Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Singapore Và Indonesia Trong Tiếng Việt


Người Việt cho đến bây giờ có những sai lầm khi dùng làm từ ngữ cho Singapore và Indonesia.

Thường dùng sai lầm "Tân Gia Ba" cho Singapore.  Đúng ra là "Tân Gia Pha".Có khi nghĩ lộn "Giang Lưu Ba" là Singapore.  Đúng ra là Indonesia.


* Singapore

Danh hiệu Singapore có từ lâu trước khi người Anh đến. Người Trung Hoa ở Singapore trước đó lúc đầu đa số gốc là người Phước Kiến. Họ đọc âm Singapore ra thành Sin-ka-pho và viết Hoa văn (chữ Tàu) là 新 加 坡. Chữ này đọc theo tiếng Quan thoại là Xīn-jiā- pō và đọc theo Hán Việt ngữ của người Việt là Tân Gia Pha.

Nghĩa của 3 chữ Tân Gia Pha 新加 坡

Chữ Tân 新 = Củi (wood) hay tên của một loài Cỏ.
Chữ Gia 加 = thêm, vượt lên, đội lên. Thí dụ như Gia tăng.
Chữ Pha 坡 = chỗ nghiêng dốc. Thí dụ như Sơn Pha = dốc núi.
Nên nhớ là Tân Gia Pha chỉ là dịch âm của Singapore, nó không phải là dịch nghĩa của Singapore.

Chữ Quốc ngữ của người Việt đọc sai và viết sai là Tân Gia Ba cho 新 加 坡 thay vì là Tân Gia Pha; sai ở chữ Ba (đúng phải là chữ Pha). Google wikipedia ngày nay đã khẳng định là Tân Gia Pha, dịch âm của Singapore; và không dùng Tân Gia Ba.

Người Việt đã đọc sai mà còn không hiểu nghĩa Tân Gia Ba là gì, chỉ nghĩ "Tân" là "mới" và nghĩ "gia" là "nhập" (vào), đoán từ "gia nhập" (thêm vào). Sau 30-4-1975 còn dùng từ ngữ "tân gia ba" như là tiếng lóng!

Khi người Nhật Bản đến chiếm đóng Singapore của người Anh trong Đệ Nhị Thế Chiến, họ đổi tên Singapore thành tên theo tiếng Nhật là Syonan. Syonan đọc theo Hán Việt ngữ là Chiêu Nam. Chiêu có nghĩa là "light" (sáng rõ ra) và Nam có nghĩa là "south" (phương nam, miền nam). Chiêu Nam = The light of the South = Ánh sáng của Miền Nam, theo Anh ngữ.

Chiêu Nam được ghi trong chuyện 2 ông Dương Bá Trạc và Trần Trọng Kim sang ở Singapore trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Ông Dương Bá Trạc (1884-1944) rủ bạn mình là ông Trần Trọng Kim (1883-1953) sang Singapour theo Nhật Bản làm cách mạng vào năm 1943. Singapour là hành dinh của Tướng Yamashita (Sơn Hạ), tư lệnh quân Nhật ở Thái Bình Dương, đối thủ của Tướng Douglas McArthur. Ông Dương Bá Trạc bị bệnh lao phổi và chết vào năm 1944 ở Singapour. Sử gia Trần Trọng Kim, tác giả cuốn Việt Nam Sử Lược (1920), là một ông già 60 tuổi một mình trơ trọi ở Singapour (Chiêu Nam):

TỰ THÁN

Chiêu Nam ngụ đất khách (*)
Hà Bắc nhớ quê hương
Mặt biển lô nhô sóng
Góc trời chênh chếch gương
Thân già đau đã nản
Bạn cũ bệnh càng thương
Tạo hóa chơi khăm quá
Trung trinh cũng đoạn trường.
(Trần Trọng Kim)

(*) Chú thích: Chiêu Nam = Singapour / Singapore. Hà Bắc ngụ ý là Bắc Hà của Việt Nam.

 

* Indonesia


Danh hiệu Indonesia có nguồn gốc từ năm 1850. Người Trung Hoa âm ra Tiếng Quan thoại rồi viết Hoa văn (Hán tự). Hán ngữ đọc Hoa văn làGiang Lưu Ba.

Wikipedia viết trong tiểu sử của ông Cao Bá Quát:

Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, khoảng cuối năm Quý Mão (1843), Cao Bá Quát được triều đình tạm tha, nhưng bị phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày đi "dương trình hiệu lực" (tức đi phục dịch để lấy công chuộc tội).

Tháng 12 (âm lịch), ông theo Đào Tri Phú (trưởng đoàn) xuống tàu Phấn Bằng đi hiệu lực đến vùngGiang Lưu Ba (Indonesia).
Tháng 7 năm Giáp Thìn (1844), đoàn công cán trên thuyền Phấn Bằng về đến Việt Nam.Sau đó, Cao Bá Quát được phục chức ởbộ Lễ, nhưng chẳng bao lâu thì bị thải về sống với vợ con ở Thăng Long.

Khi ông Cao Bá Quát đi sứ Indonesia theo Đào Tri Phú (1843-1844) thì nó có tên từ chính quyền nhà Nguyễn của nước Việt Nam (có lẽ lấy từ chính quyền nhà Thanh của Trung Quốc) là Hạ Châu.  
Lúc đó chưa có từ ngữ "Indonesia" (Giang Lưu Ba). Ông Cao Bá Quát có làm 10 bài thơ chính thức cho chuyến đi này và ông dùng từ ngữ Hạ Châu cho tựa đề và trong thơ. Tựa đề là "Há Hạ Châu Tạp Ký". (Há thường đọc là Hạ. Hạ = đi xuống. Tạp Ký = ghi chép vụn vặt).

Ông Cao Bá Quát có dùng Hán Việt ngữ Qua Oa cho (đảo) Java trong bài Há Hạ Châu Tạp Ký kỳ 3.

HÁ HẠ CHÂU TẠP KÝ KỲ 3


Qua Oa địa khống hải bang hùng       Oa Qua đảo quốc vẻ hùng cường
Châu đảo y nhiên
cựu quốc phong      Phong tục ngàn xưa vẫn bảo tồn
Hà nhật thê hàng thông cốn phỉ
          Liệu đến ngày nào thành tấp nập
Tuần cù kiêm tác lão viên ông.
           Giờ đang vất vả lão làm vườn.

(Cao Bá Quát)                                      (Đỗ Quang Liêm dịch)

 

Thời VNCH có từ ngữ Nam Dương

dùng cho Indonesia vì nước này là 1 quần đảo ở phía Nam của Thái Bình Dương chứ không có dịch âm từ Indonesia.

* Từ Indonesia đến Singapore


(1)

Trước khi đến Java, tàu của ông Cao Bá Quát dĩ nhiên có đi qua Singapore. Trong bài thơ Há Hạ Châu Kỳ 2, bài làm trước bài Há Hạ Châu kỳ 3, ông có nói đến"Ly Thành" mà một số học giả chú thích là tên của chính quyền Trung Quốc và Việt Nam dùng cho Singapore. Ly Thành là thành phố Thạch Ly hay Tinh Châu theo chú thích của Google.

HÁ HẠ CHÂU TẠP KÝ KỲ 2


Ly thành tây khí Lạc-uy-ni                Rời Ly thành hướng Lạc-uy-ni
Xà trục thao tâm vị bão thì
                Rắn cuộn do tham bụng chứa đầy
Địa thế dĩ liên Ma-lục-giáp
               Thế đất gắn liền Ma-lục-giáp
Chiến công do đạo Á-phi-ly.
             Chiến công còn nhắc Á-phi-ly.

(Cao Bá Quát)                                       (Đỗ Quang Liêm dịch)

Không ai biết Lạc Uy Ni, Ma Lục Giáp và Áp Phi Ly là ở đâu của Indonesia và tên thật là gì!

Trong chuyến đi này, ông Cao Bá Quát có làm 2 bài thơ, ngoài 10 bài Há Hạ Châu Tạp Ký, tựa đề là Há Liêu Ngoại Thành Tức Sự và Tảo Phát Liêu Cảng (Phát hành sớm ở Liêu Cảng).

 

HÁ LIÊU THÀNH NGOẠI TỨC SỰ 

     

Mã Yên phong hạ kiến lâm loan               Dưới ngọn Mã Yên rừng quấn quanh
Chỉ cố Liêu Thành thuấn tức gian
            Ngoài xa ngoảnh lại chốn Liêu Thành
Phong lực nhất phàm tam nhật dạ
            Ba ngày đêm trọn, buồm căng gió
Vạn trùng ba lãng vạn trùng san.
               Sóng nước muôn trùng núi vạn trùng.

(Cao Bá Quát)                                            (Lương Trọng Nhàn dịch)

 

TẢO PHÁT LIÊU CẢNG

Liêu sơn hiểu sắc mãn quy chu              Thuyền về mang vẻ sớm Liêu sơn 
Tương tống ly nhân đá Hạ Châu
             Khách đến Hạ Châu những mủi lòng
Cánh tác Liêu sơn nam vọng ngoại
         Càng thấy Liêu sơn nhìn mất hút
Chướng vân đa xứ thị giang lưu.
            Nơi nhiều mây chướng ấy dòng sông.

(Cao Bá Quát)                                       (Đỗ Quang Liêm dịch)

Tuy không biết thật sự Liêu Thành và Liêu Cảng ở đâu, Học giả trong Google chú thích:

Liêu Thành là tên của Singapore.
Liêu Cảng là Thương cảng Riau của Singapore.

Như vậy, ngoài Ly Thành, Singapore còn có tên là Liêu Thành?

(2)
Có khi học giả ngày nay nghĩ lộn rằng Singapore dịch âm là "Giang Lưu Ba". Đúng ra là dịch âm của Indonesia
Sự sai lầm này được thấy trong chú giải và dịch thuật bài thơ Đề Sát viện Bùi Công "Yên Đài Anh Ngữ" Khúc Hậu (Đề thơ Sau Khúc "Yên Đài Anh Ngữ" của quan Đề Sát họ Bùi).

Đây là 1 đoạn trong nguyên bản của bài thơ:

 

Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn
Thuỷ giác lục hợp hà mang mang!
Hướng tích văn chương đẳng nhi hí!
Thế gian thùy thị chân nam tử
Uổng cá bình sinh độc thư sử

 

Dịch giả Trúc Khê chú thích sai:

       Ba Sơn tức Giang Lưu Ba, nơi Cao Bá Quát phải đi hiệu lực theo đoàn sứ bộ.  Còn gọi là Tân Gia Ba, tức Singapore ngày nay.  Thời đó Tân Gia Ba là thuộc địa của Anh Quốc.

 

Từ đó dịch giả tự động đổi Ba Sơn thành Tân Gia (cho Tân Gia Ba) một cách gượng ép trong dịch bản.

Đây là đoạn dịch của Trúc Khê:

Tân Gia từ vượt con tầu,
Mới hay vũ trụ một bầu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Không đi khắp bốn phương trời,
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai.

Bùi công tức Bùi Ngọc Quý (1769-1861), người huyện Tiên Lữ, trấn Sơn Nam (nay là Hải Hưng), đỗ cử nhân khoa Mậu Tý (1828), tiến sĩ khoa Kỷ Sửu đời Minh Mệnh (1829), làm tổng đốc Bình Phú, năm Tự Đức thứ nhất (1848) đi sứ nhà Thanh. Ông để lại tập Yên Đài anh ngữ và nhiều văn thơ khác.

Tập Yên Đài Anh Ngữ đề cập đến việc đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1848, hơn 4 năm sau việc đi sứ của ông Cao Bá Quát sang Indonesia (1843-44). Ông Cao Bá Quát chỉ làm bài thơ này để đồng tình việc đi sứ của ông Bùi Ngọc Quý.

Nên biết là 2 ông Cao Bá Quát và Phan Nhạ bị tội vì sửa bài của trường thi và để hiệu lực chuộc tội, ông Cao Bá Quát phải theo Đào Tri Phú đi sứ sang Indonesia và ông Phan Nhạ phải theo ông Nguyễn Công Nghĩa đi sứ sang Singapore. Ông Cao Bá Quát không có đi sứ sang Singapore.

Trên đường biển sang Java và Indonesia, tàu chở ông Cao Bá Quát có thể đi ngang Singapore. Ông Cao Bá Quát có thể dùng Ba Sơn trong bài thơ của mình để ám chỉ Singapore nhưng chắc chắn là ông không ngụ ý là Giang Lưu Ba như dịch giả và chú giả đã nghĩ sai.

(3)
Đúng là ông Cao Bá Quát làm cho hậu sinh phải điên đầu với ông. Chỉ có 1 thành phố Singapore mà ông dùng 4 từ ngữ mơ hồ cho danh hiệu của nó thay vì Tân Gia Pha.

Ly Thành
Liêu Thành
Liêu Cảng
Ba Sơn

Trong những danh hiệu này, Ly Thành cho thành phố Thạch Ly hay Tinh Châu có lẽ là hợp lý nhất. Liêu Thành và Ba Sơn thì có thể là địa danh của một chỗ có liên quan đến hay thuộc về Singapore?

Thiết nghĩ ông Cao Bá Quát không thể lẫn lộn chữ Pha và chữ Ba trong Hán tự (Hoa văn) do đó nếu ông ở lâu tại Singapore thì chắc chắn đã dùng địa danh là Tân Gia Pha. Và nhờ vậy, hậu thế theo ông mà không sai lầm khi dùng từ ngữ "Tân Gia Ba"?

* Kết Luận


Hán Việt ngữ có những sai lầm khi dùng làm từ ngữ cho Singapore và Indonesia.
Thường dùng sai lầm "Tân Gia Ba"cho Singapore.  
Đúng ra là "Tân Gia Pha".Có khi nghĩ lộn "Giang Lưu Ba" là Singapore.  Đúng ra là Indonesia.


Ngày nay chúng ta chỉ cần dùng danh hiệu chính thức Singapore và Indonesia là đủ rồi, quên đi Tân Gia Pha hay Giang Lưu Ba.

Bs Phan Thượng Hải biên soạn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét