Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Phần Thưởng Cuối Năm

 

Thưa Thầy

Bây giờ con đã là lính. Tình cờ đơn vị con được chuyển về đóng quân nơi ngôi làng con đã cùng mẹ sống khổ nghèo suốt thời thơ ấu của con. Hiện con đang nằm phục kích đối phương nơi ngôi trường cũ con học cách đây trên những hai mươi mấy năm rồi.
Ngôi trường tan nát quá! Giặc đã pháo kích vào nó bao lần. Hàng hiên đã sụp rồi. Nền trường loang lổ. Mấy trụ cột xiêu vẹo, cố chống chỏi với thời gian như muốn cố giữ niềm vui trẻ nhỏ suốt bao năm. Mái trường tơi tả, rách toang để thấy những đám mây trời trên cao và gió lồng lộng thổi vào.. Ngày mưa, có thể ngôi trường trở thành lầy lội.

Thưa Thầy,

Thầy còn nhớ con không ? Ðứa học trò học dốt nhất lớp, năm lớp tư Thầy dạy ấy ! Chẳng bao giờ con thuộc bài. Lần nào lên trả bài, con cũng lúng ta lúng túng như đứa bé mới tập nói. Thầy trừng trừng nhìn con, đánh vào lưng, vào mông con hay bắt con quỳ nơi dưới bảng đen. Lũ bạn con cứ nhìn con chế nhạo, đôi đứa còn chọc quê con nhưng cũng đôi đứa nhất là bọn gái nhìn con như có vẻ thương hại. Con cúi gầm mặt xuống không dám nhìn lại. Một lần vi quỳ lâu quá, con về nhà, cặp chân bước cà nhắc. Mẹ hỏi, con bảo thầy bắt quỳ quá lâu vì không thuộc bài. Mẹ la con sao lười biếng không chịu học. Con chạy ra hiên nhà sau, lấy tay áo rách quệt hai mắt, khóc thút thít. Lúc vào, con thấy hai mắt mẹ đỏ hoe.

Con còn nhớ, một lần con không trả lời được câu nào, Thầy nhìn con, không la rầy như mọi lần trước mà ôn tồn: "Hôm nay, tha cho, không cho điểm, ngày mai trả bù". Ngày mai, ngày mai rồi ngày mai nữa, con có bao giờ trả lời song suốt mọi câu hỏi của Thầy đâu. Thầy lắc đầu, chán nản, chắc Thầy nghĩ rằng ‘thằng bé nầy, hết thuốc chữa’.

Nhưng rồi, Thầy ơi, Thầy đã chữa cho con. Một hôm, sau giờ tan học, Thầy gọi con lên Văn phòng Trường. Thầy bảo:" Ngày mai Thầy sẽ hỏi hai câu nầy. Thầy nói trước con biết để theo đó mà trả lời". Thầy dặn là không được cho ai biết việc nầy. Ngày mai, quả con trả lời đúng hai câu Thầy hỏi. Thầy vụt khen con quá đổi rồi bảo lớn: ‘Tám điểm’. Cả lớp ngạc nhiên, không hiểu sao hôm nay con lại giỏi thế. Lần đó, con về nhà khoe với mẹ. Mẹ ôm con, hai mắt mẹ đỏ hoe. Lần sau nữa, Thầy lại bảo con lên Văn Phòng, chỉ cho con bài học tuần tới rồi Thầy ra hai câu hỏi, bảo con trả lời. Con đáp lúng túng sao đó, Thầy sửa lại, bảo con phải nhớ. Lần đó, cả lớp đang ngơ ngác thì con trả lời khá đúng. Thầy lại khen con, cho những 7 điểm. Con về khoe với mẹ, Mẹ cười vui với hai mắt đỏ hoe. Lần sau nữa, Thầy lại cho biết bài Thầy sẽ giảng tuần tới và ra hai câu hỏi, bảo con tự suy nghĩ trả lời chứ Thầy không chỉ rõ như hai lần trước. Con lại được Thầy khen, cho điểm cao trước sự thán phục của lũ bạn con ?

Từ đó, bọn bạn con không còn nhìn con với cặp mắt dè biếu nữa, có đứa bắt đầu lân la trò chuyện với con. Con sung sướng, nghe niềm vui náo nức dâng lên. Con cảm thấy một sức mạnh nào đó trổi dậy trong con. Từ đó, trên các ngã đường, con luôn lẩm nhẫm bài học và dù Thầy không cho biết trước, con cũng trả lời đúng một số câu hỏi của Thầy.Con cảm thấy nhiều tự tin và nghĩ rằng con cũng ‘thông minh’ không thua một đứa nào trong lớp. Con vui quá chừng và mẹ con ôm con, hôn lia lịa, hai mắt đỏ hoe vì mừng đứa con học giỏi.

Ðến cuối niên học, Trường tổ chức Lễ phát thưởng. Trước đấy một tuần, lúc con tựa vào chiếc cột nơi hàng hiên, nhìn lũ bạn chơi nhảy cò cò, giấu khăn bịt mắt…, Thầy ngoắt con đến rồi bảo:"Ngày phát thưởng, con cố ăn mặc sạch sẽ để lên lãnh thưởng". ‘Lãnh thưởng’, trời ơi, con muốn rú lên!. Hôm đó, con chạy một mạch về nhà, ôm lấy mẹ báo tin mừng. Mẹ ôm con vào lòng, hai mắt mẹ đỏ hoe.


