Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Phiếm Về Chuyện Làm Thơ


Sao bỗng dưng mình thấy thèm viết một đoản văn, thèm vô cùng, muốn viết cái gì đó để giải cơn khát, nhưng lại chưa biết phải viết gì.
Đang bí lối, chợt thằng cháu chạy đến hỏi:
- Nội ơi, sao con thấy bây giờ có nhiều người làm thơ quá, mà phần nhiều là người lớn tuổi không hà! Trong đó có Nội nữa phải hông?
À há có rồi, có đề tài rồi. tôi quay qua đứa cháu:
- Con nói cũng đúng, nhưng giờ thì khoan, đợi nội viết bài này xong mới trả lời con nghen.

Làm Thơ

Thời gian thừa mứa tập tành thơ
Tứ bảo văn phòng sẵn đợi thơ
Cắn bút lim dim tìm ý lạ
Giấy buồn ngơ ngác chẳng ra thơ
Cháu con thấy ngộ bu ông nội
Bà xã cười châm ổng nhập thơ
- "Tất cả xê mau đừng léo nhéo
Um sùm như thế khó làm thơ"
(Quên Đi)

Thế là tôi cặm cụi moi những hiểu biết tạp nhạp ra và bắt đầu viết.
Làm thơ! tại sao có rất nhiều người thích làm thơ, nguyên nhân nào khiến giới làm và yêu thơ nở rộ như lời đứa cháu vừa nói?
Nói đến nguyên nhân thì rất nhiều, tùy mỗi người mỗi cảnh. Riêng tôi thì có những nguyên nhân sau:
- Yêu thích thơ
- Ngôn ngữ Việt vốn đã là thơ, nên chuyện làm thơ không khó.
- Thời gian rảnh rỗi, giải buồn lúc nhàn hạ
- Có thêm nhiều bạn qua thơ...
- Tôi quan niệm thơ hay hoặc dở không lệ thuộc nhiều vào thời gian gia nhập làng thơ, mà ảnh hưởng từ trí tưởng tượng phong phú, nhất là năng khiếu, cách sử dụng ngôn từ... Miễn thơ làm người đọc cảm nhận được ý của mình, làm rung động lòng người, hợp với tâm trạng người đọc là được rồi.

Đó chính là những điều khiến tôi thích làm thơ.
Không biết Quý vị thế nào, chứ tôi hồi còn chập chững thơ với thẩn, bị bạn học chọc quê mỗi khi gặp mặt:"ê chào thi nhân; thi gia hay thi sĩ ".

Thú thật thấy cũng ngượng, vì tự nghĩ mình đâu xứng đáng gọi như vậy. Thế nhưng khi nghe anh mình giải thích: "Mấy danh từ đó đại khái cũng có nghĩa tương tự như nhau, ý nói là người làm thơ thôi. Khi một người làm được một vài bài thơ thì gọi như vậy cũng không có gì là quá đáng".

Mình nghiệm lại những danh từ dùng chỉ người làm thơ như: Thi nhân (詩 人) : người làm thơ. Thi sĩ (詩 士 ): người làm thơ nhưng có ăn học. Thi gia ( 詩 家) : nhà thơ. Thấy cũng chẳng có gì sai lắm.
Từ đó về sau, tôi không còn mắc cỡ khi bị bạn bè gọi là thi sĩ.

Trở lại vấn đề.
Có những người yêu thơ, thích làm thơ từ thuở còn cắp sách đến trường, nhưng cũng có nhiều người mãi đến gần cái tuổi sồn sồn, hoặc cổ lai hy mới làm quen với thi ca, mới tìm hiểu và chập chững làm thơ. Và khi hiểu biết về thơ khá nhiều đi đến bình thơ...
Do đó, người làm thơ ngày càng đông, qua thơ kết bạn, dần dà hình thành nhóm, câu lạc bộ, hội...

Cũng từ tình trạng xuất hiện quá nhiều "Nhà Thơ Tài tử, Nghiệp dư...", trong đó, có nhiều người không còn nhớ hay chưa biết luật thơ, đã cất công tìm kiếm, học hỏi nguyên tắc làm thơ. Với nhu cầu tìm hiểu về luật của các thể, loại thơ như thế, người đi trước, rành về Thơ, đã đưa lên Internet những hiểu biết về luật thơ cho người mới tập làm. Đây là một điều rất tốt, giúp thơ ngày càng phát triển mạnh, và chúng ta có một sân chơi thú vị.
Tuy nhiên điều gì cũng có mặt trái của nó, tất cả những gì đăng trên trang mạng chưa hẳn là chính xác hoàn toàn, mà xảy ra trường hợp thừa thiếu, đúng sai lẫn lộn, chẳng những thế, có một số người, nghĩ ra thêm một số luật lệ, cấm kỵ... cho thơ, rồi đăng lên mạng, đôi lúc khiến người muốn tìm hiểu như lạc vào chốn mê cung, không biết tin điều nào.

Trước đây, từ vua, quan đến hàn sĩ ...đều đã làm quen với thơ từ thuở nhỏ, thường làm thơ để tỏ rõ quan điểm cũng như nỗi lòng từng giai đoạn của cuộc đời.
Như :
Trần Thánh Tôn người có sáng kiến triệu tập Hội nghị Diên Hồng, tỏ rõ khí khái mình:
 
Nhất đàn chỉ phá vạn trùng sơn (một cái búng tay, phá hàng chục ngàn quả núi)
Giá cá công phu dã thị nhàn.(việc làm đó cũng dễ dàng thôi)
 
Hay là quan tâm đến triều thần
 
Nhất đại công danh thiên hạ hữu, (Công danh một thời thiên hạ còn có)
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô. (Trung hiếu cả hai triều vua thì thế gian không hề)

Một lòng lo cho dân cho nước, làm nhiều hưởng thụ ít:

Chép miệng dăm ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời
(Lê Thánh Tôn)

Còn với quan lại thì tỏ rõ khí phách thao lược...
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
 
Hay nguyện một lòng vì nước
 
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
(Nguyễn Công Trứ)

Rồi đến hàn nho

Van nợ lắm khi tràn nước mắt.
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi...
)Trần Tế Xương)

Than duyên phận

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa, nên chăng chớ
Một tháng đôi lần, có cũng không...
(Hồ Xuân Hương)

Tức cảnh sanh tình

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
(Bà Huyện Thanh Quan)

Không chịu kém, giới bình dân tay lấm chân bùn cũng ra tài thơ thẩn:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...

Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đanh...

Trên trời có đám mây xanh
Chính giữa mây trắng chung quanh mây vàng...

vân ..vân...và... vân..vân.

Người Việt mình là thế đấy, từ vua cho chí dân, từ giàu sang quyền quý cho đến cùng đinh mạt vận, đều là "Thi Nhân" cả.
Vì vậy chúng ta cũng đừng ngạc nhiên tại sao ai cũng có thể trở thành nhà thơ. Trong khi từ bản chất mỗi người Việt đã sẵn là một nhà thơ rồi.
Chuyện Làm Thơ

Mần thơ cũng thú lắm thay
Như đang kéo lại tháng ngày đã qua
Cái thời ong bướm vờn hoa
Cái thời mơ mộng chuyện ta với người
Cái thời chưa đến đôi mươi
Cái thời hai đứa vui cười bên nhau
Cái thời chưa nghĩ trước sau
Cái thời cứ mãi khát khao chuyện lòng.
***
Mần thơ đâu phải chuyện đùa
Đủ mùi đủ vị cay chua ngọt bùi
Nhiều khi thao thức tới lui
Những đêm cúp điện tối thui cũng mần
Đứng ngồi suy nghĩ phân vân
Nặn tim vắt óc bao lần chẳng xong
Phải chăng chữ đã đi rong
Khiến mình viết mãi khó hòng nên câu
***
Mần thơ đâu phải chuyện chơi
Nhiều khi dạ cũng rối bời như tơ
Lây quây ngẩn ngẩn ngơ ngơ
Ý tuy đã sẵn chỉ chờ vần gieo
Tiếc rằng từ vựng lèo tèo
Tứ thì một ngả nghĩa theo một đường
Làm thơ chớ khá khinh thường
Dù hay dù dở nhúng nhường đổi trao
***
Mần thơ cái thú an nhàn
Tâm hồn thoải mái ngập tràn tình thân
Làm thơ kết bạn xa gần
Đông tây nam bắc mượn vần kết giao
Làm thơ là thú thanh tao
Mỗi khi thi hứng nôn nao cả lòng
Hương lành gió mát trăng trong
Này này mặc khách sao không bút đề.
(Quên Đi)
Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét