Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Úa Phai Duyên Phận


Tôi gặp Lĩnh trong một lần đi theo chị Hường tham dự buổi đại hội liên trường. Ngay cái chạm mắt đầu tiên chúng tôi đã nhận ra nhau. Cả tôi và Lĩnh đều có chút sững sờ, bối rối. Người đàn bà đi bên cạnh Lĩnh cúi đầu chào tôi rất lịch sự, rồi quay sang nhìn Lĩnh như chờ đợi một lời giời thiệu. Lĩnh mím môi cười nhẹ rồi bằng giọng trầm ấm, anh nói:

-Đây là Ái Thục... bạn của anh và đây là Băng, bà xã anh.
-Ái Thục? ... ồ! em nghe anh Lĩnh nhắc chị mãi, đến hôm nay mới hân hạnh biết chị.
Một người bạn trong ban tổ chức đi ngang qua, gọi khẽ tên Băng:
-Băng ơi! có thể giúp một tay không?
-OK! Băng đến ngay.
Băng kéo tôi và Lĩnh vào hội trường:
-Anh và chị Ái Thục ngồi đây trò chuyện, chút nữa em sẽ trở lại.
Tôi tìm cách thoái thác:
-Xin lỗi, tôi phải tìm người bạn... bàn của tôi số 28... chắc là đằng kia.
-Chị chờ ở đây, em tìm bàn cho.
Nhìn theo cái dáng cao, gầy và nhanh nhẹn của Băng, tôi hỏi Lĩnh:
-Hẳn là anh rất hạnh phúc với một người vợ dễ thương như chị Băng?
Với ánh mắt dò xét, Lĩnh ngập ngừng hỏi tôi:
-Còn Ái Thục... sao lại đi một mình?
Tôi cố tạo nụ cười thật tươi:
-Em đi với bạn chứ đâu phải một mình!
-Anh muốn nói... ông xã của Ái Thục đâu, sao để vợ đi một mình?
-Em... em vẫn còn độc thân!!!!
Lĩnh nhìn tôi rất lâu rồi mỉm cười:
-Em tưởng anh có thể tin lời nói của em sao?
Tôi cúi đầu xoay nhẹ mũi giày:
-Anh tin hay không thì đó vẫn là sự thật!
-Vậy... anh chàng bác sĩ...?

Lĩnh im bặt khi Băng trở lại. Tôi chào vợ chồng Lĩnh rồi đi về phía chị Hường đang đứng chờ ở dãy bàn bên kia, nhưng đầu óc cứ lảng vảng câu hỏi của Lĩnh "vậy, anh chàng bác sĩ?".

***

Tuy đã viện đủ lý do, nhưng cuối cùng tôi vẫn không thể từ chối lời mời của Băng. Chẳng lẽ Băng không hề có chút nghi vấn gì về mối quan hệ ngày xưa của tôi và Lĩnh? hay vì sống ở đây lâu nên cách suy nghĩ của Băng cũng cởi mở giống người Mỹ? Dù sao thì thái độ của Băng cũng làm cho tôi cảm giác tự nhiên, nhẹ nhàng.

Căn nhà của Lĩnh tọa lạc ngay trên đường chính, nhưng được xây cất sâu bên trong, lẫn giữa khu rừng cây khá thơ mộng. Căn nhà không quá lớn nhưng trang trí thật sang trọng và đẹp mắt, chứng tỏ chủ nhân là người có khiếu thẩm mỹ. Băng dẫn tôi đi giới thiệu từng phòng. Dù luôn miệng khen ngợi, căn phòng này dễ thương quá, màu sắc hài hòa, tạo cảm giác ấm cúng, nhưng thật ra điều này đối với tôi chẳng có gì thú vị. Không phải bây giờ mà từ trước đến nay tôi vẫn vậy. Nếu được phép bước ra vườn, ngắm những chậu hoa sặc sỡ hay những khóm rau xanh mướt, có lẽ tôi sẽ thích thú hơn nhiều. May mắn thay, đứa con gái của Lĩnh lên tiếng mời mọi người vào bàn ăn.

Bữa cơm được chuẩn bị thật thịnh soạn. Tất cả đều do Băng tự làm lấy. Tôi nhìn một lượt rồi khen ngợi:
-Chị Băng khéo tay thật. Chỉ nhìn cách bày biện thức ăn là đã phát thèm.

Suốt bữa, Băng nói chuyện nhiều hơn ăn. Chuyện ngày xưa, cái ngày Băng còn là cô nữ sinh lớp đệ tứ thì Lĩnh đã là anh chàng thiếu úy trong binh chủng Thủy quân lục chiến. Chuyện Băng lặn lội ra tận miền Bắc để thăm nuôi Lĩnh đang là người tù cải tạo -dù hai người chưa kết hôn- với những gian nan, vất vả và hiểm nguy nơi vùng đất mà Băng chưa một lần đặt chân đến.

-Một lần em và mẹ của Lĩnh đi thăm anh ở trại tù Hoàng Liên Sơn. Bữa tối, trước ngày đi phải ra ga ngủ để sáng sớm sắp hàng mua vé. Lần đầu tiên trong đời em mới đi xe lửa, đã chật chội lại phải chịu đựng mùi hôi hám vì ngủ chung với gà vịt. Đến Hà Nội lại phải đi thêm một chặng xe nữa, loại xe này giống như xích lô nhưng ghế ngồi chỉ là tấm ván, nên ê ẩm cả người. Xuống xe rồi lại tiếp tục băng rừng. Dù cố gắng hết sức nhưng vẫn không kịp đến trại, vì thế phải ngủ đêm trong rừng. Trên đường đi, gặp những người đồng cảnh ngộ kể lại, trước đó có người ngủ trong rừng bị cọp cắn chết mà không ai hay, về sau người ta trông thấy một cái xác không có đầu thì mới biết. Nghe xong em lạnh cả người. Bây giờ, nhiều khi nhớ lại, em cũng không biết làm sao mình có thể vượt qua được cuộc hành trình khủng khiếp như vậy.

Tôi di tản sang Mỹ từ năm 1975, nên không hình dung được những gì đã xảy ra cho Lĩnh, người mà tôi đã một thời yêu say đắm.

-Tôi không thể tưởng tượng được... chị quá kiên trì và can đảm.
-Ai biểu em yêu Lĩnh làm chi. Chị biết không, khi ảnh được thả ra, tụi em sống với nhau chứ cũng chẳng có đám cưới, đám hỏi gì hết. Em bắt đầu ra chợ trời bán thuốc tây. Chúa cũng thương nên sau một năm em đã có đủ tiền để hai vợ chồng vượt biên. Qua đây, thời gian đầu biết bao vất vả, cực nhọc, nhưng em quyết phải vượt qua cho được. Em phải đi làm hai “job” mới đủ tiền trang trải mọi chi phí trong gia đình cho anh Lĩnh yên tâm đi học lấy bằng kỹ sư.

Với nụ cười mãn nguyện, Băng tiếp lời:
-Bây giờ thì coi như tụi em đã ổn định. Nghề nail của em cũng vững vàng. Em nói với anh Lĩnh, nếu cảm thấy mệt mỏi thì có thể nghỉ việc ngay từ bây giờ để hưởng nhàn, chẳng cần phải đợi đến tuổi hưu.
-Vậy là anh Lĩnh có phúc lớn. Nghe kể, có nhiều người khi được thả về thì vợ đã lấy chồng khác. Tôi thật ngưỡng mộ lòng chung thủy và sự hy sinh của chị.
Băng nhìn Lĩnh âu yếm:
-Em nói thật, em yêu anh Lĩnh hết cuộc đời này cho đến cả đời sau. Em có thể làm tất cả mọi việc để anh ấy được hạnh phúc.

Lĩnh cúi đầu, gõ nhẹ những ngón tay xuống bàn. Hình như suốt bữa ăn, Lĩnh hoàn toàn im lặng. Anh chỉ mỉm cười và gật đầu mỗi khi Băng quay sang hỏi, phải không anh? Dù Lĩnh không nói gì, nhưng cái nhìn của anh xuyên qua đôi mắt biết nói cho tôi một cảm giác rất lạ lùng. Cái cảm giác muốn lội ngược dòng thời gian.

Ngày đó...

Tôi quen Lĩnh trong một lần theo nhóm sinh viên ủy lạo thương bệnh binh tại tổng y viện Cộng Hòa. Đôi mắt biết nói và nụ cười tươi của anh đã thu hút tôi ngay trong cái nhìn đầu tiên. Đặc biệt là câu chuyện chiến đấu anh dũng và gan lì của Lĩnh trong một lần chạm địch do bạn bè xung quanh kể lại, khiến tôi quyết định trở lại thăm anh lần thứ hai. Lần này, tôi đã dành suốt buổi sáng để viết dùm Lĩnh lá thư gửi cho mẹ anh -vì Lĩnh bị thương ở bụng và cánh tay phải- rồi đưa anh ra băng đá, nghe anh nói về tuổi thơ nghèo nàn, bất hạnh vì mồ côi cha.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, danh giá nên chưa bao giờ tôi biết thế nào là cuộc sống cơ hàn, cùng cực của những người nghèo khổ. Những giọt nước mắt thương cảm cùng những lời chia sẻ, an ủi rất chân thành của tôi trong buổi sáng hôm ấy, cũng như suốt mấy mươi ngày kế tiếp đã đưa chúng tôi đến gần nhau hơn. Và trước khi Lĩnh rời khỏi thành phố để trở về đơn vị thì bàn tay tôi đã nằm giữa hai bàn tay ấm áp của Lĩnh với lời hứa hẹn sẽ chờ anh trở lại.

Tình yêu đến rất nhanh. Nói như thế không có nghĩa là Lĩnh và tôi xem tình yêu như một trò chơi, nhưng hình như duyên số chúng tôi đã được định sẵn từ kiếp nào, nên chỉ một chớp mắt đồng cảm thì cái khoảng cách vời vợi đã được thu ngắn lại. Từ đó, tôi ở thành phố sắt son chờ đợi Lĩnh. Từng nỗi nhớ, niềm thương được trang trải trên cánh thư mang màu xanh hy vọng. Những lần về thăm thật bất ngờ và ngắn ngủi của Lĩnh càng làm cho cuộc tình thời chinh chiến trở nên lãng mạng và đậm đà, để cho tôi tin tưởng rằng không ai có thể chia cắt chúng tôi được. Nhưng không ngờ một lá thư Lĩnh gửi cho tôi đã lọt vào tay mẹ và sóng gió bắt đầu từ đó. Mẹ không chấp nhận cho tôi yêu Lĩnh. Bà nói rằng tôi đã bị Lĩnh lợi dụng, vì khi trở thành người yêu của tôi -ái nữ một vị đại tá có thế lực- thì đường binh nghiệp của anh sẽ thênh thang rộng mở. Không biết có phải vì là giáo sư toán nên dưới mắt mẹ, tình yêu cũng được đánh giá bằng cách đong đếm từng góc cạnh. Tuy rất sợ mẹ nhưng trái tim cuồng nhiệt yêu thương của tôi không ngừng thao thức để tìm đủ mọi cách giấu giếm thư từ, lén lút gặp gỡ -một năm chúng tôi gặp nhau chỉ hai, ba lần trong vài giờ ngắn ngủi.

Nhưng rồi... có một lần, khi Lĩnh đưa tôi về đến đầu ngõ thì chị giúp việc đã đứng chờ sẵn từ bao giờ. Chị cho biết mẹ tôi muốn gặp Lĩnh. Biết chuyện chẳng lành nên tôi nói nhỏ với Lĩnh:
-Anh an tâm, em sẽ bên cạnh anh.
Hình như thấu hiểu hết ý nghĩ của tôi, nên vừa bước vào nhà mẹ đã ra lệnh:
-Lên lầu.

Tôi chần chừ, định lên tiếng đã chạm phải ánh mắt nghiêm khắc của mẹ. Ánh mắt vẫn làm tôi run sợ từ thuở bé. Bước lên cầu thang bằng những bước chân nặng nề như treo đá, tôi ra “balcon” chờ đợi Lĩnh. Phải đến hai mươi phút sau Lĩnh mới rời khỏi nhà. Nhìn cái dáng lầm lũi của Lĩnh, tôi có thể lờ mờ đoán được việc gì đã xảy ra. Thường khi, Lĩnh vẫn đứng dưới gốc cây ven đường, ngước mắt lên, vẫy tay chào tôi với nụ hôn gió giã từ. Nhưng hôm nay, Lĩnh bước đi không quay đầu lại. Tôi không biết mẹ đã nói gì. Nhưng chắc chắn lời mẹ nói đã chạm vào lòng tự trọng của Lĩnh, như đã có lần tôi vô tình nói với Lĩnh điều mà tôi nghĩ rằng những ai đang xông pha nơi trận tuyến đều muốn:
-Để em xin ba tìm cách đưa anh về Saigon khỏi phải đi tác chiến nữa.
Lĩnh nghiêm mặt nhìn tôi:
-Đối với anh, dựa vào thế lực để được an thân là điều tối kỵ. Hãy nhớ, nếu em làm điều đó là em sẽ gây tổn thương cho anh.

Có lẽ sự tổn thương mà mẹ mang đến cho Lĩnh rất to lớn nên từ ngày ấy tôi không còn nhận được lá thư nào của Lĩnh nữa, dù suốt một tháng dài, mỗi ngày tôi đều viết cho Lĩnh.

Chẳng bao lâu biến cố tháng Tư xảy đến, tôi cùng ba mẹ di tản sang Mỹ mà lòng vẫn trĩu nặng một tình yêu còn niềm uẩn khúc.

***

Người tiếp viên vừa rời khỏi bàn, Băng ân cần hỏi tôi:
-Chị thích uống ngọt hay hơi chua một chút?
Rồi chính tay Băng cho đường vào ly nước cam khuấy đều. Hình như Băng có điều gì khó nói. Tôi đoán như thế khi nhìn chiếc muỗng trong ly quay rất chậm và ánh mắt đăm chiêu của Băng.
-Có chuyện gì không, sao Băng lại muốn gặp tôi?
Trầm ngâm một lát, Băng đặt bàn tay lên tay tôi, dịu dàng nói:
-Chị Ái Thục, nếu em nói rằng em rất mến chị, chị có tin không?
Tôi gật đầu nhè nhẹ. Băng mĩm cười, nụ cười rất hiền lành:
-Như vậy em rất an tâm để nói với chị những điều mà em đã suy nghĩ suốt tuần qua. Em có thể dẹp tự ái của người vợ để nói với chị một điều rất thật. Hình như ... cho đến bây giờ… anh Lĩnh vẫn còn yêu chị.
Tôi hoảng hốt:
-Sao Băng lại nghĩ như vậy? Hơn hai mươi năm trôi qua, chuyện ngày xưa chỉ là những kỷ niệm xa mờ. Ai cũng đều có cuộc đời riêng. Nhất là anh Lĩnh đang có một gia đình hạnh phúc, một người vợ tốt lành, đã hy sinh rất nhiều cho anh, thì làm sao anh có thể nghĩ đến ai khác ngoài Băng. Tôi nghĩ, có lẽ là do… Băng quá nhạy cảm mà thôi.

-Không... thật ra... tuần trước em đã vô tình nghe anh Lĩnh nói chuyện điện thoại với chị lúc em bước vào phòng làm việc của anh để tìm hóa đơn tiền điện. Lĩnh rất hối tiếc khi biết rằng vị bác sĩ mà mẹ chị nói rằng chị sắp kết hôn chỉ là nhân vật tưởng tượng. Nhưng vì hiểu lầm mà anh đã xé bỏ tất cả những lá thư chị đã gửi đến, và nỗi ray rứt lớn nhất của Lĩnh là cho đến bây giờ chị vẫn chưa lập gia đình. Không phải em suy đoán mà Lĩnh đã thành thật nói với em như thế. Chị biết không, ba mẹ em và ba mẹ anh Lĩnh là bạn thân từ lúc em còn ở bậc tiểu học. Em yêu Lĩnh trước khi anh ấy quen chị. Nhưng dưới mắt Lĩnh, em chỉ là một đứa em gái. Và em đã ôm mối tình đơn phương ấy suốt thời gian anh chị yêu nhau. Rồi một lần về phép, Lĩnh kể cho em nghe, mẹ chị đã nói với Lĩnh rằng "cậu đừng mong lợi dụng con gái tôi để được đổi về thành phố. Tôi cấm cậu không được gặp nó nữa, vì nó sắp kết hôn với một bác sĩ, con ông Thiếu Tá...". Vì tự ái Lĩnh quay lưng với chị, nhưng cũng từ đó anh sống trong tuyệt vọng. Chính em là người đã vực Lĩnh đứng dậy và cũng chính em là người hiểu được tận cùng nỗi đau của anh. Tình yêu của Lĩnh dành cho chị quá lớn, nên thành thật mà nói... em cảm thấy lo ngại khi hai người gặp lại nhau. Em đã trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng khi quyết định mời chị đến nhà để Lĩnh được gặp chị, dù việc đó đối với em có thể là một sự dại dột. Em không biết tình cảm của chị thế nào nhưng trong suy nghĩ của anh Lĩnh thì ... vì mối tình đầu không thành, chị đã ở vậy để tôn thờ hình ảnh của anh và điều đó làm xao động trái tim anh...

Giọng nói cuả Băng nghèn nghẹn như sắp khóc. Tôi đưa tay ngăn lại và cười nhẹ nhàng:
-Băng ơi! Băng đã suy nghĩ và tưởng tượng quá nhiều. Việc tôi gặp lại anh Lĩnh cũng giống như gặp những người bạn khác sau mấy mươi năm cách biệt. Cũng có xúc động, cũng có mừng rỡ, nhưng rồi tất cả sẽ trở lại bình thường thôi Băng ạ!
Băng cướp lời tôi:
-Chị có thể bình thường nhưng anh Lĩnh thì không. Chị Ái Thục ơi!... em có thể mất tất cả, nhưng em không thể mất anh Lĩnh.

Tôi nhìn thẳng vào mắt Băng như để thấu suốt tình yêu mãnh liệt của người vợ dành cho chồng mình, dù đã trải qua mấy mươi năm chung sống. Một nỗi buồn dâng lên nhè nhẹ trong lòng tôi. Nếu ngày xưa tôi đừng bước lên lầu mà can đảm đứng lại để nói với mẹ rằng, con có thể mất tất cả, nhưng con không thể mất mối tình đầu của con, thì bây giờ tôi đâu phải đêm từng đêm vò võ cô đơn, nhìn duyên phận mình phai uá theo thời gian.

Có thể, bằng sự nhạy cảm của một người vợ, Băng đã nhìn thấy nỗi xuyến xao của tôi qua nụ cười và ánh mắt trong lần gặp lại Lĩnh chăng? Dù sao, tôi cũng là một người phụ nữ yếu đuối nên trái tim dễ dàng rung động. Nhưng Băng -vợ của người tình cũ- đã khôn khéo vẽ ra một lằn ranh, bắt buộc tôi phải dừng lại. Tôi hiểu điều đó, nên đã dối lòng bằng giọng điềm tĩnh:
-Nếu đúng như Băng nói thì đó là phần anh Lĩnh. Riêng tôi, tôi không phải là người quay về quá khứ để sống với kỷ niệm. Khi đặt chân đến Mỹ là tôi đã quên tất cả những gì tôi phải quên để hòa nhập và bắt kịp cuộc sống mới. Gặp lại Lĩnh chỉ là sự tình cờ và tôi cũng không hề có ý nghĩ sẽ tiếp tục gặp anh. Tôi bắt điện thoại của Lĩnh chỉ là để giải toả sự hiểu lầm, để cả hai có thể thanh thản sống những ngày còn lại thật vui vẻ.
Băng xiết tay tôi, mắt hoe hoe đỏ:
-Cám ơn chị rất nhiều. Hy vọng rằng trong buổi gặp mặt hôm nay em đã không có một lời nói hoặc cử chỉ nào làm phật lòng chị.
Tôi đứng lên xoa vai Băng:
-Hoàn toàn không. Lúc nào Băng cũng là một người phụ nữ tế nhị và khéo léo. Lẽ nào anh Lĩnh lại không biết rằng anh đang rất hạnh phúc khi có được một người vợ như Băng. Băng hãy an tâm.

Chiếc xe màu đỏ chói của Băng đã ra khỏi bãi đậu mà tôi vẫn còn đứng tần ngần trước cửa tiệm ăn. Khi được Băng mời đến nhà, tôi nghĩ rằng chị không biết ghen. Nhưng những gì vừa xảy ra thì hoàn toàn trái ngược. Điều đáng nói là Băng đã hành xử cơn ghen của mình thật khôn khéo. Có thể, Băng cũng nghĩ rằng những gì chị lo ngại chưa chắc sẽ xảy ra, nhưng chị vẫn muốn đi một bước trước. Tôi hoàn toàn không trách móc hay phiền hà Băng. Nhưng khi... một đôi vợ chồng bước ngang qua, tôi mới chợt nghĩ, nếu tôi cũng như người đàn bà này, đang có người chồng bên cạnh để níu chặt cánh tay, thì chắc chắn Băng đã không hẹn gặp tôi ở đây để nói về nhân vật thứ ba -một nhân vật ở giữa hai người đàn bà. Bởi vì, khi tôi đã có gia đình thì không có lý do gì để Băng lo sợ tôi và Lĩnh tìm gặp lại nhau và có thể... sẽ nối lại một nhịp cầu đã gãy.

***

Tôi trở về nhà trễ hơn thường lệ. Có tiếng mẹ gay gắt khi cánh cửa bật mở.
-Đi đâu đến giờ này mới về?
Câu nói của Lĩnh tối hôm nào trên điện thoại chợt vang lên trong trí nhớ của tôi:
"Tại sao em quá lệ thuộc vào quyết định của mẹ em?".
Phải! từ bé đến lớn, tôi hoàn toàn tuân theo ý mẹ, không cãi lại một lời, nên câu trả lời của tôi là:
"Tại vì em đã được dạy dỗ như thế".
"Quá đủ rồi em ạ! đã đến lúc em phải tự quyết định cuộc đời mình".

Ở tuổi này tôi còn có cơ hội để quyết định cuộc đời mình sao? Mấy mươi năm qua, bao nhiêu lần cơ hội đến là bấy nhiêu lần mẹ giơ tay đánh đổ. Tại sao? Ngày trước, tôi nghĩ rằng mẹ vì hạnh phúc của tôi. Đến bây giờ thì tôi có thể khẳng định rằng, mẹ làm như vậy vì lợi ích của bản thân mẹ nhiều hơn. Nếu không, sao cứ mỗi lần có người bước đến với tôi, mẹ lại hỏi "bộ muốn lấy chồng lắm sao mà cứ quen hết thằng này đến thằng kia. Ở vậy, không sung sướng hơn à?" Câu hỏi thật lạ! Chẳng phải người mẹ nào cũng mong muốn con cái mình sớm yên bề gia thất sao? Vâng! mẹ của người ta như thế đó, còn mẹ tôi lại khác, bà không muốn tôi vướng bận chồng con để có thể dành trọn vẹn thời gian chăm sóc cho bà lúc tuổi già. Nhưng có khi nào mẹ nghĩ cho tôi, nếu tôi "ở vậy, ai sẽ chăm sóc cho tôi khi tôi bước vào tuổi xế chiều?

Tôi vào phòng ngồi trước tấm gương trên bàn trang điểm. Nhìn mái tóc đã lấm tấm vài sợi bạc, vuốt nhẹ đuôi mắt có nhiều vết chân chim, tôi bỗng thở dài. Bao năm qua tôi đã an phận với cuộc sống đơn độc mà chưa một lần tự hỏi, tại mẹ hay tại phận số tôi vô duyên. Nhưng hôm nay, trái tim tôi hình như đau rát... Ước gì tôi đừng gặp lại Lĩnh để tôi có thể sống bình thản như đã từng sống bấy lâu nay.

Ngân Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét