Đại cương
Đây là một bệnh không tác hại gì nhưng gây phiền phức cho bệnh nhân. Người bệnh nghe thấy một tiếng động kéo dài liên miên nhưng tiếng động này không có thực. Mọi người ở chung quanh không nghe thấy tiếng động đó. Theo thống kê thì bệnh rào rào trong tai khá phổ thông: tùy theo địa phương mà số người bị bệnh này thay đổi từ 10% tới 15% dân số.
Vì tiếng động của bệnh rào rào trong tai không có thực nên y học mệnh danh các trường hợp này là bệnh rào rào trong tai chủ quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm có thì tiếng động đó có thực, do một bộ phận ở trong đầu bệnh nhân và ở ngay gần tai gây ra: đó là bệnh rào rào trong tai khách quan.
Đặc tính
Tiếng động của bệnh rào rào trong tai thay đổi theo từng bệnh nhân. Có người cho rằng tiếng động nghe thấy giống như tiếng xe chạy ào ào ngoài xa lộ, hoặc như tiếng sóng biển rì rào, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió hú, tiếng chuông gọi cửa, tiếng thổi còi… Tiếng động này khi lớn, khi nhỏ, khi có, khi không. Tiếng rào rào trong tai nghe lớn hơn khi bệnh nhân đang ở một nơi yên tĩnh hoặc vào lúc ban đêm.
Đa số bệnh nhân thích ứng được với tiếng rào rào trong tai, nghe lâu thành quen nên không bị lo sợ hay bực tức nữa. Trong trường hợp này, bệnh trong tai không gây xáo trộn trong sinh hoạt thường ngày của họ và không ảnh hưởng tới sức khỏe tổng quát.
Bệnh rào rào trong tai khách quan thường do mạch máu bất thường ở trong đầu bệnh nhân gây ra. Máu chạy trong mạch máu bất thường phát ra tiếng động thay đổi theo nhịp tim đập. Nghĩa là người bệnh nghe thấy tiếng rào rào này lớn hơn khi tim bóp và nhỏ hơn khi tim nở. Họ có thể theo dõi sự biến đổi của tiếng động này mà đếm được nhịp tim của mình.
Khi người bệnh không thích ứng được với tiếng rào rào trong tai, họ có thể bị mất ngủ hoặc bị trầm cảm. Đây là trường hợp cần khám bệnh để điều trị tiếng rào rào trong tai, vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm suy yếu sức khỏe thể chất và tâm thần của bệnh nhân.
Nguyên nhân
Chức năng thính giác (sự nghe) của chúng ta di chuyển qua hệ thống truyền âm bao gồm, từ ngoài tới trong (xem hình bên dướii):
Lỗ tai
Ống tai ngoài
Tai giữa
Tai trong
Dây than kinh thính giác
Trung tâm thính giác trong óc
Mọi xáo trộn lâu dài xảy ra trong hệ thống truyền âm đều có thể gây ra bệnh rào rào trong tai chủ quan. Các nguyên nhân gây xáo trộn như vậy bao gồm:
Tiếng động lớn nghe nhiều lần khiến dây than kinh thính giác bị tổn thương (điếc), đây là trường hợp làm việc trong nhà máy ồn ào hoặc nghe nhạc quá lớn tiếng.
Tuổi già: sự lão hóa khiến các cụ bị điếc. Hóa chất gây tổn thương thính giác. Đây là nói về phản ứng phụ nguy hại của một số thuốc trụ sinh. Bệnh thiên đầu thống (đau nhức một bên đầu). Bệnh nhiễm trùng bất kỳ nơi nào thuộc hệ thống truyền âm.
Tổn thương thần kinh trung ương, thí dụ: đột quỵ.
Các nguyên nhân của bệnh rào rào trong tai khách quan bao gồm:
Sự tuần hoàn bất thường tại động mạch cảnh (hai bên cổ) hoặc tại tĩnh mạch cổ.
Khối u tai giữa, loại có nhiều mạch máu khiến tuần hoàn gây tiếng động.
Dị tật bẩm sinh tại mạch máu màng óc gây ra tuần hoàn bất thường nơi đó.
Sự co thắt các bắp thịt nhỏ tại vòm miệng hoặc nơi tai giữa.
Chẩn đoán
Bệnh sử
Sự chẩn đoán bệnh rào rào trong tai thông thường dựa vào bệnh sử. Khi bệnh nhân kể bệnh và trình bày chi tiết về các triệu chứng đặc trưng thì bác sĩ rất dễ định bệnh.
Đối với bệnh rào rào trong tai khách quan thì triệu chứng có chỗ khác lạ để phân biệt với bệnh rào rào trong tai chủ quan:
Tiếng rào rào thay đổi khi lớn, khi nhỏ, theo nhịp tim đập.
Bệnh nhân mô tả tiếng động họ nghe thấy không có tính cách ào ào liên tục mà là tiếng lách cách giống như khi những vật bằng kim loại bị va chạm. Tiếng lách cách này là do sự co thắt bắp thịt nhỏ tại vòm miệng hoặc tai giữa.
Tiếng ào ào chỉ nghe thấy một bên tai khi có khối u tai giữa.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng bệnh rào rào trong tai bao gồm khám tai, khám hệ thần kinh và đo thính giác tại phòng mạch.
Dụng cụ đo thính giác tại phòng mạch tên là âm thoa (xem hình bên), chế tạo bằng kim loại, sử dụng dễ dàng, không cần phụ thêm máy móc gì.
Đo thính giác bằng âm thoa cho biết người bệnh nghe được cả hai tai hay bị điếc một bên. Nếu bị điếc một bên thì nghi ngờ do bệnh lý não bộ và cần gửi đi xét nghiệm bổ túc.
Các loại xét nghiệm
Bệnh rào rào trong tai thông thường không cần xét nghiệm để chẩn đoán. Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt cần sử dụng tới xét nghiệm:
Đo thính giác tại phòng thí nghiệm để xác định bệnh nhân bị điếc một bên tai do dây thần kinh thính giác bị bệnh hoặc do tổn thương thần kinh trung ương.
Chụp hình cộng hưởng từ tính chuyên môn vùng tai khi tình nghi dây thần kinh thính giác có mọc khối u.
Trị liệu
Khi bệnh nhân hoàn toàn thích ứng được với bệnh rào rào trong tai, tất nhiên họ không cần trị liệu. Nếu người bệnh muốn giảm bớt tiếng rào rào trong tai thì sự trị liệu bao gồm:
Dùng máy trợ thính mặc dầu chỉ bị điếc nhẹ. Tránh mọi sự kích thích than kinh: bỏ hoặc giảm bớt uống cà-phê, uống rượu, dung các loại thuốc kích thích.
Dùng máy che dấu tiếng rào rào trong tai. Đây là thiết bị gây tiếng động nhỏ liên tục để chia trí người bệnh khiến họ không chú ý tới tiếng rào rào trong tai nữa. Dụng cụ này hình dạng going như máy trợ thính và cũng đặt trong ống tai ngoài.
Bệnh rào rào trong tai cần dùng thuốc để trị liệu khi bệnh nhân bị mất ngủ thường xuyên hoặc bị bệnh trầm cảm. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe tổng quát, cho nên đây là lúc người bệnh phải đi khám bệnh để các bác sĩ quyết định phương cách điều trị.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Bệnh rào rào trong tai Tinnitus
Trầm cảm Depression
Chức năng thính giác Hearing function
Hệ thống truyền âm Auditory pathway
Bệnh thiên đầu thống Migraine headache
Động mạch cảnh Carotid artery
Vòm miệng Palate
Đặc trưng Specific
Tiếng lách cách Clicking sound
Khám lâm sàng Clinical examination
Âm thoa Tuning fork
Đo thính giác Hearing test
Chụp hình cộng hưởng từ tính Magnetic resonance imaging (MRI) Máy trợ thính Hearing aid
Máy che dấu tiếng rào rào trong tai Tinnitus masker
BS Đinh Đại Kha
Trích Hội Y Nha Dược Florida 17
Bản Tin Mùa Xuân 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét