Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Bồ Tát Man Kỳ 7 菩薩蠻其 7- Ôn Đình Quân (Vãn Đường)


(Từ) 

Ôn Đình Quân (溫庭筠, 812-870), vốn tên Kỳ (岐), tự Phi Khanh (飛卿); là nhà thơ, và là nhà làm từ thời Vãn Đường. Ông là người đất Kỳ, phủ Thái Nguyên (nay là huyện Kỳ, tỉnh Sơn Tây), là cháu nội của Ôn Ngạn Bác, tể tướng triều Đường Cao Tông.

Ông thông minh, giỏi văn thơ, âm nhạc ; nhưng dung mạo xấu xí và có tính phóng đãng. Ông thường cùng bọn con em vô lại các nhà quý tộc ra vào nơi ca lâu, rượu chè, bài bạc, say đắm nữ sắc, vì thế bị các sĩ đại phu đương thời khinh rẻ, suốt đời không đỗ được tiến sĩ.

Có một thời, ông hay lui tới nhà quan tướng quốc Lệnh Hồ Đào (con Lệnh Hồ Sở), nhưng sau vì việc riêng, Hồ Đào đâm ra ghét ông.

Đến khi người ông quen là Từ Thương đi trấn giữ Tương Dương, ông được theo làm tuần quan, nhưng rồi vì bất đắc chí, ông xin thôi chức để sống đời phiêu lãng.

Mãi đến khi tuổi đã cao, đời vua Đường Tuyên Tông, ông mới nhận làm chức úy ở Phương Thành, rồi đổi sang huyện Tùy. Năm 866, ông được cử làm chủ thí, cuối cùng làm Quốc tử trợ giáo. Sau, ông lại bỏ chức, từ giã kinh thành

Trường An, đi lưu lạc giang hồ cho đến khi mất.Trước đây, người ta thường coi Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân là hai nhà thơ cùng một phái, và gọi là “Ôn Lý”. Song, theo các nhà nghiên cứu văn học gần đây, thì gọi như thế có phần không chính xác, vì phong cách nghệ thuật của hai ông rất khác nhau. Về thành tựu thơ ca, Ôn Đình Quân còn kém xa Lý Thương

Ẩn, vì thơ ông có phần “phù phiếm, nông cạn, thiếu những tình cảm chân thành”; nhưng nói về từ thì ông có nhiều bài rất đặc sắc. Từ của Ôn Đình Quân hiện còn hơn 70 bài trong Kim thuyên tập, nội dung hầu như đều viết về phụ nữ, về những mối sầu tương tư; và lấy màu sắc nồng đượm, lời lẽ hoa mỹ, tạo

thành phong cách “thơm tho mềm mại, tràn ngập hương vị son phấn” của riêng ông. Phong cách này có ảnh hưởng đến các nhà làm từ đời sau, hình thành “Phái trong hoa” (Hoa gian phái) mà ông được tôn vinh là người đứng đầu.

Cho nên khi nói về từ đời Đường, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã có lời khen ngợi từ của ông như sau:

Từ Ôn Đình Quân rất diễm lệ, lại sáng tác được nhiều điệu mới, ảnh hưởng đến đời sau rất nhiều. Ông đứng đầu trong nhóm từ gia có tác phẩm chép trong bộ “Hoa gian tập”. Ông chiếm một địa vị đặc biệt ở giữa cái thời thơ suy mà từ thịnh.
Tác phẩm của ông có Hán Nam chân cảo và Ác Lan tập, song đều tán lạc không còn nhiều. 

Bài Bồ tát man kỳ 7 là một trong 14 bài trích từ Bồ Tát Man chú giải - Ôn Đình Quân 

HHD

***

Nguyên tác     Dịch âm 

菩薩蠻其7     Bồ Tát Man Kỳ 7 

鳳凰相對盤金縷     Phụng hoàng tương đối bàn kim lũ,
牡丹一夜經微雨     Mẫu đơn nhất dạ kinh vi vũ.
明鏡照新妝     Minh kính chiếu tân trang,
鬢輕雙臉長     Mấn khinh song kiểm trường.
畫樓相望久     Họa lâu tương vọng cửu,
欄外垂絲柳     Lan ngoại thùy ty liễu.
音信不歸來     Âm tín bất quy lai,
社前雙燕回     Xã tiền song yến hồi.

Chú giải: 

- Bồ tát man 菩薩蠻: tên từ điệu.  Thể từ Bồ Tát Man có 8 câu, 44 chữ, 2 câu thất ngôn và 6 câu ngũ ngôn. Từng cặp câu vần trắc vần với nhau và từng cặp thơ vần bằng cũng vần với nhau. 
Phụng hoàng 凤凰: chim phụng và chim hoàng.
- Bàn thác 盤錯: vòng vo rắc rối, chỉ sợi thêu xuyên qua xuyên lại. Bàn tú 盤绣 là 1 kiểu thêu của người dân tộc thiểu số ở Thanh Hải, Tân Cương, TH.
- Kim lũ 金缕: sợi vàng hay sợi tơ mầu vàng.
- Mẫu đơn 牡丹: hoa mẫu đơn, chỉ người trang điểm mỹ lệ. Có người cho rằng 2 câu 1 và 2 có liên quan với nhau vì thành ngữ "Phụng hoàng mẫu đơn"t; chỉ những hình vẽ, hình thêu hoa điểu trên quần áo vải vóc. Do đó hoa mẫu đơn ở câu 2 cũng chỉ là hình thêu.
- Tân trang 新妝: mới trang điểm.
- Mấn khinh 鬢輕: tóc mỏng, tóc thưa.
- Song kiểm trường 雙臉長: hai bên má gầy guộc, chỉ bộ mặt gầy guộc.
- Họa lâu 画楼: nhà lầu hoa lệ.
- Âm tín 音信: tín tức. Có bản khác chép ý tín.
- Xã 社: ngày xưa chỉ thổ thần. Ở đây chỉ ngày lễ tế thổ thần còn gọi là xã nhật, có thu xã và xuân xã. Trong bài này chỉ xuân xã.

Dịch Nghĩa:
 
Bồ Tát Man Kỳ 7
 
Hình chim phụng hoàng đối nhau thêu bằng sợi chỉ vàng, 
Hoa mẫu đơn trải qua 1 đêm mưa bụi. 
Người mới trang điểm soi gương sáng, 
Tóc thưa, hai má gầy guộc. 
Trên căn gác hoa lệ, đứng lặng hồi lâu nhìn (xa xa), 
Phía ngoài lan can là cành liễu rủ. 
Tin tức không thấy về, 
 Trước ngày tế Xã Nhật có đôi chim yến về. (Xuân đến, chim én về nhưng người không thấy về) 

Dịch từ:   

Bồ Tát Man Kỳ 7

Phượng hoàng trên vải thêu kim tuyến, 
Mẫu đơn một tối mưa phùn đến. 
Gương sáng soi chân mày, 
Tóc mai phủ má gầy. 
Ngóng hoài trên gác nữa, 
Tơ liễu thòng ngoài cửa. 
Tin tức chẳng nghe gì, 
Tế thần đôi yến về.

Lời bàn 

Bồ Tát Man Kỳ 7

Kỳ 7 trong một chuỗi từ theo điệu Bồ tát man. Điệu từ Bồ Tát Man có 8 câu, 44 chữ; 2 câu thất ngôn và 6 câu ngũ ngôn. Từng cặp câu vần trắc vần với nhau và từng cặp thơ vần bằng cũng vần với nhau.
Bài này tả một thiếu nữ khuê các tương tư người tình xa vắng lâu năm. Mặc quần áo bằng vải thêu chim phụng hoàng và hoa mẫu đơn. Trang điểm soi gương chỉ thấy tóc thưa mặt gầy. Đứng lặng trên lan can nhìn xa xăm, chỉ thấy cành liễu phất phơ tăng thêm nỗi buồn cô liêu, nỗi nhớ nhung người yêu. Trước
ngày lễ Xã Nhật không có tin tức gì ngoài đôi chim yến báo xuân mà không thấy bóng chàng.

Bồ Tát Man kỳ 7

Phượng hoàng cặp đối thêu vàng óng,
Qua đêm đóa mẫu đơn mưa đọng.
Gương sáng điểm trang ngay,
Tóc thưa đôi má gầy.
Đứng lầu son ngóng mãi,
Liễu lả lơi hiên ngoại,
Tin tức bặt không nghe,
Tế thần đôi én về.

Song Thất Lục Bát.

Chỉ vàng óng thêu đôi chim phụng,
Hoa mẫu đơn còn sũng mưa đêm.
Soi gương son phấn điểm duyên,
Tóc thưa má hõm tô thêm phấn hồng.
Lên gác tía đứng trông xa tắp,
Liễu buông lơi xanh ngắt hiên ngoài.
Tin thơ chẳng thấy vãng lai,
Tế thần Xã Nhật én bay về rồi.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Sept. 21/2022.
***
Thay vì dịch theo thể từ, kỳ này BS dịch thoát theo lục bát, chỉ giữ ý của tác giả:

Gấm thêu đôi lứa phụng hoàng,
Tranh mẫu đơn tựa phủ làn mưa đêm,
Trang điểm xong, ngắm gương xem,
Tóc thưa, hai má gầy thêm, nát lòng.
Lầu hoa vò võ chờ mong,
Liễu buồn ủ rũ ngoài song não nề…
Chờ tin, nào thấy tin về,
Có đôi chim yến xập xè đón xuân.

Bát Sách.
(ngày 22 tháng 09 năm 2022)

 Bồ Tát Man Kỳ7

Phượng hoàng tinh xảo thêu trên lụa
Mưa ray lay động hoa như múa
Gương lộ nét mày ngài
Tóc mai che má gầy
Nhớ ai cay mắt ngóng?
Liễu rũ ủ sầu mộng
Nhạn chẳng thấy bay về
Người xa, yến cận kề…

Lục Bát

Lụa thêu kim nhũ phượng hoàng
Điểm thêm mấy đoá mẫu đơn… mưa phùn
Săm soi gương lộ chân dung
Lầu hoa lặng đứng gió rung má gầy
Tóc mai sợi ngắn sợi dài
Ngóng người vạn dặm mắt cay lệ nhòa 
Nhạn mong chẳng thấy tin xa
Dăm con én liệng… bóng tà huy phai

Kiều Mộng Hà
April 20th2023
***
Bồ Tát Man Kỳ7

1-

Phượng hoàng đối mặt thêu vàng sợi
Mẫu đơn qua một đêm mưa bụi
Gương sáng mày vừa tô
Tóc thưa, hai má gồ

Lầu vẽ ngóng xa xứ
Ngoài rào tơ liễu rủ
Có đâu tin tức gì
Trước lễ đôi én về!

2-

Phượng hoàng một cặp vàng tươi
Mẫu đơn đêm trải một trời mưa bay
Kính trong vừa mới soi mày
Mặt gầy, má guộc tóc mây buông xòa

Gác cao hoa lệ nhìn xa
Lan can tơ liễu thướt tha bốn bề
Dõi trông nào thấy tin gì
Trước ngày tế lễ én về một đôi!

Lộc Bắc
Sept22
***
Nguyên tác:     Phiên âm: 
菩薩蠻其七 -溫庭筠 Bồ Tát Man Kỳ 7 – Ôn Đình Quân

鳳凰相對盤金縷 Phụng hoàng tương đối bàn kim lũ
牡丹一夜經微雨      Mẫu đơn nhất dạ kinh vi vũ
明鏡照新妝      Minh kính chiếu tân trang
鬢輕雙臉長      Mấn khinh song kiểm trường
畫樓相望久      Họa lâu tương vọng cửu
欄外垂絲柳      Lan ngoại thùy ty liễu
音信不歸來      Âm tín bất quy lai
社前雙燕回      Xã tiền song yến hồi

Bài từ này của Ôn Đình Quân miêu tả tình cảm u sầu của người phụ nữ đang chờ chồng có lẽ đang đi chinh chiến. Sau khi trang điểm nơi thư phòng, nàng lên lầu nhìn về phía xa xăm, chỉ thấy liễu rũ và đôi chim én đã trở về. Trong phần nhập đề, câu 1 nhắc đến phượng hoàng và câu 2 nói về mẫu đơn.
Phượng hoàng là vua các loài chim, là linh vật phú quý cao sang, trong khi hoa mẫu đơn đoan trang diễm lệ đứng đầu trăm hoa, biểu tượng của sự thịnh vượng của tất cả mọi thứ, ngụ ý tất cả những điều tốt đẹp, một khao khát cho một cuộc sống hạnh phúc, biểu tượng vinh quang huy hoàng, biểu hiện cát tường phú quý, vạn vật phồn vinh. Nên có câu nói phượng hoàng hý mẫu đơn hoặc hình ảnh phượng hoàng diễm lệ nghỉ ngơi trên cành mẫu đơn.
Thời cổ đại, hình phượng hoàng và mẫu đơn được sử dụng để thể hiện tình yêu, vợ chồng tương thân tương ái, hòa thuận lâu dài. Khi kết hôn, người ta thích đem tặng chăn mền có thêu phượng hoàng và mẫu đơn để chúc phúc cho vợ chồng mới cưới có tương lai tốt đẹp.
Ngày nay, phượng hoàng và mẫu đơn được in hoặc thêu lên hàng lụa để may áo quần, rất được phụ nữ Trung Hoa và Nhật Bản ưa chuộng.
Bồ Tát Man là bài từ có 44 chữ . Hai câu đầu 7 chữ và có vần trắc. Sáu câu còn lại mỗi câu 5 chữ. Câu 3 và 4 có vần bằng. Câu 5 và 6 có vần trắc. Câu 7 và 8 có vần bằng. Các chữ trong câu phải có thanh bằng hay trắc như bản bên dưới.

Từ phổ:

B B T T B B Tv
B B T T B B Tv
T T T B Bv
T B B T Bv
T B B T Tv
T T B B Tv
B T T B Bv
B B B T Bv

Dịch từ:

Chỉ vàng cặp phượng đồng tương đối,
Mưa tắm mẫu đơn trong đêm tối.
Soi kiếng vẽ lông mày,
Tóc thưa hai má gầy.
Lên lầu buồn ngắm cảnh,
Gió nhẹ vờn tơ liễu.
Không tín hiệu từ quê,
Dù đôi én đã về.
Ghi chú:
B: thanh bằng không bắt buộc B: thanh bằng bắt buộc
Bv: thanh bằng vần T: thanh trắc không bắt buộc
T: thanh trắc bắt buộc Tv: thanh trắc vần

Pu Sa Man No. 7 by Wen Ting Yun

The pair of phoenix embroidered with gold thread are looking at one another,
The peonies are battered mercilessly over night by the rain.
In the morning she looks in the bright mirror to make up,
Her hair is thin and the cheeks are bony.
She goes to the top floor to look into the distance’
And see only the weeping willows.
There is no news from the frontier,
Although the swallows have already returned.

Phí Minh Tâm

***
Góp ý:

社前雙燕回 xã tiền song yến hồi
社=xã, nguyên thủy (giáp cốt văn) vẽ hình một đống đất là từ chỉ thổ thần, rồi thêm vào hình một bàn thờ (kim văn), sau đó được dùng để chỉ lễ tế thần đất; dần dần nghĩa cho đơn vị hành chánh (làng xã) được thêm vào. 社日=xã nhật là một trong những ngày lễ lâu đời nhất ở Hoa Lục, được ghi chép trên các mu rùa bói toán, từ đời Thương. Có hai dịp xã nhật, trong các tiết lập xuân và lập thu.
春社=Xuân xã được cử hành ngày 戊=mậu thứ 5 sau lập xuân và là xã nhật trước thời Hán. Sau thời Hán có thêm 秋社=thu xã và bây giờ thu xã trùng với tết trung thu. Trong xã hội nông nghiệp ngày xưa, cúng cầu/tạ ơn trời đất đầu xuân và giữa thu là tập tục quan trọng cho nông dân, và cũng là dịp hiếm hoi để trai gái gặp nhau, vui mừng. "Xã tiền" trong bài từ này không dính dáng gì đến
việc cúng tế thổ thần hết; thời nay con nít mừng tết trung thu, thời xa xưa trai gái mừng xuân về.
Lời hát 社前雙燕回=xã tiền song yến hồi diễn tả ước mong của người hát được "song phi" với tình nhân lúc xuân về. Không như các tục ngủ mái/ngủ mèo/ngủ ngửi/ngủ thăm trong các sắc tộc thượng du Bắc Việt, trai gái Hoa Lục ngày xưa có dịp tự do "giao hoan" với nhau trong dịp xuân xã. Hiểu câu chót như thế hợp với tinh thần Liêu Trai hơn.
(Trích từ zh,Wikipedia: 
在当时春社是真正的狂欢,在进行完祭祀之后,实
行内部婚姻制度的氏族男女可以自由地进行杂乱的 群交 ,而实行外部婚姻
制度的氏族男女则与相近氏族的男女也同样进行群体杂交,随意 交媾
。Tại đương thì xuân xã thị chân chánh đích cuồng hoan,tại tiến hành hoàn tế tự chi hậu thật hành nội bộ hôn nhân chế độ đích thị tộc nam nữ khả dĩ tự do địa tiến hành tạp loạn đích quần giao, nhi thật hành ngoại bộ hôn nhân chế độ đích thị tộc nam nữ tắc dữ tương cận thị tộc đích nam nữ dã đồng dạng tiến hành quần thể tạp giaotùy ý giao cấu] Dịch đại khái thành Xuân xã (đến thời Tây Chu) thật cuồng loạn vì trai gái tự do làm tình tập thể sau khi việc tế tự chấm dứt, với người trong hay ngoài thị tộc tùy tập tục"

Huỳnh Kim Giám


1 nhận xét: