Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Lá Gió Cành Chim


Lúc Kiều ở thanh lâu, phải theo lệnh Tú bà tiếp khách, cụ Nguyễn Du đã viết:

Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc vui suốt tháng, trận cười thâu đêm,
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.


(Tống Ngọc người nước Sở cùng Tràng Khanh, tức Tư Mã Tương Như, là hai người đẹp trai, giỏi thơ văn, từ phú, nhưng cũng nổi tiếng ăn chơi, bay bướm)

Lá gió cành chim lấy ở điển Tiết Đào.

Đời Đường Đại Tông, có một vị quan nhỏ tên là Tiết Trịnh, (có sách nói là Tiết Vân). Họ Tiết hiếm hoi, không có con trai, chỉ có một gái, tên là Tiết Đào. Nàng thông minh xuất chúng, mới 8 tuổi đã biết làm thơ. Một hôm, trời vào thu u ám, mây vần vũ ngang đầu, hai cha con đứng trước sân ngắm cảnh, thấy cây ngô đồng cao vút, ngọn khuất trong mây, Tiết Trịnh ứng khẩu:

庭除一古桐 Đình trừ nhất cổ đồng,
聳幹入雲中 Tủng cán nhập vân trung,

Tiết Đào tiếp ngay:

枝迎南北鳥, Chi nghênh nam bắc điểu,
葉送往來風。 Diệp tống vãng lai phong...

Chú thích:

Sự thật thì 4 câu trên được sáng tác bởi Tiết Đào với tựa đề là 井梧 吟 Tỉnh ngô ngâm, nhưng đời sau bịa ra giai thoại như đã kể trên cho hấp dẫn.

Tiết Trịnh nghe qua thì than: nghiệp chướng đã vận vào mình rồi, e rằng con ta sẽ suốt đời đau khổ.

Quả như lời tiên đoán, vài năm sau, Tiết Trịnh bị cách chức, đầy đi Thành Đô, rồi lại bị đưa đi Nam Chiếu. Đây là nơi rừng thiêng, nước độc, Tiết để vợ con ở lại, đi một mình, rồi bỏ mạng. Lúc đó Tiết Đào 14 tuổi. Khi được 16 tuổi, vì gia cảnh quá túng quẫn, lại phải nuôi mẹ, nàng cam tâm xin vào phường ca kỹ.

Với nhan sắc chim sa, cá lặn, với tài nhả ngọc phun châu mà đêm đêm phải mua vui cho khách, Tiết Đào lúc nào cũng u sầu, phiền muộn. Nàng thường làm thơ, phổ nhạc để hát, bài nào cũng thê lương, ảo não, buồn đứt ruột, nhưng hay vô tả. Dân chúng cảm phục, gọi nàng la Tiết Tú Tài. Văn nhân, tài tử nghe danh, dập dìu tìm đến nàng xướng hoạ, hy vọng được nàng để ý, nhưng chưa ai lọt vào mắt xanh.

Lúc đó, đời Đường Đức Tông, Vi Cao được bổ nhiệm làm Tiết Độ Sứ Kiếm Nam, cai quản vùng Tây nam Trung Quốc. Vi là vị quan nho nhã, thích thơ văn, vì biết tài của Tiết nên hay mời nàng tới phủ để giúp vui và xướng hoạ cùng các thi nhân bản xứ. Ông quý Tiết đến nỗi dâng sớ tâu vua, xin phong cho nàng chức Hiệu thư lang. Tuy chưa có chiếu của nhà vua, nhưng dân chúng đã gọi nàng là Tiết Hiệu thư. Sau khi được thăng chức, đổi đi nơi khác, có 10 người tới thay, lần lượt làm Tiết Độ Sứ Kiếm Nam, mà ai cũng quí mến và kính trọng nàng.

Tiết Đào, Lưu Thái Xuân, Ngư Huyền Cơ và Lý Quý Lan được xưng tụng là Đường triều tứ đại nữ thi nhân. Nàng còn chế ra một loại giấy hồng có vẽ hoa cỏ rất đẹp để chép thơ, gọi là Hoa Tiên Tiết Đào.

Những văn nhân đã từng xướng hoạ với Tiết, có Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích, Vương Kiến, Nguyên Chẩn, nhưng chỉ có Nguyên Chẩn được lọt vào mắt xanh của nàng. Nguyên làm chức Tả Thập Di, trong một chuyến thanh tra ở Thành Đô, chàng gặp Tiết. Trai tài, gái sắc gặp nhau, quyến luyến không rời, thề non hẹn biển, sống chung cả năm trời, tâm đầu, ý hợp. Truyền thuyết kể rằng, khi gặp nhau, Nguyên mới 31 tuổi, Tiết thì đã 42, nhưng vì khéo trang điểm nên trông còn trẻ, rất phong vận. Cuộc tình này có hai đoạn kết khác nhau:

- Nguyên, vì công vụ, phải trở về kinh, rồi vì vụ nổi loạn của Tiết Độ Xứ Tây Xuyên là Lưu Tích mà hai người mất liên lạc. Nguyên Chẩn đã nhiều phen liều mạng đi tìm người yêu, nhưng không gặp, đành thúc thủ ôm mối tình tuyệt vọng. Tiết Đào, vì binh lửa, phải theo dòng đời lưu lạc.. Nàng mỏi mắt trông chờ Nguyên Chẩn, nhưng bóng chim tăm cá... Thời gian qua, dung nhan tàn tạ, lại thương mình duyên phận không may, nàng bèn xuống tóc đi tu, vui cùng câu kinh, tiếng kệ. Nàng xây một căn nhà nhỏ gần bờ sông, bên cầu Vạn Lý, sống ẩn dật, tu tại gia. Có lần, quan Tư Mã Thiểm Tây là Vương Kiến đến thăm nàng và đề thơ tặng:

寄蜀中薛濤校書 Ký Thục trung Tiết Đào hiệu thư
萬里橋邊女校書, Vạn Lý kiều biên nữ Hiệu Thư,
枇杷花裏閉門居。 Tỳ bà hoa hạ bế môn cư,
掃眉才子於今少 Tảo mi tài tử ư kim thiểu,
管領春風總不如 Quản lĩnh đông phong tổng bất như.

Bát Sách dịch thoát:

Bên cầu Vạn Lý nữ Hiệu Thư,
Dưới rặng tỳ bà đã ẩn cư,
Tài tử vẽ mi nhiều hay ít,
Chẳng ai tài nghệ được tương như.


- Nguyên Chẩn, khi về kinh thì phụ bạc, ở với nàng Lưu Thái Xuân, trẻ đẹp, mỹ miều hơn. Nguyên có làm bài thơ "Tặng Lưu Thái Xuân" hết sức ca tụng vẻ đẹp của nàng. Vậy thì đoạn kết thứ hai không phải là phi lý.

Dù sao thì Tiết cũng đã mỏi mòn chờ đợi, và tôi không ưa đoạn kết này.
Bài thơ của Bạch Cư Dị tặng Tiết Đào, tuy chỉ có 4 câu mà rất nhẹ nhàng, dễ thương:

贈薛濤                  Tặng Tiết Đào

蛾眉山勢接雲霓 Nga Mi sơn thế tiếp vân nghê,
欲逐劉郎北路迷 Dục trục Lưu lang Băc lộ mê,
若似剡中容易到 Nhược tự Diễm trung dung dị đáo,
春風猶隔武陵溪 Xuân phong do cách Vũ Lăng khê.

(Thế núi Nga Mi giáp với cầu vồng mây, muốn đuổi theo Lưu lang đang mê lạc trên đường phía Bắc, Nếu như đất Diễm Trung dễ đến, thì gió xuân còn cách xa khe Vũ Lăng.)

Bát Sách dịch:

Nga Mi thế núi tiếp cùng mây,
Muốn kiếm Lưu lang lộ bắc này.
Nếu đất Diễm trung mà dễ đến,
Gió xuân còn cách Vũ Lăng đây.


Sau khi về kinh, Nguyên Chẩn mới gửi bài thơ:

寄贈薛濤             Ký Tặng Tiết Đào

錦江滑膩峨嵋秀 Cẩm giang hoạt nhị Nga My tú
生出文君及薛濤 Sinh xuất Văn Quân dữ Tiết Đào.
言語巧偷鸚鵡舌 Ngôn ngữ xảo thâu anh vũ thiệt,
文章分得鳳凰毛 Văn chương phân đắc phụng hoàng mao,
紛紛詞客多停筆 Phân phân từ khách đa đình bút,
個個公侯欲夢刀。 Cá cá công hầu dục mộng đao,
別後相思隔煙水, Biệt hậu tương tư cách yên thuỷ,
菖蒲花發五雲高。 Xương bồ hoa phát ngũ vân cao.

(Đất Tứ Xuyên, nghĩa là Cẩm Giang và Nga My, sinh được hai người đẹp là Trác Văn Quân cùng Tiết Đào. Nói năng như anh vũ, văn chương như phượng hoàng, Tài của nàng làm văn nhân dừng bút, sắc đẹp của nàng làm công hầu mơ mộng.. Sau khi ly biệt, cách mây nước tương tư, hoa xương bồ đã nở như mây năm mầu.)

Bát Sách lười, dịch cả bài vất vả quá, chỉ dịch hai câu cuối, đáng giá nhất của bài thơ:

Tương tư khói nước xa nhau,
Hoa xương bồ nở năm mầu như mây.


Như đã nói ở trên, Tiết Đào làm nhiều thơ, rồi đem một số thơ phổ nhạc. Xin chọn hai bài:

送友人                    Tống Hữu Nhân.

水國蒹葭夜有霜,Thuỷ quốc kiêm hàng dạ hữu sương,
月寒山色共蒼蒼。Nguyệt hàn sơn sắc cộng thương thương,
誰言千里自今夕,Thuỳ ngôn thiên lý tự kim tịch,
離夢杳如關塞長。Ly mộng yểu như quan lộ trường,

Bản dịch của Chi Điền:

Tiễn Bạn.

Cỏ lau mặt nước đêm sương,
Núi xanh, trăng lạnh thương thương một mầu,
Ai rằng ngàn dặm xa nhau,
Đường dài ly mộng, rầu rầu ải quan.


Và bài thứ hai:

春望詞其一 Vọng xuân từ kỳ nhất.
花開不同賞, Hoa khai bất đồng thưởng,
花落不同悲. Hoa lạc bất đồng bi,
欲問相思處, Dục vấn tương tư xứ,
花開花落時 Hoa khai hoa lạc thì.

Bản dịch của Trần Trọng San:

Lời Ngắm Xuân, Kỳ 1


Cùng xem hoa nở đã không ai,
Cùng xót hoa rơi lại vắng người
Muốn hỏi đâu là nơi tưởng nhớ,
Rằng khi hoa nở lúc hoa rơi.

Hai bài này của Tiết cũng buồn vời vợi. Không hiểu người bạn trong thơ có phải là Nguyên Chẩn? Và người được nàng tưởng nhớ cũng chính là chàng?

Tiết Đào sinh năm 768, tự Hồng Đô, mất năm 831. Một người tài hoa, có nhan sắc mà cả đời luân lạc, mối tình đẹp cũng lỡ làng. Vì thương cảm, Bát Sách tặng nàng mấy câu thơ:

Buồn vì hoa nở hoa rơi,
Thương mình luân lạc, thương đời bể dâu,
Môi hồng mắt biếc còn đâu,
Nương thân cửa Phật, vơi sầu tương tư.


Xin nói thêm là Nguyên Chẩn sinh năm 779 đúng là kém Tiết Đào 11 tuổi, và hai người cùng mất năm 831.
***
Nguyên tác  Dịch âm

井梧吟       Tỉnh Ngô Ngâm


庭除一古桐 Đình trừ nhất cổ đồng,
聳幹入雲中 Tủng cán nhập vân trung,
枝迎南北鳥 Chi nghênh nam bắc điểu,
葉送往來風 Diệp tống vãng lai phong./.

Dịch thơ

Lá Gió Cành Chim


Ngô đồng cổ thụ trước sân,
Thân cây cao vút, khuất dần trong mây,
Cành chim nam bắc đậu đầy,
Lá đùa cợt gió, tối ngày đong đưa./.


Bát Sách 
Montréal, 05/2019.
***
Những Bài Dịch Khác:

Chú giải

井 tỉnh: cái giếng
梧 ngô: cây ngô đồng
吟 ngâm: đọc ngân dài ra, ngâm (thơ)
庭 đình: sân trước
除 trừ: một nghĩa là bên cạnh
聳 tủng: cao vót
幹 cán: thân cây

Dịch nghĩa:

Ngâm bài thơ Cây Ngô Đồng Bên Giếng

Bên thềm có một cây ngô đồng già,
Thân cao đụng tới mây.
Cành tiếp đón chim muông từ nam bắc,
Lá tiễn đưa mọi cơn gió qua lại

Dịch thơ:

Ngâm Thơ Ngô Đồng Bên Giếng


Cây ngô đồng bên giếng,
Thân cao tận mây xanh.
Cành tiếp chim nam bắc,
Lá đón gió vờn quanh./.


Con Cò
***
Gởi Tặng Tiết Đào.

Nga Mi Sông Cẩm mượt mà thay,
Sản xuất Đào, Quân tại chốn này.
Tiếng nói hay như anh vũ hót,
Văn chương đẹp tựa phượng hoàng bay.
Thi nhân gác bút khen thi phú,
Khanh tướng buông đao mộng sắc tài.
Cách biệt nhớ nhau qua khói sóng,
Xương bồ năm sắc nở như mây.

Mỹ Ngọc 
Apr. 11/2024.
***

Lá Gió Cành Chim

Cây ngô đứng trước sân đình
Thân cao như thể ngút nghìn chạm mây
Muôn chim nam bắc dừng bay
Gió đưa chiếc lá lung lay gọi mời


Thanh Vân

***
1/Khúc Ngân Ngô Đồng Bên Giếng( Tỉnh Ngộ Ngâm)

Sân ngô cỗi một cây
Thân thẳng vút tầng mây
Cành đón chim nam bắc
Lá đưa gió vãng lai

Ngô đồng một cỗi thềm sân trước
Thân vươn cao ngọn vút trong mây.
Bắc Nam chim đón cành lay
Lá đưa gió lạ vãng lai sớm chiều!


2/Tiễn Bạn (Tống Hữu Nhân)

Mặt nước cỏ bèo tối ngậm sương
Lạnh trăng, sắc núi biếc màu vương
Ai rằng ngàn dặm nay xa cách
Ly mộng mịt mờ chốn ải cương.


3/Ngóng Xuân Từ Kỳ 1 (Vọng Xuân Từ, Kỳ 1)

Hoa nở không cùng ngắm
Chẳng cùng sầu hoa rơi
Muốn hỏi nơi thương nhớ?
Hoa rơi-nở đúng thời!

Lộc Bắc

Mai24
***
1/ Ngóng Xuân

Chẳng cùng ngắm hoa nở
Hoa rụng chẳng cùng than
Tận cùng trong nỗi nhớ
Lúc hoa nở… hoa tàn

2/ Tiễn Chàng

Kiêm Gia bến nước đêm sương mờ
Nguyệt lạnh non cao thăm thẳm mơ
Ngàn dặm cách ngăn … ai thấu hiểu
Quan san diệu vợi mãi mong chờ


Kiều Mộng Hà
Austin.4.11.24
***
Tiết Đào 薛濤 - Tỉnh Ngô Ngâm 井梧吟

Theo nhiều nguồn tài liệu, Tiết Đào vốn là một danh kỹ xinh đẹp đời Đường. Nàng còn rất giỏi thi từ ca phú, từng là bạn xướng họa với nhiều thi nhân nổi tiếng đương thời như: Trương Tịch, Đỗ Mục, Lưu Vũ Tích, Bạch Cư Dị, và đặc biệt là Nguyên Chẩn. Giữa hai người có một đoạn tình duyên không trọn vẹn. Nguyên Chẩn từng ca ngợi nàng:

Cẩm giang hoạt nhị Nga mi tú 錦江滑膩峩嵋秀
Sinh xuất Văn Quân dữ Tiết Đào 生出文君及薛濤

tạm dịch:

Cẩm Giang danh tiếng mỹ nhân
Thi ca từ phú: Văn Quân, Tiết Đào

Tiết Đào lên 8 tuổi đã biết làm thơ. Một hôm thân phụ nàng là Tiết Vân 薛鄖 chỉ cây ngô đồng, đọc 2 câu thơ:

Đình trừ nhất cổ đồng 庭除一古桐
Tủng cán nhập vân trung 聳幹入雲中

tạm dịch:

Trước thềm có một cây đồng cổ
Thân cây cao ngất vào trong mây


Tiết Đào liền đọc tiếp:

Chi nghinh nam bắc điểu 枝迎南北鳥
Diệp tống lai vãng phong 葉送往來風

tạm dịch:

Cành đón chim từ nam bắc tới
Lá tiễn đưa làn gió lại qua.



Cha nàng nghe hai câu thơ này rất buồn vì thấy nàng, tuy thi phú vẹn toàn, nhưng có phong khí lả lơi ong bướm. Anh hoa của Tiết Đào sớm phát tiết cũng báo hiệu một đời hồng nhan đa truân. Quả nhiên sau này nàng phải dấn thân vào chốn thanh lâu. Tiết Đào có tài thi văn nhưng sanh vào một xã hội phong kiến bất công với 2 chuẩn mực khác nhau: cùng một phong thái nhưng với người nam thì cho là hào hoa phong nhã, nhưng với phụ nữ lại cho là lả lơi ong bướm. Nên cuối cùng nàng chỉ có một con đường là làm một ca kỹ. Thật đáng thương cho người phụ nữ thời phong kiến!

Thật ra câu chuyện bên trên có lẽ chỉ là huyền thoại vì đối đáp của Tiết Đào đâu có chi là lẳng lơ. Bốn câu thơ được gắn cho là đối đáp giữa cha con Tiết Đào là một bài ngũ ngôn tứ tuyệt được chép trong Tiết Đào Lý Dã Thi Tập - Đường - Tiết Đào 薛濤李冶詩集-唐-薛濤

Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:

井梧吟 Tỉnh Ngô Ngâm Ngô Đồng Bên Giếng

庭除一古桐 Đình trừ nhất cổ đồng       Sân trước ngô đồng già,
聳幹入雲中 Tủng cán nhập vân trung  Tận mây dang cành ra.
枝迎南北鳥 Chi nghênh nam bắc điểu  Bắc Nam chim đến đậu.
葉送往來風 Diệp tống vãng lai phong  Gió thổi lá la đà.

Dịch nghĩa:

Cây Ngô Đồng Bên Giếng


Thềm trước sân đình có một cây ngô đồng già.
Thân cao vót xuyên mây.
Cành đón nhận chim từ miền Nam miền Bắc,
Lá tiễn đưa gió thăm viếng đến đi.

An Old Paulownia Tree By the Well by Xie Tao,

In front of the pavillion there is a Paulownia tree, real old,
Its tall trunk penetrates the clouds.
Its branches host birds from North and South,
Its leaves bid good bye to winds that come and go.

Thời Đường không có mấy phụ nữ là thi nhân. Một phụ nữ tài sắc như Tiết Đào tất nhiên được nhiều người có học thức ái mộ. Ngoài các bài thơ tặng nàng đã được nêu ra như:

Ký Thục Trung Tiết Đào Hiệu Thư 寄蜀中薛濤校書 của Vương Kiến
Tặng Tiết Đào 贈薛濤 của Bạch Cư Dị
Ký Tặng Tiết Đào 寄贈薛濤 của Nguyên Chẩn

Còn các bài tặng khác như:

Hòa Tây Xuyên Lý Thượng Thư Thương Khổng Tước Cập Tiết Đào Chi Thập 和西川李尚書傷孔雀及薛濤之什 của Lư Vũ Tích
Tặng Tiết Đào 贈薛濤 của Hồ Tằng

Đặc biệt là Nguyên Chẩn chỉ gởi bài thơ Ký Tặng Tiết Đào sau khi về Trường An vào khoảng năm 821. Vì sao? Phải chăng Nguyên Chẩn là người yêu của Tiết Đào nên không cần phải “nịnh” nàng như các thi nhân khác. Hay như theo Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 422, Nguyên Chẩn đã từng tặng thơ cho Tiết Đào trong bài Ký Cựu Thi Dữ Tiết Đào Nhân Thành Trường Cú 寄舊詩與薛濤因成長句.

Có nguồn cho bài thơ này là của Tiết Đào tặng Nguyên Chẩn (không phải Nguyên Chẩn tặng Tiết Đào) và có được ghi chép trong sách của Tiết Đào 薛濤李冶詩集-唐-薛濤 (trang 13b) dưới tựa đề Ký Cựu Thi Dữ Vi Chi 寄舊詩與微之.

Cả hai bài thơ, từ hai sách khác nhau, có tựa khác nhau nhưng văn bản giống nhau như bên dưới:

詩篇調態人皆有 Thi thiên điều thái nhân giai hữu
細膩風光我獨知 Tế nị phong quang ngã độc tri
月夜詠花憐暗澹 Nguyệt dạ vịnh hoa liên ám đạm
雨朝題柳為欹垂 Vũ triêu đề liễu vi khi thùy
長教碧玉藏深處 Trường giáo bích ngọc tàng thâm xử
總向紅箋寫自隨 Tổng hướng hồng tiên tả tự tùy
老大不能收拾得 Lão đại bất năng thu thập đắc
與君開似教男兒 Dữ quân khai tự hảo nam nhi
Sau khi đọc bài thơ, bạn cho ai là tác giả?

Phí Minh Tâm
***
Góp ý của mirordor:


庭除一古桐 Đình trừ nhất cổ đồng

古桐 cổ đồng là cây gì? Câu trả lời "chính xác" là không ai biết! 古=cổ chỉ có nghĩa là già, như trong cụm từ 'cổ thụ'; 桐=đồng là từ dùng để chỉ hàng chục loại cây trong các họ nhà hồng, cúc, cẩm nhung, mộc lan [桐 - zn.Wikipedia và xin lưu ý rằng trong danh sách này không có các cây ngô đồng và phao đồng]. Theo Thuyết Văn, 桐=đồng là 荣=vinh [桐, 榮也. 从木, 同聲。đồng, vinh giả, tòng mộc, đồng thanh] nhưng không thấy có trang internet nào cho biết vinh là cây gì và ta chỉ có thể để ý rằng chuyển ngữ pinyin của 桐 và 荣 khá giống nhau: tóng/róng, nên đồng có thể chỉ là một lối viết khác của vinh, phản ảnh sự chuyển phụ âm r thành t. Từ 梧=ngô trong tựa đề bài thơ thì đúng là tên của ngô đồng, theo Thuyết Văn [字頭「梧」], nhưng ngô đồng là cây gì thì lại là chuyện khác.

Cúc và cẩm nhung là những loài hoa thân thảo nên không thể là cổ đồng trong bài thơ. Trang chữ Hán 梧桐 zn.Wikipedia cho cây ngô đồng (Firmiana simplex) cho ta biết nó không phải là một cây cao ngất trời [梧桐是落叶乔木, 高可达12米=ngô đồng thị lạc diệp kiều mộc, cao khả đạt 12 mễ] nên không thể có chuyện 聳幹入雲中=tùng cán nhập vân trung! Theo người ni biết, ngô đồng trong thi văn/huyền thoại nói đến hoặc loài cây hoa vàng rụng lá báo hiệu mùa thu, hay cây ngô đồng chim phượng hoàng về đậu báo hiệu thánh nhân, hay vĩ nhân ra đời. Cây độc nhất đủ cao trong danh sách nói trên cho các cây có tên đồng ờ Tàu là 油桐=du đồng, cao đến 20 m.

Đã có nhiều người dịch 梧桐 thành paulownia nhưng đó là dịch sai vì paulownia là 泡桐=phao đồng một loài cây không bà con gì với ngô đồng. Paulownia tomentosa , cao tới 25 m, thường thấy hơn trên Hoa Lục, là cây biểu tượng của thủ tướng Nhật, hiện diện trên ấn của Nhật, và gỗ của nó được dùng để làm cổ cầm. Cho dù dịch 梧桐 sai, theo tôi phao đồng mới là cây 'ngô đồng' trong bài thơ. Nếu ta tò mò tìm thử 井梧=tỉnh ngô là gì thì sẽ phải dịch thành 'cây "ngô" (bên) giếng' vì không có cụm từ tỉnh ngô trong tiếng Tàu.

Theo một số nhà nghiên cứu [井梧吟_百度百科], chưa hẳn rằng bài thơ này do chính Tiết Đào sáng tác, và một số người loại nó ra khỏi danh sách các bài thơ của Tiết Đào, vì nó chỉ xuất hiện lần đầu trong Khảo Giản Chuế Bút (槁簡贅筆, 'chuế bút' là bút mực rởm, thừa thãi) của Chương Uyên (章淵) đời Tống; tác phẩm này nói về thuyết thi sấm (詩讖, tiên tri trong thơ) và có thể dùng một hư cấu để làm ví dụ cho thuyết.


Bút tích của nàng còn ghi một điểm thích thú với tựa bài thơ là Tục Phụ Tỉnh Đồng Ngâm 續父井桐吟 làm mình nghĩ đến huyền thoại đối đáp của hai cha con là thật. 

Phí Minh Tâm 
***
Góp ý:

Khi đọc tiểu sử của Tiết Đào ta có thể thấy những trang internet dùng từ ca kỷ (歌伎) ngoài từ thi nhân (詩人) để nói về đời sống/nghề nghiệp của cô. Điều phiền toái là thế này: thể chế ca kỷ thời Đường-Tống đã biến mất trong thời Thanh khi mà ca kỷ được xem là từ đồng nghĩa với gái điếm. Trước thời Thanh, nghiệp ca kỷ có liên hệ với chế độ đa thê của Hoa Lục. Đàn ông lấy thêm vợ bé để tăng cơ hội có con trai nối tự, và những người có tiền của thường chọn vợ bé có nhan sắc và tài đờn ca. Đàn bà Hoa Lục thời cổ đáp ứng nhu cầu xã hội đó với nghiệp ca kỷ.

Dưới cái nhìn đó thì làm ca kỷ có gì xấu, trừ khi ta còn vướng với quan niệm "xướng ca vô loài"? Một trang chữ Hán nói về Tiết Đào gọi cô là thi nhân, ca kỷ, và 清客=thanh khách. Trừ khi ta biết cách tra cứu thì muốn hiểu thanh khách là gì thì hơi khó vì không có mục từ đó trong Wiktionnary và Google không biết dịch ra sao! Thanh khách là những người có văn tài (cả hai phái) được các nhà quyền quý cấp dưỡng, và tiểu sử của Tiết Đào nói đến việc Tiết Đào được nhiều "quan lớn" nâng đỡ. Truyền thuyết bảo rằng Tiết Đào có nhan sắc nhưng tại sao ta không nghĩ rằng rất có thể nàng có cơ hội làm bạn với nhiều tao nhân mặc khách là vì văn tài của nàng thay vì cái nghiệp ca kỷ?

Huỳnh Kim Giám
***
Phí minh Tâm viết:

Điểm khác, nhiều nơi cho là bài thơ không phải của Tiết Đào, có thể vào thời điểm đó người ta chưa tìm được sách của Tiết Đào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét