Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Tái Sinh


Lời nói trước: Tái sinh là sinh ra trở lại (reborn). Chủ đề bài này không có ý nói về việc tái sinh theo nghĩa của Phật Giáo mà theo quan niệm niềm tin Kito Giáo. Xác con người không bao giờ chết, nhưng sẽ sống lại -tái sinh- ngày sau cùng khi Chúa Giesu Kito giáng trần lần thứ hai. Lúc đó sẽ có cuộc phán xét sau cùng. Người không có tội trọng sẽ lên thiên đàng, hưởng vĩnh phúc muôn đời. Kẻ có tội sẽ bị luận phạt. Để khỏi bị luận tội thì trong cuộc hành trình đi về cõi chết, con người phải sống đúng theo luật Thiên Chúa dạy là Mến Chúa Yêu người.” Từ lúc nhắm mắt lìa đời đến lúc bạn gặp mặt Thiên Chúa bạn sẽ đi qua đoạn đường như thế nào. Có ai chết rồi sống lại đâu mà biết. Chúng tôi xin diễn tả con đường đi về với Chúa theo nghĩa “cảm nghiệm”. Muốn có cảm nghiệm cần phải có  “Niềm tin”.

***

     Nhiều người đã nói về niềm tin của mình. Nhưng hình như lời nói không đủ để diễn tả niềm tin một cách trọn vẹn. Ngôn ngữ thì thiếu sót, không nói lên hết được tính siêu việt của nó. Thánh Thomas Aquinas, -một tiến sĩ lừng danh của Giáo Hội- sau khi đã viết rất nhiều tác phẩm giá trị, thì gặp được Thiên Chúa. Ngài đã va chạm với Thiên Chúa một cách mãnh liệt mà cảm nghiệm còn lại của ngài là ‘hụt hơi’. Ngài coi lại cách triết lý và lý luận của ngài. Ngài đã bỏ ra biết bao nhiêu là thời giờ để viết, biết bao nhiêu tâm sức để hoàn thành những tác phẩm trứ danh thì ngài đã phải thốt lên“Tất cả chỉ là rác rưởi.” Kinh nghiệm về tôn giáo của ngài đã khiến ngài nhận ra cái mênh mông và sâu thẳm của Thiên Chúa cũng như sự bất toàn của con người và chính ngài khi suy niệm về Thiên Chúa. “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta” -lời Chúa nói (Is 55:8). Cuộc va chạm với Thiên Chúa đã vượt quá cả chữ viết và ngôn ngữ. Nhưng dù sao chữ viết / lời nói vẫn là trung gian để truyền đạt tư tưởng từ người này sang người khác, giữa con người với nhau, có thể đả thông ý nghĩ và cảm nghiệm với nhau. Một cách tương đối hay hết sức có thể. Chúng ta không phải bỏ cuộc khi cố gắng thăm dò ý muốn và sự sâu thẳm của Thiên Chúa. Dù thiếu sót, nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có. Với ý nghĩ đó trong đầu, tôi hy vọng có thể cố gắng chia sẻ với các bạn những gì đã xẩy ra cho tôi.

     Tôi sinh ra trong một gia đình Công Giáo toàn tòng, 5 ngày sau thì được rửa tội và cha xứ rửa tội đặt cho tên thánh là Phanxicô Xaviê / Francis Xavier. Có tên thánh là Phanxico vì tôi sinh ra ngày 2 tháng 12 mà ngày 3 tháng 12 là ngày lễ kính thánh Phanxico. Bố mẹ tôi nói mong rằng sau này tôi được giống như thánh Phanxico Xaviê. Được giáo dục trong môi trường Công Giáo từ nhỏ và trong suốt thời gian trung học do các linh mục cả người Pháp lẫn Việt dạy, nên Giáo lý của tôi kể cũng tạm được là có căn bản. Nhưng thời đó các kỷ luật và cách suy nghĩ có lẽ vẫn còn cổ hủ. Chỉ biết nhiều về Tân Ước. Cựu ước thì xa lạ, thấp thoáng những chuyện mà tôi coi như là chuyện ‘cổ tích’. Tóm lại đạo Công Giáo trước công đồng Vatican II thì chưa được cải hóa nhiều. Người công giáo Viet Nam đa phần vẫn rất “xưa”. Họ chẳng biết và hiểu gì về Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Họ coi các linh mục, Giám mục như là Chúa. Lời các ngài nói ra là coi như Lời của Chúa. Cãi lại là chết, có tội. Khác hẳn với bên giáo phái Tin Lành, giáo dân người ta biết và thuộc Kinh Thánh cả Tân Ước lẫn Cựu Ước rất thông suốt.    

     Vào tháng 9 năm 2004 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ, trong dịp Hội Nghị Mục vụ giới chức Công Giáo thuộc Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong lúc thảo luận về nhiều vấn đề đạo và đời, có một vị đưa ra câu hỏi về “sự khác biệt giữa Hồi Giáo và Công Giáo”. Với tư cách là trưởng ban Nội Dung/Thuyết Trình của hội nghị, thú thực lúc đó tôi ngọng, bởi vì kiến thức về Hồi Giáo của tôi quá nghèo nàn. Tôi phải bán cái cho Đức Ông Đinh đức Đạo, bấy giờ là Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại, sau này là Giám Mục địa phận Xuân Lộc tại Viet Nam. Tôi không nhớ lúc đó ĐO Đạo đã trả lời thế nào. Nhưng sau đó tôi nhất quyết nghiên cứu về Hồi Giáo qua Kinh Thánh, đặc biệt Cựu Ước để biết về giòng máu nguồn gốc của vị đã lập ra Hồi Giáo. Tổ phụ Abraham. Vị này đã là nguyên thủy của Hồi Giáo và Kito Giáo/Do Thái Giáo. Tôi đã đọc cẩn thận và nghiên cứu Cựu Ước, Tân Ước, theo những khóa học về cựu ước và tân ước đủ mọi trình độ tại xứ đạo của tôi do những vị chuyên môn chỉ dẫn và huấn luyện và những lớp linh thao. Dĩ nhiên tôi cũng nghiên cứu thêm qua sách vở của những nhà đạo đức học, kinh thánh học, triết học để biết rõ những vấn đề còn mơ hồ. Dĩ nhiên kiến thức của tôi không phải là ghê gớm. Thiết nghĩ có thể chia sẻ với quí vị một phần nào.

     Một buổi sáng khi thức giấc, ngồi bên cạnh giường, tôi có cảm tưởng “Tôi không được hạnh phúc. Như mất mát một cái gì. Tôi biết phải có một cái gì hơn nữa cho đời sống hiện nay của tôi. Tôi cảm thấy không được thoải mái.” Tôi không muốn nghĩ đến ý tưởng đó, nhưng nó cứ đến. Một sự thật rất kỳ diệu về Thiên Chúa là Chúa sẽ làm cho tôi thèm khát nó như khi bạn không biết bạn thèm khát cái gì.

     Tôi cứ giữ tư tưởng đó ngày này qua ngày khác. Và tôi bắt đầu làm một cái gì đó theo tiếng gọi của lương tâm tôi. Nó cứ mời gọi ám ảnh tôi. Việc đầu tiên là tôi đọc Thánh Kinh. Dù tôi sinh ra và lớn lên là Công Giáo. Nền tảng đạo của tôi là Kito Giáo. Tôi đã có những lần không tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội. Một phần giảng huấn mà tôi có được là sự thật tìm thấy trong Kinh Thánh. Tôi nghe nói về một chủ đề trong Kinh Thánh: Điều Căn Bản trước khi Lìa Đời. Tôi đã đi tìm đọc Kinh Thánh với hai con mắt mở thật lớn. Tôi đã được khuyến khích và thúc đẩy đọc những điều mà Chúa Giesu đã dạy về đời sống. Chúa đã trả lời thế nào về đời sống? Tôi muốn có những gì tôi cảm thấy cần. Tôi đã mất, ngay cả khi tôi không biết nó là gì. Cái thèm khát trong nội tâm tôi nung nấu thúc đẩy tôi đi tới. Đi tới mãi...

     Tôi đi vào những vấn đề căn bản của Kito Giáo và tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi đọc Kinh Thánh. Khi tôi cầu nguyện và đọc thì niềm tin của tôi như lớn mạnh hẳn lên. Tôi tin có Thiên Chúa ở trước mặt tôi và tôi khởi đầu cuộc liên hệ với Người. Chính Thiên Chúa mà những người khác, các giám mục, linh mục, bạn bè đã từng nói với tôi thì bây giờ chính là Thiên Chúa của tôi

     Niềm tin là sức mạnh nội tại. Niềm tin bốc tỏa ra từ sâu thẳm của con tim. Lúc vui hay có thể lúc thất vọng. Tiên khởi nó là tặng phẩm của Thiên Chúa, nhưng nó phải được nuôi dưỡng và bồi bổ để sống. Chúa Giesu đã nói hai ngụ ngôn về niềm tin qua thánh sử Marco. Ngụ ngôn gieo hạt giống: “Nước trời giống như người gieo hạt giống trên đất. Đêm hay ngày người ấy có ngủ hay thức thì hạt giống vẫn nảy mầm rồi lớn lên, bằng cách nào thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu. Trước hết cây lúa mọc lên rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng chĩu hạt” (Lc 4:26-28). Hạt giống niềm tin sẽ tự nó lớn lên khi chúng ta cầu nguyện. Lời Thiên Chúa, vâng nghe và thờ phượng sẽ nuôi dưỡng nó. Khi thức dậy mỗi buổi sáng, tôi cầu nguyện, đọc sách thánh, sống và sinh hoạt rồi đi ngủ ngày qua ngày rồi niềm tin tự nó sẽ lớn lên và phát triển. 

Chỉ cần Tin thôi

     Đức tin là một tặng vật khởi đầu là một cái gì nhỏ xíu. Nó thúc đẩy bạn tin vào Thiên Chúa và tin chắc chắn là Thiên Chúa hiện diện ở đó, dịu dàng và yêu thương bạn. Ý tưởng đó, sức mạnh đó, sức mạnh nội tâm có thể trở nên lớn mạnh nhanh chóng. Nó có thể xâm chiếm bạn và lèo lái cuộc sống của bạn. Một ngụ ngôn khác mà Chúa Giesu kể cũng liên hệ đến niềm tin là “Nước trời giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau, cành lá xum xoe, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng của nó” (Mc 4:31-32). Niềm tin của bạn bắt đầu là một thăm giò. Nó khởi sự như một sức mạnh cương quyết đi tìm kiếm Thiên Chúa. Trước khi bạn biết nó thì niềm tin đã trở thành cả một cuộc đời bạn rồi. Toàn thể đường hướng cuộc sống của bạn, của tôi, lời kêu gọi của tôi và nghị lực của bạn, của tôi là tất cả những gì đã được tạo ra và hướng dẫn bời niềm tin của tôi của bạn nơi Thiên Chúa. Tôi đã tái sinh và được cứu rỗi nhờ có niềm tin. Những cành những lá đang lớn lên và những chuyện khác đang làm tổ dưới bóng của tác vụ của tôi, của bạn, và những niềm tin đó đang được nuôi dưỡng ở đó vậy. Niềm Tin quả là quan trọng. Niềm Tin là Sức Sống.

     Hãy nhớ rằng, niềm tin là một tặng vật. Nó khởi đầu như một sức mạnh cương quyết tìm kiếm Thiên Chúa. Không cần biết bạn ở xa Chúa bao nhiêu, niềm tin sẽ dẫn đưa bạn đến gần Chúa và gặp Chúa. Bạn không được bỏ cuộc vì một vài bất trắc khởi đầu. Bạn không thể vui hưởng với sự thành công của ngày hôm qua. Niềm tin sẽ dẫn dắt bạn trong suốt cuộc đời cùng với tôi đi tới kho tàng Thiên Chúa. Niềm tin cũng dẫn dắt bạn và tiếp tục với bạn trong suốt hành trình cuộc sống của bạn. Chúng ta cùng nhau bước đi với niềm tin từ đầu cho đến cuối.

     Niềm tin là một trong những nhân đức cần phải tồn tại mãi mãi. Đó là tin tưởng, quả quyết, và bảo đảm chắc chắn cả những điều không nhìn thấy. Không có niềm tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì bất cứ ai đến gần Thiên Chúa đều phải tin là Thiên Chúa hiện hữu và Người ban thưởng ơn cho những ai tìm kiếm Người (Dt 11:6). Tôi hy vọng những điều tôi viết có thể xây dựng đức tin cho bạn. Bạn nên đọc và suy tư chương 11 của thư thánh Phaolo gửi tín hữu Do Thái. Thánh sử đã ca ngợi nhiều đặc điểm của Kinh Thánh và chứng minh các tổ phụ đã sống cuộc sống thành công và đầy ân phúc thế nào nhờ có Đức Tin.

     Nhờ có niềm tin mà Thiên Chúa đã in dấu trong tôi nên tôi đã bắt đầu tìm kiếm Thiên Chúa. Thánh Phaolo nói với dân thành Athene là Thiên Chúa đã tạo dựng nên họ, vậy “họ phải tìm kiếm Thiên Chúa, trong hy vọng họ có thể cảm nhận thấy Người và tìm ra Người” (Cv 17:27). Chừng 7 tháng tôi đã có cảm nghĩ và lần mò để tìm kiếm Thiên Chúa. Niềm tin của tôi đã lớn mạnh. Tôi không bỏ cuộc và nhất định kiên trì mục đích tìm kiếm Thiên Chúa.

     Những năm trước đây nhiều người đã dán cái nhãn hiệu trên xe hơi: “I found it/ Tôi đã thấy”, hàm nghĩa là đã thấy được đời sống vĩnh cửu qua Chúa Giesu. Theo tôi, thì phải ghi thế này mới chuẩn, “I’ve been found”. Trong bảng trước, chủ thể được nhấn mạnh là chúng tôi. Ở bảng hai, chủ thể được nhấn mạnh là ân sủng. Tôi đã được nhìn thấy do ân sủng Chúa ban. Dù tôi đi tìm kiếm Thiên Chúa nhưng chính Thiên Chúa hiện đến với tôi. Có ba câu truyện rất hay về mất và đã tìm thấy được nói trong Tin Mừng Luca đoạn 15. Tất cả mọi người phải hiểu là Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta và đổ tràn đầy ân sủng cho chúng ta, và Chúa hân hoan khi tìm thấy chúng ta. Bài hát “Amazing Grace” chúng ta thường hát: “I once was lost but now I’m found / Có lần tôi đã đi lạc mà bây giờ tôi được tìm thấy”. Đêm hôm đó vào tháng 7, tôi đã được tìm thấy.

     Khi tôi nằm trên sàn nhà coi đá banh vào một buổi chiều, bất thần tôi cảm thấy bụng đau râm râm nên quyết định đi ngủ sớm. Tôi không hề nghĩ đến hay có một  cảm nghiệm gì về cuộc đời của tôi sẽ thay đổi. Ngay cả không hề nhớ lại là tôi có cầu nguyện đêm đó khi tôi lên giường đi ngủ không.

Đường hầm Ống hút

     Tôi đang từ từ đi vào giấc ngủ thì bất thần cảm thấy như bị hút cuốn xuống một con đường hầm. Tôi vẫn tỉnh táo và có ý thức, và biết cái gì đang xẩy ra cho tôi nhưng không tài nào kiểm soát được. Hồi còn trẻ tôi thường chơi vui, -nhất là với mấy đứa cháu nội ngoại- trượt nước trên cầu trượt hay ống nước tại những trung tâm giải trí Disney World. Cảm giác của bạn khi để tự do trượt hay nước cuốn hút trong những ống như vậy thế nào thì giờ đây cảm giác của tôi nó như vậy. Tôi có cảm giác như bị cuốn hút vào một cái ống vĩ đại. Tôi không nhìn thấy nó, nhưng có cảm tưởng nó cuốn tròn quanh tôi. Đó chính là con đường hầm ấy.

     Điều thú vị là tôi không muốn đi qua cái ống đó. Tôi muốn chống lại cảm giác cuốn hút ấy nhưng không đủ sức mạnh chống lại nó. Tôi đã chống cự lại nhưng không tài nào làm nổi. Tôi vẫn bị cuốn hút đi. Tôi cảm thấy hết nghị lực, vô phương chống đỡ, ngoài tầm kiểm soát. Linh tính tôi cho biết sẽ có cuộc họp mặt với Thiên Chúa ở phía bên kia và tôi co rúm lại khi đối diện với tình trạng đó. Lạ kỳ thay cái sức mạnh lôi kéo tôi lướt qua ống hút đó chính là niềm tin của tôi! Tôi nhớ lại khi suy nghĩ, “Ồ! Không phải, tôi tin!” Tôi nói “Ô! Không phải” vì tôi không muốn ở trong chỗ này, nơi tôi không thể chống đỡ được với sức cuốn hút này. Tôi biết nhiều tháng trước tôi đã tin và tìm kiếm, và bây giờ niềm tin đã trở thành sức mạnh có thể dẫn đưa tôi tới gần Thiên Chúa. Tôi cũng nói, “Ô! Không” vì ngay lập tức lúc này là lúc tôi phải biết tôi phải chạm chán.

     Tôi xin cắt nghĩa thêm nữa. Con đường hầm này là bước đầu tiên bạn phải gặp tại điểm trao đổi. Khi thân xác một người đã già cỗi, bệnh hoạn hay là bị tổn thương vì tai nạn thì đó là điểm khởi hành của sự chết. Thân xác bạn cuối cùng đã mòn mỏi kiệt lực và bạn phải rời bỏ từ giã nó. Ý thức bạn, linh hồn bạn cũng không còn hiện diện nơi thân xác bạn để rồi bắt đầu hành trình đi về với Thiên Chúa. Nó xẩy ra tự nhiên mà bạn không biết nó thế nào. Chẳng có lâu la gì đâu. Như đã nói trước đây, việc bạn gặp gỡ Thiên Chúa sẽ rất nhanh và cấp bách. Linh tính bạn cho thấy có một sự gì xẩy ra, giống như là “vượt qua” hay là một chuyển đổi đầu tiên.

     Điều quan trọng phải nhận biết là linh hồn sẽ không bao giờ chết. Cái làm cho bạn là bạn (không phải là người khác), là lương tâm bạn, ý thức bạn, cá tính bạn, sẽ được gìn giữ, bảo quản và chuyển đổi. Dù thân xác bạn chết nhưng bạn vẫn sống và hưởng cuộc sống vĩnh cửu ở một nơi nào đó, hoặc thiên đàng hay hỏa ngục.

     Tôi tin rằng cái “ống” hay đường hầm này chính là con đường hành trình của tôi phải đi qua vào lúc tôi chết. Khi một ai “qua đời”, thì người đó phải đi qua cái ống vòng xoáy này là khúc nối giữa đời sống hiện tại và mai sau. Đường vào này nó nằm trong tâm trong cõi lòng chúng ta. Tất cả chúng ta sẽ để tâm tư chìm đắm sâu thẳm nơi cửa ngõ dẫn đưa vào tiền đường của vĩnh cửu.

     Khi chúng ta chào đời, chúng ta cũng đi qua cái đường ống của bụng mẹ chúng ta. Chẳng ai biết mình sinh ra thế nào. Nó xẩy ra tự nhiên. Khi chúng ta sinh ra vào một thế giới kế tiếp, chúng ta cũng đi qua một đường ống khác. Đừng lo là không biết con đường đó. Bạn sẽ đi qua nó theo linh tính và tự nhiên, tương tự như qua một cánh cửa xoay tròn vậy. Bên này có một thực tế thì bên kia cũng có một thưc tế khác. Câu nói: “Ánh sáng ở cuối đường hầm” quả là đúng. Không sai.

     Tôi nhớ rất rõ là tôi đã chiến đấu để đi qua cái đường ống đó. Tôi cố gắng nhưng sợ không tự điều khiển được. Điều tôi cảm nghiệm chắc chắn lúc đó là tôi đã mất tự chủ, không tự làm chủ mình được. Tôi không biết lúc đó tôi ở đâu, tôi sẽ đi đâu và điều gì sẽ xẩy ra cho tôi. Nó giống như ngồi trên máy bay lúc cất cánh. Không thể trở lại được và không tài nào ra khỏi máy bay được. Tôi phải đầu hàng. Tôi muốn tự chủ, nhưng tôi không có một sức mạnh nào để chống lại cái lực đó. Vì tôi bị lôi kéo vào con đường ống đó bởi một sức mạnh lớn hơn tôi rất nhiều. Sức mạnh đó như một trọng lực tự nhiên, không tài nào có thể chống lại được.

     Bây giờ tôi biết là chính Thiên Chúa đã ra lệnh triệu hồi tôi như Chúa Giesu đã nói: “Chẳng ai đến với Ta được, nếu Chúa Cha là đấng đã sai Ta không lôi kéo người ấy” (Ga 6:44). Ý nghĩa câu nói đó rõ ràng là Thiên Chúa sẽ lôi kéo mọi người để được cứu chuộc qua chúa Giesu. Tôi tìm ra được ý nghĩa đó là tôi đã bị kéo về với Chúa Giesu như bị nam châm hút vậy.

     Cửa đi vào cõi vĩnh hằng là nơi vượt qua thời gian. Tôi nhớ và nghĩ là lúc đó rất yên tĩnh phẳng lặng và chậm rãi như thể thời gian ngừng lại. Thời gian thì chuyển động, và dù lúc đó tôi đang chuyển động, nhưng vương quốc mà tôi ở trong đó thì vượt quá thời gian. Khi nói về Chúa Thánh Thần, sách Khôn Ngoan có viết “Vì chuyển động của Đức Khôn Ngoan thì mau lẹ hơn tất cả các chuyển động. Do tính tinh tuyền, Đức Khôn Ngoan thấm nhập và xuyên thấu mọi vật mọi loài” (Kn 7:24). Vì vậy có lẽ Chúa Giesu Phục Sinh đã có thể đi vào trong phòng của các tông đồ dù lúc đó cửa đóng then cài (Ga 20:19).

Đồng hồ điểm giờ

     Tôi đã coi một movie mà nhân vật chính trong truyện có sức mạnh có thể làm ngừng thời gian. Hắn búng ngón tay một cái là tất cả mọi nhân vật trong phim phải ngừng lại. Khi họ khựng lại thì hắn đi vòng quanh kiếm một cái gì để ăn. Mọi nhân vật ngừng cử động, ngừng nói, ngừng cười. Trông giống như những người xáp. Khi hắn ta ăn hết một miếng gì đó, hắn lại búng ngón tay thì mọi người lại trở về tình trạng bình thường như trước. Nhân vật chính này có thể đi theo thời gian nhưng thời gian không qua đi trong khi hắn ăn. Khi chúng ta nói về Thiên Chúa vượt thời gian là Người ở bên kia thời gian, trên thời gian một cách nhiệm màu, hầu như riêng rẽ cách biệt khỏi thời gian. Tuy nhiên Người vẫn có thể đi vào trong thời gian.

     Để dễ hiểu quan niệm về thời gian của Thiên Chúa, hãy tưởng tượng đặt một cái thước đo trước mặt Thiên Chúa rồi chấm điểm từng giây một từ khi bắt đầu sáng tạo trời đất và muôn vật đến lúc tận thế. Thiên Chúa thì vượt thời gian và thời gian ngừng ngay trước mặt Người. Người có thể nhìn thấy tất cả mọi sự ngay lập tức trong cùng một lúc. Người có thể nhìn thấy cái thước đo từ đầu đến cuối, có thể nhìn thấy và nói trước những gì sẽ xẩy ra vào ngày tận thế ngay từ lúc khởi đầu tạo thiên lập địa. Thời gian trôi qua theo nhịp độ đã được đặt ra, nhưng Thiên Chúa thì vượt thời gian. Dù Thiên Chúa đứng cạnh thời gian nhưng Người vẫn có thể đi vào thời gian và ở trong thời gian.

     Khi duyệt qua kinh nghiệm của mình, tôi đã tự nhủ là mọi sự trên đời này có vẻ như bình yên phẳng lặng. Mọi sự chắc chắn không phải như những gì mình nhìn thấy. Ý tôi muốn nói là khi chúng ta nghĩ, hành động hay sống, chúng ta có cảm nghĩ như thể chỉ có một mình chúng ta hiện diện. Nhưng bên dưới cái mặt phẳng của tư tưởng và ý thức đó, lại là toàn thể cái thực tế siêu việt ấy. Chúng ta sống trên đỉnh của một tảng băng trôi. Thiên Chúa thì ở trong và Người biết mọi chi tiết thật nhỏ của cuộc sống chúng ta. Mọi tư tưởng, ý nghĩ, việc làm và hành động của chúng ta Chúa đều biết. Một cách nào đó Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới như thể chỉ có một mình chúng ta và không ai biết được suy nghĩ của chúng ta. Cách thức mà Thiên Chúa đã phác họa ra thế giới thì quá khôn ngoan và tuyệt hảo. Tin và hồ nghi, nhân đức và tính xấu, yêu thương và ích kỷ đều có nhiệm vụ riêng. Một đứa trẻ nếu nó biết nó đang bị để ý thì nó sẽ cẩn thận và tỏ ra là đứa trẻ tốt. Nhưng nếu chẳng ai để ý canh chừng nó thì nó sẽ để lộ cái bản chất thật của nó ra.

     Một điều chắc chắn là chúng ta không bao giờ cô đơn. Vua David đã viết qua Thánh vinh 139:2: “Chúa biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Chúa thấu suốt từ xa.” Chữ ‘từ xa’ không nhất thiết là khoảng cách xa không gian, mà là vượt qua cả thời gian. Thánh Augustine là đấng thông thái và khôn ngoan đã viết một câu rất là ‘siêu’: Thiên Chúa ở gần chúng ta hơn cả chúng ta.

Cầu nguyện là mở cửa

 

     Tôi thích chăm chú cầu nguyện. Những kinh nghiệm mà tôi viết ra đây đã giúp tôi khao khát được ở gần Thiên Chúa. Cầu nguyện giúp tôi chìm đắm sâu thẳm trong tình liên đới với Thiên Chúa. Thánh Phaolo đã dạy chúng ta,“Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:2). Đạt đỉnh cao của cầu nguyện, tôi tin là chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa tại cửa mở này. Chủ đề của năm thánh 2000 là “Hãy mở rộng cửa đến với Chúa Kito / Open wide the doors to Christ.” Cửa này nằm tại trung tâm con người chúng ta, trong trái tim chúng ta. “Lạy Chúa, xin dạy con khôn ngoan trong thâm tâm thầm kín của con.” (Tv 51:6).

     Chúa Giesu đã nói, “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3:20). “...Kìa, vị thẩm phán đang đứng ngoài cửa” (Gc 5:9). Thiết nghĩ cữa này là cửa đi vào nơi vĩnh hằng đang ở trong tâm chúng ta. Ít người nhận thấy nó trong cuộc sống này. Rất nhiều người lại còn không biết nó đang hiện diện và đang sống rõ ràng. Mở cửa tức là hành động và giữ kỷ luật là có ân sủng. Thường thường người ta xa lánh chuyện đó, không thèm biết đến và sống trong sắc dục xác thịt. Nhưng nếu chúng ta chậm lại và đi vào trọng tâm, chúng ta có thể bắt đầu vượt thời gian và vào nơi an nghỉ, trong đó có Thiên Chúa vinh quang.

     Năm 2002 nhà thờ lớn Đức Mẹ Các Thiên Thần (Cathedral of Our Lady of the Angels) ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ đã hoàn thành với phí tổn chừng $200 triệu mỹ kim. Họa đồ do kiến trúc sư nổi danh Jose Rafael Moneo vẽ kiểu. Thánh đường rất cân xứng và có dạng góc cạnh đã được biến hóa từ kiểu thông thường. Kiến trúc sư Moneo cắt nghĩa là kiểu nhà thờ ông vẽ sẽ có sức thu hút hấp dẫn lòng người. Giáo dân mỗi khi vào bên trong là lòng trí bị xa cách với bên ngoài, biệt lập với đời sống trần thế, mà chỉ nghĩ đến nội tâm thôi. Khi xây một nhà thờ có dạng một tu viện, -kiến trúc sư nói thêm-  tốt nhất là chúng ta nên nhìn vào sự thật trong thâm tâm chúng ta hơn là để ý đến nó theo vẻ bề ngoài của chúng ta.

     Tôi thường coi Star Trek trên truyền hình. Phim luôn luôn bắt đầu giới thiệu với “Space, the final frontier”. Tôi không đồng ý với câu đó. Nó không làm mình vượt khỏi thân xác là biên thùy cuối cùng của mình. Kính viễn vọng không khám phá cho chúng ta tất cả mọi huyền bí và giải đáp về vũ trụ. Những câu giải nghĩa mà chúng ta tìm tòi chỉ có thể thấy bằng cách nhìn vào chính mình. Nội tâm của con người. Đó là tình trạng nâng tâm hồn lên, lương tri mình lên để tìm kiếm khám phá ra những sự thật vĩnh cửu mà mình mong muốn. Nhìn sâu vào nội tâm, đi tới trọng điểm của chúng ta và vượt thời gian tìm kiếm Thiên Chúa và con người thật của chúng ta là đã tạo được “biên thùy cuối cùng” rồi. 

Biên thùy tử thần

    Con người trên hành trình cuộc sống của mình buộc phải đi qua cửa này, đoạn đường này, từng ngày cho đến khi chết. Đó là lẽ tự nhiên từ lúc sinh ra. Cuộc sống tôn giáo đã giúp tôi nhìn biết sự chết một cách tổng quát theo một viễn kiến mới. Nhiều người, nhiều bạn bè mà tôi đã gặp và đã sống như tôi đã qua đi, đã về với Chúa. Khi chúng ta than khóc vì mất người thân, chúng ta lại phải vui mừng cho sự ra đi của họ. Về cõi vĩnh hằng, nơi không còn bon chen, than khóc, buồn phiền...Chỉ có vui sướng an bình! Tôi có phúc vì biết là mình đã có một đoạn đường thương khó dẫn đưa tới cõi vĩnh hằng. Khi viết bài này thì trong ít tháng gần đây đã có vài người bạn của tôi lìa đời. Chết là một cái hẹn có cả hàng chục ngàn mỗi ngày. Có người chết một cách tự nhiên, có người chết vì tai nạn xe, vì hỏa hoạn bão lụt vì chiến tranh, vì bạo động, thù ghét đâm chém bắn giết nhau. Hàng ngàn thứ chết chẳng hẹn ai nhưng vẫn đến. Đọc tin tức qua báo chí, internet v.v. thấy đủ thứ chết. Người bạn đồng môn của tôi chết khi người nhà thấy thì đang nằm dưới đất vì té. Mang vào nhà thương, qua đủ cách chữa trị tưởng qua khỏi cái chết. Ai cũng mừng vì hắn hên. Nhưng cuối cùng vẫn chết. Đám tang rất dềnh dang. Hội đoàn này, đoàn thể kia, khóa học này, trường kia, tổ chức nọ, binh chủng nhảy dù, quân trường xưa, đủ thứ tập thể phân ưu chia buồn, kể thành tích công ơn với cộng đồng, với tổ quốc. Lại giáo sư, nhạc sĩ, ca sĩ, võ sĩ. Đủ thứ công trạng huy hoàng trên đời. Huy chương này chiến công kia. Phủ cờ tổ quốc trên quan tài. Mấy ai được như vậy nhỉ. Người người trầm trồ khen ngợi. Người ta lôi ra đủ những cái hay đẹp, chẳng biết thực hư ra sao. Không ai nhắc đến điều xấu. Đào ngũ tại mặt trận. Những thứ đó chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa. Chỉ là rác rưởi. Sổ cuộc sống sẽ được mở ra trước mặt Chúa ngày phán xét. Cái nghiệp sẽ hiển hiện rõ ràng. Lúc đó số phận mới là kết quả sau cùng. Bạn biết một người bạn hay người thân hay bất cứ ai phải ra đi về cõi sau. Nhưng giòng người cố định hàng ngày vẫn phải đi vào con đường chuyển tiếp đó cứ luôn luôn liên tục tiếp diễn. Hàng tỷ người từ thế hệ trước tiếp nối chúng ta. Một ngày nào đó chúng ta cũng phải đi qua cũng con đường đó. Điều quan trọng là chết không phải là ngừng sống, nhưng là một khởi đầu mới. Tái sinh.

Cuộc đầu hàng sau cùng


     Bố tôi ra đi một cách bất ngờ vào tháng 7 ở tuổi 86. Đêm đó khi mọi người lên giường ngủ chẳng ai nghĩ là bố tôi sẽ không thức dậy. Bố tôi bị đột quỵ nặng. Sáng hôm sau bác sĩ cho chúng tôi biết là ông đã ra đi. Bác sĩ nhìn tôi và nói mấy điều rất đặc biệt, “bố tôi ra đi bình yên, không phải vật lộn với tử thần.” Cả một đời bố phấn đấu với đau khổ, với con người và với hoàn cảnh. Bố đã hiến đời bố cho Thiên Chúa, hiến đi hiến lại để làm người chồng và người cha. Tất cả những cố gắng đó là chuẩn bị cho chuyến ra đi cuối cùng là cái chết. Bố đã đầu hàng trọn vẹn và ngon lành trong cuộc sống và, bố đã không phải vật lộn trong lúc ra đi cuối cùng này.

     Tôi tin là chúng ta sẽ chết như chúng ta đã sống. Nếu bạn chiến đấu để sống, liên tục nắm giữ để điều khiển và sống độc lập không cần Chúa thì bạn sẽ phải vật lộn với tử thần lúc chết. Nếu bạn đầu hàng Thiên Chúa và cuộc sống, hãy tin tưởng vào Chúa và lớn lên trong ân phúc thì cái chết của bạn sẽ là cuộc đầu hàng cuối cùng trong muôn vàn đầu hàng khác trong cuộc sống của bạn. Đau khổ của chúng ta, bất kể dưới hình thức nào, cũng sẽ là thầy dạy chúng ta là chúng ta không thể kiểm soát hay đầu hàng người đang kiểm soát chúng ta. Nếu chúng ta tự từ bỏ chính mình cách trọn vẹn bây giờ, thì chúng ta sẽ bình an đón chào tử thần sau này.   

     Vì những lý do nào, nhiều người bị tử thần gọi trong đau đớn lúc cuối đời. Không phải tất cả mọi người ra đi bằng an như bố tôi. Chết có thể là một tiến trình dài lê thê và day dứt. Nào phải nằm nhà thương, hóa học trị liệu, máy thở, uống thuốc, chích thuốc đủ thứ...Nhiều người phải kéo dài con bệnh năm này tháng nọ, như ung thư, Alzheimer và nhiều bệnh bất trị tàn tật khác. Tuy nhiên trong những thứ đó có một thứ phải luôn luôn đối đầu với một lựa chọn là: Đầu hàng Thiên Chúa trước tòa án hoặc chống lại và bị chua cay khốn khổ. Tiến trình sự chết tự nó là một mời gọi phải từ bỏ mình để theo Chúa khi vật lộn chiến đấu. Chẳng ai ở đời này hiểu được cái lợi hay cái khó khăn của cuộc vật lộn hàng ngày của bạn, nhưng Thiên Chúa sẽ đổ sức mạnh và ân sủng cho bạn. Thiên Chúa không có chủ ý áp đặt một kết thúc cho bạn nhưng Người giữ nước mắt và tiếng cười của bạn trong cái chai riêng của Người (Tv 56:8).

     Tôi tin rằng rất nhiều người không chấp nhận Tin Mừng và phó thác đời mình cho Chúa Kito mà lại hãnh diện muốn điều khiển những người không muốn chết cho chính mình. Nếu chúng ta chấp nhận đầu hàng và chết cho mình bây giờ thì cái chết sẽ là một qui hàng cuối cùng. Lúc đó chúng ta sẽ sẵn sàng để ra đi. Có những người bị mù mà vẫn sống rất bình thản và tự tin. Niềm tin của họ nơi Thiên Chúa và việc họ phó thác mọi sự cho Chúa quả là rất đáng kính phục. Có những người bị đau khổ nhưng chịu đựng kém hơn thì lại cay đắng trong cuộc sống. Đúng vậy, đôi khi người mù lại dạy cho chúng ta nhìn.

     Phúc âm thánh Gioan có một câu chuyện về Sự Thương Khó rất độc đáo. Phúc âm thánh Gioan được gọi là Phúc Âm Chiên Lạc / Maverick vì đứng một mình trong cách trình bày về Chúa Giesu và lấy nguồn tài liệu mà 3 phúc âm nhất lãm không giống. Chúa Giesu chết là trong khoảnh khắc. Theo Marco thì lúc Chúa Giesu chết hoàn toàn là con người. Chúa kêu lên một tiếng lớn rồi tắt thở (Mc 15:37). Ngược lại, Gioan tường thuật Chúa Giesu đầu hàng, trao thần khí mình cho Thiên Chúa Cha rồi yên lặng gục đầu xuống (Ga 19:30). Chúa trao thần khí lại cho đấng đã ban nó cho Người. Chúa nói rõ ràng như vậy trong Gioan 10:18. “Không ai có thể lấy đi mạng sống của Ta, nhưng chính Ta tự ý hy sinh mạng sống mình”. Nói cách khác, trong suốt cuộc sống của Chúa, Chúa đã hy sinh theo ý Thiên Chúa. Cuộc đầu hàng cuối cùng vĩ đại nhất là lúc Chúa chết trên thập giá. Chúa đã trút bỏ linh hồn trong tay Chúa Cha. Chúa không ngần ngại từ bỏ mình. Thánh Gioan làm nổi bật đặc điểm là Chúa chết như Chúa đã sống: khiêm nhường, phó thác, từ bỏ và vâng theo ý Thiên Chúa Cha.

     Con người sinh ra là đã có tham vọng, thích điều khiển người khác. Điều khiển vừa là đức tính tốt đáng khen vừa là tật xấu chẳng hay ho gì. Khả năng dàn xếp, quản lý và thực thi quyền hành trong cuộc sống và mọi biến cố có thể giúp người ta tiến lên xa hơn. Những nhà lãnh đạo, những chủ nhân và những người có viễn kiến tất cả đều có khả năng điều khiển giỏi. Tuy nhiên quá ham điều khiển vì nhu cầu hoặc đam mê lại có thể làm mất khả năng điều khiển. Cuộc sống giống như miếng thạch ta có thể cầm nó theo cách ta muốn. Nó cũng rất dễ vuột khỏi sự kiểm soát điều khiển của chúng ta mà không ngờ. Tình trạng bất thường không điều khiển được như vậy thường xẩy ra trong cuộc sống mà ta gọi là tình trạng bất ngờ ngoài tầm kiểm soát. Có người trở nên nghiện ngập hút sách để né tránh hoặc đương đầu với vấn đề. Trong chương trình cai rượu 12 bước dành cho những người không thể tự điều khiển được mình, người ta nói là: “A man takes a drink, a drink takes a man / Một người uống rượu, thì rượu ấy lại uống luôn người đó, có nghĩa là Uống rượu thì sướng, nhưng rượu sẽ giết mình.” Nghiện rượu hay nghiện bất cứ thứ gì bắt đầu chỉ ở đầu ngón chân, rồi tiếp tục nó lan ra cả bàn chân, rồi cả thân thể và sau cùng nó bóp cổ người ghiền cho nghẹt thở luôn. Nực cười thay, phương cách lấy lại điều khiển lại phải đi qua tiến trình đầu hàng.

     Tự trọng là kim chỉ nam để lấy lại điều khiển. Tự tin và cương quyết luôn luôn giữ vững lập trường của mình. Khiêm tốn chấp nhận những thay đổi và bất ổn của cuộc sống. Thánh Phaolo đã nói trong thư gửi tín hữu Philiphe là hành động tách Chúa Giesu ra khỏi Thiên Chúa là do chính Chúa Giesu đã khiêm tốn tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa Cha để vâng lời cho đến chết trên thập giá (Pl 2:7-8).

     Cuộc sống thì đầy dẫy cám dỗ, luôn luôn thúc dục chúng ta qui hàng. Không cần biết ơn gọi của bạn là gì và ở cấp bậc nào, nhưng Thiên Chúa sẽ làm việc với mọi người trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố cuộc đời để thánh hóa bạn, nâng bạn lên một mức độ cao hơn. Thiên Chúa không nhất thiết phải cố gắng lấy đi tất cả những quyền điều khiển của bạn ra khỏi cuộc sống của bạn mà là giữ cho nó cân bằng. Trước 1975, tôi ở Vietnam, từ 1979 tôi ở Hoa Kỳ cho đến nay, từ Iowa đến California đến Chicago, rồi Florida. Nơi ở khác nhau. Con người khác nhau. Và tôi trải dài bản thân tôi và gia đình cùng với sự vật, con người theo hoàn cảnh văn hóa của nó để thích hợp. Tôi nhớ nhà ở Việt Nam, nhớ quê hương xóm làng v.v...Tôi tiểu thuyết hóa quá khứ, tô điểm hiện tại. Dĩ nhiên quá khứ thì không vĩ đại như tôi nhớ lại, dù có thời gian rất ghê gớm, sống chết trước mắt khi ở trong quân ngũ. Suýt nữa thì chết và bị Việt Cộng bắt (đầu hàng) cùng với cả bộ chỉ huy trung đoàn 56, sư đoàn III nơi tôi phụ trách quân y. Nhưng tôi có cách làm cho nó huy hoàng đẹp đẽ ở trong ký ức tôi hơn là như hiện tại. Những người Vit Nam tị nạn cộng sản nay trở về Việt Nam vui chơi hưởng thụ. Có người vì nghĩ Việt Nam là chùm khế ngọt qua lời dụ dỗ của cộng sản đã áo gấm về làng, rồi sum xoe ca tụng Việt Nam nay đã văn minh tự do, dân tình sung sướng lịch sự và lương thiên đạo đức. Dollars cả trăm để quên hoặc rơi ngoài đường không ai thèm lấy, còn cẩn trọng đưa lại khổ chủ. Quả là thiên đàng địa giới! Dân Israel cũng có cùng tâm tư như vậy khi họ rời bỏ Ai Cập. Ai Cập thì quả là quá bết! Nhưng họ vẫn nhớ lại với tất cả trìu mến. “Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai Cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi...”(Ds 11:5). Điều mà họ quên là cảnh nô lệ và cách đối xử của dân Ai Cập với họ quá tàn tệ. Mấy người áo gấm về làng khi còn ở  Việt Nam thì bằng mọi cách để thoát khỏi ách độc tài cs. Nay lại quên những đau khổ áp bức của cs đã từng đè lên đầu lên cổ họ. Có người lại ca tụng ủng hộ cộng sản. Coi chừng họ đã vẽ rồng vẽ rắn, tiểu thuyết hóa quá khứ. Hoài cổ quá đáng sẽ làm cho mình rất khó khăn để thích nghi với hoàn cảnh mới và đôi khi bị thiên hạ cười chê.

     Khi đi tị nạn cộng sản ở Hoa Kỳ này - một quốc gia xa lạ từ ngôn ngữ đến phong tục văn hóa và cả con người- là coi như lập lại cuộc đời từ số không. Nói về chuyện thích nghi với hoàn cảnh mới này mà chỉ ít dòng thì làm sao nói cho hết ý. Cả quyển sách hàng trăm trang chưa chắc đã nói đủ. Nhưng tạm ít dòng như vậy, độc giả chắc cũng sẽ hiểu. Tóm lại, tôi đã đầu hàng và chấp nhận tiến trình thích nghi và cuối cùng đã nhận ra hiện tôi có phúc. Tôi đã phát triển tình liên đới với những người chung quanh tôi, nơi cộng đồng, xã hội chúng tôi sống. Tôi nói nhiều hơn về những điều đang xẩy ra hàng ngày. Tôi nhận thấy không phải khó khăn gì khi phải hòa đồng với môi trường mới, xã hội mới. Việc chấp nhận của tôi sẽ từ từ lớn mạnh. Dù cho lúc đầu có khó khăn, nhưng rồi sẽ dễ dàng hơn. Tình liên đới sẽ đưa đến những cơ hội cho mình điều chỉnh và chấp nhận. Con người ở trong cuộc sống của chúng ta là lý do. Phải chấp nhận và cố gắng sẽ thành công.

     Trong những hoàn cảnh mới này ở Hoa Kỳ, tôi cố gắng nhận mỗi ngày mới lời cám ơn và không bao giờ nhìn ngược lại quá khứ. Tôi nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn muốn cho tôi có những ước mơ đẹp trong đời. Tình huống, hoàn cảnh và con người thay đổi không có nghĩa là kế hoạch tốt của Thiên Chúa cho đời tôi bị cản trở. Thiên Chúa muốn số phận của chúng ta phải huy hoàng. Chúng ta chỉ có thể nhận nó nếu chúng ta quên đi quá khứ để nắm lấy cái hiện có và sẽ đến. “Hãy nghe đây, chuyện cũ đã qua rồi, nay Ta loan báo những điều mới, và trước khi những điều này xẩy ra, Ta đã cho các ngươi nghe biết” (Is 42:9). Thiên Chúa có những việc mới cho chúng ta! Đừng để mất kế hoạch của Chúa cho chúng ta chỉ vì sầu buồn lo nghĩ về những chuyện đã qua. Đừng để bị kẹt cứng với quá khứ vì tiểu thuyết hóa nó. Đây là ngày mới, ngày Thiên Chúa làm tươi mát những điều mới trong kho dự trữ cho chúng ta. Hãy nhìn về tương lai với hy vọng.

     Tôi đã gặp những người được yêu cầu nên chấp nhận tiến trình của cuộc sống. Một cặp bạn rất thân của tôi cho biết nhà họ hiện quá lớn đối với hai người. Bốn đứa con anh đã lớn và đi ở riêng. Thế là hai vợ chồng cứ hàng ngày vật lộn với ngôi nhà trống trải. Họ cần tiền và không còn sống ở nhà nhiều nữa. Họ tính bán nhà và rời đi tiểu bang khác. Quyết định này là do họ nên không có gì họ phải buồn vì rời ngôi nhà mà họ đã từng ưa thích. Họ đã sống tại ngôi nhà đó trong khi con họ lớn lên và trưởng thành đồng thời cũng vui hưởng cuộc hôn nhân của họ rất hạnh phúc tại nơi đó. Trong khi phấn đấu để thích nghi với cuộc thay đổi này, họ đến với Chúa và cầu xin ân phúc để có thể đối đầu với nỗi buồn đau phải rời chỗ ở. Họ tin tưởng ở kế hoạch của Chúa dành cho họ. Họ đã học được thế nào là ân sủng và nỗi đau phải chấp nhận và đầu hàng.

     Mẹ tôi mất bố tôi sau khi hai ông bà lấy nhau được hơn 50 năm thì mẹ tôi biết là không ai có thể thay thế bố tôi được. Nhưng bất ngờ mẹ tôi trở thành cô đơn khi vừa qua tuổi 80. Mẹ tôi không chỉ mất người yêu trong đời mà bây giờ mẹ tôi lại phải đối đầu với tuổi già và vấn đề sức khỏe. Mỗi ngày mẹ tôi đến với Chúa và chấp nhận đầu hàng. Có cả hàng trăm ngàn người góa vợ và quả phụ đang ở trên cùng một chiếc thuyền. Mẹ của một ông bạn thân của tôi vừa đi vào viện dưỡng lão (assisted living facility). Chồng bà qua đời 3 năm trước và giờ đây bà phải rời khỏi nhà bà nơi bà đã sống nhiều năm. Cuộc sống và con người mỗi ngày mỗi lớn lên và già đi bắt buộc phải đối đầu với đổi thay để thích nghi và chấp nhận đầu hàng. Người ta có thể từ chối không chấp nhận những sự kiện trong cuộc sống và chống lại hay đầu hàng chấp nhận tiến trình cuộc sống. Hành trình cuộc sống là một tiến trình thai nghén từ từ phát triển và lớn lên trước sự hiện diện và quan sát của Thiên Chúa.

     Có rất nhiều trường hợp bắt buộc chúng ta phải đầu hàng. Người ta luôn luôn nói với tôi về con cái. Có người nói chúng mất niềm tin. Có người nói chúng biểu cha mẹ không ưa chúng. Cũng có người nói chúng thất nghiệp và làm cha mẹ nhức đầu. Người ta không thể điều khiển được con cái. Chúng tôi cũng không thể điều khiển được Giáo Hội. Giáo Hội chắc chắn là không hoàn hảo. Gần đây chúng ta lại nghe nói những gương mù gương xấu của linh mục về vấn đề sắc dục. Nhiều linh mục, cả giáo dân cũng đã hồ nghi và vỡ mộng. Vấn đề gương mù gương xấu về sắc dục, vấn đề các linh mục già, vấn đề thiếu ơn gọi và vấn đề cho nữ giới làm linh mục, cho linh mục lấy vợ thì vượt quá cả kiểm soát. Ngoài ra chúng ta còn phải đương đầu với nạn khủng bố, ô nhiễm, bất công, nghèo khó, bạo động, cướp bóc đập phá, nạn nhân mãn, tai nạn, động đất, cháy nhà cháy rừng, ăn cắp ăn trộm, bắn giết nhau và bầu khí ồn ào náo nhiệt suốt ngày đêm v.v...

Xin giữ yên lặng

     Có lẽ một trong những tiếng động làm người ta khó chịu nhất là ồn ào. Tiếng cánh cửa đập liên hồi, cười nói oang oang, la lối lớn tiếng om sòm, vặn nhạc thật lớn là những tiếng động ai cũng ghét. Tiếng người la thất thanh. Tôi rất nhậy cảm với tiếng động ở bất cứ nơi nào tôi sống. Tôi thích yên lặng và sống trong những cộng đồng yên tĩnh phẳng lặng. Nếu tụ họp cầu nguyện chung mà có tiếng người ho hoặc người đi ra đi vào hay có tiếng động bất thường nào đó thì mọi người sẽ chia trí. Trong những buổi thuyết trình về văn hóa hay chính trị có ăn uống ở những cộng đồng Việt Nam, khi thuyết trình viên nói trên bục thì ở dưới thường vẫn có tiếng người cười nói ồn ào như không biết có người đang thuyết trình. Không hiểu những người nói chuyện ồn ào với nhau như vậy họ có nghe thuyết trình viên nói không? Chắc hẳn những người muốn nghe không vui một chút nào. Họ rất bực mình. Nhưng trong nhà thờ lúc tham dự thánh lễ, khi nghe cha giảng trên tòa thì mọi người yên lặng chú ý nghe. Tiếng ho lớn, tiếng trẻ con khóc sẽ làm cả nhà thờ khó chịu.

     Trên máy bay, ngồi bên cạnh một người thường hỉ mũi, đằng hắng, nhai kẹo gum nhóp nhép rồi thỉnh thoảng đằng hắng và ho. Phía sau lại có người nói chuyện to tiếng với nhau mà mình không thể không nghe. Tiếng nói điện thoại. Tiếng máy bay trực thăng bay qua nóc nhà. Tiếng xe hơi dấn ga nghe hết hồn. Khi tôi đi cấm phòng, tôi thường kiếm chỗ cuối phòng để được yên tĩnh. Ít nhất một năm một lần tôi chọn bầu khí yên tĩnh. Tôi đọc một câu truyện về một vấn đề nào đó khi bắt đầu bước vào đời sống đạo gọi là “suy niệm / chiêm niệm”. Tôi không ngờ đây lại là lời tiên tri! Bí quyết cầu nguyện là cầu nguyện giữa những chuyển động ồn ào.

     Chúng ta không thể dứt bỏ cái bầu khí ô nhiễm ồn ào này được. Tôi đã cố gắng quên nó. Nhưng không thành công. Tôi đã lớn lên trong khi tôi có thể ngăn chặn nó. Tôi đã quá nhậy cảm khi nghe nó. Thiên Chúa đã cho tôi hai tai để nghe để nhắc nhở tôi là tôi không tài nào kiểm soát được nó đâu. Tôi thường nghĩ tôi xứng đáng được hưởng sự yên tĩnh. Bây giờ tôi nhận ra là không ai có thể được miễn trừ những khuấy động đó. Đối đầu với tiếng động là một phần của việc qui hàng, chấp nhận vĩ đại của cuộc sống của tôi.

     Vì một lý do nào đó chúng ta đi vào đời với một ảo tưởng là chúng ta có thể sống cuộc sống của chúng ta theo như ý muốn của mình. Điều đó thực sự là không tưởng. Chúng ta có nó chắc chắn không phải như ý ta muốn. Nhiều ông bạn tôi vẫn thường trịnh trọng tuyên bố như Frank Sinatra đã hát: “ I did it my way / Tôi hành động theo cách của tôi”, nhưng thực tế chúng ta vẫn phải uyển chuyển, để thích ứng, để chấp nhận với những thực tế như vậy. Chúng ta phải qui hàng chấp nhận nó để trở nên hoàn chỉnh cái tình liên đới bằng hữu, những vấn đề sức khỏe, lớn lên / tuổi già, mất bạn bè cũng như rụng tóc hói đầu, cô đơn, kiện tụng, kẻ thù, và biết bao là khó khăn khác chúng ta gặp trong đời. Bất toàn và bực bội khó chịu là một phần, một cái bướu của đời sống chúng ta. Tôi không nói là chúng ta phải thụ động “chấp nhận” tất cả những thứ đó. Nếu cô đơn là vấn đề thì hãy chủ động và nhận trách nhiệm về cảnh đơn côi đó bằng cách dấn thân vào sinh hoạt cộng đồng hay bằng hữu. Hãy lập gia đình (nếu bạn còn độc thân) để có thêm tình bằng hữu trước khi thăm dò học hỏi nghiên cứu và xin lời cố vấn. Hãy săn sóc bản thân, thể xác mình và có lẽ chúng ta sẽ tránh được nhiều vấn đề trong tương lai. Nhưng nên hiểu là chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo. Không có thế giới hoàn hảo. Không có hôn nhân hoàn hảo, giáo hội hoàn hảo, việc làm hoàn hảo, tỉnh nhà hoàn hảo, cộng đồng hoàn hảo hay thân xác hoàn hảo, bạn bè hoàn hảo....

Đừng chạy trốn

     Đối đầu với cuộc sống và những hoàn cảnh trong đời có thể làm cho mình trở nên cay đắng hơn hay tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng Thiên Chúa thực sự có mục đích đặt để chúng ta trong những môi trường đòi hỏi chúng ta phải lớn lên và phát triển mọi bề. Có một lần kia tôi đã cãi lộn tranh đấu về tình liên đới trong cộng đồng và tôi đã muốn rời bỏ đi khỏi cộng đồng. Tôi thầm nghĩ: “Chỉ cần đi khỏi là mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn và, tôi sẽ sung sướng hạnh phúc.” Nhưng lúc đó tôi cảm thấy như Thiên Chúa nói với tôi: “Cây cảnh trổ nụ nở bông ở chỗ nào người ta trồng nó. Nó vẫn như vậy khi con ra đi. Hãy vui mừng với hiện tại con đang có.” Lúc đó tôi mới ngộ ra là bất cứ chỗ nào tôi đi rồi cũng sẽ gặp những khó khăn như vậy. Điều quan trọng là tôi phải hành xử thế nào với những vấn đề hiện tại. Chạy trốn không giúp được gì đâu mà còn làm chậm lại công việc phát triển của bạn. Khi nào một nhân vật trong Kinh Thánh chạy trốn không làm theo ý Chúa thì Chúa luôn luôn tác động buộc vị đó phải trở lại và làm theo ý Chúa. Thiên Chúa biểu tiên tri Jonah phải đi rao giảng lan truyền tin tức cho dân Nineveh nhưng ông chạy trốn theo hướng khác. Hành trình ba ngày ba đêm của Jonah trong bụng cá voi và bữa cơm tối bằng rong biển đã thay đổi tất cả mọi sự. Nỗi đau đã làm tan biến niềm hãnh diện của Jonah, buộc ông phải qui hàng ý Chúa và trở lại. Khổ cực khó khăn sẽ buộc chúng ta phải uyển chuyển và dễ dạy. Các cụ chúng ta ngày xưa thường khuyên: Đừng đứng núi này trông núi nọ!

     Khổ cực đắng cay càng lớn thì cái “tôi” càng nhỏ đi. Ích kỷ và tự kiêu phải chết. Khi chúng ta qui hàng chấp nhận là lúc chúng ta để cái phần nhỏ bé của chúng ta chết đi để cho cái thực chất của chúng ta nổi lên và sống bền. Một trong những mục đích trong đời tôi là trở thành người của tình yêu. Như Chúa Giesu đã dạy “Anh em hãy trở nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Từ hoàn thiện / perfection trong tiếng Hy Lạp hàm ý trở nên hoàn hảo và trọn vẹn. Đó là kết quả cuối cùng chúng ta phải cố làm cho bằng được. Chúng ta đã hoàn thành mục đích này bằng cách “yêu tha nhân”.

     Một lần tôi gây lộn với  mấy anh bạn của tôi, muốn điên tiết và chủ định ra đi rồi cắt đứt. Nhưng nghĩ lại tôi cảm thấy như Chúa bảo tôi: “Bạn con là đường đi mà Ta đặt con trên đó để biến con thành người tình yêu.” Tôi đã khám phá ra là tôi phải nở hoa sinh trái ở nơi nào mà tôi được trồng và phải nghĩ đến việc hoàn thành ý nguyện Chúa ngay tại môi trường tôi sống. Hãy thử nghĩ xem cuộc sống sẽ thế nào ở một môi trường khác. Rất dễ để suy luận, “Nếu tôi đã lấy vợ lấy chồng (hay chưa lập gia đình) mà có nhiều tiền và không bệnh hoạn...” Hãy nhìn vào đó đi........

     Tôi sẽ dễ dàng trở thành tiêu cực, lẩm bẩm, càu nhàu và than trách. Tôi sẽ vào phòng đóng kín cửa hoặc lấy xe chạy lung tung ngoài đường hoặc ngồi yên lặng thầm nghĩ: “Tôi ghét! Tôi muốn mọi sự khác đi! Không thể tin được sự việc lại như vậy.” Thái độ như vậy sẽ làm chậm lại tiến trình phát triển và gây ra nghi kỵ, tiêu cực và đau khổ. “Hãy cám ơn trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý Chúa muốn trong Đức Giesu Kito” (1Tx 5:18). Nếu bạn cứ nhăn nhó khó chịu hoài về những vấn đề của bạn, nó chẳng ích lợi gì cho bạn mà công việc của bạn, con người bạn còn không phát triển và khá hơn được. Hãy lợi dụng cơ hội để điều khiển. Thiên Chúa đang nói với bạn về của lễ hy sinh của Chúa cho bạn. Như vậy là bạn cám ơn Chúa giữa những thử thách. Đó là của lễ hy sinh vì nó khó tiến dâng cho Chúa trong những khó khăn của cuộc đời. Nhưng nó lại là một phần của qui phục và chấp nhận tiến trình vậy. Trong bất cứ một của lễ hy sinh nào cũng đều phải có qui hàng và chấp nhận. Bạn phải nhìn biết ý định của Thiên Chúa từng giây từng phút trong cuộc sống của bạn. Khi bạn biết như vậy, bạn hãy cám ơn ca tụng Thiên Chúa. Thái độ đó sẽ mở rộng tâm hồn bạn bước theo giòng cuộc sống mới trong bình an.

     Bạn đang phải đối mặt với những người khó khăn phải không? Bạn đang có vấn đề sức khỏe và đau khổ phải không? Gần đây bạn có mất người thân yêu không? Có người nào bạn cần phải xin lỗi không? Bạn hiện có cô đơn và nản chí không? Thiên Chúa đang kêu gọi mọi người nên chết cho cá nhân mình và sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Đừng tranh đấu vật lộn, đừng từ chối hay chống cự lại. Hãy qui hàng chấp nhận! Tôi không khuyên bạn chủ bại. Đời là một tiến trình phó thác, để cho “nó” qua đi. Có những điều bạn có thể thay đổi, tôi cầu chúc bạn đủ can đảm để thay đổi. Có nhiều điều bạn không thể thay đổi, tôi cầu nguyện cho bạn có đủ sức mạnh để chấp nhận và qui hàng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa- Tôi mượn lời kinh nguyện của mục sư Reinhold Niebuhr để làm chuẩn cầu xin Thiên Chúa. Kinh xin ơn Bình Thản:

Lạy Chúa!
Xin ban cho con ơn Bình Thản
Để con chấp nhận những việc con không thể thay đổi được.
Xin ban cho con ơn Can Đảm
Để con thay đổi những gì con có thể
Và ban cho con ơn Khôn Ngoan
Để con nhận biết sự khác biệt. Amen.

***
God!
Grant me the SERENITY to accept the things I cannot change
COURAGE to change the things I can
And WISDOM to know the difference. Amen.

     Chúng ta tất cả rồi cũng phải đi tới cái chết, chia ly tất cả những người những vật thân yêu ở đời này. Và có cảm nghiệm về nó. Nó sẽ là điểm hội tụ, gặp gỡ của bất lực cuối cùng không tài nào có thể điều khiển được. Nhưng đó lại là một ơn chữa lành và là một hồng ân. Bạn đã sẵn sàng cho cuộc đầu hàng chấp nhận ấy chưa? Chúng ta cùng nhau sửa soạn thật kỹ để đầu hàng chấp nhận Chúa bây giờ. Chúng ta qui hàng bằng cách để cho quyền năng Thiên Chúa điều khiển cuộc sống của chúng ta giữa những khó khăn hắc ám lại ồn ào náo nhiệt đầy gian nan khốn khổ, đầy bon chen giận dữ và ghen ghét hận thù ganh đua...Chúng tôi phải thích hợp và uyển chuyển khi hoàn cảnh xẩy ra với những kẻ rất khó chịu, đầy tiêu cực lan tràn trong cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng nhắm mắt ra đi bằng cách xin Thiên Chúa uốn nắn sửa đổi những con đường cong queo gồ ghề sai lầm thành ngay ngắn bằng phẳng ngay bây giờ. Để được tái sinh.


Savi Nguyễn Tiến Cảnh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét