Phạm Đình Hổ (chữ Hán: 范廷琥, 1768-1839) tên chữ là Tùng Niên (松年), Bỉnh Trực (秉直), hiệu: Đông Dã Tiều (東野樵), tục gọi là Chiêu Hổ. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn và nhà thơ của Việt Nam ở khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.
Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Sinh trong một gia đình khoa bảng, cha ông là Phạm Đình Dư, đậu cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, thăng Tuần phủ Sơn Tây, rồi cáo quan về ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) năm Giáp Ngọ (1774).
Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí rằng: Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...[1]. Tuy học & đọc nhiều sách (năm 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ (tức tú tài) vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.
Gặp buổi loạn lạc, vua Lê Chiêu Thống cho người chạy sang cầu viện nhà Thanh, rồi triều đình Lê Trịnh sụp đổ, nhà Tây Sơn lên cầm quyền... Suốt quãng thời gian này, Phạm Đình Hổ sống đời cơ hàn dạy học ở quê.
Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử; ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Tại đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Năm Canh Thìn (1820), có chỉ triệu ông và Phan Huy Chú vào Huế đợi mệnh cất dùng, nhưng vì ốm ông không vào được.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, được vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, sách trước thuật... nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, bèn được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức.
Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ.
Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu luôn. Năm Kỷ Hợi (1839), Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi. Ông để lại rất nhiều bài thơ nổi tiếng, tiêu biểu như các bài sau đây:
歸故園鄉 Quy Cố Viên Hương
斷梗飄蓬歲兩周, Đoạn ngạnh phiêu bồng tuế lưỡng chu,
衰瓢重作故鄉遊。 Thôi biều trùng tác cố hương du.
叢荊修竹相高下, Tùng kinh tu trúc tương cao hạ,
幽草荒丘半有無。 U thảo hoang khâu bán hữu vô.
征鶩影和朝靄色, Chinh vụ ảnh hòa triêu ải sắc,
孤蟬聲入夕陽秋。 Cô thiền thanh nhập tịch dương thu.
憑欄回想當年事, Bằng lan hồi tưởng đương niên sự,
擬向蒼蒼問故吾。 Nghĩ hướng thương thương vấn cựu ngô.
範廷琥 Phạm Đình Hổ
* CHÚ THÍCH:
- Đoạn Ngạnh: Trong bài Qúa Kim Liên Tự của cùng tác giả, ta đã gặp từ BÌNH NGẠNH 萍梗 là Cánh bèo, nên Đoạn Ngạnh 斷梗 là Bèo rả cánh.
- Thôi Biều: còn đọc là Suy Biều, có nghĩa là Trái bầu héo.
- Tùng Kinh: là Bụi cỏ gai, ý chỉ Cỏ dại. Tu Trúc : là khóm trúc được trồng tỉa cẩn thận.
- U Thảo: là Cỏ mọc thâm u. Hoang Khâu : là Gò hoang.
- Chinh Vụ: là Cánh cò xa xa. Ải Sắc : là Sắc trời buổi sáng sớm, ban mai.
- Cô Thiền: là Tiếng ve cô đơn, lẻ loi.
- Bằng Lan: là Đứng hoặc Ngồi dựa lan can.
- Nghĩ: là Dự định, là Muốn.
- Thương Thương : là Trời xanh.
- Ngô: là Tôi, là Ta, là Tao...
* NGHĨA BÀI THƠ:
Trở Lại Cố Hương
Như bèo rả cánh, ta trôi nổi suốt hai năm tròn, giờ thì như trái bầu đã héo úa tìm về lại cố hương. Đám cỏ gai hoang dại đã cao gần bằng với khóm trúc, và cỏ dại mọc thâm u phủ kín cả gò đất hoang trông như có như không. Cánh cò trắng xa xa chìm vào vầng mây sáng của buổi ban mai, và tiếng ve sầu đơn độc hòa vào trong ánh nắng chiều của buổi tàn thu. Đứng tựa vào lan can mà hồi tưởng lại những việc đã qua của những năm xưa, ta muốn hỏi trời xanh thăm thẳm về những việc của ta ngày ấy (sao lại như thê!).
Xúc cảnh sinh tình, nổi trôi phiêu bạc, vất vả lang thang, tìm về lại cố hương không chút vinh quang mà lại buồn như " trái bầu héo ". Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ! Cỏ gai mọc cao gần bằng khóm trúc, cỏ dại phủ đầy không còn nhận ra được những gò đất của dạo nào; cánh cò đơn lẻ mất hút ở chân trời xa và tiếng ve sầu cô đơn của buổi chiều tàn thu. Cảnh trí và thiên nhiên đều nhuốm vẻ bi ai sầu muộn như tâm sự của kẻ lạc phách sa cơ chưa có được chút thành tựu nào trong sự nghiệp, chỉ còn biết có ngửa mặt than trời !
* DIỄN NÔM:
Trở Lại Quê Xưa
Như bèo rả cánh đã hai năm,
Thất chí quê nhà lại ghé thăm.
Gai mọc trúc tre nào có thấy,
Cỏ lan gò nổng biết đâu tầm.
Cánh cò lẩnkhuất trong mây sớm,
Ve tiếng đơn côi thu nắng râm.
Tựa giậu nhớ về bao chuyện cũ,
Hỏi trời sao lại nở đang tâm!?
Lục bát:
Bèo trôi rả cánh hai năm,
Thất cơ lê bước về thăm quê nhà.
Bụi gai cao lấn tre già,
Gò cao cỏ dại mọc qua khó tìm.
Cánh cò nắng sớm im lìm,
Cô đơn rả tiếng ve thêm não nùng.
Tựa lan can nhớ mông lung,
Hỏi trời sao nở lạnh lùng đời ta !?
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét