Trong bài "Gõ Lên Cánh Cửa Thời Gian" viết tháng 6 năm nay, chị Trần Mộng Tú (1943), một “Trưng-Vương Khung Cửa Mùa Thu“, kể lại chuyến đi thăm hai cây đại thụ của nền văn chương Việt Nam Cộng Hòa: Linh Bảo và Doãn quốc Sỹ. Viết Linh Bảo trước, vì bà là phái nữ, chứ thật ra bà mới .. 95 tuổi, nhỏ hơn ông Doãn quốc Sỹ 3 tuổi (98t)!
Nhà văn Linh Bảo thì tôi đã có dịp đề cập đến tháng 4 năm rồi, qua bài “Những Cánh Diều“. Chỉ xin nhắc lại, bà là chị ruột của nhà-văn-thi-sĩ Minh Đức Hoài Trinh và là bạn thân của nhà văn Nguyễn thị Vinh trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Chính bà Vinh đã đưa bản thảo cuốn “ Gió Bắc “ của người bạn Linh Bảo cho nhà văn Nhất Linh đọc. Kết quả là ông Nhất Linh viết thư ngay ( 29/05/1953 ) cho bà Linh Bảo , đề nghị một chút sửa đổi. Và quyển “ Gió Bấc “ không phải Bắc) đã được nhà Phượng Giang của " Văn Hóa Ngày Nay " xuất bản ngay năm đó . Có thể nói , bà Nguyễn thị Vinh là người khám phá viên đá quý Linh Bảo và Nhất Linh đã biến nó thành một viên ngọc đắt tiền ! 1961 , hai truyện ngắn " Áo Mới " và " Người quân tử "của bà Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút quốc tế Luân Đôn chọn là 2 trong 26 truyện ngắn hay nhất thế giới!
Nếu bà Linh Bảo thuộc nhóm Tự Lực (Văn Hóa Ngày Nay) thì ông Doãn quốc Sỹ là một trong những người sáng lập ra nhóm Sáng Tạo . Văn Hóa Ngày Nay và Sáng Tạo là hai nhóm “ văn chương ” nổi tiếng thời Đệ Nhất Cộng Hòa . Năm 1962 , trong 3 giải thưởng văn chương toàn quốc , ngoài giải nhất “ Thềm Hoang “ của Nhật Tiến ( nhóm Văn Hóa Ngày Nay ) , hai giải nhì đồng hạng là “ Tàu ngựa cũ “ của Linh Bảo và “ Gìn vàng giữ ngọc “ của Doãn quốc Sỹ . Bà Linh Bảo định cư tại Hoa Kỳ từ trước 1975 . Ông Doãn quốc Sỹ bị tù CS 2 lần , tổng cộng 14 năm ! Là một nhà giáo , không mang trên vai sao bạc , sao vàng nào nhưng ông bị “ tù “ nhiều hơn cả một số tướng , tá miền Nam . Cũng bởi vì ông sống như cái tên của ông : Sỹ , một kẻ “ Sỹ “ ( Sĩ ) uy vũ bất năng khuất; sống như tên một tác phẩm của ông : “ Gìn Vàng Giữ Ngọc “! Vàng là tấm lòng ông , Ngọc là tư cách ông.
Trong cuốn Văn Học số 31 ( 8/1988 ): số đặc biệt về nhà văn Doãn quốc Sỹ , có bài “ Doãn quốc Sỹ , người anh khả kính “ của anh Nguyễn mộng Giác . Anh Giác kể lại “ … Tôi hỏi thăm ông về những năm tháng ở trại Gia Trung, nhân tiện hỏi hư thực về tin đồn bên ngoài bảo rằng từ khi bị bắt, Doãn Quốc Sỹ cương quyết quay mặt vào tường, tọa thiền diện bích, từ chối không trả lời những câu hỏi của cán bộ chấp pháp. Ông cười, rồi nói : - Anh em ở ngoài vì thương nên đồn đãi như vậy. Mình ở trong tay họ, làm vậy có ích gì! Cái cốt yếu là giữ được tư cách dù ở trong tay họ “.
Giữ được tư cách . Nói thì dễ nhưng làm thì khó biết bao , nhất là trong ngục tù CS ! Tôi không biết ông Tú Mỡ Hồ trọng Hiếu , một trong “ thất tinh “ của Tự Lực Văn Đoàn thời tiền chiến , bố vợ ông Doãn , sau 30/4 , có gặp gia đình cô con gái đầu (bà Doãn) di cư 54 không? Nếu có, ông có (dám) kể lại với ông con rể về cái kinh nghiệm mấy chục năm “ nín thở qua sông “? Dường như ông Tú Mỡ mất chỉ vài tháng sau khi CS tung chiến dịch bắt giam văn nghệ sĩ miền Nam ( trong đó có ông Doãn ) tháng 2 / 1976 ?!
Hiện nay (7/2021) nhóm chủ lực viết cho “ Văn Hóa Ngày Nay “ (của Nhất Linh ở miền Nam), sau khi ông Duy Lam qua đời (2/2021) , thành viên cuối cùng Tự Lực Văn Đoàn là ông Tường Hùng (? / tôi không có tin gì về ông ! ) và bà Linh Bảo ( cộng tác ) . Hai ông Duy Lam và Tường Hùng đều là cháu ruột nhà văn Nhất Linh . Cũng như nhóm Sáng Tạo ( thành viên ) chỉ còn hai ngườ : Doãn quốc Sỹ , LS Trần thanh Hiệp ( ? ) và nhạc sĩ Cung Tiến ( cộng tá ).
Có lẽ do “ cái tôi là cái đáng ghét “ nên trước 75, nhiều người , nhất là người Bắc di-cư , nói chuyện hay xưng “ chúng tôi“ (nous / we) thay cho “ tôi “ . Cô Bắc kỳ Tú viết:" .. Chúng tôi được hưởng bao nhiêu điều tốt đẹp từ hai vị tiền bối này. Từ cái đẹp của tâm hồn, tới cái đẹp của văn chương .. “ . " Hai Lúa " Tây kỳ như tôi ( tôi ghét nhất chữ “ đồng bằng sông Cửu Long “ . Nghe, vừa …” lòng thòng”, vừa … “quê” ) đọc câu này thì cứ nghĩ y như câu viết: “ chúng tôi “ (nous , we)!
Vâng, chị nói đúng lắm, thưa chị Tú, thế hệ "chúng ta " ( chào đời thập niên 40s , 50s ) có cái may mắn là đã được thừa hưởng “ bao nhiêu điều tốt đẹp từ hai vị tiền bối này “ , cũng như từ các “ cây bút miền Nam “ khác ." Từ cái đẹp của tâm hồn, tới cái đẹp của văn chương ..“. Chỉ cái tên tác phẩm của hai vị thôi đã cho chúng ta thấy điều đó . Từ : Gió Bấc , Chiếc áo nhung lam , Tầu ngựa cũ , Những đêm mưa ..vv của bà Linh Bảo cho đến: Gìn vàng giữ ngọc, Chiếc chiếu hoa cạp điều, Người Việt đáng yêu, Khu rừng lau, Mình lại soi mình … vv
Ngược lại, những người cùng thế hệ chúng ta nhưng không may mắn “phải “ sống ngoài Bắc (như bài viết “ Sài Gòn giải phóng tôi “ của nhà văn Nguyễn quang Lập / sanh năm 1956 ) , những gì mà đa số các cây bút tiền chiến đã để lại cho họ , những: Nguyễn công Hoan (Nông dân và địa chủ " ( 1955 ) , Người cặp rằng hầm xay lúa ở Côn lôn " (1960 ), Tô Hoài(Thành phố Lênin ( 1961 ) , " Tuổi trẻ Hoàng văn Thụ ( 1971 ) , Xuân Diệu ( Mũi Cà Mau - Cầm tay ( 1962 ) , Một khối Hồng ( 1964 ) ..) ,Chế Lan Viên (" Thăm Trung quốc" ( 1963 ) , "Bác về quê ta" ( 1972 ), vv , là sự cúc cung phục vụ Đảng , sáng tác theo chỉ thị , đánh hội đồng những đồng nghiệp dám chỉ trích Đảng (nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, Trăm Hoa)!
Riêng ông Doãn, từ tác phẩm đầu tay cho đến lúc thoát ra hải ngoại , dù sau bấy nhiêu năm tù đày , giọng văn của ông vẫn đầy tánh nhân bản, vẫn “ yêu đời yêu người “.
Tôi muốn thêm, nói một cách tổng quát, rằng : chúng ta đã thừa hưởng được 21 năm nền giáo dục ( đúng nghĩa ) Cộng Hòa, những “ tiên học lễ, hậu học văn “, “ chị ngã , em nâng “, “ bầu ơi thương lấy bí cùng “, “ giấy rách phải giữ lấy lề “, “công cha như núi Thái Sơn “, " ăn trái nhớ kẻ trồng cây " ..vv
Và tôi cám ơn 21 năm “trời cho“ chúng ta đó!
Chị Tú ví von: hai nhà văn Linh Bảo và Doãn quốc Sỹ như hai viên đá quý được cất trong cái hộp rất cũ , giấu trong một ngôi nhà không vững chắc . Cá nhân tôi thì hiểu : cái hộp cũ là nền văn- chương- miền- Nam -21-năm , ngôi nhà là tuổi đời hai vị. Chuyện phải tới . Rồi sẽ tới. Chỉ biết là tên tuổi họ , tác phẩm họ , tư cách họ, sẽ luôn được người đời trân trọng.
Cám ơn chị Trần Mộng Tú. Chị đã “ gõ lên cánh cửa thời gian“, đã đẩy nó ra, để tôi được theo chị, bước vào ngôi nhà tuyệt vời này. Ở đó, có những vị tiên tóc trắng chuyện trò với những nụ từ bi.
Sự hiện diện của những người như bà Linh Bảo và ông Doãn quốc Sỹ, cần thiết cho chúng ta biết là bao nhiêu. Không chỉ vì họ là tấm gương sáng , mà còn là những điểm tựa tinh thần cho chúng ta trong cái tuổi đang “ xa dần ... bình minh “ này !
Những người năm xưa đó
Vẫn tìm nhau, bây giờ
Bao “ đổi đời ” khốn khó
Lòng trúc vẫn trơ trơ
Chia nhau " tầu ngựa cũ "Giữa " khu rừng lau " thưa
Cửa thời gian tay gõ
Người thơ gặp người mơ
" Mai sau dù có bao giờ "
Những con chữ đó không nhòa giấy hoa!
BP
26/07/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét