Chúng ta đều rõ là Âu, Mỹ đón Tết Dương Lịch mỗi năm vào ngày 01.01.
Hằng năm, người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng đều đón Tết theo Âm Lịch.
Như vậy người Á Chân có dịp mừng Năm Mới đến hai lần.
Chúng ta biết rồi, ngay từ khi còn bé cho đến lúc già chắc chắn không ai mà không biết đến Tết. Khác một điểm là mỗi miền của Việt Nam tổ chức Tết theo phong tục của điạ phương điển hình qua Mâm Cổ Cúng Tết.
Trước khi giới thiệu về Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh và tác phẩm của bà cho tôi được mở ngoặc ở đây, đề cập sơ vài điểm chính về Mâm Cổ Tết của Ba Miền Nam-Trung-Bắc Việt Nam.
Đặc trưng Miền Bắc trên Mâm Cỗ Tết thì có bánh chưng, Miên Nam có bánh Tét và Miền Trung Việt Nam thuần túy với Mâm cỗ ngày đơn giản, chân thành.
Mâm cỗ ngày Mùng Một Tết của người miền Bắc gồm có: Bánh chưng, dưa hành, thịt gà luộc, thịt lợn (heo) chiên, thịt đông, miến xào, chả giò, nem chua, canh khoai tây.
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung gồm có những món ăn cơ bản mỗi thứ một ít, được bày trên chiếc mâm tròn thường thấy, bao gồm:
Gà luộc, Thịt heo
Bánh tét, Nem chua, Dưa hành
Ram cuốn (Ghé Đà Nẵng/Quảng Nam, bên cạnh những đặc sản Mỳ Quảng, bún mắm, bánh tráng cuốn thịt heo, ram cuốn cải là món ăn xuất sắc không thể bỏ qua),…
Món ăn không thể nào không kể tên trong mâm cỗ cúng Tết ở miền Nam là thịt kho trứng. Ngoài ra cũng phải kể đến món canh khổ qua nhồi thịt với quan niệm cho rằng mọi sự khổ ải sẽ đều qua đi để đón chào một năm mới hạnh phúc hơn.
Ngoài 2 (hai) món ăn trên người miền Nam còn chuẩn bị thêm
Gà luộc, Chả giò, Gỏi ngó sen, Tôm khô củ kiệu và đặc biệt là bánh tét.
Riêng Bánh Tét ở miền Nam rất đa dạng về nhân, có bánh Tét nhân đậu xanh, đậu đen, chuối, dừa, … Một số gia đình cũng chuẩn bị thêm chả lụa, giò thủ, lạp xưởng nếu thích.
Mâm cỗ, mâm cúng Tết của 3 miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam tuy có nhiều điểm khác nhau trong các món ăn, cách trang bày cho đến những nguyên tắc, ý nghĩa của nó. Tuy nhiên cho dù thế nào đi chăng nữa thì những mâm cỗ của Ba Miền Việt Nam nói chung đều phản ảnh những giá trị thiêng liêng, sâu sắc của nền văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam.
Nói chung sự khác biệt về “Mâm Cổ” cúng Tết của mỗi miền vì nhiều lý do theo Phong Tục, Tập Quán của miền đó nhưng vẫn không thể thiếu các món chính trong các mâm cỗ ngày Tết là Bánh chưng, Dưa hành, Thịt gà luộc, Xôi gấc, Nộm, Nem rán.
Trước khi đề cập chi tiết hơn về bài thơ tôi mạn phép giới thiệu sơ về Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh (NS Minh Đức Hoài Trinh T), người mà tôi tuy viết lách chỉ là nghiệp dư từ hơn 20 năm qua đã hân hạnh và tình cờ được quen biết ..
Theo internet thì tác giả Minh Đức Hoài Trinh có tên khai sinh là Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930. Bà là một nữ văn sĩ, trước 1975 từng là phóng viên chiến trường thời Việt Nam Cộng Hòa. Bà còn dùng một số bút hiệu khác như Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh và Bằng Cử.
Bà Minh Đức Hoài Trinh sinh ra ở Huế trong gia đình danh gia vọng tộc, dòng dõi Xuân Hòa hầu Võ Liêm, Thượng thư bộ Lễ dưới hai triều Hoàng đế Khải Định và Bảo Đại nhà Nguyễn. Thân phụ là Tổng đốc tỉnh Quảng Nam. Năm 15 tuổi, bà Trinh tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp một thời gian ngắn rồi về Huế tiếp tục học.
Năm 1964, bà sang Pháp du học ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Á Đông La Sorbonne ở Paris. Sau khi ra trường, kể từ năm 1967 bà làm phóng viên cho đài truyền hình ORTF (Office de Radiodiffusion Télévision Française) của Pháp. Bà cũng từng là phóng viên chiến trường trong chiến tranh Việt Nam và được cử theo dõi tường trình Hòa đàm Paris vào năm 1972 hầu chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình Việt Nam.
Năm 1973, bà sang Trung Đông theo dõi chiến tranh Yom Kippur.
Năm 1974, bà trở về Sài Gòn và giảng dạy khoa báo chí ở Viện Đại học Vạn Hạnh.
* Đóng góp văn học
Sáng tác của bà Minh Đức Hoài Trinh thuộc nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, truyện dài. Sau năm 1975, bà trở lại Pháp và cho xuất bản tạp chí Hồn Việt Nam. Bà cũng sáng lập Hội Văn bút Việt Nam Hải ngoại và ra sức vận động để hội được công nhận tư cách hội viên Hội Văn bút Quốc tế vào năm 1979 tại Rio de Janeiro, Brasil.
Năm 1980, bà sang Hoa Kỳ định cư tại quận Cam, California.
Năm 2017, bà qua đời tại thành phố Huntington Beach, California.
* Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh đã xuất bản những tác phẩm
Lang thang (năm 1960); Thư sinh (1962); Bơ vơ (1964); Hắn (1964); Mơ (1964)
Thiên nga (1965); Hai gốc cây (1966); Sám hối (1967)
Tử địa (1973): Trà thất (1974); Bài thơ cho ai?, năm 1974.
Dòng mưa trích lịch, Bruxelles (năm 1976)
· 2014, Chính Khí Của Người Cầm Bút do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ thực hiện, Nhân Ảnh xuất bản.
Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh mất ngày 19 tháng 6 năm 2017.
Ở trên là tóm lược về tiểu sử và tác phẩm của Bà Minh Đức Hoài Trinh.
Cho tôi mở ngoặc thêm ở đây chút xíu là năm 2015 tôi hân hạnh được làm quen với Cố Thi-Văn Sĩ Minh Đức Hoài Trinh khi nhận được quyển sách Chính Khí Của Người Cầm Bút do bà Minh Đức Hoài Trinh gửi tặng (s. Att.).
Cũng xin được nói thêm, Bà Minh Đức Hoài Trinh đã cùng với hai ông Trần Tam Tiệp và Nguyên Sa Trần Bích Lan sáng lập ra Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Founder of Vietnamese Abroad Pen Center). Năm 1978-1979 bà Minh Đức Hoài Trinh là Chủ tịch của Pen VietNam.
Bây giờ tôi mạn phép thử đưa “Thi Phẩm của Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh lên bàn mổ và xin mạo muội giới thiệu ngắn gọn cùng Quý độc giả. Chỉ xin một điều mong Quý vị và nhất là những thi sĩ hoan hỷ cho mọi sự nếu tôi không hay chưa diễn đạt trọn vẹn ý thơ.
Tiêu đề “Xuân Vẫn Tha Hương” của bài thơ cũng đủ để chúng ta biêt hay hình dung ra ngay được hoàn cảnh của chính Thi Sĩ tác giả cũng như của một người thật sự bỏ nước ra đi vì hoàn cảnh để tị nạn cộng sản.
Mở đầu thi phẩm, Minh Đức Hoài Trinh đã xác định rõ ràng thân phận của chính mình (và có lẽ của nhiều người Việt Nam khác cùng cảnh ngộ, trong đó có người viết kể từ khi tị nạn chính trị ở Đức sau 1975!):
Thế mà con mẹ vẫn tha hương,
Tác giả đã phác họa cảnh sống của mình nơi xứ người với bao nỗi nhớ thương:
Xa mẹ, xa nhà, xa mến thương,
Sự khác biệt về Đêm Giao Thừa của quê hương Việt Nam và quê hương mới xứ người được thu gọn đơn giản và dễ hiểu qua hai câu thơ sau đây:
Trừ tịch đêm nào hồng tiếng pháo,
Nơi nầy chỉ thấy tuyết hòa sương.
Để rồi tác giả nhớ lại khung cảnh ngày xưa khi còn ở quê nhà mà có lẽ nhiều người Việt Nam đều đã trải qua trưóc 1975 :
Đêm nay hồi tưởng đến đêm xưa,
Ngây ngất đâu mùi hương thoáng đưa,
Bóng Mẹ cúi bày mâm cỗ cúng,
Khấn Ông Bà đến để say sưa.
Riêng những gia đình nào có con cái “vượt biên, vượt biển” tìm Tự Do sau 1975 có lẽ hiểu rõ hơn ai hết khi thiếu vắng hình bóng người thân trong gia đình:
Mẹ bảo ông bà vẫn hỏi con,
Rằng Tr. sao nó vắng nhà luôn,
Tác giả hồi tưởng lại cảnh xa xưa khi còn cấp sách đến trường mà chúng ta cũng đã trải qua:
Mẹ có nhớ thưa con cố học,
Bao giờ thi đỗ mới hồi hương.
Đặc biệt khung cảnh lúc gần Tết mà tác giả thi sĩ không quên được, còn ghi nhớ:
Bánh chưng mẹ nấu có nhiều không?
Nồi bánh chưng này ai thức trông?
Mẹ có gói thêm đòn bánh nhỏ?
Để cho con út mẹ vòi công . . .
Để rồi, tác giả diễn tả hoàn cảnh của mình (và có lẽ cũng là của những người Việt Nam đồng cảnh ngộ), đơn giản nhưng trung thật khi nhắc đến Mẹ:
Xuân này con mẹ vẫn tha hương,
Mẹ một phương trời, con một phương,
Hình ảnh Người Mẹ Già được tác giả phác hoạ chỉ với một câu thơ nhưng rõ nét:
Tóc trắng Mẹ già thêm chút nữa,
Vâng, xa nhà xa quê hương, xa gia đình nhất là xa Mẹ, nhớ thương Mẹ đã được Thi Sĩ tác giả tâm sự để kết thúc thi phẩm, được gói trọn qua câu thơ:
Và con, nhòa nhạt tiếng yêu đương.
Bài thơ thật súc tích, không những cho người đọc hình dung ra được ngay cảnh gia đình chuẩn bị đón Tết mà còn đong đầy tình cảm thương nhớ người thân và quê hương.
Bây giờ tôi mạn phép được giới thiệu nhạc phẩm do tôi phổ nhạc bài thơ Xuân Vẫn Tha Hương dưới đây với khả năng tự học mò tàm thụ với ông thầy Google để kết thúc bài tạp ghi.
Thú thật trong đời tôi hầu như ít khi viết giới thiệu về Thơ-Văn-Nhạc vì tôi không biết gì nhiều về nhạc nên xưa nay nào dám. Thêm nữa, văn chương chữ nghĩa của một cựu học sinh ban B như tôi thì “khỏi chê vì xưa lúc còn đi học tôi rất ghét môn Việt văn”, vậy mà thời gian qua tôi lựu đạn đã xí xọn, gồng mình viết vài bài tạp ghi giới thiệu về thơ nhạc, lại còn bày đặt phổ vài bài thơ mình thích tình cờ thấy trên nhóm / diễn đàn thành nhạc nữa. Thầm nghĩ cũng lạ thật !.
Xin nói thêm, cái hay của thi phẩm “ Xuân Vẫn Tha Hương ” của Nữ Sĩ Minh Đưc Hoài Trinh theo tôi là Văn-Thi Sĩ Minh Đưc Hoài Trinh đã vẻ ra đơn giản cái “Không Khí Tết xứ người, pha lẫn sự nồng nàn nhớ Quê Mẹ của một người đang sống tha phương trong đó.
Thi sĩ tác giả kết thúc bài thơ diễn tả nỗi thương nhớ “Mẹ” của người mất nước và cũng chính là nỗi đau của tác giả đối với quê hương khi còn trẻ cho đến cuối tháng Tư năm 1975 …
Tôi mạn phép ngưng ở đây và mời Quý độc giả ghé xem bản nhạc do tôi (người soạn nhạc) biên soạn tài tử như là món quà nhỏ kính tặng Cố Nữ Sĩ Minh Đức Hoài Trinh, tác giả của thi phẩm “ XUÂN VẪN THA HƯƠNG ” mà tôi hân hạnh và tình cờ quen qua diễn đàn Thơ-Văn và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ ở California/USA.
Lê-Ngọc Châu
* Nam Đức, Chiều Mồng Bảy Tết Quý Mão, 28. January 2023
* Tài liệu tham khảo: Internet / Wikipedia & hình tác giả từ internet tự minh họa với nhạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét