( và để chia sẻ cùng Văn Thị Xuân Thùy, cô em gái yêu thương, thân thiết nhất của bạn tôi)
Phạm Tín An Ninh
Đang lang thang với mấy người bạn trên bờ biển Alicante ở Tây Ban Nha, tôi bàng hoàng khi nhận được tin nhắn từ cô em gái của Cường: “Anh Cường vừa mới ra đi! Thùy đang khóc đây.”
Tôi không nghĩ là bạn tôi lại trút bỏ cuộc đời phiền muộn này nhanh như thế. Vì chỉ cách đây vài hôm, khi biết Cường vừa phải vào bệnh viện, tôi gọi thăm. Hai thằng vui vẻ chuyện trò, cười đùa với nhau, và tôi rất mừng khi nghe Cường khoe là bác sĩ bảo nằm dưỡng sức để chờ giải phẫu.
Cùng trang lứa bọn tôi, ai cũng biết đã đến lúc xếp hàng để lần lượt chờ đến phiên mình rời khỏi thế gian này. Bởi đó là luật trời, không ai ngăn được. Chỉ mong sao được ra đi một cách thanh thản nhẹ nhàng, như ngủ một giấc rồi không bao giờ thức dậy nữa, đừng phải ốm đau để làm khổ vợ con. Nhưng riêng sự ra đi của Cường làm bọn tôi cảm thấy đau lòng, tội nghiệp. Bởi vì bạn tôi chỉ mới vừa tìm lại được chút ít niềm vui, yên ả sau bao đắng cay nghiệt ngã gần cả một đời. Chưa kịp hưởng được khoảnh khắc hạnh phúc muộn màng thì đã phải bỏ lại tất cả cho trần gian.
Tôi quen biết Cường khi hai thằng cùng vào học lớp đệ lục trường Văn Hóa. Khi ấy nhà Cường ở trong một con hẻm lớn trên Phường Củi, gần nhà trọ của mấy người bạn đồng hương Vạn Giã với tôi, nên những ngày nghỉ tôi thường ghé lại đây thăm bạn cùng quê và chơi với Cường. Nhà Cường ở gần tư gia bà Lâm Thị Khương, chủ nhà hộ sinh lớn nhất ở Nha Trang. Không biết đó có phải là nguyên nhân để sau này Cường có ông anh rể mang họ Trần Lâm?
Ông cụ thân sinh của Cường là một công chức cao cấp trong ngành Quan Thuế, nên thời gian sau đó, gia đình Cường được cấp một ngôi biệt thự trên đường Duy Tân, ngay bờ biển, bên cạnh Viện Pasteur. Khu vườn khá rộng, nên ông cụ cho cất thêm một căn nhà tôn phía sau để các cậu con trai thoải mái sinh hoạt, đùa giỡn, học hành. Lúc ấy tôi đang trọ học ở nhà ông chú, một tiệm buôn ở đầu đường Quốc Lộ 1, gần Ty Thông Tin, bên cạnh nhà Thầy Võ Thành Điểm, nhưng hầu hết những ngày nghỉ và cả những lúc chuẩn bị thi cử, tôi thường xuống ở với Cường. Thực ra để học thì ít mà tắm biển và đi chơi thì nhiều, nhất là tránh bị ông chú tôi sai vặt.
Gia đình Cường có khá nhiều anh chị em, tất cả đều rất vui vẻ dễ thương. Hầu hết đều học ở trường Võ Tánh và Nữ Trung Học. Ông anh cả lớn hơn bọn tôi nhiều tuổi và đã sớm nhận lấy trách nhiệm “quyền huynh thế phụ”, hết lòng lo lắng, dạy dỗ, làm gương cho em út. Bà chị kế, học trên bọn tôi hai lớp, rất thùy mị, hiền lành chăm học, đặc biệt lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, vì dường như đang lúc có tình yêu, cô em kế của Cường là một trong những giai nhân của Trường Nữ, nên mới năm đệ lục mà cũng đã có khối chàng si tình, lại toàn là những “anh hùng hào kiệt”, nên bọn tôi cũng được hưởng “phước” lây. Cô em này còn giới thiệu cho tôi làm quen với cô bạn học cùng lớp thân thiết, ở trên đường Hoàng Tử Cảnh. Cường còn mấy đứa em nữa, và bà cụ còn cưu mang nuôi một đứa cháu mồ côi. “Ông cụ rất đẹp trai và nổi tiếng đào hoa”, Cường thường khoe với tôi như thế. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ rồi Cường sẽ thừa hưởng cái “nghiệp” này của ông cụ. Vì Cường trông cũng phong độ lắm. Bà Cụ người Huế, là ái nữ của một vị đại thần triều Nguyễn, nhưng rất bình dị, hiền lành, phúc hậu, sẵn sàng chấp nhận mọi hệ lụy từ cái giá của sự đào hoa mà ông trời đã phú cho chồng mình. Bà rất thương con, lo lắng cho con từng ly từng tý. Đúng là một bà mẹ mẫu mực đáng kính của truyền thống Việt nam.
Biết tôi thân thiết với Cường, bà xem tôi như con cháu trong nhà, thường nhắc tôi, mỗi lần tôi đến chào bà để đi về: “Con nhớ xuống đây ở chơi và học với thằng Cường nghe!”
Lúc còn học đệ nhất cấp ở trường Văn Hóa, có lẽ nhờ vào lòng yêu thương của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Bá Mậu, đặc biệt là Cô Tùng Linh, phu nhân của Thầy, cô giáo hướng dẫn lớp tôi, cũng có thể lúc ấy tôi chưa tập tành yêu đương, chưa hề “chết ở trong lòng một ít”, nên luôn chăm chỉ và học hành khá giỏi, tháng nào cũng đươc lãnh bảng danh dự. Cường khoe “thành tích” này của tôi với bà cụ, cốt để cho bà yên lòng mà “giao” Cường cho tôi. Tôi được bà cụ và các anh chị em của Cường quí mến. Thỉnh thoảng Cường theo về quê Vạn Giã của tôi chơi, khi trái tim chàng ta bắt đầu đập lạc nhịp mỗi khi nhìn con gái đẹp. Lúc ấy ở quê tôi có cô Hồng N, cũng là một trong những giai nhân bên trường Nữ, học sau bọn tôi hai lớp, mà Cường mới làm quen, có lẽ nhờ cô em gái giới thiệu.
Đầu năm Đệ Tứ, một số học sinh từ các trường tư thục khác “đầu quân” vào lớp tôi. Trong số này có hai cô có cùng tên Phương nhưng khác họ. Đễ dễ phân biệt,trong lớp gọi Phương Hòa và Phương Huế. Hai cô lại là đôi bạn thân nhau từ trước và ở chung một nhà ngay trước chợ Đầm. Cả hai đều thuộc hạng “mỹ nhân” và Cường bắt đầu trồng cây si Phương Hòa. Lúc ấy tôi nghĩ bọn tôi vẫn là những thằng con nít, bắt chước các nhân vật trong Hồn Bướm Mơ Tiên hay Đoạn Tuyệt của mấy ông nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, hoặc ảnh hưởng mấy bài thơ của TTKh và ông Xuân Diệu, nên đóng vai “si tình” cho có vẻ người lớn vậy thôi, chứ biết yêu đương là cái gì đâu.
Nhưng tôi đã lầm, bạn tôi si tình thiệt. Chưa học được cách tỏ tình như thế nào, Cường thiết tha làm sao tìm được một tấm hình của Phương Hòa để có cớ làm quen và treo trên đầu giường cho đỡ nhớ.
Và đúng như là chuyện được ông tiên cho chiếc đèn thần. Một hôm ghé thăm anh bạn Cao Minh Thống, cũng ở Phương Sài, gần nhà cũ của Cường, bất ngờ tôi thấy Phương Hòa từ trong nhà anh Thống đi ra. Tôi “rồ ga” đi thẳng để Phương không nhìn thấy, rồi quẹo vào nhà anh Thống bằng một con hẻm khác. Tôi khá thân tình với anh nên hỏi anh quen biết thế nào với Phương Hòa. Anh bảo hai ông bà già là bạn thân thiết kết nghĩa huynh đệ tự ngày xưa, nên đám con xem nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Tôi thực thà trình bày tự sự, và hỏi anh có tấm hình nào của Phương Hòa. Anh Thống đi lấy tập Album gia đình và chỉ cho tôi mấy tấm hình của Phương Hòa. Anh còn cho tôi được quyền tuyển chọn. Dĩ nhiên tôi chọn tấm chân dung đẹp nhất, và hứa ngày mai sẽ mang trả lại, mặc dù anh bảo “toa cứ giữ luôn cũng được!”
Cường trố mắt ngạc nhiên khi tôi đến tìm và chìa ra tấm hình của Phương Hòa. Tôi lên mặt ra lệnh cho Cường “mày chỉ có đúng hai tiếng đồng hồ để làm bùa phép gì đó mà thôi!” Chàng ta ríu rít tuân lệnh, bảo tôi chở ra tiệm ảnh Mai Ngôn trên đường Phan Bội Châu, năn nỉ ông chủ sang gấp ra ba tấm cỡ lớn, và sẵn sàng trả tiền phụ trội. Ông chủ mỉm cười, hiểu ý, bảo đúng hai giờ nữa ghé lại lấy. Cường rủ tôi ra Hưng Hoa thưởng công hai cái paté chaud và một ly sữa đậu nành, ngồi đấu láo để chờ đợi. Thời ấy tôi được ông chú giao cho một chiếc Lambretta mới toanh để chở bà thím đi đòi nợ, và giao dịch các nhà thầu, nên tôi thường lợi dụng “công vụ”, xách xe xuống đón Cường đi chơi. Sau đó, không biết Cường đã nhờ tay họa sĩ nào vẽ lại tấm hình của Phương Hòa rất đẹp, mang tới lớp tặng nàng. Phương Hòa trố mắt ngạc nhiên, tra hỏi tấm ảnh này ở đâu ra, Cường gãi đầu cười:
– Đêm nào cũng nằm mơ thấy Phương nên nửa đêm thức dậy vẽ thôi mà!
Phương Hòa nhìn vào mắt Cường với một chút cảm động và nở nụ cười.
Khi hai đứa ra ngoài, tôi đập vai Cường:
– Không ngờ mày cũng có tài tán gái, chắc mày học ông già?
Phương Hòa từ quê vào trọ học ở nhà Phương Huế. Một ngày Chủ nhật, Cường rủ tôi ghé lại thăm. Bọn tôi đến bất ngờ, bước vào cửa thì gặp ngay ông bà già của Phương Huế. Nhìn thấy bọn tôi, hai nàng xanh mặt. Cường lóng ngóng, ấp úng không ra lời. Nhờ không có tình ý gì, nên tôi bình tĩnh, bảo đến mượn bài tập, vì hai đứa bị bệnh, vắng mặt ngày hôm qua. Hai nàng biết ngay là tôi nói dối, nhưng cũng ríu rít đi lấy sách vở. Ông bà già tưởng bọn tôi hiếu học quá, nên vui vẻ rút lui để bọn tôi nói chuyện. Mà thực ra cũng có biết chuyện gì để mà nói! Chỉ vờ hỏi một vài câu không đâu vào đâu, rồi tôi kéo tay Cường đi, không dám ở lâu, sợ lộ tẩy. Vậy mà sau cái lần “đột nhập gia cư bất hợp pháp” này, bọn tôi và hai cô bạn tên Phương lại thân tình nhau hơn.
Cường nắn nót viết thư nhờ tôi thêm mắm muối, nhưng rồi “lá thư cứ còn hoài trong vở giữa giờ chơi mang đến lại mang về”. Cuối cùng phải cầu cứu tôi, vờ mượn sách của Phương Hòa rồi bỏ cái thư của Cường vào. Tôi nghĩ tối hôm ấy cả hai cô nàng đọc thư Cường mà tha hồ cười khúc khích. Không biết là Phương Hòa có tình ý gì, hay chỉ có chút cảm tình với Cường như một người bạn nhỏ. Vì thời ấy, dù học cùng lớp, nhưng các cô đều như lớn trước tuổi, và nhiều cô đã lấy chồng. Ngay trong lớp tôi cũng có cả hai cặp vợ chồng.
Không hiểu có thể gọi đó là cuộc tình đầu đời của Cường hay không, nhưng rồi cũng sớm kết thúc sau khi bọn tôi thi xong Trung Học Đệ Nhất Cấp. Cường có rủ tôi ra quê tìm Phương Hòa mấy lần nhưng không gặp. Bà cụ của Phương bảo nàng đi chơi trên Đà Lạt với bạn bè, nhưng không biết ở đâu. Giá mà biết thì chắc chắn tôi cũng đã có dịp đi Đà Lạt với Cường.
Sau Hè, mỗi người một ngả. Tôi vào Võ Tánh, Cường vào Bá Ninh, còn hai cô Phương không biết đi đâu. Đùng một cái, nghe tin Phương Hòa lấy chồng. Cường buồn đứt ruột, và dường như đó là lần đầu tiên trong đời, Cường biết tương tư!
Dù học khác trường nhưng bọn tôi vẫn thường xuyên gặp nhau ở nhà Cường như lúc trước.Vào thời điểm này, ông bà già Cường mới mua được khu nhà số 5 Lê Lợi, chung một hàng rào dâm bụt với nhà bác sĩ Nguyễn Gia Quýnh. Bọn tôi thường được bà Quýnh gọi sang đánh bóng bàn với bà ở sau vườn. Bà rất đẹp, quí phái, tốt bụng và vui vẻ. Nhiều lúc hai thằng cứ mải lo nhìn bà mà không thấy quả banh đang ở đâu!.
Rồi nhờ cao ráo đẹp trai, và cũng có thể nhờ mai mối của cô em gái, nên không lâu sau đó Cường quen biết thêm vài cô bạn nữa. Cô nào cũng xinh đẹp. Nói tên các cô nàng này thì trong đám học trò chắc ai cũng biết. Dù vậy hình ảnh của Phương Hòa vẫn còn trên vách, trên các tập bìa sách của Cường và chắc chắn là vẫn còn rất đậm nét trong trái tim Cường.
(Văn Cường 2011)
Bọn tôi nhập ngũ khi chiến trường miền Nam bắt đầu sôi động. Tôi ra Bộ Binh đánh đấm ở khắp Vùng 2, Cường vào lính sau và được chọn vào Nhảy Dù, nên đi khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Thỉnh thoảng hai đứa mới có dịp liên lạc được, hẹn một lần gặp lại ở Nha Trang.
Nhưng rồi cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt, chúng tôi không còn cơ hội để rời khỏi chiến trường. Mãi đến ngày 20.4.75, khi tôi lái xe xuống Bến Bạch Đằng để đón một số quân nhân của đơn vị di tản, thất lạc từ miền Trung, được tàu Hải Quân chở về đây, bất ngờ gặp Cường trong một quán ăn, đang ngồi với vợ. Đây là lần đầu tiên tôi biết bà xã của Cường, mặc dù tôi đã gởi quà mừng đám cưới hơn hai năm trước đó. Vợ chồng khoe với tôi đã có đứa con gái đầu lòng ba tháng tuổi, đang gởi cho bà ngoại. Uống với Cường một ly bia, tôi phải vội vã chia tay, trở về đơn vị đang hành quân ở Cần Giuộc, Long An. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng này, tôi bắt tay và ôm lấy Cường mà lòng dạ thật bùi ngùi, thầm nghĩ sau này không biết có còn gặp lại.
Lúc tiễn tôi ra xe, Cường ôm vai tôi hỏi:
– Mày biết tao đặt tên con bé con tao là gì không?
Tôi ngần ngừ chưa kịp trả lời thì Cường cười:
– Mỵ Cơ.
Tôi biết đó cũng là tên của một người con gái đẹp, nhưng hỏi Cường:
– Tao cứ tưởng mày đặt tên cháu là Phương Hòa chứ?
Cường cười to và siết tay tôi thật chặt.
Sau ngày 30.4.75, nỗi bất hạnh của đất nước đã kéo bọn tôi theo với bao cuộc trầm luân. Bạn bè kẻ tù tội người ra đi, tản mát khắp bốn phương trời.. Nhớ tới lần bất ngờ gặp nhau ở Bến Bạch Đằng, tôi lại hy vọng là vợ chồng Cường đã tìm đường ra đi, không phải tù tội như tôi.
Mùa hè 1984, chỉ vài tháng ra tù, tôi cùng vợ con vượt biển. Được tàu Na Uy vớt trước khi một cơn bão lớn ập tới, nên gia đình tôi đến định cư ở một nước tận Bắc Âu xa xôi. Một xứ thiên đường nhưng đầy băng giá và quanh năm tĩnh mịch.
Hai năm sau, trong một buổi tiệc Giáng Sinh, tôi có dịp quen biết vợ chồng một anh chị bạn, lớn tuổi hơn tôi. Khi nghe anh chống giới thiệu chị vợ tên là Nga, có họ là Văn, và bảo là khi vào quốc tịch NaUy, sở dân số thắc mắc bảo Văn là tên lót của đàn ông Việt Nam chứ sao lại là họ. Nghe họ Văn tôi bỗng nghĩ ngay đến Cường, bởi những người mang cái họ này không nhiều lắm. Tôi hỏi chị:
– Chị Nga họ Văn, vậy chị có biết bác Văn Thưởng ở Nha Trang?
– Ô, đó là ông chú ruột của tôi mà. Ba tôi thứ hai, còn chú ấy thứ năm.
Rồi chị ngạc nhiên, hỏi lại tôi:
– Mà sao anh biết chú Thưởng?
Tôi cười:
– Em là bạn thân của Văn Cường và biết gần như cả nhà bác Thưởng.
Chị Nga trố mắt khi nghe tôi kể từng người trong nhà Cường, và kể cả việc anh Nguyễn Mộng Giác cũng từng vào Nha Trang học và ở trọ nhà Cường. Anh Nguyễn Mộng Giác là anh, em cô cậu với Cường và chị Nga.
Chị cho biết Cường vừa sang Mỹ theo diện HO, và đang ở gần chị Như Khuê, rồi mở điện thoại gọi ngay. Tôi nói chuyện với chị Khuê và chị cho tôi số điện thoại của Cường.
Tối hôm đó, Cường và tôi tâm tình hơn hai tiếng đồng hồ. Cô vợ mà tôi gặp trong quán ăn với Cường ở bến Bạch Đằng vài ngày trước 30.4.75, đã lẵng lặng dắt đứa con gái ra đi, khi Cường vừa mới ra tù trong cảnh khốn cùng. Và từ ngày ấy không còn liên lạc với Cường. Cháu Mỵ Cơ giờ đã hơn 20 tuổi, nhưng Cường chưa hề gặp lại. Chỉ có XuânThùy, cô em gái của Cường liên lạc với cháu đôi lần, nhưng đã bặt tin từ lâu lắm.
Những ngày ra tù và khốn khó, Cường tập tành đi buôn bán với đám bạn học ngày xưa, thỉnh thoảng đến Bưu Điện nhận quà của bà chị và cô em từ Mỹ gởi về, lúc ấy chưa gởi được tiền nên chỉ là các thùng thuốc Tây và một ít vải vóc. Và tại Bưu Điện, Cường có cơ hội quen biết một phụ nữ trẻ làm việc ở đây. Cô ta đã ly dị chồng và có một cô con gái. Hai người làm đám cưới khi Cường có danh sách sang Mỹ theo diện HO. Cuộc hôn nhân chắp nối lần này cho Cường một thằng con trai.
Nhưng rồi sóng gió bất ngờ ấp xuống. Cuộc hôn nhân lại gãy đổ trong đau đớn mà tác nhân lại là cô con gái riêng của vợ, muốn hãm hại Cường nên đã dàn cảnh để truy tố Cường . Ra tòa, Cường không hề có lỗi. Vợ chồng chia tay, đường ai nấy đi. Cường nhường ngôi nhà cho vợ và cậu con trai, dọn ra, share phòng một người đồng hương và cũng là đồng nghiệp, làm chung sở với Cường.
Mùa hè 2011, theo lời hẹn, từ Bắc Âu tôi sang gặp Cường ở San Jose khi Cường về đây tham dự cuộc họp mặt Nhảy Dù. Chúng tôi có hơn một tuần bên nhau, rong chơi, đùa giỡn, tâm tình. Thỉnh thoảng có cả Xuân Thùy, cô em gái gần gũi và thân thiết nhất của Cường, từ Sacramento xuống. Trải qua nhiều thăng trầm, mất mát, Cường có gầy và già đi, nhưng vẫn còn ít nhiều phong độ. Cường nhắc tới Phương Hòa và bất ngờ cho tôi xem hình ảnh của Phương Hòa trên mặt chiếc điện thoại của Cường. Tấm ảnh ngày xưa, tôi mượn của anh Cao Minh Thống đưa cho Cường sao lại ở tiệm Mai Ngôn. Tôi ngạc nhiên, không ngờ thời gian đã quá lâu và trải qua quá nhiều sóng gió trong đời mà Cường vẫn còn nhớ tới cô bạn học xinh đẹp ngày xưa.
***
Một hôm, rất tình cờ tôi gặp lại Phương Hòa. Qua một người bạn thân, Phương Hòa biết tôi đang ở Cali, nên nhờ đưa đến thăm tôi. Tuổi đã lớn, nhưng Phương Hòa là một người đàn bà vẫn còn mặn mà nhan sắc, tính tình vui vẻ, yêu đời và gần gũi, dễ mến. Phương Hòa kể cuộc đời mình khá lao đao với một cuộc hôn nhân sai lầm, không hạnh phúc. Có lẽ hồng nhan thì thường bị đa truân. Bây giờ Phương Hòa sống một mình. Định cư ở Mỹ khá lâu và kinh doanh khá thành công, nhưng từ hai năm nay Phương Hòa về sống ở Nha Trang, chỉ thỉnh thoảng trở lại Mỹ thăm con cháu. Bọn tôi ngồi kể chuyện xưa, Phương Hòa tỏ ra luyến tiếc một thời son trẻ, nhất là lúc cắp sách đến trường. Tôi cười, nhại một câu ca cũ“Ai bảo lấy chồng sớm làm gì cho lời ru thêm buồn!” Phương Hòa cười rất tươi, nhưng vội nhìn lên trần nhà, long lanh đôi mắt. Phương Hòa cũng cho biết cô bạn Phương Huế vẫn sống cùng chồng con ở Ninh Hòa, và “hai cô Phương ngày xưa” vẫn thường gặp nhau ở đó. Chồng Phương Huế vốn là một giáo sư dạy Anh Văn ở trường Lê Quí Đôn, “phải lòng” khi Phương Huế còn là cô học trò đệ nhị.
Tôi nhắc lại những ngày Cường si tình rồi tương tư, khi nghe tin Phương Hòa đi lấy chồng, và kể cho Phương Hòa nghe về những phong ba, bất hạnh trong cả cuộc đời Cường. Sau một thoáng bùi ngùi, Phương Hòa nhắc tới chuyện tấm ảnh ngày xưa, hỏi tôi ở đâu mà có. Tôi khai thật là đã mượn của anh Cao MinhThống để cho Cường sao, vẽ lại. Tôi còn nói thêm, tấm ảnh ấy của Phương Hòa, lúc nào Cường cũng mang theo, và bây giờ đang nằm trên mặt chiếc điện thoại của Cường. Phương Hòa cảm động, bảo tôi gọi Cường để hai người nói chuyện.
Qua lời tâm tình, tôi biết Cường rất xúc động khi gặp lại Phương Hòa (dù chỉ qua Facetime) và được nghe Phương Hòa nói những lời thân ái. Tôi nghĩ hình bóng của Phương Hòa, một cô bạn cùng lớp đệ tứ ngày xưa, đang thức dậy mãnh liệt trong lòng Cường. Tôi hình dung tới những ngày đi học, khi bọn tôi vẫn còn là những thằng con trai mới lớn, tập tễnh chuyện yêu đương. Tôi nhớ tới tấm hình của Phương Hòa với mái tóc thề, khuôn mặt thơ ngây xinh đẹp như một thiên thần mà tôi đã mượn của anh Thống để cho Cường dùng “làm bằng cớ yêu thương”.
Đầu tháng 6/2016, theo lời hẹn, Cường về lại Việt Nam thăm Phương. Hai người bạn học ngày xưa, giờ tóc ai cũng bạc Họ dành nhiều thời gian cho nhau. Cùng đi thăm lại ngôi trường xưa, những con đường kỷ niệm cũ. Không biết những dấu tích ngày xưa có lấp được phần nào khoảng trống từ những bất hạnh của cuộc đời họ?
Sau hai tuần, Cường trở về lại Mỹ. Đi làm được vài hôm, thấy trong người mỏi mệt, Cường đến gặp bác sĩ gia đình và được đưa vào bệnh viện, phát hiện có dấu hiệu ung thư.
Tôi đang nghỉ hè ở Tây Ban Nha thì nhận hung tin này. Nói chuyện mấy lần với Cường qua điện thoại. Nghe Cường nhắc tới những ngày ở Nha Trang với Phương Hòa, cười vui và hy vọng bệnh tình sẽ sớm được chữa trị, tôi mừng. Nhưng chỉ hơn hai tuần sau đó, tôi ngỡ ngàng khi nhận được tin nhắn của Xuân Thùy:“Tình hình anh Cường tệ lắm rồi, ung thư lá lách đã lan ra gan, chắc không có gì cứu vãn được. Bác sĩ cho biết thời gian không còn nhiều nữa. Cả nhà đang giấu, không cho anh Cường biết sớm. Anh Cường quí anh lắm, nhắc anh luôn nên anh nhớ thường gọi sang thăm, an ủi anh Cường nghe!”
Cô em gái thân thiết nhất của Cường đã từ Sacramento (CA) lên tận Easton (PA) chăm sóc, ở bên cạnh an ủi anh mình.
(Văn Xuân Thùy 19-8-2016)
Điều bất ngờ và như một phép mầu, mò mẫm trên Facebook mấy ngày liền, Xuân Thùy liên lạc được với cháu Mỵ Cơ, cô con gái lớn mà trên 50 năm rồi Cường chưa bao giờ gặp lại, giờ đã là một bác sĩ trung niên. Cô Thùy tâm tình, báo tình trạng của Cường, và khuyên cháu nên nói với ba nó một đôi lời trìu mến. Trước giờ phút lâm chung, Cường vẫn còn tỉnh táo để được nghe cô con gái đầu lòng gọi tiếng “Daddy” và cả hai cha con cùng khóc. Không biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc hay xót xa, mà Thượng Đế đã dành cho con người, khi đã trải qua bao chia lìa, tang thương dâu bể? Và chỉ mấy giây sau đó, Cường ngả đầu sang một bên, lặng lẽ ra đi, để lại trên gò má hai dòng nước mắt.
Hiểu được anh mình, nên hôm ấy Xuân Thùy đã tìm những bộ quân phục và mấy chiếc nón sắt, nón đỏ Nhảy Dù mặc vào cho tất cả mọi người trong gia đình, tạo niềm vui cuối cùng cho Cường, một người lính Nhảy Dù bất hạnh, nhưng luôn hãnh diện, hết lòng với binh chủng và đồng đội của mình.
Tôi phân vân mãi chưa dám gọi về Nha Trang báo tin buồn này cho Phương Hòa. Liệu Phương Hòa có còn “dư nước mắt để khóc người ngày xưa”, khi cuộc hôn nhân của chính Phương Hòa vẫn còn để lại nhiều vết thương đau đớn trong lòng mình?
***
Văn Cường ơi, thằng bạn thân thiết nhất của tao cả một thời đi học! Tới tuổi bọn mình thì ai cũng đã đến lúc sẽ phải lần lượt rời khỏi thế gian vô thường đầy đớn đau phiền muộn này. Bọn mình vốn là những thằng lính chiến, lăn lóc trên khắp chiến trường rồi bất ngờ phải buông súng, bị tù đày khổ ải, mà sống được tới hôm nay cũng đã là may mắn lắm. Mày đi trước một bước. Tao buồn vì từ nay trong đám bạn bè thân thiết sẽ thiếu vắng mày, nhưng tao cũng mừng cho mày, hy vọng là trước lúc ra đi, mày cũng đã tìm lại những gì mất mát mà mày từng tha thiết, cho dù không toàn vẹn. Mà trên đời này có cái gì là toàn vẹn đâu, hả Cường? Hãy yên nghỉ nghe Cường!
Hẹn gặp lại mày.
Phạm Tín An Ninh
(Alicante – Spain 23.8.2016)
ai rồi cũng phải ra đi
Trả lờiXóa