Y HỌC THƯỜNG THỨC
Nuốt Khó Bác Sĩ Hoàng Cầm
Đại cương
Khi ta bị nuốt khó, thức ăn từ miệng di chuyển qua họng và thực quản rất chậm chạp hoặc ngừng lại chốc lát ở giữa chừng (nghẹn). Cũng có khi nuốt khó gây đau trong thực quản.
Nuốt khó là triệu chứng đôi khi xảy ra khi ta ăn uống vội vàng, thực phẩm chưa được nhai kỹ, nhưng nếu xảy ra thường xuyên thì có thể là dấu hiệu có bệnh của phần trên bộ tiêu hóa.
Phần trên bộ tiêu hóa gồm: miệng, họng, thực quản và dạ dày. Khi ăn, răng nghiền đồ ăn, tuyến nước miếng tiết ra nhiều, lưỡi trộn đồ ăn với nước miếng thành một hỗn hợp nhão, trơn. Lưỡi đẩy thức ăn về phía họng.
Họng là ngã tư của đường hô hấp và tiêu hóa, nơi đây có hai bộ phận nhỏ điều hòa động tác thở và nuốt: ở phía sau vòm miệng là vòm mềm, ở cuối lưõi là nắp thanh quản.
Khi ta thở, vòm mềm cụp xuống và nắp thanh quản mở, không khí chạy qua mũi xuống thanh quản và khí quản. Khi ta nuốt, vòm mềm giương lên nên thức ăn, uống không chạy lên mũi đồng thời nắp thanh quản đóng nên thức ăn từ miệng chạy vào thực quản chứ không đi qua thanh quản.
Động tác nuốt được tiến hành dễ dàng, tự nhiên, do tác động điều hòa của các cơ và dây thần kinh ở mặt và cổ.
Nguyên nhân
Nuốt khó có nguyên nhân khác nhau tùy thuộc vị trí của thức ăn khi triệu chứng xảy ra: thức ăn tới họng và thức ăn ở trong thực quản.
Thức ăn tới họng: Ăn vội vàng, thực phẩm chưa được nhai kỹ. Tuổi cao. Lúc cao tuổi, nước miếng ít, mất nhiều răng, nhai yếu, luỡi yếu khiến việc đẩy thức ăn về phía họng gặp khó khăn. Bướu lành hoặc ung thư ở họng, ngăn cản thức ăn đi vào thực quản. Đột qụy và bệnh về thần kinh như bệnh liệt rung Parkinson.
Nuốt khó khi thức ăn tới họng có thể kèm theo: nghẹn khi cố nuốt. sặc do một phần thức ăn trong miệng chạy ra đằng mũi, ho khi thức ăn rơi vào khí quản. Thức ăn vào khí quản có thể đưa tới viêm phổi.
Thức ăn ở trong thực quản: Nuốt khó ở thực quản thường gây cảm giác thức ăn như ngừng trong giây lát ở giữa ngực. Nuốt khó đối với thức ăn cứng và lỏng do các cơ trong thực quản không co thắt điều hòa đẩy thức ăn, đồ uống về phía dạ dày, hay cơ vòng ở phía dưới thực quản không mở cho thức ăn vào dạ dày. Nuốt khó chỉ với đồ ăn cứng do vòng thẹo ở một nơi trên thực quản, Trong trường hợp này, nuốt khó thường không liên tục, khi có, khi không (vòng thẹo do chất chua trong dạ dày dội ngược lên thực quản, làm viêm thực quản hay loét thực quản, chỗ loét khi lành để lại thẹo).
Do ung thư thực quản: nuốt khó khi đó liên tục và càng lâu càng trầm trọng.
Phòng ngừa
Ăn chậm, nhai kỹ từng miếng nhỏ. Tránh nghiện rượu (ảnh hưởng thần kinh). Không thuốc hút lá (ảnh hưởng thần kinh).
Cần gặp bác sĩ
Khi nuốt khó xảy ra thường xuyên trong nhiều ngày có thể là dấu hiệu báo động bệnh của đường tiểu hóa: như bướu lành, ung thư họng, ung thư thực quản, viêm thực quản. những bệnh này cần được chẩn đoán sớm để trị liệu kịp thời.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Cơ Muscle Cơ vòng Sphincter
Dạ dày Stomach Dây thần kinh Nerve
Đột quỵ Stroke Họng Pharynx
Nuốt khó Dysphagia
Thực quản Esophagus
Viêm phổi Pneumonia
Khô Miệng - Bác Sĩ Hoàng Cầm
Đại cương
Trong miệng chúng ta luôn luôn có nước bọt để giúp cho các hoạt động ăn và nói được dễ dàng. Khô miệng là khi lượng nước bọt trong miệng giảm bớt nhiều, làm trở ngại các hoạt động này.
Sau đây là các chi tiết về nước bọt trong cơ thể con người. Trong miệng có ba cặp tuyến tiết nước bọt: tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm. Mỗi tuyến đều có ống dẫn nước bọt vào miệng. Các tuyến tiết khoảng một lít rưỡi nước bọt mỗi ngày. Khi ăn, nước bọt tiết ra nhiều hơn, giúp việc tiêu hóa và kích thích thần kinh lưỡi cảm nhận khẩu vị của thức ăn. Nước bọt gồm có: Chất men tiêu hóa, biến một phần tinh bột thành đường. Ta có thể trắc nghiệm được điều này bằng cách nhai kỹ một miếng cơm, lưỡi sẽ cảm thấy vị ngọt. Chất nhờn giúp lưỡi linh hoạt, nói năng lưu loát, nhai và nuốt thức ăn dễ dàng. Chất men chống vi khuẩn, chất kiềm, muối can-xi. Chất men chống vi khuẩn giảm lượng vi khuẩn trong miệng. Chất kiềm giảm tác dụng axít trong thức ăn làm hại men răng.
Ngoài các công dụng nói trên, nước bọt còn ngăn ngừa các mảnh thức ăn bám vào răng, giảm bớt mảng bám (bựa) răng và sâu răng. Dấu hiệu và triệu chứng Cảm giác nước bọt đặc, dính. Miệng khô, lưỡi khô. Họng đau, lưỡi rát. Môi nẻ, mép nứt. Nói chậm, nuốt thức ăn khó, dễ nghẹn. Hơi thở hôi. Lợi đỏ, sưng. Nhiều bựa phía sau răng, sâu răng. Nguyên nhân -Phản ứng phụ của một số thuốc bào chế là nguyên nhân chính, như: thuốc chữa huyết áp cao, chống dị ứng, chữa bệnh trầm cảm, chữa bệnh lo âu, chữa chứng són tiểu.
-Thuốc lá (lào) hoặc hút, hoặc nhai.
-Nghẹt mũi kinh niên nên thở bằng miệng.
-Ngáy, hoặc thở bằng miệng khi ngủ.
-Chấn thương đầu làm thương tổn thần kinh mặt.
-Bệnh tuyến nước bọt. Trị liệu thông thường
-Tránh thở bằng miệng, nên thở qua mũi.
-Tránh hút thuốc, uống rượu, uống cà phê đậm.
-Tránh xúc miệng bằng các dung dịch có chất rượu.
-Uống nước nhiều lần mỗi ngày, uống từng ngụm nhỏ.
-Ngậm kẹo không có đường để kích thích tuyến nước bọt làm việc.
-Nhai kẹo cao su không có đường (đường gây sâu răng).
-Dùng nước bọt nhân tạo dưới hinh thức thuốc bơm hay thuốc keo. Khi nào cần gặp bác sĩ Khi dùng thuốc chữa bệnh thường ngày khiến miệng khô, tư vấn với bác sĩ về việc đổi thuốc. Khi dùng các phương pháp thông thường được trình bày ở phần trên mà không bớt khô miệng. Bác sĩ khám lâm sàng và xét nghiệm tìm nguyên nhân. Bác sĩ có thể cho thuốc kích thích tuyến nước bọt, thí dụ như loại Pilocarpine (thương hiệu Salagan).
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Chứng khô miệng Xerostomia
Chất men tiêu hóa Digestive enzyme
Chất men chống vi khuẩn Lysozyme
Chất nhờn Mucin Tinh bột Carbohydrates
Bác Sĩ Hoàng Cầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét