Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Trường Can Hành Kỳ 1 長干行其一 - Lý Bạch (Thịnh Đường)


Lý Bạch 李白 (701-762) tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.

Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết đuối. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên, ...

Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông, được khoảng 20.000 bài, nhưng không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.

Lời phi lộ

Trường Can là một làng thuộc tỉnh Giang Tây, một địa danh rất nổi tiếng, nơi diễn ra nhiều cuộc hẹn hò của trai gái trong văn học sử Trung Quốc. Nhiều văn hào thời Đường đã dùng Trường Can làm đầu đề cho những bài thơ tả trai gái tỏ tình.
Bài 長干行其一 Trường Can Hành kỳ 1 của Lý Bạch là đề tài cho lần này.

長干行其一 李白

Nguyên bản Dịch âm

長干行其一 Trường Can Hành kỳ 1

妾髮初覆額 Thiếp phát sơ phú ngạch
折花門前劇 Chiết hoa môn tiền kịch
郎騎竹馬來 Lang kỵ trúc mã lai
繞床弄青梅 Nhiễu sàng lộng thanh mai
同居長千里 Đồng cư Trường Can lý
兩小無嫌猜 Lưỡng tiều vô hiềm sai
十四為君婦 Thập tứ vi quân phụ
羞顏未嘗開 Tu nhan vị thường khai
低頭向暗壁 Đê đầu hướng ám bích
千喚不一回 Thiên hoán bất nhất hồi
十五始展眉 Thập ngũ thuỷ triển mi
願同塵與灰 Nguyện đồng trần dữ hôi
常存抱柱信 Thường tồn bão trụ tín
豈上望夫台 Khởi thướng Vọng Phu đài
十六君遠行 Thập lục quân viễn hành
瞿塘灩澦堆 Cù Đường, Diễm Dự đôi
五月不可觸 Ngũ nguyệt bất khả xúc
猿聲天上哀 Viên thanh thiên thượng ai
門前遲行跡 Môn tiền trì hành tích
一一生綠苔 Nhất nhất sinh lục đài
苔深不能掃 Đài thâm bất năng tảo
落葉秋風早 Lạc diệp thu phong tảo
八月蝴蝶黃 Bát nguyệt hồ điệp hoàng
雙飛西園草 Song phi tây viên thảo
感此傷妾心 Cảm thử thương thiếp tâm
坐愁紅顏老 Toạ sầu hồng nhan lão
早晚下三巴 Tảo vãn há Tam Ba
預將書報家 Dự tương thư báo gia
相迎不道遠 Tương nghênh bất đạo viễn
直至長風沙 Trực chí Trường Phong Sa

Dịch thơ
Bài Ca Trường Can kỳ 1

Em ngắt hoa vui chơi trước cửa
Tóc vừa thòng che nửa trán thôi.
Anh phóng tới cỡi tre làm ngựa
Chạy quanh giường nghịch liệng mơ tươi.
Làng Trường Can đôi ta cùng ở
Chưa hề gây hiềm khích đơn sai.
Năm mười bốn em về làm vợ
Còn thẹn thùng chưa dám vui cười
Cứ cúi mặt quay vào vách tối
Ngàn lần nghe kêu chẳng đáp lời.
Năm mười lăm vừa đậm nét tươi,
Nguyện bên nhau dù đời gian khổ.
Như Vĩ Sinh ôm cột giữ lời! (1)
Đài vọng phu mơ mòng từ độ...
Năm mười sáu anh đi xa xôi,
Điễm Dự Cù Đường em đâu rõ. (2)
Thăm không được tháng Năm nước lũ,
Vượn bi ai kêu thấu tận trời.
Dấu chân dạo trước sân còn đó,
Đã mọc đầy một lớp rêu tươi.
Rêu qúa dầy quét đi rất khó.
Thu sớm về gió thổi lá rơi.
Tháng tám đầu thu bươm bướm tới.
Trong vườn Tây bướm lượn từng đôi.
Ngẫm thương mình lòng đau vời vợi,
Ngồi buồn trông sẽ chóng già thôi.
Hễ về tới Tam Ba dừng lại, (3)
Viết cho em báo trước đôi lời.
Trường Phong Sa đón anh. Thẳng tới! (4)
Em chẳng lo đường xá xa xôi.

Chú giải:

(1) Hai địa danh xa xôi ở cửa sông Trường Giang.
(2) Vĩ Sinh hẹn người tình ở chân cầu. Nước dâng lên ngập cầu mà người tình không tới, bèn ôm chân cầu mà chết đuối.
(3) Tam Ba: 3 địa danh gần nhau: Ba Quận, Ba Đông, Ba Tây.
(4) Trường Phong Sa ở giữa Tam Ba (nơi nàng dặn chồng dừng chân nhắn tin về) và Trường Can (nơi quê nhà).

Lời bàn

Trường Can Hành của Lý Bạch và của Thôi Hiệu (trong bài 40 b, sau bài này) tương phản nhau. (Con Cò dùng thất ngôn trường thiên (thay vì ngũ ngôn trường thiên) để dễ dịch cho đủ ý. Dịch đổi chỗ cho 2 câu đầu và cho 2 câu cuối cùng).
- Về đề tài, Lý Bạch tả cảnh bi hài của một mối duyên tảo hôn mà người nữ thủ vai độc thoại. Thôi Hiệu kể chuyện đôi trai gái tán tỉnh nhau như một vở kịch vui.
- Về thể thơ, Lý Bạch dùng 30 câu ngũ ngôn trường thiên, còn Thôi Hiệu thì dùng 4 đoạn thất ngôn tứ tuyệt.
- Về cấu trúc, bài của họ Lý, tuy là kỳ 1, có thể đứng độc lập, không cần thiết phải có kỳ 2. Bài của họ Thôi phải được ghép từ kỳ 1 đến kỳ 4 mới có đầu cuối, bài bản, lớp lang.
- Còn một tương khắc tiềm ẩn vô cùng tế nhị nữa: hai thiên tài này dường như rất kỵ nhau. Có lần Lý Bạch viếng Hoàng Hạc lâu, thấy Thôi Hiệu đã đề thơ trên lầu bèn không muốn đề thơ nữa mà để lại thế gian một câu bất hủ: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thơ tại thượng lâu” (Trước mắt có cảnh mà tả không được, bởi vì Thôi Hiệu đã vịnh thơ ở trên lầu). Câu chuyện này làm cho đề tài Trường Can hành thêm hứng thú: hoặc không làm thơ cùng đề tài, hoặc làm cùng đề tài nhưng tương phản nhau. Kỵ nhau không phải vì ganh tị mà vì mến tài nhau. Thật là kỳ thú.

Con Cò
***
Bài Hát Trường Can Kỳ 1  

Trường Can cùng sống chung trong xóm
Hai đứa vui đùa rất tự nhiên
Tóc cắt “bôm bê” che nửa trán
Hái hoa chửng giỡn chạy quanh hiên
Chàng thường cỡi ngựa tre, roi vút
Nghịch ném quả mơ xanh tận giường

Mười bốn về làm vợ… nhát khờ
Thẹn thùng mắc cỡ cố làm ngơ
Cúi đầu giấu mặt vô góc tối
Chàng gọi ngàn lần chẳng… ú ơ

Mười lăm trổ mã nét mày thanh
Thề ước cùng chàng sớm tối quanh
Một dạ bên nhau… đinh đóng cột
Vọng phu chứng giám có trăng xanh

Mười sáu chàng đi xa, viễn phương
Sang thành Diễm Dự, ghé Cù Đường
Tháng Năm em chẳng đi thăm viếng
Nghe vượn kêu thê thiết thật buồn

Dấu chân dạo bước vẫn còn kìa
Quét mãi rong kia chẳng chịu lìa
Đá phủ rêu dày thêm cỏ xước
Gió thu gom hết lá đêm khuya

Tháng tám bướm vàng nhơn nhởn bay
Từng đôi trên thảm cỏ vườn tây
Nhớ thương hoen lệ cay mi mắt
Đôi má thôi hồng sắc nhạt phai

Mình ơi! Khi xuống đến Tam Ba
Nhớ báo tin vui gửi đến nhà
Em đợi chờ tin mình trở lại…
Rồi em thẳng đến Trường Phong Sa

Kiều Mộng Hà
Austin.01.13.24
***
Bài Ca Xóm Trường Can 

Tóc thiếp vừa ngang trán,
Bẻ hoa cửa trước chơi.
Chàng phi ngựa trúc tới,
Rỡn trái mơ xanh tươi.
Cùng ngụ Trường Can xóm,
Hồn nhiên kết bạn thôi.
Tuổi mười bốn chàng cưới,
Còn thẹn đâu hé môi.
Úp mặt vào tường tối,
Ngàn kêu chẳng đáp lời.
Mười lăm nét mày nở,
Nguyện bụi tro chung đôi.
Vững dạ chàng chung thủy,
Vọng phu là chuyện đời.
Mười sáu chàng đi khỏi,
Cù Đường, Diễm Dự đồi.
Vào tháng năm khó tới,
Vượn kêu thảm ngợp trời.
Dấu chân chàng cửa trước,
Rêu phủ xanh khắp nơi,
Dầy quá quét không nổi.
Gió thu thổi lá rơi,
Bướm vàng bay tháng tám,
Vườn cỏ tây từng đôi.
Cảnh gợi đau lòng thiếp,
Buồn nhan sắc phai phôi.
Khi Tam Ba chàng xuống,
Cấp báo nhà kịp thời.
Đi đón xa không quản,
Trường Phong thẳng tới nơi.

Lục Bát

Tóc mai vừa chấm ngang mày,
Bẻ hoa cửa trước ngày ngày đùa chơi.
Chàng phi ngựa trúc tới nơi,
Thiếp quanh giường rỡn mai tươi một cành.
Trường Can chung xóm chúng mình,
Hồn nhiên chưa biết linh tinh thẹn thùng.
Mười bốn nên nghĩa vợ chồng,
Thấy chàng chưa dám mặn nồng vấn vương.
Ban đêm úp mặt vào tường,
Dù chàng vạn gọi yêu thương vẫn vờ.
Mười lăm mày nở mộng mơ,
Nguyện cùng sống chết bụi tro với người.
Vững tin son sắt chàng thôi,
Vọng phu đâu nghĩ chuyện người làm chi.
Năm mười sáu tuổi chàng đi,
Cù Đường, Diễm Dự hiểm nguy núi đồi.
Tháng năm chẳng thể tới nơi,
Chim kêu vượn hú đầy trời bi ai.
Còn in trước cửa vết giầy,
Rêu xanh tràn ngập lấp đầy dấu chân.
Mọc dầy quét khó vô ngần,
Sớm thu lá rụng đầy sân, đầy đường.
Tháng tám cánh bướm vàng ươm,
Từng đôi chắp cánh khắp vườn cỏ tây.
Cảnh này làm thiếp sầu lây,
Ngồi buồn nhan sắc tàn phai sớm già.
Khi nào chàng xuống Tam Ba,
Tin vui nhớ báo về nhà biết ngay.
Đón chàng chẳng quản đường dài.

Trường Phong Sa đến thẳng đây nề gì..

Mỹ Ngọc
***
Nguyên bản: Phiên âm: Phỏng dịch thơ:

長干行其一 Trường Can Hành Kỳ 1 Bài Ca Trường Can

李白 Lý Bạch

妾髮初覆額 Thiếp phát sơ phú ngạch Ngày xưa tóc rủ vành,
折花門前劇 Chiết hoa môn tiền kịch Hái hoa chơi trước sân.
郎騎竹馬來 Lang kỵ trúc mã lai Cởi tre anh làm ngựa,
繞床弄青梅 Nhiễu sàng lộng thanh mai Quanh giếng ném mận xanh.
同居長千里 Đồng cư Trường Can lý Mình cùng quê Trường Can,
兩小無嫌猜 Lưỡng tiểu vô hiềm sai Giao du không nghi ngại.
十四為君婦 Thập tứ vi quân phụ Mười bốn em vợ chàng,
羞顏未嘗開 Tu nhan vị thường khai Thẹn thùng không hé miệng.
低頭向暗壁 Đê đầu hướng ám bích Quay mặt hướng vào tường,
千喚不一回 Thiên hoán bất nhất hồi Ngàn gọi không quay lại.
十五始展眉 Thập ngũ thủy triển mi Mười lăm mày mở mang,
願同塵與灰 Nguyện đồng trần dữ hôi Gian khổ nguyện cùng chàng.
常存抱柱信 Thường tồn bão trụ tín Lòng tin thiếp giữ vững,
豈上望夫台 Khởi thướng Vọng Phu đài Lên đài trông ngóng chồng.
十六君遠行 Thập lục quân viễn hành Mười sáu chàng đi xa,
瞿塘灩澦堆 Cù Đường Diễm Dự đôi Diễm Dự sau Cù Đường.
五月不可觸 Ngũ nguyệt bất khả xúc Tháng năm sông ngập lụt,
猿聲天上哀 Viên thanh thiên thượng ai Khắp trời vượn nỉ non.
門前遲行跡 Môn tiền trì hành tích Dấu chân chàng chẳng còn,
一一生綠苔 Nhất nhất sanh lục đài Dần dần rêu phủ đầy.
苔深不能掃 Đài thâm bất năng tảo Rêu nhiều quét không hết,
落葉秋風早 Lạc diệp thu phong tảo Lá thu lại sớm bay.
八月蝴蝶來 Bát nguyệt hồ điệp lai Tháng tám bướm về lượn,
雙飛西園草 Song phi tây viên thảo Sánh đôi trong vườn tây.
感此傷妾心 Cảm thử thương thiếp tâm Đau lòng thiếp cảm thấy,
坐愁紅顏老 Tọa sầu hồng nhan lão Ngồi buồn mặt già ra.
早晚下三巴 Tảo vãn há Tam Ba Sớm muộn đến Tam Ba,
預將書報家 Dự tương thư báo gia Hãy báo tin về nhà.
相迎不道遠 Tương nghênh bất đạo viễn Bao xa em chẳng ngại,
直至長風沙 Trực chí Trường Phong sa Trường Phong gặp chàng nha!
Bài thơ cổ thể này là một tạp khúc ca từ, thường được đăng chung 2 kỳ trong các sách:

Lý Thái Bạch Văn Tập - Đường - Lý Bạch 李太白文集-唐-李白
Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Kỳ 1 được chọn đăng trong Đường Thi Tam Bách Thủ của Hành Đường Thoái Sĩ.

Sách của chính Lý Bạch cho bốn dị bản, tuy các dị bản này không thay đổi nhiều nghĩa của câu thơ:

Câu 14: 恥 sỉ=xấu hổ thay vì 豈 khởi=sao
Câu 19: 舊 cựu=cũ thay vì 遲 trì=chậm chạp
Câu 20: 蒼 thương=xanh cỏ thay vì 綠 lục=xanh biếc
Câu 23: 黃 hoàng= vàng thay vì 來 lai=lại

Ghi chú:

Trường Can: địa danh, bây giờ là huyện phía nam Nam Kinh tỉnh Giang Tô Trường Can hành: tên một điệu ca khúc xưa, Thôi Hiệu cũng có bài cùng đề
Kịch: đùa chơi, giỡn làm kịch.
Trúc mã: lấy tre giả làm ngựa, con nít thường hay chơi
Sàng: hàng rào giếng, ghế Hồ
Vị thường: không bao giờ, phủ định kép
Triển mi: mở mày, lông mày được nâng lên với niềm vui
Đồng trần: như bụi, ẩn dụ là một với tất cả mọi thứ
Thường tồn: vĩnh viễn, lâu dài
Bão trụ: ôm cột, điển cố Vĩ Sinh có hẹn với một người con gái ở dưới chân cầu, nước lên mà không thấy tới, ôm chân cầu mà chết đuối.
Vọng Phu đài: núi hình người phía nam Trung Châu chừng mười dặm
Cù Đường: hẻm núi đầu tiên trong Tam Hiệp của sông Dương Tử
Diễm Dự: bãi cát, xưa tên là Tây Lăng Hiệp, là cửa Tam Hiệp, Trường Giang chính giữa, Diễm Dự đôi ở ngay miệng sông.
Hồng nhan: người đàn bà còn trẻ.
Tam Ba: địa danh, tên gọi chung Ba Quận, Ba Đông và Ba Tây, khu vực lớn nhất ở phía đông của lưu vực sông Gia Lăng và sông Tề Giang ở Tứ Xuyên ngày nay
Trường Phong: địa danh bây giờ là huyện Quý Trì, trên bờ sông Dương Tử ở thành phố An Khánh, tỉnh An Huy, giữa Tam Ba và Trường Can

Dịch nghĩa:

Bài Ca Trường Can Kỳ 1

Nhớ lại ngày còn nhỏ, tóc em mới rủ xuống trán.
Em hái hoa chơi trước cổng.
Chàng cưỡi con ngựa tre chạy đến,
Chúng ta đi vòng qua lan can giếng, ném mận xanh vào nhau cho vui
Chúng ta cùng sống ở làng Trường Can,
Vì cùng còn nhỏ nên việc giao du không có gì nghi ngại.
Năm mười bốn tuổi, em về làm vợ chàng,
Thẹn thùng đến nỗi không bao giờ nở một nụ cười.
Em ngượng ngùng quay đầu vào vách tối.
Anh gọi ngàn lần, em không một lần quay lại.
Năm mười lăm, lông mày của em mới bắt đầu mở rộng,
Em nguyện mãi mãi bên anh, cùng gian khổ có nhau.
Em thường giữ vững lòng tin như Vĩ sinh ôm cột ngày xưa.
Làm sao có thể nghĩ rằng phải lên đài chờ chồng.
Nhưng khi em mười sáu tuổi, anh phải đi xa
Qua kẻm Cù Đường và mõm Diễm Dự.
Tháng năm, sông lụt không qua miền đó được.
Tiếng vượn kêu thảm thương, vang khắp trời.
Vết chân đi của anh trước cổng,
Dần dần bị rêu xanh mọc che phủ.
Rêu nhiều quá, không sao quét sạch hết.
Năm nay, gió thu thổi sớm mọi năm, lá vàng rơi rụng.
Tháng tám, những con bướm vàng lại trở về,
Chúng bay từng đôi trên cỏ trong vườn tây.
Em đau lòng trước cảnh ấy,
Ngồi buồn thấy mình thêm già trên khuôn mặt.
Sớm muộn gì anh cũng sẽ xuống miền Tam Ba,
Xin hãy báo tin ngay về nhà.
Không ngại đường sá xa xôi,
Em sẽ đến bãi Trường Phong, An Huê để gặp anh.

Luận bàn:

Nội dung bài thơ tương đối đơn giản, cô gái tự thuật về cuộc sống của mình ở Trường Can từ nhỏ cho đến khi lấy chồng và tình yêu đối với chồng. Ta có thể chia bài thơ ra làm nhiều phần.

Sáu câu đầu vẽ một bức tranh nhân gian về trẻ em ở thôn quê nô đùa. Tám câu tiếp mô tả cuộc sống mới cưới của cô dâu nhỏ sau khi kết hôn một cách sống động và sống động trong trái tim cô. Mười bốn tuổi đã lấy chồng khi còn chưa biết gì, chi tiết rất thực tế như: im lặng, xoay mặt vào tường… Nhưng yêu chồng thiết tha, sẵn sàng ôm cột chết chờ chồng, chưa thấy sự xa cách và nỗi buồn chia ly.

Rồi có lẽ vì sinh kế, người chồng phải đi xa. Tình cảm và tâm lý nàng thay đổi ở các giai đoạn khác nhau. Nàng lo lắng khi chồng phải đi qua các chặng đường hiểm trở, nước siết, hoang dã… Chàng đi đã lâu nên vết chân đã bị rêu phủ, gió thu đã về, lá vàng rơi bay…Nàng tủi thân nhìn bướm bay từng cặp, buồn thấy mình già đi…

Bốn câu cuối, dặn dò chồng cho tin khi về gần đến nhà. Nôn nóng đi gặp chồng sớm không ngại đường xa cho bản thân. Thật tình cảm! Thật lãng mạn, độc đáo!

A Song Of Changgan by Li Bai
Translation by Witter Bynner

My hair had hardly covered my forehead.
I was picking flowers, playing by my door,
When you, my lover, on a bamboo horse,
Came trotting in circles and throwing green plums.
We lived near together on a lane in Ch'ang-kan,
Both of us young and happy-hearted.
...At fourteen I became your wife,
So bashful that I dared not smile,
And I lowered my head toward a dark corner
And would not turn to your thousand calls;
But at fifteen I straightened my brows and laughed,
Learning that no dust could ever seal our love,
That even unto death I would await you by my post
And would never lose heart in the tower of silent watching.
...Then when I was sixteen, you left on a long journey
Through the Gorges of Ch'u-t'ang, of rock and whirling water.
And then came the Fifth-month, more than I could bear,
And I tried to hear the monkeys in your lofty far-off sky.
Your footprints by our door, where I had watched you go,
Were hidden, every one of them, under green moss,
Hidden under moss too deep to sweep away.
And the first autumn wind added fallen leaves.
And now, in the Eighth-month, yellowing butterflies
Hover, two by two, in our west-garden grasses
And, because of all this, my heart is breaking
And I fear for my bright cheeks, lest they fade.
...Oh, at last, when you return through the three Pa districts,
Send me a message home ahead!
And I will come and meet you and will never mind the distance,
All the way to Chang-feng Sha.

Changgan Ballad by Li Bai
Translation by Betty Tseng

I had only started to wear my hair banged,
Playing around I was picking flowers in the yard at the front;
You came around on your bamboo horse
Encircling chairs and benches and dangling
in your hand was a branch of green plums.
We both lived in the region of Changgan,
Two youngsters who hadn't thought much.

At the age of fourteen I became your wife,
Diffident and shy, low I held my head;
I would retreat to a corner in the shadow,
And would not answer to your call after call.
At fifteen my brows started to ease,
And fell for you till death do us part;
You vowed to keep your promises to me,
So why would I find myself on the lookout for your homecoming?
Yet when I was sixteen you had to leave home to travel far
Through the Yangtze Gorges passing the Yanyu river rock,
Which in May would give rise to formidable rugged waters,
Gibbons' howling would come from precipices on both sides and resonate skywards.

The hesitated footprints from the day you left
Have already become moss-covered and green.
The moss has grown so thick that sweeping could not do away,
Till autumn comes early and leaves fall to the moss conceal.
August sees butterflies turn yellow and frail,
And in pairs they'd fly over the west chamber garden, over grass blades.
Such a scene saddens me,
As I sit in sorrow and wait my youth away.

One day whether soon or late on your return through the towns of Ba,
Do write a letter home beforehand;
I care not how far I'd have to travel to receive you on your way,
Even if I have to go all the way to Changfengsha.

Phí Minh Tâm
***
Trường Can Hành

Ấu thơ em để tóc ngang vành
Thơ thẩn hái hoa chơi quẩn quanh
Anh lấy cây tre làm ngựa cởi
Nghịch đùa bên giếng ném mơ xanh
Trường Can hai đứa cùng chung xóm
Tình bạn thơ ngây cuộc sống lành

Đám cưới em tròn mười bốn tuổi
Ngại ngùng e ấp lặng thinh thôi
Dấu mặt vào tường em trốn tránh
Mặc anh kêu gọi vẫn im lời

Mười lăm trổ mã mặt mày tươi
Gian khổ cùng chồng em nguyện ước
Như chuyện Vi Sinh ôm cột nước
Đài cao mong ngóng đợi chờ người

Tuổi vừa mười sáu chàng rời nhà
Diễm Dự, Cù Đường nẻo chốn xa
Ngập lụt tháng năm sông nước cuốn
Khắp trời vượn khỉ khóc trầm kha
Dấu chân chồng bước xưa còn đó
Đâu đâu cũng phủ lớp rêu già
Màu úa rêu dầy khó quét ra!

Lá rụng thu sầu trời buốt giá
Mỗi năm tháng tám bướm vờn qua
Cánh nhỏ xinh xinh đôi bướm lượn
Héo hon em ngắm lòng đau xót
Tuổi trẻ thoáng đi chốc đã già!

Tam Ba trở lại ngày nào đó
Tin nhạn đến nhà em ngóng trông
Xa mấy tìm chồng em lặn lội
Trường Phong điểm hẹn thỏa chờ mong!

Thanh Vân
***
Hai câu BS thích nhất như đã ghi, nếu theo ngũ ngôn thì không du dương bằng lục bát:

Cảnh này gợi mối thương tâm,
Buồn vì nhan sắc âm thầm tàn phai.

Điển tích Vĩ Sinh, BS không biết, nhưng làm nhớ tới truyện Les Travaileurs De La Mer của Victor Hugo: chàng Gilliatt, mê cháu gái ông chủ tầu là Déruchette, nhưng nghèo hèn, không dám ngỏ lời, chỉ hay đến gần nhà vào ban đêm, thổi bag pipe

Ông chủ có chiếc tầu bị chìm, hứa rằng ai đem được tầu về thì gả cháu gái, nhưng khi xong việc, ông ấy nuốt lời. Hôm người đẹp theo chồng về Anh quốc, Gilliatt ngồi ở chiếc ghế đá Gild Holm Ur, là ghế thiên nhiên do sóng biển soi mòn lâu ngày tạo thành mà nhìn theo con tầu mỗi lúc một xa… khi thủy triều dâng lên, chàng chết chìm trên ghế đá.

Đây là bản dịch thoát theo thể ngũ ngôn:

Trường Can Hành Kỳ Nhất

Tóc em vừa ngang trán,
Hái hoa chơi trước nhà,
Anh cưỡi ngựa tre lại,
Quanh giường liệng mai qua.
Trường Can cùng một xóm,
Đôi trẻ vẫn lân la,
Mười bốn thành chồng vợ,
Thẹn đâu giám cười đùa,
Cúi đầu vào vách tối,
Gọi hoài chẳng quay ra.
Mười lăm mày mới nở,
Nguyện gian khổ cùng người,
Em ôm cột giữ lời,
Vọng phu đài ngóng đợi.
Mười sáu chàng đi xa,
Cù Đường rồi Diễm Dự,
Nước lụt chẳng thể qua,
Tiếng vượn kêu ai oán.
Dấu chân còn trước cửa,
Chỗ chỗ mọc rêu xanh,
Rêu dầy quét không hết,
Lá thu sớm lìa cành.
Tháng tám bươm bướm vàng,
Từng đôi lượn vườn tây,
Thấy vậy, thiếp thương tâm,
Buồn nhan sắc hao gầy…
Sớm muộn đến Tam Ba,
Nhớ gửi thư về nhà,
Đón chàng đường xa mấy,
Cũng tới Trường Phong Sa.

Bát Sách.
(Ngày 18/01/2024)

***
Bài thơ này Khánh Hưng  đã dịch sang lục bát cả bao năm về trước qua bản dịch tiếng Anh dưới đây vì dạo ấy không hề biết đến nguyên tác chữ Hán - chính vì vậy KH phải bỏ hết các địa danh Trung Hoa ra. Xin các bác thứ lỗi!

EZRA POUND (1885-1972)

One of the most controversial figures of his time, Ezra Pound exerted a profound influence on American letters, both through his own writing and through his encouragement of other authors (particularly Robert Frost and T. S. Eliot).

The River-Merchant's Wife: A Letter
Translated from the Chinese of Li Po [RIHAKU] by Ezra Pound

While my hair was still cut straight across my forehead
I played about the front gate, pulling flowers.
You came by on bamboo stilts, playing horse,
You walked about my seat, playing with blue plums.
And we went on living in the village of Chokan:
Two small people, without dislike or suspicion.

At fourteen, I married My Lord you.
I never laughed, being bashful.
Lowering my head, I looked at the wall.
Called to, a thousand times, I never looked back.

At fifteen, I stop scowling,
I desired my dust to be mingled with yours
Forever and forever and forever.
Why should I climb the look out?

At sixteen, you departed,
You went into far Ku-to-yen, by the river of swirling eddies.
And you have been gone five months.
The monkeys make sorrowful noise overhead.
You dragged your feet when you went out.

By the gate now, the moss is grown, the different mosses,
Too deep to clear them away!
The leaves fall early this autumn, in wind.
The paired butterflies are already yellow with August
Over the grass in the West garden;
They hurt me. I grow older.

If you are coming down through the narrows of the river Kiang,
Please let me know beforehand,
And I will come out to meet you
As far as Cho-fu-Sa.

(Réf. 101 GREAT AMERICAN POEMS - Edited by The American Poetry & Literacy Project - DOVER THRIFT EDITIONS)

Lá Thơ Người Vợ Gởi Chồng Lái Buôn Sông Nước,

Khi còn để tóc mủm dừa,
Mình tôi trước cổng, vui đùa ngắt hoa.
Thanh tre giả ngựa chạy qua,
Chàng làm tráng sĩ - đến là oai phong!
Chỗ tôi ngồi bệt - xa trông,
Mon men bắt chuyện, kết thông hai nhà.
Ngẫu nhiên hàng xóm gần xa,
Đôi đầu niên thiếu mượt mà ngây thơ:
Tỵ hiềm nào biết trước giờ,
Dạ nghi ngờ vực là trò thanh niên.

Ngày qua tháng lại thoắt liền,
Khi tôi mười bốn, gia tiên sắp bày:
Cùng chàng giai ngẫu đan tay,
Tía tai đỏ má - chớ hay cười đùa.
Cúi đầu gầm mặt tứ mùa,
Mắt đâu vào vách, há chừa bóng đêm.
Lang quân tiếng gọi êm đềm,
Nghìn lần giả điếc, góc thềm làm ngơ.

Mười lăm, dạn dĩ gan to,
Ba sinh thề nguyện, mộng mơ toại thành,
Trăng sao chứng giám duyên lành,
Ngày sau chung huyệt, kết thành bướm đôi.
Sắt son chung thủy trọn đời,
Việc chi cảnh tỉnh - mắt thời láo liên?

Vừa tròn mười sáu, muộn phiền,
Khi chàng giã biệt, cửa tiền chơi vơi.
Thuyền trôi sóng bạc ngàn khơi,
Nữa niên gần trọn - nát bời từ ly!
Đau thương bầy vượn sầu bi,
Tình quân bước nặng, dợm đi lại dừng...

Đầu tường rêu phủ bít bùng,
Ăn sâu bám rễ - mịt mùng chào thua!
Lá Thu rơi sớm báo mùa,
Gió làn hiu hắt thổi lùa qua song.
Cặp đôi hồ điệp khắp đồng,
Vội về tháng tám - xa chồng lẻ loi!
Vườn Tây cỏ úa ỉ ôi,
Tuổi già sồng sộc - lệ rơi má hồng.

Khi chàng hồi quận bến sông,
Xin người cấp báo - ngóng trông tin lành:
Thuyền quyên tái hợp hùng anh,
Phu thê nghĩa nặng - sử xanh mãi còn ...

Khánh-Hưng
***
Góp ý của Lộc Bắc:

Bài này không có nhiều chữ khó, điển tích cũng được giải nghĩa rõ ràng, tuy nhiên có một chữ tương đối dễ nhưng nhiều người lại hiểu theo hai nghĩa khác nhau, đó là chữ sàng, được hiểu là giường và giếng. Giường thì thấy không hợp lý, tra thêm tự điển thì mới thấy chữ sàng床 còn có nghĩa:
(Danh) Cái sàn bắc trên giếng để đỡ con quay kéo nước.
Nếu dịch là giếng thì hợp lý hơn. (xin xem hình ảnh trong phần góp ý của anh Phí minh Tâm)
Việt nam có chữ “sàng nước” là nơi tắm rửa, giặt giũ (nơi gần nguồn nước). Không biết chữ sàng này có dính dáng đến chữ sàng phía trên của chữ Hán không?

Trường Can hành Kỳ 1 

Tóc em mới ngang trán
Bẻ hoa chơi mua bán
Chàng ngựa trúc chạy quanh
Bên giếng ném mơ xanh
Trường Can thôn cùng sống
Hai trẻ không ý tình.

Mười bốn nên chồng vợ
Thẹn thùng chỉ liếc nhanh
Quay đầu nhìn vách tối
Gọi hoài vẫn làm thinh

Mười lăm mới nở mi
Nguyện gian khổ cùng chia
Mãi mãi gìn lời hứa
Núi cao ngóng chồng về

Mười sáu chàng xa xôi
Cù Đường, Diễm Dự trôi
Tháng năm không đến được
Vượn hú tiếng bi ai
Trước nhà dấu chân đọng
Dần dần phủ rêu xanh
Rêu dầy khó quét sạch

Lá rụng gió thu sớm
Tháng tám bươm bướm vàng
Vườn tây bay từng cặp
Thấy vậy thiếp thương tâm
Ngồi buồn nhan sắc nhạt

Sớm muộn đến Tam Ba
Nhớ gởi thơ về nhà
Thiếp gần xa cũng đến
Dẫu tận Trường Phong Sa!

Lộc Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét