Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Bài Học Yêu Đương - Thơ: Quách Như Nguyệt - Diễn ngâm: Kim Kiểm


Thơ: Quách Như Nguyệt
Diễn ngâm: Kim Kiểm

Chúc Mừng Sinh Nhât Tám Ba

 
Sinh Nhật chúc mừng tuổi tám ba
Tuổi của cao niên chẳng phải già
Trao đổi văn thơ cùng bạn hữu
Vui con vui cháu gần và xa
Lúc trẻ phụng sự cho quốc gia
Muộn phiền khi sống xa quê nhà
Cầu mong văn hữu tâm an lạc
Quẳng gánh lo đi, hạnh phúc nha

Virginia ngày 10/10/ 24
Ngoc Hạnh

Thiên Tai


1/
Năm Thìn siêu bão lắm thiên tai,
Khắp chốn năm châu chết khổ dài.
Nhà phố nát tan, xe chìm biển.
Dân cư vùi lấp, cảnh trần ai.
Vùng nao may thoát, yên vui sống,
Đem tấm lòng nhân tỏ đức tài.
Bác ái công bình luôn thể hiện,
Giúp đời hy vọng đẹp ngày mai.

2/
Khắp nơi hứng chịu đủ thiên tai.
Mưa lũ, cuồng phong, đất động dài.
Nước cuốn nhà xe trôi biển cả,
Dân tình chìm chết quá bi ai.
Mừng ta được trú nơi yên ổn,
Tạ Phật Trời cho vẫn phúc tài.
Lòng phải vị tha ngang vị kỷ,
Giúp đời tươi đẹp dựng tương lai.

Nhật Quang Phi Hồ 
(Oct24)


Đêm Huyền Ảo

 

Mê mẩn, tôi nhìn những ánh sao
Lung linh huyền ảo giữa trời cao
Từng viên ngọc quý đầy mê hoặc
Những khối tinh cầu gợi ước ao
Nhắm mắt phiêu du miền diễm tuyệt
Thả hồn say đắm mộng xôn xao
Bềnh bồng...nhẹ hẫng...êm ru lướt
Thanh thản rong chơi thế giới nào.


Sông Thu
(07/10/2024)

Suối Tương Tư


Dưới bầu trời xám ảm đạm, Phượng lững thững đi dọc theo bức tường bằng đá ghi chi chít tên những quân nhân Mỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam. Một cơn gió lạnh thổi qua khiến nàng rùng mình. Nàng ngừng lại và đặt một nhánh hoa dại màu vàng xuống sàn xi măng, trước khoảng tường có một tên bắt đầu bằng vần M. Nàng thì thầm: “ Hoa của riêng Minh đấy! Có ai thích hoa dại bao giờ? Thế là Minh được độc quyền nhé!”

Đã từ lâu, nàng đã có thói quen viếng thăm bức tường này vào ngày giỗ của Minh, người mà nàng yêu tha thiết. Chàng cũng đã bỏ mình trong trận đánh ở An Khê năm xưa khi hai người đang chuẩn bị đám cưới. Mỗi lần đứng trước bức tường đá lạnh lẽo với những cái tên xa lạ, nàng thường tự hỏi: “ Có bức tường nào dài đủ để ghi tên Minh và những người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến tranh thảm khốc đó?”

Phượng đưa mắt hững hờ nhìn những du khách đang bước vội vã bên bức tường đá lặng câm. Nàng thả hồn vào quá khứ xa xăm mà tưởng chừng như vừa mới hôm qua, như vừa buổi sáng…

Phượng chào “Tù Trưởng Muốn” một lần nữa rồi lễ mễ ôm quả mít no tròn và thơm lừng đi về phía bác tài xế đã đậu xe chờ nàng bên bờ suối. Vừa đi, nàng vừa tủm tỉm cười vì cái tên ngộ nghĩnh mà bố con nàng đã gọi Tù Trưởng của buôn thượng này. Sở dĩ ông được gọi như thế vì mỗi khi gặp bố nàng, ông ta nói rất nhiều lần tiếng “ Tôi muốn”. Thực ra, mọi thứ ông xin, đều là xin cho dân làng nhưng vì không biết nhiều tiếng Việt nên ông chỉ nói “Tôi muốn”, rồi dùng tay ra hiệu hoặc chỉ vào những thứ mà ông muốn.

Từ ngày đơn vị của bố nàng đóng quân tại vùng cao nguyên Pleiku, nàng vẫn thường theo bố vào các buôn thượng lân cận để giúp đỡ những người dân bản xứ, khi bố nàng có giờ rảnh rỗi. Lúc đầu, nàng chỉ đi cùng bố cho vui. Lâu dần, nàng cảm thấy thương mến những người dân miền núi thật thà chất phác nên nàng đã dành rất nhiều thời giờ cho công việc này. Phượng là y tá nên dân làng rất cần sự giúp đỡ của nàng. Do đó, mỗi khi thấy Phượng tới, họ vui mừng gọi tên nàng ơi ới và tiếp đãi thật nồng hậu. Những buổi chiều nhạt nắng, từ trại gia binh, nhìn những làn khói lam tỏa ra từ những ngôi nhà sàn, Phượng lại thèm ăn một ống nứa cơm thơm thơm mà nàng thường được mời mỗi khi vào thăm các gia đình người thượng.

Bố nàng đã ra lệnh cấm không được đi riêng lẻ vào buôn vì lý do an ninh. Nhưng nhiều lần Phượng đã trái lệnh. Đối với nàng, những ngôi nhà sàn mái lá nâu sậm, chênh vênh trên những cây cột gỗ cao lênh khênh và đống củi khô chất đầy phía dưới, bên cạnh những cây mít, cây mận sai chúc chíu đã trở nên thân quen, mời gọi

Chiều nay, sau khi ra khỏi quân y viện, Phượng năn nỉ bác tài xế, cho nàng ghé vào buôn một lúc để gặp “Tù Trưởng Muốn”. Nàng muốn báo cho ông một tin vui là nàng đã xin được một số quần áo và tặng phẩm của một hội nhà thờ để phát cho dân làng vào dịp Giáng Sinh sắp tới. Nàng tiếc là không có thời giờ để ở lại ăn cơm cùng gia đình ông Tù trưởng, mặc dù họ ân cần mời mọc. Nàng vừa dùng tay ra hiệu vừa nói với họ bằng tiếng Thượng:
-Tôi ở lại đây, bố tôi cắt cái đầu!

Nghe Phượng nói tiếng của ông, “Tù Trưởng Muốn” cười ha hả, để lộ mấy cái răng vàng chói. Rồi ông bảo vợ hái quả mít chín và to nhất tặng cho nàng.

Phượng đi loanh quanh qua những con đường đất đỏ bụi mù theo từng cơn gió lốc. Rồi nàng băng qua khu rừng cây um tùm để đến bờ suối. Chiều xuống thật nhanh. Mới lúc nãy hãy còn ánh nắng mà bây giờ đã tối xầm lại. Một vài con chồn, con thỏ…nghe tiếng động, chạy vụt vào trong những lùm cây. Tiếng chim kêu, gió hú đã làm tăng vẻ âm u của vùng rừng núi. Một nỗi sợ hãi đang bủa vây trong tâm hồn Phượng. Nàng không sợ bị bố quở mắng, nhưng nàng đang lo những bất trắc có thể xảy ra tại đây. Nàng ân hận vì đã vào buôn một mình khi trời tối.

Ban ngày, cuộc sống ở đây cũng bình thường và nhộn nhịp lắm. Nhưng khi màn đêm buông xuống thì hình như sự nguy hiểm, chết chóc, rình rập đâu đây. Hơi thở của mỗi người hình như nặng nề hơn, dồn dập hơn và giấc ngủ nào cũng chập chờn những cơn ác mộng. Nhiều đêm, ánh hỏa châu sáng rực cả bầu trời. Tiếng trọng pháo nổ ầm ầm xen lẫn những tiếng súng nhỏ cắc cùm, cắc cùm…khi xa, khi gần, khiến mọi người tỉnh giấc, hốt hoảng chui vào hầm trú ẩn. Hồi hộp muốn vỡ tung lồng ngực nhưng ai nấy vẫn lâm râm niệm Phật, cầu Chúa.

Phượng đi thật nhanh. Nhưng hình như khoảng cách vẫn không thu ngắn được là bao. Cuối cùng, nàng cũng lội được qua con suối, đến bên chiếc xe jeep mà bác tài xế đang đợi nàng. Phượng thở phào nhẹ nhõm, vừa leo lên xe, nàng vừa nói:
- Xin lỗi bác nhé, tôi không ngờ tôi ở trong đó lâu như thế.
Bác tài xế vui vẻ:
- Không sao cô ạ. Tôi chỉ lo lát nữa về nhà bị Đại úy la thôi.
- Bác đừng lo, lỗi của tôi mà!

Chiếc xe chưa kịp chạy, bỗng hai người nghe tiếng rên rỉ khe khẽ. Lương tâm của một y tá đã thắng sự sợ hãi của Phượng. Nàng nhìn quanh và nhận ra một người đàn ông mặc quân phục, bị thương, nằm cách đó không xa. Nàng nhanh nhẹn lấy thùng vật dụng cứu thương, băng bó cho nạn nhân rồi giúp bác tài xế vực ông ta lên xe, đưa về bệnh xá, nơi nàng làm việc

Đêm đã khuya lắm mà Phượng vẫn còn trằn trọc không thể nào ngủ được. Nàng nghe tiếng gió hú từng cơn và tiếng súng từ xa vọng lại. Nàng bỗng nhớ tới người quân nhân bị thương mà nàng đã mang vào bệnh xá hồi tối. Không biết anh chàng đã tỉnh lại chưa? Vết thương khá nặng và máu ra nhiều, nếu nàng không tình cờ gặp thì có lẽ giờ này anh ta đã chết từ lâu rồi. Phượng thở dài nhè nhẹ khi nghĩ tới đồng bào của nàng đã phải sống kinh hoàng trong chiến tranh. Một cuộc chiến tranh mà họ không lựa chọn. Những bom đạn, sản xuất từ một nơi xa xăm nào đó, đã được mang tới đây để tàn phá phần đất nhỏ bé và dân tộc hiền hòa này. Trong lúc thi hành nhiệm vụ, Phượng đã gặp không biết bao nhiêu cảnh thương tâm. Ngoài sự xúc động tận cùng của tâm hồn, nàng chỉ còn biết cầu nguyện và làm hết sức mình để xoa dịu một phần nào vết thương của cuộc chiến.

Phượng vừa chợp mắt được một chút thì chuông đồng hồ reo vang, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Nàng trở dậy sửa soạn qua loa, rồi cùng bố mẹ ăn sáng. Món xôi đậu đen của mẹ còn nóng hổi, ăn với muối mè sao mà ngon thế, nhất là vào những hôm trời trở lạnh như hôm nay.Thấy con gái ăn một loáng là đã hết bát xôi, mẹ Phượng nói đùa:
- Anh xem, con nó ăn giống con nhà chết đói không kìa!
Bố Phượng cười:
- Chưa chết, nhưng đói là cái chắc! Vật giá cứ leo thang mãi như thế này, mai mốt so không có xôi mà ăn nữa đó.
Phượng thắc mắc:-
- Nhà mình hai lương mà còn nghèo thế này, những gia đình lính và những người Thượng làm sao họ sống, bố mẹ nhỉ?
Bố Phượng thở dài:
- Thì bữa đói bữa no chứ còn làm sao nữa. À, hôm qua con lại vào làng Thượng phải không? Bố đã bảo đừng đi một mình mà, nguy hiểm lắm!
- Con ghé có một chút thôi, nhưng sau đó con gặp một người bị thương bên bờ suối. Con và bác tài chở ông ta vào bệnh xá nên về hơi trễ.
Mẹ Phượng lắc đầu, chép miệng:
- Tội nghiệp! Ông ta bị thương có nặng không con?
- Nặng lắm mẹ ạ. Máu ra nhiều lắm, không biết có sống được không?
Sau khi ăn điểm tâm, Phượng chào bố mẹ, rồi ra xe Jeep, bảo bác tài chở nàng lên bệnh xá.
Vừa gặp Bác sĩ trực, nàng đã hấp tấp hỏi:
- Người quân nhân bị thương tối hôm qua tỉnh lại chưa hả Bác sĩ?
- Tỉnh rồi, nhưng còn yếu lắm, đang truyền thêm máu.

Phượng reo lên:
- May quá, thế là chúng ta cứu được ông ấy rồi. Đêm qua, tôi lo quá, không thể nào ngủ được!
- Gặp bệnh nhân nào cô cũng lo như thế thì chẳng mấy lúc cô cũng thành bệnh nhân, cô Phượng ạ.
- Bác sĩ yên tâm, tôi không ốm được đâu. Vì nếu tôi ốm thì ai săn sóc bệnh nhân đây?
- Muốn vậy, cô phải lo giữ gìn sức khỏe và nhất là đừng lang thang vào buôn Thượng một mình, nhỡ gặp Việt Cộng thì phiền lắm đấy.

Từ giã vị Bác sĩ, Phượng đi thẳng tới giường của người quân nhân bị thương tối hôm qua. Nàng chăm chú nhìn người đàn ông đang nằm thiêm thiếp dưới tấm chăn màu trắng đã ngả màu ngà. Khuôn mặt ông ta hơi vuông, nước da ngăm ngăm, đôi lông mày rậm và cái miệng rộng với đôi môi tái nhợt. Bịch máu được treo lủng lẳng trên một cây sắt dựng đứng phía cạnh đầu giường. Những giọt máu đỏ tươi của một người nào đó đang chậm chạp rơi xuống cái ống thủy tinh nhỏ bằng ngón tay út, chạy qua sợi dây nhựa nhỏ xíu, truyền vào mạch máu nơi mu bàn tay đen xạm.

Người đàn ông bỗng cựa mình rồi mở lớn đôi mắt nhìn Phượng. Đôi mắt mệt mỏi nhưng vẫn toát ra vẻ thông minh lanh lợi. Phượng bối rối, chớp chớp đôi mắt mơ màng. Nàng chưa kịp nói gì thì người đàn ông đã cất tiếng hỏi rất nhỏ:
- Tôi đang ở đâu đây, thưa cô?
- Ông đang ở quân y viện, hôm qua tôi gặp ông nằm mê man bên bờ suối, gần buôn Thượng nên tôi đem ông về đây.
Người đàn ông nhíu mày như cố nhớ lại những chuyện đã xảy ra rồi nói:
-Cảm ơn cô. Thế là tôi đã mang ơn cứu mạng của cô rồi. Tôi bị thương có nặng lắm không hả cô?
-Ông yên tâm, tĩnh dưỡng vài ngày là khỏi. À, ông có muốn báo tin cho gia đình không
- Không cô ạ, mẹ tôi ở xa lắm! Vả lại, tôi cũng không muốn cho mẹ tôi biết để mẹ tôi khỏi phải lo lắng.

Nhắc tới mẹ, giọng người đàn ông tràn đầy xúc động. Phượng nhìn bệnh nhân một lần nữa rồi nói sau khi biết tên ông ta trong hồ sơ:
- Chào ông Minh nhé, lát nữa tôi sẽ trở lại. Từ hôm nay, tôi sẽ là y tá của ông trong thời gian ông điều trị tại đây.

Khi bình phục, Minh cảm ơn cứu mạng và sự săn sóc của Phượng bằng một bữa cơm thịnh soạn ở hiệu ăn Diệp Kính. Hiệu ăn tọa lạc ở ngay góc đường Lê Lợi và Hoàng Diệu, khu thương mại đông đúc của thị xã Pleiku, nhất là vào những buổi chiều khi lính Mỹ tủa ra từ những căn cứ quanh vùng. Sau đó, hai người đi nghe nhạc ở quán Mimosa. Phượng e ấp bên Minh, lòng rộn lên một niềm vui nhè nhẹ. Trong căn phòng ánh đèn mờ ảo, tiếng đàn, tiếng hát dìu dặt:”Phố núi cao, phố núi đầy sương…” Phượng như quên hẳn là nàng đang sống trong một vùng chiến tranh sôi động, và người đàn ông ngồi bên nàng không phải mới gặp mà đã thân quen từ muôn kiếp trước.

Đêm hôm ấy, Phượng lại trằn trọc không thể ngủ được. Lần này, không phải vì nàng lo sợ cho sự sống của người quân nhân bị thương bên bờ suối mà vì nụ hôn nồng nàn của Minh khi chia tay, vì đôi mắt to, đen, thông minh lanh lợi.
Thế rồi một mối tình đẹp như mơ, trong như giòng suối nảy nở giữa Minh và Phượng. Tình yêu của họ bị chiến tranh, súng đạn vây quanh, rình rập. Do đó, họ tận hưởng từng giây, từng phút, khi có nhau.

Có những buổi chiều, hai người ngồi bên nhau trên đồi vắng, lắng nghe gió thổi xào xạc qua rừng cây. Ngắm những đám mây trắng như bông lang thang trên bầu trời xanh bao la, rồi tan biến đi không còn một dấu vết. Có những đêm rằm, hai người trải chiếu ra phía sau nhà, ngắm trăng sao, kể cho nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống. Có những buổi sáng, hai người vội vã đi tìm nhau để biết rõ người mình yêu còn sống sót sau trận giao tranh đêm hôm trước. Hai người cũng thường vào các buôn Thượng, phát thuốc men, thực phẩm hoặc bất cứ thứ gì mà họ xin được từ các hội từ thiện và các căn cứ Mỹ trong vùng. Minh làm những công việc này với lòng hăng say và một tình thương vô bờ bến. Chàng thường xiết mạnh tay người yêu mỗi khi nhìn thấy những người Thượng làm ruộng, làm rãy với những dụng cụ thô sơ:
- Em trông kìa! Trong lúc người ta lên mặt trăng thì người dân nước mình sống như thời tiền sử!
- Vậy mà em thấy họ hồn nhiên và hạnh phúc.
- Đúng vậy em ạ.Họ hạnh phúc vì họ không biết là họ khổ. Tuy nhiên, những người văn minh đã đem súng đạn tới, cướp đi cái hồn nhiên và hạnh phúc đơn sơ của họ đi nhiều rồi đấy!
Phượng và Minh cũng thường cùng nhau thơ thẩn dạo chơi bên bờ suối, nơi mà họ đã gặp gỡ. Khi yêu nhau, hình như người ta trẻ lại và làm những điều lẩm cẩm.

Trước kia, mỗi khi thấy các bạn khắc tên người yêu lồng vào nhau và vẽ những trái tim với mũi tên đỏ thắm thì Minh đã cười ngất và nói : “Cải lương quá!”. Nhưng từ ngày yêu Phượng Minh lại thích những trò chơi này. Tên của hai người cũng được khắc vào những thân cây gần đó. Con suối cũng được họ đặt cho một cái tên rất là thơ mộng:” Suối Tương Tư “ và hẹn rằng sẽ đến đây mỗi khi nhớ nhau. Hai bản nhạc Suối Mơ của Văn Cao và Còn một Chút Gì để nhớ của Phạm Duy và Vũ Hữu định cũng đã như là của riêng Minh và Phượng. Không lần gặp gỡ nào mà hai người không nghêu ngao hát hai bản nhạc này. Minh cũng thường ngắt những nhánh hoa dại màu vàng bên đường, cài lên tóc người yêu:

- Có ai thích hoa dại bao giờ? Thế là anh được độc quyền, phải không em?
Càng gần Minh, Phượng càng yêu thương chàng. Vòng tay của chàng, như muốn ôm cả thế giới vào lòng.Tình yêu của họ cũng được bố mẹ Phượng tán thành .Ông bà thường khuyên hai người nên tiến tới hôn nhân. Nhưng cả Minh và Phượng cùng dè dặt vì từ trong đáy thẳm của tâm hồn, họ biết cuộc tình của họ mong manh như sương, như khói, như những đám mây trong bầu trời vần vũ...
Chiến tranh chiến vẫn tàn phá núi rừng. Bom đạn vẫn cướp đi những mạng sống hàng ngày, hàng giờ. Những người lính Mỹ xa quê hương, những cô gái bán bar đến từ những làng mạc đã bị tan hoang, yêu cuồng, sống vội. Những trẻ mồ côi lang thang khắp nơi, khắp chốn…

Tình hình chiến sự ngày càng gay go, tinh thần Minh càng suy sụp. Nhất là khi Minh biết gia đình Phượng sẽ đổi về Saigon mà chàng lại phải đi hành quân luôn. Thời gian gặp nhau càng ít ỏi, tình yêu của họ càng đắm say, mạnh mẽ. Nhưng Minh vẫn không muốn hai người thành hôn mặc dầu bố mẹ Phượng thúc dục nhiều lần. chàng thấy mình ích kỷ nếu chàng cưới Phượng. Chàng mong rằng khi theo cha mẹ về Saigon, Phượng sẽ gặp được người chồng đem lại cho nàng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc.

Vì thương con, vì quý mến Minh, bố Phượng đã âm thầm vận động với bạn bè để Minh cũng được thuyên chuyển về Saigon.
Minh mừng rỡ đi tìm Phượng để báo tin là chàng cũng được đổi về Saigon và bàn với Phượng là khi về Saigon hai người sẽ lo chuẩn bị đám cưới.

Ngày cuối cùng Phượng ở tại Pleiku, nàng đã được dự một bữa tiệc vô cùng cảm động do “ Tù Trưởng Muốn” khoản đãi. Khi Minh và Phượng đến nơi thì dân làng đã tề tựu khá đông tại ngôi trường vách gỗ, mái tôn mà đơn vị của bố Phượng đã giúp cất lên từ năm ngoái. “Tù Trưởng Muốn “ chạy ra tận nơi đón tiếp và mời hai người uống rượu Cần khai mạc, trong lúc một số người đánh trống, đánh chiêng hát hò inh ỏi. Phượng nói thầm bên tai Minh:
- Em không biết uống rượu, làm sao bây giờ?
- Em đừng lo! Họ mời anh và em uống chung một lúc. Em cứ giả vờ ngậm cái cần, để anh uống hết cho.
Phượng yên tâm, cùng người yêu đến bên lu rượu.
Minh giải thích:
- Họ quý mình lắm nên mới mời mình uống trước tiên đấy! Trong lu rượu, họ để một cây ngang làm dầu, mình phải uống tới mức đó mới được thôi.
- Uống nhiều thế, anh say thì làm sao?
- Bên em, lúc nào anh chẳng say!
Minh và Phượng châu đầu vào nhau, mỗi người ngậm đầu một cái cần cong cong còn đầu kia đã được thả vào lu rượu. Men rượu và đôi mắt mơ màng của Phượng khiến Minh nóng bừng cả mặt. Phượng cũng nhấp thử một ngụm rồi nàng tiếp tục ngậm cây cần cho tới khi Minh uống đến mức quy định mới thôi. Mọi người vỗ tay reo hò ầm ĩ. “Tù Trưởng Muốn “ đến bên hai người, cười ha hả, khen:
- Giỏi lắm!

Sau đó, “ Tù Trưởng Muốn “ và những người lớn tuổi lần lượt uống rượu. Rồi tất cả mọi người được chia phần ăn gồm thịt bê thui, cơm thổi trong ống nứa và một loại mắm làm bằng thịt heo. Bố của Phượng không tới dự. Nhưng ông cũng đã cho người mang tới mấy thùng Coca nên dân làng được một bữa no nê và vui vẻ.
Trước khi rời buôn Thượng, “ Tù Trưởng Muốn” đại diện dân làng, tặng cho phượng một cái ná bằng gỗ nâu đậm và bóng láng cùng một khúc vải dệt bằng tay màu đen có những sọc ngang sặc sỡ. Phượng rơm rớm nước mắt, dơ tay vẫy vẫy, chào từ biệt mọi người rồi lặng lẽ đi bên Minh trên những con đường đất đỏ, bụi mù...

Nắng chiều đã lịm tắt. Màn đêm buông xuống vùng rừng núi tịch mịch hoang liêu. Mãi tới khi băng ngang qua khu rừng để đến bên bờ suối, Phượng mới cất tiếng thì thầm:
-Ngày gặp anh , lúc đi qua đây em sợ lắm, hôm ấy em ôm một quả mít thật to cũng do "tù trưởng muốn" tặng.
Minh choàng tay ôm người yêu:
- Gía như hôm ấy em không cứu anh thì hồn anh bây giờ đã ở đâu rồi em nhỉ?
Phượng cười khúc khích:
- Và như vậy thì em ế chồng rồi, phải không?
- Bây giờ thì em yên tâm chưa? Em về SàiGòn trước, tháng sau anh về, chúng mình sẽ bàn chuyện đám cưới nghe.
- Thế là chúng mình chỉ còn được gần nhau tối nay nữa thôi.
Minh ngây ngất ngắm người yêu:
- Ừ thời gian mình còn lại với nhau ngắn ngủi quá em nhỉ.
Dứt lời, chàng ôm chầm lấy Phượng mà hôn như mưa lên mắt, lên trán, lên môi nàng. Lúc này bóng tối đã bao trùm vạn vật. Chiếc đèn pin Minh đang cầm nơi tay rơi xuống đất, soi sáng một vạt cỏ hiếm hoi trên vùng đất khô cằn. Mùi hương tóc của Phượng hòa với hương cỏ thơm nhè nhẹ tỏa khắp không gian.Tiếng gió thì thầm. Con"suối tương tư " róc rách reo vui như chúc tụng, ngợi ca một mối tình nồng thắm.

Sáng hôm sau, Phượng cùng bố mẹ lên máy bay về Sài Gòn. Tạm biệt mà như vĩnh biệt, Minh và Phượng cùng bịn rịn mãi, chẳng muốn rời xa. Qua ô cửa kính của máy bay, qua màn nước mắt, Phượng thấy Minh đứng cô đơn ngước nhìn nàng, dơ tay vẫy vẫy. Rồi chiếc máy bay bay vút lên không trung, bỏ lại vùng đồi núi Pleiku , đất đỏ sương mù. Bỏ lại con "suối tương tư" nước chảy trong veo. Bỏ lại Minh với những dự tính của một đám cưới không bao giờ được cử hành. Vì một tháng Minh ở lại Pleiku, tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để cho súng đạn cướp đi mạng sống của chàng giữa lúc Phượng đang hân hoan chờ đợi ngày Vu Qui.

Sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, Phượng theo làn sóng người tị nạn, đặt chân tới Mỹ. Những mất mát của tuổi trẻ đã làm cho tâm hồn nàng héo úa, tàn tạ như lá mùa thu. Nàng sống lặng lẽ trong một căn nhà nhỏ ở WASHINHTON DC. Thỉnh thoảng nàng viếng thăm bức tường đá lạnh lẽo, ghi chi chít tên những người MỸ đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam để thả hồn về dĩ vãng xa xưa với hình ảnh Minh và những tháng ngày hạnh phúc bên nhau.Và lần nào tới đây, nàng cũng đặt một cánh hoa dại mầu vàng xuống sàn xi măng, trước khoảng tường có một tên bắt đầu bằng vần M:"Hoa của riêng Minh đấy" Có ai thích hoa dại bao giờ? Thế là Minh được độc quyền nhé.

Lê Thị Nhị

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Hoa Tường

 

Trót thân liễu ngõ hoa tường
Lòng bền tâm niệm kỷ cương vững vàng
Hỡi người quân tử dọc ngang
Có thương phận mỏng thẳng đàng mà đi


Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Thu

 

Cam, đỏ, vàng khoe sắc
Mùa chuyển mình sang thu
Đẹp ơi là khoảnh khắc
Gió vờn lá chu du!

Mây trắng, lam nhàn nhạt,
Nắng nhè nhẹ hanh hanh,
Bầy chim xanh vui hát
Trêu sóc nâu chuyền cành.

Mỗi ngày chạy thể dục
Càng thấy yêu thiên nhiên!
Ngắm người người hạnh phúc
Rong chơi như hành thiền.

Bức tranh thu thật tuyệt!
Lá rơi rơi vàng đường
Thương một người xứ Việt
Nhìn thu nhớ quê hương!

Chu kỳ sinh, trụ, diệt
Thể hiện rõ Sắc, Không
Em ra đi biền biệt
Ngày về cội, ai trông?

Ý Nga
20.10.2017


Nỗi Niềm Quê Choa!

 

Anh Em như thể khoai mì
Đã ghim chồi xuống khó gì mọc lên!
Hai ta như sứa thân mềm
Khiến tô mì Quảng ngon thêm vạn lần
Cẩm Hà lân cận rất thân
Có khi nào thử một lần ra chơi
Mời Em một bát đầy vơi
Tấm tình trong vắt sáng ngời đó nhe
Quê ơi quá đỗi ê chề
Sau cơn chinh chiến bộn bề gian nan
Miếng cơm manh áo vạn đàng
Chưa theo được chút giàu sang với người
Vậy mà vá víu cơ ngơi
Cũng đành gói ghém với đời tiếng thơm
Dân Ngũ Phụng tóc chơm bơm
Quan Tề Phi ấy hờm hờm lợi danh
Quê nghèo bưng chén cơm thanh
Cớ sao lại phải đua ganh với đời!
Thưa cùng Em chút ít lời
Gọi là tâm sự cho vơi nỗi lòng!

Thiên Phương
(April, 2009)
( Ghi chú: Quê choa: Quê cha (tiếng địa phương)
- Cẩm Hà: một miền đất nổi danh với món Mì Quảng .
- Ngũ Phụng: Năm con chim phụng ( ý chỉ năm ông Tiến Sĩ đất Quảng) 
- Tề phi: chầu hầu tấm liễng Vua ban .
- Chén cơm thanh: chén cơm độn khoai bảy tám phần)

Khúc Tình Thu

  

Thu khoe dáng sắc màu óng ã
Một trời thơ mơ mộng kiêu sa
Sắc vàng nâu tô thắm mượt mà
Khúc tình sử ngập đường rãi lá....

Hàng ghế đá công viên hoang vắng
Để lá vàng lã chã lìa cành
Hồ soi mình bóng nước trong xanh
Ôm nỗi nhớ một thời dĩ vãng.........!

Bầu trời xanh vầng mây lãng đãng
Trôi về đâu ....bóng ngã sương chiều
Rừng thu vàng phủ bóng cô liêu
Vang tiếng hú lạc loài lẻ bạn......!

Suối róc rách ....dăm đường lá đổ
Gió heo may nỗi nhớ mênh mông
Con đường làng... nhớ cả dòng sông
Nhớ tiếng hát Mẹ ru con ngủ........!

Ngư Sĩ


Nhạc Sĩ Nguyễn Hữu Tân Qua Đời Được Một Năm


Mới đây mà đã một năm qua rồi. Năm ngoái, N đang đi chơi vùng miền Đông Hoa Kỳ, đang ở Delaware, ngủ ở nhà cô bạn; quá nửa khuya thì N nhận được email của chị Thúy Nga cho biết anh Tân đã qua đời (chị Thúy Nga là ca sĩ tài tử, thường hát nhạc của anh Tân).

Vẫn biết ai rồi cũng phải ra đi, không qua khỏi vô thường; tất cả chúng ta ai ai rồi cũng sẽ phải trãi qua
đoạn đường này, nhưng N vẫn thấy buồn ghê lắm! N may mắn được gặp anh một lần khi anh có dịp
xuống quận Cam để lên Tivi trong chương trình nhạc về lính do hai ca sĩ Trang Thanh Lan, Phương Hồng
Quế phụ trách. Cùng đi với anh có thi sĩ Trạch Gầm (con trai của bà Tùng Long).
N có mời một số thân hữu đến chơi. Nhạc sĩ Ngô Quốc Báo, Dương Quang đệm đàn cho buổi party văn nghệ ngày hôm đó (rất tiếc N đã không quay video để làm kỷ niệm)

Bản nhạc đầu tiên anh Tân viết cho thơ của N là bài “Tình yêu nào chẳng đẫm đầy nước mắt”
Tình Yêu Nào Chẳng Đẫm Đầy Nước Mắt
Trình bày: Thùy Dương


Anh Tân viết nhạc quá dễ dàng! Hầu hết những bài thơ của N gửi vào diễn đàn, anh Tân đều có cảm hứng
để viết nhạc. Có bài chỉ vài tiếng, có bài thì một ngày sau, đa số thì 2, 3 ngày. Thơ N làm nhiều quá, anh Tân có để dành lại và thỉnh thoảng mang những bài thơ cũ của N ra để viết thành ca khúc.

N làm thơ đã nhanh mà anh Tân viết nhạc còn ...nhanh hơn nữa, nhanh như chớp, hihi.
Hai chúng tôi “sản xuất” thơ nhạc ào ào, “cho ra lò” không biết bao nhiêu là bản nhạc, vui lắm cơ.
Anh Tân viết hơn một trăm bản nhạc phổ từ thơ của N, chính xác là 116 bài.
Nhiều thi sĩ trên các diễn đàn được anh Tân viết nhạc cho thơ của họ nên các thi sĩ đều rất quý mến, rất cảm kích anh!

Anh Tân viết nhạc, làm thơ, đàn, hát. Nhạc sĩ có nhiều tài lắm nhưng anh luôn khiêm nhượng, là một nghệ sĩ có tính tình
nghệ sĩ thứ thiệt (không hề tính toán, bon chen, cố chấp; xem tất cả mọi việc đều rất nhẹ nhàng). Anh hiền lành, chẳng
bao giờ có chuyện rắc rối gì với bất kỳ ai. Anh luôn dễ chịu, hòa nhã, vui vẻ với tất cả mọi người; luôn viết comments cho những bài thơ, những bài nhạc phổ từ thơ của N để khuyến khích, khích lệ tinh thần N.
N rất nể phục nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, cho rằng anh mới thật sự là người lãng mạn, lãng mạn hơn những người ...haylãng mạn vớ vẩn (như là N đây nè) 

Năm ngoái, sau khi anh Tân qua đời vài ngày; N có làm bài thơ “Vĩnh Biệt nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân” để tưởng nhớ anh

Vĩnh Biệt nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân
Gửi điện thư không thấy trả lời
Một tuần sau nghe tin anh qua đời
Bất ngờ quá, đâu ngờ anh mất?
Em buồn lắm, buồn miên mang chất ngất!

Hơn hai trăm bài thơ em phổ nhạc
Một nửa là của Nguyễn Hữu Tân
Anh: thi, nhạc sĩ tài ba ân cần
Người hiền hòa ai cũng muốn gần thân

Là nghệ sĩ, tính tình anh nghệ sĩ
Nghệ sĩ mà nên lãng mạn ra gì
Không lãng mạn chẳng thể nào viết nhạc
Không lãng mạn làm sao viết tình thơ?

*Ý tưởng đến...vội vào computer
Gỏ lóc cóc em làm thơ con cóc
Thơ con cóc nhưng có anh thích đọc
Anh đọc rồi còn viết nhạc cho thơ

Anh Tân giỏi, viết nhạc nhanh như chớp
Em làm thơ cũng nhanh nên mình hợp
Thơ tàm tạm được phổ nhạc nên vui
Không còn anh, thơ em lạc lỏng rùi!

Anh viết nhạc, anh hát nháp gửi em
Tim óc anh gửi vào trong bản nhạc
Có nhiều lúc anh hát đi hát lại
Anh miệt mài, tha thiết với nhạc thơ

Bài thơ này không còn anh để đọc
Em mất đi bạn văn nghê, tri âm
Những tưởng rằng em sẽ không thể khóc
Có ngờ đâu nước mắt rơi âm thầm!

Một người anh mà em hằng quý mến
Cảm thấy mình mất mát, tiếc thương anh!
Anh ra đi nhiều thi nhân thương tiếc
Và em đây cũng tưởng tiếc vô cùng!

Vừa làm thơ vừa nhạt nhòe nước mắt
Mất ông anh, em đây buồn se sắt
Mong anh Tân an nghĩ cõi vĩnh hằng
Vĩnh biệt anh, thi nhạc sĩ hiền lành!

Nguyễn Hữu Tân có tài nhưng khiêm nhượng
Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ thân thương!

Quách Như Nguyệt
October 11th, 2023
--------------------

N có nhờ nam nghệ sĩ Hoàng Hoa ngâm một bài thơ của anh Tân để tặng anh

Từ Bài Thơ Em Viết

Có nhiều bản nhạc anh Tân viết cho thơ của N mà N thấy hay. Mời các anh chị, các bạn nghe vài bài nhé.
*Giỗ đầu anh Tân, N viết... vì ngày hôm nay, N thấy tiếc nhớ anh.
Nguyện cầu, cầu mong nhạc sĩ, thi sĩ Nguyễn Hữu Tân hạnh phúc, an vui mãi mãi nơi cõi bình an

Mai Em Lấy Chồng
Trình bầy: Hà Huệ Mẫn

Anh Gửi Tặng Em Trái Tim Mòn Mỏi
Trình bầy: Cao Huy Thế

Lướt Thướt Cứ Mưa Hòai
Ca sĩ: Tâm Thư

Đổi thay
Trình bầy: Thúy Nga

Buổi Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật - Sự Trong Sáng Tiếng Việt

 

Thưa Qúy Anh Chị

Xin gởi đến các anh chị bài tường thuật về buổi sinh hoạt nhệ thuật vừa qua ở Paris của nhà thơ Nguyễn Mây Thu. Nhờ các anh chị phổ biến giúp. Xin cảm ơn. Ngay sau buổi sinh hoạt tôi nhận được đuợc bản vidéo của nhạc sĩ Đình Đại, quay trực tiếp phần II Tác Phẩm và Tác giả phổ biến trên youtube Mạn Đàm Paris. Cũng thời gian đó tôi nhận được bài viết Bản Tin của BS Lê Thị Khánh Vân đăng trong Nội San Y SĨ. Riêng KS Trần Đình Quốc đã quay phim làm tài liệu lưu trữ, và sẽ tuyển ra những đoạn thước phim để làm youtube sau này. Xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Đức Tăng và Trần Đình Quốc đã chụp nhiều photo kỷ niệm gởi cho các bạn.
Chúc các Anh Chị nhiều sức khỏe.

thân mến
Đỗ Bình
 

SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

SỰ TRONG SÁNG TIẾNG VIỆT


Chủ nhật ngày 29-09-2024, một buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật (VHNT) với chủ đề: Sự Trong Sáng của Tiếng Việt, do Nhóm Văn Nghệ Sĩ Paris tổ chức, tại nhà hàng Brasserie de Saigon, số 97 avenue du Maine, Paris quận 14. Khách tham dự là những nhân sĩ đại diện các hội đoàn: Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Pháp, Hội Y Sĩ Tự Do tại Pháp, Hội Dược Sĩ, Hội Văn Hóa Thuần Việt, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, và những khuôn mặt trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Paris. Ngoài ra còn có một số người ở thật xa như Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, nhà văn Trần Ngọc Ánh đến từ Nam Cali, nhà báo Hoài Thanh đến từ Virginia, nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, nhà thơ Nguyễn Mây Thu đến từ Montpellier. Thành phần Ban tổ chức: Nhà thơ Đỗ Bình, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, BS Nguyễn Bá Linh, Luật gia Đoàn Trần Thiều, KS Lê Minh Triết, MC Nguyễn Quang Huy, Nhạc sĩ Trần Tấn Long, Nhạc sĩ Bùi Đình Đại, Chuyên viên âm thanh Vũ Thành, Nhạc sĩ Nguyễn Duy Thiện, KS Trần Đình Quốc, GS Nguyễn Minh Cầm, Nha sĩ Thẩm Thái Hà, Ca sĩ Thu Sương, Giáo viên Vũ Thúy Hằng, Nghệ sĩ Thái Văn, Nghệ sĩ Trần Huệ.


Mở đầu chương trình là Nghi Lễ Quốc Kỳ và một phút Mặc Niệm do KS Lê Minh Triết Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Pháp và nhóm văn nghệ sĩ Paris đảm trách.


Mở đầu phần văn học nghệ thuật, trưởng ban tổ chức nhà văn, nhà thơ Đỗ Bình đã nói mục đích và ý nghĩa của buổi sinh hoạt chủ đề về «Sự trong sáng của tiếng Việt», nhà thơ Đỗ Bình đã phát biểu:


"Tiếng nói là linh hồn của một dân tộc. Ở thế kỷ trước Học giả Phạm Quỳnh đã nói «Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn…". Trước năm 1954 chúng ta đã có một ngôn ngữ thanh lịch, một phong cách tao nhã, văn chương đãi lọc mà điển hình là những tiểu thuyết của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Sau năm 1954 ở miền Nam ngôn ngữ trở nên phong phú, sự trong sáng của tiếng Việt được gìn giữ cho đến tháng tư năm 1975 thì bị tha hóa! Tiếng Việt hôm nay không còn như xưa. Phải chăng do sự du nhập quá nhiều nền văn hóa trong thời kỳ đất nước mở cửa mà chưa kịp chuẩn bị ứng phó với chất đa dạng đó, nên câu nói hàng ngày bị pha trộn thành một ngôn ngữ Tây Tàu Mỹ Nhật nghe rất lạ?! 
Thưa quý Anh Chị
Trong mỗi chúng ta khi rời xa quê hương đều mang trong tim một tâm hồn Việt. Có người đến Pháp trên dưới 60 năm, quả là một chặng đường dài của đời người, nhưng vẫn không quên Tiếng mẹ. Đặc biệt có những em sau năm 1975 khi qua đây còn rất bé, ngôn ngữ hàng ngày là tiếng bản xứ để đi học, và đã đỗ đạt, học vị cao, nhưng vẫn nói thông, viết thạo, không những thế còn trở thành nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ để lưu truyền văn hóa Việt trên xứ người.
Các vị là những khuôn mặt trí thức tiêu biểu trong cộng đồng người Việt ở Paris. Hôm nay chúng ta đến mục đích để đóng góp, trao đổi về Sự Trong Sáng của Tiếng Việt, mà không mang tính tranh luận, và cũng không đi tìm cái đúng sai trong những câu nói. Chúng ta chỉ góp ý và thưởng thức những tác phẩm của những văn nghệ sĩ tiếp nối qua những sáng tác, và đang gìn giữ bản sắc Việt ở xứ người.
Xin chân thành cảm ơn các anh chị đã lắng nghe."

Tiếp theo MC Nguyễn Quang Huy và Thẩm Thái Hà lần lượt mời những văn nghệ sĩ ở xa  phát biểu:
Nhà văn, giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở Cali: Trước năm 1975 là GS Hán Nôm trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, và sau năm 1975 giảng dạy ở Đại học Hoa Kỳ. Ông là một trong những nhà nghiên cứu Hán Nôm còn sống ở hải ngoại. Ông được vinh danh trong bộ sách Những Khuôn Mặt văn Hóa VN Hải Ngoại. Ngoài ra ông còn là tác giả nhiều tác phẩm văn chương, tiểu thuyết, truyện dài…
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phát biểu: 

"Thật là hân hạnh cho tôi có mặt hôm nay ở đây và phát biểu đầu tiên sau lời của anh Đỗ Bình, chúng tôi rất là ngạc nhiên và hãnh diện khi thấy rằng chúng ta ở xứ người còn có những buổi sinh hoạt VHNT như thế này, đưa ra những vấn đề này nọ để cho những thế hệ sau họ biết là chúng ta ưu tư về những vấn đề gì. Hai năm trước chúng tôi qua, tình cờ gặp bửa tuyên danh những nhà văn, nhà thơ ở hải ngoại, đó là một vinh dự. Kỳ này chúng tôi qua, ngẫu nhiên đều có mặt trong buổi này, đặt vấn đề về sự trong sáng của tiếng Việt, chuyện đó rất là dài, rất nhiêu khê và có thể là thảo luận, chúng ta không có đặt vấn đề, đưa ra những nguyên tắc gì. Xin cảm ơn ban tổ chức. Nói về tiếng Việt trong sáng là viết làm sao cho dễ hiểu, chứ không phải là viết như các ông ở bên nước nhà, viết một quyết nghị gì đó, viết một câu rất dài không có chấm câu gì hết. Viết làm sao cho dễ hiểu, không có lộn từ chỗ này sang chỗ khác." 

Người phát biểu kế tiếp là Nhà báo Hoài Thanh, trước năm 1975 ông là một nhà báo chuyên nghiệp. Sau năm 1975, ông tiếp tục viết báo từng cộng tác với những tờ báo Việt ngữ ở Hoa Kỳ. Ông còn là cựu chủ nhiệm tuần báo Đại Chúng, một tờ báo được nhiều văn sĩ, học giả, giáo sư nổi tiếng ở Paris và khắp nơi cộng tác. Ông được vinh danh trong quyển «NKMVHVNHN». Nhận thấy bộ sách rất có giá trị, ông tự nguyện bỏ tiền ra in lại và có bổ túc thêm của nhiều tác giả. Bây giờ quyển sách gồm 1500 trang, sách được in để gửi tặng cho các tác giả được vinh danh ở Mỹ và Canada. Ông phát biểu:
"Thưa quý Ông Bà Nhân sĩ, quý Anh Chị Em Văn Nghệ Sĩ.

Thật là vinh dự cho tôi từ miền Virginia xa xôi đến Paris, thủ đô của ánh sáng, của Nhân quyền, nơi có một nền văn minh văn hóa lâu đời để được nghe quý vị trao đổi về đề tài: Sự Trong Sáng Tiếng Việt. Hơn hai mươi lăm năm trước chúng tôi được hân hạnh biết những giáo sư, học giả, văn nghệ sĩ Paris như GS Lê Mộng Nguyên, GS Nguyễn văn Ái, GS Phạm Thị Nhung, BS Nguyễn Bá Hậu, BS Nguyễn Văn Bá, Học giả TS Thái Văn Kiểm, nhà văn Bình Huyên, nhà văn Đỗ Bình, nhà văn Nguyễn Thùy, nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, nhạc sĩ Anh Việt Thanh… Vì ngưỡng mộ họ nên chúng tôi đã dành nhiều số báo đặc biệt của Đại Chúng viết về họ, cũng như những sinh hoạt văn học nghệ thuật Paris. Hôm nay dù tuổi đời đã cao, sức khỏe kém, nhưng nhận được Thư Mời của nhà văn Đỗ Bình tôi đã nhận lời tham dự, mong được gặp quý Ông Bà và Các Anh Chị Em Văn Nghệ Sĩ mà tôi được nghe danh nhưng chưa có hân hạnh diện kiến. Xin chân thành cảm ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi cơ hội được thổ lộ tâm tình. Mấy lời bọc bạch, nếu có điều gì sơ suất mong các quý vị niệm tình lượng thứ. Kính chào."

Nhà nghiên cứu, biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh ở Montpellier: Trước năm 1975 ông là nghiệm chế viên ở Đại học Khoa học Sài gòn. Sau năm 1975 ông là cây bút biên khảo về văn học sử trong nhiều tạp chí văn học nổi tiếng ở hải ngoại. Ông được vinh danh trong bộ sách Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN hải Ngoại. Ông phát biểu:

"Thật là một hân hạnh cho Thanh được tham dự buổi hội thảo hôm nay, được gặp lại những người bạn cũ và quen biết thêm những người bạn mới. Bảy tám năm về trước khi Thanh còn ở trong vùng ngoại ô Paris hầu như không có một buổi hội thảo, sinh hoạt nào của Câu Lạc Bộ Văn Hóa tổ chức mà Thanh bỏ qua, nó bổ ích cho cá nhân Thanh được học hỏi ở CLBVH Paris rất nhiều, chỉ rất tiếc là khi dọn nhà về tỉnh một phần vì bận việc, đôi khi vì lý do sức khỏe nên không được cơ hội trở lại Paris để gặp gỡ những người thân quen cũ và tham dự các buổi sinh hoạt. Mong rằng trong tương lai Thanh sẽ có cơ hội để trở lại tham dự nếu có tổ chức. Trước khi dứt lời xin kính chúc sức khỏe các bác, các anh chị và nhiều may mắn thành công tốt đẹp trong đời."

Nhà thơ Nguyễn Mây Thu, sáng tác văn thơ trước 1975, có thơ và truyện ngắn đăng trên một số báo của Saigon thuở ấy. Sau 1975, bà cộng tác với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại. Hiện đang là đại diện cho tập san văn học nghệ thuật Cỏ Thơm nơi vùng Virginia. Thơ văn của bà được in trong nhiều sách, tuyển tập thi văn ở hải ngoại. Bà cũng có đôi lời ngõ:

"Mây Thu rất hân hạnh được dịp tham dự buổi sinh hoạt VHNT hôm nay, được dịp hội ngộ cùng quý bác, quý anh chị mà từ nhiều năm qua vì ở xa Paris nên không thể đến được. Hôm nay Mây Thu cũng có may mắn được gặp gỡ quen biết những người bạn mới, bạn trẻ tham dự trong Câu Lạc Bộ. Thật là một điều vui mừng hạnh phúc cho Mây Thu. Mong rằng trong tương lai Mây Thu sẽ có dịp được họp mặt thường xuyên hơn, đó là cơ hội để Mây Thu được học hỏi, trao đổi cùng quý bác, quý anh chị. Xin cảm ơn ban tổ chức, cảm ơn anh chị Đỗ Bình-Thúy Hằng đã khuyến khích Mây Thu tham dự buổi sinh hoạt hôm nay. Xin kính chúc quý bác, quý anh chị được nhiều sức khỏe, vạn sự an lành trong đời sống thường ngày."



Tiếp theo những lời phát biểu của các văn thi sĩ, ký giả ở xa, là phần minh họa cho Sự Trong Sáng Tiếng Việt được thể hiện trong Thi ca, Văn chương, Âm nhạc của thời tiền chiến, và nền văn học nghệ thuật trước năm 1975 ở miền Nam.


Mở đầu phần văn nghệ: Những sáng tác văn thơ tiêu biểu xưa và nay.

MC Thái Hà giới thiệu ca khúc mở đầu Tình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy nói về tình quê hương, với sự trình bày của Thu Sương.
Để thưởng thức lại áng văn xưa, MC Quang Huy mời Nhà biên khảo, họa sĩ Nguyễn Đức Tăng và Nha sĩ Thẩm Thái Hà lên đọc một bài văn, bài thơ tiêu biểu về sự trong sáng tiếng Việt ngày xưa. Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, 94 tuổi, diễn ngâm bài thơ Ông Đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên, một bài thơ nổi tiếng vào năm 1936 tiêu biểu cho dòng thơ Mới, khởi đầu cho sự thay đổi từ cấu trúc đến suy tưởng trong dòng thi ca Việt Nam.
MC Thái Hà đọc đoạn văn Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh, bài văn nổi tiếng của thập niên 30 của thế kỷ trước được đưa vào sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư cho học sinh học.
MC Thái Hà:

Mùa Thu Cho Em của Ngô Thụy Miên, Hòa tấu Piano : Nguyễn Duy Thiện, Violon : Vũ Công Minh, Guitare: Trần Tấn Long.

Áo Lụa Hà Đông, thơ Nguyên Sa, nhạc: Ngô Thụy Miên, trình bày: Trần Tấn Long.

Phần Tác phẩm và Tác giả hôm nay:

MC Quang Huy mời những tác giả và nghệ sĩ lên máy ghi âm để được giới thiệu vài nét về quá trình sinh hoạt văn học nghệ thuật. Sau đó MC Thẩm Thái Hà giới thiệu vài nét về tiểu sử Thi, văn, nhạc sĩ Đỗ Bình, và mời ông lên nói qua về sinh hoạt văn hóa ở Paris, và giới thiệu các văn nghệ sĩ Paris hôm nay. Nhà thơ Đỗ Bình:

"Ở Paris kể từ 1975 đến 2010, những sinh hoạt văn hóa, văn học nghệ thuật, đó là thời kỳ huy hoàng rực rỡ nhất, vì thời gian này còn rất nhiều người trong ban tổ chức, cũng như những người đi tham dự. Ngày đó có sự sinh hoạt của nhóm văn bút quốc tế, cùng với sinh hoạt của hội nhà thơ Ba Lê Thi Xã. Hai hội này quy tụ toàn là những khuôn mặt nổi tiếng của Việt Nam ở hải ngoại. Ngoài ra còn có một hội thứ ba nữa là Hội Nhạc Sĩ, quy tụ những người đã có tác phẩm, hoặc là mới nổi tiếng ở Việt Nam trước năm 1975, mới qua Pháp. Vì muốn mở rộng thành một sinh hoạt chung, chúng tôi kết hợp ba nhóm đó lại để thành một Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris. Họ là những giáo sư, bác sĩ, những nhà nghiên cứu, dịch giả, những nhà sáng tác. Vì tôi ở trong hội Văn bút, và hội Thơ Ba Lê Thi Xã, lại tham gia trong nhóm chủ trương của một số tạp chí thuần túy về mặt văn học, do đó mỗi lần Paris tổ chức văn học, chúng tôi đã mời được các văn nghệ sĩ ở khắp nơi về Paris tham dự.
Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hôm nay, tôi hân hạnh được các anh chị văn nghệ sĩ Paris mời để giới thiệu tác phẩm. Đây là những nghệ sĩ sáng tác rất đa tài, đã bước vào con đường văn nghệ từ thuở thiếu thời. Các văn nghệ sĩ có tác phẩm hôm nay đã sinh hoạt trong lãnh vực văn học nghệ thuật ở Paris trên dưới ba mươi năm, và đã thành danh. Trong số nghệ sĩ có người nhiều tuổi như BS Phạm Đăng Thiện, GS Vũ Công Minh, TS Phạm Trọng Chánh, Nhà thơ Nguyễn Mây Thu, Nhạc sĩ Cát Tưởng, còn lại là những văn nghệ sĩ trẻ, họ có học vị rất cao, sáng tác thơ văn và nhạc Việt rất đặc sắc. Điểm đặc biệt là mỗi người đều tìm được cho mình lối sáng tác riêng. Các anh chị cũng như các anh chị trẻ khác ở hải ngoại là thế hệ tiếp nối, đã đóng góp sáng tác trong việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa Việt ở hải ngoại.
Trong chủ đề hội luận chiều nay, những sáng tác của các văn nghệ sĩ Paris sẽ minh chứng qua tác phẩm về Sự Trong Sáng Tiếng Việt… Bây giờ tôi xin phép giới thiệu từng tác giả và tác phẩm: Nhà thơ, nhà biên khảo Nhất Uyên TS Phạm Trọng Chánh. Ca, nhạc sĩ Phạm Đăng BS Phạm Đăng Thiện. GS, họa sĩ, nhạc sĩ Vũ Công Minh. Nhà văn, nhạc sĩ Vũ Hạ. Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Mây Thu. Nhạc sĩ Cát Tưởng. Nhạc sĩ, KTS Mộng Trang. Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Dương Phương Linh. Ca, nhạc sĩ Đình Đại. Nhạc sĩ Trần Tấn Long. Nhạc sĩ, KS Lê Hoài Anh. Ca sĩ, KS Đỗ Siêu. Nhạc sĩ, nha sĩ Thẩm Thái Hà. Ca sĩ, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thu Sương. Nhà văn hóa, xã hội, ca sĩ Tuyết Dung. Nhà biên kịch, họa sĩ, nghệ sĩ Trúc Tiên.
Thế giới của nghệ thuật rất bao la, trong mỗi tâm hồn nghệ sĩ tôi vừa giới thiệu trên đều chất chứa những nguồn cảm hứng bất tận, đầy sáng tạo của văn, thơ, âm nhạc. Trong sáng tác họ đã khai phá những điều mới lạ làm phong phú thêm cho nghệ thuật, vì họ đã được hấp thụ và đào tạo từ nền văn hóa Tây Phương. Từ cách suy tưởng, văn phong trong thơ văn, đến ca từ, giai điệu trong âm nhạc đều không rập theo lối cũ, nhưng vẫn giữ được chất hồn Việt Nam, nên dẫn tâm hồn người thưởng thức vào một cõi riêng sâu thẳm đầy màu sắc.
 Xin cảm ơn các anh chị văn nghệ sĩ đã cho tôi được giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm, một việc làm đầy khó khăn và tế nhị, vì tự các anh chị đó từ lâu đã định hình thành một nghệ sĩ, và đã bay bằng đôi cánh mình trên vòm trời nghệ thuật."

Tiếp theo MC Thái Hà mời nhà thơ Nhất Uyên lên đọc bài thơ: Tình Ca Quê Hương của tác giả.
Lời Thầm Thì Của Đá, thơ Nguyễn Mây Thu, tác giả trình bày.
Nhạc Chiều, nhạc & lời: Phạm Đăng, tác giả trình bày.
Sẽ Còn Lại Những Gì ? Nhạc & lời: Mộng Trang, tác giả trình bày.
Đàn Chim Trắng, nhạc & lời: Đình Đại, tác giả trình bày.
Thu Và Nỗi Nhớ, nhạc & lời: Cát Tưởng, tác giả trình bày.
Rồi Cũng Quen Thôi, nhạc & lời: Dương Phương Linh, tác giả trình bày.
Viện Cớ? thơ Du Tử Lê, nhạc Lê Hoài Anh, trình bày Đăng Siêu.
Tôi Yêu, nhạc & lời Vũ Công Minh, trình bày Tuyết Dung.

Gió Ơi Cùng Ta Chết Một Đêm, nhạc & lời ThẩmThái Hà, trình bày Tuyết Dung.
Trần Tình, nhạc & lời Vũ Hạ, trình bày Trúc Tiên.

Phần Hội Luận: Sự Trong Sáng của Tiếng Việt


Nhà biên khảo Nguyễn Đức Tăng:"Cách dùng từ ngữ chính xác trong Tiếng Việt."
Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện nêu ra một vài ý kiến:

"Chúng ta thử đặt ra những tiêu chuẩn về tiếng Việt trong sáng, 1- Sử dụng danh từ một cách chính xác, một chữ diễn tả đúng ý nghĩa những gì mình muốn nói, chữ đó phải có trong tự điển tiếng Việt, chữ đó có thể được dịch bằng một chữ ngoại quốc đồng nghĩa, nhưng mà chúng ta cũng khó tìm được. Có những chữ trong tiếng Việt mà những chữ khác không dịch được, chẳng hạn như: «Sè sè nắm đất bên đường».

2- Về văn phạm Việt ngữ, một tĩnh từ phải đặt sau tiếng nó bổ nghĩa. Tiếng Việt khác với tiếng Tàu. Tiếng Tàu thì tiếng bổ nghĩa đứng phía trước của tiếng được bổ nghĩa, còn tiếng Việt thì tiếng bổ nghĩa đứng phía sau. Trừ khi trong thi ca thì khác, thi sĩ nhiều khi người ta ngẫu hứng viết ra khác đi thì không nói được.

3- Tiếng Việt trong sáng có mục đích diễn tả cho người khác hiểu chứ không phải mục đích diễn tả cho người muốn nói. Muốn nói hay viết ra, người ta không hiểu được mình muốn nói gì thì không thể nào gọi là trong sáng được

4- Không sử dụng quá nhiều những chữ Hán-Việt. Có người sử dụng vì muốn biết thêm chữ, người khác hình như không cố gắng tìm những chữ giản dị để diễn tả. Có lẽ vì khó khăn khi viết lách hoặc vì quá thông thái. Chẳng hạn như có một giáo sư trường Đại học Văn khoa là một vị mà tôi rất kính phục và quý mến, khi tôi đọc tác phẩm của Ngài viết khoảng 1949, có nhiều chữ Hán, tôi nói thật với quý vị, tôi tìm trong ba cuốn tự điển Hán Việt mà tôi không tìm ra ba chữ đó. Tôi không biết cụ lấy từ đâu và thật là khó hiểu. Thành ra nên cố tìm những chữ Việt nôm để diễn tả hơn là dùng chữ Hán-Việt.

5- Vấn đề phát âm. Tiếng Việt có ba cách phát âm thuộc về ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi một miền có những cái tôi gọi là “nói ngọng», tức nhiên là phát âm không đúng. Tôi xin lỗi. Chẳng hạn như ở miền Bắc thì giữa danh từ L và N: «Dân đừng có No, để cho chánh phủ No». Chẳng hạn ở miền Nam: «Bắt con cá gô bỏ trong gỗ, nó nhảy gồ gồ»- «Bắt con cá rô bỏ trong rổ, nó nhảy rồ rồ». Còn miền Trung thì sao?"


Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện phát biểu tiếp:

"Người ca sĩ mà tôi phục nhất là ca sĩ Ánh Tuyết, người Đà Nẵng, khi cô nói thì phải vận não lắm mới hiểu nhưng lúc cô hát thì rất là hay. Vấn đề phát âm rất quan trọng. Tôi xin nêu ý kiến theo nguyên tắc của tôi, trong trào lưu thanh lọc hóa tiếng Việt, có hai việc là làm sao nhấn mạnh sự giảng dạy cách phát âm đúng cho con trẻ, chuyện đó nó phải bắt đầu từ cha mẹ, thầy cô ở nhà trường. Thống nhất và hợp lý hóa chính tả nghĩa là cố gắng dung hòa giữa những hình thức thông dụng trong ngôn ngữ và sự chính xác về ý nghĩa, diễn tả đúng ý mình muốn phát biểu."

Nhà thơ Thu Sương đặt câu hỏi:
"Tiếng Việt là tiếng độc âm, xin cho biết thế nào là Bội vận, cũng như Vần và Thanh trong tiếng Việt ?»

Giáo sư Hoàng Đức Phương, 94 tuổi, một tiến sĩ ngành vật lý ở Pháp, với 40 năm nghiên cứu Lịch Sử Văn Hóa Việt, ông đã mở ra một lớp học Ngôn Ngữ Thuần Việt để giảng dạy, phát hành nhiều bộ sách về Lịch Sử Văn Minh Cổ Việt. Những cuốn sách Quy Luật Chữ Quốc Ngữ và Cẩm Nang Chính Tả giúp cho những người trẻ ở xa quê hương có cơ hội thông hiểu tường tận, biết đọc và viết tiếng Việt chuẩn mực, đúng quy luật. Ông giải thích:


"Tiếng Việt Trong Sáng là chữ viết phải đáp ứng ít nhất 3 nhu cầu:
1- Dùng ngôn từ sao cho đúng với ý nghĩa đương thời.

2- Văn phong phải ở trình độ ngang với thời đại thám hiểm vũ trụ.

3- Chữ viết phải đúng với quy luật của tiếng nói để ghi được không những âm thanh mà còn cả cái hồn của bản văn nữa.

Bội-vận là sự tập hợp của các phụ-âm tính từ trái qua phải. Chính vận bắt đầu từ nguyên-âm đến hết chữ."


Giáo sư Nguyễn Bảo Hưng góp lời:
"Về vấn đề làm sao viết được tiếng Việt trong sáng qua phần trình bày của Giáo sư Hoàng Đức Phương, trước hết tôi muốn nói về sự tinh hoa đặc biệt của tiếng Việt, là một ngôn ngữ đơn âm, nói có một tiếng thôi nhưng diễn tả được nhiều từ. Thí dụ: chữ Tâm ta có: tâm tư, tâm tình, tâm sự, tâm trạng… nhờ đó khả năng sáng tác được ghi rộng ra, lấy thí dụ bài Chiều Hôm Nhớ Nhà của Bà Huyện Thanh Quan: «Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn. Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn. Gác mái, ngư ông về viễn phố. Gõ sừng, mục tử lại cô thôn». Nếu nói về bài thơ, là để diễn tả tâm trạng của tác giả vào buổi chiều hôm đó. Còn bài Trâu Cày: «Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…» là nói về tâm tình của bác nông phu coi con trâu như một người bạn cùng làm việc với mình, đó là về sáng tác. Chính vì có khả năng sáng tác đó mà theo tôi, muốn giữ cho Tiếng Việt Trong Sáng chúng ta cần phải cân nhắc cách sử dụng rõ ràng, tìm hiểu đến nơi đến chốn. Cũng như một viên đá quý phải biết cách sử dụng. Người ta nói: «Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài. Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi». Thí dụ nói về: mân mê, vuốt ve, mò mẫm, sờ soạng… Sáng mùng một nhận được tiền mừng tuổi, cậu bé mân mê vuốt ve tờ giấy mới, tờ giấy bạc trắng tinh... Nửa đêm thức giấc ông lão sờ soạng lần mò ra bức tường, tới cái trạm, mò mẫm để kiếm một thức ăn… Tức là Tiếng Việt Trong Sáng, không có chữ nào dung tục cả, mà sờ soạng chữ dùng đúng, là tiếng Việt của mình rất trong sáng."

Nhà thơ Thu Sương lại đặt câu hỏi:
"Làm cách nào gìn giữ Tiếng Việt Trong Sáng nhất là khi chúng ta đang ở bối cảnh sống ở nước ngoài và chúng ta không thể gìn giữ ngôn ngữ ở bên nhà vì họ độc quyền trong nền giáo dục?"

MC Nguyễn Quang Huy trả lời:

"Khi Huy đã ở Việt Nam 10 năm sau 1975 đang ở và học dưới mái nhà trường, gọi đơn giản hơn là dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, xin lỗi quý vị với tất cả mọi người, không phải là vấn đề chính trị, đó là điều đầu tiên mình được học tiếng lạ. Qua đến đây, nếu những người không ở trong nước sau 1975 thì quý vị chỉ nghe được qua cái đó, xin thưa với quý vị, nói chung chúng ta ở đây là những người trí thức có học hành, ngay như ở Việt Nam thiểu số thành phần người trí thức không có nhiều, thành phần nông dân rất là nhiều. Như trên xứ của người Bắc ở Hố Nai, người ta nói: Nà (Là), lúc bé mình cũng nói Nà Nà vậy. Tôi Nà Nguyễn Quang Huy. Đọc kinh sách nhà thờ: Đó Nà Nời Chúa. Không phải. Nhưng khi mình được đi học một chút thì mình biết đây là chữ Nà phải đọc Là. Chữ S, X,TR, phải phát âm như thế nào... Ngày hôm nay giống như chị Thu Sương nói mình làm sao để diễn tả được, ngày xưa khi đi học người ta nhận mình là văn chương bác học hoặc văn chương bình dân nếu tôi không lầm. Đó là có hai cách, nếu mình diễn tả theo văn chương bác học thì những người nông dân không hiểu được, anh vào cái chỗ toàn có những người nông dân thôi mà anh phát biểu toàn những chữ trên trời dưới đất thì không ai hiểu được. Thành thử cái khó là làm sao mình có thể dung hòa để cho tiếng Việt của mình dễ hiểu, dễ nghe và trong sáng. Những quý vị nào có thể biết tiếng Việt được sử dụng trong nước hôm nay là chữ Hán, chữ Nôm? Ví dụ: hoành tráng, tác nghiệp, ấn tượng, lắm luôn (người Bắc bảo là nắm nuôn), liên hệ, thông đạt, sự cố, trung tâm nghe nhìn, bức xúc, khống chế, mặt bằng, quỹ thời gian… Nếu như vậy thì trong này có ai giải thích cho Huy biết được những chữ đó là ghép chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ hay chữ mới?"

Giáo sư Hoàng Đức Phương trả lời:
"Chúng ta đi xa. Ở đây ta không tranh luận về dùng từ ngữ. Mỗi bản văn được truyền đạt cho hậu thế thì bản văn phải có hồn. Muốn có hồn thì phải viết đúng quy luật. Tiếng Việt trong sáng là phải có quy luật, thứ nhất phải dùng ngôn từ cho đúng với một con người có học chứ không phải với một con người thất học. Thứ hai là văn phong phù hợp với con người thượng lưu chứ không phải văn phong phù hợp với con người bình dân."

MC Thẩm Thái Hà đặt câu hỏi:
"Trước 1954 ở miền Bắc và trước 1975 ở miền Nam, tiếng Việt được sử dụng rất trong sáng, xin cho biết những điểm nào để nhận biết ?"

Giáo sư Hoàng Đức Phương trả lời:
"Ngày xưa chúng ta vẫn nói dân Hà Nội ăn nói chuẩn. Trong Nam không có người ăn nói chuẩn, chính chúng ta không biết được vì lý do toàn là những sĩ phu người ta viết văn, qua phương tiện truyền thông chúng ta có những bản văn như của nhóm Tự Lực Văn Đoàn toàn là những người có học thức cao thì chúng ta nhầm với dân Hà Nội. Năm 1945, Việt-Cộng vào, chính lúc họ đi vào đấy bắt buộc giai cấp trí thức phải đi vào trong Nam và hội tụ ở Saigon thì nói là dân Saigon ăn nói văn hóa. Bây giờ Việt-Cộng vào Nam năm 1975, thì chính chúng ta là người có bổn phận phải bảo vệ tiếng Việt, chúng ta phải nói theo tiếng Việt, không phải chúng ta ở đây, ở Paris là phủ nhận. Có anh em bên Mỹ, bên Úc là những người có phương tiện phổ biến, còn ở Paris người ta không có phương tiện phổ biến. Đó là góp ý và cách nhìn tổng quát của tôi."

MC Nguyễn Quang Huy nêu ra câu hỏi:
 "Ngôn ngữ của  người trí thức là sách vở, khuôn mẫu, thích hợp với người trí thức. Nhưng ngôn ngữ đời thường, thích hợp với đại chúng. Ngoài ra còn một thứ ngôn ngữ nữa rất dung tục, của một số người. Nếu nói như Gs Hoàng Đức Phương thì thành phần trí thức chúng ta không nhiều, làm thế nào để phân biệt ngôn ngữ trong sáng khi xưa, và làm bớt ngôn ngữ dung tục?"

Nhà thơ Đỗ Bình góp ý:
"Việt Nam gồm có 54 sắc dân, sử dụng nhiều ngôn ngữ, chữ viết khác nhau, mà sắc dân của chúng ta là một số đông. Còn những sắc dân khác sống ở miền thượng du Bắc phần, và miền cao nguyên Trung phần, khu vực ven biển tỉnh Phan Rang, Phan Rí, cũng như các miền phía Nam : Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Châu Đốc… thì họ có một ngôn ngữ riêng. Để có sự nhận biết giữa Tiếng Việt Trong Sáng của miền Bắc trước 1954 và sau 1954 ở miền Nam, người ta căn cứ vào những người có học, được ghi chép trong sách để giảng dạy trong các trường học. Vì vậy mới có những nhóm như Tự Lực Văn Đoàn, tiếp theo là nhóm Sáng Tạo, họ viết những văn chương đãi lọc chuyên chở những ngôn ngữ mang chất đạo đức. Tính chất Đạo đức có từ lâu, trước năm 1954 ở ngoài Bắc và sau 1954 được tiếp nối ở trong Nam. Ở miền Nam sau năm 1954 đến 30 tháng tư năm 1975 mới chấm dứt. Ở miền Nam thuở đó có môn học là Công Dân Giáo Dục để dạy đạo đức con người, vậy ai mà nói những câu dung tục quá, ngoài khuôn khổ những điều dạy trong nhà trường thì gia đình đó bị lối xóm, thôn làng bảo là gia đình mất dạy! Họ sẽ bị mang tiếng, cho nên họ cố dạy con, dạy cháu của họ ăn nói một cách tử tế. Để cho ngôn ngữ đó đi vào trong văn chương, ngay từ lớp tiểu học, học trò đã xem đó là mẫu mực, là tiêu chuẩn để nhận biết ngôn ngữ nói và chữ viết khác nhau. Nếu một người chỉ sống ở ngoài đường thì họ sẽ phải dùng những ngôn ngữ thực dụng bừa bãi để họ tiếp xúc với những người khác để mưu sinh. Đương nhiên những người trẻ đó khi bước vào trong trường học thì ông thầy bắt chúng phải bỏ những cái gì vô giáo dục đi để có thể hòa nhập với tất cả các học sinh, bởi vì tất cả mọi người đến trường để mà học. Ngày xưa có câu: «Tiên học lễ hậu học văn."

Buổi hội thảo đôi khi trở nên rất sôi nổi, mỗi người một ý kiến khác nhau và nhiều người muốn nói cùng một lúc, vấn đề nêu ra thật nhiêu khê. Cuộc bàn luận kéo dài, nhưng thời gian có hạn nên cùng nhau chia tay trong tình thân mến.

Nguyễn Mây Thu

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Nỗi Xa Người - Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh - Ca Sĩ: Xuân Phú


Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh
Ca Sĩ: Xuân Phú

Là Lần ....

  


Một lần mở cửa đón xuân
Là lần thầm trộm bâng khuâng bóng hình
Một lần tim khẽ trở mình
Là lần mắt chạm ánh nhìn luyến thương

Một lần mơ mộng vấn vương
Là lần chung bóng cùng đường sánh đôi
Một lần người đã ngỏ lời
Là lần chấp nhận trọn đời khắc tâm

Một lần cuộc sống thăng trầm
Là lần chia biệt âm thầm cách xa
Một lần rời bỏ quê nhà
Là lần ngụp lặn can qua xứ người

Một lần xuân thái lai tươi
Là lần tim sống lại thời ngày xưa
Một lần nắng nhat màu mưa
Là lần hồi ức vẫn chưa phai nhòa

Một lần gửi trọn nhận, cho
Là lần san sẻ chẳng do dự gì
Một lần tim đã trao đi
Là lần kiên định cố ghi vào lòng

Một lần níu ánh trăng trong
Là lần hai bóng song song vượt đèo
Một lần đời bước ngoằn ngoèo
Là lần đứng lại nhìn theo lưng người

Một lần ai sánh đẹp đôi
Là lần sầu đắng mặn môi lỡ làng
Một lần buông bỏ trái ngang
Là lần chấp nhận dở dang mộng đầu

Một lần chôn chặt tình sâu
Là lần con tạo cơ cầu riêng mang
Một lần nuốt tiếng thở than
Là lần hạnh phúc tâm an nhé người!
 
Kim Oanh
21.9.24

Nơi Chốn Này - Nhạc Và Lời: Vũ Lương Đúng

Nhất Tùng Hoa 一叢花 - Tần Quan

 


一叢花 - 秦觀           Nhất Tùng Hoa - Tần Quan

年時今夜見師師。   Niên thời kim dạ kiến sư sư.
雙頰酒紅滋。           Song giáp tửu hồng tư.
疏簾半卷微燈外,   Sơ liêm bán quyển vi đăng ngoại,
露華上、煙嫋涼颸   Lộ hoa thượng, yên niểu lương ty.
簪髻亂拋,               Trâm kết loạn phao,
偎人不起,               Ôi nhân bất khởi,
彈淚唱新詞。           Đàn lệ xướng tân từ.

佳期誰料久參差。    Giai kỳ thùy liệu cửu sâm si.
愁緒暗縈絲。            Sầu tự ám oanh ty.
想應妙舞清歌罷,    Tưởng ưng diệu vũ thanh ca bãi,
又還對、秋色嗟諮。Hựu hoàn đối, thu sắc ta tư
惟有畫樓,                Duy hữu họa lâu,
當時明月,                Đương thời minh nguyệt,
兩處照相思。            Lưỡng xứ chiếu tương tư.

Chú Thích

1- Nhất tùng hoa一叢花: Từ bài này có 78 chữ, đoạn trước và đoạn sau đều có 7 câu, 4 bình vận. Cách luật:

X B X T T B B vận
B T T B B vận
B B T T B B T cú
T X X, X T B B vận
X X X X cú
X B X T cú
B T T B B vận

X B X T T B B vận
X T T B B vận
X B X T B B T cú
T X X, X T B B vận
X X X X cú
X B X Tcú
X T T B B vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2- Niên thời 年時 = đương niên 當年: năm đó, hay lúc đó.
3- Sư Sư 師師: tên người ca nữ nhưng không phải là Lý Sư Sư nổi tiếng thời vua Tống Huy Tông, vì lúc tác giả làm bài này thì Lý Sư Sư còn bé lắm.
4- Giáp 頰: má. ở 2 bên mặt.
5- Tửu hồng tư 酒紅滋: vẻ mặt ửng hồng khi uống rượu.
6- Sơ liêm 疏簾: bức rèm thưa.
7- Vi đăng 微燈: ánh sáng lờ mờ, ảm đạm.
8- Lộ hoa 露華: giọt sương trên hoa lá cây cỏ.
9- Yên niểu (niệu, niễu) 煙嫋: làn khói mềm mại nhẹ nhàng.
10- Lương ty 涼颸: gió mát.
11- Trâm kết 簪髻 = kết trâm髻簪: cái trâm cài tóc, cái kim cài tóc.
12- Ôi偎: dựa, áp vào người khác.
13- Đàn lệ 彈淚: tràn nước mắt.
14- Giai kỳ 佳期: kỳ ước hội của đôi nam nữ.
15- Sâm si 參差: so le cao thấp, ngắn dài. Trong bài này chữ sâm si có nghĩa là lỡ cơ hội để gần gũi nhau.
16- Sầu tự 愁緒: nỗi buồn.
17- Oanh ty縈絲: quẩn quanh, vấn vít, vấn vương.
18- Tưởng ưng 想應: tưởng nên, nghĩ rằng.
19- Ta tư 嗟諮: than thở.
20- Họa lâu畫樓: nhà lầu hoa lệ.
21- Tương tư 相思: nhớ nhung lẫn nhau.

Dịch Nghĩa

Bài từ Nhất Tùng Hoa của Tần Quan. Trong thời gian ở kinh sư khoảng 4 năm, Tần Quan thường xuyên lai vãng thanh lâu kỹ viện, cùng ca nữ giao du thân mật vì vậy ông bị che bai là hạnh kiểm xấu. Bài từ này, ông làm để tặng cho 1 ca nữ nào đó.

Năm ấy cũng đêm này tôi gặp nàng Sư Sư.
Đôi má nàng ửng hồng vì men rượu.
Bức rèm thưa cuốn lên một nửa, bên ngoài ánh sáng lờ mờ,
Trên những giọt sương đêm, hơi khói vòng vo bay lên cùng gió mát.
Không cài trâm, mái tóc nàng buông thả,
Nàng dựa vào lòng tôi không muốn rời,
Nàng hát bài từ tôi mới làm vừa tuôn đôi hàng lệ.

Ai biết đâu hẹn ước không thực hiện được từ lâu.
Nỗi sầu ám ảnh quanh quẩn bên tôi.
Tưởng đến nàng chắc bây giờ sau khi ca múa xong,
Lại nhìn cảnh thu than thở.
Chỉ còn trong căn nhà lầu,
Đương lúc trăng sáng,
Hai chốn, tôi và nàng, nhớ nhung lẫn nhau.  

Phỏng Dịch

1 Nhất Tùng Hoa - Mối Duyên Xưa


Đêm này năm ấy gặp cô em.
Đôi má đỏ hơi men.
Rèm thưa lấp lửng đèn mờ ngoại,
Hoa sương đọng, hương khói bay lên.
Mái tóc buông lơi,
Dựa người quấn quít,
Vừa hát lệ tràn hoen.

Ai hay ước hẹn sớm lem nhem.
Luẩn quẩn nỗi sầu len.
Liệu rằng múa hát vừa xong đó,
Lại ngẩn trông, thu sắc than duyên.
Chỉ có lầu cao,
Cùng vầng trăng sáng,
Nhung nhớ chiếu hai bên
.

2/ Mối Duyên Xưa

Năm ấy đêm này gặp gỡ em,
Ửng hồng đôi má đượm hơi men.
Rèm thưa nửa cuốn đèn mờ ảo,
Làn khói phủ sương nhẹ tỏa lên.

Mái tóc chẳng cài buông lả lơi,
Dựa người âu yếm quyết không rời.
Tân từ ngâm vịnh tuôn hàng lệ,
Một thoáng u buồn đến với người.

Ai hay hẹn ước lỡ từ lâu,
Quanh quẩn bên mình một chữ sầu.
Liệu tưởng giai nhân xong múa hát,
Nhìn thu than thở mối tình đầu.

Chỉ còn mỗi đứa trong lầu hoa,
Trăng sáng đêm về buồn thấm hòa.
Tưởng người yêu mến lòng nhung nhớ,
Tiếc nuối duyên tình năm tháng qua.

HHD 
05-2021

Nhất Tùng Hoa, Tần Quan

1/
Đêm này, năm ấy gặp Sư nương
Đôi má rượu ửng hường
Rèm thưa nửa cuốn ngoài mờ sáng
Gió lành khói quyện ám hoa sương
Tóc thả trâm lơi
Không rời lòng uốn
Hát tân từ lệ vương

Hẹn ước ai hay lâu chẳng xuông
Mối sầu ám vấn vương
Nghĩ rằng ca múa giờ đây dứt
Thu sắc lại nhìn, xót thương
Chỉ còn lầu hoa
Đương lúc trăng sáng
Hai chốn nhớ nhau cùng!


2/
Đêm này, năm ấy gặp Sư nương
Đôi má rượu say ánh sắc hường
Nửa cuốn rèm thưa, ngoài nắng nhạt
Gió lành khói quyện ám hoa sương
Tóc xỏa trâm lơi
Không rời ôm ấp
Ca từ lệ vương!

Hẹn ước ai ngờ đã chẳng xuông
Mối sầu ám ảnh mãi còn vương
Nghĩ rằng ca múa giờ đây dứt
Thu sắc lại nhìn ý xót thương
Mỗi kẻ lầu hoa
Đương khi trăng tỏ
Hai ngõ tương tư!


Lộc Bắc 
 Oct23