Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Canada: Rừng Phong Thu Đã Nhuộm Màu Quan San


Bác Sĩ Từ Uyên và tôi đã bàn với nhau sẽ chấm dứt lọat bài “ Xứ cờ lá phong quê tôi cuối đời” ở chương 61 nói về sự liên hệ giữa hai quê mới và quê cũ, quê cuối đời và quê đầu đời nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy bứt rứt và hụt hẫng trong lòng tựa như còn thiếu cái gì đó chưa được nói tới trong luận đề của chúng tôi.

À thì ra cái nhan đề đã nhắc nhở chúng tôi, cái mà chúng tôi thiếu sót nằm chình ình ngay đó, là lá phong, rộng hơn nữa là rừng phong vì nói tới Canada là người ta nghĩ tới xứ sở của những cánh rừng phong bạt ngàn.

Khi nói lên hai tiếng “ rừng phong” tôi bồi hồi nhớ lại ngay câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiêù, “ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.”

Câu này tôi đã được học và thuộc lòng từ khi còn học lớp đệ tứ tương đương với lớp 10 ngày nay, tuy nhiên khi nghe thầy giáo Việt văn là giáo sư Hoàng Ngọc Phách giảng thì quả thật tôi thấy, “ Rằng hay thì thật là hay” nhưng mà

“ Nghe như gió thoảng bên tai lặng lờ.”

Bởi vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ mình có nhìn thấy cây phong bao giờ đâu nói chi rừng phong thì làm sao cảm thông với cái đẹp của cảnh vật, cái ý thơ của tác giả. Thời đó, mỗi khi thu về tôi chỉ được ngắm các cây bàng thay màu lá và lòng vẫn dửng dưng chưa có cảm xúc về sự thay đổi của không gian và thời gian.

Chỉ mãi về sau này khi vượt biển tỵ nạn tại Canada tôi mới có dịp mỗi độ thu về lại đeo một cái máy camera lang thang, thơ thẩn trong các rừng phong trong những cơn gió hiu hắt thổi rơi lả tả các lá vàng, đỏ như hoa thêu, gấm dệt thì mới cảm thấy không chỉ rừng phong mà cả lòng mình thu đã nhuộm màu quan san.

...Đọc thơ Nguyễn Du xưa chưa hiểu
Thơ thẩn rừng phong chiều thu tàn
Ngắm lá vàng bay theo gió cuốn
Mới hay lòng đã nhuộm quan san...

Đi ngắm rừng thu thay áo cả buổi cũng không chán mắt nên khi chân mỏi rã rời thì chợt cảm thấy vô cùng khoan khoái được ngả lưng lên sườn đồi ngắm

“Ngàn năm mây trắng vẫn bay...bay...” để bùi ngùi “ Hồn quê gửi ngọn mây Tần xa xa...”, chốc chốc lại có một đôi hạc xoải cánh bay về phương Nam tìm nắng ấm, chợt nhớ ra câu thơ của Tản Đà, “ Cái hạc bay lên vút tận trời” cũng đã thuộc lòng nhưng giờ mới chứng kiến như người trong cuộc và hồn thơ cũng tự nhiên lai láng:

...Chiều nay lá rụng đầy
Cái hạc vút tận trời
Lòng nao nao quan tái
Hồn cưỡi hạc bay...bay...

Đôi khi tôi cũng may mắn gặp được một con nai vàng vẻ ngơ ngác dưới rặng phong khiến tôi không thể không liên tưởng tới câu thơ của Lưu Trọng Lư:

...Em không nghe muà thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô...


Khi bước đi trên những đám lá vàng rơi xào xạc tôi bỗng như có cảm tưởng chính mình là con nai vàng đang ngơ ngác trước cuộc đời hoàn toàn mới lạ nơi đất khách quê người và tự nhiên bật miệng nghêu ngao hát “ Tôi đi trong nắng thu vàng nhớ...”. Mà qủa thật nhớ ơi là nhớ tuy chẳng rõ nhớ đích xác cái gì? Nhớ quê hương cũ, nhớ bằng hữu, nhớ thân quyến, họ hàng để rồi lòng chùng xuống như dây đàn, “ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...”

Tôi không phải là dân nghiền thuốc lá tuy thỉnh thoảng nổi hứng cũng châm lên một điếu thuốc để phì phèo, nhưng giữa cảnh “Hiu hắt rừng thu cơn gió may” thì cảm thấy thèm thuốc vô cùng và ước gì có ai đó châm cho một điếu thuốc thì đời lên hương biết mấy:

...Em châm ta điếu thuốc
Đốt mối sầu ly hương
Lũng sâu mù sương khói
Mắt em đọng hoàng hôn...

Rồi buổi chiều trên đường trở về, tôi cảm thấy mình chính là Hồ Dzếnh đã thốt ra những câu thơ bất hủ

...Tôi là người lữ khách
Mây chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây...

Tôi đã qua hàng năm những ngày thu cuối tuần như vậy trong rất nhiều các rừng phong Canada từ bờ biển Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương chỉ để thơ thẩn đi dọc theo bờ suối chảy rì rầm giữa các rặng phong đủ các sắc màu rực rỡ và để lòng cảm thông với tâm hồn những người của ngàn trước và ngàn sau.

…Thời gian nước chảy qua cầu
Đất gần thêm mãi, trời cao xa dần
Mới thông cảm ý tiền nhân
Muốn cho ngàn trước nối cùng ngàn sau...

Tôi tự hỏi mình cũng giống nhà thơ Chế Lan Viên hay sao? Vì nhà thơ chỉ mê có mùa thu dù đang giữa mùa xuân:

...Ai đâu trở lại muà thu cũ?
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng...

Những ngày đầu tiên trên quê hương mới, cuộc sống thật cực nhọc trăm chiều nên những buổi dạo rừng thu cũng giúp cho lòng tôi khuây khoả ít nhiều và tôi cũng theo người đời tập thiền hành trên đồi phong:

…Tập đi chập chững như em nhỏ
Dồn đọng hồn thơ xuống bước chân
Mắt sáng, môi cười không đích hướng
Vô tâm đã nhập phép thiền hành...

Thiền hành chán tôi lại xoay ra tọa thiền:

…Rằng nay có gã thầy lang
Bỏ phòng mạch, kiếm rừng phong ngồi thiền
Chân khoanh xếp, mắt lim dim
Lòng buông thả, trí an nhiên không cùng
Suối xa cất tiếng thì thầm
Mừng người rũ sạch bụi trần từ đây
Chim đâu gọi bạn bên trời
Lại xui tấc dạ bồi hồi vẩn vơ...

Vậy thì muà thu, nhất là muà thu Canada có gì đẹp, có gì quyến rũ, có gì khác biệt và bật trội hơn các nơi khác? Tôi phải mô tả cảnh rừng phong như thế nào để không phụ tình với xứ cờ lá phong, quê tôi cuối đời? 

Trước máy vi tính tôi cứ ngồi thẫn thờ, lòng ngổn ngang niềm kia nỗi nọ nên ngồì ỳ thần xác mà chẳng gõ ra được chữ nào, rồi bỗng nhiên trong cái đầu đang rỗng tuếch lóe lên một ý tưởng là tại sao ta không tìm trên mạng thiếu gì tài tử giai nhân cũng mê cảnh sắc rừng phong như mình và hẳn đã phóng bút viết ra, vẽ ra những bức “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” về Canada.

Hóa ra trong tiềm thức tôi đã tìm cách bắt chước Lý Bạch xưa mà không hay là khi tới Hoàng Hạc Lâu họ Lý định đề thơ nhưng thấy bài thơ của Thôi Hiệu là tuyệt hảo rồi thì gác bút mà bỏ đi.

Và đây là một số bài trên mạng, mỗi bài trình bầy một khía cạnh, một phương diện nhưng tổng hợp lại ta sẽ có một cái nhìn nhất quán về cảnh sắc đẹp như tranh họa đồ của xứ cờ lá phong.

Nhắc đến Canada có lẽ điều đầu tiên người ta nghĩ đến là hình ảnh của cây phong với những chiếc lá vàng, đỏ rực. Và không phải tự nhiên mà lá phong lại trở thành biểu tượng đặc trưng được nhiều người biết đến nhất của Canada.



Hoàng Xuân Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét