Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

Mai Phi

Dương Quý Phi Ngọc Hoàn là người đẹp nổi tiếng của Đường Minh Hoàng, đến nỗi Thi Tiên Lý Bạch cũng làm bài Thanh Bình Điệu để ca tụng, và có lẽ mọi người đều biết. Bài này tôi viết về Mai Phi để anh chị em đọc chơi, và cảm thương cho số phận của nàng.


Theo Wikipedia, Mai Phi là một nhân vật hư cấu, nhưng theo Tuỳ Đường của Chử Nhân Hoạch, và nhiều tài liệu mà Bát Sách đã đọc thì nàng thật sự là một phi tần của Minh Hoàng.

Mai Phi tên là Giang Thái Tần (Wikipedia ghi là Thái Bình), quê ở thôn Mai hoa, phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, con của tú tài Giang Trọng Tốn, làm nghề thầy thuốc. Nàng thông minh, hiếu học, 9 tuổi đã thuộc Kinh Thi, 14 tuổi đã làm thơ, phú, tự ví mình như Tạ Đạo Uẩn, là nữ sĩ nổi tiếng thời Đông Tấn.

Lúc đó, Minh Hoàng đã có mấy ngàn cung nữ, vẫn sai Cao Lực Sĩ đi tìm thêm người đẹp đưa vào hậu cung, trong số đó có Giang Thái Tần, và nàng được nhà vua vô cùng sủng ái. Là người mặt hoa, da phấn, thân hình ẻo lả, mình hạc xương mai, nên múa rất đẹp và lả lướt, nhẹ nhàng, nhất là điệu Kinh Hồng Vũ do nàng sáng tác, khiến Minh Hoàng vô cùng yêu mến, ví Thái Tần như Triệu Phi Yến đời Hán. Nàng còn rành thổi bạch ngọc tiêu, làm thơ, phú.

Vì sinh ở thôn Mai hoa, Thái Tần thích hoa mai, nên Minh Hoàng cho trồng rất nhiều mai quanh cung điện nàng ở, gọi là Mai Đình. Các quan, muốn lấy điểm với nhà vua, thi nhau đem dâng các loài mai quý hiếm, nên vườn mai càng ngày càng đẹp. Vào mùa hoa nở, Thái Tần mặc xiêm y màu trắng, tha thướt đi dạo Mai Đình, đẹp như tiên nữ… Minh Hoàng bèn gọi nàng là Mai Phi.

Năm 737, Võ Huệ Phi, cháu Võ Tắc Thiên chết, Minh Hoàng có vẻ buồn nên Cao Lực Sĩ đem vợ của Thọ Vương Lý Mạo là Dương Ngọc Hoàn vào “giải khuây” cho nhà vua. Vì sợ mang tiếng tranh vợ của con, Minh Hoàng cho nàng làm đạo sĩ, đạo danh là Thái Chân, đến năm 745, sau khi đã cưới vợ khác cho Lý Mạo, nhà vua mới chính thức phong chức Quý Phi cho Ngọc Hoàn. Từ đó, có sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai phi.

Dương Phi có tâm cơ, nhiều mưu mẹo, lại cả ghen, lúc nào cũng giữ chặt lấy Minh Hoàng, tìm cách nói xấu đối thủ nên nhà vua cũng khó chịu, muốn thăm Mai Phi là người dịu dàng, hiền thục, nhưng sợ Dương Phi, phải đi lén… có khi bị bắt gặp thì Dương Phi mè nheo, tra hỏi, khóc lóc đủ điều. Dương gọi Mai Phi là Mai Tinh. Mai Phi thất thế, lại ngây thơ, chẳng nghĩ ra được mưu kế gì mà đối phó, chỉ trả thù bằng cách gọi Dương là Phì tỳ, (con hầu mập) cho hả giận.

Rốt cuộc thì Mai Phi bị đưa vào cung Thượng Dương, là nơi ở của những phi tần bị thất sủng. Nàng vô cùng buồn bã, đau khổ, mà phải âm thầm chịu đựng. Khi thấy ngựa trạm đem đồ tiến cống về kinh, Mai Phi hy vọng rằng họ mang những cây mai lạ cho mình như thời còn được sủng ái, nhưng họ mang lệ chi, tức trái vải cho Dương Quý Phi.

Nhớ tới việc Trần A Kiều bị thất sủng, nhờ Tư Mã Tương Như làm bài Trường Môn Phú dâng Hán Vũ Đế mà được phục sủng, Mai Phi nhờ Cao Lực Sĩ tìm người làm bài phú hộ mình. Cao đang lo nịnh Dương Phi nên từ chối, nên Mai Phi tự làm Lâu Đông Phú dâng vua, trong đó có những câu nghe rất thảm, vừa than thở, thương thân phận mình, vừa trách móc Dương Phi đã cướp hết những gì mình có:

# Lãn thiền mấn chi xảo sơ, bế lũng chi khinh luyện ( mái tóc mây thưa chải, tấm áo thêu biếng cài)
# Khổ tịch mịch ư thông cung, đản chú tư hồ lan điện (khổ tịch mịch tại thông cung, lại riêng nhớ nơi lan điện.)
# Huống nãi hoa tâm dương hận, liễu nhãn lộng sầu. (lòng hoa khơi hận, mắt liễu lộng sầu)
# Đoạt ngã chi ái hạnh, xích ngã vu u cung. (cướp của ta niềm ái ân, hạnh phúc, bỏ ta vào u cung).

Dương Phi đọc bài phú, rất tức giận, tâu với Minh Hoàng: “người này viết ra những lời oán trách bệ hạ, nên ban tội chết.” Nhà vua hiểu được lòng ghen ghét của đàn bà, nên bỏ ngoài tai, và trong lòng cũng ân hận vì đã để Mai Phi cô đơn, đau khổ.

Có lần, Minh Hoàng chợt nhớ đến nàng, vô cùng thương cảm, liền sai người đưa tặng một hộc ngọc (một hộc là 10 đấu). Tuy cảm động, nhưng vì tự ái, nàng từ chối, và gửi nhà vua bài thơ sau đây :

一斛珠                     Nhất Hộc Châu  

柳葉雙眉久不描, Liễu diệp song mi cửu bất miêu,
殘妝和淚污紅綃。 Tàn trang hòa lệ ố hồng tiêu,
長門自是無梳洗, Trường Môn tự thị vô sơ tẩy,
何必珍珠慰寂寥? Hà tất trân châu ủy tịch liêu.

# Cửu là lâu, đã lâu.
# Miêu là tả, vẽ, tô.
# Hoà: cùng, trộn lẫn, hợp với nhau.
# Tiêu : lụa nõn, tơ sống.
# Ố :dơ, bẩn.
# Tự thị: từ đó, từ lâu.
# Sơ: cái lược, chải đầu, cắt ra.
# Tẩy : giặt, rửa, làm sạch.
# Uý, uỷ : an ủi.

Dịch Nghĩa:

Đã từ lâu, không tô điểm đôi mày lá liễu,
Trang phục tàn tạ, hòa với nước mắt làm ố những sợi tơ màu hồng,
Từ lâu, cung Trường Môn không được lau chùi, chăm sóc,
Mấy hạt trân châu này làm sao an ủi được nỗi tịch liêu.

Phỏng dịch thơ:

Mày liễu lâu ngày chẳng điểm tô,
Xiêm tàn hòa lệ, ố màu tơ,
Trường Môn từ đó không lau chải,
Cô tịch trân châu giúp được mô?

Khi An Lộc Sơn nổi loạn, năm 755, tiến về Trường An, Minh Hoàng đem theo Dương Phi và một số quan quân, trong đó có Dương Quốc Trung, Cao Lực Sĩ, chạy vào Thục năm 756 mà quên Mai Phi. Đến Mã Ngôi, quân nổi loạn, giết Dương Quốc Trung, và đòi giết Dương Phi. Minh Hoàng không có cách nào khác, đành phải nghe theo, và Phi bị thắt cổ.

Trong lúc Minh Hoàng ở Thục, thì phe An Lộc Sơn có nội biến, Sơn bị con là Khánh Tự giết. Tướng giặc khác là Sử Tư Minh cũng bị con là Sử Triều Nghĩa giết, rồi Tự và Nghĩa lại bất hòa, nhờ vậy mà Thái Tử Lý Hanh, lúc đó đã lên ngôi là Túc Tông, với sự phò tá của Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật, đã khôi phục được nhà Đường. Minh Hoàng được tôn làm Thái Thượng Hoàng, trở về kinh đô năm 758.

Mai Phi bị chết khi Trường An thất thủ. Theo truyền thuyết, thì nàng báo mộng cho Minh Hoàng, chỉ chỗ vùi thân, nên nhà vua sai người tìm được xương cốt, đem mai táng ở Mai Đình.

Lúc đó, nhà vua đã già, sống rất cô đơn, bên mình chỉ còn Cao Lực Sĩ. Một hôm, Cao tìm được bức tranh vẽ Mai Phi đem dâng. Minh Hoàng xem tranh, vô cùng xúc động, nhớ lại kỷ niệm xưa mà lệ tuôn trào…Và làm bài thơ sau đây:

題梅妃畫真            Đề Mai Phi Họa Chân

億昔嬌妃在紫宸,Ức tích kiều phi tại tử thần,
鉛華不御得天真。Duyên hoa bất ngự đắc thiên chân,
霜綃雖似當時態,Sương tiêu tuy tự đương thì thái,
爭奈嬌波不顧人。Tranh nại kiều ba bất cố nhân.
                             
# Chân là thật, thực như chân dung là dung nhan thật.
# Ức: 10 vạn. Nghi ngờ. Liệu, lường, yên ổn. Nhớ.
# Tích: xưa, cũ. Ức tích là nhớ chuyện xưa.
# Kiều là đẹp, mềm mại, đáng yêu..
# Tử là tím.
# Thần là cung vua. Tử Thần chỉ cung vua.
# Duyên, diên là bột chì để vẽ. Duyên hoa là phấn sáp.
# Ngự : thuộc về vua, dâng lên cho, hiến cho. Ngăn lại (phòng ngự, ngự hàn)
# Sương: là sương, hay màu trắng.
# Tiêu là lụa, tơ.
# Thái: thái độ, dáng vẻ, hình dạng.
# Tranh : tranh giành, bàn luận, sai, khác, nào, thế nào…
# Nại : sao mà, làm sao, nhưng mà..
# Ba: sóng nhỏ, long lanh. (nhãn ba là sóng mắt)
# Cố : quay lại nhìn.

Dịch nghĩa:

Nhớ xưa, phi đẹp ở trong cung vua,
Không được dùng phấn bột để vẽ chân dung,
Tơ lụa trắng tuy hợp với thời trang,
Sao mà sóng mắt đẹp không nhìn người nào vậy?

Phỏng dịch thơ:

Đề Bức Vẽ Chân Dung Mai Phi

Nhớ xưa người đẹp tại thâm cung,
Nào ai đã được vẽ chân dung,
Thời trang lụa trắng tuy phù hợp,
Sao làn sóng mắt ngó mông lung.

Bát Sách.
(Ngày 07/01/2024)

***
1/ Các Bài Dịch: 題梅妃畫真 Đề Mai Phi Họa Chân (Lý Cơ Long):

Đề Chân Dung Mai Phi.

Nghĩ chuyện cung tần tuyệt đẹp xinh,
Phấn màu cấm lấy vẽ tô hình,
Thời trang lụa trắng nhìn tuy hợp,
Nhưng chẳng nhìn ai sóng mắt tình.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Jan. 8/2024.
***
Đề Thơ Trên Tranh Mai Phi.

Nhớ xưa diễm lệ cận kề nhau
Chẳng có chân dung! Bởi tại sao?
Lụa trắng tình mai tinh khiết quá
Dáng thanh sóng mắt gợn ba đào

Kiều Mộng Hà
Austin.1.08.24
***

Đề Vẽ Chân Dung Mai Phi


Nét đẹp phi tần chốn cấm cung
Chưa ai từng được vẽ chân dung
Vuông khăn lụa trắng thời trang hợp
Diệu vợi mắt vời thoáng nhớ nhung

 

Kim Oanh

***

Chân dung Mai Phi

Nhớ phi xinh đẹp chốn thâm cung
Nét phấn xứng đâu họa mỹ dung
Khăn lụa choàng vai trinh trắng sắc
Mắt ngài mơ mộng ngắm không trung


Thanh Vân

***

Đề Bức Chân Dung Mai Phi

Nhớ trước phi tần chốn cấm cung
Phấn chì không được vẽ chân dung
Khăn choàng lụa trắng thời trang hợp
Sóng mắt mãi hoài gởi chốn không!?


Lộc Bắc
Jan24

***

Nguyên tác: Phiên âm:

題梅妃畫真-李隆基 Đề Mai Phi Họa Chân - Lý Long Cơ

億昔嬌妃在紫宸 Ức tích kiều phi tại tử thần
鉛華不御得天真 Duyên hoa bất ngự đắc thiên chân
霜綃雖似當時態 Sương tiêu tuy tự đương thì thái
爭奈嬌波不顧人 Tranh nại kiều ba bất cố nhân



Hình có chép bài Tạ Tứ Trân Châu, nhưng không biết chắc có bài Đề Mai Phi Họa Chân
Sách có mộc bản của bài thơ này:

Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Tuyển Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選唐詩-清-聖祖玄燁

Tựa bài thơ trong sách của Thánh Tổ Huyền Diệp có ghi chú: Mai Phi ngoại truyện, Giang phi danh Thái Tần, thiện chúc văn tự bỉ Tạ nữ, sở cư tất chủng mai thụ thượng, dĩ kì sở hảo hí danh Mai Phi. 梅妃外传,江妃名采蘋善,属文自比谢女,所居悉种梅树上,以其所好戏名梅妃. Truyện Mai Phi kể rằng Giang phi tên Thái Tần, nổi tiếng là người có tài viết văn nên tự ví với Tạ nữ, nơi chỗ ở có trồng nhiều cây mai, nên được đặt tên vui là Mai Phi theo sở thích.

Dịch nghĩa:

Đề Mai Phi Họa Chân Đề Bức Vẽ Chân Dung Mai Phi
Ức tích kiều phi tại tử thần Nhớ phi xinh đẹp ở trong thâm cung,
Duyên hoa bất ngự đắc thiên chân Không được vẽ chân dung với phấn bột.
Sương tiêu tuy tự đương thì thái Tuy khăn quàng lụa trắng rất hợp với thời trang,
Tranh nại kiều ba bất cố nhân Nhưng mà sao ánh mắt đẹp không nhìn ai hết vậy?

題梅妃畫真-李隆基 Inscription On Mei Fei Portrait by Li Long Ji
億昔嬌妃在紫宸 I remembered the pretty concubine living in the Palace,
鉛華不御得天真 She did not have a portrait with chalk powder.
霜綃雖似當時態 Although her white silk scarf was stylish,
爭奈嬌波不顧人 Her beautiful gaze was directed at noone.

Dịch thơ:

Đề Chân Dung Mai Phi


Nàng sống an bình nơi cấm cung,
Chưa từng được vẻ bức chân dung.
Khăn quàng lụa trắng thời trang tuyệt,
Ánh mắt nhìn ai vẽ nhớ nhung.


Chân Dung Mai Phi

Nhớ phi vui sống trong cung,
Chưa từng ai vẽ chân dung cho nàng.
Khăn lụa trắng hợp thời trang,
Ánh mắt xinh đẹp chẳng màng ngó ai.

Phí Minh Tâm
01-12-2024

2/ Các Bài Dịch: 一斛珠 Nhất Hộc Châu (Giang Thái Tần) 


Nhất Hộc Châu Của Mai Phi

Chàng tiếc đôi mày lá liễu sao?

Lệ rơi hoen ố áo tơ đào.
Trường Môn chẳng được ai chăm sóc,
Hà tất trân châu giảm nỗi đau?

Con Cò
***
Một Thùng Châu Báu

Kẻ vẽ mày ngài biếng tự lâu,
Xiêm y thấm lệ đã hoen mầu.
Trường Môn tự đó thôi chăn sóc,
Sao lấy trân châu xóa thảm sầu?

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Jan. 8/2024
***
Trả Lại Hộc Châu

Mắt phượng mày thanh chẳng điểm trang
Xiêm y lệ ố … khổ hồng nhan
Trường Môn lạnh lẽo giăng màn nhện
Nhìn hộc trân châu dạ lại càng…

Kiều Mộng Hà
Austin.1.08.24
***

Nhất Hộc Châu  


Mày liễu không tô đã tự lâu
Phấn son hòa lệ ngấn tơ nhầu
Trường môn quên lãng không trang điểm
Sầu thảm đâu cần đến ngọc châu


Kim Oanh

***
Trả Lại Trân Châu

Mắt ngọc đã lâu thiếu điểm trang
Xiêm tơ lệ ướt ố màu loang
Trường Môn không được ai chăm sóc
Trả lại trân châu thiếp chẳng màng

Thanh Vân
***
Một Hộp Ngọc

Mày liễu lâu ngày chẳng điểm tô
Áo nhàu nước mắt ố khăn tơ
Trường Môn từ đó không chăm sóc
Châu ngọc sao đền khổ biệt cư!?

Lộc Bắc

Jan24
***
Nguyên tác:       Phiên âm:

一斛珠-江采蘋 Nhất Hộc Châu – Giang Thái Tần


桂葉雙眉久不描 Quế diệp song mi cửu bất miêu
殘妝和淚污紅綃 Tàn trang hòa lệ ố hồng tiêu
長門自是無梳洗 Trường Môn tự thị vô sơ tẩy
何必珍珠慰寂寥 Hà tất trân châu ủy tịch liêu


Bài thơ này được đăng trong sách các đời Tống, Minh, Thanh:

Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

với tựa là Tạ Tứ Trân Châu 謝賜珍珠. Tựa trong sách NĐTĐT (hình bên) có thêm ghi chú: Thượng tại Hoa Ngạc lâu, phong trân châu nhất hộc, mật tứ phi, phi bất thụ. 上在花蕚樓, 封珍珠 一斛, 密賜妃, 妃不受. Trên lầu Hoa Ngạc, vua bí mật trao tặng phi một hộc ngọc trai, phi không nhận.

Tựa Nhất Hộc Châu có thể bị nhầm với bài từ cùng tên của Lý Dục. Ngoài ra theo mộc bản trong các sách, chữ đầu trong câu 1 phải là 桂quế mà các văn bản của phe ta, cũng như vài trang web chữ Hán chép là 柳liễu, cả hai chữ đều có bộ 木 mộc đứng trước. Chữ liễu hợp với việc miêu tả chân mày phụ nữ hơn chữ quế, nhưng tôn kính thi nhân nên dùng đúng chữ.

Dịch nghĩa:

Tạ Tứ Trân Châu Từ Chối Châu Ngọc


Quế diệp song mi cửu bất miêu Đã lâu lắm, không còn vẽ chân mày lá quế,
Tàn trang hòa lệ ố hồng tiêu Áo quần cũ xưa hoen ố nước mắt.
Trường Môn tự thị vô sơ tẩy Từ đó, cung Trường Môn không được lau chùi,
Hà tất trân châu ủy tịch liêu Làm sao châu ngọc có thể an ủi được nỗi cô đơn.

謝賜珍珠-江采蘋 Refusing Precious Pearls by Jiang Cai Ping
柳葉雙眉久不描 Has been a long time since I painted my cinnamon leaf eyebrows
殘妝和淚污紅綃 My clothes are old and tainted with tears
長門自是無梳洗 Chang Men palace has not been cleaned since,
何必珍珠慰寂寥 How can pearls alleviate loneliness?

Dịch thơ:

Cảm Tạ Trân Châu


Mày quế lâu nay kẻ chẳng tươi,
Áo hoen nước mắt tân trang lười.
Trường Môn trống vắng không chưng dọn,
Bảo vật trân châu há thế người.

Tạ Từ Châu Ngọc

Bao năm mày quế không tô,
Y trang hoen ố chưa khô lệ sầu.
Trường Môn trống vắng đã lâu,
Ngọc ngà châu báu thế đâu được chàng.

Giang Thái Tần chỉ để lại có một bài thất ngôn tứ tuyệt. Theo Đường Thi Đại Từ Điển phiên bản tu chính, Giang Thái Tần, không rõ năm sinh và mất, là thiếp của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, người Phủ Điền (nay là Phúc Kiến). Vào đầu triều đại Khai Nguyên, Cao Lực Sì đã chọn nàng để phục vụ Huyền Tông. Theo Mai Phi Truyện của Tào Nghiệp, nàng thông minh và giỏi viết văn, hay so sánh mình với Tạ Đạo Uẩn. Dinh thự trồng đầy hoa mai, nên được Huyền Tông đặt tên vui là Mai Phi. Mai Phi chết trong loạn An Lộc Sơn. Theo một truyền thuyết, khi Đường Huyền Tông trở lại Trường An, nàng về báo mộng cho biết nơi bị vùi xác thân nên được vua cải táng. Theo một truyền thuyết khác đáng tin hơn là Đường Minh Hoàng thương nhớ nàng. Một hôm Cao Lực Sĩ tìm được một bức chân dung của Mai Phi đem dâng vua. Đường Minh Hoàng xem hình xúc động, có làm bài thơ Đề Mai Phi Họa Chân 題梅妃畫真 để nhớ người xưa.

Phí Minh Tâm
01-12-2024
***
Huỳnh Kim Gám Góp ý:

一斛珠= Nhất Hộc Châu không phải là tên một bài thơ mà là một bài từ.

Trữ Nhân Hoạch ( 褚人穫, không phải Chử) mà Bát Sách nói đến trong paragraphe thứ nhì là một tác giả thời Thanh (褚人穫, 1635年—?) và Tùy Đường là 隋唐演義=Tùy Đường diễn nghĩa, một cuốn tiểu thuyết dã sử, tựa như Tam Quốc Chí diễn nghĩa. Sau này Tàu làm nhiều phim dã sử dựa trên các mẫu truyện trong Tùy Đường và có thể rằng BS đọc về Mai Phi qua các bài cán ngố viết về bộ phim. Tên của Mai Phi không có trong bất cứ một sử liệu nào hết và được nêu ra lần đầu tiên trong Mai Phi Truyện (梅妃傳) thời nhà Nguyên nhưng gán tác giả cho Tào Nghiệp (曹鄴), một thi sĩ thời Đường.

Học giả Lỗ Tấn viết năm 1927 rằng Mai Phi là nhân vật hư cấu.và các nhà nghiên cứu Tàu thời nay bảo rằng quê hương Phủ Điền, Phúc Kiến của Mai Phi nằm dưới nước trong thời Đường Huyền Tông. Và vì Mai Phi là một nhân vật hư cấu thì dĩ nhiên bài thất ngôn tứ tuyệt này không thể là do nhân vật hư cấu Giang Thái Tần (江采蘋) làm!

Bảo Google tìm câu đầu bài thơ thì được tựa đề 謝賜珍珠=Tạ Tứ Trân Châu và câu này: '作者:佚名=Tác giả: dật danh' trong trang đầu tiên. Rất tiếc là tôi không thể mở được trang đó.


Phí Minh Tâm góp ý thêm:

Học giả Lỗ Tấn viết năm 1927 rằng Mai Phi là nhân vật hư cấu.

Lỗ Tấn cũng có lý lắm khi nói Mai Phi và người trong bức họa là hư cấu vì chính Đường Minh Hoàng cũng xác nhận Mai Phi chưa hề được vẽ chân dung. Nhưng bài thơ của ĐMH cũng xác nhận là có một Mai Phi sống trong cung. Cũng có thể hiểu được vì sao không có sử liệu gì về bà, vì Mai Phi không phải là một tên chính thức mà là một hý danh, tên vui do ĐMH đặt cho. Ngoài ra không thấy nơi nào nói Mai Phi không phải là Giang Thái Tần. Còn trang web có 謝賜珍珠=Tạ Tứ Trân Châu và câu này: '作者:佚名=Tác giả: ‘dật danh', có phải trang này"长门尽日无梳洗,何必珍珠慰寂寥。"诗词、名句赏析_读古诗词网 (dugushici.com) không?

Câu 作者:佚名=Tác giả: ‘dật danh' không áp dụng cho bài thơ 作者:江采萍, mà cho bản dịch nghĩa 译文 作者:佚名= dịch văn tác giả: dật danh.

Huỳnh Kim Giám trả lời:

Đúng là trang đó nhưng tôi không mở được trang (403 Forbidden) và chỉ có thể đọc hai dòng chữ này: 作者:佚名我很久沒有畫我的柳葉眉了, 面上的殘妝和著眼淚打溼了我的紅綃衣。 我自是很久沒有梳洗過了, 你也不必送一斛珍珠來安慰我的寂寥之心。 寫作背景. 更多. 作者 .. Các chữ đầu chuyển ngữ thành "tác giả: dật danh ngã ngận cửu một hữu họa ngã đích liễu diệp mi liễu, ..." tiếp theo đó là các câu thơ sau.

Tôi tìm được ý kiến của Lỗ Tấn trong trang này 江采蘋với một phần bình luận rất chi tiết về nguồn gốc của huyền thoại Mai Phi.

Bát Sách hỏi: 

Bài Nhất Hộc Châu do ai làm?

Bài Đề Mai Phi Hoạ Chân có phải của Minh Hoàng không? Nếu đúng của ông ấy thì sao lại nhắc tới Mai Phi nếu nàng là nhân vật hư cấu?

Huỳnh Kim Giám trả lời:

Các nhà nghiên cứu tìm ra nhiều yếu tố gợi ý rằng hai tên Giang Thái Tần và Mai Phi không phải là tên thật, và Lỗ Tấn là một người có uy tín trên văn đàn thế giới; vài tài liệu nói rằng có thể tên Giang Thái Tần đến từ một cách diễn dịch một bài thơ của Đỗ Phủ. Tôi quen đọc hư cấu (trong khi nghiên cứu kinh điển Phật giáo) và cũng thấy nhiều yếu tố gợi ý rằng Mai Phi Truyện là hư cấu. Một số người tìm cách bảo rằng chuyện Mai phi có thật nhưng tôi không tin họ được vì họ không thấy rằng bài Tạ Tứ Trân Châu không phải là một bài từ loại nhất hộc châu mà là một bài thất ngôn tứ tuyệt; người ta lẫn lộn vì cái hộp ngọc trai là một phần trong huyền thoại ĐMH và MP.

Tôi không bỏ công tìm ai là tác giả của bài Đề Mai Phi Họa Chân nhưng để ý đến cái tên Lý Long Cơ. Với cái tục kỵ húy của người Tàu, người đời sau có dám để tên "Lý Long Cơ" là tác giả không hay phải dùng các miếu hiệu Đường Huyền Tông, hay thụy hiệu Đường Minh Hoàng?

Huỳnh Kim Giám


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét