Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Lại Xuân Tới Đây!


Hôm nay là thứ ba 31/1/2023, nhằm ngày mồng 10 Tết Quý Mão. Nếu tôi nhớ không lầm, chúng ta ăn Tết 3 ngày, học trò nghỉ Tết 1 tuần. Nhưng Tết thì kéo dài 2 tuần. Từ lúc dựng nêu 23 tháng chạp (trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè) cho đến mùng 7 hạ nêu (sợ mau hết Tết hạ nêu đi .. làm !!). Năm nay, đầu năm ‘’Tết’’ Tây và Tết Ta đều rơi vào chủ nhật, làm mất hết một ngày nghỉ! Nhưng không sao, với những ‘’người cày không ruộng’’ như tôi( !), Tết là cả tháng Giêng. Còn những 20 ngày mới hết!

Người Việt Nam ta, dường như chú trọng về ‘’ăn’’ hơi nhiều (?). Không những ‘’ăn’’ đứng đầu tứ khoái (ăn, ngủ, ị, ‘’ấy’’) mà nó hiện diện hầu như cùng khắp.Từ bao tử (ăn uống) đến quần áo (ăn mặc, ăn diện).Từ chụp hình ( ăn ảnh) đến cho vay (ăn lời). Từ cái vui (ăn bài) đến cái xui (bị ăn trộm). Từ cá ăn muối, máy ăn xăng, môi giới ăn huê-hồng, tiệm buôn ăn khách, người đi làm ăn lương, ‘’đô-la’’ ăn mấy chục ngàn ‘’đồng’’ (hối xuất), đảng viên ăn hối lộ vv đến keo hồ cũng ‘’ăn’’, thắng xe cũng ‘’ăn’’. Ăn xin khác với ăn chực, ‘’ăn thua đủ’’ không chỉ liên quan đến bài bạc, nằm ăn không sướng bằng ăn-nằm (?), ‘’ăn không ngồi rồi’’ khác với ‘’không ăn rồi ngồi’’, ‘’nhảy vào ăn có’’ khác với ‘’nhảy vào có ăn’’, ăn vụng như mèo không bằng ăn vụng với .. mèo, vv Rồi ăn gian, ăn cắp, ăn mày, ăn đòn, ăn hại, ăn chận, ăn giựt, ăn ... nói, ăn ở ..vv Cái gì cũng ''ăn''!

‘’Tháng Giêng là tháng ăn chơi’’, là tháng nghỉ ngơi của nhà-nông giữa hai mùa vụ. ‘’Ăn chơi’’ bắt đầu từ ăn Tết. Sau 75, mấy triệu người Việt Nam tị nạn hải ngoại ‘’được’’ dịp ăn hai cái Tết : Tết Tây và Tết Ta.

Như hầu hết những đồng bào di tản, vượt biên thập niên 70s, tôi ăn Tết Tây ‘’lớn’’ hơn Tết Ta, nếu không muốn nói là chỉ ‘’ăn’’ Tết Tây. Mấy năm đầu mới qua, ở tỉnh nhỏ, người Việt thưa thớt, Tết Tây là ‘’một ngày như mọi ngày’’, nằm nhà xem TV. Tết Ta là một bữa họp mặt ăn uống giữa 2, 3 gia đình đồng hương.Không khí Tết chỉ có với mấy món ăn Việt Nam, với ‘’Ly Rượu Mừng’’ và mấy bàn xì-dách, xập xám, loto ! Được vài năm, dọn nhà theo công việc, Tết cũng ‘’tàn’’ theo! Sau này, nhờ gần Paris, chúng tôi mới thấy lại không khí Tết Ta ở khu chợ Tàu, quận 13. Tuy Tết Tây là chánh nhưng nhờ gặp lại vài bạn cũ chung phân khoa ở Sài Gòn , chúng tôi bắt đầu ăn Tết Ta với mấy cành đào, vài phong bánh chưng và mấy bài ‘’karaoke’’ (!) Tết !

Trong buổi dạ tiệc (dạ vũ) đêm 31/12/2022 vừa qua, không biết có ai như tôi: khi ngồi ăn giữa tiếng nói cười náo nhiệt hay lúc ‘’quay cuồng’’ với bạn bè trên sàn nhảy, thấy cảm khái vô cùng?! Có ai nhận thức rằng, phải đợi trên 2 năm dài, họ mới có được những giây phút này ? Có ai ngồi thẫn thờ, nhớ người bạn ‘’quậy’’ đã ‘’đi xa’’ vì Covid !!!

Tháng Giêng năm nay tôi ‘’ăn chơi’ hơi nhiều! Ăn chơi (ăn ít) nhiều hơn ăn thật ! Đầu tháng Tết Tây, giữa tháng sinh nhật bạn (cặp bạn chúng tôi : vợ Việt, chồng Tây, thành công trên đường đời, bạc tiền rủng rỉnh, thích bạn bè đông vui, nhà cửa rộng rãi nên hay ‘’kiếm cớ’’ tổ chức tiệc tùng, nhảy nhót / ban nhạc, ca sĩ), cuối tháng (28/12) Tết Ta. 3 lần là 3 dạ tiệc, dạ vũ.

Không biết có phải để ‘’đi tìm lại thời gian đã mất’’ ( Proust ) sau một thời gian bị Covid giam lỏng không nhưng, trong 3 đêm ‘’ăn nhảy’’, trở về lúc 2, 3h (sáng) : lần nào cũng là xe cộ đông đúc trên các ‘’xa lộ’’ (autoroute) vòng quanh thủ đô : A1, A4, A10, A15, A86 ..vv !!! Giao thừa Tây thì không nói nhưng chả nhẽ bây giờ:Tây cũng ăn Tết Ta? Suốt mấy tháng nay, vùng bắc Pháp, trời âm u, ảm đạm, mưa thịnh, nắng suy, đêm dài, ngày vắn! Lúc sau này, mắt kém (lên độ ?), thêm chính phủ tiết kiệm năng lượng, xóm nào cũng là ‘’xóm đêm’’, đường nào cũng là ‘’đường dài không bóng (đèn)’’ ! Xung quanh xe vùn vụt, đổi ligne lung tung, tôi vừa lái, vừa càu nhàu như mấy ông .. già (khó chịu) !

Chuyện ‘’ăn nhảy’’, cái ‘’ăn’’ đã nói ở trên. Giờ, qua cái ‘’nhảy’’.

Không biết ai đã dịch ‘’danser’’ là ‘’nhảy đầm’’ nhưng đó phải là một người đàn ông ‘’thấy sao dịch (đại) vậy’’. Gọi là khiêu vũ nghe ‘’già’’ hơn, nhưng đỡ chói tai hơn. Tuy nhiên, từ khi thấy ông già học .. ‘’giả’’ Vũ Khiêu (1916-2021 / Việt Nam) tỉnh bơ chôm câu‘’ Vân tưởng y thường hoa tưởng dung’’ của Lý Bạch để nhét vào 2 câu đối .... sai luật ( mấy chữ ‘’Trí như bạch tuyết tâm như ngọc’’ trong… vế ông Khiêu không có gì đối với ‘’Vân tưởng y thường hoa tưởng dung‘’ chôm từ thơ Lý Trích Tiên cả ! ) tặng hoa hậu (quốc nội) Kỳ Duyên, rồi lại còn ôm hôn cô cháu gái một cách quá ‘’thắm thiết’’ khiến bà con ‘’bức xúc’’, lên ‘’mạng’’ phê bình tơi bời hoa lá, thì tôi đổi ý. Thà chói tai còn hơn bực mình !

Không biết ‘’Danse de salon’’ (khác với ‘’danse populaire’’ / nhảy ‘’phổ thông’’ (?) ) tiếng Việt dịch là gì, bởi nó không chỉ ‘’nhảy’’ trong phòng khách ? Đại khái, đó là tiếng tổng quát dùng để nói về các điệu nhảy (2 người hoặc 1 mình) ở khắp mọi nơi : dancing, bal, thé dansant, salon, soirée vv Trong các cuộc thi nhảy (compétition), ‘’danse de salon’’ giới hạn ở 2 nhóm (nhảy cặp):
-Standard (2 người nhảy luôn đối mặt nhau, tay trong tay, di chuyển vòng piste ) : valse chậm / valse nhanh / tango / slow fox trot / quick step )
-Latin: samba / paso-doble/ cha-cha-cha / rumba/ jive (tiền thân của rock boogie-woogie, swing, lindy hop)

Trước 75, ở Việt Nam (nhất là Sài Gòn), trong các ‘’bùm’’ của những người trẻ nhảy-‘’tài tử’’ (amateur) là những ‘’điệu’’ : rumba ( ta gọi là ‘’boléro’’), cha-cha-cha (đi tới, đi lui), tango (đi lui, đi tới), valse chậm (ta gọi là ‘’boston’’), paso-doble ( đi-chợ ), valse (valse nhanh) , twist , soul (nhảy hơi giống disco), slow, slow-rock, bebop. Nhảy nhiều nhất là … Slow-mùi (còn gọi là slow Mông-Cổ : đào bá cổ kép, kép ôm mông đào) , cha-cha-cha, rumba, bebop, tango, valse chậm.

Không biết luật có bất thành văn không nhưng mở màn chương trình phải là đi -chợ ‘’paso’’, tiếp theo rumba dịu dàng, cha-cha-cha sôi nổi. Xong bộ Tam quốc Vũ này, thì mới đến các điệu khác. Điệu vui xen kẻ điệu ‘’buồn’’ (chậm). Không biết các ‘’bùm’’ nơi khác thì sao nhưng những ‘’bùm’’ tôi tham dự, rất hiếm valse (nhanh),hầu như là không có.

‘’Thủa đó’’ điệu nào, Hai Lúa cũng ra sân, nhảy rất tận tình. Nhưng không biết sao, từ khi sang đây, có nhiều bản (Việt) mà tôi không hứng thú để ‘’nhảy’’. Phần do nhạc, phần do lời. Nhất là tango. Chỉ có 2 bài tango ‘’lời Việt’’ mà tôi nhảy đã là ‘’Vũ nữ thân gầy’’ (La cumparsita / lời : Phạm Duy) và ‘’Tình yêu như mũi tên’’ ( Tango El Choclo/lời : Anh Bằng). Không như trong các điệu khác, với tôi : nét ngũ cung trong tango Việt làm cho bước nhảy bớt … tango đi.Rồi có những ca khúc mà nội dung (lời ca) không làm cho mình nhảy nổi ! ‘’Bên cầu biên giới’’ chẳng hạn. ‘’hay là chết bên dòng sông Danube / những đêm sáng sao ..’’. Lời ca lãng mạn như thế, đẹp như thế, chỉ để ngồi nâng ly thưởng thức, chứ làm sao mà ‘’promenade fallaway, twistée .. ’’, ‘’habanera’’ cho nổi !??!!! Valse thì khác !

Cha-cha-cha : ta gọi là ‘’cha-cha-cha’’, slow là ‘’slow’’, twist là ‘’twist’’ vv nhưng Valse: ta gọi (tuy ít thông dụng) là ‘’luân vũ’’. Tôi biết danh từ này qua ‘’The last Waltz’’, version lời Việt của anh Trường Kỳ ( Tuấn Dũng hát ). Nguyên tác ’’The last Waltz’’ , anh Trường Kỳ viết lại là ‘’Bài luân vũ mùa mưa’’ : Kìa trông trời bao mùa mưa / tới bên ta rồi . Từng cơn , từng cơn sầu hắt hiu/ lệ rơi …’’

Tôi nghĩ khó có chữ nào, ngoài ‘’luân vũ’’, để dịch ‘’valse‘’ ra tiếng Việt. Như bánh xe luân hồi trong Phật giáo, luân vũ là điệu vũ xoay tròn, người vũ xoay tròn, vừa nhảy vừa xoay, (đi) vòng hết piste. Bùm. chách chách / Bùm chách chách/ Bùm vv Cùng một nhịp ¾ nhưng ‘’valse Anh’’ (boston) chậm ( trung bình 2 lần ) hơn ‘’valse Áo’’ (thủy tổ Valse) . Nhạc Việt Nam, ‘’buồn’’ nhiều hơn ‘’vui’’, valse ít hơn ‘’boston’’. Tuy ít nhưng bài nào cũng vui, cũng làm cho chân …’’ngứa’’ !

Ngày xưa, vì bị chóng mặt, không bao giờ tôi ôm hết một bài valse, nên ăn gian, ngồi canh lúc gần hết bài thì mời ''người đẹp'' ! Nhưng cái gì cũng vậy, nói theo râu quặp ‘’Võ đại Lang’’ (anh Võ Tòng) : nhịn riết rồi cũng quen ! Bây giờ thì ‘’khá’’ nhiều rồi, ''yêu valse dài lâu'' được rồi, cũng ‘’attaque’’ như người ta (tuy chỉ 3,4 thành công lực!).

Nhạc vui thường là âm giai trưởng. Như các bài valse : Ly rượu mừng, Dòng sông xanh (Le beau Danube bleu / lời : Phạm Duy), Khúc hát thanh Xuân ( When we were young / lời Việt: Phạm Duy) , Xuân và tuổi trẻ, Thu Vàng, Đường lên sơn cước, Dòng An Giang, Thương về xứ Huế, Nụ cười sơn cước vv Âm giai thứ, tôi chỉ nhớ 3 ca khúc : ‘’Yêu’’ (Văn Phụng) ; ‘’Sóng nước biếc’’ ( Les flots du Danube/ lời : Phạm Đình Chương) ; Khúc nhạc muôn đời ( Domino/lời : Hoàng Hương Trinh) . Tình nồng cháy ( Over and over waltz / lời Việt ; Khúc Lan ). Nhảy ‘’đã’’ nhất là ‘’Domino’’ !

Cách đây, gần đúng 6 năm, để góp vui vào chương trình văn nghệ mừng Xuân Đinh Dậu (2017) do 2 vợ chồng người bạn (Việt) thân tổ chức (ở nhà hàng con trai bạn) và cũng để thay đổi không khí, chúng tôi mời một cặp bạn (Pháp) khác, nhiều lần đoạt giải nhất ‘’Standard’’ trong nhiều cuộc thi (compétition) ở Pháp, biểu diễn một bài Valse, nhà-tôi và tôi hát đệm ''Domino'', hai lời Pháp Việt. Lời Việt ‘’Xuân tới đây’’, tôi viết 2006.

‘’Xuân tới đây’’ (2006), viết theo version ca sĩ Pascal Sevran hát , với vài đoạn ‘’fantasy’’, hát không đúng với notes nhạc nguyên tác. Lần này, tôi viết lại theo bản gốc do ca sĩ André Claveau hát

Version nhạc này cũng là version ‘’Khúc nhạc muôn đời’’ của Hoàng Hương Trinh ( có người nói là cô ruột (sinh năm 1930) của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên?) do Thái Thanh.hát ( https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/khuc-nhac-muon-doi-thai-thanh.iQnCbwxvdP.html )

Kèm theo là nguyên tác (notes nhạc và hợp âm của Ferrari ) ca khúc ‘’Domino’’, tôi chỉ viết lời Việt. 


‘’Khúc nhạc muôn đời’’ nói về mùa thu, về trăng vàng, về nước xanh, về đêm thanh, về lá úa.’’Xuân tới đây’’ nói về mùa xuân : mùa của nắng đầy, của tóc thơm, của môi hôn, của đêm mơ, ngày mộng. ‘’Bao la trời đất / biết đâu còn, mất / những xuân tình ngất ngây dấu yêu ?’’.

Để nhớ lại tình xuân của chúng ta, ngày đó !!!

BP
31/01/2023
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét