Sáng sớm trời trong nắng ấm khoảng 8 g sau khi điểm tâm mọi người từ giả khách sạn Lapad thành phố Dubrovnik xinh đẹp hiền hòa lên xe viếng thăm Split, thành phố cổ lớn thứ II Croatia, có khoảng 200.000 dân. Hành lý đã để trước cửa phòng tối đêm qua cho tài xế đem ra xe nên sáng mỗi người chỉ còn cái carry on gọn nhẹ mang theo. Split cách Dubrovnik 226 cây số về hướng Đông Bắc. Xe chạy theo con đường quanh co 1 bên vách núi cao, 1 bên bờ biển hay biển, nước trong xanh, nhiều tàu thuyền thấp thoáng xa xa.
Xe chạy vài tiếng ghé vào siêu thị nằm bên đường cho khách giải lao, chụp ảnh và mua các quà lưu niệm nho nhỏ. Những hôp chocolat, hộp kẹo xinh xắn và rất ngon,những cái magnet có hình địa phương thường được gắn lên cửa tủ lạnh, các bưu thiếp… Xe tiếp tục lên đường, hai bên đường xe chạy khi thấy núi non trùng điêp, khi biển rộng mênh mông. Thỉnh thoảng có vài ngôi nhà mái đỏ nằm trên mảnh đất bằng phẳng. Khoảng trưa xe vào thành phố cho mọi người ăn trưa, bác tài mang xe đậu chỗ khác. Tiệm ăn đối diện công viên hoa cỏ vui mắt, cây kiểng xanh tươi. Nhà, phố Split 3, 4 tầng lầu trông trù phú thịnh vượng. Con đường rộng rãi, sạch sẽ nằm sát bờ biển. Dưới bến nước xanh lơ vô số tàu thuyền lớn nhỏ đưa đón khách đi những vùng lân cận: phà, taxi bằng thuyền (water taxi), tàu buồm, tàu nhỏ, tàu lớn. Có tấm bảng ghi giá tiền đi các nơi bằng Anh Ngữ, tôi chỉ nhớ giá tiền đi dạo Split bằng thuyền“ parasonic tour of Split :20 euros”... Nhiều nhà hàng ăn uống, quán rượu, khách sạn xinh đẹp, nằm dọc theo con đường bờ biển. Các đường chính rộng và sạch sẽ như các đại lộ Hoa kỳ.
Trong công viên và dọc các con đường người ta trồng cây palm tree thân thẳng đứng, suôn đuột, lá xòe rông. Nhiều băng gỗ đặt rải rác trên lề đường dưới bóng mát. Người đi bộ nhiều lắm và công viên cũng đông người thưởng thức cây cỏ, các loài hoa, gió biển mát mẻ. Trong số người đi bộ có bà mẹ trẻ dẫn đứa con chừng hai tuổi, mũm mĩm, ai bế cũng theo. Các chị trong nhóm ôm bé trong lòng chụp ảnh. Người đi đường dám tưởng bé da trắng đó là con các chị vì bé êm rơ, ngoan ngoan trong vòng tay người bế.
Ăn trưa xong hướng dẫn viên địa phương còn trẻ như sinh viên chờ sẵn. Cô này sẽ thuyết minh liên tục và cô Tina, hướng dẫn viên tổng quát chỉ đi theo lắng nghe như chúng tôi.
Palace of Diocletian
Chúng tôi đi bộ trên con đường trải đá cuội (cobbled streets) vào cổ thành, xem lâu đài xây thời kỳ La Mã cai trị từ thế kỷ thứ tư sau công nguyên. Hướng dẫn viên đưa cả nhóm vào thăm Palace of Diocletian ngay trung
tâm phố cổ, xây hơn 1700 năm, được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Theo hướng dẫn viên các kiến trúc xưa ở Split được gìn giữ tốt nhất trong vùng Địa trung hải. Thưa quý độc giả lần đầu tiên tôi thấy kiến trúc hơn 1000 năm tuổi còn tồn tại ngoài kỳ quan thế giới Kim tự tháp ở Giza, Ai Cập trên dưới 5000 năm tuổi. Nếu không thấy tận mắt dám nghi là người kể chuyện phóng đại, đi xa về...nói xạo. Thật đáng ngưỡng mộ những kiến trúc sư La mã cách đây gần 2000 năm.. Unesco công nhận lâu đài Diocletian là di sản thế giới tháng 11/1979. Sân trước lâu đài rất rộng, thiên hạ đông lắm. Hàng quán san sát nhau từ ngoài sân dẫn xuống đường hầm như những khu bán bazaar ở các thương xá. Lâu đài chiếm hết ½ diện tích cổ thành.
Theo hướng dẫn viên lâu đài khoảng 30.000 mét vuông, có 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc. Cổng Nam quay mặt ra biển và không có tháp canh. Các cổng còn có tên gọi cổng vàng, cổng bạc… Nơi hoàng đế cư ngụ quay mặt ra biển. Cách kiến trúc cực kỳ sang trọng thời bấy giờ. Nửa lâu đài hoàng đế La Mã dùng làm văn phòng và gia đình cư ngụ, nửa còn lại dành cho các quan lại, quân lính và nhà tù...Khi La Mã không còn cai tri Split, lâu đài bỏ hoang phế thời gian dài. Vào thế kỷ thứ 7 Split có giặc dân địa phương tràn vào tầng hầm lâu đài trốn cho an toàn và sau đó chiếm làm nơi buôn bán hay cư ngụ. Khi vào thăm tầng hầm lâu đài tôi không thấy dân, chỉ thấy toàn những gian hàng buôn bán dọc theo lối đi rất rông. Nhiều gian hàng lắm, bán cả nữ trang, rượu, thủ công nghệ, tranh ảnh...sáng rực cả đường hầm. Người đi lại rất đông giống như là cái chợ nhỏ. Có tấm bảng to như bản đồ chỉ lối đi đến các phòng và các cuốn sách nhỏ miễn phí nói về lịch sử lâu đài.Theo sách lâu đài Diocletian xây bằng đá
marble trắng và limestone loại tốt…
Qua khỏi khu buôn bán chúng tôi đi qua nhiều gian phòng bên trong ngăn ra bởi các vách tường bằng gạch và đá dày lắm có lẻ từ 8 tấc đến 1 mét. Các cột bằng đá hình vuông chống đỡ trần nhà. Tuy đứng dưới tầng hầm nhưng vẫn sáng trưng, không âm u. Trần nhà gian phòng rộng nhất hình vòng cung như trần nhà thờ. Có rất nhiều phòng trống chung quanh nơi chúng tôi viếng thăm. Phòng nọ phòng kia lia chia như mê cung. Vách tường dày ngăn các phòng và các cửa phòng hình vòng cung hay hình vuông dài. Có phòng vòng cung gạch bị lồi lõm, không nhẵn nhụi như các phòng khác có lẽ vì thời gian?
Lúc chúng tôi đến các công nhân đang sắp xếp bàn ghế chuẩn bị cho buổi họp nào đó. Theo cô hướng dẫn các khu vực chung quanh lâu đài lúc nào cũng đông người nhất là vào buổi tối càng vui hơn. Họ có những buổi hòa nhạc, trinh diễn văn nghệ, bán thức ăn nước uống, các món quà lưu niệm... Loanh quanh mà chúng đã đi qua cac cửa Bắc cửa Tây lâu đài... Trước khi vào thăm tầng hầm lâu đài tôi thấy tấm bảng ghi giá tiền vé vào thăm lâu đài: người lớn 44 kuna, trẻ em 22 kuna nhưng không biết cô hướng dẫn trả tiền vé cho cả nhóm hay chúng tôi được vào miễn phí. Theo sách lâu đài xinh đẹp và rộng rãi nhưng chúng tôi chỉ được xem các gian hàng ở lối vào tầng hầm và mấy căn phòng dưới hầm. Tuy kiến trúc đặc biệt rông rãi và chắc chắn giống như pháo đài hơn là lâu đài. Chúng tôi không được lên lầu nên chẳng biết trên ấy ra sao.Chẳng biết vì thời giờ eo hẹp hay do chúng tôi viếng thăm miễn phí?
Tượng Bishop Gregory of Nin
Phía trước cổng Bắc lâu đài Diocletian (Golden Gate) có tượng đức Giám mục Gregory of Nin bằng đồng khổng lồ, cao 8,50 mét đứng ở công viên trên ngọn đồi thấp phải leo nhiều bậc thang mới đến nơi. Theo truyền thuyết ai sờ ngón chân cái ngài sẽ được may mắn. Trải qua nhiều năm tháng, bàn chân ngài sáng ngời màu đồng, bóng láng so với những phần khác bức tượng như được đánh bóng.
Theo cô hướng dẫn vào thế kỷ thứ 10 Giám Mục Gregory có công tranh đấu, thuyết phục giáo hoàng đồng ý cho phép giảng đạo bằng ngôn ngữ địa phương, tiếng Croatian để giáo dân hiểu lời giảng dễ dàng hơn. Trước năm 926 các nhà thờ giảng đạo bằng tiếng La-tinh, khó hiểu cho phần lớn dân
Croatian. Tượng Giám mục Gregory of Nin được hoàn thành tháng 9/1929 do điêu khắc gia người Croatian Ivan Mestrovic. Nhiều du khách sắp hàng chờ đến lượt sờ ngón chân ngài để được phước lành.
Nhà Thờ Thánh Dominius (St. Dominius Church)
Hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến thăm thánh đường ST Dominius nhưng chỉ đứng ngoài sân, không vào bên trong nhà thờ. Kiến trúc nhà thờ rất đẹp, tường gạch chắc chắn không bị hư hỏng vì thời gian. Sân trước nhà thờ rộng, sạch sẽ, có 4 nhac sĩ tươi cười mặc đồng phục vừa đánh đàn vừa hát và bán dĩa hát (CD) Nhiều nguời đứng chung quanh xem họ đàn hát, đông lắm. Nhà thờ xây cất làm 3 giai đoạn khác nhau. Lúc đầu xây vào năm 305 sau công nguyên, không có tháp chuông mãi đến thế kỷ thứ 12 xây thêm tháp chuông. Nhà thờ mang tên thánh Dominius, vị thánh bảo hộ Split. Ông được an táng nơi tầng hầm khi qua đời. Thế kỷ 17 nhà thờ xây rộng thêm. Nếu tôi không lầm nhà thờ thánh Dominius được xem là nhà thờ cổ nhất, nhì thế giới.
Đền Thờ Jupiter (Temple of Jupiter )
Chúng tôi đi thăm đền thờ La Mã thờ thần Jupiter nằm phía Tây lâu đài Diocletian. Cô hướng dẫn cho biết người La Mã rất tôn sùng kính trọng thần Jupiter vì họ cho ông là chúa tể các vị thần (King of Gods), có quyền lực vô biên. Trước đền thờ Jupiter có tượng con sphinx 3500 tuổi được Ai Cập tặng cho Hoàng đế La Mã. Sphinx đền thờ Jupiter là một trong 12 con Sphinx ở xứ sa mạc Ai Cập xa xôi. Chúng tôi đứng trước sân nhìn ngắm phía trước đền thờ và xem các sinh hoạt nhộn nhịp khu vực. Thiên hạ đi lại đông đảo. Có hai người trung niên tươi cười mặc y phục theo kiểu cách người La Mã ngày xưa, đội mũ mang gươm. Ai chụp hình với họ thì bỏ tiền vào cái hộp gần đó. Bao nhiêu cũng được, 1, 2 hay 5 mỹ kim nếu không có tiền Kuna. Thiên hạ sắp hàng chờ đến lượt mình chụp ảnh với chiến sĩ La Mã
Theo cô hướng dẫn Split có nhiều viện bảo tàng, có nơi phải mua vé vào cửa, có nơi miễn phí. Cô chỉ nói cho biết chứ không đưa mọi người đi thăm viện bảo tàng có lẽ vì không đủ thì giờ. Tôi chỉ nhớ cô nói Split có viện bảo tàng nghệ thuật, viện khảo cổ, viện bảo tàng hàng hải (Croatian Maritim Museum xây từ thế kỷ 16) và viên bảo tàng thành phố Split (Split city museum) Viện bảo tàng khảo cổ thành lập 1820, sưu tập và trinh bày hàng ngàn cổ vật bằng kim khí, các loại đá, xương thú, các loại tiền cổ và y phục thời xa xưa...
Ẩm Thực:
Đến Split vị nào có tâm hồn ăn uống sẽ thích vì có nhiều nhà hàng nổi tiếng, hải sản tôm cá tươi ngon do Split là thành phố biển. Có nhà hàng tổ tiên họ từng nấu ăn cho Hoàng đế La Mã, cha truyền con nối. Nhà hàng sushi ở Split với 40 loại sushi khác nhau. Có khoảng hơn 250 nhà hàng ở Split với khoảng 30 nhà hàng nấu các món ăn quốc tế ngon tuyệt vời. Nơi bán thức ăn nhanh trang hoàng vui mắt như các cửa tiêm pizza, Mc Donald. Họ bày bàn ghế ra vỉa hè, có các chậu cây kiểng bao quanh. Lúc đi bộ chúng tôi thấy các nhà hàng, các nơi ăn uống... đều đông khách. Cô hướng dẫn cho biết Split là nơi xinh đẹp nổi tiếng, nếu đi Croatia không viếng Split kể như chưa đến Croatia và đến Split không viếng lâu đài Diocletian kể như chưa đến Split. Quý vị sẽ tiếc như đi Paris không viếng bảo tàng Louvre vậy…
Rời cổ thành chúng tôi đến đại lộ rộng thênh thang, một bên các tiệm buôn lớn sáng sủa rộng rãi, một bên là những kiosque bán quà lưu niệm, nhiều lắm, bán nón, khăn, quạt, kính mát, quần áo, những cái ly, cái cốc...in hình thành phố Split. Trước khi đến khu bán tạp hóa cái chị em ghé vào tiệm bán kính mắt lớn, xem các loại kính mát thời trang. Chị bạn kính mát bị sút mất con ốc, nhân viên tiêm vui vẻ gắn lại và nhất định không tính tiền thù lao.
Chúng tôi đi bộ theo hướng dẫn viên đến khu buôn bán tạp hóa, nơi con đường nhỏ rất đông người đi lại. Họ chen chúc, tay sách túi nọ túi kia. Hai bên đường phố, tiêm nào cũng đông khách. Rượu vang,cà phê, dầu olive Split ngon có tiếng đều được bán nơi đây. Nơi đây quý vị có thể chọn cái T- Shirt trơn xong chủ tiệm sẽ cho xem một số hình. Quý vị lựa hình nào tùy ý, thí dụ một cảnh Split, Dubrovnik, nhà thờ, hình cô gái đẹp, một lực sĩ... chỉ chờ từ 3 đến 5 phút là có hình như ý muốn in lên áo...
Nắng đã nhạt, trời sắp về chiều, chúng tôi chia tay với hướng dẫn viên địa phương lên xe về khách sạn Atrium của Split và sẽ dùng cơm tối nơi phòng ăn khách sạn. Nghĩ lại tuy Split có tiếng đẹp và nhiều di tích lịch sử nhưng chúng tôi chẳng xem được bao nhiêu vì thời gian giới hạn giống như người cưỡi ngựa xem hoa hay người mù sờ voi. Những người trẻ tuổi hoặc những vị có phương tiện thuê khách sạn ở Split độ một tuần hay năm ba ngày sẽ thăm viếng được nhiều nơi, thú vị hơn. Tôi tự an ủi dù sao cũng còn khá hơn mấy chục năm trước tôi toàn được nhà tôi cho du lịch hàm thụ qua sách báo, vì các con còn nhỏ và cũng không có thì giờ hay tiền bạc.
Cầu mong đồng bào quê hương Việt Nam có cơ hội thăm viếng đó đây để thấy sinh hoạt, phong cảnh xứ người hầu mở rộng kiến thức. Theo tôi được quan sát tận mắt vẫn thích hơn là xem hình ảnh các nơi qua sách, báo hay màn ảnh truyền hình.
Ngọc Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét