Rèn luyện Trí Tuệ nhờ Minh Triết Đông Tây
Lý tưởng muôn đời của con người là Chân Thiện Mỹ, nhưng cái khó là làm sao phân biệt được đâu là Đúng, Sai/ Thiện, Ác/ Đẹp, Xấu và làm sao để tiến đạt sự thật, điều thiện và cái đẹp. Trí tuệ con người có khả năng rút tỉa, đúc kết, từ những điều quan sát được nơi ngoại cảnh để tìm thấy giá trị, phẩm chất của sự vật và con người. Muốn được như thế con người phải hiểu hành trình tư tưởng của chính mình để đạt tới trí khôn toàn vẹn. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà triết gia và tiên tri lỗi lạc há chẳng dạy “khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” Biết đây là biết người, biết ta/ biết đúng, biết sai/ biết thiện, biết ác/ biết đẹp, biết xấu/ biết thiên thời, địa lợi, nhân hòa.Trong bài nầy tôi thử phân tách thật giả, đúng sai, thiện ác. Riêng về đẹp xấu xin dành một dịp khác.
Tất cả mọi sự hiểu biết đều bắt đầu bằng sự quan sát, không những chỉ bằng mắt mà bằng cả 5 giác quan. Tâm lý học về nhận thức ghi nhận thêm giác quan thứ 6 là ý thức để quan sát thế giới nội tại, bởi vì quang cảnh sống của con người bao gồm cả thế giới bên trong và bên ngoài… Từ sự quan sát con người ghi chép, mô tả, phân loại các sự vật, các hiện tượng ở trong hai thế giới. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước làm công việc nầy bằng những phương tiện mà thế hệ mình phát minh được.
Sau sự quan sát, phương tiện thứ nhì là sự học hỏi và ghi nhớ. Nếu không ghi nhớ thì mọi kiến thức đều tan biến, trả lại thầy và mỗi thế hệ đều phải học lại từ đầu những gì mà thế hệ trước biết làm để sinh tồn giống như loài thú vật.
Nhưng nếu dừng ở đây thì kiến thức của chúng ta chỉ là kiến thức sách vở, từ chương, kiến thức của người khác, nếu chúng ta không biết suy nghĩ, giải đáp những vấn nạn còn tồn đọng của các thế hệ trước. Vậy thì phương tiện thứ ba là suy tư, lý luận để phát minh, phát kiến.
Tới đây cũng chưa đủ phải đem những suy nghĩ của mình đặt thành giả thuyết để đem ra thực nghiệm hay đưa vào phòng thí nghiệm. Bao giờ thí nghiệm thành công thì giả thuyết trên trở thành một nguyên lý, một thủ đắc mới cho nhân loại. Thí nghiệm có thể chỉ xãy ra trong đầu óc của một thức giả hay một thiền gia. Như một Newton nhìn thấy trái táo rơi đã tìm ra được định luật “hấp dẫn của vũ trụ” hay một Huệ Năng khi chứng nghiệm “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” đã liễu ngộ. Đó là quí vị nầy đã trải nghiệm quá trình tư duy hay thực hành thiền cho đến độ chín mùi để trí tuệ bừng sáng, chứng ngộ sự thật. Như vậy mức độ hiểu biết thứ tư do trực giác
Tóm lại chúng ta có 4 tầng tri thức (hiểu biết)
- Tri thức do quan sát : thức tri
- Tri thức do học hỏi, ghi nhớ : tưởng tri (perception)
- Tri thức do suy tư : tuệ tri
- Tri thức do trực giác : giác tri
QUAN SÁT 🡪 HỌC HỎI GHI NHỚ 🡪 SUY TƯ 🡪 TRỰC GIÁC
(Thức tri) (Tưởng tri) (Tuệ tri) (Giác tri)
Tầng tri thức sau tùy thuộc tầng trước và mỗi tầng có những điều kiện của nó. Nếu tầng trước sai thì các tầng sau cũng sai luôn.
1)- Những điều kiện của tri thức do sự quan sát
Muốn có được 6 tri thức do giác quan một cách rõ ràng, chính xác, thì phải có những điều kiện sau đây:
①chú tâm tỉnh giác;
②có đối tượng xuất hiện trước 6 cửa giác quan;
③6 giác quan phải toàn vẹn, không hư hỏng;
④mỗi giác quan có những điều kiện đặc biệt của nó, như :
-ánh sáng đối với mắt (mắt không nhìn thấy trong đêm tối) ;
-không gian đối với tai (âm thanh không truyền được trong chân không);
-chất ở thể khí đối với mũi ;
-chất hòa tan trong nước đối với lưỡi;
-chất có đặc tính cứng/mềm, nóng/lạnh, chuyển động/ bất động đối với xúc giác ;
-năng lực tinh thần đối với não bộ (énergie mentale).
Khi hội đủ 4 điều kiện trên thì một trong 6 cảm giác sẽ xuất hiện. Kết quả là chúng ta có 6 loại cảm giác cảm nhận qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
2)- Những điều kiện của tri thức do sự học hỏi ghi nhớ:
- 4 điều kiện ở tầng trên
- ngôn ngữ phải chính xác và thống nhất, nghĩa là được chấp nhận bởi cộng đồng cùng tiếng nói
- được dạy đúng
- học đúng, hiểu đúng
-trí nhớ tốt
-không bị chứng mất nhận thức (agnosie)
Kết quả là chúng ta có các loại Tri giác qua các cảm giác. Tri giác là sự diễn dịch các cảm giác thành ý nghĩa, tên gọi. Nhờ tri giác ta có thể định danh các sự vật, sự kiện, hiện tượng.
3)Những điều kiện của tri thức do suy nghĩ:
-những điều kiện ở 2 tầng trên.(nếu ta học không đúng, hiểu không đúng, hoặc nhớ sai thì dĩ nhiên sự suy nghĩ cũng sai)
-Không có những sai lầm của tư duy và lý luận (xem phần sau)
-Không chấp vào một ý kiến duy nhất, mà ý kiến này là một tà kiến, nghĩa là không dựa trên thực tại hay trên sự thật chân đế (vérité ultime)có tính cách phổ quát
-Biết lý luận dựa trên những điều kiện nhân, duyên, quả...
Kết quả là chúng ta sẽ có những tư duy phản biện được phân tích, đánh giá về 1 sự vật hay sự kiện. Chúng ta có thể định nghĩa sự vật qua 1 ngôn ngữ nào đó (hoặc tìm được 1 tiếng đồng nghĩa trong một ngôn ngữ khác). Chúng ta có thể phân tích bản chất của sự vật qua hình tướng hay cách biểu hiện của nó. Chúng ta có thể đặt sự vật trong một hệ thống phân loại nào đó (hoặc trong nhiều hệ thống phân loại khác nhau). Và sau cùng chúng ta có thể biết tương quan nhân quả của nó với những yếu tố liên hệ; cái gì sinh ra nó và nó sinh ra cái gì?
4)-Ở tầng tri thức do Trực giác:
Mục tiêu của khoa học là đạt tới những kiến thức có tính các trừu tượng, toàn diện và phổ quát (universel) về thực tại. Do đó nhà khoa học phải trải qua những diễn trình :
-Quan sát, mô tả những yếu tố ghi nhận được.
-Đo lường, phân loại sắp xếp các yếu tố tùy theo sự liên hệ với một phạm trù (catégorie) hoặc sự liên hệ giữa chúng với nhau.
-Giải thích làm sáng tỏ những liên quan hợp lý với những kiểu mẫu lý thuyết.
-Đưa ra những giả thuyết về đối tượng nghiên cứu.
-Kiểm chứng các giả thuyết bằng cách đem ra thực nghiệm.(xem sơ đồ phụ bản)
«Một nhà khoa học hoàn toàn phải bao trùm cả lý thuyết và thực nghiệm» (Claude Bernard)
Về phần các thiền gia, sau khi đã học hỏi giáo pháp của Đức Phật, đã suy nghĩ luận giải trên những phương pháp của chư vị thiền sư, rồi đặt mình trong những điều kiện thích hợp nhất để thực hành thiền. Họ phải nắm vững phương pháp hành Thiền Quán với những bước tiến bộ đo lường được :
- làm sao để thiết lập chánh niệm, tỉnh giác để quan sát Thân và Tâm,
- rồi duy trì liên tục sự quan sát ấy trên 4 đề mục: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
- làm sao để phân biệt Thiện và Bất thiện (xem phần sau)
- làm sao để khắc phục 5 trở ngại.(Hoài nghi, uể oải, hôn trầm, phóng tâm, tham sân)
- làm sao để làm quân bình 5 năng lực tinh thần (Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ)v.v...
Sau khi thực hành những bước tu tiến như trên, sẽ có ngày Trí Tuệ trực giác sẽ bừng sáng phá tan màn vô minh.(xem sơ đồ phụ bản)
“Một thiền sư hoàn toàn phải bao trùm vừa Pháp học, Pháp hành và Pháp thành”
Trực giác là cái biết tổng hợp sau khi đã thông qua các giai đoạn hiểu biết trên cộng thêm những trải nghiệm thực hành nghiền ngẫm trong tâm hay những thực nghiệm trong các phòng thí nghiệm. Như cái biết của Newton khi nhìn quả táo rơi đã khám phá định luật “hấp dẫn vũ trụ” hay của Archimède khi trầm mình trong bồn tắm đã khám phá định luật “thủy tỉnh học”.
Đến đây ta có một câu hỏi: Thế nào là hiểu đúng? Có 3 mức độ hiểu (compréhension)
a/- Hiểu theo danh từ: nghĩa là theo hình vị (morphème) của chữ viết hay theo hình tướng của sự vật. Cái hiểu nầy diễn tả theo thực tại qui ước (réalité conventionnelle), nghĩa là theo bề ngoài, chưa có sự suy nghĩ sâu sắc bên trong; như cái hiểu của người thư ký đánh máy, thấy sao biết vậy để đánh máy cho trúng mà không cần hiểu ý nghĩa sâu xa, ngầm chứa bên trong.
b /- Hiểu theo sự diễn dịch của người nghe hay thấy. Cái hiểu nầy tùy thuộc trình độ văn hóa và hiểu biết của người đó, đôi khi nó không đúng với ý muốn diễn tả của người nói hay viết và có thể không đúng cả với sự thật nữa. Đây là cái hiểu của người thường hay của một học sinh trung học khi làm phân tích một đoạn văn.
c/ - Hiểu sự vật đúng như nó là như vậy (la réalité telle qu'elle est) hay đúng với ý muốn diễn đạt của tác giả. Đây là cái hiểu của người làm phê bình văn học, phải đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả khi viết bài văn nầy, biết hành trình tư tưởng của tác giả, biết ý muốn của tác giả diễn đạt đàng sau những câu viết và đồng thời phải biết sự thật khách quan của vấn đề.
Về sự hiểu biết ta cũng có 3 mức độ:
Có những nghề nghiệp cần phải có sự hiểu biết rộng, như các bác sĩ toàn khoa để hướng dẫn bịnh nhân đúng theo qui trình định bịnh và trị bịnh. Còn các bác sĩ chuyên khoa cần hiểu biết chuyên sâu về ngành nghề của mình. Riêng các bậc thầy thì phải hiểu biết vừa rộng vừa sâu để giảng dạy và nghiên cứu. Sự hiểu biết sâu rộng là hiểu biết tổng hợp về lịch sử tư tưởng loài người trên một địa hạt nào đó, để thấy sự diễn biến, hành trình tư tưởng con người qua những giai đoạn lịch sử từ sơ khai đến ngày nay, để nhìn thấy những bế tắc và lỗ hổng của nhân loại hầu phát minh những giải đáp.
Những phương pháp suy luận:
Suy luận bắt đầu bằng sự hiểu biết. Càng có nhiều kiến thức thì lý luận càng sắc bén và chính xác. Lý luận cũng dựa trên ngôn ngữ, ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc và đúng với ngữ pháp (văn phạm). Cho nên phải học, học phải hỏi, hỏi để hiểu, hiểu để nhớ, nhớ để không lầm lẫn, không nói càng nói bậy, để hành động hợp lẽ phải và xứng đáng với phẩm cách con người.
Có nhiều pháp lý luận:
a- Pháp Qui nạp (induction): lý luận qui nạp đi từ những nhận xét cá thể riêng biệt để đi tới một kết luận tổng quát. Thí dụ : con quạ ở VN màu đen, quạ ở Phi châu màu đen, quạ ở Âu châu màu đen, vậy tất cả quạ trên thế giới đều màu đen.
b- Pháp Suy diễn (déduction) : lý luận suy diễn đi từ một ý tưởng tổng quát để đưa ra những đề nghị riêng biệt. Như Tam Đoạn Luận của Aristote (Syllogisme)
Tất cả con người đều chết
Socrate là người
Vậy Socrate cũng chết
c- Pháp Loại suy (suy diễn giả thuyết,abduction ou hypothético-déduction) : theo triết gia C.S. Peirce là lối suy luận bẩm sinh của con người, có khả năng đưa ra những giả thuyết khác hơn những gì quan sát được, thường là những điều không thể quan sát trực tiếp được, nhưng có thể giải thích những sự kiện hay hiện tượng muốn nghiên cứu.
d-Pháp So sánh: lý luận nhằm nhấn mạnh những điểm giống nhau hoặc khác nhau của 2 sự vật, 2 sự kiện, 2 con người…với điều kiện là phải so sánh những gì có thể so sánh được.
e- Pháp Phân tích: đi từ cái tập hợp tổng thể phân chia dần tới các đơn vị chi tiết. Thí dụ từ bộ phận –> mô –> tế bào –> nhân –> bào tương –> thành phần cấu tạo của nhân và bào tương.
f- Pháp Tổng hợp: nhằm đưa ra một ý tưởng tổng quát hoặc một ý niệm khái-quát-hóa (conceptualisé)bao trùm các đơn vị chi tiết. Thí dụ : khái niệm Toàn-cầu-hóa bao gồm tất cả những sinh hoạt kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa...
g- Pháp Phê phán: vạch ra những điểm yếu, những sai lầm hoặc những điểm mạnh, điểm hay của đối phương, của sự việc.
h- Pháp Biện chứng: lý luận cân nhắc giữa những luận cứ tốt, thuận lợi hoặc những dữ kiện xấu, bất lợi cho một vấn đề.
i- Pháp Ngụy biện (sophisme) : lý luận dựa trên những dữ kiện không xác đáng, không có thật hoặc lý luận ba phải nói hàng hai.
j- Pháp Bác bỏ: đưa ra những dữ kiện phi lý hoặc những hậu quả tai hại của giải pháp hay ý tưởng đó để bác bỏ nó.
k- Pháp Nhượng bộ: chấp nhận một phần những luận cứ của đối phương nhưng lại đưa ra những luận cứ đối nghịch khác để bác bỏ phần còn lại.
l- Đức Khổng Tử đưa ra 4 phép Tử tuyệt: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã: (Luận ngữ IX,4)
-vô ý: là xét việc gì thì không đem ý riêng (hoặc tư dục) mà cứ theo lẽ phải
-vô tất: là không cả quyết rằng điều đó tất đúng, việc đó tất làm được
-vô cố: không cố chấp
-vô ngã: quên mình đi, không để cho cái ta làm mờ ám (hoặc không ích kỷ, bất vụ lợi)
m- Triết học Phật giáo còn đưa ra quan điểm phân tích sự vật xuyên qua cách nhìn Nhân, Duyên, Quả của nó :Nhân khi hội đủ Duyên (điều kiện)sẽ sinh ra Quả.
Để giải thích bản thể của các sự vật và chúng sinh trong vũ trụ Phật giáo đưa ra hai nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ.
1- Duyên Sinh hay thuyết “Thập Nhị Nhân Duyên” nói về 12 yếu tố chủ yếu liên quan Nhân, Quả với nhau để hoàn thành diễn trình sinh tử, tử sinh của chúng sanh trong vòng luân hồi. Nguyên lý nầy có thể được phát biểu như sau:
“Khi cái nầy có, cái kia có
Khi cái nầy không có, cái kia không có”
Thập Nhị Nhân Duyên là 12 khoen xích trói chặt con người trong vòng sanh tử luân hồi : Vô Minh => Hành => Thức => DanhSắc => Lục Nhập => Xúc => Thọ =>Ái => Thủ => Hữu => Sanh => Lão Tử ( => Vô Minh…).
2- Duyên Hệ: là nguyên lý đề cập một cách rốt ráo chi tiết giữa hai yếu tố có thể là vật chất hay tinh thần, khái niệm hay chân đế (réalité); đồng thời còn cho biết đặc tính của sự liên hệ giữa hai yếu tố : không gian, thời gian, tương sinh, tương khắc, hổ tương, sức mạnh, tương đồng, tương phản, có mặt, vắng mặt, lập lại, nhân quả…
Có tất cả 24 điều kiện, có thể được phát biểu một cách tổng quát như sau :
Khi cái nầy không có, cái kia có
Cái sinh sau trợ duyên cho cái sinh trước (hoặc ngược lại)
Cái yếu trợ duyên cho cái mạnh (hoặc ngược lại)
Nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ đưa ra những điều kiện chánh yếu và phụ thuộc để đưa tới một kết quả như lâu nay ta vẫn thường nói mà không đưa ra chi tiết : phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cũng như khi nấu cơm, chúng ta phải kể hết những yếu tố : gạo, nước, nồi, lửa… Nếu người nông dân không sản xuất gạo thì tất cả những yếu tố khác đều vô ích. Nguyên lý Duyên Sinh cốt cho thấy cái yếu tố căn bản ở đây là gạo. Con nguyên lý Duyên Hệ bổ túc các yếu tố phụ còn lại.
Những sai lầm trong lý luận
+ “Cả vú lấp miệng em”: dùng uy quyền, vị trí trên trước của mình đưa ra những lý lẽ của kẻ cả để áp đảo người khác mặc dù họ có lý hơn mình. Hoặc mượn tên tuổi của những nhà bác học nổi tiếng, những danh nhân để làm chỗ dựa cho lý lẽ của mình.
- Các nhà nho xưa hay dùng câu “Khổng Tử viết” nhưng không đưa ra chứng cớ viết ở sách nào.
- Các nhà sư hay nói “Đây là lời của Phật” nhưng chính là lời của những vị ấy.
- Có những bản kinh ra đời mấy trăm năm sau khi Phật nhập diệt mở đầu bằng câu “Ta là Ananda có nghe như vầy…” làm như bản kinh được viết ra trong thời Phật còn tại tiền.
Chúng ta có thể dẫn chứng lời nói của một nhân vật nổi tiếng với những điều kiện sau:
- Phải nêu rõ xuất xứ của lời nói đó.
- Nhân vật đó có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm trong địa hạt được nói tới không?
- Các chuyên gia trong địa hạt nầy đều đồng ý về cùng một vấn đề (vấn đề không còn bị chia rẽ bởi nhiều phe).
- Tên tuổi của nhân vật đó được nêu rõ, không được nêu ra một cách mơ hồ.
+ “Vơ đủa cả nắm” : đưa ra vài chứng cớ riêng lẽ nhưng kết luận gán cho toàn thể. Thí dụ : gặp vài con buôn ở chợ Saigon lỗ mãng đưa ra kết luận là tất cả con buôn VN đều lỗ mãng.
+ Lý luận lưỡng-phân (hay Nhứt chín, Nhì bù) : như là chỉ có 2 giải pháp, hai tình huống duy nhất. Thí dụ : nếu anh không theo tôi, anh là kẻ thù của tôi. Nếu anh không tin nơi Thượng Đế, anh là kẻ duy vật
+ Suy diễn hàm hồ, võ đoán : đưa ra những lý lẽ không dựa vào những bằng chứng vững chắc, không có tham khảo, qui chiếu (référence) (như chụp mũ, dán nhãn hiệu…)
+ Phóng đại hóa : chuyện nhỏ vẽ ra to (như 1 lỗi nhỏ của 1 người, vẽ ra to để kết tội người đó)
+ Giảm thiểu hóa : chuyện to xé ra nhỏ (như 1 thất bại lớn của 1 chánh sách đưa 1 con dê tế thần để đền tội)
+ Duy ngã : “ta là cái rốn của vũ trụ”, tất cả mọi lý lẽ đều qui về mình, có lợi cho mình.
“Khi yêu trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”
+ Cá nhân hóa : mọi lỗi lầm đều đổ cho 1 người hay cho chính mình rồi tự làm khổ.
+ Loại bỏ thiên vị : chỉ ghi nhận những khía cạnh xấu mà bỏ đi những khía cạnh tốt.
+ Tấn công cá nhân : thay vì phân tích những lý luận của người ấy để phản bác.
Thí dụ:
a- Cậu còn trẻ quá chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm sao nói chuyện với ‘Qua’ được (Coi chừng tài không đợi tuổi)
b- Trong quá khứ bạn đã nhiều lần ngụy biện, giờ đây không biết thảo luận với bạn có ích lợi gì không.
+ Nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hậu quả
Khi thấy hai sự kiện xãy ra trước sau: A xãy ra trước B, tưởng rằng A là nguyên nhân, B là hậu quả. Trong khi sự tương quan nhân quả giữa A và B chưa bao giờ được chứng minh, công nhận.
+ Nhầm lẫn giữa nhận xét và phê bình:
- Phê bình: đưa ra những đánh giá về giá trị tốt hay xấu theo quan điểm của người phê bình.
+ Nhầm lẫn giữa bản chất và hình tướng :
- hình tướng: dáng dấp, hình dạng, thể hiện bề ngoài.
+ Nhầm lẫn giữa ngụy biện và ngộ biện :
-Ngộ biện: lý luận sai lầm nhưng không cố ý (paralogisme)
Sau khi đã trưởng thành trong sự hiểu biết và suy luận, giờ đây ta tập nhận diện, phân biệt Thiện/Ác, Thật/giả, Đúng/sai
PHÂN BIỆT THIỆN VÀ BẤT THIỆN
Trước hết chúng ta xem Khổng Giáo nói gì về Thiện và Ác. Khổng giáo đã cho chúng ta nhiều nguyên tắc sống đạo đức mặc dù các nhà văn-hóa-học không xem Khổng giáo là một tôn giáo vì thiếu nhiều yếu tố trong 5 tiêu chuẩn sau đây:
-Đối tượng của đức tin nầy như Thượng Đế hay Đức Phật hoặc nhà Tiên Tri
-Một hệ thống giáo lý thành văn
-Cơ sở thờ tự và nghi thức cúng lễ
-Một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp như sư vãi…
Tất cả triết thuyết của Khổng Tử đặt nền tảng trên nguyên tắc Chính Danh, Nghĩa là tên gọi (danh) phải phù hợp, phải đúng với sự thật. Nếu không người khác sẽ không hiểu hoặc hiểu sai và lời nói của mình sẽ không thuận, không đúng ; từ đó lý luận sẽ không hợp lý, mọi việc sẽ không thành, các nghi lễ, phép tắc, luật pháp không định được, xã hội sẽ hỗn loạn. Về lý thuyết , Chính Danh có tính cách luận lý (logique) phù hợp với khoa học nhận thức ngày nay, nghĩa là giữa tri giác (perception) và thực tại phải là một, phù hợp với ngôn ngữ chế định của một cộng đồng xã hội. Về phương diện ứng dụng Chính Danh có tính cách đạo đức, nghĩa là muốn đạt được điều Thiện thì phải chính trực
Theo Luận ngữ XII,11:"Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử » nghĩa là « vua làm đúng nghĩa đạo vua, bề tôi đúng nghĩa đạo bề tôi, cha đúng nghĩa đạo cha, con đúng nghĩa đạo con". Đó là Chính Danh. Chính Danh thì thân phải chính mà ngôn cũng phải chính nữa. Phải siêng năng về việc làm, thận trọng về lời nói (mẫn ư sự, thận ư ngôn- I,14)
Lý tưởng của đạo Khổng là trở thành một Đại Nhân, Quân tử. Muốn thế thì phải học, Khổng Tử rất yêu thích sự học, ông học suốt đời : học để làm sáng tỏ cái Đức sáng, để cải hóa người khác, để cố gắng tìm kiếm sự tuyệt thiện (Minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện- sách Đại Học) .
Để tiến đạt đến danh vị Quân tử, Đức Khổng đưa ra phương cách thực hành : cách vật—> trí tri—> thành ý—> chánh tâm—> tu thân—> tề gia—> trị quốc—> bình thiên hạ.
-Trí tri: hiểu sâu xa cái mình biết
-Thành ý: hình thành một ý hướng, một suy tư vững chắc
-Chánh tâm: trau dồi tâm thức trở nên chính trực
-Tu thân: rèn luyện Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín
-Tề gia: gìn giữ tốt đẹp « phu thê cang, phụ tử cang », sự liên hệ anh em bạn bè
-Trị quốc: ra giúp nước, gìn giữ « quân thần cang »
-Bình thiên hạ: đem lại an lạc thái bình cho quần chúng, ra ngoài phạm vi quốc gia.
Thực hành 8 tiến trình trên, chắc chắn con người sẽ trở thành thiện hảo, một Đại nhân Quân tử. Chúng ta có thể đối chiếu với Đạo Phật, nhưng lý tưởng tột cùng của Phật Giáo là sự giải thoát, nó mang 4 sắc thái:
-Khỏi những phiền muộn, khổ đau
-Khỏi những quan kiến sai lầm
-Khỏi vòng sanh tử luân hồi (Niết Bàn)
Chư Phật 3 đời đều dạy con người, muốn giải thoát phải thực hành 3 điều : làm lành (bố thí, phục vụ…), lánh dữ (giữ gìn giới luật), Thanh lọc tâm (tham thiền). Trên con đường thực hành 3 điều trên con người phải biết phân biệt thế nào là Thiện và Bất Thiện (ác). Bởi vì có thể bố thí hay hành thiền mà không đúng cách với một tâm ý không trong sạch sẽ là một trở ngại không nhỏ.
Thiện là những yếu tố hổ trợ, giúp đở ta tiến bước dễ dàng trên con đường giải thoát. Bất Thiện là bất cứ nghịch duyên do tư tưởng, lời nói hay hành động làm ngăn trở sự tu tiến của ta. Và Tâm lý học PG đưa ra 5 tiêu chuẩn bao gồm trong điều Thiện như sau :
-Có lợi ích cho cá nhân và tập thể,
-Có tính cách khôn ngoan sáng suốt
-Không làm cho bậc thiện-trí phiền trách, tự mình cũng không ăn năn hối tiếc
-Có kết quả là an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người.
Thế nào là điều Bất Thiện: BT trái với định nghĩa trên đây về điều Thiện, nhưng bản thể của nó không ra ngoài Tham, Sân, Si. Đôi khi chúng mang những tên gọi khác nhau tùy theo ngữ cảnh như : phiền não, lậu hoặc, triền cái, chấp thủ, tà kiến…
Để giúp con người thực hiện sự giải thoát, Đức Phật đưa ra Bát Chánh Đạo (con đường với 8 hàng chân chánh) :
2/- Chánh Tư Duy: là những tư tưởng xa lìa tham ái và ngã mạn, sân hận và bạo hành ; những tư tưởng phù hợp với luận lý (logique), với những định luật thiên nhiên và con người.
3/- Chánh Ngữ: là lời nói chân thật, lời nói hòa nhã, lời nói đoàn kết, lời nói hữu ích.
4/- Chánh Nghiệp : là hành động bắt nguồn từ một tư tưởng chân chánh, từ sự hiểu biết các qui luật chi phối con người và môi sinh.
5/- Chánh Mạng: là sự sinh sống bằng nghề nghiệp chân chánh : không buôn bán vũ khí, rượu, ma túy, đồ giả, mãi dâm, trẻ con và nô lệ.
6/- Chánh Tinh Tấn: là sự cố gắng đúng mức để ngăn ngừa và tiêu trừ điều bất thiện, cố gắng đúng mức thực hiện và phát triển điều Thiện.
7/- Chánh Niệm: là sự ý thức hay biết một cách rõ ràng những đối tượng khi chúng xuất hiện trong tâm thức qua 6 cửa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý trong mục đích giải trừ phiến não và giải thoát tâm.
8/- Chánh Định: là sự hợp nhất giữa tâm và đối tượng trong một trạng thái an-xả, nó là kết quả của công phu thực hành Chánh Tinh tấn và Chánh Niệm.
Tới đây chúng ta có thể tạm đối chiếu, tôi xin nhấn mạnh chữ đối chiếu mà không dám nói so sánh, giữa Khổng giáo và Phật giáo :
-Chính Danh: toàn bộ lý thuyết Chính Danh của Khổng giáo có thể đối chiếu với Bát Chánh đạo.
-Cách Vật: có thể đối chiếu với Chánh niệm là sự quan sát một cách rõ ràng chính xác qua 6 cửa giác quan bằng phương pháp Thiền Quán của Phật giáo (khác với phương pháp Thiền Chỉ cũng của PG và một vài tôn giáo khác)
-Trí Tri: có thể đối chiếu với Chánh kiến, « Cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì cho là không biết, ấy là biết » (tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã).
-Thành Ý: có thể đối chiếu với Chánh Tư Duy : ý nghĩ, tư tưởng chân chánh.
-Chánh Tâm: có thể đối chiếu với Chánh Nghiệp vì mọi nghiệp hành (thân, khẩu, ý) đều phát xuất từ tâm ý chân chánh.
-Tu Thân: có thể đối chiếu với Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn.
-Tề Gia: trong bài kinh « Giáo thọ Thi-Ca-La-Việt »(Trường bộ Kinh 31), Đức Phật có giảng những bổn phận của con cái đối với cha mẹ và ngược lại cha mẹ đối với con cái như thế nào. Đồng thời cũng nói đến sự liên hệ 2 chiều đối với vợ chồng, chủ tớ, thầy trò, bạn bè...
-Trị Quốc: trong những câu chuyện Tiền Thân (Jataka I,II,III,V) Đức Phật có nêu lên 10 nhiệm vụ của vua (Thập vương pháp) mà ngày nay có thể áp dụng cho tất cả những người trong chánh phủ từ tổng thống, bộ trưởng, lãnh đạo chánh trị, nhân viên hành pháp hoặc tư pháp…(xem W.Rahula)
-Bình Thiên hạ: đây là ước mơ của Khổng Tử vì ông sống ở cuối thời Xuân thu, Chiến Quốc, một thời đại mà nước Tàu đầy chiến tranh loạn lạc : 36 vụ giết vua, cha con giành ngôi nhau, anh em giết nhau, quan đại thần dụ dỗ hoàng hậu, giết vua chiếm ngôi… Ông mơ ước một Minh Quân có tài đức thống nhất sơn hà, đem chính sách Đức Trị do ông chủ trương ra trị dân để đem lại thái bình trong thiên hạ. Tiếc thay ông không thấy ai có thể làm được như ông nghĩ. Trong 14 năm bôn ba hết nước này qua nước nọ, không một vị vua nào nghe theo ông.
Ngược lại ở Ấn Độ có hoàng đế A Dục sau khi đã thống nhất đất nước, với 1 trận chiến long trời lở đất, ông đã hối hận vì đã gây ra tử vong cho hàng chục ngàn người, ông qui y theo Phật giáo, cai trị đúng theo lời Phật dạy, Ấn Độ được thái bình thịnh trị trong mấy thế kỷ.
Ở nước ta dưới 2 triều đại nhà Lý và nhà Trần, các vua quan cũng trị nước theo đường lối Đức trị của nhà Phật, nên đất nước ta đã trở nên hùng mạnh và đẩy lùi được 3 cuộc xâm lăng của đạo quân Nguyên Mộng, một đạo quân đã đánh chiếm Trung Hoa và đô hộ Hán tộc. Nhà Lý trị vì được 215 năm với 9 đời vua, nhà Trần trị vì được 175 năm với 12 đời vua.
Qua lý thuyết của Khổng giáo và giáo lý của Phật giáo, chúng ta cũng hiểu được một phần nào thế nào là Thiện và Bất Thiện.
PHÂN BIỆT THẬT và GIẢ
- Vật lý: như khối lượng nguyên tử, tinh thể, đồng vị phóng xạ…
- Cơ học : độ mềm, độ vỡ…
- Nhiệt học : độ chảy, độ bốc hơi, độ dẫn nhiệt…
- Điện học : độ dẫn điện…
CÓ SỰ THẬT HAY KHÔNG? NÓ NHƯ THẾ NÀO?
Có nhiều cách định nghĩa sự thật, tuỳ theo quan niệm khác nhau của các trường phái triết học; Có triết gia định nghĩa “chân lý là sự tương ứng giữa một ý tưởng và một thực tại hiện tiền mà sự hiện hữu chứng minh cho ý tưởng đó”, ý tưởng đúng được coi như đã diễn tả thực tại tương ứng trong cách cấu tạo của nó. (Aristote, Bernard Bolzano, Bertrand Roussel). Đây chỉ là định nghĩa của trường phái “Tương Ứng” (correspondantisme).
Trường phái “Liên Hợp nhất quán” (cohérentisme) định nghĩa sự thật không tùy thuộc sự liên hệ giữa ngôn ngữ và thực tại, nhưng tùy thuộc sự liên hệ nhất quán (thống nhất) của các lời phát biểu trong hệ thống các phát biểu (Keith Lehrer).
Trường phái “Thực dụng” định nghĩa sự thật như là tính thích đáng của một điều tin tưởng khi cuối cùng của sự khảo sát nó được phát hiện là hoàn mãn (William James, Ch. S. Peirce).
Triết học là sản phẩm của các triết gia, mà khi đọc tư tưởng của họ ta có cảm tưởng họ là những họa sĩ dùng ngôn ngữ để chấm phá cuộc đời bằng những suy tư lắc léo của họ. Mỗi triết gia có ý kiến riêng. Kẻ đi sau chịu ảnh hưởng ít nhiều của người đi trước và đồng quan điểm trên 1 số vấn đề, nhưng nhiều khi nói ngược cả với ông thầy của mình. Như Aristote chống lại cả ý kiến của Platon là thầy của mình khi ông nói “ý tưởng là yếu tính của sự vật, không thể tách rời với sự vật”. Đối với ông mỗi hữu thể (être) được cấu tạo bởi vật chất và danh thể (ý tưởng, nghĩa là cấu trúc được ý thức biết đến); muốn tìm đến sự thật phải nghiên cứu cái thế giới được cảm nhận (sensible), trong mục đích khám phá những nguyên nhân của các hiện tượng, bởi vì “hiểu biết là hiểu biết các nguyên nhân”. Trong khi Platon lại nói: “ý tưởng (hay danh thể) là những thực tại hoàn hảo, vĩnh cữu, không thay đổi; còn vật thể được cảm nhận chỉ là những bản sao bất toàn. Để tìm đến sự thật (vérité) phải né tránh tìm hiểu về thực tại cảm giác được mà phải chỉ hướng về cái thực tại được tri thức.
Phải chăng đó là truyền thống tự do tư tưởng của Tây phương, khác với truyền thống phục tùng của Đông phương chỉ biết có ông thầy mình, lúc nào cũng Khổng tử nói..Tử viết.Chúng ta học được ở triết học Tây phương phương-pháp học về nhận thức, nhưng không nhận ra được kết quả vì không có sự đồng thuận giữa các triết gia, mỗi người nói lên một khía cạnh riêng biệt mà không ai có được cái nhìn toàn diện để đưa ra một giải pháp. Vả lại địa hạt của triết học quá rộng, chỉ trong vài địa hạt, vài triết gia mới tìm thấy sự tìm hiểu về chân lý: như Bản thể học (ontologie), Luận lý học (logique), Tri thức học (épistémologie)...
Sự thật với Descartes:
Để tìm đến sự thật, ông dùng phương pháp hoài nghi. Ông đẩy mạnh sự hoài nghi cho đến chỗ tận cùng, nghĩa là không còn lại gì để hoài nghi nữa. Ông nghi ngờ những hiểu biết qua cảm giác. Ông nghi ngờ những ý kiến, những dư luận (opinions). Ông đặt nghi vấn về những mệnh đề toán học, mặc dù ông là nhà khoa học đã phát minh ra hình học giải tích. Toán học là điều làm ông say mê “tôi thích thú nhất toán học vì tính cách chính xác và hiển nhiên trong sự phân giải của nó”. Trong tiến trình đi tìm chân lý, ông đưa ra 4 nguyên tắc trong quyển “Luận thuyết về Phương pháp” (Discours de la méthode):
1- Không chấp nhận những gì chưa được xem xét và chỉ chấp nhận như thật những gì đã vượt qua được thử thách của hoài nghi và ông đưa ra tiêu chuẩn của sự thật: “Điều gì xuất hiện một cách rõ ràng và chính xác trong tâm trí tôi mà tôi chưa bao giờ đặt sự nghi ngờ”
2-Phân tách: phải phân tách thành từng yếu tố cấu tạo của một vật thể hay một tư tưởng phức tạp.
3-Tổng hợp: phải xây dựng sự hiểu biết theo một thứ tự nghiêm-túc từ dễ tới khó. Có những vấn đề mà thứ tự đã có sẵn trong thiên nhiên, tâm thức phải tự khám phá mà không áp đặt. Có những vấn đề nhân tạo không có trong thiên nhiên, tâm trí phải sáng tạo để tìm giải pháp chớ không được hành xử một cách vô lối.
4-Kiểm điểm toàn diện, kiểm tra tổng quát.
Với phương pháp luận có vẻ chắc nịch như vậy, Descartes đưa ra chân lý như sao: “Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu”, theo ông “dù tôi có hoài nghi đến đâu đi nữa, tôi phải hiện hữu để có thể hoài nghi”
Ý tưởng nầy ngày nay đã bị các nhà khoa học bác bỏ, theo họ con người hiện hữu trước khi biết suy tư. Hiện hữu trong tiến trình chuyển hóa từ “ông A-dong bà Êva” còn ăn lông ở lỗ hay ở mỗi cá thể từ lúc sinh ra cho tới khi biết suy nghĩ. Và con người hiện hữu với cả thể xác và tinh thần chứ không phải chỉ với tâm hồn như Descartes đã tách rời hẳn cơ thể và tinh thần.
Chân lý thứ hai mà ông xác nhận là sự hiện hữu của Thượng Đế. Ông dùng Thượng Đế để giải quyết một vấn nạn trong lý luận của ông: “một ý tưởng rõ ràng chính xác có thật sự phù hợp đúng với thực tại mà ý tưởng đó ghi nhận không?” Bởi vì Thượng Đế hiện hữu và những ý tưởng bẩm sinh trong sáng đó do ngài tạo ra trong tôi, chúng không thể sai lạc được bởi vì Thượng Đế không thể là kẻ gạt gẩm. Vào thời ông có nhiều học giả phê bình là ông lý luận lòng vòng (cercle argumentatif).
Descartes muốn đưa sự trong sáng mạch lạc của khoa học vào triết học, nhưng ông bị kẹt bởi ý niệm Thượng Đế. Do đó khi các triết gia phó thác chân lý vào tay Thượng Đế thì con người không làm sao nắm bắt được chân lý.
Kịp đến khi Nietzsche xuất hiện, chôn sống Thượng Đế với ý tưởng “Thượng Đế đã chết”, con người được giải thoát khỏi hình bóng của Chúa. Con người được tự do sáng tạo ra ý nghĩa và yếu tính (essence) của đời mình bằng những tư tưởng, lời nói và hành động. Từ đó mở ra con đường triết học Hiện Sinh với nhiều tác giả và triết gia: Karl Jaspers, Martin Buber, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir, Maurice Merleau-Ponty, Gabriel Marcel...
Tư tưởng chủ yếu của Nietzsche là kiến tạo hình ảnh và lý tưởng một Siêu Nhân; cũng như Khổng Tử xây dựng nên người Quân Tử hay Phật giáo một vị Bồ Tát. Đối với Nietzsche cuộc sống con người thể hiện một sức mạnh, một ý chí thực hiện, cương quyết để đưa tới những sáng tạo mới và hủy bỏ những đối thể khác. Do đó ông chống lại Chúa, chống lại các triết gia siêu hình học, các tu sĩ hữu thần đã dâng hiến cả Sự Thật vào tay các thần linh. Ông cho rằng những người nầy vì yếu đuối bất lực đã tạo dựng một thế giới siêu hình (arrière-monde của Platon) “đúng hơn, tốt đẹp hơn” bởi vì họ không thể kiến tạo những giá trị phục vụ cho cuộc sống trong thế giới hiện sinh tại đây. Nietzsche phê bình tất cả những giá trị truyền thống đã xây dựng nên nền văn hóa Tây Phương (những giá trị mà ông so sánh với những thần tượng, những thần linh giả hiệu, faux dieux). Ông bác bỏ cả sự hiện hữu của một cái Ngã duy thức (Cogito) làm điểm tựa cho ý niệm siêu hình về thực tại và chân lý.
Chân lý đối với ông không phải để giải đáp câu hỏi: “ Thế nào là chân lý?” mà là phải giải đáp “Ai là người cần chân lý vĩnh cửu và tuyệt đối?”. Cái chân lý đó ông cho là ảo tưởng và một phần những ảo tưởng nầy do sự sai lầm của ngôn ngữ đã tạo ra những ý niệm siêu hình về sự thật. Theo ông ngôn ngữ đúng hơn là những phương tiện để hành động hơn là để hiểu biết.
Ông cũng không đặt tin tưởng nơi khoa học mà ông cho khoa học chỉ là những diễn dịch ngu xuẩn nhất về vũ trụ thế giới. Khoa học là tàn dư của những ảo tưởng tôn giáo. Giờ đây khoa học cần phải biện minh cho những cứu cánh của mình.
Hành trình tư tưởng của Nietzsche đưa chúng ta tới câu hỏi: “Ai cần đến Chân lý?” hay “Từ đâu chúng ta tin tưởng vào Chân lý?” Lời giải đáp vẫn còn bỏ ngõ. Rồi con người cũng sẽ quên, như dân nước Tây Ban Nha sau trận dịch làm chết hơn 30 triệu người, dân tộc Nga sau tai nạn nguyên tử Tchernobyl, hay dân Nhật sau trận động đất Tsunami, chân lý lại trở thành một ảo tưởng. Nó chỉ hiển hiện với những ai hiểu được giá trị và mục đích của kiếp người.
Chân lý của tôn giáo:
Đối với các tôn giáo hữu thần, chân lý nằm trong tay Thượng Đế, nên con người khó mà đạt được. Chỉ có cách là dọn mình cho trong sạch bằng sự cầu nguyện và đức tin mãnh liệt để có thể hiệp thông với Thiên Chúa mới mong được thiên khải hoặc như trong Đạo Bà-La-Môn dùng thiền định nâng cao Tiểu Ngã (Atman) của con người để thể nhập vào Đại ngã (Brahman), một Hữu-thể tuyệt đối, một Linh-thức tuyệt đối, một Đại-hạnh-phúc tuyệt đối (một ý niệm khác với Thượng Đế của các tôn giáo độc thần). Xưa nay nếu tính ra số người được thiên khải có rất ít: Abraham, Moïse, Mohammed, thánh Paul, thánh Martin, thánh François d'Assise...
Phật giáo là một tôn giáo vừa hữu thần, trong ý nghĩa là PG không phủ nhận sự hiện hữu của các Thiên-thể sống trong những cảnh giới cao thượng, hạnh phúc hơn cõi Dục giới của con người và thú vật, nhưng lại vừa vô thần vì PG không thừa nhận ý niệm Thượng Đế toàn năng và sáng thế.
Vậy chân lý của đạo Phật là gì? “Vạn vật đều vô thường. Không có cái ngã nào chen vào làm chủ vật chất và tinh thần (vô ngã). Khổ là đặc tính chung cho mọi chúng sinh”.Chân lý của PG được phát biểu đầy đủ trong 3 chữ Tứ Diệu Đế (bốn sự thật vi diệu):
-chỉ có một vị mặn cho tất cả đại dương cũng như chỉ có sự Khổ cho tất cả chúng sinh -nguyên nhân của khổ là tham ái -có một trạng thái mà khổ được chấm dứt, đó là Niết bàn -có một con đường để thực hiện sự dứt khổ đó là Bát Chánh Đạo”.
Chúng ta không thể nói sự thật nầy bi quan yếm thế khi mà Đức Phật đã đưa ra giải pháp để làm chấm dứt cái khổ.
Chân lý của Phật giáo có tính cách:
1/- Phổ quát: có giá trị vượt thời gian và không gian. Không phải nó chỉ đúng ở thời của Đức Phật cách đây hơn 2550 năm, mà ngày nay nó không còn đúng. Không phải nó chỉ đúng ở Ấn Độ mà nó không đúng ở Âu Tây. Nhà bác học Einstein đã từng nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là PG. Phật giáo không cần phải xét lại quan điểm của mình để cập nhật hoá với những khám phá mới của khoa học. PG không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học vì PG bao hàm cả khoa học, cũng như vượt qua khoa học (Collected famous quotes from Albert Einstein: http://rescomp,stanford,edu~cheshire/einstein quotes.htm).
2/- Nhân bản: chân lý PG vượt qua khái niệm về Thượng Đế, thiên khải; nó do 1 con người phát hiện và dành cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp, giới tính. Từ con người trở lại cho con người.
3/- Thực nghiệm: nó có thể được chứng nghiệm ngay trong hiện tại với kết quả chắc chắn không cần chờ đợi ở kiếp sau hay trong một thế giới bên kia nào khác với điều kiện trải nghiệm vừa lý thuyết vừa thực hành. Chính Đức Phật đã tuyên bố: “đây là con đường mà Như Lai đã hiểu rõ và trải nghiệm, hãy đến để thử nghiệm chính mình”.
4/- Đặc tính chuyển hoá: chân lý PG có khả năng đưa đến tiêu diệt đau khổ.
Chân lý của Khoa Học:
Đó là một mệnh đề được hình thành bằng những suy tư nghiêm túc từ sự quan sát các hiện tượng, các sự vật và có thể kiểm chứng bằng các thử nghiệm. Do đó nó có thể được các nhà khoa học khác sử dụng trở lại với những thí nghiệm đúng phương pháp khoa học để xác nhận hoặc phủ nhận mệnh đề trên.
Một chân lý khoa học mang những đặc tính sau đây:
a- Khách quan: bắt đầu từ giai đoạn quan sát các sự kiện, phải sáng suốt, trung lập, tách rời ngã chấp.
b- Lý thuyết có thể được khái quát hóa, tổng quát hóa (généralisable) suy rộng hay qui nạp bằng suy luận để đưa ra một mệnh đề hay một công thức làm giả thuyết.
c- Giả thuyết có thể bị bác bỏ (réfutabilité): nhà khoa-học-luận Karl Popper đề nghị là không nên có ước muốn khẳng định một lý thuyết và nên chấp nhận rằng “một chân lý mang tính cách khoa học khi nó có khả năng bị bác bỏ” (une vérité est scientifique quand il est possible de la réfuter).
d- Có tính cách tích lũy kiến thức: dựa trên kiến thức người đi trước và đóng góp bổ túc những kiến thức mới.
e- Có sự đánh giá bởi các người đồng hành tạo thành một công trình tập thể.
g- Có thể được lập lại bằng những thử nghiệm đúng phương pháp khoa học.
h- Dựa trên lý trí và suy luận của con người mà không dựa vào đức tin hay giáo điều của bất kỳ một phe nhóm, đảng phái hay tôn giáo nào.
Chúng ta thấy không phải chỉ có Khoa học mới tiến đạt được sự thật, còn có con đường của các triết gia và con đường của các tôn giáo và sự thật của Khoa học thuộc thế giới vật chất hữu hình nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất không bao giờ thỏa mãn của con người. Các triết gia hữu thần rốt cuộc hội nhập với các tôn giáo hữu thần và chấp nhận sự hiện hữu của Thượng Đế để được hiệp thông với Chân lý vì Chân lý ở về phía Thượng Đế. Các triết gia vô thần, một số liên kết với khoa học, đi theo con đường của khoa học và đòi hỏi phải có một kiểm chứng thực nghiệm, triết học sau cùng đã biến dạng vào khoa học và lãnh vực của triết học ngày một thâu hẹp để chỉ còn những suy luận thuần lý. Còn Phật giáo đòi hỏi muốn tiến đạt sự thật phải đi theo 2 con đường vừa lý trí để đi đến chỗ «bất khả tư nghì» rồi từ đó bước vào con đường thực nghiệm tâm linh để đi đến chỗ chứng nghiệm một trạng thái tâm linh cùng tột có khả năng giải thoát khỏi khổ đau và mọi phiền não, lậu hoặc.
Sau khi đã biết phân biệt Thật,Giả/ Đúng,Sai/Thiện,ác đã đến lúc chúng ta phải chọn lựa thái độ dứt khoát với những điều sai trái, tà vạy; loại bỏ những điều mà kiến thức khoa học phủ nhận, những điều mà lịch sử đã chứng minh là sai, không thích hợp với những qui luật của khoa học tự nhiên hay khoa học nhân văn (sử học, xã hội học...).Muốn tiến đạt chân lý: biết cho đúng, hiểu cho rõ, có nhiều kiến thức về vấn đề, biết con đường thực hành, mục tiêu của con đường, kiểm chứng việc thực hiện; đó là chúng ta đi đúng qui luật của sự phát triển và tồn tại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
2/- Lê Tôn Nghiêm/ Lịch sử Triết học Tây phương/ nxb TP Hồ chí Minh
3/- Mạnh Bích/ Tam giáo và Việt tính/ Bạn Văn A.E.V.E.
4/- Nguyễn Đăng Thục/ Lịch sử Triết học Đông phương/ nxb TP Hồ chí Minh
5/- Nguyễn Hiến Lê/ Khổng Tử/ nxb Văn Hóa
6/- Nguyễn Hiến Lê/ Luận Ngữ/ nxb Văn Nghệ
7/- Tài liệu học tập Vi Diệu Pháp/ Nhóm nghiên cứu và thực hành Phật Pháp Paris13
8/- Thích Chơn Thiện/ Phật học khái luận/ nxb TP Hồ chí Minh
9/- Ts Đỗ Minh Hợp, Ts Nguyễn Anh Tuấn, Ts Nguyễn Thanh, Ths Lê Hải thanh/ Tôn giáo lý luận xưa và nay/ nxb Tổng hợp TP Hồ chí Minh
10/-Trần Công Tiến/ Triết học đi về đâu/ nxb Văn Gia
11/-Trần Quang Thuận/ Triết học chính trị Khổng giáo/ nxb Văn Hóa Saigon
12/-Trần Quang Thuận/ Hành trình tâm linh/ nxb Phương Đông
13/-Trần Thái Đỉnh/ Biện chứng pháp là gì?/ nxb Văn Mới
14/-Christophe Richard/ Le Bouddhisme Philosophie ou Religion? / L'Harmattan
15/-Collectif Le Nouvel Observateur/ La philosophie du Bouddhisme/ Scali
16/-Descartes/ Discours de la méthode/ GF Flammarion
17/-Grand Larousse Universel/ Larousse
18/-Karl Popper/ Les critères de la scientificité/ Philosophie, Science et société
19/-Miguel De Molinos/ La connaissance et la méthode scientifique/ Philosophie@
20/-Môhan Wijayaratna/ La philosophie du Bouddha/ Lis
21/-Nietzsche/ Introduction théorétique sur la vérité et le mensonge au sens extra-moral/
extrait du Le livre du philosophe/ Ed Garnier-Flammarion
22/-Olivier Houdé/ Vocabulaire de sciences cognitives/ PUF
23/-Paul Walzlawick/ La réalité de la réalité/ Points Essais
24/-http://www.garriguesetsentiers.org/article-la-verité-dans-les-sciences-86959639.html
25/-thuvienhoasen.org/ Nguyễn tối Thiện: Tiến trình chuyển hóa tâm linh/
26/-Walpola Rahula/ L'enseignement du Bouddha/ Points Sagesse
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét