Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Tuổi Thơ Tuổi Xuân Dễ Thương

 

Đây là bài số sáu trăm bốn mươi tám (648) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

Mỗi tối thứ hai hằng tuần người viết lại "mổ cò" trong computer để viết bài cho mục Một Cõi Thiền Nhàn của tôi trên Oregon Thời Báo tại Portland, Oregon của tôi sau 2 tuần nghỉ Tết. Hôm nay là ngày 17 tháng Giêng Âm Lịch năm Quý Mão 2023.

Người viết không có mục làm thơ khai bút đầu năm kể từ khi biết làm thơ năm 17 tuổi và cũng không thuộc trường phái thơ nào hết vì tôi chỉ làm thơ khi có "yên sĩ phi lý thuần" , nói đùa của nghĩa chữ "cảm hứng - Inspiration".

Từ khi tôi giữ mục Một Cõi Thiền Nhàn thì nàng Thơ của tôi cũng tạm ngủ yên để tôi có thời giờ lướt net tìm tài liệu viết bài cho qúy vị cao niên ở Portland đọc thay vì ngồi mơ mộng thả bút đề thơ như ngày xưa. Cũng tốt thôi, miễn là mình vui với việc mình đang làm là được rồi.

Bây giờ vẫn là tháng Giêng. Ca dao Việt Nam ví von “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, như thế có nghĩa là chúng ta vẫn còn được vui Xuân đón Tết, bạn nhỉ?

Vui nhất trong ba ngày Tết là trẻ con tuổi thơ vì chúng được mặc áo quần mới đẹp theo ba mẹ đi lễ chùa hay đi lễ nhà thờ. Trẻ con vui hơn nữa là được nhận tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ, thân nhân trong gia đình, các bạn hữu thân quen của ông bà, cha mẹ v..v.. Nhìn nụ cười thơ ngây, cặp mắt sáng rỡ của chúng trong ba ngày Tết, chắc chắn bạn và tôi cũng cảm thấy vui lây, quên đi bao nỗi ưu phiền của năm cũ, phải không Bạn?.

Tôi yêu mến trẻ thơ và tôi yêu kính người cao niên vì đó là hai hình ảnh, hai cuộc đời mà bạn và tôi đã, đang hoặc sẽ sống trong cõi trần ai này.

Bạn đã là cha mẹ, bạn đã là ông bà nội, ông bà ngoại, bà dì, cô, chú, v..v… khi nhìn một đứa bé sơ sinh đang ngủ, bạn có thấy chúng đẹp như một thiên thần không? Thỉnh thoảng đứa bé mỉm cười hay mếu máo khóc như là trong giấc ngủ cháu đã gặp bà tiên hay được mụ bà dạy cười, dạy khóc. Ô! Dễ thương chi lạ! 

Nhiều người đã tâm sự với người viết rằng hình như tình thương của ông bà nội, ngoại dành cho cháu thơ bé nhỏ tha thiết, đậm đà, hơn là khi ta còn trẻ sinh con vì lúc còn trẻ, đối với con cái, chúng ta còn có nhiều thời gian gần gũi chăm lo cho chúng qua năm dài tháng rộng của cuộc đời. Còn đối với ông bà nội, ngoại, thời gian này ngắn ngủi hơn vì tuổi già xế bóng, được gần gũi cháu còn phải tùy thuộc vào sức khỏe, vào thời gian cho phép nên bao nhiêu tình thương đều đổ dồn vào cháu thơ bé dại nhiều hơn là đối với mẹ cha chúng hiện tại.

Riêng thiển ý, việc đó cũng còn tùy thuộc vào tình cảm riêng tư của mỗi cá nhân, vào mối liên hệ trong gia đình đương sự nữa đấy.

Gia đình của người viết hiếm muộn nên khi mới có cô cháu nội đầu tiên, tôi cảm thấy sung sướng, hạnh phúc vô cùng khi được ôm cháu vào lòng ru cháu ngủ say.

Xin được chia sẻ với các bạn niềm vui của người viết lần đầu tiên được lên chức bà nội. Hy vọng rằng đây cũng là cảm xúc của các bà nội, bà ngoại khác đã có cháu lần đầu tiên như người viết nhé. Smile!
Ru Cháu Ngủ Say


Viết tặng bé Mya Trần Ngọc Vy của Nội
SL

Ru cháu ngủ say, nhớ về dĩ vãng
Mẹ già xưa hát nhịp võng ầu ơ
Thời gian qua mau, thoáng chốc không ngờ
Tôi lại bế cháu hát ru ầu ơ bài cũ

Ru cháu ngủ say, sống đời hiện tại
Cháu của tôi bé bỏng, thật ngây thơ
Rất hồn nhiên, ăn, ngủ, khóc mong chờ
Được sưởi ấm trong vòng tay cha mẹ

Ru cháu ngủ say, nghĩ tương lai sắp đến
Cuộc đời này được bao phút bình an
Chiến tranh, thiên tai, đổ nát hoang tàn
Thương cho kiếp phù sinh nơi trần thế

Cháu yêu hỡi! Hãy ngủ say đi nhé!
Mặc thế gian đầy gian dối khổ đau
Mặc cuộc đời biến đổi vạn sắc màu
Cháu vẫn có tình yêu thương còn đó

Tình cha mẹ, tình ông bà, quyến thuộc
Rất thiêng liêng trong mái ấm gia đình
Mọi người vui vầy nhìn cháu xinh xinh
Đang cười nụ, hoặc nhăn mày mếu máo

Hạnh phúc thật! Khi được ôm cháu bé
Được sẻ chia hơi ấm của tình thương
Rất đơn sơ! Niềm hạnh phúc bình thường:
Ru cháu ngủ trong tình thương bà cháu!

Sương Lam

Khi đi họp bạn thân hữu hay chuyện trò với nhau trên diễn đàn, tôi đã thấy mấy bà nội, bà ngoại khoe nhau hình ảnh xinh xắn của các nàng công chúa, những chàng hoàng tử bé bỏng của mình và kể chuyện huyên thiên về các sinh hoạt của các VIP này với nụ cười vui vẻ, với ánh mắt sáng ngời. Lúc đó tôi thấy thương những bà bạn chưa được lên chức này vì các “cô chiêu cậu ấm” của họ chưa chịu lên xe hoa hay chưa chịu “đưa nàng về dinh”. Các bà bạn này đành phải nựng đỡ cháu của người khác cho đã thèm mộng ước được làm bà nội, bà ngoại như người ta. Thôi đừng buồn bạn nhé, thế nào rồi bạn cũng sẽ được lên chức mà thôi không sớm thì muộn vì nước chảy qua cầu rồi cũng sẽ đến bến đỗ.

Nhưng … Lại chữ Nhưng nữa đây! Nhưng nhiều bà lại bảo tôi rằng: có cháu nhiều thì rất là vất vả, cực nhọc vì phải chăm sóc chúng khi chúng quấy phá, la hét ầm ỉ, không nghỉ ngơi gì được cả! Mệt lắm! Ngán lắm!
Người viết nhớ đã đọc ở đâu đó một tài liệu muốn cho sống vui sống khỏe, bạn hãy chơi đùa vui vẻ với trẻ con dưới 6 tuổi và người già trên 60 tuổi. Sao lạ nhỉ?
Trẻ con dưới 6 tuổi dễ thương hơn những em bé trên 6 tuổi chăng?
Có thể là đúng đấy vì trẻ con trên 6 tuổi đã đi học, đã có bạn bè nên chúng bận rộn đùa vui với bạn bè ở trường hay hàng xóm, phải làm bài tập của nhà trường nên ít quấn quýt bên cha mẹ, ông bà hơn. Mya khi còn nhỏ thì đeo lưng bà nội mỗi lần ông bà nội đến nhà thăm hay khi đi ăn, đi chơi bên ngoài. Bây giờ cô nàng đã có bạn bè rồi nên không còn đi theo chơi với bà nội nhiều nữa mà đi chơi với bạn vui hơn.

Đàn con của chúng ta như một đàn chim, khi còn nhỏ chúng ríu rít trong tổ ấm gia đình. Một khi những cánh chim kia đã đủ lông đủ cánh có thể bay cao bay xa hơn trong khung trời cao rộng khác thì chúng sẽ tung bay, bỏ lại mẹ cha, ông bà ở lại trong cái tổ chim trống lạnh. Nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ gìn những căn phòng của con cái trong ngôi nhà rộng lớn kia với hy vọng con chúng sẽ quay về tổ cũ, nhưng những cánh chim kia lo đi xây dựng những tổ ấm khác xinh đẹp hơn, nồng ấm hơn. Thỉnh thoảng chúng bay về tổ cũ nhưng chỉ một chút thoáng qua mà thôi.

Cuộc đời là thế! Từ thế hệ này sang thế hệ khác, vẫn lập đi lập lại cái vòng sinh hoạt như thế! Xin được chúc phúc cho những gia đình nào có con cháu vẫn sống quây quần bên nhau chứ người cao niên sống nơi xứ người rất cô đơn, buồn tủi. Cũng chính vì vậy mà người viết rất thương trẻ thơ dưới 6 tuổi và yêu kính người già trên 60 tuổi là thế đó.

Nói thật tình, chơi với con nít đỡ mệt trí hơn là chơi với người lớn vì chúng vô tư, thơ ngây, không vướng bận chuyện ân oán giang hồ như người lớn. Ai thương chúng nhiều, lo lắng, chơi đùa với chúng nhiều thì chúng thương lại nhiều. Ai xa lạ, không gần gũi thương yêu chúng thì chúng thương ít hơn một tí! Thế thôi! Rất giản dị! Rất bình thường!

Còn người lớn thì tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến đầy mình. Họ dùng mọi thủ đoạn để dành phần thắng lợi cho mình trên cõi thật cũng như trên cõi ảo! Nhức đầu quá! Mệt quá!

Đầu năm người viết kể chuyện trẻ thơ cho cuộc sống tinh thần và tình cảm của chúng ta được vui vẻ, dễ thương như tuổi thơ ngày xưa của chúng ta và tuổi thơ vô tư của cháu nội, cháu ngoại chúng ta hiện tại. Hy vọng Bạn cũng vui như người viết nhé.

Mời xem Youtube Tuổi Thơ An Lạc Vô Ưu-Nhạc Nguyễn Tuấn-Thơ Hải Đà do người viết thực hiện

Trẻ thơ ngây thơ, vô tư, là niềm an lạc vô biên đánh tan bao nỗi ưu phiền mỗi khi ta nhìn chúng cười đùa vui vẻ. Cũng từ đó hình như chúng ta cũng thấy cảm thấy an lạc giữa chốn bụi hồng lao xao này.
https://www.youtube.com/watch?v=G1_oq4hmq9U&t=12s

và các youtube vui khác
https://youtube.com/shorts/h_TSWVsx9CU?feature=share
https://www.youtube.com/shorts/Qr65tbzHB9Y

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 648-ORTB 1077-272023)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét