Âu Dương Tu (歐陽修, sinh ngày 1 tháng 8, 1007 mất ngày 22 tháng 9, 1072), tự là Vĩnh Thúc, hiệu "Tuý Ông", là nhà thơ kiêm nhà sử học nổi tiếng thời Tống ở Trung Quốc).
Quê ông ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Năm Thiên Thánh thứ 7 (1030), ông đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông, làm Binh bộ Thượng thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung.
Âu Dương Tu là một nhà vân nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại “thi thoại" (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân, ...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Túy Ông đình ký. Mai Thánh Du thi tập, Thu Thánh Phú. Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với sáu cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).
Thuở thiếu thời
Khi Âu Dương Tu mới 4 tuổi, cha bị bệnh mất, bà mẹ dẫn ông đến Tùy Châu (nay là huyện Tùy, Hồ Bắc) dựa vào người chú để mưu sinh. Mẹ Âu Dương Tu quyết tâm cho ông học hành, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua giấy bút. Bà thấy trong cái ao trước nhà có mọc nhiều cói, liền dùng cọng cói thay bút dạy Âu Dương Tu viết chữ trên đất bùn. Cậu bé Âu Dương Tu được mẹ giáo dục từ nhỏ nên sớm yêu thích đọc sách.
Khi lên 10 tuổi, Âu Dương Tu thường xuyên đến 1 nhà có nhiều sách trong làng mượn sách đọc và chép lại những đoạn thấy hứng thú. Một lần, ông đến mượn sách của nhà họ Lý, phát hiện thấy trong đống giấy cũ 1 cuốn sách nhàu nát. Ông giở xem, thấy đó là văn tập của Hàn Dũ, 1 nhà văn nổi tiếng đời Đường, liền mượn chủ nhà, đem về đọc.
Đầu đời Tống, trong xã hội có xu hướng ưa chuộng lời văn hào nhoáng mà coi nhẹ nội dung. Vì vậy, văn phong thời này chú trọng sự đẹp đẽ của ngôn từ nhưng rất trống rỗng, nghèo nàn về nội dung. Âu Dương Tu sau khi đọc tản văn của Hàn Dũ, thấy văn chương lưu loát, lập luận thấu triệt khác hẳn với văn chương thịnh hành đương thời. Ông ra sức nghiền ngẫm, học tập văn phong của Hàn Dũ. Khi trưởng thành, ông tới Đông Kinh tham gia thi tiến sĩ, liên tục đỗ đầu 3 vòng thi. Khi mới hơn 20 tuổi, tiếng tăm của Âu Dương Tu đã vang dội trên văn đàn.
Làm quan
Sau khi Phạm Trong Yêm cải cách chính trị thất bại, bị gạt bỏ khỏi triều đình, biếm trích xuống phương nam, người cộng sự của ông là Phú Bật, Hàn Kỳ cũng bị cách hết quan chức. Những người đồng tình không dám ra mặt bênh vực họ Phạm. Chỉ có mình Âu Dương Tu dám dâng sớ lên Tống Nhân Tông, nói: "Từ xưa tới nay, kẻ xấu hãm hại người tốt, đều vu cáo người tốt là bè đảng, chuyên quyền. Phạm Trọng Yêm là nhân tài quan trọng của quốc gia, cớ sao lại bị bãi miễn. Nếu bệ hạ tin theo lời kẻ xấu thì chỉ khiến kẻ xấu đắc ý, quân thù vui mừng". Âu Dương Tu tuy không giữ chức quan cao, nhưng rất quan tâm đến triều đình và mạnh dạn can gián hoàng đế.
Cao Nhược Nạp cho rằng Phạm Trọng Yêm bị biếm trích là đúng. Âu Dương Tu rất phẫn nộ, viết 1 lá thư kịch liệt công kích hắn là kẻ không biết liêm sỉ. Vì việc đó, ông bị giáng chức, điều về địa phương, 4 năm sau mới được trở lại kinh thành. Lần này, Âu Dương Tu lại đứng ra bênh vực tân chính của Phạm Trọng Yêm, khiến bọn quyền quý trong triều nổi giận. Chúng tìm mọi chứng cớ vu vơ, gán cho Âu Dương Tu một số tội danh. Triều đình lại biếm Âu Dương Tu đi Từ Châu (nay là huyện Từ, An Huy).
Từ Châu là nơi có phong cảnh đẹp, 4 xung quanh là núi. Đến Từ Châu, ngoài những giờ làm việc công, Âu Dương Tu thường du lãm sơn thủy. Có tòa đình trên Lang Nha Sơn làm nơi nghỉ cho du khách. Âu Dương Tu thường tới tòa đỉnh đó uống rượu. Ông tự xưng là "Túy ông" (ông già say) và đặt tên cho tòa đình đó là "Túy Ông đình". Bài tản văn "Túy Ông đình ký" của ông là 1 kiệt tác được người đời truyền tụng, đến cả Tống Nhân Tông cũng vô cùng yêu thích văn chương của ông.
Cải cách văn phong đương thời, phát hiện nhân tài
Âu Dương Tu làm quan địa phương hơn 10 năm trời. Sau Tống Nhân Tông vì quá mến mộ văn tài, mới triệu về kinh thành, phong làm Hàn lâm học sĩ. Sau khi nhận chức, Âu Dương Tu ra sức đề xướng việc cải cách văn phong.
Một lần, kinh thành tổ chức khoa thi tiến sĩ, ông được cử làm chủ khảo. Thấy đây là 1 cơ hội để cải cách văn phong lựa chọn nhân tài. Âu Dương Tu đọc kĩ các quyển thi, thấy quyển nào chỉ có hình thức hào nhoáng mà nội dung trống rỗng thì đánh trượt hết. Kết quả khóa thi, một số người không đỗ rất căm tức Âu Dương Tu. Một hôm, ông cưỡi ngựa đi ra đường, bị 1 đám thí sinh bị đánh trượt ngăn lại, ồn ào chửi mắng và gây sự. Sau nhờ có lính tuần tra đến giải tán, ông mới được vô sự.
Qua việc đó, văn phong trong thi cử nhờ đó mà có biến chuyển lớn. Mọi người đều theo xu hướng viết những bài văn có nội dung sâu sắc, lời lẽ giản dị. Âu Dương Tu không những chỉ ra sức cải cách văn phong, mà còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Rất nhiều người vốn không nổi tiếng lắm, nhờ được ông tán thưởng và tiến cử, đều trở thành những danh gia, như: Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân (và hai con là Tô Triệt và Tô Đông Pha).
Trong lịch sử văn học, người ta ghép Âu Dương Tu và 5 người trên cùng với Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên thời Đường thành 1 danh sách, gọi là "Đường Tống bát đại gia" (8 tác gia văn xuôi lớn đời Đường - Tống).
Nguyên tác Dịch âm
豐樂亭遊春其三 Phong Lạc đình du xuân kỳ 3
紅樹青山日欲斜 Hồng thụ thanh sơn nhật dục tà,
長郊草色綠無涯 Trường giao thảo sắc lục vô nha.
遊人不管春將老 Du nhân bất quản xuân tương lão,
來往亭前踏落花 Lai vãng đình tiền đạp lạc hoa.
Chú giải
Bài thơ này là một trong một chuỗi ba bài Lạc Phong đình du xuân kỳ 1, 2, 3.
無涯 vô nha (nhai): vô bờ bến, cái gì vô cùng vô tận gọi là vô nhai 無涯
*長郊 trường giao: ngược với cận giao 近郊 (cận giao là chỗ cách xa nước một trăm thước. Nay thường gọi vùng ngoại ô là cận giao). Vậy trường giao đồng nghĩa với mênh mông.
遊人 du nhân: khách chơi (xuân).
** 來往 lai vãng: người đi chiều này, người đi chiều ngược lại. Cụm từ lai vãng đã được dân Bắc kỳ Việt hoá.
Dịch nghĩa
Chơi xuân ở đình Phong Lạc kỳ 3
Cây đỏ, núi xanh, mặt trời sắp lặn,
Nội cỏ mênh mông, màu cỏ xanh vô tận.
Người chơi xuân chẳng màng việc xuân sắp hết,
Kẻ đến, người về trước đình giẫm lên hoa rụng.
Dịch thơ
Chơi xuân ở đình Phong Lạc kỳ 3
Cây đỏ non xanh nắng sắp tà,
Mênh mông* nội cỏ thắm không bờ.
Du xuân chẳng quản xuân gần hết,
Lai vãng** sân đình giẫm nát hoa.
Lời bàn trích rộng Thi Viện
“Phong Lạc đình ở dưới núi Đại Phong, cách thành Trừ một dặm về phía tây, do Âu Dương Tu xây khi làm tri châu tại Trừ Châu, thời đó là một thắng cảnh của Trừ Châu. Khi đình xây xong, tác giả còn viết một bài Phong Lạc đình ký trong kể nhân tình và phong thổ của đất này như sau: “Đất Trừ nằm vào giữa Giang Hoài, nơi thuyền xe buôn bán; khi khách bốn phương không đến, dân sống không bằng gì khác, cơm áo dựa vào đồng ruộng, sống thì vui chết thì đưa”.
Con Cò bàn thêm
Đúng là cảnh thưởng ngoạn xuân cuối mùa: phong vẫn cảnh còn tươi đẹp; du khách thì vội vàng, giẫm nát cả hoa ở sân đình.
Hai câu 1 & 2:
Màu sắc và cảnh vật lúc cuối xuân khi mặt trời lặn.
Câu 3:
Du xuân chẳng quản xuân gần hết: Thời điểm vào khoảng đầu tháng 5, chơi gỡ gạc lẹ lên kẻo xuân sắp hết.
Vai chính trong kỳ này (tuy không nói rõ) nhưng có lẽ vẫn ám chỉ hai người cũ trong kỳ 2 (gã vô danh và quan thái thú họ Âu). Không nói tới rượu nhưng không hẳn là không có rượu.
Câu 4:
Lai vãng sân đình giẫm nát hoa. Có một ẩn ý trong câu này: (người vô danh và quan thái thú họ Âu) không vi phạm luật lệ của huyện khi giẫm nát hoa ở sân đình vì hoa đã tàn và xuân đã hết rồi; nếu họ không giẫm nát thì sáng mai người phu quét sân cũng phải quét hết hoa tàn đi.
Con Cò
***
Du Xuân Đình Phong Lạc Kỳ 3
Núi biếc, cây hồng ngày sắp qua
Ngút ngàn nội cỏ sắc xanh pha
Khách du chẳng quản xuân gần hết
Lui tới trước đình giẫm xác hoa!
Lộc Bắc
Dec22
***
Nơi Đinh Phong Lạc Thưởng Xuân
Rừng phong sắc đỏ khắp non,
Vầng dương sắp lặn, dạ hồn bâng khuâng.
Cỏ xanh chi chít bạt ngàn,
Xuân đà gần dứt - chả màng khách chơi.
Dập dìu lai vãng đất trời,
Hoa tàn rơi rụng - người đời giẫm lên...
Khánh-Hưng
***
Ánh tà dương soi tóc vàng
Cảnh chiều ủ dột mơ màng cõi tiên
Cú đêm rúc tiếng liên miên
Giầy son dẫm nát hoa miền xuân qua
Đồ Cóc
***
Chơi Xuân Ở Phong Lạc Đình, Kỳ 3.
Cây đỏ, non xanh, nắng xế tà,
Mênh mông cỏ biếc ngút ngàn xa,
Chơi xuân chẳng quản xuân gần hết,
Đi lại trước đình đạp xác hoa.
Bát Sách.
(ngày 28/ 07/ 2023)
***
Chơi Xuân Đình Phong Lạc Kỳ 3.
Núi biếc rừng phong nắng sắp tà,
Cỏ xanh bát ngát ngút ngàn xa.
Không màng xuân tận đoàn du khách,
Lui tới sân đình giẫm xác hoa.
Mỹ Ngọc
July 28/2023.
***
Nguyên tác: Phiên âm:
豐樂亭遊春其三 Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 3
歐陽修 Âu Dương Tu
紅樹青山日欲斜 Hồng thụ thanh sơn nhật dục tà
長郊草色綠無涯 Trường giao thảo sắc lục vô nha
遊人不管春將老 Du nhân bất quản xuân tương lão
來往亭前踏落花 Lai vãng đình tiền đạp lạc hoa
Sách có mộc bản bài thơ:
Cổ Kim Hợp Bích Sự Loại Bị Yếu - Tống - Tạ Duy Tân 古今合璧事類備要-宋-謝維新
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Tuyển Tống Kim Nguyên Minh Tứ Triêu Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選宋金元明四朝詩-清-聖祖玄燁
Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書
Ghi chú:
Phong Lạc Đình: vị trí là dưới chân Phong Sơn (nay là Lang Nha Sơn狼牙山) Trừ Châu, An Huy, do Âu Dương Tu xây cất.
Theo trang Bách Khoa Bách Độ Phong Lạc Đình_Baidu Bách Khoa, Đình Phong Lạc nằm bên cạnh suối Tử Vi dưới chân núi Phong Sơn thuộc khu du lịch Lang Nha Sơn, thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy, được xây dựng khi Bắc Tống Âu Dương Tu làm Thái thú Trừ Châu.
Trang Phong Lạc Đình Ký (arteducation.com.tw), Phong Lạc Đình được Âu Dương Tu xây dựng ở phía bắc thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy sau khi ông bị giáng chức đến làm việc ở đây. Như thế Âu Dương Tu xác nhận chính ông xây Phong Lạc Đình.
Trường giao: chỗ xa, ngược với cận giao là chỗ gần như vừng ngoại ô
Vô nha/nhai: vô cùng vô tận, không bờ bến
Lai vãng: đến rồi đi, thường nói khách vãng lai
Dịch nghĩa:
Phong Lạc Đình Du Xuân Viếng Đình Phong Lạc Mùa Xuân
Hồng thụ thanh sơn nhật dục tà Cây đỏ, núi xanh, mặt trời như muốn lặn,
Trường giao thảo sắc lục vô nha Nhìn xa xôi, màu cỏ xanh như vô tận.
Du nhân bất quản xuân tương lão Người du xuân không màng xuân sắp hết,
Lai vãng đình tiền đạp lạc hoa Kẻ đến người đi trước đình giẫm lên hoa rụng.
Dịch thơ:
Viếng Đình Phong Lạc Mùa Xuân
Cây đỏ núi xanh bóng xế tà,
Cỏ xanh vô tận nhìn xa xa
Chơi xuân chẳng nệ xuân gần hết,
Kẻ đến người đi giẫm xác hoa.
Spring Visit to Feng Le Temple by Ou Yang Su
Trees are red, the mountain is blue, the sun appears taking cover,
Far far away, the green grass runs without borders,
Spring visitors do not mind that spring is almost over,
People coming and going step on the fallen flowers.
Phí Minh Tâm
***
Huỳnh Kim Giám Góp ý:
豐樂亭=Phong Lạc đình ở đâu?
Thi Viện bảo nó ở "dưới núi Đại phong, cách thành Trừ một dặm về phía tây"; đây có lẽ là câu tương đối đúng về địa thế của Trừ Châu (không phải Từ Châu ở Giang Tô như vn.Wikipedia viết sai) nhưng có thể bây giờ nó ở dưới "núi", thay vì dưới "chân núi" nên ta không còn tìm thấy, chưa nói đến việc cái tên Đại Phong rất mơ hồ, không phải là một địa danh lịch sử! Những đoạn khác Thi Viện còn dịch ẩu hơn. Âu Dương Tu viết trong 豐樂亭記 (Phong Nhạc đình ký) rằng lúc làm thái thú Trừ Châu, ông uống nước rất ngọt nên hỏi người dân và được chỉ tới một dòng suối ~100 bộ hướng nam của thị trấn; suối phát xuất từ núi Phong. Ông thích phong cảnh bình an nơi này nên cho người khơi lòng suối, dẹp đá và xây một cái đình. Ông đặt tên đình là Phong Lạc hàm ý đời sống an lạc của người dân ở núi Phong (cám cảnh chuyện chiến chinh, tàn phá ở nơi này thời Ngũ Hồ).
Tên núi (Đại) Phong này bây giờ đã biến mất trên bản đồ
Trên bản đồ thời nay, thị trấn Chuzhou là 'thành Trừ' của Thi Viện, nằm dưới chân núi Langyashan (狼牙山=Lang Nha sơn). Trừ Châu không phải nằm "giữa Giang Hoài" mà là một vùng đất giữa hai sông Hoài và Trường Giang và Âu Dương Tu cám cảnh viết bài ký và làm thơ tả vì thời ông ta đây là một vùng đất không thương mãi, du khách; người dân ở đây không biết gì về thế giới bên ngoài, chỉ cày ruộng, ăn mặc, và vui sống cho tới chết. Dưới đây là lời họ Âu:
於是為此根據這裏的山脈河流,敍述這裏風俗的美好,讓民眾知道能夠安享豐年的歡樂,是因為有幸生於這太平無事的時代。Ư thị vi thử căn cứ giá lí đích san mạch hà lưu, tự thuật giá lý phong tục đích mĩ hảo, nhượng dân chúng tri đạo năng cú an hưởng phong niên đích hoan lạc, thị nhân vi hữu hạnh sanh ư giá thái bình vô sự đích thì đại。
Tạm dịch: vì thế, căn cứ trên nguồn sông từ núi, (tôi) tả phong tục đẹp đẽ nơi này, để dân chúng biết họ có thể an vui hưởng một năm phong phú vì họ đã may mắn sinh ra trong thời thái bình này.
@ Góp ý của Phí Minh Tâm:
Vị trí của Phong Lạc Đình dưới chân Phong Sơn (nay là Lang Nha Sơn狼 牙山), Trừ Châu, An Huy gần như chính xác, nhưng người xây đình không chắc là Âu Dương Tu.
Theo trang Bách Khoa Bách Độ Phong Lạc Đình_Baidu Bách Khoa, Đình Phong Lạc nằm bên cạnh suối Tử Vi dưới chân núi Phong Sơn thuộc khu du lịch Lang Nha Sơn, thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy, được xây dựng khi Bắc Tống Âu Dương Tu làm Thái thú Trừ Châu.
Nhưng theo trang Phong Lạc Đình Ký (arteducation.com.tw), Phong Lạc Đình được xây dựng ở phía bắc thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy sau khi Âu Dương Tu bị giáng chức. pmt
Huỳnh Kim Giám viết thêm:
Âu Dương Tu viết trong 豐樂亭記= Phong Lạc Đình Ký: 因此,我就叫人疏通泉水,鑿開石頭,拓出空地,造了一座亭子,於是我和滁州人在這美景中往來遊樂。ư thị sơ tuyền tạc thạch, tịch địa dĩ vi đình, nhi dữ trừ nhân vãng du kì gian. Dịch: vì thế tôi sai người (xứ) Trừ đào đá, mở mang đất, xây đình để tôi cùng người Trừ đến du ngoạn ở đây.
Một phụ chú cho bài đó nói: 豐樂亭:在今安徽滁州城西豐山北,為歐陽修被貶滁州後建造的。蘇軾曾將《豐樂亭記》書刻於碑。《輿地紀勝》:“淮南路滁州:豐樂亭,在幽谷寺。慶曆中,太守歐陽修建。”清《一統志》:“安徽滁州豐樂亭在州西南琅琊山幽谷泉上。歐陽修建,自為記,蘇軾書,刻石。”Phong Lạc đình: tại kim An Huy Trừ Châu thành tây phong san bắc, vi Âu Dương tu bị biếm Trừ Châu hậu kiến tạo đích. Tô thức tằng tương《Phong Lạc đình ký》thư khắc ư bi.《Dư Địa ký thắng》: “Hoài Nam lộ Trừ Châu : Phong Lạc đình, tại u cốc tự。Khánh Lịch trung, thái thủ Âu Dương Tu kiến。”Thanh《Nhất Thống Chí》:“An Huy Trừ Châu Phong Lạc đình tại châu tây nam Lang Nha san u cốc tuyền thượng。Âu Dương Tu kiến, tự vi ký, Tô Thức thư, khắc thạch。” Dịch: "Phong Lạc đình: do Âu Dương Tu xây sau khi bị biếm đến Trừ Châu, ở hướng tây thành phố Trừ Châu, An Huy bây giờ, hướng bắc của Phong sơn. Tô Thức từng nói trong bài khắc trên bia thể theo Phong Lạc Đình Ký. Địa Dư Ký Thắng: Trừ Châu (trên) đường Hoài Nam; Phong Lạc Đình (ở) nơi một chùa trong lũng sâu; do thái thú Âu Dương Tu xây giữa thời Khánh Lịch. Sách Nhất Thống Chí thời Thanh nói: Phong Lạc đình ở Trừ Châu, An Huy, hướng tây Nam núi Lang Nha, phía trên của một suối trong lũng sâu. Âu Dương Tu xây (đình), tự viết bài ký; Tô Thức ghi chép (chuyện) và khắc bia.
@ Phí Minh Tâm xác nhận lại:
Cám ơn anh Giám đã đính chính giúp.
Cùng câu chữ Hán trên Phong Nhạc Đình Ký (arteducation.com.tw):
豐樂亭:在今安徽滁州城西豐山北,為歐陽修被貶滁州後建造的。
Hán Việt: phong nhạc đình: tại kim an huy trừ châu thành tây phong san bắc, vi âu dương tu bị biếm trừ châu hậu kiến tạo đích 。
Bing translate: Phong Nhạc Đình: Xây dựng sau khi Âu Dương Tu bị giáng chức ở Phía Bắc Thành Phố Chương Châu, Tỉnh An Huy ngày nay.
Phải hiểu là: Phong Lạc Đình: Được Âu Dương Tu xây dựng ở Phía Bắc Thành Phố Trừ Châu, Tỉnh An Huy ngày nay, sau khi ông bị giáng chức đến làm việc ở đây.
Như thế Âu Dương Tu xác nhận chính ông xây Phong Lạc Đình.
Huỳnh Kim Giám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét