Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Có Ướt Cũng Khôn Cùng!

 
(Bát Sách, Phạm Xuân Hy, Lê Bình Phương - Hình ảnh Bát Sách gửi)

‘’ Em không biết Phạm Xuân Hy à? Tay này nổi tiếng, chuyên trị chữ Hán, viết nhiều bài khảo cứu, dịch thuật vv Nó là bạn anh, nhà gần đây thôi, không biết bao nhiêu là sách Tàu, mà toàn là sách quý . Em đi với tụi anh đến đó đi, có hẹn thì cứ về sớm. Đến đi ! Nó cũng ‘’biết’’ em nữa! ‘’. Anh Cửu Vạn nói với tôi như thế, khi tôi xin phép hai anh : Cửu Vạn và Bát Sách về lại nhà .

Sáng thứ ba rồi, 21/5, như đã hẹn với anh Bát Sách, tôi lấy xe lửa từ ngọại ô lên Paris ‘’ra mắt’’ ông anh từ Montréal mới sang ! Gọi ‘’ra mắt’’ vì, từ 5,6 năm nay, dù trao đổi email thường xuyên nhưng anh em chưa gặp nhau bao giờ. Năm 2019 khi anh sang đây, thì tôi bận chuyện, không đến chào anh được. Rồi vụ đại dịch Covid ….

Anh Bát Sách hẹn anh Cửu Vạn và tôi, 11h30, 21/5, tại khách sạn anh chị ở, gần Porte d'Italie. Hôm đó lại là ngày mấy bố công đoàn CGT, Sud Rail của ‘’SNCF’’, Société nationale des chemins de fer, tôi gọi đại là ‘’Cục … đường sắt‘’, rầm rộ đình công, để thị uy với ban lãnh đạo, trước khi bước vào cuộc thảo luận tăng lương. Chưa biết được tăng bao nhiêu nhưng đình công trước cái đã! Vả lại, sẳn có thứ hai nghỉ lễ Pentecôte, ngu sao không làm luôn cái thứ ba cho có cái cuối tuần 4 ngày đi chơi?! CGT mờ!

Nhờ công đoàn CFDT chiếm đa số, nên RER phía tôi ở không bị ảnh hưởng nhiều (2/3 train), nhưng tôi cũng cẩn thận, thổi xôi, cụ bị hành lý, 9 rưởi đã ra khỏi nhà. Chờ tới, đợi lui, tà tà, thì 11h đã đến khách sạn. Không dám làm phiền anh chị, tôi ngồi đợi trong phòng khách.

‘’Thủa chờ đợi, thời gian chưa rét mấy’’ thì 15 phút sau đã nghe một giọng Bắc kỳ.. Pháp hỏi cô tiếp viên khách sạn, xin gặp ông bà Nguyễn từ Montreal mới sang. Mừng quá, tôi bước ra bắt tay đại ca Cửu Vạn, miệng cười tươi hỏi : ‘’anh nhớ … em hông? ‘’. Thấy anh hơi ngần ngừ, tôi nhắc đã gặp anh chị hai lần, ở nhà anh Chín tôi, khoảng 96, 97 gì đó (?) , lúc anh Phan Nhật Nam ghé dùng cơm chiều .Hôm đó có nhiều anh chị khác nhưng tôi đặc biệt nhớ vì mới gặp anh, anh Nam đã nhận ra liền ‘’T. hở? Lâu quá không gặp! ‘’. Tôi tưởng anh Cửu Vạn cũng là ‘’thiên thần mũ đỏ’’. Nhưng không, chàng là ‘’thiên thần áo trắng’’, quen anh Nam lúc cùng học mấy ‘’saut Nhảy Dù’’! Lần gặp sau, nghe anh Nam kể lại, khuya đó, anh Cửu Vạn tình nguyện đưa bạn về, không ngờ chạy … lạc tùm lum, khuya lơ, khuya lắc mới về nhà!

Cửu Vạn, Bát Sách: nghe tên là biết ngay đó là những người có ‘’bàn tay 5 ngón kiêu .. xoa’’. Nhưng ’’xoa’’ chỉ là giải trí, nghề chính của hai chàng là ‘’ cầm ống nghe, ống chích vv ’’. Không biết các phân khoa khác thì sao nhưng có vẻ mạt chược là môn giải trí được Y giới ‘’phe ta’’ chiếu cố rất tận tình, đến đổi , trên diễn đàn ‘’svqy.org’’ ( sinh viên quân y) có đăng bài của GS Tô Đồng chỉ dẫn ‘’ Cách chơi Mạt Chược’’!

Mà không chỉ dân ‘’áo trắng’’, giới ‘’kaki’’ cũng nhiều người thích xoa. Trong quyển ‘’ Tướng Phạm văn Phú và những trận đánh’’ (1988), Thiếu tá tùy viên Phạm Huấn kể lại, đêm 9/3/1975, sau một ngày chỉ huy vất vã, khoảng 12h đêm, tướng Phú tự thưởng cho mình, cùng 3 thuộc cấp thân cận, một tẩy mạt chược trong ‘’bunker’’ chỉ huy. Tẩy mạt chược cuối đời ông !!!

Cửu Vạn và Bát Sách là hai đàn anh tôi! Đàn anh thôi, không ‘’niên trưởng’’, bởi vì hai anh trong ‘’corps médical’’, tôi bên Kỹ -Thuật. Năm hai anh ra Bác Sĩ (Sài Gòn) thì tôi chưa vào trung học! Hai anh học chung khóa, ra trường cùng năm, lại ăn rau muống Chu Văn An ngày xưa (dường như anh Bát Sách học đệ nhất ở Petrus?)! Ở tuổi 8 bó mấy que này, hai anh vẫn tình bơ ‘’mày tao’’ như ‘’ngày xưa còn bé ‘’!

(Bát Sách, Hà Mạnh Tuấn, Lê Bình Phương - Hình ảnh Bát Sách gửi)

Ông Cửu Vạn, Quân y từ đầu, trước 75, làm ở Tổng Y Viện Cộng Hòa ( nói ‘’Trung Tâm Tiếp Huyết’’ thì nghe ‘’gần gủi ‘’ hơn) trong khi anh Bát Sách là Đại Úy Quân Y Thiết Giáp, ‘’đàn em’’ Đại Tá Thiết đoàn trưởng Kỵ Binh Trần văn Thoàn ( Khóa 10 Đà Lạt), sau về làm Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5, phụ tá tướng Lê Nguyên Vỹ! Lúc ông Thoàn còn sinh tiền ( trước 9/2018) , mỗi lần sang Paris, anh Bát Sách đều ghé thăm ‘’Sếp’’. Anh bảo ‘’khó ai mà có được cái giao tình như giữa Đại Bàng Đại Tá và Đại Úy BS Mũ Đen’’. Nếu anh Bát Sách là ‘’người di tản buồn’’ ngày cuối tháng 4, thì anh Cửu Vạn là ‘’kẻ vượt biên sầu’’, sau mấy năm tù đày, vượt biển, được tàu Ý vớt (1980 ?) nên định cư tại Ý nhưng sau đó, vì ngán ăn ‘’mì ống‘’ (?) nên lại … ‘’vượt biên’’ lần nữa , sang Pháp tìm lại đồng môn, thầy cô Y giới, trở lại nghề!

Anh Bát Sách thì tôi ‘’biết’’ nhiều. Anh là một trong những tay viết gạo cội trong Y giới Canada. Cái trí nhớ tuyệt vời và những dòng chữ duyên dáng của anh, đã làm cho mục ‘’thư-tín’’ và ‘’tin tức mình’’ trong Tập San Y Sĩ Canada là những mục, với tôi, lôi cuốn nhất ! Như ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt với ‘’Chuyện Hàng Ngày’’, sau đổi thành ‘’Nói hay đừng ‘, với sự tiếp tay của các ông Đái Đức Tuấn, Hà Thượng Nhân ( ông Hà gọi là ‘’Nứng hay đòi ‘’!!) trên tờ Tự Do ( đệ nhất Cộng Hòa), hay như các ông ‘’Lô Răng’’ Phan Lạc Phúc, mục ‘’Tạp Ghi ‘’ trên ‘’Tiền Tuyến’’, Mai Thảo với ‘’Sổ Tay ‘’ trên Văn vv Trước đó, khi còn là sinh viên, anh đã có những đóng góp trên nguyệt san ‘’Tình Thương’’ của sinh viên Y Khoa với bút hiệu Yên-Thảo ( Yên ở đây là nói về quê anh , không phải ‘’Yên thảo như bích ty / Tần tang đê lục chi’’) . Anh và tôi thường hay liên lạc nhau qua email. Lá ‘’thư’’ nào của tôi cũng được anh hồi âm, khích lệ. Không những thế, đôi lần, anh còn viết cho tôi mấy dòng ‘’tâm sự’’. Em cám ơn anh, anh Bát Sách!

Anh Cửu Vạn thì khác. Mấy lần gặp trước, do có nhiều người , nên anh em không có dịp chuyện trò nhau . Tôi nhìn anh chị , chỉ biết ‘’kính nhi viễn chi’’! Lần này, gặp lại, thì anh rất là cởi mở với thằng đàn em mà anh tưởng là mới gặp lần đầu. Anh nói chuyện vừa vui, vừa tình thật, khiến người đối diện, là tôi, không cần phải ‘’giữ kẽ’’! Lúc anh em đứng riêng, tôi nói với anh Bát Sách:’’Anh T., cao ráo, đẹp trai, duyên dáng thế này, ngày xưa chắc bao nhiêu là ‘’hoa đào’’ rơi rụng trên con đường của BS ‘’đào hoa’’? Anh Bát Sách cười cười, không nói ‘’No No’’ nhưng tôi biết ngay là ‘’Yes Yes ’’!

Trò chuyện một tí ở khách sạn, anh Cửu Vạn mời ăn trưa . Anh hỏi ông bạn Bát Sách: ‘’mày muốn ăn đồ Tây hay đồ Tàu‘’? – Đồ Tây đi, thay đổi không khí tí! Thế là ông Cửu Vạn dõng dạc: ‘Vậy mình đi ăn brasserie, chỗ này tao biết rành. Chủ quán lẫn … tiếp viên! ’’.

Ông Cửu Vạn, không biết làm sao mà phải mổ đầu gối (xiết vít lại?) cách đây mấy tuần. Ông kéo (ống) quần lên, triễn lãm cái vết sẹo làm tôi quợn quá! Lúc anh em ngồi nói chuyện ở khách sạn, anh bảo :‘’ Bây giờ anh chỉ nhìn đời bằng nửa con mắt. -? - Con kia, đúng lý, phải mổ cataracte nhưng anh còn ngần ngừ, sợ thành Văn Vĩ mà không kéo được đòn cò thì thảm lắm! ‘’. Ông Tôn Tẩn ‘’TYV Cộng Hòa’’, tuy ‘’lờ mờ nhân ảnh’’ nhưng lái xe rất chiến. Đã vậy, ông bảo tôi: ‘’Kéo dây nịch làm quái gì? Anh lái là OK’’. Mà OK thật, sau mấy phút lạng qua, lạng lại, xe đã xuống parking Paris Store. Chúng tôi lên tầng trên, băng qua đường, sang khu Massena, đến ‘’brasserie-của-anh-Cửu’’ dùng trưa!

Khi vào nhà hàng, ‘’cái ‘’ làm tôi chú ý, không phải là cái không gian, số thực khách. Mà là cô … serveuse người Hoa nhưng nói tiếng Việt rất sỏi: một ‘’thiếu nữ thân gầy’’, độ chừng ‘’bốn mí’, nhan sắc trên trung bình, nói năng rất tếu, rất…‘’thoáng’’! Anh Cửu Vạn giới thiệu cô tên Lili. Lili? (J’t’aime bien Lili pour tous les livres que tu lis .... / Philippe Chatel). Nhờ đi với ‘’khách quý’’ nên chúng tôi được cô serveuse phục vụ rất tận tình, vui vẻ. Muốn gì có nấy. Cám ơn ông anh !

Anh Cửu Vạn kêu cái ‘’entrée’’ giả-cua với ''avocat'', anh Bát Sách và tôi kêu chung một dĩa nhỏ charcuterie, nhấm nháp với rượu đỏ. Món chánh của hai anh em là ‘’đùi vịt’’ (confit de canard) trong khi anh Cửu Vạn ‘’chơi’’ thịt bò (‘’bầm’’) tartare. Khi dọn ra, anh ‘’Chín’’ (Cửu) khiếu nại ‘’thiếu trứng’’, Lili cười cười ‘’ trứng đập pha với rau rồi, … anh ơi ‘’. Thế là chàng nín thinh, ‘’nắng chia nửa bãi chiều rồi’’, ăn đỡ! 3 anh em ăn ít, lại uống không nhiều (tôi thích uống rượu nhưng ‘’rượu vào thì … mắc cỡ’’, sợ quê với … Lili) nên khi tàn bữa, ‘’bỏ mứa’’ hơi nhiều, chẳng có gì ‘’nam thực như hổ‘’ cả! Lúc Lili dọn bàn, để đánh trống lảng, tôi xin 3 cái xây-chừng cho tỉnh táo ! Tôi dành cho ‘’pourboire’’ (khá hậu hỉnh) cho Lili. Tôi bảo với cô hàng ‘’cà (brasse)rie’’, rằng: ‘’ Tôi..’’bo’’ dùm cho ông anh tôi lần tới luôn, đấy nhé!‘’

Trong bữa ăn, qua hai ông anh, tôi nghe được nhiều chuyện. Chuyện học trò , chuyện Lính Tráng . Chuyện thủa Sinh Viên, chuyện thời tị nạn. Chuyện người hùng chống ‘’tham nhũng’’ HTN, chuyện di tản ngày 30/4 vv !!! Anh Cửu Vạn nói về những kỷ niệm với thầy Nguyên Sa lúc mới về VN, về bài Triết giảng sơ sơ xong, thầy rút túi đọc ‘’Cần Thiết’’ ( Không có anh , lấy ai đưa em đi học về…) cho cả lớp nghe ( Có phải nhờ thầy Lan, mà dân Chu Văn An: nhiều người nổi tiếng thơ văn?). Anh Bát Sách kể lại ngày cuối tháng tư, Cần Thơ di tản vv! Tôi nghe, ngoài miệng tuy cười, nhưng trong lòng buồn nẫu ruột: ‘’Tuổi trẻ anh em mình, sao khổ quá, mấy anh?!!!‘’.

Phê pháo xong xuôi, khoảng 14h hơn, ra khỏi nhà hàng, anh Cửu Vạn bảo‘’giờ mình đi thăm thằng Hy’’. Nghe tôi xin phép về nhà vì có hẹn thì anh phán ‘’… Cứ đi với tụi anh đến đó đi, có hẹn thì cứ về sớm. Tới nhà nó coi sách Tàu! ’’. Nghe tới sách là tôi ‘’ anh đi đâu thì em theo đó’’.

Nhà anh Hy gần khu Massena, anh em đi bộ, mấy phút đã đến. Lên đến tầng 7 của cao ốc, sau khi lòng vòng trong bát trận đồ, chúng tôi chỉ thấy số ‘’2071’’. Anh Cửu Vạn rên ‘’nó bảo 1071, mà thật ra, là 2071 ‘’, nhưng khi nhấn chuông, thì quả là anh Hy nói đúng! Anh Cửu Vạn xin lỗi em đầm 2071, rồi theo anh Bát Sách và tôi qua phía ‘’bên kia’’, nơi có số ‘’1071’’!

Mở cửa đón chúng tôi là một.. ông anh đội mũ len, vóc dáng ‘’tiên phong, đạo cốt’’, niềm nở mời khách vào. Anh Hy (1939), tóc bạc phơ, người mảnh khảnh, nói năng nhỏ nhẹ, chậm rãi,cái ‘’accent’’ Bắc-kỳ-9-nút của anh khác với cái ‘’accent’’ BK của anh Cửu Vạn và Bát Sách! Dù chúng tôi nói mới uống cà-phê ở tiệm … ‘’ Lili’’, nhưng anh Hy cũng vào bếp lui cui một tí, rồi bưng ra một mâm cà phê, với 4 cái bánh hạnh nhân.

Chủ khách vừa phân ngôi, anh Hy đã lấy quyển tiểu thuyết dã sử ‘’Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng’’ của anh Hoàng Xuân Thảo (BS Nhảy Dù Hoàng Ngọc Khôi: 1931-2021): 12 chương, mỗi chương có lời bàn của anh Bát Sách và thơ cảm đề của anh Trần Xuân Dũng ( BS Thủy Quân Lục Chiến :1939-2023), để sẳn trên bàn, với mấy trang giấy in. Anh cám ơn anh Bát Sách đã cho anh có cơ hội để ‘’trở lại’’ câu ‘’Mỹ Nhân và Danh Tướng’’. Không phải kiểu Thúy Kiều & Từ Hải, mà là kiểu ‘’ thứ phi Đặng thị Huệ và Chúa Trịnh Sâm: ‘’mỹ nhân tự cổ như danh … ‘’Chúa’’ / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu’’. Tại sao lại mang mỹ nhân so sánh với danh tướng? - Anh Hy lấy tờ giấy đã in, đọc, giải thích . Ngồi kế bên anh, tôi mới thấy rõ toàn chữ ‘’Tàu’’! Đây là lần đầu tiên, ngoài ông … Ngoại tôi (1883-1967/ Nho học lẫn Tây học), tôi chứng kiến một người Việt ( không phải gốc Chợ Lớn) dịch chữ Nho vanh vách!

Khi anh Cửu Vạn hỏi ‘’Em không biết Phạm xuân Hy à? ‘’, thì quả tình tôi không biết ! Mà tôi không biết cũng … phải! Sang Pháp cuối 79, phải ‘’đi lại từ đầu’’, lại ở tỉnh nhỏ, tôi không có nhiều thời giờ và điều kiện để mua sách Việt, đọc sách Việt. Chỉ lúc đi làm, dọn nhà lên gần Paris ( cách 50km), tôi mới có dịp, thi thoảng lên ‘’khu 13’’, đi chợ Tàu, mua sách Việt (văn chương, chính trị). Mà anh Phạm xuân Hy thì chuyên về dịch thuật Hán-tự và Nôm-tự! Điều thú vị là anh chỉ bắt đầu học chữ Hán, sau 75! Tôi biết được, vì sau hôm gặp anh, tôi vào ‘’mạng’’, tìm đọc về anh.

Trên website ‘’buctranhvancau’’, anh Hy đã kể lại với người bạn Việt Dương:

“Tôi bước vào con đường tự học chữ Nho từ năm 1975, trước hết là để thực hiện ước vọng từ lâu và sau đó là để tiêu khiển trước sự đổi thay đột ngột kinh hoàng của đất nước. Học để quên đi những tháng ngày khó khăn đen tối, lo âu cho một tương lai mờ mịt. Mới đầu tôi mua cuốn tự điển Hán Việt của Thiều Chửu, bắt đầu gạch từng nét, đếm từng chữ. Khi đã có một số chữ làm vốn, tôi vào Chợ Lớn, trước cửa sân Tinh Võ, trên đường Nguyễn Trãi, mua những quyển truyện bằng tranh, lớn bằng bàn tay mà tôi mê thích khi còn nhỏ, như Tiểu Lý Quảng, Thuyết Đường, Song Trùy Hà Nguyên Khánh, Chinh Đông Chinh Tây...hình vẽ rất đẹp với những hàng chữ ngắn gọn dễ đọc. Tôi dùng tự điển Thiều Chửu để tra từng chữ cho hiểu cốt truyện và để học … ‘’

Vượt biên năm 79, định cư ở Pháp, sau khi ổn định đời sống, anh Hy học sang chữ Nôm!

Xin trích thêm:
“Nhắc tới dịch giả Phạm Xuân Hy, những người đọc sách, nhất là hàng trí giả về lãnh vực chữ Hán, chữ Nôm, hầu như không ai không biết tới tên tuổi của ông.

Họ Phạm không chỉ là tác giả của một số tác phẩm dịch được nhiều người ưa thích như Liêu Trai Chí Dị, Hậu Liêu Trai và Thiếp Bạc Mệnh là 3 tuyển tập chọn lọc do nhà xuất bản Văn Hóa ở Houston, Texas lần lượt ấn hành từ năm 1988 tới 2002, ông còn là tác giả của những công trình dịch thuật lớn như phiên âm bản truyện Nôm “Chiêu Quân Tân Truyện của tác giả Nguyễn Tiến Khang, xuất bản năm 1922, hay phiên âm bản “Phép Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giê Su”, bản khắc năm 1869, phiên âm bản Nôm “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” của Pigneau de Béhaine, bản khắc năm 1774. Ông cũng đã hoàn tất phần chuyển ngữ tác phẩm đồ sộ nhan đề “Trung Quốc Lịch Triều Đại Sự Niên Biểu (từ nhà Tần đến hết Tam Quốc).

Một số dịch giả chữ Hán có thẩm quyền ở trong cũng như ở ngoài Việt Nam cho rằng mức độ uyên thâm về chữ Hán để dịch được những tác phẩm văn học cổ Trung Hoa sang tiếng Việt, chúng ta có không ít tài năng. Nhưng một học giả được coi là uyên thâm cả chữ Hán và chữ Nôm thì phải nói là chúng ta có quá ít. Ngày một ít hơn nữa! “Trong số ít này, chúng ta có dịch giả Phạm Xuân Hy, hiện cư ngụ ở Paris”. Một nhà Nho cựu trào ở hải ngoại đã kết luận.(dutule.com).

Nhưng anh Hy không chỉ nói về ‘’Nho’’, mà còn về ‘’tổ tôm’’. Chính anh gọi ‘’Hà chưởng môn’’ ( tên anh em gọi ông chủ nhiệm Tiền Tuyến, nhà thơ Hà Thượng Nhân ) BS Hà M.T, là ‘’Cửu Vạn ‘’, rồi nói tiếp đến ‘’Chi chi, tôm lèo’’. Lúc mới nghe, tôi tưởng là các ông nói về Tom Yum Kung của Lèo, nghe tiếp thì càng .. không hiểu chi hết ! Cái gì mà ‘’phu tôm, phu lèo, ù tôm..vv’’. Ông Cửu Vạn tếu lắm ! Lúc anh Hy, anh Bát Sách nói về chữ Nho thì ông bảo ‘’Tao Hán rộng nhưng dốt chữ Tàu! ’’, tôi viết như thế nhưng khi ông Bắc Kỳ phát âm thì không phải như thế (có ‘’g’’) . Lần này đến ‘’tôm lèo’’ thì ông lại bảo : chắc là có nói … lái trong này?!!!

Trên đường về, ngồi trong xe lửa, tôi nghĩ về mấy ông đàn anh. Về cái giao tình ‘’60 năm cuộc đời’’. Về cái quá khứ ‘’người trai thời loạn’’ của các anh và, về những- ngày- hôm-nay. Anh Bát Sách thì còn một tuần mấy lần đi xoa cùng anh em ‘’bên ấy’’ (lâu lâu đi ăn tiệc, nghe nhạc ) nhưng anh Cửu Vạn thì nằm nhà đọc sách, xem TV ( lâu lâu chạy ra ‘’brasserie’’ ) , anh ‘’Chi Chi ‘’ không còn viết sách, chỉ biết bầu bạn cùng mấy chục (trăm ?) mấy quyển sách ‘’Tàu’’ hiếm, quý (lâu lâu đứng trên cao (tầng 7) chép miệng, ngó hồng trần đang loay hoay ở dưới)!

Anh Bát Sách vui, anh Cửu Vạn tếu nhưng anh Chi Chi (Hy) thì làm tôi nhớ đến ‘’Ông Đồ’’ của Vũ Đình Liên. Nhớ đến ‘’ông’’, và nghĩ đến ‘’chúng tôi’’, thế hệ VN sinh 40s, 50s đang sống ở hải ngoại: ‘’kẻ qua đường không ai biết’’ đã đành, nhưng ‘’lá vàng rơi trên giấy’’?

- Lá vàng như tuổi vàng. Thu đời đang sống với. Lá nào trên giấy mới ? - Khi gió mùa đông sang?!!!
.............................

Anh Bát Sách kể lại, lúc từ nhà anh ‘’Chi Chi’’ về, mưa Paris, ào ào , xối xả nhưng anh và anh Cửu Vạn không bị ướt .

Vâng, Paris đâu phải Sài Gòn: ‘’có … ướt cũng khôn cùng’’, thưa anh!
Cám ơn các anh đã cho em một ngày vui nhớ đời!

BP
27/05/2024


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét