của nhà văn HOÀNG XUÂN THẢO (cố bác sĩ Hoàng Ngọc Khôi)
Lời bàn: bác sĩ Nguyễn Thanh Bình
Thơ cảm đề: bác sĩ Trần Xuân Dũng.
Bìa vẽ: bác sĩ Mùi Quý Bồng
Các minh họa trong sách: 2 bác sĩ Mùi Quý Bồng & Lê Thành Ý
Tựa: bác sĩ Đặng Ngọc Thuận
Lòi cảm tạ: bác sĩ Thân Trọng An
Một tác phẩm giá trị do Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada phát hành
Các bạn muốn có cuốn sách này, xin liên lạc với
BS Nguyễn Thanh Bình
Email: (batsach@hotmail.com)
TỰA
(Lãn Ông Lê Hữu Trác (Lê Thành Ý vẽ)
Cuốn tiểu thuyết MỸ NHÂN NHƯ DANH TƯỚNG là một công trình văn học hư cấu dựa trên những sự kiện lịch sử xảy ra trong thời Chúa Trịnh Sâm, một công trình vô cùng công phu, dự tính gồm hơn 42 chương song mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, các tác giả mới sưu tầm viết xong 12 chương thì đại dịch Covid-19 đã lấy đi cây viết cột trụ của công trình là Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi (Toronto), một thiên tài học rộng biết nhiều trong nhiều lãnh vực, y khoa, khoa học, văn học, lịch sử, sư phạm …
Trong bối cảnh thương tiếc vô biên, các cộng sự viên đành lòng có gì làm nấy, có nghĩa là gom góp 12 chương đã hoàn tất thành một tác phẩm để lưu danh và cũng là vinh danh một nhân tài vừa khuất núi.
Cuối mỗi chương đều có lời bàn bổ túc và cắt nghiã của Bác Sĩ (và cũng là một học giả tại Montreal) Nguyễn Thanh Bình, rất chính xác và cần thiết cho độc giả nào muốn hiểu rõ những sự kiện và nhân vật
(rất nhiều) đã được kể trong chương.
Tiếp theo là một hai bài thơ của Bác Sĩ Trần Xuân Dũng (Úc Châu) do cảm hứng gây ra bởi câu chuyện kể trong chương mà làm ra. Các độc giả yêu thơ hẳn là sẽ yêu thích thưởng thức.
Cũng phải kể những bức tranh minh họa của Bác Sĩ Mùi Quý Bồng (Houston) tác thành sau khi nghiên cứu tìm tòi sao cho hợp tình hợp cảnh đã được diễn tả trong chương.
Công phu như thế nên theo thiển ý nhận xét, 12 chương nói trên có thể chia làm 2 phần:
- Phần chính (tuyệt tác) nói về mối tình Bà Chúa Chè, một mỹ nữ đẹp tuyệt vời gốc nông thôn hàng ngày đi hái chè, được tiến vô cung đã làm Chúa Trịnh Sâm, một danh tướng quyền thế trongtay suốt cả một cõi sơn hà, say mê cuồng nhiệt như thế nào.Hãy lấy một thí dụ : Nghe lời đường mật thì thầm bên gối của Bà Chúa Chè, Chúa Trịnh Sâm đã phế bỏ con trưởng Trịnh Tông 18 tuổi văn võ toàn tài để phong con thứ Trịnh Cán mới 5 tuổiyếu đuối ốm đau ngay từ khi mẹ là Bà Chúa Chè sanh ra, làm Thế Tử sau này sẽ kế vị mình…
- Phần phụ (rất hàn lâm dài dòng văn tự, cắt đôi cuốn sách làm 2) dành riêng 2 chương cho Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một danh y từ nơi ẩn dật ở Nghệ An được triệu ra triều để điều trị cho Thánh Thể Trịnh Sâm và Thế Tử Trịnh Cán.Thú thật là một Tây Y, tôi hoàn toàn không hiểu cách lý luận âm dương hụ hợ để chẩn bệnh, định bệnh và ra toa của Hải Thượng Lãn Ông. Vậy mà các đồng nghiệp đã có thể dựa vào những lời ghi chép rất khó hiểu từ 300 năm để nói rằng Trịnh Sâm bị dépression névrotique … còn Trịnh Cán bị néphrose, ascite!… Xin khâm phục!Trở lại phần chính công trình của đàn anh Hoàng Ngọc Khôi (Anh Khôi học trên tôi một lớp về Y Khoa song thật ra trên về mọi mặt, kể ra e rằng không hết) tôi phải nói là rất hấp dẫn vì tính cách hư cấu dựa trên lịch sử có thực, một phương cách để tôi học hỏi được nhiều điều về lịch sử trong giai đoạn nhiễu nhương của đất nước chúng ta trong thời gian ấy.Nhân đây tôi có nhận xét là cũng như triều đại các nước như Trung Hoa, Nhật Bản (có vua còn có chúa), trong những giai đoạn tranh chấp ngôi vị, quyền lực … Việt Nam ta có rất nhiều nhân vật dính líu vô mọi chuyện, mọi biến cố trong cung cấm, khiến thường nhân hậu thế chẳng biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao mà lần (nhiều người, nhiều tên lại còn nhiều chức tưóc khá phức tạp nữa, lúc kêu danh này lúc gọi tên khác)Cho nên đọc MỸ NHÂN NHƯ DANH TƯỚNG, tôi mạn phép khuyến cáo độc giả nào có thiện ý đọc cho tận hiểu, tận cùng thì cần có thiện chí và nhẫn nại để đọc và nhớ cho kỹ, kiên trì mà hấp thụ một áng văn sử vô cùng giá trị.Riêng tôi về mặt này, xin có lời cảm tạ 2 ông bạn cố tri là các BS Nguyễn Thanh Bình và Thân Trọng An.
Đặng Ngọc Thuận
***
LỜI CẢM TẠ
(Thầy Đồ Kể Chuyện Ngày Xưa - Mùi Quý Bồng vẽ)
Bác sĩ Hoàng Ngọc Khôi với bút danh Hoàng Xuân Thảo là một văn thi nhạc kịch sĩ đa tài nổi danh từ thuở sinh viên đã cống hiến văn đàn Việt Nam rất nhiều tác phẩm quý giá.
Đầu năm 2021, ở tuổi 90, anh chuyển điện thư đến bằng hữu mỗi tuần một chương tiểu thuyết dã sử Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng trong mấy tháng liền và bỗng dưng tuyệt tin cuối tháng tư. Thì ra anhđột ngột ra đi tại Toronto.
Các đồng tác giả Nguyễn Thanh Bình (Lời Bàn) và Trần Xuân Dũng (Thơ Cảm Đề) cùng với vài thành viên Ban Biên Tập Tập San Y Sĩ trong Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada và một số độc giả muốn tưởng nhớ và vinh danh anh nên giao phó trách nhiệm cho Tập san Y Sĩ phát hành tác phẩm dang dở rất hay này để mọi người cùng thưởng lãm.
Tập San Y Sĩ xin trân trọng đa tạ sự đóng góp quý báu khắp Thế Giới Tự Do của:
Bs Mùi Quý Bồng từ Houston, Texas, một nghệ sĩ rất đa tài, đã tâm huyết dựa theo cốt truyện vẽ tranh bìa và đại đa số minh họa làm tăng hẳn giá trị thẩm mỹ của tập truyện
Bs Lê Thành Ý ở Montreal, cũng phác họa ba bức tranh quý báu và ý nghiã
Bs Đặng Ngọc Thuận, một văn tài “ẩn danh” ở Montreal, đã nồng nhiệt nhận lời giới thiệu sách với một bài Tựa súc tích đầy tình cảm.
Bs Trần Văn Tích bên Đức Quốc đã góp ý bàn luận về Đông Y với anh Khôi, anh Bình
Học giả Phí Minh Tâm (Hoa Kỳ) và Bs Hoàng Kim Giám (Hoa Kỳ) tra cứu để in các bản nguyên tác chữ Hán, rồi dịch sang tiếng Việt và nhất là giúp anh Khôi cho Nguyễn Đề kể rõ lai lịch bài thơ Điệu Kim Phu Nhân của bà Triệu Diễm Tuyết trong Tùy Viên Thi Thoại với hai câu đầu ít người biết đến ở chương IV
Nhiếp ảnh gia Vũ Ngọc Hiến, cũng là người điều hành Nhà Xuất Bản Saigon Graphics tại Montreal đã hết lòng góp ý và góp sức.
Vạn sự khởi đầu nan, song nhờ lòng sốt sắng của anh em mà giờ đây quyển tiểu thuyết dã sử này của cố nhân được hoàn thành mỹ mãn để ra mắt quý vị.
Thân Trọng An
(thay mặt Tập San Y Sĩ VN tại Canada)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét