Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Những Con Chim Xây Tổ


Có những con chim miệt mài xây tổ. Vì đó là việc chúng phải làm. Là luật tự nhiên của loài chim để duy trì nòi giống.
Công việc của chúng tỉ mỉ, chuyên cần và đáng cho mình ngưỡng mộ.

Người VN ta có câu "Chim có tổ, người có nhà" Người Việt mình vốn cần cù và chịu khó. Biết tằn tiện và nghĩ chuyện về lâu về dài. Cho nên khi đã đến định cư ổn định ở chỗ nào rồi, cũng chắt chiu tạo một mái ấm cho gia đình mình.

HOME IS WHERE YOUR STORY BEGIN
hay
THE MOST IMPORTANT THINGS IS FAMILY

NHÀ là tổ ấm của loài người . "Mái nhà hạnh phúc" là hình ảnh mà mọi cặp vợ chồng đều nghĩ đến. Nhà là nơi biết bao nhiêu câu chuyện vui, buồn đã xảy ra. Là nơi những đứa con ra đời với tiếng khóc đầu tiên. Là nơi giữ lại niềm vui bất tận của kẻ làm cha, làm mẹ. Dù xấu hay đẹp, nhà vẫn là nơi mơ ước của hai người khi quyết định kết hôn. "Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng". Và thật thương yêu họ đã dùng từ "NHÀ TÔI" hay "NHÀ CHÁU" để ám chỉ vợ hay chồng mình

- Chị ngồi chơi! nhà tôi vừa đi đâu đó. Hay.
-Mời bác xơi nước, nhà cháu sẽ ra ngay.
Không hiểu từ "nhà tôi "đã được dùng từ lúc nào, nhưng sao mà ngọt ngào êm đềm quá. Nó tuy đơn giản nhưng gói ghém biết bao thương yêu, tin cậy và gắn bó bên nhau.

Người miền Nam vợ hay gọi chồng là mình "Mình ơi! ra em nói cái này".
Người miền Bắc có nhiều phụ nữ gọi chồng là nhà "Nhà ơi! ra em nhờ tí "
Qua xứ người, nhiều ông khi giới thiệu vợ mình đã vui miệng làm trò:

"This is my house"

Cái nhà! vâng " Sống có nhà, chết có hòm" là câu nói ngoài miệng khi người ta khẳng định cuộc sống của mình.

Đi đâu thì đi, đi ta bà thế giới chi không biết, nhưng về tới nhà mình là nhất. Cởi bộ đồ đầy bụi đường, tắm một phát, uống ly nước, nằm thả mình trên võng hay trên giường, hai tay buông thõng, người thả lỏng. Ôi! nó đã làm sao á!

"Về tới nhà " "Home sweet home"

Ai chả từng đi xa, dù mọi thứ trên cuộc hành trình có vui, có đẹp thế mấy nhưng về nhà mình vẫn là nhất. Dù nhà mình nghèo, tiện nghi không đủ, nhưng đó là nhà mình. Là nơi từng viên gạch, từng cây trồng đều do mình bỏ công làm nên.

Người cha, người mẹ là những con chim tha từng cọng rác về xây tổ . Mỗi ngày làm việc cực nhọc vất vả, dành dụm để có được mái nhà của riêng mình. Từ những việc nhỏ nhặt nhất để trang trí cho căn nhà cũng là tâm huyết của hai con người yêu thương nhau. Khi đàn con còn bé, căn nhà rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Khi chúng lớn, trưởng thành, chúng lại bay ra xây những chiếc tổ của riêng mình. Đó là quy luật, đó là sự tiến hóa của xã hội.

Ngày còn bé tôi thường về quê ngoại. Căn nhà của ông bà ngoại xưa ơi là xưa ở ngay chợ Phước Thiền. Mỗi lần về ngoại tôi thích lắm. Ngồi trên chiếc xe thổ mộ. Móng ngựa gõ lóc cóc, lóc cóc xuống mặt đường nhựa đều đặn. Cái khánh nơi cổ con ngựa leng keng vui tai. Hai bên đường những ruộng lúa trải thảm vàng ươm bông lúa đẹp làm sao. Tôi hít thật sâu mùi thơm của đồng nội. Nó khác quá xa cái mùi của nơi tôi ở. Cái mùi thum thủm của mủ cao su chế biến bay trong không gian của khu nhà máy. Về quê ngoại là niềm vui lớn của anh em tôi.

Qua khỏi cầu Phước Thiền là cái chợ lợp ngói hiện ra. Chợ nằm giữa, hai bên là hai dãy phố. Xuống cầu chỉ qua khoảng 5 căn phố là tới nhà ngoại tôi. Má nắm tay để tôi bước xuống cái ghế nhỏ mà bác xà ích đem đến. Hai mẹ con tôi bước vào nhà và mắt má sáng lên. Má cười thật hạnh phúc. Đó là cái nhà của má tôi, của ông bà ngoại tôi. Là nơi má tôi sinh ra và lớn lên.

Nhà phố nên bề ngang không rộng, nhưng chiều dài thì sâu hun hút và hơi tối. Ánh sáng từ những tấm kiếng trong trên mái nhà yếu ớt rọi xuống phía dưới. Nhà bán tạp hóa nên những thùng, lu, khạp chứa đồ xông lên một mùi rất lạ. Có nghĩa là đủ thứ mùi. Tôi có cảm giác sợ sợ mỗi khi má dắt tay tôi đến đốt hương trên bàn thờ gia tiên bên ngoại. Bàn thờ để trên trang thật cao, má phải trèo lên thang mới cắm nhang được. Tôi nhỏ xíu đứng dưới ngước hết cổ mình mới thấy má. Cảm giác rờn rợn như ông bà đang nhìn mình hay đứng sau lưng làm tôi mong cho má xuống thật mau để tôi được tự do.

Căn phố này giữ biết bao kỷ niệm của má tôi thời thơ ấu. Là mồ hôi, công sức của ông bà ngoại tôi tạo thành. Ông bà ngoại tôi mất. Căn nhà thuộc về cậu Hai tôi. Và tôi, con bé nhỏ xíu ngày đó, tới bây giờ vẫn nhớ hoài trong trí.

Nhớ với tất cả yêu thương vì đó là QUÊ NGOẠI.

Mẹ tôi lấy chồng và bà cũng xây dựng một tổ ấm của riêng mình. Cái nhà mà tôi sinh ra và lớn lên không phải là tổ ấm duy nhất mà ba má tôi gầy dựng. Vì chiến tranh ba má tôi đã có cái nhà bị đốt cháy, có cái nhà phải bỏ lại chạy lấy người. Có nhà để lại cho người khác ở. Vẫn là một gia đình phải có một mái nhà. Ba má tôi làm lại từ đầu vào những năm tuổi đã 50. Và đó là cái tổ cuối cùng để sống cuối đời . Nơi đó, má tôi đã phá rừng làm rẫy. Những ngày hai chị em tôi lúp xúp chạy theo má vào rừng. Dưới bóng mát của tàng bụi tre gai, tôi ngồi giữ em cho má tôi đốt rẫy. Hình ảnh má dưới nắng trưa gọi gió về cho lửa lên cao. Những đống chà tre cháy phựt lên, khói đen bay lên bầu trời và má tôi, người đàn bà VN lam lũ đang đặt một nền móng đầu tiên cho cái tổ ấm cuối đời.

Đất đai phá dọn xong. Ba má tôi phóng nọc trồng cây, lập vườn. Một cái chòi tre khởi đầu cho những ngày mới đến. Rồi một căn nhà tranh để ở lại đêm khi hoa màu bắt đầu thu hoạch. Đến lúc cây trồng đã ra hoa kết trái xum xuê, ba má tôi quyết định xây nhà kiên cố để ở.

Thế nhưng căn nhà xây đó bị những đợt pháo kích hư hại nhiều lần. Có một lần nguyên đạn pháo phá nát nhà của má. Má phải chạy đi lánh nạn rồi yên yên lại trở về. Chiến tranh rượt theo má từ nhỏ đến lúc già, hủy hoại của má không biết bao nhiêu tài sản, đã khiến mấy căn nhà của má thành tro than, thành vô chủ. Nhìn căn nhà lỗ chỗ vết đạn, một nửa mái bị sập, cột kèo ngổn ngang má khóc vì tiếc của nhưng mừng vì con cái đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Chiến tranh mà, đâu có ai giúp được ai đâu, phải làm lại từ đầu bằng bàn tay và công sức. Má vẫn giữ trong đầu câu nói: “Chim có tổ người có nhà". Má bám trụ với mảnh vườn do chính tay mình khai phá, căn nhà do chính mình đắp nền. Ba má tôi từng bước sửa sang, xây cất lại. Mấy chục năm sau má tôi trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà từ đường gia tộc này. Đó là cái tổ ấm, là nơi dù đi bất cứ nơi đâu tôi vẫn nhớ hoài. Quê hương nói thì xa xôi vĩ đại lắm. Nhưng theo tôi chính xác và gần gũi nhất là mái nhà nơi mình đã sống và trưởng thành. Nơi gói ghém tuổi thơ có mẹ cha, anh em sinh sống.

Sống ở nước Mỹ, bạn cũng như tôi cũng nhiều lần dọn nhà. Đi từ tiểu bang này qua tiểu bang khác. Từ thành phố này qua thành phố khác. Nhiều khi dành dụm mua một căn nhà nghĩ rằng mình sẽ sống hết đời ở đó. Rồi có những nguyên nhân đưa đến bất ngờ ta lại phải bán mà dọn đi.

Có người gia đình đông con, mua căn nhà thật lớn để con cái có một phòng riêng, một không gian riêng. Theo quan niệm VN: “ Một gia đình tứ đại đồng đường sống chung là đại phúc”. Nhưng rồi con cái lớn lên. Vì sự nghiệp chúng đi làm ăn xa, khi lập gia đình chúng muốn có một cuộc sống riêng tư, tự lập. Từng đứa, từng đứa lần lượt chia tay cha mẹ bay ra khỏi tổ ấm. Như cánh chim đủ lông , đủ cánh bay ra khoảng trời cao rộng.

Các con dù đã có một mái gia đình riêng. Nhưng mỗi khi về với cha mẹ, lại thấy ấm áp vô cùng. Từng góc nhà, gốc cây gợi lại tuổi thơ, hình ảnh hạnh phúc của cha mẹ anh em trong căn nhà này.

Hai vợ chồng già nhìn căn nhà trống vắng lại càng thấy quạnh hiu. Bán thì không đành vì nhìn nơi đâu cũng đầy kỷ niệm. Mà ở thì buồn quá. Nhất là nếu có một người chia tay đi trước lại là một nỗi ám ảnh đau lòng.
Nói gì thì nói. "Chim có tổ, người có nhà." Căn nhà vẫn là một nơi ấm áp nhất cho một gia đình.

Rộng ra chút, nhà không chỉ để chỉ một nơi mình cư ngụ, có nóc, có tường, có vách và những tiện nghi. Mà nhà còn để chỉ một cái gì hữu hình hay vô hình thiêng liêng hơn. Đó là quê hương, dân tộc. Là những người có cùng một lịch sử, cùng tiếng nói, chữ viết và một lãnh thổ, một quốc gia.

Ngày còn đi học. Tôi từng cùng các bạn ngẩng cao đầu và hùng hồn với bản nhạc "Nhà Việt Nam" của nhạc sĩ Thẩm Oánh

Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung sáng trưng Á Đông
Bốn ngàn năm đó văn hóa xây đắp bao kỳ công
Người Việt Nam cân quắc bao anh hùng,
Từng phen nức danh dưới trời Á Đông

Ai ơi đừng phân chia Nam Bắc Trung,
Một nhà Việt Nam.
Nam Bắc Trung chung giòng
Dân con Việt Nam hằng mong
Bền tâm cố xây nhà Việt Nam

Nam Quan cho đến Cà Mau,
Là nhà Việt Nam non nước tươi một màu,
Yên vui anh trước em sau
Đừng có xa nhau mà lòng tan nát đau

Khăng khăng thề tay nắm tay
Cùng khao khát say
ánh vinh quang sáng soi ngợp trời
Nhà Việt từ đây
Trung Nam Bắc cùng một lòng mừng vui.

Bài hát hùng hồn mà thâm thúy biết bao nhiêu.
Tiền nhân ta đã đổ biết bao xương máu xây dựng "Nhà Việt Nam" cho ta trú ngụ ấm áp và no đủ. Ta hãnh diện làm một thành viên, một người con, người cháu trong căn nhà hạnh phúc đó.
Ai ơi đừng phân chia Nam, Bắc Trung. Một nhà Việt Nam.
Vâng! Một nhà Việt Nam. Dù hiện giờ chúng ta đang sống lưu vong ở một quốc gia có tên không phải Việt Nam. Nhưng ta vẫn là người Việt.
Dù con cái chúng ta vì phải hòa nhập với người bản xứ. Chúng phải nói tiếng Anh, tiếng Mỹ, tiếng Pháp để giao dịch nhưng chúng vẫn là người Việt. Thế hệ thứ hai thứ ba sẽ và đang làm cho thế giới biết rõ hơn về quê hương, về bản sắc Việt của chúng ta.

Viết tới đây, tôi lại nghĩ đến loài chim tu hú. Chúng không thèm làm tổ. Chỉ tìm những tổ có sẵn để đẻ vào. Chim tu hú con sẽ tiêu diệt tất cả những con chim trong tổ và làm chủ toàn bộ.

Việt Nam mình hãy cảnh giác. Đất liền, biển đảo, tài nguyên, lịch sử, văn hóa, chữ viết là của ông cha ta bao đời đổ xương máu và cật lực làm nên. Đừng để kẻ gian chiếm đoạt và tiêu diệt chúng ta.

NHÀ VIỆT NAM LÀ PHẢI CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Nguyễn thị Thêm


1 nhận xét: