Lời phi lộ:
Đoản văn này do yêu cầu của các bạn hữu khắp nơi sau khi nghe tin tôi phải mổ tim và còn sống, viết lại để anh chị em gần xa chung vui với gia đình tôi.
Bài viết chỉ nhằm chia sẻ một kinh nghiệm để đời khó quên, và thân tặng những ai cùng hoàn cảnh, các cụ thường nói “đồng bệnh tương lân”, nên được ghi lại để những ai có “vấn đề” về trái tim cùng đọc.
--------------------------
Ngày đi mổ 24.10.2012, giờ hẹn là 7 giờ sáng. Bác sĩ (BS) mổ tim của bệnh viện Bergmannsheil, Tỉnh Bochum, Germany, đã nói rõ việc giải phẫu, kể cả những việc xấu có thể xảy ra, dặn dò cẩn thận mọi chuyện với vợ và con gái tôi, người nhà an tâm trong ca mổ, cũng như hiểu rõ mọi giai đoạn từ các chứng bệnh về tim, việc chữa trị, thời gian bình phục, thực đơn nên theo sau khi mổ, xác suất khỏi bệnh, xác suất tử vong, v.v... Tôi thì không biết gì cả vì lúc BS nói chuyện, thì tôi nằm ở phòng khác, có lẽ BS cũng không muốn bệnh nhân nghe chăng?
Bệnh viện yêu cầu có ít nhất một thân nhân đi theo để nếu có gì còn làm quyết định thay cho bệnh nhân. Phần tôi có vợ và cô con gái thứ 2, chồng là BS Giám Đốc Bệnh Viện Alfried Krupp Krankenhaus, tỉnh Essen, đi theo. Tôi không lo lắng với kết quả vụ mổ vì đã chấp nhận, vợ tôi chắc chắn là lo đến mất ăn mất ngủ cả tháng qua, vì tôi từ chối không chịu đi mổ sau 3 lần thông tim đến lần thứ tư, BS thông tim cho biết, lại nghẹt lại, nên các con gái, con rể tôi cùng họp lại đưa ra lời khuyên, bây giờ tôi còn sức khoẻ nên mổ để làm Bypass thì 10 năm sau cũng không sợ bị nghẹt lại. Đến đây tôi kể rõ, tháng 9.2010, tôi thấy đau ran lồng ngực khi vừa ra bưu điện gởi xong số báo Tạp Chí Dân Văn cho các độc giả khắp thế giới nên tôi vội lái xe về phòng mạch BS gia đình, cách bưu điện chừng 1 cây số. Bà BS liền tiến hành khám và bảo tôi ngồi chờ xe cứu cấp đưa vào nhà thương, tôi xin vào nhà thương do con rể làm GĐ, cách phòng mạch hơn 6 cây số, trong lúc chờ xe tôi gọi về nhà báo cho vợ tôi biết tình trạng của tôi, con gái tôi gọi cho chồng đang trong bệnh viện kể sơ qua bệnh trạng, khi xe chở tôi đến, thì các BS chuyên về tim đã túc trực để xét nghiệm ngay, tôi được cho ngủ và thông tim ngay. Nằm nghỉ trong bệnh viện (BV) sáng hôm sau thì được cho về nhà, từ đó đến ngày mổ là hơn 2 năm, vào ra BV để thông tim 4 lần.
Khi tôi đồng ý theo lời khuyên của vợ con, thì con rể tôi đã nhờ Prof. Dr. med. Jutus Strauch, Direktor Klinik für Herz- und Thoraxchirurgie của BV Bergmannsheil, khám và lên chương trình mổ. Ngày khám là 21.09.2012 lúc 9:00 giờ. Ông Prof. Dr. med. Jutus Strauch khám rất kỹ, xong, bảo về nhà chờ.
Sau khi làm các thủ tục giấy tờ xác định tôi đúng là bệnh nhân của ca mổ tim, tôi được cho vào ngồi trong phòng chờ để y tá cân đo và hỏi đủ mọi chuyện liên quan đến sức khỏe. Các bác sĩ, y tá trong nhóm mổ lần lượt xuất hiện và đến bắt tay cùng tự giới thiệu. Bác sĩ trưởng nhóm mổ thông báo cho biết là với các hình chụp quang tuyến mới nhất, cho thấy hai mạch máu bị nghẹt.
Tôi chỉ nhớ đến đây với câu chuyện chờ đợi mổ vào buổi sáng. Khi mở mắt ra thì thấy vợ, con gái đang đứng trước mặt và quơ tay qua lại hỏi tôi có biết ai đây không. Tôi tức cười quá bảo là “người đẹp” chứ ai. Như vậy là mình còn sống, đây là một ân thưởng của Trời Đất dành cho tôi. Sau đó y tá xuất hiện cho biết là ca mổ của tôi đã xong với kết quả rất tốt, cho biết là tôi đang ở phòng hồi sinh (ICU), rồi hỏi tên tôi với ngày sinh, và có biết là tôi đang ở đâu không. Đây là họ muốn kiểm lại là trí nhớ của tôi có bị ảnh hưởng chi không với thuốc mê trong vụ mổ. Thấy tôi trả lời rõ ràng mọi câu hỏi, họ an tâm cho tôi nước uống, đắp thêm mền ấm như tôi yêu cầu. Họ cho biết là nếu tình trạng tiến triển khả quan, tôi sẽ được chuyển ra phòng bình thường nhưng rộng hơn vào tối nay. Phòng ICU thì một y tá trông nom cho một bệnh nhân 24/24, ngoài phòng thường thì một y tá trung bình trông 6 bệnh nhân hay hơn. Để theo dõi tình trạng bệnh nhân mới mổ, tôi sẽ phải nhịn ăn cho đến sáng mai, uống nước thì được. Tôi bị bệnh Diabetiker từ năm 1986, đến năm 1989 là phải chích Insulin đến bây giờ. Nếu còn ở VN, có lẽ tôi đã theo “ông bà” từ lâu lắm rồi. Vì thấy tôi đã tỉnh, không có quờ quạng chi, nên hai bàn tay của tôi được tự do, không bị buộc chặt xuống giường như vài bệnh nhân khác. Họ chỉ yêu cầu tôi nằm yên tại chỗ, cần chi thì bấm nút gọi y tá, ngay cả chuyện tiêu tiểu.
Cô y tá cho biết là tôi được đưa vào phòng mổ lúc 8 giờ hơn chút, và đến 15 giờ 00 thì cô y tá trong phòng mổ gọi ra cho biết là ca mổ thành công, tổng cộng hơn bảy tiếng đồng hồ, đây là ca “đại giải phẫu”. Họ sẽ đưa tôi ra phòng ICU (hồi sức), sau khi đóng lại vết mổ và lau chùi sạch sẽ. Hỏi tôi cảm thấy thế nào, tôi cho biết là ngực thì hơi đau nhưng không đến nỗi phải la làng, chỉ có hơi khó chịu vì thấy ống cắm đầy người cùng các vết băng. Cô y tá cười và cho biết là tôi phải chịu như vậy trong những ngày ở bệnh viện chờ hồi phục. Nhưng sẽ được tháo bỏ ra từ từ trong vài ngày sắp tới. BS cắt 3 đoạn gân chân làm 3 cái Bypass cho quả tim của tôi. Có lẽ cũng nhờ BS làm sạch trái tim nên bây giờ tôi thấy yêu “bà xã” nhiều hơn, không còn “bóng hình” nào trong quả tim yêu đời nữa. Trong cuộc chiến xâm lăng tại VN, tôi đã 2 lần phải vào Tổng Y Viện Cộng Hoà, để giải phẫu vì bị thương ngoài chiến trường, nên rất quen thuộc với “tiếng động” của “dao kéo” trong phòng mổ.
Nhân dịp cô y tá rảnh rang và trông cô vui vẻ trả lời các câu hỏi, tôi bèn hỏi thăm về từng vết băng trên người cùng những giây ống hiện đang nối đầy người. Nhờ vậy tôi mới liên kết được việc mổ tim của tôi. Khi một mạch máu của tim bị nghẹt, nếu chỉ nghẹt từ 40 đến 60% thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc loãng máu và trợ tim, cùng khuyến cáo cải thiện việc ăn uống như ăn ít đi, bớt lượng thịt đỏ, dầu mỡ, v.v... Nếu nghẹt từ 60% đến 80%, thì khi làm soi tim thử nghiệm, bác sĩ sẽ bơm bong bóng làm thông nơi bị nghẹt và sau đó đật vào một vòng xoắn (stent) hầu giúp mạch máu nơi đó vững chắc hơn. Còn nếu mạch máu bị nghẹt từ 80% đến 100% thì phương pháp chữa trị duy nhất hiện nay được hiệp hội y khoa chấp nhận là dùng 1 tĩnh mạch khác trong người để câu dẫn cho máu đi vòng qua chổ bị nghẹt (bypass surgery).
Xin mở ngoặc ở đây để nói về một phương pháp mới làm thông mạch tim dù đã bị nghẹt 100%. Phương pháp mới này do trường đại học y khoa Boston đề xướng. Họ chuyền vào máu một loại thuốc làm mềm phần bị nghẹt, kế tiếp dùng các dụng cụ thông tim đi đến nơi bị nghẹt và dùng một mũi khoan xuyên qua, rồi rút các chất dơ làm nghẹt ra khỏi mạch máu. Sau đó chỉ việc đặt vòng xoắn (stent) vào đó là xong. Một bệnh viện vùng Florida đã thử nghiệm và thành công với 6 bệnh nhân, nhưng khổ cái là phương pháp này vẫn chưa được chuẩn nhận với hội y khoa Hoa Kỳ. Khi có sự chuẩn nhận của hội y khoa Hoa Kỳ, thì các nước mới theo đó áp dụng được. Từ Đức mà bay qua Mỹ xin được làm vật thí nghiệm với phương pháp này cũng quá khó khăn cho một người ớ xa, nên tôi chào thua.
Nếu nơi bị nghẹt nằm ở trên một mạch không quan trọng, ví dụ như chỉ một hoặc hai nơi ở mạch bên phải, bác sĩ giải phẫu có thế áp dụng phương pháp giải phẩu vi tiểu để câu thông mạch máu bằng những dụng cụ thật nhỏ đi kèm với thâu hình. Trong trường hợp này, bác sĩ không cần cắt mở lồng ngực bệnh nhân, không cần cho tim phổi ngừng đập, mà chỉ cần soi ba hay bốn lổ nhỏ chung quanh khu vực tim bị nghẹt mà thôi. Như vậy thời gian vết mổ được lành và sức khỏe phục hồi sẽ thật nhanh.
Trường hợp của tôi vì hai nơi bị nghẹt đều nằm trên mạch chính, một bên phải và một bên trái, bác sĩ cho biết là không thể nào áp dụng giải phẩu vi tiểu được mà phải áp dụng phương pháp thông thường là họ sẽ cưa xương giữa hai lồng ngực, rồi banh ra (giống như chúng ta đội chiếc xe lên lúc thay bánh xe vậy), để có thể thấy quả tim rõ ràng. Sau đó, máu sẽ được rút hết ra cho vào một bình chứa, cùng lúc các mạch máu trong người sẽ được nối vào một cái máy “Tim-Phổi”, máy này sẽ bơm một dung dịch thay thế máu và khí oxy nuôi dưỡng các bộ phận khác trong người như bộ óc, thận, gan, v.v... Còn quả tim và phổi thì được cho nằm yên để bác sĩ dùng một tĩnh mạch cắt dưới chân đem lên để câu thông qua nơi bị kẹt. Nhờ có cái máy "Herz-Lungen-Maschine" này, cùng việc để quả tim và phổi bất động, việc câu thông mạch máu của quả tim trở nên dễ dàng, ít có tai nạn xảy ra bất ngờ đưa đến chuyện xuất huyết, kích tim, đứt mạch máu não, v.v... và đưa đến tử vong. Đó là chưa kể việc gây mê đã được dùng một liều nhẹ hơn và liên tục thẳng vào máu, thay vì một lần thật nhiều khi bắt đầu mổ rôi thôi, đã khiến nhiều bệnh nhân yếu trong người đã ngủ luôn không dậy nữa. Mặc dù bác sĩ mổ cho biết xác suất tử vong là 1%, nhưng theo thống kê thì con số đó thấp hơn nhiều. Có thể còn thấp hơn một phần ngàn.
Sau khi đã làm xong việc câu dẫn mạch máu, dung dịch nước biển cùng các ống nối trên người bệnh nhân sẽ được rút ra. Máu sẽ cho chạy vào trở lại. Tim và phổi sẽ được kích thích cho đập trở lại từ từ như bình thường. Khung xương lồng ngực được cho về lại vị trí cũ, bác sĩ sẽ dùng một sợi dây kim loại để nối sát hai khung xương lại với nhau, cùng dùng một loại keo đặc biệt giữ chặt hai khung xương và kích thích xương tăng trưởng cho mau lành. Sợi dây kim loại này không có phản ứng với máy báo động nơi kiểm soát an ninh ở phi trường, vậy các bạn đừng lo nha. Đúng như thế, BS đã cho phép tôi bay đường xa, tháng 01.2014, bay cùng gia đình cô con gái lớn về Thái Lan để đi tour bằng tàu thuỷ, đúng y chang con đường vượt biển tìm tự do mà tôi đã mua thuyền tổ chức đem được 45 người đi từ sông Saigon ra cửa biển Vũng Tàu, được Cap Anamur vớt trên biển Đông hồi 10 giờ 47 phút ngày quốc tế lao động 01.05.1980. Tháng 07.2014, bay cùng gia đình cô con gái thứ hai qua Florida, nghỉ hè 2 tuần lễ, thăm gia đình người bạn thân cùng khóa SQ Thủ Đức tại Orlando. Cả 2 lần bay, qua các trạm kiểm soát, máy báo động không “kêu”, đi đứng như người bình thường.
Nhìn vết mổ nơi ngực dài chừng 20cm, tôi thấy cũng hơi ớn, nhưng lạ là không thấy vết may hay băng lại gì hết. Cô y tá cho biết vết may nằm ở bên trong nên không tạo thành vết sẹo lớn như trước. Ngoài ra, nhờ môi trường trong bệnh viện trong sạch, vết thương không cần băng lại và như vậy sẽ mau lành hơn. Bên dưới vết mổ, tôi thấy có ba cái ống đường kính chừng 15mm đi vào trong người, cô y tá cho biết đó là ba ống hút giúp đưa ra ngoài những huyết dịch, huyết tương chảy ra từ các vết mổ, cắt vá bên trong người. Ba cái ống này thật làm phiền tôi, vì vướng chúng bệnh nhân không thể nào hít vào cho đầy phổi, hoặc thở bụng nếu muốn. Nhìn thấy ống câu thông nước tiểu, cô y tá cho biết đó là thủ tục bình thường để tránh bệnh nhân đái văng tung tóe trong phòng mổ, trong lúc ai nấy đều bận không có thời giờ lau chùi. Ống thông nước tiểu này sẽ được rút ra vào hôm sau, bệnh nhân cần uống nước cho thật nhiều để có thể đi tiểu trở lại như bình thường trong vòng 6 tiếng, vì nếu không họ sẽ gắn trở lại và uống thuốc thông tiểu thêm vài ngày nữa.
Ngày thứ nhất sau khi mổ, tôi chỉ nằm trên giường và không được ăn gì. Qua ngày thứ hai, họ bắt đầu cho ăn nhẹ, và bắt tôi phải ra ghế ngồi, cùng khuyến khích đi bộ chung quanh tầng lầu. Ngày thứ ba, họ chỉ cách leo thang lầu sao cho an toàn, và gia tăng số vòng đi bộ, cùng lúc ăn uống nhiều hơn. Chiều tối ngày thứ tư, y tá làm thủ tục cho tôi về lại nhà, nhưng cậu con rể cho đón qua bệnh viện của cháu, nằm dưỡng bệnh tại một phòng đặc biệt, và được ông Giáo Sư Bác Sĩ săn sóc tận tình chu đáo, nên sau 2 tuần tôi thấy sức khỏe hồi phục mau chóng. Tôi phải tắm và lau chùi các vết thương mỗi ngày một lần. Các khăn lau và quần áo đều phải thay mới hàng ngày. Hôm cuối, có nhân viên thể dục (physical therapist) vào chỉ dẫn tôi cách tập thể dục giới hạn khi phải nằm trên giường.
Xin viết tóm tắt để chia sẻ kinh nghiệm qua thời gian hồi phục.
Sau khi mổ tim, chắc chắn là ai cũng được khuyến cáo là cần phải theo cách ăn uống cho một quả tim tốt lành (Healthy Heart Diet), và phải uống kèm vài thứ thuốc như thuốc loãng máu (Aspirin ASS 100 1A Pharma TAH chẳng hạn), thuốc điều hòa máu, thuốc tan mỡ, v.v... Cá nhân tôi mỗi sáng uống 6 thứ thuốc, buổi tối 2 loại do BS quy định. Sau một thời gian, tùy theo tình trạng tiến triển của bệnh nhân, các loại thuốc này được giảm hoặc bỏ hẳn.
Tuần lễ đầu tiên về nhà, chắc chắn rất là khó khăn cho bệnh nhân vì cử động gì cũng đều làm đau ngực, mặc quần áo cũng khó, làm bếp cũng không xong, khiêng vật gì nặng hơn 3 pounds cũng không cho, v.v... Cho nên việc cần người thân, hay thuê người phụ giúp, hay vào ở trong Rehab Center là điều cần thiết. Tôi đã được hãng bảo hiểm cho vào tập trong Reha 3 tuần lễ, sáng Taxi đưa đi, chiều đón về.
Từ tuần thứ hai trở đi là đỡ hơn vì đã quen dần, nhưng bệnh nhân cũng cần tránh việc khiêng nặng, các hoạt động nặng nề như cắt cỏ, làm vườn, v.v...Vợ con tôi không cho làm các việc hơi nặng một tí và bắt phải đi dạo mỗi ngày.
Sau khi mổ tim, việc tập thể dục cũng bị giới hạn, các bác sĩ tim cũng như các chuyên viên thể dục đều khuyến cáo bệnh nhân nên đi bộ càng nhiều càng tốt. Dĩ nhiên đi dưới trời nắng ấm thì càng tốt hơn nữa.
Đối với cá nhân tôi, việc ăn uống kiêng khem, làm việc và tập thể dục bị giới hạn cũng không có chi khó khăn vì từ ngày bị bệnh Diabetiker từ năm 1986, việc ăn uống của tôi đã do BS hướng dẫn việc kiêng khem rất kỹ càng. Việc duy nhất làm tôi mệt và khó chịu nhất là chuyện chỉ được nằm ngửa mà ngủ để chờ xương ngực lành hẳn. Bác sĩ khuyến cáo là không nên nằm nghiêng, lý do là cần chờ cho hai khung xương sườn lành lặn trở lại. Việc trở mình, khiêng nặng có thể sẽ làm cho hai khung xương bị lệch, cần phải điều chỉnh, và làm thời gian phục hồi lâu hơn. Mà thời gian cần thiết cho hai khung xương nối liền trở lại là từ 6 đến 12 tuần. Mỗi tối nhiều khi tôi chỉ ngủ được hai hay ba tiếng rồi thức luôn, vì nằm nhiều quá nóng lưng còn khổ hơn. Để qua thời giờ, tôi quay ra tập xoa mặt theo chỉ dẫn do tôi sưu tầm, cũng như tôi đã tìm tòi tài liệu nói về bệnh Diabetiker nên mới biết được triệu chứng của bệnh tim do hậu quả của Diabetiker mà ra. Thật khổ cho ai phải ngủ cùng phòng, may là vợ tôi dễ ngủ, sống với nhau tính đến ngày mổ tim là hơn 34 năm, tôi ngáy to thế nào, thì nàng vẫn say giấc điệp. Ngoài ra, thuốc gây mê Anesthesia đôi khi làm cho bệnh nhân cảm thấy lạnh hay nóng bất thường, ngược lại với thời tiết, và việc này có thế kéo dài từ một đến hai tháng. Tôi đã không bị phản ứng phụ về thuốc gây mê.
Do việc khung xương sườn cần ít nhất là từ 6 đến 12 tuần mới lành lặn, bác sĩ mổ tìm khuyên bệnh nhân không nên lái xe trong vòng 6 tuần. Mỗi khi đi đâu thì chỉ nên ngồi ở băng ghế sau. Lý do là khung xương ngực còn yếu, mà lỡ có tai nạn xe cộ xảy ra cái túi hơi (airbag) bung ra có thể đập mạnh vào ngực làm cho khung xương bị lệch dễ dàng, cũng vì lời khuyên của BS mà nay tôi trở thành „Đại Gia“ đi đâu cũng có tài xế lái xe, mà là nữ tài xế còn trẻ đẹp nữa chứ, bạn bè thân thiết có ai „bằng“ tôi chưa?
Việc xuống cân chắc chắn là không tránh khỏi đối với những người hơi nặng cân. Nhất là khi áp dụng cách ăn theo đề nghị Healthy Heart Diet, cùng lúc uống thuốc tiêu mỡ. Tôi đã cảm thấy khỏe hơn thật nhiều không còn đau tức ngực nữa, yêu đời hơn, nhất là nhìn con cháu thành đạt đúng theo ý mình khi tôi đã „liều chết“ mua ghe đem cả gia đình „ra đi“ ngay trên sông Saigon, cộng thêm 40 người đi chung, trong khi tôi không có một chút kinh nghiệm gì về „biển cả“, tôi chỉ là một Sĩ Quan Bộ Binh thuần túy, nếu bị bọn vẹm “vồ” thì cũng không có ngày ra khỏi tù, tóc tôi bạc trắng từ lúc quyết định mua ghe để tìm đường sống, lúc nào “đầu óc” cũng phải “tính toán” làm sao qua mặt được tụi công an Phường, Khóm, khoảng thời gian này, đầu năm 1980, bọn chúng còn kiểm soát rất gắt gao, công an khu vực luôn luôn dòm ngó theo dõi nhà dân. Nhiều người đã yêu cầu tôi viết lại câu chuyện vượt biển tìm tự do ngay tại Thủ Đô Saigon, lúc đầu mới đến Đức tôi không nói với bất cứ ai, dù là bạn bè thân thiết, vì viết và kể lại sợ ảnh hưởng đến những người cũng định làm như tôi, phỉ quyền biết được sẽ dễ dàng “tóm” trọn ổ, nay “phong trào” vượt biển không còn nữa, có dịp tôi sẽ kể chi tiết, nhất là cách qua mặt bọn công an cú vọ từ lúc mua chiếc ghe, ráp máy, cho đến lúc rời Saigon, Đặc biệt, như đã nói ở trên, tôi chẳng có một chút “kinh nghiệm” gì về “biển cả” nên đã ra khỏi Vũng Tàu lại phải quay về 2 lần vì “sóng to gió lớn”. Đến bây giờ đã 36 năm, tôi nằm chiêm nghiệm, việc tôi đưa được 45 người đến bến bờ tự do là do hồng phúc mà tôi được thừa hưởng từ người mẹ hiền hậu, đạo đức, nhất là có phép lạ trong 2 lần quay về, trời đã sáng trưng khi từ Vũng Tàu chạy về Saigon, 7 giờ sáng, trên ghe còn đầy đủ lương thực vì chưa ăn uống gì cả, khẩu K54 và 2 băng đạn cùng 3 trái Xi-nhan cũng để kín đáo trên ghe, cả 2 lần không một ai bị làm “khó dễ” khi đổ người xuống để chờ đi lần thứ 3, phải có người “che mắt” bọn công an mới không thấy chiếc ghe chở đầy người tấp vào chân cầu Calmette cho người xuống, có lẽ tôi làm chuyện “bất ngờ” nên không ai nghĩ rằng đó là ghe vượt biên quay về. Tôi tin tưởng một sự huyền bí đã xảy ra mà khoa học không thể nào giải thích được, quay về lần thứ 2, ngày 08.02.1980, đúng ngày giỗ đầu Mẹ tôi, trở về lần thứ nhật, tôi đã quyết định “bỏ” căn nhà trong khu cư xá Công Ty Cấp Nước (tên cũ là Saigon Thủy Cục) sợ công an khu vực “để ý”, cả gia đình qua bên mẹ vợ tôi “ở nhờ” vì nhà này nằm ngay mặt đường Xa Lộ Biên Hoà, ít ai “để ý”, lúc quay về lần thứ 2, vì quá mệt mỏi, tôi đã ngủ thiếp đi, rồi như có tiếng gọi bên tai, dậy đi, hôm nay là giỗ đầu Từ Mẫu, tôi choàng tỉnh dậy và lấy Honda chở hết vợ con về bên Hoà Hưng, nhà của Bố tôi, đường Tô Hiến Thành, Q10, chỉ cách BCH/BĐQTƯ/QLVNCH không tới 100 mét. Tôi cũng nói rõ, trong tâm thức tôi, hoàn toàn không nhớ ngày giỗ của mẹ tôi, mới đây mà đã đúng một năm, người mẹ mà tôi yêu quý nhất trở về với cát bụi, tôi đã quỳ trước di ảnh của từ mẫu, khấn nguyện mẹ hiền phù hộ cho gia đình nhỏ của tôi đến được bến bờ tự do. Con gái lớn của tôi có một bút ký ghi lại tổng thể cuộc vượt biển tìm tự do của gia đình tôi, vì cháu không biết gì về việc tổ chức ra đi do tôi thực hiện. Quý bạn nào muốn có bút ký này, tôi sẽ gởi đến các bạn tường.
Chắc các bạn cũng hiếu kỳ muốn biết phí tổn của việc mổ tim này là bao nhiêu? Tôi sống ở Đức, mọi chi phí về dịch vụ y tế đều do hãng bảo hiểm sức khỏe trả hết, bệnh nhân không phải bỏ ra một cent nào, tôi chỉ biết 4 lần thông tim, nhà thương cậu con rể nhận của hãng bảo hiểm khoảng mấy chục ngàn Euro. So với vài người quen cũng mổ tim ở Cali, phí tổn đã gần gấp ba và bệnh nhân phải tự trả. Dĩ nhiên phí tổn cho việc cấp cứu một người bị kích tim (heart attack) cần xe cứu cấp chở vào bệnh viện, rồi phải làm soi tim, rồi tìm một nhóm bác sĩ tim làm ca mổ khẩn cấp, tổng số tiền chắc chắn là vượt qua con số $100,000 dễ dàng và bảo hiểm sức khỏe có nhiệm vụ thanh toán tổng số tiền chi phí này, không một bệnh nhân nào phải chi trả một cent cho cuộc phẫu thuật dù „tiểu hay đại giải phẫu“ như trường hợp mổ tim của tôi.
Vài dòng chia sẻ tin tức về vụ mổ tim cùng các bạn, cầu mong mọi người đều dồi dào sức khỏe, không phải trải qua một cuộc giải phẫu tim như tôi. Mà nếu có, thì cũng không có chi quá lo vì y khoa đã tiến bộ vượt bực.
LÊ THANH TÙNG, Khoá 25 SQTĐ.
Bút Hiệu: LÝ TRUNG TÍN,
- Điều Hợp Viên Diễn Đàn Ngôn Ngữ Việt,
- Chủ Nhiệm Tạp Chí Dân Văn.
Bochum, Germany.
Email: danvanmagazin@gmail.com
Rất mong đọc những bài kế tiếp của tác giả...
Trả lờiXóa