Trước ngày phát thưởng, mẹ bảo con ngủ sớm để sáng mai mặt mày tươi tỉnh rồi chọn chiếc áo nào còn lành lặn cho con. Riêng mẹ cũng chọn chiếc bà ba ít rách rưới nhất. Rồi cả hai mẹ con đên trường. Mẹ ngồi nơi hàng ghế Phụ huynh, con được ngồi nơi dãy ghế dành cho học trò được lãnh thưởng. Sau lời Ông Hiệu Trưởng, đên phiên các Thầy đọc tên học sinh được chọn. Ðến phiên Thầy, sau khi trao cho các bạn bè con giải xuất sắc, giải hạnh kiểm, Thầy đọc lớn:"Nguyễn Văn X.., phần thưởng chuyên cần!". Con run run đứng dậy, quay nhìn mẹ thấy mẹ cũng lom khom đứng lên nhìn về trước như muốn nhắc đến phiên con. Con rụt rè bước lên bên Thầy. Thầy xoay người con nhìn về phía phụ huynh rồi trao con phần thưởng. Con cúi chào mọi người, cúi chào Thầy rồi hấp tấp chạy về chỗ mẹ, úp trọn phần thưởng vào lòng mẹ, áp mặt vào ngực mẹ mà nghe ươn ướt cặp mắt. Mẹ xoa đầu con và chắc mắt mẹ cũng đỏ hoe.

‘Phần thưởng chuyên cần!’. Chao ôi! Con có chuyên cần gì đâu. Con thường vắng mặt các buổi học rất bất thường mà! Phần thưởng chẳng là bao: hai quyển tập, một quyển tự vi bé như bàn tay, một cây bút mực, một cộng bút chì, một lọ mực, một cục gôm, một tờ giấy thấm. Chừng ấy thôi mà sao con nghe nặng quá. Trên đường về nhà, mẹ ôm giữ lấy phần thưởng như sợ trao cho con, con đánh rớt. Mẹ nắm tay con như dẫn đứa bé mới chập choạng biết đi. Chắc mẹ sung sướng lắm mà con cũng thấy rưng rưng.

‘Phần thưởng chuyên cần’, Thầy ơi! Con biết nói sao!? Nhưng hai tiếng ‘chuyên cần’ từ ngày đó theo con. Con nhập tâm hai tiếng đó. Thưa Thầy, có phải do ‘chuyên cần’ mà năm sau cùng những năm sau nữa, con được lãnh thưởng khá nhiều vào hạng học sinh giỏi. Nhớ lại lần đó, con không muốn là ‘học sinh giỏi’ mà chỉ muốn là một ‘học sinh chuyên cần’ thôi., Thầy ạ!

Thưa Thầy,

Sau khi đậu Tiểu học, con lên trường Quận, hàng ngày cuốc bộ trên ba cây số, tan học là tất tả chạy về ‘chuyên cần’ lo cho mẹ. Con vừa được lên lớp 8 thì một hôm giặc pháo kích. Nhà con tan nát, mẹ con chết thảm trong đêm. Con ôm lấy mẹ, khóc suốt đêm. Sáng ra, con lấy cuốc đào đất làm huyệt để chôn mẹ. Không có hòm, con quấn thây mẹ vào từng lớp vải áo quần của mẹ, lấy mo cau lót nền đất ,cũng lấy mo cau đắp thân hình mẹ. Con đứt từng khúc ruột, ôm lấy mồ mẹ, khóc thảm thiết. Hàng ngày, con nấu ít cơm với đôi cái trứng gà, thắp nhang cúng mẹ, lạy trước mồ mẹ, nhớ từng lần mẹ khóc, mẹ mừng, mắt mẹ đỏ hoe. Con kiếm mấy lá dừa che lại những chỗ nhà bi pháo kích rách nát. Con một thân một mình lo kiếm sống nên đành bỏ học. Con tiếc vô cùng, nhớ lại ‘phần thưởng chuyên cần’ cuối năm học với Thầy. Mẹ chết rồi, con bỏ học rồi, con còn ‘chuyên cần’ với ai đây!?

Chiến tranh mỗi ngày mỗi lớn. Ðêm đêm pháo kích từ xa, đạn pháo từ quận bắn ra. Mọi người trong xóm bỏ đi đâu gần hết. Nhiều lúc có đôi người đàn bà, đàn ông vốn cùng làng với con, có lúc thêm đôi người lạ mặt ghé lều con an ủi, khuyên nhủ rồi bảo con theo ho. Con biết họ là ai rồi. Biết sống khó yên, con rời quê, lên Quận rồi lên Thị Xã, làm thuê, vác mướn. Sống khổ sở quá rồi nghĩ đến mẹ chết thảm, con tình nguyện đầu quân. Sức hoc không bao nhiêu, con là lính chân chì, nay đưọc lên Hạ sĩ, theo đơn vị về phục kích tại chính xóm mình, tại chính ngôi trường đã học với Thầy. Con nhớ, nhớ Thầy, nhớ bài học ‘chuyên cần’ Thầy ban. Con nhớ mẹ, lúc rảnh, trong những ngày hoạt động nơi đây, con ra mã mẹ, tu bổ và cúng vái mà lòng tan nát, tả tơi. Con hình dung những lần mắt mẹ đỏ hoe…Con nghĩ mẹ vẫn ở bên con, giữ gìn con. Mẹ ơi! Thầy ơi! Con biết nói gì thêm đây?

Thưa Thầy,

Bây giờ Thầy dạy học nơi nào hay đã về hưu? Cô có còn mở một ngôi hàng nhỏ phụ giúp Thầy như trước không? Con tự nhủ phải tìm cho bằng được nhà Thầy để đến thăm, nhắc lại cùng Thầy bài học ‘chuyên cần’ mà Thầy đã ban cho con thuở ấy. Lần nầy, đến thăm Thầy, con sẽ đi một mạch chừ không len lén vòng quanh để Thầy khỏi phải nghe tiếng con rao trong đêm: ‘Ai ăn đậu phụng rang !’ .

Con

Nguyễn Văn X…

Nguyễn Thùy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét