Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Tự Khuyến 自勸 - Bạch Cư Dị



Nguyên tác          Dịch âm

自勸                     Tự Khuyến

憶昔羈貧應舉年 Ức tích cơ bần ứng cử niên,
脫衣典酒麯江邊 Thoát y điển tửu Khúc Giang biên
十千一斗猶賒飲 Thập niên nhất đẩu do xa ẩm,
何況官供不著錢 Hà huống quan cung bất trước tiền.


Bạch Cư Dị
***
Dịch thơ

Tự Khuyên Mình

Nhớ lúc đi thi quá đói nghèo,
Áo cầm bến Khúc rượu cân theo,
Chục năm một đấu* xưa mua chịu.
Chả nhẽ nay quan chẳng dám tiêu?

Họa thơ:

Tự trách mình

Cậu tú đi thi qúa đói nghèo,
Muốn cây Pilot vợ chiều theo,
Gía tiền tám chục gồng mình sắm.
Tới lúc đền ơn vợ mất tiêu!

Ngày 14-5-2019
Con Cò

*Đấu: 10 lít. Câu 3 muốn nói rằng, ngày xưa (10 năm trước) chỉ muốn có một đấu rượu mà phải mua chịu.
***
Dịch nghĩa: Tự Khuyên

Nhớ lại năm xưa đi thi đang lúc nghèo đói
Cởi áo ra cầm lấy tiền mua rượu ở tiệm bên bờ hồ Khúc Giang.
Mười nghìn một đấu rượu mà còn dám mua chịu để uống.
Hà huống bây giờ làm quan có bổng lộc đâu cần tích trữ tiền nữa.

Dịch thơ: Tự Nhũ

Năm xưa nghèo khó lúc đi thi
Thích rượu áo cầm chẳng ngại chi
Đấu rượu mười ngàn còn uống được
Nay đầy bổng lộc dám ai khi.

Phí Minh Tâm
Chú thích:
Tự Khuyến: còn có tựa là Phủ Tửu Ngũ Tuyệt 府酒五絕
Cơ 饑/飢 : đói không phải cơ 羈 khí. Nguyễn Du: Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da.
Khúc曲: chỗ sông quanh co không phải khúc 麯 men rượu
Khúc Giang: Tên ao đời Đường ở đông nam Trường An, phía đông phố Chu Tước. Ao dài như con sông ngắn, khúc khuỷu quanh co, nên gọi Khúc Giang.
Đấu/Đẩu鬥: phồn thể cả bài thơ.
Xa 賒: Mua chịu. Nguyễn Trãi 阮廌: Đồ giác hồ trung phong nguyệt hảo, Niên niên bất dụng nhất tiền xa 徒覺壺中風月好, 年年不用一錢賒 Chỉ biết gió trăng trong bầu là đẹp, Mỗi năm không mất đồng tiền nào để mua.
Trị 値: Đánh giá. Tô Thức: Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim 春宵刻値千金 Đêm xuân một khắc đáng giá ngàn vàng.
***
Tự Nhủ Ta

Đi Thi nhớ thủa quá hàn vi 
Bến Khúc rượu thèm áo tiếc chi? 
Một đấu mười ngàn còn dám uống
Bây giờ quan lớn giữ tiền chi? 

Lạc Thủy
***
Tự Nhủ

Nhớ buổi đi thi nghèo mạt rệp
Áo cầm đổi rượu uống bên ao
Mười ngàn một đấu quen xa xỉ
Nay bổng lộc đầy bộ tiếc sao.

Hoàng Xuân Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét