Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Một Hơi Thở Việt Nam Trong Dòng Sống Thế Giới


Khi chúng tôi đến lớp học chưa bắt đầu.Những đứa học trò lần lượt bước vào lớp, đi thẳng tới chỗ cô giáo đang xếp đặt các học cụ cho lớp học sắp tới. Em nào cũng khoanh tay, cúi đầu chào cô giáo. Cô giáo chào đáp lại, thân mật gọi tên từng em. Tôi nhìn đồng hồ: Còn hơn mười phút nữa mới đến giờ học. Tôi nghĩ nhanh: Lớp học như vậy là đã bắt đầu rồi, bắt đầu trước giờ học, bắt đầu bằng một bài học đức dục ngắn mà cần thiết và giá: sự lễ phép chào hỏi của học trò đối với thầy cô giáo; một điều mà tôi vừa chợt nhớ là mình đã mất và đã không tìm thấy cả mấy chục năm nay, dù mình đã có nhiều dịp tới lui các trường trung, tiểu học ở đây. Đó là cái cảm tưởng đầu tiên thật dễ chịu cho một buổi sáng đầu xuân chúng tôi đến viếng một lớp dạy Việt Ngữ tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.

1.MỘT SINH HOẠT HÀNG TUẦN CHÁNH THỨC CỦA THƯ VIỆN HOA KỲ.

Tại Thư viện này có 2 điểm đáng chú ý:

-Trước hết là số sách, báo, CD, DVD, cassette... bằng Việt ngữ từ tháng 2/2004 có cả thảy gần 5 ngàn; mỗi tháng có hơn 2 ngàn tác phẩm được mượn đọc. Một con số khá lớn. Người Giám đốc Thư viện đã từng nói: Chúng tôi nhận thấy một số gia tăng rất lớn người Việt Nam đến thư viện này đọc hay mượn sách về nhà đọc, cho nên chúng tôi muốn có thêm những dịch vụ cho người Việt quanh đây

-Kế tiếp là Thư viện này có Lớp Việt Ngữ.

Lớp Việt Ngữ này là một căn phòng nhỏ có sức chứa 30, 40 người nằm trong tòa nhà thư viện rộng lớn có tên là Parker Williams Branch, số 10851 đường Scarsdale Blvd, phía nam thành phố Houston, Texas. Đây chính là nét độc đáo của lớp Việt Ngữ này, so với hàng chục lớp và trường Việt Ngữ khác trong thành phố. Vì tại đây, việc dạy và học Việt Ngữ là một lịch trình sinh hoạt chánh thức trong các sinh hoạt thường trực của hệ thống Thư Viện Hoa Kỳ trong vùng. Người dạy là cô giáo Hồ Đắc A Trang, một nhân viên làm việc toàn thời gian của Thư Viện với chức vụ chánh thức là Community Services Assistant. Nói là lớp Việt Ngữ cho dễ hiểu, chớ thật ra việc dạy tiếng Việt là một sinh hoạt trong chương trình Tập Đọc Tiếng Việt (Vietnamese Reading Club) hàng tuần của Thư Viện Parker Williams. Thứ Bảy mỗi tuần, từ 9 giờ sáng đến 2 giờ trưa, có 3 lớp Việt Ngữ gọi là Học và Kể Chuyện bằng tiếng Việt (Story and Learning Time, presented in Vietnamese) cho 3 lớp 1, 2 và 3. Số học viên mỗi lớp trên dưới 20. Học viên là những trẻ em Việt Nam tuổi từ 4, 5 cho đến em lớn tuổi nhứt là một sinh viên đại học 26 tuổi. Ngoài ra phải kể những phụ huynh đến sớm để phụ giúp cô giáo sắp xếp bàn ghế hay chuẩn bị học cụ rồi cùng ngồi học với con, cùng nắm tay sinh hoạt hay ca hát với các học sinh. Có vị phụ huynh còn hăng hái đưa tay trả lời y như một học sinh. Có các phụ huynh phụ giúp cô giáo trong việc kể chuyện và sinh hoạt, ca hát, như anh Lân, anh Hưng.

2.MỘT GIỜ DẠY VÀ HỌC TIÊU BIỂU

Cô giáo Hồ Đắc A-Trang

Buổi sáng hôm ấy chúng tôi có mặt tại lớp Việt Ngữ này trong suốt 5 tiếng đồng hồ: 3 tiếng ngồi trong 3 lớp học và 2 tiếng nghỉ xen giữa các lớp. Chúng tôi cảm thấy thời giờ trôi qua thật mau. Có lẽ nhờ nội dung và không khí của lớp học, cũng như nhờ những câu chuyện trao đổi với cô giáo, với các phụ huynh và các học sinh vào giờ nghỉ.
Có thể nói, một giờ học tại đây cho lớp 1 gồm 10 tiết mục:

Bắt đầu là phần Chào hỏi. Theo Cô Giáo A Trang đây là một tiết mục không thể thiếu ở bất cứ cấp lớp nào. Qua hành động lễ phép chào thầy cô giáo và được thầy cô giáo ân cần, thân mật chào đáp lại, tôi hình dung ngay một sự nối kết thầy trò vô hình đang bắt đầu, một giờ học đã bắt đầu bằng sự tương kính thầy, trò và là một sự lễ phép tối thiểu cần có trong đời sống của một người Việt Nam. Các em thực hiện sự chào kính này từ tuần này qua tuần khác, từ những ngày tuổi còn thơ, thì những năm kế tiếp có phần chắc là các em sẽ gìn giữ và lưu truyền nét đẹp này trong gia đình, nơi học đường và ngoài xã hội.

Sau đó là ôn tập bài cũ. Bắt đầu, cô giáo phê bình các bài cho về nhà làm. Tất cả các em đều làm bài và nộp lại bài. Cô giáo khen các bài làm giỏi. Tôi thấy những nét mặt thật vui của các em được gọi tên. Tôi thấy các phụ huynh vui trong niềm vui của con mình. Tới phần tập nghe và tập nói thì không khí lớp nhộn hẳn lên: các em lắng nghe câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Hôm nay lớp tập quan sát MÀU. Trắng, đen, vàng, xanh lá cây... được các em trả lời trúng và tìm màu trên các tranh ảnh quanh lớp học để trả lời đúng màu mà cô giáo muốn hỏi. Đối với những em 4, 5 tuổi hay những em lớn tuổi hơn, những em đã nhiều năm nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, thì sự nghe hiểu câu hỏi và nói đúng câu trả lời quả là điều đáng khích lệ. Đáng khích lệ hơn nữa khi đến phần ôn tập bài cũ, các em đều tham gia rất tích cực, hầu như em nào cũng đưa tay mong được gọi. Có em nhút nhát, mẹ phải khuyến khích em đưa tay. Khi em trả lời đúng, em nhìn mẹ, mẹ nhìn em, cả hai đều nở nụ cười thật đẹp. Đó là phần ôn tập bằng lời. Đến ôn tập bằng chính chữ viết thì các em được gọi lên bảng viết câu trả lời. Những chữ Việt đơn sơ như cánh bướm màu được những bàn tay nhỏ thả ra một cách thành thạo, tự tin.Tôi vẫn thấy nhiều cánh tay đưa lên và những nụ cười. Các em tham gia sôi nổi ở phần ôn tập bài cũ cho người quan sát cái cảm tưởng các em có học ở nhà và có sự quan tâm giúp đỡ của phụ huynh. Khi cô giáo trình bày trước mắt các em bài học mới thì lớp học có lắng đọng vài phút để nghe cô giáo đọc và cắt nghĩa những chữ mới. Phụ huynh có vẻ cũng rất quan tâm. Cách ráp vần có cái gì hơi khác với mấy mươi năm trước ở quê nhà. Cùng học với con để về nhà hướng dẫn con học và làm bài tập.

Ở phần tập đọc, cô giáo chẳng những áp dụng vào bài những chữ mới học mà còn lồng vào những ý tưởng nhằm mục đích giáo dục; chẳng hạn như cách giao tế hàng ngày qua những câu đối đáp thông thường. Các bài tập đọc còn ẩn chứa ý tưởng về đạo đức, về văn hóa, về lịch sử nước nhà. Mỗi bài một ý nhỏ. Mỗi tuần một ít. Dần dà qua những bài tập đọc ngắn, thường là dưới 200 chữ , các em biết sự tích Con Rồng Cháu Tiên, biết về nước Việt Nam, biết sự tích bánh dày, bánh chưng, biết vua Quang Trung đại phá quân Thanh như thế nào, biết cách hỏi thăm ông bà qua điện thoại, biết viết thiệp chúc Tết, vv...Chính mắt nhìn những em 5, 6 tuổi lần mò đọc từng chữ rồi từng câu tiếng Việt mới thấy các em cố gắng tới chừng nào. Những em lớn thì đọc trôi chảy hơn và thích thú hơn khi biết ý nghĩa của những câu trong bài tập đọc. Như em Nguyễn Cẩm Tú chẳng hạn. Em là một học sinh lớp 2, đọc và nói trôi chảy, chữ viết rất đẹp, 2 năm theo học, không vắng mặt ngày nào. Em nói em rất thích đi học lớp Việt Ngữ vì theo em thì lớp học giúp em nói tiếng Việt dễ hơn và nhiều hơn. Hai anh em Hoàng Công Đức, 16 tuổi, và Hoàng Công Đô, 11 tuổi cùng học một lớp thì thích đến lớp để học nói và viết tiếng Việt mà những năm còn nhỏ hai em không có dịp. Còn mẹ của học sinh Trần Anh Khoa, 8 tuổi, đã đưa con đến lớp liên tục 3 năm nay. Hỏi lý do, chị nói là ở nhà thật khó mà dạy vì lý do này, nọ; hơn nữa vào đây các em có nhiều sinh hoạt hữu ích.


Những sinh hoạt hữu ích mà một phụ huynh vừa nhắc là 3 phần kế tiếp của một giờ học: Cùng hát, cùng nghe kể chuyện và cùng làm thủ công hay tô màu. Tới đây thì tôi có cảm tưởng đây là một buổi sinh hoạt hướng đạo: Người phụ trách dạy hát hôm nay là anh Trương Xuân Hưng. Anh Hưng trạc ngoài ba mươi, thường xuyên tình nguyện đến lớp dạy hát cho các em. Phong cách của anh như một huynh trưởng hướng đạo. Cái khéo của anh là anh biết dùng nhạc của một bài hát sinh hoạt cộng đồng ngắn với lời hát được thay bằng các từ ngữ vừa mới học. Cũng những chữ đó các em vừa nghe cô giáo đọc, rồi các em tự đọc, kế tiếp các em phát âm đúng những chữ ấy qua dòng nhạc, có bỗng trầm qua các dấu bằng, sắc, hỏi, ngã, nặng. Nhà em có nuôi một con chó. Sáng nó kêu gấu gấu, trưa nó kêu gâu gâu, chiều nó kêu gầu gầu.Sau khi các em nắm tay vui chơi với bài hát, các em được nghe một lần nữa những chữ mới học, qua lời kể chuyện của một phụ huynh. Anh Đào Việt Lân là người kể chuyện hôm nay. Anh cũng trạc ba mươi, là con của một giáo sư mà chắc có nhiều người còn nhớ: GS Đào Văn Dương, cũng là tác giả của nhiều bộ sách toán. Anh Lân cư ngụ cách lớp học độ 1 giờ lái xe. Mỗi tuần cả hai vợ chồng anh đưa đứa con 5 tuổi đến lớp, đều đặn. Chuyện kể của anh Lân hôm nay cũng gồm một số từ ngữ các em vừa học. Các em nghe lại chính những chữ đó để theo dõi câu chuyện. Rồi sau đó các em thi nhau trả lời các câu hỏi dựa theo nội dung câu chuyện. Giọng kể chuyện hấp dẫn, phát âm chuẩn, rõ ràng, câu chuyện vui, gay cấn với chữ nghĩa quen thuộc khiến các em hăng hái trả lời. Công việc cuối cùng của các em lớp 1 hôm nay là tô màu. Có lẽ cô giáo chủ ý áp dụng cách giáo dục Lặp đi lặp lại (Repetition) nên ở phần này, các em gặp lại và tô màu những vật vừa mới học như chiếc lá, cái lọ... Giai đoạn cuối của lớp học là các em đứng xếp hàng trước mặt cô giáo, trình diện tác phẩm mới tô màu xong, đọc lại một chữ đã học trên bảng; cô giáo khen từng em và cho mỗi em một món quà (sách kể chuyện hay sách tô màu...) do các em chọn. Các em cám ơn rồi cúi đầu chào cô giáo ra về.

3.TẤT CẢ LÀ TỪ NHỮNG TẤM LÒNG

Giờ học đã chấm dứt nhưng sao tôi thấy mình chưa hết suy nghĩ về lớp học ấy. Thật sự thì tôi đã có cái suy nghĩ nầy từ lâu lắm rồi. Từ một câu trả lời cả mấy tháng trước.

Hôm đó tôi có dịp trò chuyện với Giáo sư Hồ Đắc A-Trang, là phu nhân của thầy tôi, sau những lời thăm hỏi thông thường, tôi bỗng buột miệng:
-Vậy chớ chừng nào cô mới về hưu?
-Chưa đâu! Cô còn thích công việc nầy lắm!

Câu trả lời gọn, rõ ràng nhưng đã làm tôi sững sờ. Tôi đang mong hết sức cái ngày mình được về hưu non, phủi tay gác kiếm. Tôi đã làm ba, bốn công việc từ hơn hai mươi lăm năm nay, không thấy thích một công việc nào. Vậy mà một người đã qua cái tuổi hưu trí, các con đã an thân an phận, không bận tâm nhiều về vấn đề tài chánh mà vẫn chưa muốn nghỉ, lại còn bảo là yêu công việc mà cô đang làm từ tháng Tư năm 1999, thì hỏi sao tôi không thắc mắc. Đó cũng là lý do vì sao tôi có mặt ở đây, hôm nay. Tôi đến để quan sát lớp học Việt Ngữ. Và qua lớp Việt Ngữ, tôi đã không còn thấy cái thắc mắc của mình, mà tôi đã thấy những tấm lòng.

Cô giáo A-Trang đang hào hứng dạy từng bài học vỡ lòng, đang nhỏ nhẻ sửa từng tiếng nói, săn sóc từng cử chỉ của những em bé Việt Nam, khác hẳn với những cô học trò 17, 18 mà cô đã dạy từ mấy mươi năm trước ở quê nhà. Ít ai biết cô đã từng là Đệ Nhứt phu nhân của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH, từng là giáo sư Đồng Khánh từ năm 1960, rồi giáo sư Gia Long từ 1964. Tấm lòng của một nhà giáo sau bao cơn dâu bể vẫn còn đầy để san sẻ cho những em bé nhỏ nơi đây. Niềm tin yêu vẫn còn ấm để góp phần hun cho hạt thóc Việt Nam nảy mầm. Có lần cô tâm sự là vào năm 1992, khi mới sang Mỹ đoàn tụ với các con đã vượt biên qua Mỹ những năm trước, buổi sáng còn lạ lẫm trong phòng khách của căn nhà mới, vợ chồng cô nghe đứa con trai: “Good Morning ba mẹ” một cách rất tự nhiên. Con thì nói tiếng Mỹ tự nhiên, nhưng cha mẹ thì không cảm thấy tự nhiên chút nào. Đã có cái gì không được như ý. Cô nói mình đã từng gắn bó với chuyện học hành của các con, chăm nom, dạy dỗ, đưa đón từng đứa; nhiều khi cũng phải thức khuya học bài với con. Vậy mà khi các con sang đây, xa cha mẹ mấy năm, hình như chúng cảm thấy dùng tiếng Mỹ dễ hơn tiếng Việt. Một người bạn ở đây lâu năm đã kể với cô là mấy năm trước, con gái ông khi theo học một trường đại học lớn đã đối diện với một sự thật khá đau lòng: Tại một buổi lễ quan trọng của trường, khi cô gái đứng trong hàng ngũ của các sinh viên người Mỹ thì bị mời sang đứng bên hàng ngũ những sinh viên gốc Á. Từ đó cô gái biết rằng mãi mãi cô sẽ không là người Mỹ, cũng không được coi là người Mỹ. Và sau đó cô gái sang một nước Á Đông (thời đó chưa có bang giao Mỹ - VN) để học tiếng Việt và văn hóa Việt để được mãi mãi là người Việt, biết đọc, biết viết và biết văn hóa Việt. Cô giáo A-Trang không muốn các con cô và bao nhiêu trẻ em Việt Nam khác phải gặp cảnh trái ngang như vậy. Cô biết cô làm được vì khi đứa trẻ có chút vốn liếng tiếng Việt, có một chút hiểu biết về văn hóa mình thì dù cho có một giai đoạn nào đó nó hoàn toàn Mỹ hóa thì cũng có lúc nó quay về với cội nguồn. Cô đã thấy những quyển tiểu thuyết của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong căn nhà của cặp sợ chồng vừa qua tuổi bốn mươi dù rằng họ đã ở Mỹ từ khi hơn mười tuổi. Ở đại học đã có nhiều sinh viên VN học các tín chỉ văn hoá Việt, đã có những Vietnamese Speaking Clubs, vv...

Cô nói là cô yêu nghề, nhưng tôi thấy chính thật là cô đang yêu những đứa trẻ Việt Nam đang trôi trên dòng sống thế giới. Trôi nhưng phải có một bến bờ Việt Nam để tấp vào. Cô muốn những đứa trẻ Việt Nam trước hết phải có tinh thần ham học tiếng Việt và văn hóa Việt để giữ truyền thống. Làm được việc này chắc chắn không thể thiếu những học sinh ham học Việt ngữ và văn hóa Việt, không thể thiếu những phụ huynh như những người đang ngồi ở đây.

Ngoài những lớp học như vừa kể, cô A Trang còn lo tổ chức những buổi thuyết trình do những nhà giáo dục, những giáo sư tiến sĩ...với sự tham dự của nhiều phụ huynh học sinh qua các đề tài như: Chuẩn bị cho con em vào đại học như thế nào, Vai trò của cha mẹ đối với con cái, Giúp trẻ học giỏi tiếng Việt, Làm sao cho con thành công ở học đường, vv...Cô A-Trang còn tổ chức những buổi lễ hội truyền thống để thầy trò cùng phụ huynh sống với những tập tục cổ truyền lâu đời của dân tộc mình, như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Lễ ra trường với Chứng chỉ Tốt nghiệp do Giám Đốc Thư Viện cấp.

Ở đây tôi cũng thấy tấm lòng của những bậc cha mẹ. Gác lại ngày nghỉ cuối tuần, họ đưa đón con cái hàng tuần, cùng học hành với con, họ khuyến khích các con không bỏ sót một buổi học nào. Họ không biết có người đang thấy hai mẹ con kín đáo nhìn nhau mỉm cười khi đứa con đọc đúng một chữ Việt. Không biết đó là điều nên mừng khi hôm nay tôi thấy toàn những phụ huynh trẻ, có lẽ chưa quá bốn mươi? Một chị nói chị rất may mắn khi biết được có một lớp học như vầy. Từ lời phát biểu này, tôi đã có một câu hỏi với cô A-Trang trước khi tạm biệt:

-Cô nghĩ sao nếu có sự phát triển những lớp như vầy tại những thư viện khác trong thành phố?
-Đó là điều rất nên. Và cần phải có NGƯỜI.

Tôi hiểu ý của cô. Người dạy và người học. Tôi ra về với một câu hỏi mới trong đầu: NGƯỜI? NGƯỜI ĐÂU? Người chắc không thiếu nhưng sợ thiếu MỘT TẤM LÒNG.

Trần Bang Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét