Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Mùa Dưa Gang Ước Hẹn

 

(Còn chút gì để nhớ để thương!
Ghi lại tặng các anh các chị dân Vĩnh Long Nguyễn Thông- Tống Phước Hiệp-1954-1975)
kn

Tựa đề "Mùa dưa gang" gợi lại ký ức sau khi nghe bài hát "Vĩnh Sa Trà Quê Hương Tôi" tại Houston. Trong bài hát, tác giã lời bài hát là một cựu giáo sư Tống Phước Hiệp-Thủ Khoa Huân-LVL(sau 1975), có câu ..."mùa dưa gang ước hẹn....". Lâu lâu, tôi lại cái tô- lập lại nho nhỏ để nghe một mình và để nhớ một thời mình đã là tham dự viên của mùa đặc biệt nầy. Gọi là mùa đặc biệt chắc cũng không sai, không quá vì chưa chắc tại nơi nào đó có mùa nầy, ngoài xứ Vãng, nơi có các cô các cậu học trò tứ xứ tụ về để học tập, từ Sa Đéc xa 25 cây số đến Trà Vinh Trà Ôn Trà Cú Tam Bình Bình Minh Chợ Lách Vũng Liêm.....

Mùa dưa gang ước hẹn !!! Cụm từ thơ mộng làm sao!

Rời chợ Vãng bao nhiêu năm mà nghe lại mấy chữ Mùa dưa gang thì cảm giác như sống lại thuở ấy, thuở 1955 đến 1957 hay sau đó, thuở mà chiếc xe gắn máy chưa được thấy nhiều, ngoại trừ chiếc mobylette cỗ lỗ xỉ! Hồi đó, ba má cho thằng con chiếc xe đạp là "quá ngon" rồi. Mà chiếc xe có luôn cái pọt-ba-ga nhưng luôn luôn để làm kiểng hay họa hoằn thì chỉ chở thằng bạn ngồi chàng hảng chớ không hề được diễm phúc được cô bạn, chị bạn vén tà áo ghé ngồi nhờ -chỉ ké ngồi nhờ-.
Nếu không phải chị em ruột thì không bao giờ cảnh đó xãy ra. Người ngồi ké pọt-ba-ga không là ruột thịt thì ngày hôm sau cả tỉnh đều biết, cũng có thể đang giờ học thầy giám thị đến lớp trao mảnh giấy mời lên gặp thầy Tổng giám thị.
Nhưng, trở lại đầu đề, thế nào mà gọi là mùa dưa gang, nhưng lại thêm hai chữ "ước hẹn", nghe tình tứ làm sao!!! Thật tình thì tôi -lại cái tôi nữa- là một tham dự viên không thấy gì đáng được gán cho mấy chữ ước hẹn, tại rẫy dưa. Một buổi sáng chủ nhựt nào đó đang mùa dưa gang, mấy anh lớn lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ rủ nhau "sáng nay tụi mình hùn tiền mua đường thẻ đi ăn dưa gang". Mấy đứa đàn em, có tôi, hưởng ứng nhiệt liệt. và cả xóm mấy nhà nuôi học trò ở trọ tại xóm cầu Cái cá, gần nhà sách Long hồ, mỗi tên một chiếc xe đạp hướng về ngã ba ông Cảnh, ngã ba Cần thơ rồi quẹo trái hướng về cầu Tân Hữu, cầu Đường Chừa. Xin nói thêm là các nhà nuôi trẻ, nói lộn xin cho nói lại, nuôi học trò xa, dân từ Sa đéc Nha mân, Cái tàu hạ và xa hơn là từ Cao lãnh và các quận quanh đó.

Tôi còn nhớ tên các đàn anh là Kiệt, Lộc, Hừng, Khuê, Bé, Chánh, và các bạn đồng trang lứa là Cương, Hĩ, Sang, Tấn. Đoàn công voa chạy hàng một qua cầu Tân hữu thì sang lề trái, bỏ xe nằm trên bãi cỏ lề lộ, tháo dép cầm tay, để đi cầu khỉ bắt ngang mương lộ. Oái oăm thay là cầu khi nầy chỉ là một thân cây so đũa mà lại không có tay vịnh ! Lý do vì sao lại như vậy thì... thật khó nói ra đây. Lý do nầy từ người chủ rẩy dưa cho biết chớ không phải từ tụi học trò đặt chuyện. Mỗi lần "qua cầu gió bay" là chỉ một đứa mà thôi, nhưng may mắn là qua hết, không đứa nào bị rơi ùm xuống mương - mà lúc đó gọi là hào lộ hay mương lộ - Điều đầu tiên nghe là tiếng dế kêu re re trong rẫy. Ôi! nhớ thuở còn tiểu học vô cùng. Mùa hè nào cũng nuôi vài con dế, nhưng vì sợ bị tội với hội bảo vệ thú vật ở ngoại quốc cho nên tôi không cho đá lộn mà chỉ để chọc dế gáy nghe khoái tai. Dế lại hay gáy re re ban đêm, má tôi biểu đem các hộp đựng dế xuống nhà bếp thì mới dễ ngủ. Có khi sáng ra mất một hai con vì dế khoét hộp thoát ly cuộc sống tù túng. Lại lạc đề. Bước nhẹ nhẹ, nghiêng tai nghe tiếng gáy phát ra từ khe đất nào nhưng rồi dù nhón nhẹ bước chân cũng không tránh được vì các cọng rơm khô kêu xào xạc là tiếng gáy nín bặt.


Điều thứ nhì khi đứng giữa rẫy dưa gang là mùi thơm kỳ dị, quyến rũ, ngọt ngào của các trái dưa chín vàng nứt nẻ. Chữ nứt nẻ đây diễn tả hết hương vị của trái dưa. Dưa chín và nứt mới ngon! Sương đêm đã khiến những trái dưa chín nứt một hay hai đường từ cuốn tận đuôi. Và lúc đó thì tha hồ chọn đủ ăn cho bao nhiêu cái miệng, mở gói đường ra và ...thưởng thức. Tuyệt vời !!! Đối với dưa chín tự nhiên (chín tự nhiên là sao? hạ hồi phân giải). Nhưng như vừa kể, ăn dưa gang như vậy thì có gì đáng cho là "ước hẹn"? Hay là vị giáo sư Việt văn Thủ Khoa Huân nầy bị méo mó nghề nghiệp rồi thêm chữ cho êm dịu tình tứ? Không đâu.
Chuyện thế nầy: sau vài mùa dưa, mỗi mùa là 1 năm khi trời khô ráo, lúa đã gặt xong thì lại có phong trào "đi mua dưa gang tại dốc cầu Tân hữu về đêm ". Đầu dây mối nhợ là chỗ chợ dưa về đêm! Chợ dưa nhóm vào lúc chạng vạng tối đến khoảng 8 giờ tối là vãng màn. địa điểm chợ là lề lộ phía mặt từ ngã ba Cần thơ, trước khi tới dốc cầu Tân Hữu mặt trước là lộ lên dốc cầu, mặt sau là mương lộ, nghĩa là 1 dãy đất hẹp chừng một thước rưỡi. (Lạng quạng là có nhiều hy vọng tắm đêm!) Các cô các chị bày những trái dưa ngay hàng thẳng lối , tấm đệm nào thì người chủ bày sản phẩm , một đặc biệt là dưới ánh sáng leo lét của cây đèn dầu bánh ú, ngọn đèn phất phơ nghiêng ngã theo chiều gió, cho nên ánh sáng thật leo lét, mờ ảo. Còn khách hàng là những ai? Dĩ nhiên đôi khi cũng có tôi! Tôi nhớ đa số khách hàng là ...phái yếu, nhưng không yếu đâu và hình như có mấy anh chạy theo "hộ tống". Nói rõ hơn là các cô, các chị, nhưng hình như không có các bà. Từ sự kiện nầy nảy sanh ra "ước hẹn". Đến đây, kể như vầy đủ rồi, tôi không nói thêm nữa. Rồi sau nầy, lại thêm một câu châm biếm xuất hiện "đi ăn dưa gang cầu Tân Hữu bị .......". Nghe lãng xẹt, hết cả thơ mộng!!

Trên đây, tôi đã ghi lại một sự kiện là dưa chín thì phải là có lằn nứt mới ngon. Có vài người bán đã dùng xảo thuật để trái dưa chưa chín hẳn mà vẫn có lằn nứt. Họ đã dùng móng tay vạch một đường dài theo thân dưa, nhúng trái dưa xuống mương lộ sau lưng họ, vớt dưa lên sau vài phút để dưa lên đệm, vài phút sau một đường nứt gần một phân tây xuất hiện theo chiều dài trái dưa! Quý vị cần dưa có đường nứt thì đây, mại dô!

Cũng khoảng ba lần, tôi mua dưa gang tại Mang Cá Cầu lộ. Câu chuyện vui như thế nầy.
Đúng ra thì không phải tôi mua dưa ở Mang Cá Cầu lộ mà là ra đó ngồi tắm và mua dưa trên xuồng ở bờ sông Cầu lộ phía bên kia tức là nhìn từ Cầu lộ ra cầu Cái cá thì là bờ bên mặt, còn tôi tắm ở bờ bên trái. Xuồng dưa đậu tấp vào một bến nào đó, hình như là nơi đó có nhà thủy tạ -nhớ không chính xác lắm và cũng hình như sau nầy tôi được biết nhà có nhà thủy tạ là bến sông một chị trong nhóm có tên là Tứ B- và muốn mua dưa thì, đang tắm, bèn lội ngang sống mua dưa. Lần đầu thì một tay cầm trái dưa đưa cao khỏi mặt nước rồi lội về bờ bên nầy. Mấy lần sau, nảy sanh một ý rất hay, độc đáo là đem theo sợi dây, cột trái dưa cẩn thận, cắn một đầu dây, thong thả lội về với cả hai tay. Nhưng than ôi, trái dưa bị cột dây dòng tàu về rất mau nứt, nên phải thanh toán gấp vì như trên viết lại rằng dưa gang ngâm nước sẽ rất mau nứt tè le! Biết mà quên!


Còn đây là lời giảng giải của chủ rẫy, lời giảng giải này thuộc loại "nói nhỏ nghe rồi bỏ qua": sở dĩ mấy rẫy dưa gang, và về sau nầy tôi biết kể cả rẫy dưa hấu rất kỵ người không phải phe ta bước vào rẫy. Thôi thì nói đôi dòng vậy thôi chớ không dám viết rõ hơn. Vì vậy, cho nên, thì là, bởi thế các chủ rẫy đã bắt các cây cầu thật lắc lẻo để phái nữ chịu thua, kể cả là nữ chúa muốn phá chơi, chứng tỏ ta đây có khả năng vượt khó khăn mà bò cũng chưa chắc bò đến đầu cầu bên kia! Chủ rẫy dưa chơi không công bằng, nếu điều nầy xảy ra bây giờ thì là "kỳ thị" "vi phạm hiến pháp"....
Trí nhớ của tôi không ngừng ở chuyện "mùa dưa gang ước hẹn" mà đi xa thêm chút nữa theo đường đi Cần Thơ, đến Bà Lang, Ba Càng. Nếu hỏi Hứa Hoành thì có thể anh ta sẽ trả lời liền về địa danh Bà Lang: có thể ngày xưa, nơi nầy có một nhân vật là vị nữ lưu rộng rãi, thường giúp người nghèo tên Lang.....vân vân. Còn Ba Càng thì sao?

Tại sao tụi tôi lại đạp xe đến Bà Lang Ba Càng? Cũng tại vì miếng ăn thôi thúc, rán đến đó để thưởng thức món ngon đồng cỏ nội, tươi rói, rẻ tiền, vui cười hỉ hả, không cần đem về vì đã no bụng và cơm trưa của chị chủ nhà cũng sẵn sàng trên bàn. Khách đi xe, bất cứ loại xe gì, từ xe đò 20 chỗ chạy từ Vãng Long đến Bà Lang Ba Càng hay Cái vồn Bình Minh hay Tam bình hay Trà Ôn hay bến Bắc Cần thơ đến xe Lam 3 bánh đều nhớ rằng hai bên lộ xe đề có mương nước. Mương bên mặt rộng hơn sâu hơn, là thủy lộ từ Vảng qua sông Hậu, còn bên trái thì chỉ là những khúc mương cá nhân của các gia chủ bên đường. Các đoạn mương nầy it thông nhau, nước tù. Khách sẽ thấy trên mặt nước mương có những dề giống như dề lục bình, nhưng không phải lục bình mà là các dề cây ấu, trái màu đen có dạng như hàm râu. "Thương nhau trái ấu cũng tròn." Làm sao mà trái ấu tròn nổi! Cả bọn ngừng xe và 1 tên bước vô nhà khúm núm thưa rằng" Thưa Bác, bác bán cho tụi con ($) ấu để tụi con ăn chơi." "Ờ, đợi bác chút" Rồi ông lấy cây sào tre khều vớt vài dề cây ấu, khi khỏi mặt nước, tôi thấy mấy trái ấu đeo lẫn trong chùm rễ ấu. Lặt trái xong, thả dề ấu trở lại mương. Ăn liền tại chỗ, sau khi lầy vạt áo lau qua loa! Ngon lạ lùng, ngọt xớt. Cũng có lần chủ nhà dùng xuồng nhỏ vớt ấu. Vị ấu sống như thế nào mà phải đi xa vậy? Ấu sống chưa già ăn sống khá ngon, ngọt, khó mà so sánh với các loại trái khác, với lại lâu quá rồi nên không nhớ rõ ngọt thế nào, nhưng ngọt!

"Quê hương tôi vùng phù sa sông Cửu
Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc đất liền nhau....
...Ôi nhớ quá mùa dưa gang ước hẹn...
...Biết bao giờ qua lại chuyến phà ngang
Rủ nhau đi thăm lại lũy tre làng
Ôi nhớ quá Vĩnh Sa Trà quê tôi.....

(trích vài câu trong bản nhạc "Vĩnh Sa Trà Quê Hương Tôi", hôi ca của hội VLVBSĐ, tác giả: anh Nguyễn Văn Thọ và anh Võ Minh Thế)
Tên các nhân vật trong bài là tên thật, có anh đã ra đi.

Nguyễn Cao Khải

1 nhận xét: