Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 2 豐樂亭遊春其二 - Âu Dương Tu (Bắc Tống, Liêu)


Âu Dương Tu (歐陽修, sinh ngày 1 tháng 8, 1007 mất ngày 22 tháng 9, 1072), tự là Vĩnh Thúc, hiệu "Tuý Ông", là nhà thơ kiêm nhà sử học nổi tiếng thời Tống ở Trung Quốc).

Quê ông ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Năm Thiên Thánh thứ 7 (1030), ông đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông, làm Binh bộ Thượng thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung.

Âu Dương Tu là một nhà vân nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại “thi thoại" (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Túy Ông đình ký. Mai Thánh Du thi tập, Thu Thánh Phú. Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với sáu cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).

Thuở thiếu thời

Khi Âu Dương Tu mới 4 tuổi, cha bị bệnh mất, bà mẹ dẫn ông đến Tùy Châu (nay là huyện Tùy, Hồ Bắc) dựa vào người chú để mưu sinh. Mẹ Âu Dương Tu quyết tâm cho ông học hành, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua giấy bút. Bà thấy trong cái ao trước nhà có mọc nhiều cói, liền dùng cọng cói thay bút dạy Âu Dương Tu viết chữ trên đất bùn. Cậu bé Âu Dương Tu được mẹ giáo dục từ nhỏ nên sớm yêu thích đọc sách.

Khi lên 10 tuổi, Âu Dương Tu thường xuyên đến 1 nhà có nhiều sách trong làng mượn sách đọc và chép lại những đoạn thấy hứng thú. Một lần, ông đến mượn sách của nhà họ Lý, phát hiện thấy trong đống giấy cũ 1 cuốn sách nhàu nát. Ông giở xem, thấy đó là văn tập của Hàn Dũ, 1 nhà văn nổi tiếng đời Đường, liền mượn chủ nhà, đem về đọc.

Đầu đời Tống, trong xã hội có xu hướng ưa chuộng lời văn hào nhoáng mà coi nhẹ nội dung. Vì vậy, văn phong thời này chú trọng sự đẹp đẽ của ngôn từ nhưng rất trống rỗng, nghèo nàn về nội dung. Âu Dương Tu sau khi đọc tản văn của Hàn Dũ , thấy văn chương lưu loát, lập luận thấu triệt khác hẳn với văn chương thịnh hành đương thời. Ông ra sức nghiền ngẫm, học tập văn phong của Hàn Dũ. Khi trưởng thành, ông tới Đông Kinh thi tiến sĩ, đỗ đầu 3 vòng thi. Khi mới hơn 20 tuổi, tiếng tăm của Âu Dương Tu đã vang dội trên văn đàn.

Làm quan

Sau khi Phạm Trọng Yêm cải cách chính trị thất bại, bị gạt bỏ khỏi triều đình, biếm trích xuống phương nam, người cộng sự của ông là Phú Bật, Hàn Kỳ cũng bị cách hết quan chức. Những người đồng tình không dám ra mặt bênh vực họ Phạm. Chỉ có mình Âu Dương Tu dám dâng sớ lên Tống Nhân Tông, nói: "Từ xưa tới nay, kẻ xấu hãm hại người tốt, đều vu cáo người tốt là bè đảng, chuyên quyền. Phạm Trọng Yêm là nhân tài quan trọng của quốc gia, cớ sao lại bị bãi miễn. Nếu bệ hạ tin theo lời kẻ xấu thì chỉ khiến kẻ xấu đắc ý, quân thù vui mừng". Âu Dương Tu tuy không giữ chức quan cao, nhưng rất quan tâm đến triều đình và mạnh dạn can gián hoàng đế.

Cao Nhược Nạp cho rằng Phạm Trọng Yêm bị biếm trích là đúng. Âu Dương Tu rất phẫn nộ, viết 1 lá thư kịch liệt công kích hắn là kẻ không biết liêm sỉ. Vì việc đó, ông bị giáng chức, điều về địa phương, 4 năm sau mới được trở lại kinh thành. Lần này, Âu Dương Tu lại đứng ra bênh vực tân chính của Phạm Trọng Yêm, khiến bọn quyền quý trong triều nổi giận. Chúng tìm mọi chứng cớ vu vơ, gán cho Âu Dương Tu một số tội danh. Triều đình lại biếm Âu Dương Tu đi Từ Châu (nay là huyện Từ, An Huy).

Từ Châu là nơi có phong cảnh đẹp, 4 xung quanh là núi. Đến Từ Châu, ngoài những giờ làm việc công, Âu Dương Tu thường du lãm sơn thủy. Có tòa đình trên Lang Nha Sơn làm nơi nghỉ cho du khách. Âu Dương Tu thường tới tòa đỉnh đó uống rượu. Ông tự xưng là "Túy ông" (ông già say) và đặt tên cho tòa đình đó là "Túy Ông đình". Bài tản văn "Túy Ông đình ký" của ông là 1 kiệt tác được người đời truyền tụng, đến cả Tống Nhân Tông cũng vô cùng yêu thích văn chương của ông.

Cải cách văn phong đương thời, phát hiện nhân tài

Âu Dương Tu làm quan địa phương hơn 10 năm trời. Sau Tống Nhân Tông vì quá mến mộ văn tài, mới triệu về kinh thành, phong làm Hàn lâm học sĩ. Sau khi nhận chức, Âu Dương Tu ra sức đề xướng việc cải cách văn phong.

Một lần, kinh thành tổ chức khoa thi tiến sĩ, ông được cử làm chủ khảo. Thấy đây là 1 cơ hội để cải cách văn phong lựa chọn nhân tài. Âu Dương Tu đọc kĩ các quyển thi, thấy quyển nào chỉ có hình thức hào nhoáng mà nội dung trống rỗng thì đánh trượt hết. Kết quả khóa thi, một số người không đỗ rất căm tức Âu Dương Tu. Một hôm, ông cưỡi ngựa đi ra đường, bị 1 đám thí sinh bị đánh trượt ngăn lại, ồn ào chửi mắng và gây sự. Sau nhờ có lính tuần tra đến giải tán, ông mới được vô sự.

Qua việc đó, văn phong trong thi cử nhờ đó mà có biến chuyển lớn. Mọi người đều theo xu hướng viết những bài văn có nội dung sâu sắc, lời lẽ giản dị. Âu Dương Tu không những chỉ ra sức cải cách văn phong, mà còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Rất nhiều người vốn không nổi tiếng lắm, nhờ được ông tán thưởng và tiến cử, đều trở thành những danh gia, như: Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân (và hai con là Tô Triệt và Tô Đông Pha).

Trong lịch sử văn học, người ta ghép Âu Dương Tu và 5 người trên cùng với Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên thời Đường thành 1 danh sách, gọi là "Đường Tống bát đại gia" (8 tác gia văn xuôi lớn đời Đường - Tống).

Nguyên tác           Dịch âm

豐樂亭遊春其二 Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 2 

春雲淡淡日輝輝 Xuân vân đạm đạm, nhật huy huy,
草惹行襟絮拂衣 Thảo nhạ hành khâm, nhứ phất y.
行到亭前逢太守 Hành đáo đình tiền phùng thái thú*,
籃輿酩酊插花歸 Lam dư mính đính sáp hoa quy.

Chú Giải

Bài thơ này là một trong một chuỗi ba bài Lạc Phong đình du xuân kỳ 1, 2, 3.

淡 đạm: nhạt
惹 nhạ: dính vào.
襟 khâm: vạt áo
絮 nhứ: sợi bông.
輿 dư: xe chở đồ.
酩酊 mính đính: (từ ghép); say rượu.
太守 thái thú*: chữ đời Hán dùng chỉ quan đứng đầu một quận, đời Đường gọi là thứ sử, đời Tống gọi là tri châu. Ở đây tác giả mượn chữ đời Hán để gọi một chức quan của đời Tống (tri huyện).

Dịch nghĩa

Du Xuân Ở Đình Phong Lạc Kỳ 2

Mây xuân phơn phớt, nắng lung linh,
Cỏ dính vào quần, sợi bông bám vào áo.
Leo đến trước đình gặp quan thái thú,

Say quá rồi, để nguyên quần áo giắt đầy bông cỏ nằm ngủ trên xe (của thái thú) về./.

Dịch thơ

Du Xuân Ở Đình Phong Lạc Kỳ 2

Mây xuân phơn phớt nắng trong trong,
Cỏ bám đầy quần áo dính bông.
Đi tới trước đình gặp thái thú,*
Say mèm dính cỏ ngủ xe dông.

Lời bàn trích trong Thi Viện

“Phong Lạc đình ở dưới núi Đại Phong, cách thành Trừ một dặm về phía tây, do Âu Dương Tu xây khi làm tri châu tại Trừ Châu, thời đó là một thắng cảnh của Trừ Châu. Khi đình xây xong, tác giả còn viết một bài Phong Lạc đình ký trong kể nhân tình và phong thổ của đất này như sau: “Đất Trừ nằm vào giữa Giang Hoài, nơi thuyền xe buôn bán của khách bốn phương; nếu khách bốn phương không đến, dân sống không bằng gì khác, cơm áo yên vào đồng ruộng mương máng, để sống thì vui chết thì đưa”.

Con Cò bàn thêm:

Vai chính trong kỳ này là một gã vô danh (ám chỉ người dân), trong một ngày xuân nắng nhạt, uống rượu say mèm, quần áo dính đầy hoa, đến trước đình đòi gặp quan thái thú (quan tri châu họ Âu) và được ông quan này cho nằm trên xe chở về nhà.

Bài thơ không cho biết gã say này đã có lần nào cùng uống với Âu hay chưa (ỐC đoán là có vì trong bài Phong Lạc đình du xuân kỳ 1, Âu đã từng tay cầm bầu rượu - có vẻ không đi một mình - vừa uống vừa du xuân thâu đêm trong cảnh chim ca hoa múa); thế thì lần này thấy y say bất tỉnh thì Âu cho khênh y lên xe chở về nhà là chuyện thường tình.

Con Cò không ngần ngại dùng lại một câu trong lời bàn kỳ 1 (LTCD thế kỷ 21 bài 924): Hình ảnh của Âu Dương Tu trong bài Du Xuân ở đình phong lạc kỳ 2 vẫn bao gồm: Một ông quan thái thú thân dân; một người lạc quan trong mọi hoàn cảnh; một thi sĩ có nghệ sĩ tính.

Con Cò
***
Những Bài Dịch Khác:

Đi Chơi Xuân Đình Phong Lạc- Kỳ2

Mây xuân phơn phớt nắng hây hây,
Cỏ dính khăn, bông vướng áo đầy.
Đến trước đình nhìn ra Thái Thú,
Cáng về hoa bám ngất ngư say.

Mỹ Ngọc  
Nov. 30/2023.
***
Ngắm Xuân Đình Phong Lạc, Kỳ 2

Mây xuân nhàn nhạt bóng tà huy
Cỏ dính đầy quần bông bám y
Dạo trước sân đình chào thái thú
Say nhừ hoa cỏ vướng chân đi

Kiều Mộng Hà
Nov 30. 2023
***
Chơi Xuân Ở Đình Phong Lạc, Kỳ 2

Mây xuân nhàn nhạt, nắng lung linh,
Cỏ, bông đeo dính vạt áo mình,
Đi đến trước đình tìm thái thú,
Kiệu nan say khướt, cố về dinh.

Bát Sách.
(ngày 01/12/2023)
***
Du Xuân Đình Phong Lạc, Kỳ 2

Mây xuân bàng bạc nắng êm đềm
Gai bám đầy tà, tơ áo ghim
Đến trước sân đình xem thái thú
Kiệu nan hoa giắt, sỉn nằm im!

Lộc Bắc
Nov23
***
Khi Quan Ngài   Say Men

Bầu trời phơn phớt đám mây,
Nắng xuân lóng lánh, rừng cây ngút ngàn.
Hoa đồng cỏ nội rỡ ràng,
Xiêm y bám lấy, há màng buông tha.
Ngôi đình leo tới thân ta,
Gặp ngài thái thú, thiết tha câu chào.
Quan thời say xỉn đảo chao,
Hoa đầy mũ áo - cách nao quay về?
Nằm lăn ra kiệu cuồng mê,
Quân hầu cõng cáng - lề mề hồi cung.

Khánh-Hưng
***
Du Xuân

Nắng Xuân rực rỡ vượt tầng mây
Sợi cỏ bông lau áo vướng đầy
Du khách viếng đình chào Thái Thú
Kiệu tre hoa bám ngất ngây say

Thanh Vân
***
Nguyên tác:          Phiên âm:

豐樂亭遊春其二 Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 2
歐陽修 Âu Dương Tu

春雲淡淡日輝輝 Xuân vân đạm đạm nhật huy huy
草惹行襟絮拂衣 Thảo nhạ hành khâm nhứ phất y
行到亭前逢太守 Hành đáo đình tiền phùng thái thú
籃輿酩酊插花歸 Lam dư mính đính sáp hoa quy

Kỳ 2 thường được đăng chung với Kỳ 1. Sách xưa nhất đời Tống, Tống Nghệ Phố Tập - Minh - Lý Cổn 宋藝圃集-明-李蓘 , đăng chỉ có 2 kỳ. Sách đời Thanh, Ngự Tuyển Tống Kim Nguyên Minh Tứ Triêu Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選宋金元明四朝詩-清-聖祖玄燁 và Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書 đăng cả 3 kỳ. Sách Tống Thi Sao - Thanh - Ngô Chi Chấn 宋詩鈔-清-吳之振 đăng đủ 3 kỳ và cho nhiều dị bản.


Ghi chú:

Đạm đạm: mờ nhạt, không nhiệt tình
Huy huy: ánh sáng rực rỡ, ấm áp
Lam dư: kiệu, phương tiện di chuyển ngày xưa
Sáp hoa: các mảnh hoa vỡ dính vào quần áo

Dịch nghĩa:

Phong Lạc Đình Du Xuân Kỳ 2 Du Xuân Ở Đình Phong Lạc Kỳ 2

Xuân vân đạm đạm nhật huy huy Mây xuân mờ nhạt, ngày sáng rực rỡ,
Thảo nhạ hành khâm nhứ phất y Cỏ va chạm và sợi bông bám vào áo quần.
Hành đáo đình tiền phùng thái thú Lên đến trước đình thì gặp thái thú,
Lam dư mính đính sáp hoa quy Ông đang say xỉn ngồi trên kiệu ra về, quần áo còn dính bông hoa.

Câu 1 của bài thơ nói: Mây xuân nhẹ trên bầu trời quang đãng. Câu thơ này được lấy từ bài Hoàng Oanh 黃鶯 của Trịnh Cốc làm năm 869 gần 200 năm trước, có đăng trong sách Vân Thai Biên - Đường - Trịnh Cốc 雲臺編-唐-鄭谷

Câu 2: Mùa xuân cỏ mọc um tùm, phấn hoa bay bám vào quần áo của du khách.
Câu 3: Khách du xuân viếng đình Phong Lạc gặp thái thú (Âu Dương Tu) trước đình.
Câu 4: Âu đang say khướt (Kỳ 1 đã nói thái thú đang say rượu), ngồi trên kiệu trở về nhà, quần áo phủ đầy mảnh hoa.

Dịch thơ:

Viếng Đình Phong Lạc Mùa Xuân Kỳ 2

Mây xuân nhẹ lướt trời quang đãng,
Cỏ dính áo quần thêm phấn hoa.
Đến trước sân đình gặp thái thú,
Đang say ngồi kiệu cũng đầy hoa.

Spring Visit to Feng Le Pavilion 2 by Ou Yang Xiu

Light spring clouds floated under the bright sky,
Flush grass leaves and flower fibers hang on to visitors’ clothing.
I met the magistrate in front of the pavilion,
Drunk, he was sitting on his palanquin on the way home, his cloths still covered with pieces of flowers.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

Thái thú Âu Dương Tu

Vì không phải là thi nhân, người ni lại bàn lạc đề như thường lệ. 守=thú có các nghĩa chăm nom, bảo vệ và dùng để chỉ một chức quan giữ các trách nhiệm đó. Một nghĩa của 太=thái là cao nhất, và ta hiểu nôm na thái thú thành 'chức quan cao nhất' nghe ... sang trọng nhưng thật sự ra đó là chức vì thấp nhất trong hệ thống hành chánh cổ Hoa Lục, bắt đầu với tên quận thú [nghĩa quận trưởng ở quê nhà tiền-75] thời Chiến Quốc rồi đổi thành thái thú thời Tây Hán. Đến thời Đường, thái thú không còn là quan chức chính thức và thường được dùng để gọi tri phủ (知府) hay tri châu (知州) và thái thú Âu Dương Tu là tri châu của Trừ Châu.

籃輿酩酊插花歸. 籃輿=lam dư minh đính sáp hoa quy. Lam dư là cái giỏ/cáng bằng tre đan để làm kiệu như trong hình 篮舆入社=lam dư nhập xã này


hay

酩酊=minh đính có thể dịch là say mèm, thường dùng như một tĩnh từ nhưng trong trường hợp này minh đính không thể bổ nghĩa cho lam dư nên nó là trạng từ gợi ý rằng người khiêng cáng cũng say như người trong cáng nên bước loạng choạng vì người đọc cần nhớ rằng thái thú họ Âu Dương có biệt hiệu là Túy Ông. Câu cuối nên hiểu là thái thú nằm trên cáng (đi) loạng chọang len giữa hoa về nhà. Hoa được thi sĩ nói dến trong hai bài Phong Lạc Đình 1 và 3.

Huỳnh Kim Giám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét