Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2025

Cho Ta Chép Nốt Bài Thơ Ấy - Thầy Tuệ Sỹ


Thơ: Thầy Tuệ Sĩ
Thực Hiện: Như Tố Nguyên

Câu Kinh Kệ Giữa Lòng Tôi



Lâu lắm,
Không làm bài thơ cúng Phật
Những câu chú
Vẫn còn nằm yên trong trang kinh cũ,
Chỉ lần theo hạt bụi thời gian,
Tìm nghe hương cỏ bên trời,
Sỏi đá tâm tình ở mãi tấm lòng tôi.

Chúng ta,
Là những người hiện thân vào thế kỷ
Đã khoác lên chiếc áo đời rất thật.
Màu lá đương xanh mang đầy nghĩa Phật,
Mỗi ý niệm an lành, lòng Phật vẫn mênh mông.

Từng bước đi xa
Gọi nhau về bổn xứ
Nghe chim hót, vang những lời tình tự,
Mỗi ngày mặt trời lên
Cho thơm trái tim đời,
Câu kinh kệ
Khi đã viết vào những trang vui,
Trang lòng mới, cho hồng thêm câu chữ.

Những vì sao
Vẫn thức trắng giũa đêm đen,
Những hạt sương
Vẫn sáng hồn trên chiếc lá.
Đường ta đi bốn phương về mới lạ,
Thức trắng đời thơ
Cho ý thức chong đèn.

Ta gặp nhau trên đường đời muôn ngã
Và chia nhau theo mỗi ngã vào đời.
Như con Ong đi tìm hương mật,
Con Kiến tha mồi chia mảnh thời gian.

Ta mang từng ý niệm xanh
Cho cây đời thêm sức sống.
Cho trăm nụ chồi xanh thêm biếc lộc,
Để lối về hoa cỏ sắc thêm tươi.
Câu kinh kệ,
Khi đã viết giũa lòng tôi!

Westminster, hè 2025.
Mặc Phương Tử


Bài Thơ Nhật Tụng


Rồi sẽ có ngày bỏ cuộc chơi
Giã từ thương hận kiếp con người
Xa danh lánh lợi tâm an lạc
Buông oán xả thù trí thảnh thơi
Chức tước vinh hoa như bọt nổi
Bạc tiền phú quý tựa sương rơi
Một mai về đất còn chi nhỉ
Còn chút văn thơ gởi lại đời

Nhất Hùng


Niềm Riêng Của Đá

 

Hỏi rằng sỏi đá biết đau
Thủy triều lên xuống trôi vào giác mê
Xuôi theo con nước vỗ về
Thời gian xoa dịu ê chề hẳn vơi


Kim Phượng

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2025

Còn Yêu Em Mãi - Nguyễn Trung Cang - Mã Thị Lợi / TS3 / TX

Sáng Tác: Nguyễn Trung Cang
Trình Bày: Mã Thị Lợi/ TS3/ TX
Thực Hiện: HA DO

Sài Gòn Mưa Tháng Năm



Có cơn mưa rơi lòng bàn tay
bờ tóc ướt cuối đường Trần Quý Cáp
vòng công trường hiên nhà che mái thấp
môi tình cờ chạm một viền môi!

Mưa Sài Gòn, mưa bất chợt còn rơi
làm sao giữ số phận người qua lại
ánh mắt ngại bao cuộc tình khờ dại
con hẻm dài nằm đợi bước chân ai...?

Mưa Sài Gòn, mưa dọc mấy hàng cây
trưa Nguyễn Du gánh hàng cơm trống vắng
chia nhau từng muỗng canh rau, cơm trắng
miếng thịt nhường nên vẫn cứ còn đây

Mưa Sài Gòn có mùa lá me bay
chiếc quán nhỏ bên lề đường Thành Thái
ly cà phê ít đường nghiêng chợt thấy
đôi mắt nhìn sẽ trắng cả đêm trôi

Mưa Sài Gòn, mưa từ độ xa xôi
người tìm lại tên đường nay đã đổi
mưa tháng Năm, mưa Sài Gòn tiếc nuối
mưa bây giờ, mưa thương nhớ hai nơi...!

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long


Đừng Xa Nhé


Tà áo bay phố vui hè rực nắng
Gió bụi hồng lãng đãng hàng cây xanh
Sợi nắng soi, rũ xuống chút ân cần
Đón em đi lòng đầy vơi nỗi nhớ.

Đèn hiu hắt lời yêu em chưa nói
Lấy sợi buồn thêu dệt gấm hoa yêu
Một lần thôi hôn nhẹ má em hồng
Vòng ôm chặt cho tình không liêu xiêu.

Thu vừa chớm nắng vàng như bịn rịn
Ngọn lửa hồng đã tắt lịm từ lâu
Trời lạnh lắm ta cần ở bên nhau
Đừng xa nhé, nỗi đau này đau lắm.

Tế Luân


Và Em, Và Nỗi Sầu Khổ Dịu Dàng

 

Khi tôi thấy em lần đầu ngước nhìn tôi, từ giữa một lớp học đông người, buổi sáng tháng chín năm đó, tôi biết giữa chúng ta thiên thu đã phong kín hết mọi lối ra.

Bữa hôm đó đâu có lạ gì hơn những sớm mai khác. Mặc dầu cơn mưa bất chợt nửa đêm có làm tôi thức giấc rồi thấy dạ có chút bâng khuâng trong căn phòng nhỏ ở một khách sạn tỉnh lẻ. Tiếng nước chảy xối xả đến sốt ruột có làm tôi bồi hồi nhớ lại con sóng vỗ ngang khi qua phà Vàm Cống, nó còn đưa xa tôi tới những con sóng đã vỗ tăm tắp giữa lòng... mấy lượt đưa người đi, dù không đưa qua sông. Một giây? Một phút ? Không lâu hơn một thoáng. Rồi tôi ngủ lại cho tới khi tiếng đồng hồ báo thức gọi dậy. Có gì đâu.
Khi tôi ra đường thì thành phố đã tỉnh queo. Mấy con chim sẻ nhí nhảnh vừa rỉa lông vừa rủ rỉ trên hàng dây điện đường. Hàng me xanh lướt thướt, reo lá lanh chanh. Không khí ướt sũng đêm qua, sáng nay đã ráo hoảnh. Tôi ghé chiếc quán đầu tiên, gọi ly cà-phê đậm, đốt hơi thuốc đầu ngày nhớ mình đương là khách lạ.
Tôi rời Sài-gòn hôm qua, bỏ lại đó phố xá chưa quên và mấy người tình không còn nhớ. Tôi tới thành phố của em, lần đầu. Ngụm đắng thứ nhất đã thấy quen quen. Ngụm đắng thứ hai đã thành thân thiết. Khói tụ quanh quanh, lòng nhẹ hẫng. Tại sao ? Không chừng tại phố nhỏ. Không chừng tại một cái gì đó đã sẵn có trong tôi. Một cái gì đó, ai biết được.

Rồi tôi gọi chiếc xích-lô bảo đưa tới trường. Qua chiếc cầu sắt nhỏ trước chợ thấy mấy vạt áo dài lấm tấm nắng mai, tôi thấy lại y nguyên lòng tôi náo nức tựu trường hai mươi mấy năm trước. Bởi vậy sao cái gì cũng nhớ nhớ quen quen mà thật ra đâu có gì để quen để nhớ. Tôi có tới chỗ này lần nào đâu mà sao không thấy lạ. Con nước chảy xuôi ra biển, miếng ván cầu kêu lục cục dưới sàn xe, con đường nhựa có hai lề cỏ ướt rịn làm rụt rè mấy đôi guốc nhỏ, lá me rơi sấp sải trên vai trên tóc và tiếng cười khúc khích giấu rịt sau vành nón lá ... tất cả chỉ là bóng của những hình đã trầm tích trong tôi, lâu đến nỗi như có đó mà không còn đó nữa ...
Chắc tại vậy mà cho đến khi tôi vừa rẽ ngoặt vào lớp, đi vài bước để đứng lên bục giảng, đưa mắt ngó xuống khẻ chào lại lớp học vừa đồng loạt đứng lên thì mắt tôi chạm phải mắt em, đôi mắt em, ờ, sao tôi thấy như đã thấy đâu từ tiền kiếp. Đã thấy đâu rồi không biết nữa mà y thể như xưa. Đã gặp đâu rồi không biết nữa mà như vốn đã hẹn hò mấy lượt.
Nắng hiên ngoài lao chao, sấp ngửa. Em dưới đó, rối ren hai con mắt. Tóc xô dạt nửa lừng, thắc thỏm từng sợi nhỏ. Giữa em và tôi, thiên thu tự dưng chết sững, không gợn một áng phân vân.
Em ở lại trong tôi, từ đó, ba mươi năm sau không một chút phôi pha. Em ở lại trong tôi, từ đó, dẫu năm năm đầu không một chút ngó ngàng. Em còn ở trong tôi, hai mươi lăm năm sau mới gặp lại để cùng tôi phát giác ra cái nhà ngục mênh mông đã giam giữ chúng ta, biền biệt ở hai phương.
Em yêu dấu, đến giờ này em cho tôi được gọi một lần hai tiếng dấu yêu dù chỉ là tiếng gọi giữa thinh không. Bởi vì giữa chúng ta đã trùng trùng bổn phận và trách nhiệm. Giữa chúng ta, oan khiên đã lắm nỗi thì dẫu gọi trăm lần cũng chỉ như tiếng đập thảng thốt của con tim héo mỏi, nghe ra như giọng oán của tiếng chim kêu chiều. Dù vậy, tôi xin được gọi em lần nữa, nhen em.

Em yêu dấu,
Sức mạnh nào đã đẩy chúng ta ra xa dù rằng khoảng cách ngắn còn gần hơn gang tấc. Không gian nào đã bứt lìa chúng ta khi lòng mình vốn phải là chỗ trú ẩn của nhau, đến cùng.
Tôi sẽ phải giải thích thế nào khi mọi lời nói đã rã rời ngay khi môi mới vừa ướm chữ. Tội nghiệp cho chúng ta, những câu nói đẩy đưa... quá đỗi vô tình dẫu rằng giữa lòng mình tiếng yêu thương nhiều không biết cơ man nào mà kể. Nhưng mà có đáng gì không, chính lòng ta ta đã để lỡ.

Năm năm. Thành phố của em và những cơn giông đầu hạ. Tôi kiêu căng như loài công tốt mã, xum xoe những điệu tình ngả ngớn, điêu ngoa. Đời bày cuộc vui cho tôi nông nổi. Tôi lang bạt bất kể mà cứ tưởng như đằng sau khung cửa sắt thời gian cũng đóng lại, để chờ.
Năm năm. Em lớn thầm như một đóa tường vi, khép nép giữa mấy dãy lầu rêu, phố chợ. Mấy buổi tôi lên lớp, em ngồi thu mình như viên sỏi nhỏ bỏ quên trong túi áo, cam lòng. Tôi vô tâm đùa cợt với chữ nghĩa kiêu sa mặc em ngơ ngác giữa trường và đời, giữa mộng và thực. Có lúc nhìn lại thấy áo em trắng tinh thả lỏng đường eo thắc thỏm, bỗng làm tôi ái ngại. Hai con mắt xốn xang một niềm ăn năn rất lạ. Em mong manh đến hồn tôi độ lượng, tôi bỏ đi làm con thú dữ, hoang đàng.
Năm năm vừa đủ ngắn cho em bước vội. Chừng ngó lại, em đã ra khỏi vòng tay tôi hồi nào. Dĩ nhiên, không ai phiền trách chi em. Chính cả tôi, cũng không có gì đáng trách. Em xa như sương khói vây quanh mà gần như lá cỏ trên tay, niềm bí ẩn của riêng em như sức hút của một loài ong chúa. Bạn bè em, bầy đàn vừa lứa đó... Còn tôi, ở bên này bờ ranh nghiệp chướng, tôi đành đoạn làm kẻ bao dung. Cho dù sự rộng lượng lạ lùng này cũng chỉ là phản ứng trốn chạy của một tấm lòng kiêu ngạo. Tôi có ở cùng cương vị của em và bạn bè em đâu. Chắc vì vậy, lắm lúc vô tình gặp em và bạn ở chỗ hẹn hò, không biết tại sao tôi lại có cảm giác thấy một chút gì đó hao hao khói đục bốc lên từ đôi mắt em, giống như một niềm cay đắng. Cũng giống y như niềm cay đắng đang cố giấu trong tôi.
Năm năm.Tôi nhìn thấy em đi lại, trên những con đường tôi đã đi. Những con đường có hoa có bướm, có chút mộng đầu và rất nhiều thơ dại. Tôi bằng lòng nhìn em vui đùa, ngúng nguẩy làm duyên giữa những mời mọc líu ríu nghe thương như bầy sẻ gọi nhau. Con đường tình em đi có bãi cỏ non và gót son qua rất nhẹ, có gió rất lành và cây trái rất thơm, có biển vừa xa mà sông nước lại gần... Nghĩa là có tất cả cái diễm kiều của trời đất mà người ta không thấy nữa khi tới một tuổi nào đó. Dẫu sao tôi đã sung sướng cho em tuổi thiếu nữ hẹn hò giữa một vùng đất cát thân quen. Tôi cảm tạ trời đất đã rải nắng vàng và trăng xanh cho em tình tự.
Năm năm tôi mất em mà vẫn thấy an tâm. Hay là giữa chúng ta, tôi biết chắc thiên thu dù có lơ đễnh cũng không hề sơ sẩy. Rồi phải đến một lần, chúng ta là của nhau.

Vâng, phải có một lần, chúng ta là của nhau.
Lần đó, hai mươi lăm năm sau mới đến. Cái khoảng cách tưởng như không cùng đó đủ cho mọi mường tượng đều sai lạc. Chẳng hạn như tôi đã già đi như nhánh cây khô, và con tim tôi đã mục rã như chiếc lá rụng đâu từ lần thu trước, nằm sắp lớp dưới mấy lớp lá thu này. Chẳng hạn như cuộc tình thời trẻ dại thoáng đến thoáng đi như mưa bóng mây có khi không đủ ướt đất. Chẳng hạn như em đã là thiếu phụ, điềm đạm và ân cần, trái tim dành cho chồng con đã chật kín đến không còn một chỗ trống. Vâng, tất cả đều đúng nhưng không đúng hết. Như tôi đã già đi nhiều, tâm đã thôi xốc nổi mà sao đôi khi cứ loáng thoáng một niềm ray rứt rất lạ. Như em đã yên nơi yên chỗ từ hơn hai chục năm rồi mà trong lòng vẫn có chỗ không yên. Và nhất là mối tình chưa bao giờ xác nhận tưởng đã chết rục tự đời nào vẫn còn kiên nhẫn nằm chờ như nàng công chúa kiên nhẫn nằm ngủ trong rừng, ngủ im chỉ để chờ nụ hôn tình gọi dậy. Dĩ nhiên thời gian cũng đã tàn phá hết có chừa lại gì đâu. Nó gặm nhấm lần mòn những sắt son bạc bẽo, những yêu thương ghét bỏ, ngay cả hạnh phúc và khổ đau. Có một điều cái thứ tình vô vọng nó dai dẳng léo lách đến chẳng ai ngờ. Nó không để bị hủy diệt mà chỉ chờ được hoá thân như chén ngọc Trương Chi cứ chờ nước mắt Mị Nương khóc cho một lần rồi mới chịu tan vào huyền sử.

Khi tôi thấy lại em lần đầu, sau hai mươi lăm năm mất biệt, ngước nhìn tôi từ đám đông nhốn nháo giữa phi trường Orly một buổi sáng tháng chín Paris, tôi biết giữa chúng ta, thiên thu đã đúng hẹn.
Em lăng xăng bên chồng, miệng cười mà con mắt xốn xang, đón tôi bằng cái vòng ôm lỏng như không. Mấy con rồi em còn vẫn rụt rè. Một chút tuổi tác có làm trễ vành mi sắp mỏi. Còn lại, em vẫn là em. Một thoáng thiết tha. Nửa chừng xa lạ. Niềm bí ẩn của em còn nguyên đó. Ba mươi năm sau lần đầu, chúng ta nhìn nhau lại bằng con mắt tiền kiếp. Có chút gì rưng rưng không thấy kịp.
Xe về qua mấy phố xưa, Paris vàng lịm khi thu vừa chín tới. Quán cà-phê hè đường đầy những cặp tình nhân ngồi thủ thỉ. Lá từng chiếc, nấn níu bay ngang. Paris chào người đến thay em bằng bộ mặt buồn buồn của phố thị chuyển mùa. Đẹp đến não nùng. Bữa tiệc tái ngộ có rượu vang đỏ ngọt chát, có giọng cười hào sảng của người chồng rộng lượng, có em ngồi đối diện mà có lúc tưởng chừng đi đâu vắng. Em ở đâu trong mịt mùng năm tháng, yêu thương câm nín và chạy đuổi nhau qua bãi đời vô vọng. Em ở đâu, mà suốt một đoạn trường.
Mấy ngày liên tiếp, em đưa tôi dạo chơi khắp thành phố. Chỉ cho tôi pho tượng trắng nhỏ cuối vườn Lục Xâm Bảo tôi hay kể em nghe những mùa tựu trường xa trước. Dắt tôi lội trên con đường ngập lá cho tôi nghe lại tiếng thu rơi như tôi đã dạy em trong những giờ giảng văn ở một thành phố không có mùa thu. Đưa tôi đến ngồi ở một quán vắng khách, gọi cho tôi tách cà-phê đen, nghe lại dĩa nhạc Juliette Gréco hát thơ Jacque Prévert như đã có lần em nghe tôi mơ ước. Khói thuốc Gitane rối xanh như mấy dòng kỷ niệm. Có lúc tôi tưởng chừng thời gian muốn chạy ngược lại, ba mươi năm, để tôi còn có dịp tỏ tình. Giả sử bây giờ là ba mươi năm trước, em có chịu yêu tôi ?

Câu hỏi không được đặt ra. Em ngồi ngó mông lung ra đường, chiều gần tối. Câu hỏi không được đặt ra. Nhưng tôi biết. Ở một góc nào trong trái tim em, vẫn còn một chỗ trống, có thể rất nhỏ, nhưng vẫn là một chỗ trống, em còn để lại cho tôi. Từ một hốc tối nào của đôi con mắt thao thức không nguôi, hình như có một chút lệ, mờ lắm, nhưng mà là một chút lệ. Tôi biết. Em không thể quên. Giống như tôi. Tôi không thể quên. Dù rằng chúng ta chưa hề cố nhớ. Khi xa nhau không ai thề thốt. Không ai nợ ai chút tình. Thì chẳng ai đòi trả. Sao chúng ta vẫn muốn trả nợ cho nhau.
Khi tôi đưa em về, người bồi còn ngắt vội đóa hồng nhung trên bàn tặng vói cho em. Cánh hoa chưa úa đã thấy buồn. Em cầm trên tay, đóa hoa chúc xuống mặt đường như một nụ tình đã héo. Đôi mắt em còn xốn xang hơn vì sao hôm mọc sớm, lấp ló sau tàng cây phong trụi lá. Hai người đi dọc theo một vỉa hè vắng ngắt. Bộ quần áo thanh lịch, sậm đen như một khúc tạ từ. Khi ngang qua cầu St. Michel, em ném cánh hoa xuống con sông Seine đang bốc khói. Nước chảy mau. Chân cầu đứng lại. Hoa và người sao trôi nổi như nhau.

Bữa chót, trên đường ra phi trường, em chỉ cho tôi cái gác chuông mà Quasimodo đã đeo vắt vẻo như đã đeo đong đưa mối tình tuyệt vọng của mình. Có phải em muốn nhắc tới cái bướu mà thằng gù đã đeo nặng. Hay cái khối dĩ vãng đang trì kéo giữa lòng. Có điều tôi biết nụ cười thách thức của em là để xác nhận cả hai đều nhẹ lắm so với cái hạnh phúc mà chúng ta đã để mất. Em cám ơn tôi đã tới sau ba mươi năm đã đợi. Còn tôi, tôi cám ơn đời đã giữ em tròn vẹn, y nguyên cái hình ảnh tôi đã có về em từ ba mươi năm trước. Bỗng nhiên tôi thấy thanh thản, yên lòng. Em cũng vậy, em ứa nước mắt mà miệng cười. Dù gì, sau rốt, chúng ta cũng đã có dịp nói với nhau sự chung thủy của mình về lần chọn lựa hồn nhiên nhất.

Khi tôi ngoái lại nhìn em lần cuối trước khi quay lưng đi hẳn vào hành lang dẫn ra phi cơ, tôi biết giữa chúng ta, thiên thu đã thôi động đậy. Còn lại một mình giữa phòng đợi mênh mông, dáng em mỏng mảnh như cái dấu phẩy bỏ lỡ sau câu viết nửa chừng. Đã chấm hết đâu, trong lòng ta những xao động. Sẽ còn nữa, những dư ba. Tuy nhiên cả hai, tôi và em sao đã thấy rất yên lòng. Có phải câu thơ của ai đó mà đêm qua khi ngồi nghe lại mấy bản nhạc xưa em đã đọc nhỏ lầm thầm là cái giải pháp tuyệt vời cho chúng ta. Mốt mai sóng dậy ba đào. Xin về trú giữa lòng nhau, cuối đời.

Cũng đủ rồi, em hả.

Cao Vị Khanh

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2025

Chuyến Đi Về Sáng - Mạnh Phát - Kim Trúc


Sáng Tác: Mạnh Phát
Trình Bày: Kim Trúc

Lời Hẹn Xưa


Văng vẳng...tai nghe tiếng Thu...

Thì thm trong gió...giữa mây mù!

Anh Hi...nhớ chăng thuở y

Chia tay rồi...trời đất âm u!!

Em vn ch anh...ở cui trời...

Bên thềm...đếm tng giọt trăng rơi!

Tê buốt tâm can...hồn su héo

Thm nguyện...xin anh chớ đổi di!

Và c thế...bao Thu rồi Hi anh!

Xót thương chiếc lá ri cành!

Ngonh mặt...nhìn cây trơ trọi!

Cõi đời...ôi Cõi mong manh!

Em vẫn còn đây...mãi đợi chờ...

Thu buồn...tóc xỏa phất phơ!

Tưởng làn gió t xa v đến...

Tim em như nước v b!

Nhưng rồi có thấy anh đâu!

Li hẹn xưa...nước chy qua cu

Dòng sông đời xuôi v bin cả...

Ngẩn ngơ...bìm bịp gi nhau!

Tô Đình Đài

Tỉnh Say


Thi nhân lên núi tìm thơ,
Thiền sư xuống chợ ngẩn ngơ hóa khùng.
Nhân gian tranh miếng đỉnh chung,
Còn ta hãi tiếng anh hùng ngủ say.

Đỗ Bình




Thằng Gà Chết


Ông Niết tuổi đã bảy mươi, nói với anh con rể:
“Mầy phải biết vùng lên một chút chứ! Sợ vợ như mầy, làm tao cũng nhụt chí anh hùng theo!”
Anh rể khoảng bốn mươi tuổi, cười hề hề:
“Thôi Ba ơi. Chúng ta phải thanh toán cho xong dĩa tiết canh nầy, rồi thu dọn chiến trường, dấu kín tàn dư, chứ chốc nữa vợ con và Má về, biết được thì ồn ào lắm. Khi vui, ba đừng tiết lộ cho Má biết con lén mua tiết canh về cho Ba ăn nghe!”

“Tao có ngu đâu. Mầy biết tao thèm tiết canh nên mua, chứ mầy đâu quen ăn cái thứ nầy! Vợ mầy biết chuyện, thì cũng khổ cho mầy đó!”
Hai bố con miệng mồm dính tiết đỏ lòm, hành lá màu xanh dắt trong răng, nhồm nhoàm nhai khoái trá. Mặt đã đỏ bừng vì mấy chai bia. Giọng ông Niết lè nhè:
“Ừ. Mầy ‘chơi’ thêm chai nữa đi! Tao cũng làm một chai nữa. Có mấy khi được tự do như hôm nay?”
“Sợ mặt đỏ, vợ con về biết!”

“Mặt mầy đã lỡ đỏ như ráng trời rồi, không thể đỏ hơn được. Uống đi, sợ cóc gì? Kỳ thật, đàn bà thấy tiết canh là la lên í-oái. Cấm đoán. Mấy khi có được thứ ngon như thế nầy! Không ăn, cũng uổng lắm sao?
Ông Niết uống cạn ly bia khà một tiếng, anh rể cũng nốc ực. Ông Niết lặp lại:
“Mầy phải vùng lên, ‘hỡi giai cấp bị trị’ hãy vùng lên dành lại tự do, công bằng.Vợ chứ đâu phải ông trời đâu mà mầy cứ chịu lép một bề hoải?”
“Ba vùng lên trước, rồi con sẽ theo chân Ba mà vùng.”
“Tao đâu có bị vợ đè nén ức hiếp mà phải vùng lên? Mầy biết, bà ấy coi tao như ông trời. Có khi nào tao bị sai bảo, chạy cho có cờ đâu. Bà nói gì mặc, tao đâu có nghe, chẳng làm. Rồi cũng thôi. Làm gì tao được?”
Anh rể cười hì hì: “Con nghe nói ông Trời cũng biết sợ vợ đó Ba à’”
Ông Niết tiếp: “Có ai như mầy đâu? Đi làm việc một ngày mười tiếng đã bở hơi tai. Chiều nào tan sở về cũng phải ghé ngang chợ, vợ điện thoại nhờ mua đủ thứ. Thế mà cũng cứ bị chê rau không tươi, thịt không ngon, trái cây lựa chưa kỹ. Hạch xách đủ thứ. Rồi thứ bảy, chủ nhật sai mầy chở tao và má mầy đi cả trăm dặm thăm người nầy, người kia, Việc gì cũng đổ lên đầu mầy cả. Đôi khi tao cũng bực lắm, thương mầy chịu đựng. Tao mà như mầy, thì...thì...”
“Thì sao hở Ba?”
“Thì sao? Tao cũng chưa biết. Nhưng phải vùng lên, đấu tranh. Ừ, nhưng mà thế hệ của mầy văn minh hơn, nên kiên nhẫn, chịu để cho vợ đè sát ván. Tao không binh con gái, thấy việc bất bình thì phải nói ra. Hừ, nam nữ bình quyền, bình cái con khỉ. Đã cưỡi lên đầu người ta, mà vẫn kêu gào là bị đàn áp chưa bình quyền.”
“Ba say rồi đó!”
“Đúng. Tao say, nhưng còn nói điều sáng suốt.”
Ông Niết chịu bán cái dinh cơ có vườn rộng mênh mông sáu mẫu đất tại một tỉnh nhỏ của một tiểu lạnh miền đông bắc Mỹ, dọn về nam California ở với vợ chồng người con gái cho ấm áp và đỡ cô đơn trong tuổi già.

Cái nhà năm phòng ngủ của người con gái được thiết kế lại, chia làm hai phần riêng biệt, cửa vào riêng, nhưng có cửa sau thông nhau. Phần ông bà Niết cũng có đủ hai phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, chỉ thiếu cái bếp, vì cô con gái muốn cùng bố mẹ cùng ăn chung cho tiện. Hàng tháng ông bà đóng góp rộng rãi tiền nhà, tiền ăn, vì không muốn mang tiếng nhờ vả con. Ông bà Niết gạt ra ngoài tai lời khuyên của các bạn già đã có kinh nghiệm quý báu, rằng không nên ở chung với con dâu con rể. Bất tiện và đôi khi tủi thân lắm. Những khi dâu rể nó vô tình đóng cửa mạnh, hay lỡ to tiếng với con cái chúng, mình cũng ái ngại, không biết nó có buồn giận chi mình chăng. Vợ chồng nó cũng có lúc bất hoà cãi cọ nhau, nghe cũng mất vui. Tự do của mình cũng bị hạn chế. Trong nhà, mình cũng phải ăn mặc đàng hoàng, lịch sự, không được tự do đánh trần mang xà lỏn, phơi cái bụng phệ. Ở riêng là tiện và sướng nhất. Biết rõ ý bố mẹ vợ, anh con rể ngăn đôi căn nhà. Khi muốn chung thì cũng chung được, khi muốn riêng biệt thì cũng hoàn toàn riêng. Không ai phiền hà ai.
Bà Niết thường hay to nhỏ cùng chồng: “Anh đừng nêu gương xấu cho thằng rể, làm hư nó, con gái mình có phước, lấy được một thằng chồng hiền như đất cục, biết cưng chiều, hết sức nhịn vợ và chăm sóc cho gia đình. Khó mà kiếm ra được một thằng như vậy lắm”.
Ông Niết cự nự lại: “Thế nào là nêu gương xấu? Tôi đã làm gì sai? Ít sợ vợ là nêu gương xấu chăng? Tôi chưa thấy thằng đàn ông nào ỉu xìu, sợ vợ như nó. Vợ chứ đâu phải cọp beo chi mà sợ đến thế? Nếu nó là con trai của bà, chắc bà đã giãy nảy lên mà xỉa xói, kêu là thằng đàn ông râu quặp, đội vợ lên đầu. Bà phải xử sự công bằng.”
“Không công bằng gì cả. Nó tự nguyện, chứ con gái mình có ức hiếp đâu? Nó cảm thấy sung sướng hạnh phúc được phục vụ gia đình. Đừng nói là ‘sợ vợ’ nghe chướng tai, phải nói là thương vợ mới đúng! Em không có phước bằng con gái, nó được chồng thương hơn.”
Ông Niết cười khà khà; “Tôi không là con gà chết.”

Mỗi ngày đi làm về, anh con rể len lén đặt nhẹ lên bàn mấy tờ báo Việt Nam, rồi liếc nhìn ông già vợ, miệng hơi mỉm cười. Ông Niết biết nó mua cho ông, chứ chưa bao giờ thấy nó đọc báo. Sau đó, anh rể ra xe, ôm nhiều bao bì đầy cả hai tay vào bếp. Vợ nó dặn sẵn, trên đường về ghé chợ mua các thứ nầy.
Những khi có việc đi qua phố, anh con rể thường dẫn ông Niết vào các tiệm sách, la cà tìm kiếm. Thấy ông có vẻ ưa thích cuốn nào, thì nó mua liền. Ông Niết nói không đọc thì đừng mua. Nó bảo cứ mua để đó, khi có thì giờ thì đọc. Biết nó mua cho ông, nên định dành trả tiền, mà nó nhanh nhẩu hơn, trả tiền trước, làm ông cứ áy náy mãi.

Một lần bà Niết nhận xét cái máy truyền hình trong phòng ông bà không được rõ nét và đẹp bằng cái ở phòng khách. Chủ nhật hôm đó, anh con rể mang về một cái máy truyền hình mới, màn dẹp, khổ lớn, đem vào phòng ông bà. Ông Niết la lên:
“Chết, chết, đem trả lại đi. Cái máy cũ cũng đã tốt lắm rồi. Mua máy mới làm chi cho tốn kém. Ba không chịu cái máy mới nầy đâu.”
“Ba không chịu, nhưng mẹ chịu. Cái màn hình lớn, màu đẹp, rõ nét, xem sướng con mắt hơn máy cũ nhiều lắm. À, mà Ba Mẹ đã xem hết mấy cái dĩa phim truyện chưa? Con đi đổi bộ phim khác. Nghe nói có mấy bộ phim Đại Hàn mới, chuyện cảm động lắm. Mấy bạn con có cả trăm bộ phim hay chọn lọc chứa trong “ổ cứng”, hôm nào con mượn về sang ra, để dành mà xem.”

Ông Niết không muốn phiền anh con rể, gạt ngang: “Thôi, thôi, đủ rồi. Chừng đó dĩa phim xem mãi, mờ con mắt ra, cũng chưa xong.”
Bà vợ ông gắt: “Thôi sao được mà thôi? Ông không xem thì để tôi xem.”
Ông Niết nháy bà vợ, nói nhỏ: “Đủ rồi, đừng quá lợi dụng lòng tốt của nó.”
Cứ vài ba hôm, anh con rể mua món nhậu ngon về cùng bố vợ khề khà với vài chai bia trước khi ăn cơm chiều. Mấy lần mua được thịt bê thui, anh con rể vui vẻ nói lớn:

“Hôm nay qua chợ, thấy có thịt bê thui còn nóng, mới giao hàng, trông ngon lắm, con mua mấy lạng, về hai bố con mình nhậu cho vui.”
“Không chờ vợ con và mẹ ăn luôn sao?.”
“Con có để phần rồi. Mình lai rai làm vài chai bia trước. Bê mới thui, thịt tươi rói, mới nhìn thôi cũng đã cảm được cái vị ngọt trong miệng rồi!
Hai bố con đem bàn ra vườn, ngồi nhai lai rai. Ông Niết cười, nói đùa:
“Mầy tập cho tao hư rồi đó! Uống bia nhiều, cái bụng cứ to thêm mãi. Khi ở trên miền Bắc, không có bạn nhậu, lâu lắm mới uống một chai bia. Uống một mình, không thấy vui, chẳng cảm được cái vị ngon.”
“Lâu lâu mới có một bữa mà Ba! Tội chi không vui với những cái hạnh phúc nho nhỏ nầy? Trời cho mà không nhận, cũng uổng! Con biết Ba ưa ăn ngon, nhưng lại sợ bị bệnh tim, gan. Cứ ăn tưới đi, tới đâu thì tới. Năm ba bữa, làm một chầu cho đời lên hương, đừng ngày nào cũng say sưa là được!”
Cô con gái ông Niết đi làm về, mở cửa nhìn ra sân sau, làm anh con rể giật bắn mình quay lại nhìn vợ. Cô nói lớn: “Mỗi người một chai bia thôi nghe!”
“Ưà! Một chai thôi.” Anh con rể đáp lời vợ, quơ tay xuống bàn, giấu mấy vỏ chai vào góc kẹt, rồi nháy ông Niết mà cười.

Mùa hè trời nắng nóng, buổi chiều ngày nghỉ, anh con rể thường đưa cả nhà ra bãi biển, trải tấm khăn lớn, quây quần dọn thức ăn ra, chung vui. Thằng bé con lăn lộn vọc cát. Ông Niết đi bộ ven theo bờ nước nghe sóng vỗ rì rào. Bà vợ không muốn ông đi một mình, sợ ông ham ngắm nhìn những thân thể lồ lộ mập mạp của các bà ít vải che trên thân thể. Bà cứ kêu ông trở lại, không cho đi xa.
Bà nguýt ông và nạt: “Con mắt cứ láo tiên như mèo thấy mỡ.”
Ông phản ứng ngay: “Ra đây bà bắt tôi phải nhắm mắt lại sao? Nói thế, con cháu nó cười cho.”
“Cười ông chứ cười ai? Già rồi mà chưa chịu yên!”
Anh con rể đưa tay bí mật bấm ông Niết làm dấu. Ông liếc nó mà mỉm cười.
Trăng vàng sáng vằng vặc trên bãi biển. Ông Niết nằm ngửa nhìn lên trời và nhớ về quê hương xa xôi, có những đêm trăng sáng trên đường quê, trai gái rộn ràng ca hát vui chơi. Tiếng nhạc du dương êm đềm từ các quán nước văng vẳng mơ hồ. Ông Niết nhắm mắt, thiếp đi một giấc ngắn. Mộng thấy còn nằm trong lao tù cải tạo. Khi thức giấc, ông giật mình hoảng hốt, nhìn quanh xem có thực đang ở trên đất Mỹ, có vợ con bên cạnh hay không. Thấy dáng điệu lạ của chồng, bà vợ hỏi có sao không? Ông trả lời là không sao hết. Những lúc như thế nầy, ông bồi hồi, cảm thấy sung sướng, hạnh phúc dâng tràn. Ông cám ơn nước Mỹ, đã dang rộng vòng tay ra cho ông có nơi dung thân, cám ơn vợ, con đã đem lại cho ông tháng ngày bình an sung sướng nầy. Ông nghĩ đến những người anh em bên kia chiến tuyến mà thương cho họ. Họ đã khởi động cuộc chiến, xua quân xuống miền Nam, tấn công chinh phục. Thế mà họ lại còn hận thù chất ngất nạn nhân của họ. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra, chỉ để được nghèo đói hơn, bị áp bức hơn, và thiếu tự do hơn. Ông thầm nhủ, thôi quên đi, phe nào cũng tội nghiệp cả. Lỗi lầm của lịch sử.

Nhiều khi anh con rể đưa cả gia đình về một khu thương mãi lớn, ngồi trên sân rộng, có gần cả trăm bàn vây quanh sân khấu thấp, nghe nhạc sống, đàn trống xập xình vang vang. Ban nhạc đầy đủ đàn lớn, đàn nhỏ, kèn, tiêu, sáo hoà âm rộn ràng. Ca sĩ già trẻ thay phiên nhau ca hát. Người nghe ngồi gật gật thưởng thức với cái hạnh phúc toát ra trên những khuôn mặt vui tươi. Những sinh hoạt nầy không có ở thành phố vắng vẻ nơi ông ở trước đây. Không cần hỏi trước, anh con rể băng qua bên kia, mua về cho mỗi người một ly kem mát lạnh, ngọt và ngon. Khi thấy nhiều cặp già trẻ đứng lên nắm tay nhau bước theo điệu nhạc, anh rể kéo ông Niết đứng lên:
“Ba ra nhảy với con vài bản cho ấm người thông máu”
Ông Niết gạt tay anh con rể: “Nhảy nhót gì, mấy chục năm chưa nhảy lại lần nào. Mà già rồi, kỳ lắm.”
Anh rể cười cười: “Ba nhìn qua bên kia kìa, hai cụ cũng gần chín chục tuổi, còn múa may lia lịa. Ba đứng dậy đi! Má chịu rồi đó.”

Ông Niết ra múa may với anh con rể trong tiếng nhạc dập dồn. Bước tới, bước lui, tay hoa, chân đá, uốn éo. Hai cha con vờn nhau trong tiếng trống, tiếng kèn. Khi nhạc dứt, trở về ghế ngồi. Anh con rể nói:
“Ba dấu nghề kỹ quá. Ba nhảy bay bướm mà lạ lắm.”
“Bay bướm cái con khỉ. Tao múa võ đó, đi theo bài quyền ‘Thập Bát La Hán’ Múa theo điệu nhạc, thì ‘khiêu võ’ cũng thành ‘khiêu vũ’ vậy.”
Bà vợ ông xì một tiếng dài.
Ông Niết thấy dọn về nơi nầy, tìm được nhiều thú vui hơn. Có khi cả tuần, ông chưa hề nói một câu tiếng Mỹ. Nhưng ông cũng bực, vì bị bà vợ và con gái bao vây, chăm sóc cho ông quá kỹ, không cho ông lái xe nữa, lấy lý do ở đây thành phố đông đúc, xe cộ như mắc cữi, mà thì ông đã già, chậm, mắt kém, dễ gây tại nạn. Ông nói hai mươi mấy năm nay đã lái xe trên đất Mỹ, mà có sao đâu? Thế nhưng vợ và cô con gái đồng thanh bảo, nơi đây là đô hội, chỗ ở trước kia là thành phố nhỏ quê mùa, hai bên khác nhau. Ông đòi mua xe đạp, cũng ngăn cản, không cho. Những khi ông đi bằng xe buýt, thì ở nhà bà lo lắng, quýnh quáng, chốc chốc kêu điện thoại di động kiểm soát xem ông có gặp trắc trở gì không. Vợ và con gái canh chừng ông như chăm nom đứa trẻ con. Ông cũng biết vì tình thương mà vợ và con lo lắng và ngăn cản ông.

Những khi cần thăm bạn bè ở xa, ông Niết muốn dùng xe công cọng cho khỏi nhờ vả ai. Nhưng cô con gái ông không muốn bố mẹ đi đường chờ đợi cực khổ, nên nhờ chồng đưa đi. Ông Niết phải cương quyết: “Thôi, bố mẹ ở nhà, không cần đi nữa.”
Anh con rể dịu dàng nói: “Con cũng cần đi qua vùng đó có công chuyện, nhân tiện chở Ba Mẹ đi luôn.”
Ông biết anh con rể có lòng tốt, nói vậy cho ông khỏi áy náy, ông nhất quyết khước từ. Bà vợ ông thì không chịu hiểu, cứ nằng nặc đòi đi. Ông thở dài: “Thôi, nếu muốn thì bà đi một mình. Tôi mệt nằm nhà.”
Bà vợ gắt: “Vô duyên chưa! Bạn của ông mà tôi đi thăm một mình được sao?”
Những khi anh con rể đi vắng, ông Niết có dịp ngồi riêng với cô con gái, ông thường nhỏ nhẹ:
“Con cũng nên xét lại cách cư xử với chồng cho hợp lý hơn. Cứ sai nó việc nầy, việc kia lu bù, bắt nó chạy cho long tóc gáy, lại còn chê bai, giận hờn, nạt nộ. Chống chứ đâu phải là đầy tớ, hay nô lệ? Một ngày kia nó ý thức được bất công, rồi vùng lên, thì không tốt đâu!”
“Con có làm gì quá đáng đâu? Con chưa hề nghe anh ấy kêu khổ hoặc than thở bao giờ! Con không hiểu Ba muốn nói gì!”

Một hôm, con gái ông ngồi chơi đùa với đứa cháu ngoại bảy tuổi. Khi cô ôm con vào lòng và hỏi:
“Sau nầy lớn lên con sẽ làm gì?”
“Con sẽ sợ vợ, như bố sợ mẹ!”
“Không. Không. Không được. Con của mẹ phải mạnh dạn, hùng dũng, không sợ ai cả. Mà ai dạy cho con câu nói nầy?”
Thằng bé đáp rất tự nhiên:
“Ông ngoại.”

Tràm Cà Mau

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2025

Hương Thu


Gom hết mùa Thu trong nắm tay
Rải dài theo lối nhẹ bay bay
Hương thu chẳng đủ làm ngây ngất

Lạnh trọn đêm này thu có hay







Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Cây Machurian Pear Trên Lối Đi Trước Nhà
 

Tôi Biết


Tôi biết người ta cố quên tôi
Ước thề chỉ để thoảng đầu môi
Gặp tôi người cứ ne né vội
Như sợ chạnh buồn phía xa xôi

Tôi đã dằn lòng phải thế thôi
Người ta giờ đã khác xa rồi
Chữ tình khéo bẻ thành trăm lối
Dụ khách say tình, lén chuốc vôi.

Tôi sẽ về thăm lại lần thôi
Để nghe gió lạnh thốc mé hồi
Để xem u uẩn chiều loang lối
Để ngó mây trời lững lững trôi.

Đặng Xuân Xuyến


Phiêu Bạt



Mây ngả về đâu hỡi cõi xanh
Ta sao quanh quẩn mãi bên mành?!
Ngoài kia hoa lá ươm màu thắm,
Vạt nắng phương này sợi mỏng manh.

Ta giạt về đây chốn lụa son,
Cô đơn nên tiếng hát không hồn!
Nhớ con suối nhỏ khu rừng vắng,
Cấu cổ gào…bao điệu nỉ non!

Bến mê, một khoảnh không thừa thãi,
Làm vỡ hồn ta giấc mộng dài!
Rừng cũ vàng xưa theo gió cuốn…
Cỏ bồng dờ dật bóng liêu trai!

Gấm nhung…ôi những chiều điên dại,
Từng vết thời gian lặng lẽ phai
Tri kỷ phuơng nao còn bạt gót?
Ven trời khơi chút lửa ngày mai.

Đỗ Bình



Tây Giang Nguyệt 西江月 - Tân Khí Tật 辛棄疾


漁父詞 Ngư phụ từ


千丈懸崖削翠, Thiên trượng huyền nhai tước thúy,
一川落日鎔金。 Nhất xuyên lạc nhật dung kim.
白鷗來往本無心。 Bạch âu lai vãng bản vô tâm.
選甚風波一任。 Tuyển thậm phong ba nhất nhậm.

別浦魚肥堪膾, Biệt phố ngư phì kham quái,
前村酒美重斟。 Tiền thôn tửu mỹ trùng châm
千年往事已沈沈。 Thiên niên vãng sự dĩ trầm trầm.
閒管興亡則甚。 Nhàn quản hưng vong tắc thậm.

Chú Thích

1- Tây Giang Nguyệt 西江月: nguyên la bài hát của Đường giáo phường, sau dùng làm từ điệu. Điệu này có 50 chữ, 2 đoạn, mỗi đoạn 2 bình vận và 1 hoặc 2 diệp vận (cùng vận nhưng khác thanh). Cách luật:

X T X B X T cú
X B X T B B vận
X B X T T B B vận
X T X B X T diệp vận

X T X B X T cú
X B X T B B vận
X B X T T B B vận
X T X B X T diệp vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2- Huyền nhai 懸崖: vách núi dựng đứng.
3- Tước thúy 削翠 = 峭翠: ngọn núi chót vót xanh biếc.
4- Nhất xuyên 一川: đầy sông.
5- Lạc nhật 落日: ngày tàn, mặt trời xế bóng, mặt trời sắp lặn.
6- Dung kim 鎔金: vàng hay chất kim thuộc bị nung chẩy.
7- Tuyển thậm 選甚: không kể thế nào.
8- Nhất nhậm 一任: mặc kệ, tùy ý.
9- Biệt phố 別浦: chỗ sông đổ ra biển, đổ vào dòng sông khác, hoặc đơn giản hơn là “bến sông”.
10- Quái (khoái) 膾: thái thịt, cá thành từng miếng mỏng.
11- Trùng châm 重斟: rót rượu lần nữa.
12- Trầm trầm 沉沉: chìm xa, mai một.
13- Nhàn quản 閒管: không lo hay lo đến cũng chẳng sao.
14- Tắc thậm 則甚: làm cái gì.

Dịch Nghĩa

Lời ngư ông


Vách núi cao ngàn trượng chót vót xanh biếc,
Đầy sông mầu vàng chẩy khi mặt trời lặn.
Chim bạch âu bay qua bay lại vốn là tự nhiên.
Không kể thế nào, sóng gió không dự liệu được.

Ở bến sông cá béo, khó cưỡng phải thái ra ăn,
Rót thêm nữa rượu ngon mua từ thôn trước.
Chuyện cũ từ ngàn năm đã chìm sâu (vào quên lãng),
Lo đến chuyện hưng vong làm cái gì.

Phỏng Dịch

1 Tây Giang Nguyệt - Lời Ngư Phủ

Vách núi nhọn xanh ngàn trượng,
Chiều về sông nhuộm mầu vàng.
Chim câu qua lại vốn không màng,
Chẳng kể gió mưa ai quản.

Bến nước cá ngon khó cưỡng,
Làng bên rượu quý thêm tràn.
Ngàn năm chuyện cũ đã suy tàn,
Để mặc hưng vong quên lãng.

2 Lời Ngư Phủ

Vách núi nhọn, ngàn trượng xanh,
Chiều về sông nhuộm long lanh sắc vàng.
Bạch âu qua lại chẳng màng,
Gió mưa mặc kệ ai quàng ai lo.

Bến sông cá béo thơm tho,
Làng bên rượu quý rót cho đầy tràn.
Ngàn năm chuyện cũ suy tàn,
Hưng vong thế sự cãi bàn làm chi.

HHD 01-2022
***
Lời Ngư Phủ

1-
Ngàn trượng vách cao đỉnh biếc
Ngày tàn sông sắc vàng kim
Bạch âu qua lại vốn vô tâm
Bất kể phong ba cũng mặc

Cá béo cửa sông phải xắt
Trước thôn rượu hết lại châm
Chuyện cũ ngàn năm đã lắng chìm
Hưng vong lo gì, chả nhắc!

2-

Núi ngàn trượng, vách cao đỉnh biếc
Ngày rụng rơi, vàng thếp sông thương
Bạch âu qua lại bình thường
Phong ba cũng mặc, phủ sương bất cần

Nơi cửa sông xắt phần cá béo
Rượu làng quê, kheo khéo châm thêm
Ngàn năm chuyện cũ lắng chìm
Hưng vong chả nhắc, lặng im hưởng nhàn!

Lộc Bắc

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2025

Phú Quốc Biển Xanh - Vũ Thiên Đại Dương - QuangTuấn


Sáng Tác: Vũ Thiên Đại Dương
Ca Sĩ: Quang Tuấn
Thực Hiện: Dung Vu

Nguyệt Xưa Và Tia Nắng Cũ


Chừng như nắng đã loang đường phố
Lá ổi nhà em còn đọng sương
Bước nhỏ ngoan hiền qua lối nhỏ
Áo trắng hai tà sao dễ thương!

Nắng sớm không làm em rát mặt sao vộ̣i vàng nón lá nghiêng che?
Cọng tóc mai có tội tình chi mà em cắn hoài không đứt để người nam sinh ngơ ngẩn đứng bên lề?
Em lặng lẽ giữa đàn chim cánh trắng
Em nhu mì giữa kẻ lạ người quen

Tội nghiệp cho tôi gã tình si nặng chỗ đông người chỉ thấy một mình em!
Lẵng lặng theo em qua từng góc phố
Em dịu dàng như lá cỏ đầu xuân
Em ban ngày là con trăng tỏ

Em tối trời rực rỡ một con trăng
Tôi sợ lắm từng cơn gió lạ
Muốn bước song đôi mà sợ quá gần
Đại lộ Hòa Bình nắng xoa làn tóc xỏa

Gió Ngô Quyền chạm nhẹ gót chân em
Tôi cũng muốn làm con nắng nhỏ rắc xuống tia hồng cho đôi má hồng thêm
Trong cặp da em có nhiều sách vở
Có quyển tập nào em chép thơ tôi để những đêm khuya học bài bên cửa sổ

Em tình cờ đọc khẽ một dòng thôi?
Dù nắng sớm, mưa trưa, đêm bão tuyết
Dù đường đời vạn nẻo quan san
Em vẫn là em vầng Cổ Nguyệt
Tôi mãi si tình một ánh trăng

Trần Bang Thạch


Gió Tây

 

Trằn trọc canh dài lạnh bến Tiêu (*)
Gió tây se thắt nhớ nhung nhiều
Ai đi để lại bao hờn tủi
Kẻ ở còn mang nặng dấu yêu
Tấm áo ngày xưa thành kỷ niệm (**)
Mảnh tình một thuở xót trăm chiều
Đêm buồn thấm tận hồn cô phụ
Hy vọng ngày nao ánh nhật triêu

Quên Đi

(*) Sông Tiêu và sông Tương nơi hai người vợ của Đế Thuấn chờ chồng.
(**) Theo ý câu ca dao:
"Anh về bỏ áo lại đây
Để khuya em đấp gió tây lạnh lùng".

Sài Gòn Và Tuổi Thơ Tôi


Mỗi lần nhớ đến quê nhà là nhớ đến Sài Gòn trước tiên. Sài Gòn không phải là phần đất dành riêng cho người miền Nam nữa, đối với người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, người Trung chạy giặc Cộng năm 1968 thì Sài Gòn chính là phần đất quê nhà đáng nhớ nhất.

Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, yêu đương, mơ mộng, làm việc, lấy chồng, khóc, cười rồi chia ly với Sài Gòn.

Tôi nhớ lại hồi bé theo bố mẹ di cư vào Sài Gòn. Ba tôi làm việc ở Nha Địa Chánh, nên từ những căn lều bạt trong trại tiếp cư Tân Sơn Nhất, gia đình tôi được dọn vào ở tạm một khu nhà ngang trong sở của Ba ở số 68 đường Paul Blancy (Hai Bà Trưng,) sau lưng Bưu Điện. Tôi đi học, đi bộ băng qua hai con đường là tới trường Hòa Bình, bên hông nhà thờ Đức Bà. Tôi vào lớp Ba. Ngày đầu tiên cắp sách đến lớp, ma sơ dĩ nhiên là người Nam, hồi đó còn mặc áo dòng trắng, đội lúp đen. Sơ đọc chính (chánh) tả:

Hoa hường phết (phết là dấu phẩy)

Cái tai của con bé con Bắc kỳ không quen với phát âm miền Nam nên “hoa hường” thành “qua tường” và phết thành một chữ nữa. tôi viết: Qua tường phết.

Bài chính tả dài một trang của tôi chắc chắn là ăn một con số 0 mầu đỏ to tướng vì nguyên bài bị gạch xóa bằng mực đỏ lè. Tôi như một người ngoại quốc nghe tiếng Việt. Nhưng tôi học thuộc lòng trong sách thì giỏi và thuộc nhanh lắm. Khi khảo bài tôi được điểm tốt, mặc dù bạn học chung lớp khó hiểu con nhỏ Bắc kỳ đọc cái gì. Ma sơ cứ nhìn sách, nghe tôi đọc làu làu, biết là tôi có thuộc bài. Tôi nhớ một bài học thuộc lòng về thành phố Sài Gòn như thế này:

Sài Gòn vòi nước bùng binh
Này bảng báo hiệu này vòng chỉ tên
Trụ đèn, dây thép, tượng hình
Lính canh, cảnh sát giữ gìn công an
Mặc dầu đường rộng thênh thang
Ngựa xe đi lại luật hành phải thông
Mặc dầu đường rộng mênh mông
Mũi tên chỉ rõ bảng trông dễ tìm
Trần Hưng, Lê Lợi, Chu Trinh…

Trần Hưng là đường Trần Hưng Đạo, Chu Trinh là đường Phan Chu Trinh, viết tắt trong bài học thuộc lòng. Từ bài học đó, tôi hiểu được hai chữ “bùng binh” là gì.

Ngôi trường đó tôi chỉ học hết lớp ba, sau đó Ba Mẹ tôi tìm được nhà ở bên Thị Nghè, tôi được đi học lớp nhì, lớp nhất ở trường Thạnh Mỹ Tây, có rất nhiều bạn cũng Bắc kỳ di cư như tôi.

Kỷ niệm về Sài Gòn tôi nhớ nhất là lần đầu tiên con bé Bắc Kỳ tròn xoe mắt, nhìn thấy đồng bạc xé làm hai, nếu chỉ muốn tiêu một nửa. Mua cái bánh, gói kẹo nào cũng chỉ xé hai đồng bạc. Xé rất tự nhiên, tiền mới hay tiền cũ gì cũng xé. Người mua xé, mua; người bán xé để trả (thối) lại. Tôi đã biết bao lần, vào những buổi tối mùa hè, mẹ cho một đồng, hai chị em mua ngô (bắp) nướng của người đàn bà, ngồi dưới chân cột đèn điện trước cửa sở Địa Chánh với cái lò than nhỏ xíu, bán bắp nướng quẹt hành mỡ. Dưới ánh sáng hắt lờ mờ của bóng đèn từ trên cao xuống, cái lò than nhỏ xíu, thơm lừng mùi bắp non. Gọi là lò, thực sự chỉ có mấy cục than hồng để trong một miếng sắt cong cong, bên trên có cái vỉ bằng dây thép, rối tung, những cái bắp được xếp lên đó, bà bán hàng trở qua, lật lại. Đôi khi cũng là một cái lò gạch nhỏ đã vỡ, mẻ mất mấy miếng rồi, không thể kê nồi trên đó, bà hàng mang ra để nướng bắp. Hai chị em đứng líu ríu vào nhau (anh và chị lớn không có tham dự vào những sinh hoạt của hai đứa em nhỏ này,) cầm tờ giấy bạc một đồng, đưa ra. Tôi luôn luôn ngần ngừ không dám xé, đưa cho bà bán hàng; bà cầm lấy, xé toạc làm hai, khi tôi chỉ mua một cái bắp. Bà đưa phần nửa tiền còn lại để chúng tôi có thể cất đi, tối mai lại ra mua bắp nữa. Mỗi lần thấy đồng bạc bị xé, tuy không phát ra tiếng động, tôi cũng giật mình đánh thót một cái như nghe thấy đồng bạc của mình bị bể hay bị gẫy. Cảm tưởng như mất luôn cả phần tiền đưa ra và phần giữ lại. Phải mất bao nhiêu lần nhìn đồng tiền bị xé mới quen mắt cái hình ảnh “Đồng bạc xé hai” này và tin là nửa kia vẫn dùng mua bán được.

Bẻ trái bắp làm đôi, tôi với em tôi chia nhau. Ngon ơi là ngon! Bắp dẻo, thơm mùi lửa than, thơm mùi hành mỡ. Chị em tôi ăn dè xẻn từng hạt bắp một. Ăn xong chúng tôi dắt nhau đi tìm ve sầu ở những thân cây me trong bóng tối. Buổi tối ve sầu mùa hạ, chui ở đất lên, bò lên các thân me, lột xác. Chúng tôi bắt những con chưa kịp lột cho vào cái hộp (không) bánh bích quy đã mang theo sẵn, đó là những con ve mới ngơ ngác bò lên khỏi mặt đất, mang về nhà. Thuở thơ dại những trò chơi này là cả một thế giới thơ mộng và đầy hấp dẫn. Chị em tôi mang hộp ve sầu vào giường ngủ, ban đêm những con ve này sẽ chui ra bò lên màn, lột xác. Đêm chúng tôi đi vào giấc ngủ, thì ve chui ra, lột xác xong bỏ lại những vệt dài nhựa thâm đen trên những cánh màn tuyn trắng toát. Khi chúng tôi thức dậy nhìn thấy, chưa kịp dụi mắt tìm mấy con ve, đã thấy mẹ đứng ở ngoài màn với cái chổi phất trần trên tay. Chúng tôi chưa bị roi nào thì đã có bố đứng bên, gỡ cái chổi ở tay mẹ mang đi, trong lúc những cái lông gà trên chổi còn đang ngơ ngác.

Sài Gòn còn cho tuổi thơ của chúng tôi biết thế nào là cái ngọt ngào, thơm, mát của nước đá nhận. Trong sân trường tiểu học của trường Thạnh Mỹ Tây, tôi được ăn cái đá nhận đầy mầu sắc đầu tiên. Một khối nước đá nhỏ, đặt trên một lưỡi dao bào, bào vào cái ly bên dưới, khi đầy ly, ông bán hàng ấn (nhận) nước đá ép xuống, đổ ngược ly lại, lấy cái khối nước đá xôm xốp, có hình dáng cái ly ra. Rắc si-rô xanh đỏ, có khi còn có mầu vàng và mầu xanh lá cây với vị bạc hà nữa. Gọi là nước đá nhận. Học trò trẻ con, bạn thân, sung sướng chia nhau ở sân trường, mỗi đứa mút một cái, chuyền tay nhau. Nước đá nhận, bánh kẹo ở sân trường trong những giờ ra chơi đều được mua bằng đồng bạc xé hai này.

Ba tôi bảo cầm đồng tiền xé hai một cách tự nhiên như thế quả là một điều rất dung dị, xuề xòa, dễ dãi mà chỉ người miền Nam mới có được. Xé tiền mà như xé một tờ giấy gói hàng, giấy gói bánh, như xé một tờ báo. Mảnh xé ra có giá trị lúc đó, mảnh còn lại cũng vẫn còn giá trị sau này. Người Hà Nội cầm tờ giấy bạc rách, thì vuốt cho thẳng thắn lại, có khi lấy hạt cơm dẻo miết lên chỗ rách cho dính vào nhau, rồi cẩn thận gấp lại trước khi cho vào túi. Một thời gian sau, tiền không xé nữa, được thay bằng đồng bạc 50 xu bằng nhôm, hình tròn, một mặt có hình tổng thống Ngô Đình Diệm, mặt sau là hình khóm trúc. (Biểu hiệu cho:Tiết Trực Tâm Hư)

Cuộc di cư 1954 đó giúp cho người Việt hai miền Nam, Bắc hiểu nhau hơn. Người Bắc sống và lớn lên ở Sài Gòn ở thế hệ chúng tôi học được cái đơn sơ, chân phương của người miền Nam và ngược lại những bạn học người Nam của tôi cũng học được cách ý tứ, lễ phép (đôi khi đến cầu kỳ) của người miền Bắc. Tôi đã được nghe một người miền Nam nói: Sau 1975 thì chỉ có những người Bắc di cư 54 là đồng bào của người miền Nam mà thôi. Hóa ra những người Bắc sau này ở ngoài cái bọc (đồng bào) của bà Âu Cơ hay sao? Nếu thật sự như thế thì thật đáng buồn!

Sài Gòn đầu thập niên sáu mươi vẫn còn có xe ngựa, đưa những bà mẹ đi chợ. Người xà ích lúc đó chưa biết sợ hãi trên những con đường còn mù sương buổi sáng. Tiếng lóc cóc của móng ngựa chạm xuống mặt đường như đánh thức một bình minh. Tôi nhớ có chỗ gọi là Bến Tắm Ngựa, mỗi lần đi qua, hôi lắm. Sau vài mươi năm xe thổ mộ ở Sài Gòn không còn nữa, chỉ còn ở lục tỉnh.

Sài Gòn với xích lô đạp, xích lô máy, taxi, vespa, lambretta, velo, mobylette là những phương tiện di chuyển mang theo đầy nỗi nhớ. Kỷ niệm thơ mộng của một thời trẻ dại, hương hoa và nước mắt. Sài gòn với những cơn mưa ập xuống thình lình vào tháng năm tháng sáu, tiếng mưa khua vang trên những mái tôn, tắm đẫm những hàng me già, ướt sũng những lối đi vào ngõ nhà ai, Sài Gòn với mùa hè đỏ rực hoa phượng vĩ in xuống vạt áo học trò, với những hoa nắng loang loang trên vai áo bà ba của những bà mẹ là những mảng ký ức ngọt ngào trong tâm của chúng tôi.

Mỗi tuổi đời của tôi đi qua như những hạt nắng vàng rắc xuống trên những hàng me bên đường, như mưa đầu mùa rụng xuống trên những chùm hoa bông giấy. Những tên đường quen thuộc, mỗi con phố đều nhắc nhở một kỷ niệm với người thân, với bạn bè. Chỉ cần cái tên phố gọi lên ta đã thấy ngay một hình ảnh đi cùng với nó, thấy một khuôn mặt, nghe được tiếng cười, hay một mẩu chuyện rất cũ, kể lại đã nhiều lần vẫn mới. Ngay cả vệ đường, chỉ một cái bước hụt cũng nhắc ta nhớ đến một bàn tay đã đưa ra cho ta níu lại.

Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ im ắng thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… Làm lên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.

Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường. Đã có những bạn trai thi rớt Tú Tài phải nhập ngũ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường. Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai, với hỏa châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.

Sài Gòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống.

Sài Gòn khi đổi chủ chẳng khác nào như một bức tranh bị lật ngược, muốn xem cứ phải cong người, uốn cổ ngược với thân, nên không còn đoán ra được hình ảnh trung thực nguyên thủy của bức tranh.

Sài Gòn bây giờ trở lại, thấy mình trở thành một du khách trên một xứ sở hoàn toàn lạ lẫm. Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.

Trần Mộng Tú

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2025

Lạc Bước Song Đôi...

 Sóng biển ạt ào cuồng xoáy trong tôi
Lòng  ngỗn ngang tim từng nhịp bồi hồi.
Dấu chân để lại còn hằn trên cát
Cho người lạc lối tìm bước song đôi


Cánh chim vẫn ngóng chờ đợi mãi
Thì tình mình không thể dễ phôi phai
Chút nắng vơi cuối trời chưa tắt vội
Biển nhớ nhung ai, ai sầu nhớ u hoài...


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Mùa Hè Geelong 2024