Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

Đêm Kỷ Niệm 50 Năm Nhạc Lê Tín Hương

 

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng phai nhạt
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

(Xuân Diệu)

Tối hôm qua tuy về nhà trước giờ Cinderella nhưng vẫn khó ngủ vì dư âm buổi tiệc đón chào Đức Tổng Giám Mục Đặng Đức Ngân. Sáng hôm nay, theo dự định chúng tôi sẽ bận đôi ba chuyện. Tuy nhiên sau khi nhận hình ảnh và Utube nhạc Chương Trình Nhạc Lê Tín Hương từ chị Thuấn Anh gởi, vợ chồng quyết định ngồi xem video trên màn hình lớn TV để nhìn hình cho rõ và nghe nhạc cho đã. Và chúng tôi đã theo dõi toàn bộ chương trình văn nghệ liên tục 2 lần, sau khi ăn sáng, và trong khi ăn trưa.

Sau khi ngồi nhà thưởng thức chương trình Đêm Nhạc Lê Tín Hương trên 4 tiếng đồng hồ, tôi nghĩ mình cần ghi cảm nhận của mình, một phần để bày tỏ tình cảm riêng dành cho Anh Chị Bs. Nguyễn Ngọc Kỳ & Lê Tín Hương - với Bs. Kỳ vốn là một niên trưởng trong Quân Y VNCH, và là người tôi rất ngưỡng mộ về nhiều chuyến đi cứu đồng bào Việt Nam trôi dạt trên Biển Đông - Sư yêu thích dòng nhạc của nhạc Sĩ Lê Tín Hương sau khi thưởng thức toàn bộ 26 bản nhạc. Đồng thời nói lên lời cám ơn anh chị gia chủ Bs. Tôn Tuấn & Thuấn Anh đã bỏ nhiều công sức và thì giờ, tạo cơ hội cho tất cả chúng ta, những người có mặt trong Đêm Nhạc Lê Tín Hương, nhất là những ca sĩ nghiệp dư, vang ca tiếng hát từ tấm lòng yêu văn nghệ, sự thương mến anh chị Kỳ & Tín Hương, đã cho nhau một đêm ăn nghệ thật đáng nhớ, hòa nhã và chất lượng trong tình thân ái.


Đêm 50 Năm Nhạc Lê Tín Hương diễn ra quá “đẹp”. Để vinh danh nhạc sĩ và tác phẩm, đêm nhạc kỷ niệm được tổ chức tại tư gia anh chị Tuấn & Thuấn Anh, vào ngày thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024. Đây là lần đầu tiên vợ chồng chúng tôi đến nhà anh chị Tuấn & Thuấn Anh– với tôi, là lần thứ hai, sau khi đến dợt nhạc ngày hôm trước - Sự kiện cả anh chị đều mang họ Tôn, anh là Tôn Thất, chị là Tôn Nữ, có liên hệ đến gia tộc Hoàng Phái với tôi, nên chúng tôi cảm thấy an tâm, vì không những là bà con với nhau, mà cách ăn nói thân thiện và đối xử nhiệt tình của anh chị khiến chúng tôi cảm thấy tự nhiên và thoải mái.

Thành phần tham dự chọn lọc gồm những đồng nghiệp thân quen của anh chị chủ nhà và đồng thời cũng của anh chị Kỳ & Tín Hương. Đêm nhạc diễn ra trong một khung cảnh thân mật, ấm cúng và thanh lịch nhưng không kém trang trọng và nghi thức - quý phu nhân lã lướt, tạo “gió” trong mỗi bước đi uyển chuyển, qua những chiếc áo dài trang nhã đầy màu sắc, và quý phu quân trịnh trọng trong bộ quần áo nghi lễ. Không gian rộng đủ cho trên 50 ghế và các bàn tròn nhỏ cho khách mời thoải mái ngồi tham dự chương trình văn nghệ, với ánh sáng và sân khấu trang hoàng rất thẩm mỹ - là công sức và tài mỹ thuật của Bs. Tuấn, một nghề tay trái đáng được khâm phục. Đặc biệt tấm hình Bs. Tuấn vẽ chân dung nhạc sĩ Lê Tín Hương vô cùng sống động. Trước khi chương trình mở đầu, quan khách được mời ăn nhẹ với những thức ăn loại cầm tay, tráng miệng, cùng bia rượu, nước uống, bày dọn mát mắt và ngon miệng tại phòng ăn; tuy nhiên khá nhiều thực khách chọn ngồi ở Patio, vừa ăn vừa ngắm nhìn vườn cây trái, suối nước… trong một ngày nắng ấm của cuối Xuân.


Xin có đôi lời viết về nữ nhạc sĩ nổi tiếng của xứ Thần Kinh, nơi dòng sông Hương đã để lại một giọng nói nhẹ nhàng và ghi dấu ấn trong nhiều sáng tác của Chị. Chị lớn lên, học tiểu học và trung học tại trường Đồng Khánh, Huế ; là một trong những nữ học sinh có tiếng là giai nhân, cùng một thời với Ngô Vũ Dao Ánh (của Diễm Xưa và Ánh Nay), với Bs. Trần Bích Thụy (Montreal, đồng môn đồng khóa với tôi), Vương Thúy Loan (gia đình chị Loan và gia đình tôi cùng ở trong khuôn viên trường ĐK), và cùng một lứa với tôi, bấy giờ theo học trường Providence. Khoảng năm 1963, gia đình Chị rời Huế vào Saigon. Như bao người khác, chúng tôi vô cùng mến chuộng những bản nhạc từng đưa tên tuổi Chị lên cao. Như: Có Những Niềm Riêng, Như Mây Như Mưa, Dòng Đời Mong Manh, Bóng Cũ Chiều Mưa, Tim Buồn Lên Tiếng Gọi, Đừng Bao Giờ Hứa, Kỷ Niệm Là Nỗi Nhớ, Dòng Đời, Buồn Mãi Quanh Ta, Một Góc Đời, Con Đường Tôi Về, Em Đi …Và Cây Bút Chì, mà âm điệu của bài thánh ca lôi cuốn thu hút cả thằng cháu ngoại chúng tôi từ lúc 2 tuổi say mê nghe.

Tôi cũng được biết Chị lấy thơ văn của mình sáng tác làm lời cho trên dưới 200 bản nhạc của Chị. Vì vậy, những sáng tác của Chị mang tính cách rất riêng tư, với lời nhạc đôi khi cao sang, có chiều sâu, vang vọng một chút thầm kín, một thoáng xôn xao với nỗi buồn là dĩ vãng không quên, là nỗi đau êm đềm. Nhạc Chị mang theo chút nắng long lanh, chút mưa làm lâng lâng nỗi nhớ, chút khói tan vào hư không để chỉ còn như mây như mưa trong hạnh phúc tìm thấy, hòa hợp với lời nguyện cầu xin em mang theo hạnh phúc em một đời – Tất cả chỉ là những cảm nhận, những ao ước mà hầu như người con gái nào của xứ Huế cũng từng mộng tưởng: dòng sông có quanh co, gảy khúc chia nhánh bao nhiêu rồi cũng chan chứa, bình an, đổ vào ven biển êm ả, hiền lành. Như Chị từng chia sẻ trong một bài thơ gần đây:

“Đường đời thăng trầm, bước đời muôn lối
Có dốc cao vực thẳm, có êm đềm
Con đường đời nhờ thế ý nghĩa thêm
Để hoàn tất bức tranh đời tuyệt hảo”

Mãi gần 5-6 năm trở lại, do những cơ duyên tâm linh, chúng tôi bắt được nhịp cầu với anh chị Bs. Kỳ & Tín Hương qua phạm vi sinh hoạt Công Giáo. Anh chị tạo cơ hội cho vợ chồng chúng tôi và cháu Bồ Câu tham dự thánh lễ tại tư gia anh chị, do Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân cử hành mỗi khi Ngài ghé thăm CA, giúp cho cuộc sống đạo chúng tôi thêm ý nghĩa và vững mạnh trong đức tin. Như vừa qua, vào sáng ngày 18 tháng 6, 2024, trong thánh lễ ban bình an và xức dầu thánh, Đức Tổng Giám Mục Đặng Đức Ngân thực hiện luôn Phép Bí Tích Thêm Sức cho cháu Bồ Câu, một hạnh phúc bất ngờ, quá sự mong đợi của chúng tôi, làm chúng tôi chan chứa hạnh phúc, nhận rõ Ân Sủng Thiên Chúa tiếp tục đổ xuống cho gia đình chúng tôi. Rồi chiều cùng ngày, chúng tôi lại được Anh Chị ưu ái mời tham dự tiệc tiếp tân Đức Giám Mục Ngân, mừng Ngài nhậm chức Tổng Giám Mục Phó Tổng Giáo Phận Huế từ tháng 11, 2023, đồng thời đảm nhiệm luôn Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Đà Nẵng.

Phải nói là một trong những thành công, tạo sự hấp dẫn cho Đêm Nhạc chính là tài điều khiển chương trình của Bs. Phạm Quang Tố, một nam nhân đẹp trai, cao ráo, lưu loát với tiếng nói rất ăn micro lại đúng tiêu chuẩn Bắc Kỳ 54. Anh Tố đã hướng dẫn chương trình văn nghệ một cách hoàn hảo, nhất là trong những phỏng vấn mời nhạc sĩ Lê Tín Hương chia sẻ tâm tình nói chung và của riêng với vài bản nhạc của Chị. Cách anh Tố giới thiệu bản nhạc, không những hay ở những đoản văn anh diễn tả nội dung bản nhạc, mà cách anh trình bày, khi nhanh khi chậm, có khi “giả” ngập ngừng vài nơi, nhưng rất có duyên, để nhấn mạnh một điểm chính nào đó của bản nhạc sắp trình hát, gây thêm sự chú ý cho khán giả. Vì vậy, chương trình văn nghệ bắt đầu đúng giờ, không một trục trặc kỹ thuật, tạo sự thoải mái và chuyển tiếp tốt đẹp, nên cũng chấm dứt đúng giờ, dù có đến 26 bản nhạc chọn lọc được trình diễn và 5-6 lần phỏng vấn nhạc sĩ Lê Tín Hương.

Qua những lời giới thiệu của Bs. Quang Tố, cá nhân tôi ngạc nhiên, rồi thán phục, khi được biết ông Hoài Nam, một nhà phân tích văn học nghệ thuật về ca nhạc Việt Nam sau 1975, qua khảo cứu “70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam vào năm 2009, đã chia bài khảo cứu làm 94 phần, bao gồm 3 giai đoạn, và trải dài qua 5 thế hệ nhạc sĩ. Ông Hoài Nam đã nêu tên Lê Tín Hương là một khuôn mặt nữ duy nhất trong 5 nhạc sĩ có tên tuổi, là các nhạc sĩ Nguyễn Trung Can, Nguyễn Ánh 9, Nam Lộc, Lê Hựu Hà, và Lê Tín Hương, thuộc thế hệ thứ 4, có công đóng góp và tạo dựng nền tân nhạc VN. Ngoài những bản thánh ca Chị bắt đầu sáng tác trong vòng 20 năm trở lại, phần lớn những bản nhạc của Chị cất tiếng hát cho tình yêu, cho thân phận con người, và cho quê hương.

Chương trình văn nghệ được mở đầu với Bài Ca An Bình do ban Tứ Ca Thuấn Anh, Thu Thủy, Trâm Anh và Thùy Trang trình bày. Đây là bản nhạc mới nhất của nhạc sĩ Lê Tín Hương, cho ta một cảm giác bình an, giúp ta bỏ đi những phiền muộn, quên đi những ngày tháng lang thang bên cuộc đời vội vã. Bài hát này, xem như lời chúc của nhạc sĩ mong mọi người thân tâm an lạc để cùng nhau vui hưởng tuổi về chiều, đã được ban Tứ Ca trình diễn một cách duyên dáng và sống động.


Cây Bút Chì được chính nhạc sĩ ưu ái giới thiệu vì đây là một bản thánh ca viết từ lời một bài thơ do nhạc sĩ lấy cảm hứng từ lời nói đầy tình thương của Mẹ Têrêsa Calcutta. Tôi hân hạnh trình bày bài nhạc này, và dù đã dợt cả trăm lần, với lần này là lần thứ 101, tôi vẫn run khi bước lên sân khấu vì cảm nhận áp lực đứng trước khán thính giả đều là những ca sĩ thượng thặng thuộc hàng tiền bối, hay ít nhất cũng là những cao thủ 8-9 túi trở lên. Đến khi tiếng nhạc trỗi lên, tự nhiên tôi lấy lại được tự tin và hát với cả tấm lòng, như thể cháu ngoại đang có mặt nghe ông hát.

Bản Con Đường Tôi về, với giọng ca truyền cảm của Bs. đàn anh Vũ Quan Bân, gây xúc động cho cá nhân tôi. Khi tôi về, nhìn dân tôi ngỡ ngàng - Khi tôi về, nhìn quê hương điêu tàn - Nhìn tuổi thơ nghèo nàn, nuôi đời trong dối gian! Đây là một trong những bản nhạc về thân phận đau thương, những mảnh đời rách nát trên quê hương, mà tôi thường hay ư e ở nhà.

Trong một dáng điệu lãng tử, với một mái tóc bềnh bồng và một phong cách trình diễn rất pro, Bs. Quang Thịnh đã đưa bản nhạc Saigon Ngày Trở Lại lên mấy cấp. Sài Gòn ơi ngày về mật ngọt đầu môi - Cho nhau son phấn bên ngoài - cho nhau tình người gian dối - Tay ấm trong tay sao hồn nghe lạnh đầy. Tôi nghe bản nhạc này mà tim thắt lại, nhất là ở những đoạn nốt nhạc lên cao.

Đời Phi Công được chính người điều khiển chương trình là Bs. Phạm Quang Tố trình bày thì còn chê chỗ nào được. Nhớ lại thuở trung học, tôi mê đọc Vol de Nuit, Le Petit Prince, Đời Phi Công… Bản nhạc được nhạc sĩ Lê Tín Hương cho biết là viết tặng riêng cho người bạn thân của anh chị là Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh, cựu chỉ huy trưởng Không Quân VNCH, và một GS toán học không gian có tầm vóc quốc tế. Vì đây là lần đầu tiên thưởng thức Đời Phi Công nên tôi thật tình chưa đủ sự tinh tế để cảm nhận cái hay, cái hào hùng của bản nhạc. Tôi sẽ tìm nghe bài này nhiều lần trong tương lai.

Có lẽ người nào hát Có Những Niềm Riêng cũng phải chịu áp lực chung vì đây là một bản nhạc từng được rất nhiều ca sĩ tên tuổi hát trước đây. Theo ý kiến tôi, muốn hát hay bài này người hát phải có đôi chút “tâm sự”. Và đây là một điển hình khi Bs. Nguyễn Đức, một ca sĩ trẻ đang lên, lại “cả gan”dám chọn trình bày bản nhạc. Nhưng tiếng hát của anh đã trọn vẹn diễn tả bản nhạc này một cách xuất sắc không ngờ, làm đắm lòng người nghe. Phải chăng anh đang mang cả một “bầu” tâm sự!?


Bản Thời Gian do vợ chồng Bs. Trần Hoàng Long & Thanh Thủy song ca gây ấn tượng cho khách nghe. Tuy thể điệu thuộc loại Boston, nhưng anh chị Long & Thủy lại trình bày bản nhạc thật sống động và vui tươi, khiến không khí văn nghệ đang trong trạng thái “dật dờ” vì Có Những Niềm Riêng nay chuyển sang vui nhộn và rộn ràng, khiến người nghe thích “nhúc nhích” chân tay.

Bravo. Đây là một cách xếp đặt tài tình của người hướng dẫn chương trình.


Bs. Quang Thịnh trở lại với Em Đi Rồi. Đoạn mà tôi thích nhất trong bản nhạc là: Còn gì nữa đâu như sương khói tan rồi. Lời hẹn hò chỉ như cơn gió thoảng thôi. Một mình anh và nước mắt khóc chia phôi. Yêu thương như con tàu lìa khỏi ga cuộc đời”. Tôi tự hỏi, nếu con tàu quay trở lại thì sao hè? Em đi rồi = Tout est perdu! Phải không quý vị. Mất Em là mất tất cả, nhưng không có nghĩa C’est un point final!

Có Lúc Nào Em Nghe diễn tả tâm sự buồn của Chàng và Nàng có tình ý với nhau, nhưng không ai muốn tỏ tình trước ai, bên nào cũng cho mình là “ngon” nên mất nhau là lẽ đương nhiên. Tôi được biết bài thơ và bản nhạc được sáng tác cả mấy chục năm trước. Tôi đọc bài thơ 5 chữ thì tôi hiểu ý như vậy, tuy nhiên khi nghe Bs. Vũ Quan Bân trình bày, âm điệu và tiếng hát làm tăng thêm hương vị của bài thơ rất nhiều.

Kế tiếp, sau một loạt nam ca sĩ, nay đến phiên một giọng hát nữ vang lên, là chị Chi Loan, phu nhân của Bs. Trần Dũng, trình bày bản Một Dòng Sông. Tôi mường tượng hình ảnh người thiếu nữ soi bóng bên dòng Hương Giang, cảm nhận sư lặng yên bình thản trong tâm hồn, giúp vượt qua những thăng trầm. Ca sĩ Chi Loan đã nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt.


Ngày Rời là một bản nhạc trữ tình, buồn ơi là buồn. Với chia ly, hao mòn, phiền muộn. Hoàng hôn xuống ta nghe đâu đây cuộc đời thở dài - Chiều đã tới ta ôm chia ly đến từng bước đời. Qua giọng ca ấm áp, thoáng nghe như thổn thức, của chị Trâm Mai. Chiếc áo dài màu tím càng làm tăng thêm tình cảm dành cho bản nhạc và cho người trình diễn. Phải chăng bản nhạc và lời nhạc có phần nào trùng hợp với tâm sự của nữ ca sĩ Trâm Mai?!

Tiếp theo là Buồn Nào Cho Nguôi do Bs. Phạm Gia Nghị trình bày. Bản nhạc này cũng khiến người nghe lặng buồn ghê gớm, nhất là qua giọng hát trầm, chậm rãi, với một dáng điệu từ tốn, rất nghệ sĩ – làm ta mường tượng cái buồn đang từ từ nhỏ từng giọt buồn vào lòng, khiến ta thêm ngây ngất. Giai điệu, nhịp điệu cùng với lời nhạc đã làm cho bản nhạc thêm thấm thía, truyền cảm. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến cụm từ “từng nhánh hồn ta”- thay cho câu chiếm hết hồn ta - Phải chi anh Nghị trình diễn bài này với cây đàn guitar thì tuyệt biết bao nhiêu! Quả là không phụ với tiếng đồn xa gần anh là một trong những bác sĩ nổi tiếng trong làng nhạc tại quận Cam. Không những tôi mến phục tài ca hát của anh, mà còn hâm mộ anh dành nhiều thời gian đem niềm vui, qua tiếng hát của mình, đến cho những vị cao niên nằm trong các viện dưỡng lão.

Bản nhạc Một Góc Đời là một trong những bản nhạc của nhạc sĩ Lê Tín Hương mà tôi rất ăn ý. Không những vì âm điệu của bản nhạc mà còn vì lời hát “có hậu” mang cho ta lòng tin tìm thấy hạnh phúc cuối đường.

“Nghe trong tim ta có tiếng thở dài
Nghe như đâu đây có nỗi ngậm ngùi…
Nghe như đâu đây có nỗi muộn phiền
Một góc đời ta hoang phế, một góc đời ta dâu bể…
Nghe trong tim ta có tiếng hẹn hò
Nghe như đâu đây có những mặn nồng…

Nghe trong tim ta có tiếng gọi chào,
Nghe như đâu đây có những ngọt ngào
Một góc đời ta nương náu, một góc đời ta chôn dấu
Xin cho qua nhanh, ngày tháng còn lạc loài”


Cám ơn ca sĩ Kim Cúc, phu nhân Ds. Vạn, đã rất thành công khi kết nối và truyền đạt được cảm nhận của nhạc sĩ.

Kế đến là chị Thuấn Anh, rực rỡ trong chiếc áo dài màu đỏ thắm và nụ cười duyên dáng, solo bài Làm Sao Ta Vui. Làm sao ta vui khi cuộc đời là những thương vay - còn lắm chua cay, bao nhọc nhằn nặng trĩu đôi vai - bao nồng nàn rồi cũng phôi pha …Thôi, thì xin cứ sống trong hiện tại, đừng oán trách, đừng hờn giận vì ngày mai nào ai biết ai hay!? Đúng quá! Cám ơn chị Thuấn Anh trình bày bản nhạc thật tự nhiên và rất có hồn – tuyệt chiêu - khiến khán thính giả vỗ tay quá chừng.

Khi nhạc sĩ Đinh Trung Chính bắt đầu dạo bản nhạc Như Mây Như Mưa do cặp vợ chồng Bs. Bùi Xuân Dương & Thu Oanh song ca, tôi đã cảm thấy rộn ràng, vì biết đây là một bản nhạc vui nhộn mà tôi rất thích, đồng thời cũng là một bản nhạc Chị Tín Hương sáng tác không lâu sau khi Bs. Kỳ và Chị thành hôn với nhau. Đầu đề bản nhạc, cho dù có thêm chữ NHƯ trước 2 chữ MÂY và MƯA, rất biểu tượng cho một hạnh phúc nồng nàn, bùng cháy với những phiêu du tình vẫn xanh quên ngày quên tháng. Nhìn anh Bs. Dương vừa hát vừa uốn éo dẻo ơi là dẻo trong điệu nhạc chachacha, chân tay tôi tự nhiên cũng muốn giựt giựt theo. Chúng tôi có một cặp bạn “giang hồ” mà anh chồng là giặc lái A 37 song ca bài Như Mây Như Mưa rất phê, tuy nhiên không “tới”như cặp vợ chồng Bs Dương ở chỗ họ không nhún nhảy lúc trình diễn. Vậy đó.

Bs. Tôn Tuấn chọn trình diễn bản nhạc Tim Buồn Lên Tiếng Gọi, là một trong những bản nhạc tôi cũng ưa thích, vì melody dịu dàng và lời nhạc chân thật. Đọc lời nhạc, tôi đoán chừng bản nhạc được sáng tác trên dưới 20 năm, khi “một mình ta cô đơn, một mình chân bước vội” - Nhưng tiếp ngay sau đó “Tình yêu đến như cơn gió thoáng trong vườn đời - Chiều đời nghe thơm ngát hương hoa”. Thật không ngờ Bs. Tuấn vẫn còn đủ mấy thành công lực, vừa ra công dàn dựng sân khấu, lo trong ngó ngoài, sắp xếp bàn ghế…vậy mà vẫn còn dư sức cất tiếng hát bản nhạc một cách ngon lành và dễ dàng. Hoan hô Bs. Tuấn.

Bài Cũng Đành Chia Xa hoàn toàn mới đối với tôi. Nên khi nghe phu nhân Bs. Quang Thịnh là chị Kim Dung hát, tôi chú ý lắng nghe giai điệu và lời bản nhạc. Phải chăng chiếc áo dài màu vàng của chị - màu của chia ly tiêu biểu cho mùa Thu - làm tăng thêm nét đẹp trong tiếng hát của chị? Về nhà tôi lên mạng cố tìm bản nhạc Cũng Đành Chia Xa, nhưng không được. Đành chịu thua.

Bs. Bùi Xuân Dương lại đến với chương trình văn nghệ qua bài Hương Tình, thể điệu trẻ trung New Wave và với sự phụ họa của tam ca Thu Oanh, Thuy Thủy, và Thùy Trang. “Hương tình đời muôn thuở, như gió thoáng mây bay - Anh ơi tình là mộng cho men đời thêm cay - Hương tình đời muôn thuở như nước cuốn hoa trôi - Anh ơi đời là mộng cho ta tình lên ngôi. Quý vị ơi, phải chăng khi tâm hồn ta an nhiên hạnh phúc đó là lúc ta sống trong mùa đẹp nhất, không nhất thiết phải là một trong bốn mùa xuân hạ thu đông; cũng vậy chỉ khi có tình yêu, ta mới cảm nhận được hương tình yêu. Là vị ngọt của nụ hôn, là mùi thơm của mái tóc. Là vòng tay xiết chặt, là dựa lưng vào nhau, là kề vai bên nhau hướng về một chân trời. Hương tình yêu tựa như tơ trời, mong manh nhưng bền bỉ khi quyện lại với nhau. Cho nên ta cần phải nâng niu, cẩn trọng với…Tình Yêu. Một lần nữa, cám ơn Bs. Dương và ban Tam Ca cho tôi cảm giác tim đập mạnh theo nhịp trống New Wave.


Tôi được cho biết Giá Băng Cánh Đồng được nhạc sĩ Lê Tín Hương sáng tác gần đây, chưa đến 3 năm, sau khi nhận tin buồn chồng của một bạn thân, cũng hiện diện nơi này trong đêm nay, qua đời trong một tai nạn giao thông. Với nhạc dạo quá tuyệt vời của nhạc sĩ Đinh Trung Chính, tiếng hát trầm buồn của Bs. Vương Đức Hậu nhẹ nhàng vang lên như những lời than thở, đong đưa nỗi ai oán mất nhau trong đời– Tình yêu ấy như cơn gió đông làm giá băng cánh đồng - Những chiều hồn đi hoang, những chiều ray rứt nhớ trên bờ cát hững hờ cơn sóng nào xóa vết chân yêu…Đến đây, tôi bỗng nhớ bản nhạc Aline mà một thời chúng ta say mê: J'avais dessiné sur le sable son doux visage qui me souriait - Puis il a plu sur cette plage dans cet orage elle a disparu - Et j'ai crié, crié…Là nỗi tiếc thương khôn nguôi – là trăng vỡ bên trời. Bản nhạc Giá Băng Cánh Đồng càng nghe càng thấm thía. Cám ơn Bs. Hậu; anh xứng đáng là một cây cổ thụ trong làng nhạc “nghiệp dư” Áo Trắng của Quận Cam. My hat’s off to you. Nhân đây, tôi cũng xin mượn trang giấy này gởi đến anh lời cám ơn “không bao giờ muộn” khi anh giúp đở đẻ cháu gái thứ 2 của chúng tôi tại BV Saint Joseph 42 năm trước.

BS. Phạm Quang Tố trở lại chương trình văn nghệ với bản nhạc Tàn Phai. Tàn Phai là một định luật thiên nhiên khi ta được sinh ra, lớn lên, rồi theo thời gian ta lặng lẽ rời cuộc chơi. Mai nếu ta xa đời / Mai nếu ta xa người, Đời có nhớ ta chăng / Người có nỗi ăn năn. Đời có thấy hư hao. Lòng có tiếc thương nhau - Một lần rồi xa nhau, nghe hương đời tàn phai. Tôi nghe bản nhạc này lần đầu tiên, nhưng có cảm tình ngay, với tiếng hát của Bs. Quang Tố réo rắc truyền cảm trong một melody mà theo cá nhân mang chút âm hưởng của nhạc Lê Uyên Phương.


Mấy ai có thể dửng dưng khi nghe đoạn nhạc: Buồn là gió rét căm căm làm lòng ai giá băng - Buồn là bóng nắng loang dần làm lẻ loi bước chân - Buồn là cơn sóng trong tim làm xôn xao bờ êm - Buồn là dĩ vãng không quên làm nỗi đau êm đềm. Nỗi đau êm đềm!? Hạnh phúc đắng cay!? Như những cơn sóng vừa êm dịu vừa hung bạo, tình yêu cũng vừa phức tạp vừa nghịch lý, khi xót xa khi êm đềm, khi giận hờn khi trân trọng – vì tình yêu được ví như một dòng sông vô tận, đan xen giữa khát khao và nỗi nhớ khôn nguôi. Bản nhạc Buồn Mãi Quanh Ta được chị Thủy Trang trình bày thật tuyệt vời, không một chỗ chê. Màu tím chiếc áo dài càng làm tăng chiều sâu của bản nhạc.

Ta Đứng Xa Đời không có nghĩa ta bất cần đời, hay nothing to do with life. Mời quý vị đọc vài câu: Ta đứng xa đời, như nước xa sông- Ta đứng xa đời cũng có như không. Đôi khi, có những khoảnh khắc xa cách giống như những dòng nước chảy xa rời, nhưng cũng có thể mang theo hương thơm của kỷ niệm và cảm xúc. Khung vườn tình ái cũng vậy, được thể hiện qua mùi hương, cảm giác chạm và hương vị. Cuộc sống luôn có những thăng trầm, giống như những đỉnh cao và những thung lũng sâu thẳm. Chúng ta bị lôi cuốn vào những khoảnh khắc hạnh phúc đồng thời cảm nhận sự đau khổ của thất bại. Ôi lời yêu nào buộc tình ta trong thương đau - Ôi sợi tơ nào buộc tình ta cơn mơ xa… Bản nhạc Ta Đứng Xa Đời được ca sĩ Thu Thủy, duyên dáng trong chiếc áo dài màu lục tươi, trình diễn với cả nỗi niềm khiến mọi người vỗ tay la hét tán thưởng quá chừng.

Đừng Bao Giờ Hứa, là một trong những bản nhạc tôi ưa chuộng và thường huýt gió khi ngồi trong xe. Ta thường nghe “nói trước là bước không tới” vì vậy người khôn ngoan thường thận trọng trong lời ăn tiếng nói, và tránh hứa hẹn, thề nguyền. Nhất là: Ðừng bao giờ hứa mai sau ta luôn bên nhau – đừng bao giờ hứa mai sau khi ta yêu nhau - Hẹn thề chi anh ơi, đường đi xa vời vợi - giờ những bước mong manh - nào ai chắc đường sẽ không gập ghềnh - Mây trên trời thường hay thay sắc - Nắng ban mai chiều nay sẽ phai - và ai biết mưa buồn thắp ngày mai. Phải chăng anh từng hứa sẽ mãi mãi bên em?! Nhưng anh lại không giữ lời hứa về với vợ con sau cuộc chiến! Phải chăng có những khoảnh khắc ta im lặng bên nhau, không một lời nhưng đôi tim vẫn hòa nhịp với nhau, Tình như lời hát cất cao cho tim xôn xao, ngày ta tìm đến bên nhau ru nhau nguôi quên bao nỗi muộn phiền...Đừng Bao Giờ Hứa được chị Trâm Mai ưu ái hát tặng chúng ta thêm một lần nữa. Nhiệt liệt hoan hô.

Đời là giấc mộng lớn- Mộng là giấc mộng con. Tuy nhiên, có những giấc mộng con vẫn làm ta u sầu hay bâng khuâng, dù trong khoảnh khắc, sau khi tỉnh dậy nếu đó là giấc mộng buồn. Trong đời thường, khi gặp phải một chuyện tình ngang trái, người dễ tính thường xem cuộc tình vắn số như một giấc mộng buồn, đường ai nấy đi. Tuy nhiên trong bản Giấc Mộng Buồn của nhạc sĩ Lê Tín Hương, cái buồn có phần sâu đậm hơn, vẫn lây lất quanh ta: Một thoáng đời qua, lá rời hoa tàn – Em như hạc vàng khuất dấu nhân gian. Bản Giấc Mộng Buồn được chị Thanh Thủy trình bày solo với điệu Slow Valse, êm ái, dịu dàng. Bravo

Bs. Vương Đức Hậu trở lại với bản Dòng Đời. Dòng đời với bao nổi trôi, bao up and down, , nắng mưa bất chợt, có đó rồi mất đó, thăng hoa hay thất bại…Dòng đời luôn cho ta những bài học giá trị, giúp ta sống và tìm thấy con người của chính ta. Tuy nhiên, trong dòng đời, tình yêu không là một hành trình đơn giản, vì quan trọng nhất tình yêu luôn là một hiến dâng không điều kiện. Vì vậy có xa nhau chăng nữa, vẫn mở lòng chờ nhau, trong trần gian này hay ở kiếp sau. Có nghe tình âu sầu, có nghe đời qua mau – Mỗi khi chiều xóa nhòa, bóng dáng thời gian qua – Ngày buồn theo cơn nắng, Ngày buồn theo cơn mưa -Ngày xa từng bước đường, bước đi là bước về. Tôi rất “thấm” với câu: Bước đi là bước về. Với ý nghĩa cao sang hơn, bước đi là bước về với Nhà Cha. Cám ơn Bs. Hậu một lần nữa. Một giọng hát trầm, rung cảm người nghe.

Rất chí lý khi chị Thuấn An, người đứng ra tổ chức đêm văn nghệ hôm nay, chấm dứt chương trình 50 Năm Nhạc Lê Tín Hương, trong tinh thần Save the Best for Last, với bản nhạc Kỷ Niệm Là Nỗi Nhớ. Đúng vậy, kỷ niệm luôn là những khoảnh khắc đáng nhớ, những trải nghiệm tuyệt vời cùng với những cảm xúc sâu đậm mà ta luôn lưu giữ trong trái tim. Khi những kỷ niệm đẹp, dù nhỏ hay lớn – y như kỷ niệm tuyệt vời của đêm nay, sẽ mãi mãi là hạt mầm gắn bó tươi đẹp, để khi ta nhớ lại ta sẽ thấy mình đã có một cuộc đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc. Kỷ niệm là tuổi xuân ngọt ngào vương thương yêu – kỷ niệm là rong rêu đắm sâu trong tim ta - kỷ niệm là thiết tha hương tình ai một thuở - kỷ niệm là nỗi nhớ cho đời muôn ý thơ.

Một lần nữa, chúng tôi chân thành cám ơn anh chị Bs, Nguyễn Ngọc Kỳ và nhạc Sĩ Lê Tín Hương, anh chị gia chủ Bs. Tôn Tuấn và Tôn Nữ Thuấn Anh, nhạc sĩ keyboard Đinh Trung Chính, violinist Mai Thanh Thảo, UTuber Huỳnh Long, MC Bs. Phạm Quang Tố, và tất cả nam nữ ca sĩ nghiệp dư cùng quý khán thính giả thân thương. Chúng ta đã thưởng thức một đêm văn nghệ tuyệt vời. Đúng với ý nghĩa của bản nhạc cuối: Kỷ Niệm Là Nỗi Nhớ Cho Đời Muôn Ý Thơ.

Trong tinh thần ấy, mọi người hiện diện thay phiên nhau viết tên mình trên trên tấm banner có mang dòng chữ ĐÊM NHẠC LÊ TÍN HƯƠNG
Đêm Nhạc LTH 50nămnhac LTH


Bắt đầu viết ngày 19 tháng 6 - xong ngày 30, tháng 6, 2024.

Vĩnh Chánh


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét