Trong
các nhà thơ đời Đường, có lẽ Lý Kiệu là người có chức quan lớn nhất.
Ông làm tể tướng hai đời vua Cao Tông và Trung Tông. Ông mượn bài thơ
"Phong" để nói lên cái bản lãnh kinh bang tế thế của mình. Đó chính
là:
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thuỳ rạch mũi Can Tương
Hay
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan.
風 Phong
解落三秋葉 Giải lạc tam thu diệp
能開二月花 Năng khai nhị nguyệt hoa
過江千尺浪 Quá giang thiên xích lãng
入竹萬竿斜 Nhập trúc vạn can tà.
李嶠 Lý Kiệu
Dịch nghĩa:
Gió
Gió ba tháng mùa thu làm lá rơi rụng
Nhờ thế sang tháng hai hoa mới nở rộ
Lúc qua sông làm cho sóng cao nghìn thước
Khi vào rừng trúc làm nghiêng ngã muôn cây,
Dịch thơ:
Gió Thu
1/
Ba tháng thu vàng lá
Đến xuân hoa nở nhiều
Qua sông làm dậy sóng
Rừng trúc cũng liêu xiêu.
2/
Gió Thu làm rụng lá vàng
Tháng hai bông nở rỡ ràng biết bao
Qua sông ngàn thước sóng cao
Đi ngang rừng trúc đổ nhào muôn cây.
Quên Đi
***
Gió
1/
Gió thu về trút lá
Hoa tháng Hai đơm đầy
Dậy sóng dâng ngàn thước
Thổi muôn trúc rạp cây
2/
Vào thu lộng gió lá rơi
Tháng Hai hoa rợp cả trời xôn xao
Vào sông ngàn thước sóng cao
Ập qua muôn trúc ào ào ngả nghiêng
Kim Phượng
***
LÝ KIỆU 李嶠 (644-713) tự là Cự Sơn 巨山, Tán Hoàng 贊皇, danh sĩ đời Sơ
Đường, người đất Hà Bắc, là cháu chắc của Nội Sử Thị Lang Lý Nguyên Tháo
đời nhà Tùy. Tuổi trẻ tài cao, hai mươi tuổi đã đậu Tiến sĩ, làm quan
đến chức Trung Thư Lệnh, tánh tình cương trực liêm chính. Vì làm nghịch ý
Võ Hậu mà bị biếm làm Tư Mã Nhuận Châu, sau được triệu về làm Phụng Các
Xá Nhân. Ông giỏi văn thơ, sánh ngang với Sơ Đường Tứ Kiệt Vương Bột
王勃、Dương Quýnh 楊炯、Lư Chiếu Lân 盧照鄰、Lạc Tân Vương 駱賓王 lúc bấy giờ; cùng
với Tô Vị Đạo 蘇味道、Thôi Dung 崔融、Đỗ Thẩm Ngôn 杜審言 (Ông nội của Thi Thánh
Đỗ Phủ) hợp xưng là “Văn Chương Tứ Hữu 文章四友”. Trong một lần TỨ HỮU cùng
dạo chơi trên núi Lư Phong Sơn, phong cảnh cỏ hoa trên núi rất đẹp, khi
vừa lên đến đỉnh núi thì có một làn gió thổi thốc đến rất mát mẻ sảng
khoái, Lý Kiệu bèn nổi hứng mà viết nên bài thơ về GIÓ như sau đây :
風 Phong
解落三秋葉, Giải lạc tam thu diệp,
能開二月花。 Năng khai nhị nguyệt hoa.
過江千尺浪, Qúa giang thiên xích lãng,
入竹萬竿斜。 Nhập trúc vạn can tà !
* Chú thích :
- Giải Lạc 解落 : GIẢI là Cởi ra; LẠC là Rớt xuống; nên GIẢI LẠC ở đây có nghĩa là Rơi Rụng vì chỉ lá mùa thu.
- Năng Khai 能開 : có nghĩa là Làm cho nở ra.
- Quá Giang 過江 : là Qua Sông, ở đây có nghĩa là KINH QÚA GIANG HÀ 經過江河 chỉ Gió thổi "Ngang qua sông ngòi".
- Nhập Trúc 入竹 : ở đây có nghĩa là NHẬP TRÚC LÂM 入竹林 chỉ Gió thổi "Vào rừng tre".
- Can 竿 : là Lượng từ của tre : Nhất Can Trúc 一竿竹 là Một CÂY tre.
* Nghĩa bài thơ:
Gió
Gió có thể thổi cho rơi rụng hết lá ba tháng của mùa thu; và Gió
cũng có thể thổi làm cho nở hết hoa của buổi đầu xuân (tháng hai). Khi
Gió thổi qua giang hà thì có thể làm cho sóng dậy cả ngàn thước cao; và
khi thổi vào rừng trúc thì lại có thể làm cho muôn vạn cây trúc phải
nghiêng ngã cúi đầu !
Thông qua hình tượng của Lá, Hoa, Sóng, Trúc, và các chữ số Tam,
Nhị, Thiên, Vạn, để diễn tả phô trương khả năng đa dạng và sức mạnh cùng
uy lực của gió đối với cảnh vật thiên nhiên : Gió thu hiu hắt thổi rụng
lá vàng tan tác, gió xuân ấm áp mơn trớn làm nở rộ muôn hoa; Gió thổi
cuồng nộ làm cho giang hà dậy sóng ba đào và khi thổi thốc vào rừng tre
thì làm cho muôn vạn cây trúc đều phải nghiêng ngã cúi đầu ! Chỉ vỏn vẹn
có bốn câu thơ ngũ ngôn Lý Kiệu đã lột tả được hết cái tính cách đa
dạng và uy lực vô biên của GIÓ mà ta thường tiếp xúc và cảm nhận hằng
ngày.
* Diễn Nôm:
Phong
Nở bung hoa tháng hai.
Sóng sông ngàn thước dậy,
Rừng trúc ngã nghiêng ngay!
Lục bát:
Hắt hiu rụng hết lá vàng,
Mơn man nở rộ muôn ngàn hoa xuân.
Giang hồ sóng dậy nghìn trùng,
Thổi vào rừng trúc đều cùng ngã nghiêng!
Mơn man nở rộ muôn ngàn hoa xuân.
Giang hồ sóng dậy nghìn trùng,
Thổi vào rừng trúc đều cùng ngã nghiêng!
***
Phong Là Gió...1/
Ba tháng thu mùa lá rụng đầy
Nhờ thế ra Hai nụ ngất ngây
Thổi tới sông cao nghìn thước sóng
Tạt vào rừng trúc ngã muôn cây
2/
Rừng thu lá đổ cây vàng
Tháng Hai hoa rộ rộn ràng xôn xao
Sông ngàn thước sóng dâng cao
Tạt qua rừng trúc lật nhào muôn cây...
Mai Xuân Thanh
October 14, 2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét