bị pháo kích chết cô ơi!

Tôi dằn xúc động bảo em trưởng lớp lên kể rõ nguyên nhân cái chết của cô bé kia cho tôi nghe. Em đó đã kể lại rằng:
Nhà trò Nhỏ ở ngoại ô tỉnh nên không được an ninh. Đêm hôm ấy trò ngồi viết bài phạt của cô đến khuya thì bị pháo kích và trái đạn đó rớt trúng bàn học của Nhỏ khiến trò ấy chết ngay.
Tôi đau xót, hối hận:
Trời ơi, có phải lỗi tại cô không? Nếu cô không phạt em ấy thì Nhỏ đâu có chết.
Em trưởng lớp lắc đầu:

Không phải đâu cô, tại số trò ấy tận rồi. Cái bàn học của trò ấy sát bên giường ngủ, miểng đạn cũng làm nát cái gối ở giường trò nên dù không viết bài phạt, trò ấy có nằm trên giường cũng vẫn chết.

Tôi nghẹn ngào thương xót cho cô bé là một nạn nhân của chiến tranh. Tôi nói với em trưởng lớp:
Các em có thể đưa cô đến đó để cô an ủi gia đình và thắp cho em ấy một nén nhang không?
Không được đâu cô. Chỗ đó không an ninh, nếu cô đến họ sẽ bắt cô vì chồng cô là sĩ quan.

Thế là tôi cũng không đến nhà thăm mộ em được. Đến nay tôi vẫn còn thấy ray rứt trong lòng dù em chết không phải do lỗi của tôi.
Vùng đất nầy đối với tôi không có gì lưu luyến, chỉ có buồn bã, thương tâm nên vợ chồng tôi xin chuyển về Cần Thơ quê nhà của tôi, nơi có gia đình, người thân và bè bạn.

Đầu năm 1973 chúng tôi được thuyên chuyển về Cần Thơ. Ở đây vào buổi sáng trên các ngã đường phố ngoài những tà áo dài trắng, những chiếc quần xanh của nam, nữ học sinh còn có đủ các loại quân phục của các binh chủng: Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân, Cảnh Sát. Thỉnh thoảng có cả màu áo hoa rừng của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến… Trong thành phố không có tiếng đạn bay, súng nổ nhưng ngoài xa kia chiến tranh đang đi vào thời kỳ khốc liệt.

Tôi trở về lại quê nhà cũng vào đầu mùa Xuân như ngày nào lìa gia đình ra đi theo chồng.Tôi nhớ thương anh trai mình nên tôi đưa mẹ đến Nghĩa Trang Quân Đội thăm anh. Nơi đây hiu hắt buồn, không gian trầm lặng, gió vi vu thổi nhẹ qua mấy hàng cây nghe rờn rợn. Phải chăng vong linh của những người trẻ nằm đây than thở, nuối tiếc cuộc đời dở dang và nỗi u uất, hờn căm chinh chiến chưa tan dù bên kia thế giới. Mẹ tôi ngồi lặng yên bên mộ anh rất lâu, nhìn chăm chăm vào bức ảnh của anh rồi cúi xuống và toàn thân người run lên. Biết mẹ tôi khóc, tôi ôm đôi vai gầy của mẹ, lòng thương cảm biết bao với nỗi đau “tre già khóc măng non”của người. Đôi vai nầy mẹ mong muốn che mưa chắn gió cho con mình, chịu đựng tất cả những bất hạnh đổ xuống đầu các con nhưng cuối cùng người đành bất lực.

Mẹ tôi ngước nhìn sang những ngôi mộ chung quanh một lúc rồi lắc đầu tự nói một mình:
Sao toàn là người mới ngoài hai mươi tuổi vậy? Thật tội nghiệp cho mấy đứa trẻ nầy!
Nắng đã nhạt nhòa trên hàng cây, tôi dìu mẹ đứng dậy:
Thôi mình về đi mẹ.Trời sắp tối rồi.

Mẹ tôi gật đầu theo tôi ra về, nước mắt vẫn còn rơi rớt trên khuôn mặt già nua, phúc hậu nhưng héo tàn vì năm tháng khổ đau dày vò. Gió vẫn thổi lướt thướt như rên rỉ tỉ tê, gió lùa qua tàng cây kẻ lá nhè nhẹ ru buồn trong chiều vắng và côn trùng bắt đầu trỗi giọng bi thương, ai oán…
Văng vẳng xa xa vài tiếng đì đùng, đì đẹt, đì đùng…Không biết đó là tiếng pháo mừng Xuân hay tiếng súng từ trận chiến nào vọng lại.

Dù tôi luôn tâm niệm sẽ sống bên mẹ lâu dài nhưng ai ngờ đến cuộc bể dâu? Ngày 30 tháng Tư 1975 đã làm thay đổi, xáo trộn tất cả dự định, ước mơ, hy vọng của chúng tôi. Chồng tôi và các em rể của tôi đều bị vào tù hết. Lúc nầy mẹ tôi bị một cú sốc quá nặng nên người đau nằm liệt trên giường, không gượng dậy nổi. Riêng tôi càng bi thảm hơn vì vừa lo cho mẹ bịnh đau, vừa lo cho chồng trong tù, lo cho con nhỏ trong nhiều năm dài đằng đẵng.

Sau khi chồng tôi trở về một thời gian, nhận thấy tình hình thời cuộc lúc đó không thể ở lại quê hương được nữa. Thế là chúng tôi chuẩn bị cho một chuyến vượt biên đi tìm Tự Do.

Đầu Xuân 1985 tôi lại theo chồng bỏ mẹ tôi một lần nữa.Vào thời điểm đó những người ra đi không ai có thể tin rằng sẽ có ngày được trở về nhìn lại quê hương và người thân.

Ngày từ giã mẹ ra đi, mẹ con tôi ôm nhau khóc nức nở.Lòng mẹ buồn đau thế nào tôi hiểu được nhưng vẫn phải gạt lệ chia ly. Hai đứa con nhỏ dại của tôi cũng ý thức được cuộc chia tay không ngày tái ngộ nên hai bé ngồi sụp xuống lạy từ biệt bà ngoại dù tôi không bảo chúng một lời nào. Hình ảnh buổi chiều hôm ấy không bao giờ mờ nhạt trong tôi, một buổi chiều ly biệt suốt đời tôi không quên được với những dòng nước mắt xót xa, bịn rịn của một đấng mẹ hiền:

Chiều nay ly biệt mẹ hiền ơi!
Con sẽ ra đi cuối nẻo trời.
Bao giờ gặp lại hay muôn kiếp?
Nước mắt phân kỳ luôn mãi rơi?
(ViVân)

Đêm hôm ấy trên con tàu vượt sóng ra khơi tâm trạng tôi vô cùng phức tạp không thể nào diễn tả được.Tôi không biết mình đang đi đâu đây?Tại sao phải bỏ quê hương, mẹ già, em thơ để lênh đênh trên con tàu không định hướng?Tương lai mình về đâu và sẽ ra sao? Lòng tôi như thác tràn, sông vỡ, đau thương vây chặt tâm hồn. Con tàu vẫn ầm ì tiến ra xa, xa mãi trong khi nước mắt tôi đầm đìa trên đôi má.Tôi cố quay nhìn lại đoạn sông đã đi qua nhưng chỉ có một màu đen mịt mùng che khuất, mất dấu rồi đường về quê mẹ thân yêu.

Xa xa tiếng pháo đì đùng mừng Xuân của nhà ai đó như xoáy mạnh vào nỗi đau ly hương, vong quốc trong tôi. Những tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền vẫn vang lên đều đều cùng một âm thanh trầm trầm,rờn rợn ma quái.Tàu càng đi, càng rời xa đất mẹ và tôi biết rằng… muôn đời tôi đã mất Việt Nam.

Vi Vân.
Cali một mùa Xuân đất khách.

1 nhận xét:

  1. Lâu lắm mới được đọc truyện của Vi Vân. Thật là buồn, ngậm ngùi khi nhớ đến những cái tết năm xưa bên quê nhà. Chúc bình an nha Vi Vân. Cám ơn út K. Oanh. tthu

    Trả lờiXóa