Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Điều Tiếu Lệnh 調笑令 - Vi Ứng Vật


Lời phi lộ

“Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” là đề tài của một bài hát cùng tên của Phạm Duy & Ngọc Chánh mà Con Cò giao duyên với bài từ 調笑令 Điều Tiếu Lệnh của Vi Ứng Vật.

1/ Bài hát Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang  - Phạm Duy & Ngọc Chánh

Lời của bài hát

Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời
Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời
Ngựa phi như điên cuồng
Giữa cánh đồng dưới cơn giông
Vì trên lưng cong oằn
Những vết roi vẫn in hằn

Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình
Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình
Ân tình mở cửa ra với mình
Ngựa hoang bỗng thấy mơ
Để quên những vết thù

Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục
Dòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt
Ngựa hoang quên thù oán căm
Từ nơi tối tăm về miền tươi sáng

Ngựa hoang về tới bến sông rồi
Cởi mở lòng ra với cõi đời
Nhưng đời ngựa hoang chết gục
Và trên lưng nó ôi
Còn nguyên những vết thù

Bài hát được sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1960, lúc cuộc nội chiến ở thời kỳ ác liệt nhất. Nghĩa bóng của lời ca rất hàm súc, được hiểu tùy theo suy tư của mỗi người. Con Cò nghĩ rằng có lẽ tác giả ví vết thù trên lưng ngựa hoang với vết thương trên lưng dân Việt, một vết thương, cho đến khi chết, sẽ không thể nào lành được.

 
 
2/ Bài thơ  調笑令 Điều Tiếu Lệnh - Vi Ứng Vật

Sơ lược tiểu sử & văn nghiệp của Vi Ứng Vật

Vi Ứng Vật là người Trường An (nay là Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây) Đời Đương Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông được bổ làm chức Tam vệ lang, được ra vào cung cấm. Sau ông thi đỗ tiến sĩ, được cử làm Thứ sử Trừ Châu, Giang Châu rồi Tô Châu; được dân chúng rất mến phục. Năm 92 đời Đường Đức Tông (ở ngôi: 780-805), Vi Ứng Vật mất, lúc ấy ông khoảng 55 tuổi.

Sinh thời, tính ông chuộng nghĩa hiệp, có lúc cuồng phóng, nhưng cũng rất cao khiết, mỗi lần đi đến đâu, ông cũng cho quét sạch đất, đốt hương rồi mới ngồi. Ông không thích giao du rộng, bạn thơ chỉ có Lưu Trường Khanh, Cổ Hướng, Thích Hiệu Nhiên; và ông thường ví mình với Đào Tiềm. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, thì Vi Ứng Vật thuộc phái "tự nhiên" trong lịch sử thi ca đời Đường.
Thi tập của ông (đều lấy tên là Giang Châu hoặc Tô Châu) gồm 10 quyển, hiện còn lưu truyền.

Vi Ứng Vật có cuộc sống khá khác thường, lúc đầu thì buông thả, về sau lại nhún nhường, ham đọc sách, rồi trở thành một viên quan thanh liêm, hiểu thấu nỗi cực khổ của dân. Hai lối sống cực đoan đó đã ảnh hưởng tới tính phức tạp trong tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của ông .

Nguyên bản     Dịch âm

調笑令              Điều Tiếu Lệnh*

胡馬 胡馬         Hồ mã, Hồ mã,
遠放燕支山下  Viễn phóng Yên Chi sơn hạ.
咆沙咆雪獨嘶  Bào sa bào tuyết độc tê,
東望西望路迷  Đông vọng tây vọng lộ mê.
迷路迷路          Mê lộ, mê lộ.
邊草無窮日暮 Biên thảo vô cùng nhật mộ…

Chú giải

* Điều tiếu lệnh: Là một thể Từ đặc biệt (Từ phẩm) thường có 6 câu. Câu đầu có 4 chữ. 3 câu kế có 6 chữ. Câu thứ 5 có 4 chữ. Câu kết có 6 chữ. Những thi hào thời Đường như Vương Kiến, Đái Thúc Luân, Phùng Duyên Kỷ, Tần Quán… cũng có thơ dưới tiêu đề này.
Yên Chi: Tên vùng núi ở Nội Mông, nơi biên phòng trọng yếu của Trung quốc thời cổ.
Bào: gầm thét, gầm gừ.
Độc: một mình.
Tê=tư: hí (ngựa)
Vọng: trông ngóng.
Mê: lạc lối.

Dịch nghĩa
Điều Tiếu lệnh

Ngựa Hồ. ngựa Hồ
Phóng xa tắp trong vùng núi Yên Chi
Hí vang dội trên sa mạc tuyết phủ
Ngóng đông ngóng tây như lạc đường
Lạc đường, lạc đường
(Trên) Đồng cỏ nơi biên thuỳ mênh mông lúc chập tối

Dịch thơ
Điều Tiếu lệnh

Ngựa Hồ. ngựa Hồ
Vùng núi Yên Chi xoải vó
Hí vang sa mạc tuyết phủ
Ngóng đông ngóng tây lạc đường
Lạc đường, lạc đường,
Đồng cỏ biên thùy chiều đổ…

Bài từ thuộc thể tỷ, rất súc tích và tượng hình.
Nghĩa đen:
Tác giả thương cho số kiếp của ngựa Hồ; suốt đời xoải vó trong vùng núi Yên Chi; gầm gừ trên sa mạc phủ đầy tuyết; lúc cuối đời (nhật mộ: cuối ngày), thì ngóng đông ngóng tây, rồi lạc đường trên đồng cỏ mênh mông nơi biên thùy Hồ - Hán.

Nghĩa bóng:
Tác giả muốn nói tới những người lính trấn giữ biên cương giữa trung quốc và Rợ Hồ (các nước mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương). Họ sống suốt đời tại một vủng chỉ có đồi núi, gió cát và tuyết, rồi tới cuối đời thì bơ vơ trên những đồng cỏ rộng mênh mông (Chiến tranh tại nơi đó kéo dài triền miên trong hai ngàn năm)

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Nguyên tác:     Phiên âm:
調笑令-韋應物 Điều Tiếu Lệnh - Vi Ứng Vật

胡馬,胡馬,   Hồ mã, Hồ mã,
遠放燕支山下.  Viễn phóng Yên Chi sơn hạ.
咆沙咆雪獨嘶   Bào sa bào tuyết độc tê,
東望西望路迷.  Đông vọng tây vọng lộ mê.
迷路,迷路,  Mê lộ, mê lộ.
邊草無窮日暮.  Biên thảo vô cùng nhật mộ.

Vi Ứng Vật làm bài Điều Tiểu Lệnh với 2 kỳ như được đăng trong sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 28 Tạp Khúc Ca Từ 御定全唐詩卷二十八 雜曲歌辭
Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 890 Lý Cảnh Bá Nhất Thủ Hồi Ba Nhạc 御定全唐詩卷八百九十李景伯一首囘波樂.

Kỳ 2:

河漢,河漢,     Hà hán, hà hán,
曉掛秋城漫漫  Hiểu quải thu thành mạn mạn.
愁人起望相思, Sầu nhân khởi vọng tương tư,
塞北江南別離. Tắc bắc giang nam biệt ly.
離別,離別,  Ly biệt, ly biệt,
河漢雖同路絕. Hà hán tuy đồng lộ tuyệt.

Ghi chú:

Điều tiếu lệnh: còn được gọi là Cung Trung Điều Tiếu 宫中调笑. Chỉ có 3 thi nhân thời Đường làm từ thể này là Đới Thúc Luân, Vi Ứng Vật với 2 kỳ, và Vương Kiến với 4 kỳ. Phùng Duyên Kỷ, người thời Ngũ Đại và Tần Quán, người BắcTống cũng có làm từ thể đặc biệt này. Thể bài có 32 chữ chia 6 câu. Ngoài số chữ nhất định trong mỗi câu (4, 6, 6, 6, 4 và 6), thể này còn có một số đặc điểm:

Câu 1 và 5 có 2 chữ kép lập lại
Hai chữ trong câu 5 là đảo ngược hai chữ cuối của câu 4
Câu 1 và 2 vần trắc
Câu 3 và 4 vần bằng
Câu 5 và 6 vần trắc.

Với thể từ đặc biệt, ta không ngạc nhiên có rất ít người làm và là một thử thách lớn cho ai muốn dịch theo thể nguyên thủy.
Hồ: thời cổ đại chỉ các dân tộc vùng Tây Bắc Trung Hoa
Hồ mã: ngựa nuôi ở đất Hồ, quân lính của người Hồ. Ẩn dụ cho lòng thương nhớ quê hương vì ngựa Hồ, mỗi khi gió bắc thổi, thì ngẩng cao đầu hí dài thảm thiết.
Viễn phóng: tự do, không bị kềm chế
Yên Chi: tên ngọn núi ở Nội Mông. Vào thời nhà Đường, nơi đây giáp với người Đông Thổ và là nơi biên phòng trọng yếu, gần Vạn Lý Trường Thành cổ, nay thuộc huyện Sơn Đan, thành phố Trương Dịch, tỉnh Cam Túc.

Ngựa Hồ được thi nhân dùng để nói lên hình ảnh người lính biên thùy. Cả ngày người và ngựa sống trong cảnh cô đơn, gian khổ, buồn chán… Ngày tháng năm trôi qua. Xuân thu cát bụi, hè cỏ xanh, đông tuyết phủ…

Ngựa Hồ đây không phải là ngựa của người Hồ hay ngựa hoang. Chúng là ngựa chiến được thả rong khi không có chiến tranh và khi cỏ tốt tươi.

Dịch thơ:
Ngựa Hồ

Ngựa Hồ, ngựa Hồ lừng danh!
Yên Chi đồng cỏ bao quanh núi đồi.
Cát bay, tuyết phủ, hý thôi!
Nhìn qua nhìn lại, ôi thôi! mịt mờ.
Lạc đường, đường lạc đâu ngờ,
Ngày tàn, biển cỏ giấc mơ tuyệt vời.

Phí Minh Tâm
***
Bài Nhạc ÔC chọn kỳ này là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, thật hay và gợi nhiều cảm xúc.
Lời bản nhạc, theo BS, thì vết thù trên lưng ngựa chính là vết thù trên lưng người dân miền Nam, do đám xăm lược gây nên... Đám dân lành này thường mơ một ngày thanh bình, nhưng ngày đó lại chính là ngày đau thương, tang tóc... Bài nhạc như một lời tiên tri cho số phận của miền Nam.

Ngựa Hồ, ngựa Hồ,
Nơi núi Yên Chi soải vó,
Gào cát, gào tuyết một mình,
Ngóng đông, ngóng tây lạc lối,
Lối lạc, lối lạc,
Bờ cỏ mênh mông chiều tối.

Bát Sách

***
Điều Tiếu Lệnh Kỳ 1

1-

Hồ mã, Hồ mã
Dưới núi Yên Chi rong thả
Gào cát, gào tuyết hí vang
Đông ngó, tây ngó lạc đường
Đường lạc, đường lạc
Bạt ngàn cỏ biên, ngày nhạt!

2-

Ngựa Hồ cõi bắc thong dong
Yên Chi dưới núi thả rong lũng vàng
Cát gào, tuyết thét hí vang
Đông dòm, tây ngó lìa đàn bơ vơ
Lạc đường, mê lộ sững sờ
Cỏ biên bát ngát sương mờ chiều buông!

Điều Tiếu Lệnh Kỳ Nhị

Hà hán, hà hán,
Hiểu quải thu thành mạn mạn.
Sầu nhân khởi vọng tương tư,
Tắc bắc giang nam biệt ly.
Ly biệt, ly biệt,
Hà hán tuy đồng lộ tuyệt.

Điều Tiếu Lệnh Kỳ 2

Sông Hán, sông Hán
Thành thu sáng treo tản mạn
Người buồn khởi biết tương tư
Sông Nam, ải Bắc biệt ly
Ly biệt, ly biệt
Sông Hán tuy cùng, đường tiệt

Vi Ứng Vật làm 2 bài từ theo thể Điều Tiếu Lệnh, bài kỳ 1 đã dịch như trên; nay nhân lúc hưỡn dịch luôn bài kỳ 2 theo bản của anh Phí Minh Tâm đã dẫn:

 Điều Tiếu Lệnh Kỳ Nhị

Hà hán, hà hán,
Hiểu quải thu thành mạn mạn.
Sầu nhân khởi vọng tương tư,
Tắc bắc giang nam biệt ly.
Ly biệt, ly biệt,
Hà hán tuy đồng lộ tuyệt.

 Điều Tiếu Lệnh Kỳ 2

Sông Hán, sông Hán
Thành thu sáng treo tản mạn
Người buồn khởi biết tương tư
Sông Nam, ải Bắc biệt ly
Ly biệt, ly biệt
Sông Hán tuy cùng, đường tiệt


Điều Tiếu Lệnh của Vương Kiến:

Cũng theo anh Tâm thì Vương Kiến có làm 4 bài Điếu Tiểu Lệnh mà cách đây hơn hai năm LB đã phỏng dịch được hai bài Đoàn Phiến (kỳ 1) và Hồ Điệp (kỳ 2)

Điều tiếu lệnh 調笑令: tên từ điệu, tên khác là Cung trung điều tiếu宮中調笑, Chuyển ứng khúc 轉應曲, Tam đài lệnh 三臺令. Hai bài từ này của Vương Kiến còn gọi là Cổ Điều Tiếu 古調笑, khác với Điều Tiếu Lệnh của Tống từ sau này.

Điều Tiếu Lệnh, Vương Kiến kỳ 1 & 2:

1/
Đoàn phiến,
Đoàn phiến,
Mỹ nhân bệnh lai già diện.
Ngọc nhan tiều tụy tam niên,
Thùy phục thương lượng quản huyền.
Huyền quản,
Huyền quản,
Xuân thảo chiêu dương lộ đoạn.

Kỳ I

Cây quạt
Cây quạt
Giai nhân yếu đau che mặt
Ba năm tiều tụy dung nhan
Ai đâu bàn đến sáo đàn
Đàn sáo
Đàn sáo
Chiêu Dương đường đầy xuân thảo!!


2/
Hồ điệp,
Hồ điệp.
Phi thượng kim chi ngọc diệp,
Quân tiền đối vũ xuân phong.
Bách diệp đào hoa thụ hồng.
Hồng thụ,
Hồng thụ.
Yến ngữ oanh đề nhật mộ.

Kỳ II

Bướm đẹp,
Bướm đẹp
Lượn trên cành vàng lá biếc
Hầu vua, múa đối gió lay
Đào hoa trăm lá đỏ cây
Cây đỏ
Cây đỏ
Yến oanh ngày tàn kêu rộ


Lộc Bắc
***
Ngựa Hồ

Ngựa Hồ, ngựa hỡi,
Vùng núi Yên Chi phóng tới,
Bốc cát, vượt tuyết hí dài,
Ngó đông nhìn tây lối sai.
Sai lối, sai lối,
Cỏ tái mênh mông chập tối.

Mỹ Ngọc 
Apr. 24/2022.

Sông Hán

Sông Hán, sông Hán,
Sớm chiếu thành thu sáng lạn.
Người buồn cảm thấy nhớ nhau,
Ải bắc sông nam biệt sầu,
Sầu biệt sầu biệt,
Sông Hán đường cùng lối kiệt.

Mỹ Ngọc
Apr. 24/2022
***
Bầy ngựa chiến ruổi rong mài miệt
Hí vang trời bão tuyết âm u
Đồng hoang cát thổi ù ù
Đông tây vọng ngóng mịt mù lối đi
Chiều tà cỏ ngút biên thùy


Yên Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét