Nhà Thơ Đằng Phương (1924-1990)
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một nhân cách lớn, một trí thức dấn thân hoạt động chính trị cho đến lúc nhắm mắt. Đó là con người lý tưởng suốt đời tận tận tụy vì nước. Ông qua Pháp học ở Đại học Paris, đỗ Tiến sĩ Chính trị học Đại học Luật khoa và Khoa học Kinh tế Đại học Paris. Trước năm 1975 Ông dạy hầu khắp các trường đại học tại Việt Nam, kể cả các trường Cao đẳng Quốc phòng, Tham mưu cao cấp, và Đại học Chiến tranh Chính trị; Khoa trưởng Luật khoa và Khoa học Xã hội Cần Thơ. Giáo sư chuyên về Luật Hiến Pháp, Bang giao Quốc tế, thông thạo Pháp Anh và Hán văn. và tiếp tục dạy học sau năm 75 ở hải ngoại. Ngoài dạy học và sự nghiệp chính trị ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa, và đã có nhiều tác phẩm văn hóa : Quốc Triều Hình Luật" với nội dung bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam. Dân Tộc Sinh Tồn, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Các Tần Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung. Tên Họ Người Việt Nam …vv…và nhiều tác phẩm viết bằng ngoại ngữ Anh, Pháp.
Trong dòng Thi Ca Việt Nam của đầu thế kỷ trước, khuynh hướng Đường thi dần suy tàn, nhường chỗ cho phong trào lãng mạn của thơ Mới 1932- 1945. Vườn thơ Mới nở rộ do ảnh hưởng của dòng thơ lãng mạn Pháp khởi từ đầu thế kỷ 19. Thơ mới phá bỏ đi những luật lệ cấu trúc gò bó của thơ cũ, mà hướng về cái nhìn thẩm mỹ theo tư duy nghệ thuật, điều đó đã dẫn đến sự thông thoáng hơn, mở đường cho các thể thơ tự do, hiện đại sau này. Những nhà thơ của thời kỳ ấy đều là những tài năng xuất chúng, sáng tạo bằng con tim. Tính lãng mạn của nghệ thuật thơ Mới rất đa dạng : Tình yêu mơ mộng lứa đôi, sự diệu kỳ của thiên nhiên, sự thần bí, triết học, về tình quê hương, lãng mạn anh hùng…. Những thi sĩ như Xuân Diệu:"Cảm Xúc ", Thế Lữ:"Nhớ Rừng", TTKH: "Hai Sắc Hoa Ti Gôn", Quang Dũng: "Tây Tiến"....vv…
Quan niệm về sáng tác của thi nhân lúc bấy giờ được thi sĩ Xuân Diệu minh họa trong bài thơ Cảm Xúc viết năm 1933 tặng thi sĩ Thế Lữ:
Cảm Xúc
" Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến...".
( Xuân Diệu)
Con người từ khi xuất hiện thi tính lãng mạn cũng phát sinh. Nhà thơ đã thả hồn mình theo trăng sao để gởi về nơi xa xăm ấy một chút tình. Thơ tình chứa đầy chất lãng mạn, là lời ru tiếng nấc của con tim, như dòng suối mát hương thơm nâng niu tình yêu nên đôi khi ý thơ vượt trước thời đại, chối bỏ những ràng buộc luân lý xã hội đương thời còn khép kín. Chỉ có nhà thơ mới dám bộc lộ sự thầm kín lòng mình, bên cạnh chồng vẫn nhớ người yêu. Thi sĩ TTKH để lại bài thơ tình Hai Sắc Hoa Ti gôn viết năm 1937 còn lưu trong văn học mà một thời đã gây xôn xao đầy bao giấy mực:
Hai Sắc Hoa Tigôn
“ Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ.
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
“Người ấy cho nên vẫn hững hờ”.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tâm bóng một người…”
(TTKH)
Dù đang trong thời kỳ phong trào lãng mạn của thơ Mới thịnh hành, nhưng không phải thi nhân nào cũng thả hồn theo mây gió mơ mộng. Bài thơ Nhớ Rừng viết năm 1934 của thi sĩ Thế Lữ là một bản bi hùng ca lãng mạn. Bài thơ ẩn dụ, mượn lời con hổ bị giam hãm trong cũi sắt nằm nhớ rừng để thể hiện sự u uất của lớp những người thanh niên trí thức yêu nước khát khao đất nước được tự do.
Nhớ Rừng
"Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
….
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?...."
( Thế Lữ)
Bài thơ Tây Tiến viết năm 1948 của thi sĩ Quang Dũng là bản tình ca chiến trường. Nhà thơ dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào, ngay khi làm người chiến sĩ ở chiến tuyến đang đối mặt với sự chết, nhưng tâm hồn thi sĩ vẫn mơ mộng viết lên bài hùng ca có chất lãng mạn rất con người. Ý thơ phong phú lãng mạn, đã không quên hình bóng người yêu trong lúc chiến đấu. Sự lãng mạn thể hiện trong câu « Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm » trong thời điểm đó là một sự mất cảnh giác chiến đấu, nhà thơ tâm sự với nhạc sĩ Trịnh Hưng khi hai người cùng bỏ về thành vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Câu thơ ấy đã gây bao hệ lụy đớn đau cho cuộc đời của thi sĩ Quang Dũng về sau này:
Tây Tiến
"Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
…………
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm… ".
( Quang Dũng)
Nói đến giáo sư Nguyễn Ngọc Huy không thể không nhắc tới thi phẩm Hồn Việt, do nhà xuất bản Đuốc Việt Sài Gòn in 1950. Đây là một thi tập chính khí ca nói về đất nước, anh hùng nghĩa sĩ lên đường tranh đấu cho độc lập của tổ quốc. Thơ của Đằng Phương là tiếng lòng, là nỗi niềm của ông đối với dân tộc, đất nước, dù ông không nhận mình là thi sĩ. Nhưng thơ Đằng Phương rất điêu luyện, hồn thơ chan chứa tình quê hương, là khí thế cách mạng, hồi chuông thức tỉnh người dân vùng lên trong hoàn cảnh nước nhà đang bị ách thực dân:
“Tôi chẳng phải là một nhà thi sĩ
Mở rộng lòng đón gió lạ nghìn phương...²
Tôi chỉ là một người dân đất Việt
Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương
Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương
Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc...”
Trong số những bài thơ của Đằng Phương có bài thơ Anh Hùng Vô Danh đề “Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho Tổ Quốc”. Hầu như không một học sinh trung học nào, trong khoảng các thập niên '50, 60, mà không học. Thuở ấy chúng tôi không hề biết nhà thơ Đằng Phương là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Bài thơ dài, người viết xin trích vài đoạn và chút cảm nghĩ về bài thơ : Bài thơ làm theo thể tám chữ theo khuynh hướng thơ Mới. Bài thơ độc đáo vì ngoài ý nghĩa ca ngợi những anh hùng vô danh dám hy sinh mạng sống trên chiến trường vì tổ quốc.
"Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước."
Anh hùng vô danh ở đây ngoài những tử sĩ, ý nghĩa Anh hùng vô danh còn nói đến những tiền nhân đã bất chấp gian nguy khó nhọc và mạng sống để phá rừng, xẻ núi lấp đồng sâu làm cho đất cát hoang vu biến thành một giải sơn hà gấm vóc. Bài thơ mang chí hướng dân tộc chống ngoại xâm:
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một giải sơn hà gấm vóc
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng,
Ðã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Ðể bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,
. Tác giả đã thể hiện một phong cách kẻ sĩ, ca ngợi những người còn được gọi là anh hùng vô danh một khi họ đã xong nghĩa vụ với đất nước, lui về ở ẩn không ham danh lợi phú quý:
"Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Ðã hoà hợp làm linh hồn giống Việt."
(Đằng Phương)
Những anh hùng vô danh đặc điểm của họ là hành động một cách vô tư, thấy việc nghĩa thì làm chẳng hề nghĩ đến bản thân. Cuộc đời của những anh hùng vô danh là quá đẹp vì lúc sống đã dám hy sinh thân mình cho tổ quốc, nhưng khi lìa trần thịt xương của họ đã tan vào lòng đất hòa với cỏ cây làm mầm sống cho dân tộc và họ trở thành linh hồn của đất nước. Chúng ta hay nhắc đến hồn thiêng sông núi chính là hồn các anh hùng vô danh.
Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương; mà hương thì vô ảnh người đời chỉ cảm nhận chứ không thấy được hình tướng, nhưng ngay cả lúc hữu hình hồn thơ hóa thể thành sợi khói vầng mây người đời đều nhìn thấy nhưng nào ai nắm bắt được ? Người làm thơ ước mơ lớn nhất của họ là để lại cho đời dăm ba tác phẩm hay ít bài thơ đắc ý, cho dù mai sau tác giả có đi vào quên lãng thì những vần thơ trác tuyệt đó vẫn là những đóa hoa muôn sắc tặng đời. Nhà thơ Đằng Phương làm nhiều thơ, những bài thơ Anh Hùng Vô Danh, ca ngợi những tử sĩ, người đã có công dựng nước và giữ nước chống ngoại xâm. Đó là bản hùng ca vô tận sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt.
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét