Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Tản Mạn Về Vị Chua

Cách đây mấy năm, Trần sư huynh phiếm luận về MÙI trên Tập San Y Sĩ, mọi người đọc xong thì cười sặc lên, nhưng lại chê là hơi nặng mùi. Lúc đó, Bát Sách đã có ý định tản mạn một chút về VỊ, nhưng vì còn nặng nợ áo cơm, thê tróc tử phọc, lại bị bạn xấu là Bát Vạn dụ đi thăm cây tổng, cây hợp lu bù nên cứ lần lữa hẹn ngày mai. Đúng là mai dài hơn thuổng, thành ra bây giờ mới viết xong đem trình làng.

Trên phương diện cơ thể học, mùi được truyền đến não rất giản dị bằng thần kinh khứu giác (nerf olfactif) là giây thần kinh số 1 trong 12 giây thần kinh sọ.

Sự truyền vị rắc rối hơn nhiều.

Lưỡi là cơ quan vị giác chính. Ngoài ra, cổ họng (pharynx), thanh quản (larynx) nóc giọng (voile du palais), thực quản (oesophage), thịt dư (amygdale) cũng có thể tiếp nhận các vị, nhờ các núm vị giác (papille gustative). Trên lưỡi, từ trước ra sau, các núm được xếp để nhận các vị ngọt, mặn, chua, đắng…Việc truyền vị từ 2/3 trước của lưỡi qua thần kinh mặt (nerf facial số VII), từ 1/3 sau của lưỡi, thịt dư, nóc giọng, cổ họng, thanh quản qua thần kinh thiệt hầu (nerf glosso-pharyngien, số IX ), từ thực quản qua thần kinh phế vị (nerf pneumo-gastrique, số X ). Thần kinh này cũng có tên là thần kinh mơ hồ ( nerf vague ).

Vị giác của mỗi người tuỳ thuộc vào số lượng núm và ngưỡng kích thích (seuil de stimulation) của chúng. Những người già, người hút thuốc, mức kích thích tăng lên, vị giác bị giảm.

Sách y khoa chỉ nói đến 4 vị ngọt, mặn, chua, đắng. Trên thực tế, còn nhiều vị khác, chẳng hạn cay (thi không ăn ớt thế mà cay), nhạt (nhạt như nước ốc) bùi (ngọt bùi thiếp đã hiếu nam), chát (chát xít như đít bà già), thảo thảo, the the, giôn giốt… Nếu cứ tà tà nói hết các vị thì Tập San Y Sĩ không đủ chỗ, do đó Bát Sách chỉ nói đến vị chua, vừa nghĩa đen, vừa nghĩa bóng. Bài sẽ gồm có 3 phần: Đồ ăn hoặc những thứ có vị chua, lời nói chua, và cư xử chua.

Chúng ta bắt đầu bằng đồ ăn hoặc những thứ có vị chua, vừa thiên nhiên vừa nhân tạo.

Trong các loại trái cây, chanh có lẽ chua nhất. Các bà, các cô quá đanh đá bị chê là chanh chua. Chanh được dùng hàng ngày, cho vào nộm rau muống, gỏi sứa tôm thịt, phở, mì, hủ tiếu, làm bò tái chanh.. chanh muối là một món giải khát rất hấp dẫn. Chanh mọc khắp nơi trên thế giới.

Xoài là loại trái cây rất thịnh hành ở miền Nam Việt Nam, khi xanh thì chua, khi chín thì ngọt. Xoài xanh nấu canh với thịt nạc, rất thơm và thanh, ăn ngon quên chết, nói theo kiểu nhà văn Trà Lũ. Có loại xoài chín vẫn chua, trái rất lớn gọi là xoài tượng. Các cô thích món này lắm, thường lén dấu trong cặp với gói muối ớt để giờ ra chơi vừa ăn vừa hít hà, đủ cả 3 vị chua, cay, mặn. Nhắc tới xoài tượng là BS nhớ tới Trần Văn Dũng. Vị sư đệ này tính hoạt kê, có lần đưa ra một câu đố giống tiếng Quảng Đông : “Dắt cô lường sực sám cô xường toại” và giảng là một cô nàng ăn 3 trái xoài tượng. Trần sư đệ thích gặm hột xoài lắm, có lẽ ngày xưa từng bị bệnh này!

Sấu vốn dĩ ở ngoài Bắc, trong Nam lâu lâu mới thấy. Các cây trồng bên lề đường Hà Nội xưa đại đa số là sấu. Tới mùa trái chín, chính phủ cho đấu thầu, nhưng nhiều người thường leo hái trộm, bị người Hà Nội gọi là “dân bấu sấu.” Sấu xanh chua lắm, nhưng rất thơm, dầm nước mắm chấm rau muống luộc, vừa ngon vừa rẻ.

Ở trong Nam, cây trồng lề đường thường là me. Quả me không ngon lắm, để nấu canh chua và làm mứt. Nhắc tới me, BS không nhớ tới vị chua của nó mà nhớ tới một cảnh đẹp, cảnh một thiếu nữ nhỏ nhắn, yểu điệu đi dưới hàng me cao vút, tà áo trắng phất phơ… Một làn gió nhẹ thổi qua, lá me bay lả tả, vương vương trên mái tóc dài. Hôm nào, Bát Sách sẽ nhờ anh bạn họa sĩ Hà Mộng Hải vẽ giùm bức tranh này.

Trái khế, ở Việt Nam, bị xếp vào loại hèn, qua Canada bán đắt như vàng. Ngày xưa, Bát Sách từng ăn khế xào lòng heo, lòng bò, cũng không thấy xuất sắc gì cho lắm. Có vị nào còn nhớ hoa khế ra sao không? Bát Sách thì quên mất tiêu, chỉ nhớ bệnh “Mào Gà Hoa Khế” được thầy Nguyễn Văn Út chỉ cho nhiều lần khi đi thực tập.

Mơ là một loại cây dại, mọc trong rừng, quả nhỏ, rất chua. Thời Tam Quốc, khi đi đánh Trương Tú, quân bị thiếu nước, Tào Tháo bèn cầm roi, chỉ phía trước, nói rằng: “đằng kia có một rừng mơ rất lớn, trái nửa xanh, nửa vàng, ăn được”. Tướng sĩ, chỉ tưởng tượng tới vị chua của mơ mà chảy nước miếng, hết khát.

Một loại trái cây hầu như ngày nào ta cũng ăn, gọi là cà chua, nhưng lại không chua gì lắm, ăn sống, nấu canh đều rất ngon.

Đó là sơ lược về những thứ chua thiên nhiên.

Đồ chua nhân tạo cũng nhiều. Bác sĩ Lê Văn Lân đã có một bài biên khảo rất công phu về dưa, Bát Sách xin viết về mấy thứ khác.

Ở nhà quê ngày xưa, chúng ta có mẻ, tức là cơm lên men hay cơm thiu. Mẻ dùng để nấu giả ba ba, giả cầy, ăn ngon hết xẩy. Từ ngày ở Canada, Bát Sách sợ, không dám ăn mẻ, bèn dùng yaourt là sữa chua để thay, cũng uy tín không kém gì mẻ mà lại an toàn trên xa lộ !

Giấm là thứ đồ ăn chua nhân tạo số một, ai cũng biết dù Âu hay Á, dù da trắng, da đen, da đỏ, da vàng. Giấm do ai nghĩ ra, từ hồi nào, Bát Sách xin chịu, chỉ biết đầu đời nhà Đường đã có giấm rồi, nhờ truyện của Phòng Huyền Linh. Phòng là Tể Tướng của Đường Thái Tông, lúc trẻ kết duyên với Lư thị là trang giai nhân tuyệt sắc. Một lần, Phòng ốm nặng, tưởng không qua khỏi, bèn dặn Lư thị, nếu mình qua đời thì nên tái giá để có nơi nương tựa. Để tỏ lòng trinh liệt, Lư thị liền lấy dao đâm mù một mắt. Ngờ đâu, lần đó Phòng không chết. Cảm động vì mối chân tình của vợ, Phòng suốt đời một lòng một dạ thuỷ chung. Khi Phòng 60 tuổi, làm Tể Tướng, vẫn chưa có con nối dõi, mà nhất định không lấy hầu, thiếp. Một hôm, Thái Tông triệu Phòng, Lư tới trước điện, chỉ hai cái ly, nói với Lư thị:

“Quan Tể Tướng đã lục tuần mà chưa có hậu tự, Trẫm muốn ban cho người một ít hầu, thiếp. Đây là một chén rượu và một chén độc dược, nếu phu nhân bằng lòng thì uống rượu, không bằng lòng thì uống độc dược”.
Lư thị không nói gì cả, bưng chén thuốc độc uống luôn! Thực ra, đó chỉ là chén giấm. Vua Thái Tông phải than: “Đàn bà mà ghen như vậy thì Trẫm cũng còn phải sợ nữa là Phòng Huyền Linh.” Từ đó, muốn ám chỉ ai hay ghen, người Hoa nói: “bà ta ăn phải giấm chua”
Nói cho ngay, Lư thị ghen thì thật chính đáng, bất trinh như vợ Trang Tử mà ghen thì mới chán đời!
Luôn tiện đây, Bát Sách xin nhắc lại lời của sư đệ Lê Quang Tiến: “ở Việt Nam, vào Chợ Lớn thì ăn Giấm Xủ, tức Dú Xẩm, ở Montréal thì ăn Giấm Đù, tức Dú Đầm.”
Những món chua nhân tạo vừa kể, người ta vắt óc nghĩ ra để làm tăng hương vị của món ăn, để thỏa mãn thần khẩu. Có nhiều thứ chua, cũng “nhân tạo”, do người tự nhiên tiết ra, nhưng làm khổ đương sự và những người lân cận vì nó vừa có vị, vừa có mùi! chẳng hạn các bà các cô bị huyết trắng (leucorrhée), những người có mồ hôi trộm mà lười tắm, hay người bị tiêu chảy. Hai trường hợp trên, mùi thì đã rõ, nhưng vị thì nghe đâu là chua, nhưng không ai biết chắc. Bát Sách xin tản mạn một chút về tiêu chảy, vì đó là nghề của chàng, mà đám bạn xấu gọi là cacalogie! Caca thì dĩ nhiên là nặng mùi. Caca mà thơm thì chủ nhân của nó chắc bị bệnh, nhưng vị của nó ra sao thì sách chuyên môn cũng không thấy nói, ta phải tìm ở chỗ khác:
a) Ca dao có câu: Cứt trẻ là mẻ chấm rau. Mẻ thì phải chua.
b) Thời Đông Chu, Việt Vương Câu Tiễn bị vua Ngô là Phù Sai bắt tù 3 năm, quét phân, chăn ngựa. Muốn lấy lòng vua Ngô để được tha và đem quân phục thù sau này, Câu Tiễn đã nghe lời Phạm Lãi, nhân vua Ngô bị bệnh, vào thăm, quỳ xuống nếm phân và tâu như sau: “phân người là do ngũ cốc sinh ra, vị của phân phải phù hợp với thời tiết. Nay, phân của bệ hạ, trong vị đắng, có vị CHUA, tương ứng với thời tiết mùa xuân và mùa hè, cho nên ngự thể sẽ sớm được bình phục.”

Cứ đó mà suy, ta biết phân có vị chua.
Đó là phân lỏng thôi, phân đặc thì Bát Sách không tìm ra chứng cớ. Có thẩm quyền nhất để trả lời câu hỏi này là các chú cẩu, nhưng chúng lại không “truyền thông” được cho loài người.

Những lời nói chua:

Bát Sách không rành về văn hoá Tây phương nên không dám lạm bàn, sợ mang tiếng múa rìu qua mắt thợ.

Dù ở Canada gần 30 năm, Bát Sách thật tình chỉ hiểu lờ mờ về người bản xứ. Họ cũng cười, cũng diễu, nhưng ít khi có lối nói chua như người Á đông. Chỉ có vài câu mà Bát Sách biết:
- Ở đời, có hai thứ không thể tránh được là thuế và sự chết.
- Không có gì free, kể cả freeway.

Những câu này chỉ hơi chua chua mà thôi. Vị nào biết nhiều, làm ơn nhắc Bát Sách.
Việt Nam và Trung Hoa thì Bát Sách biết khá hơn một chút.
Ngoài Bắc, có một bài ca dao toàn nói ngược, kiểu chanh chua mà Bát Sách còn nhớ:

Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng,
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi,
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà be rượu nuốt người lao đao,
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô,
Lúa mạ nhẩy lên ăn bò,
Cỏ năn cỏ lác rình mò bắt trâu,
Gà con tìm bắt diều hâu,
Chim di đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.

Trong Nam cũng có một bài tương tự:

Tập tầm vông,
Chị lấy chồng,
Em ở giá,
Chị ăn cá,
Em mút xương,
Chị nằm giường,
Em nằm đất,
Chị húp mật,
Em liếm ve…..

Có nhiều câu nói chua, mình thường dùng hàng ngày một cách rất tự nhiên mà không để ý: ăn cỗ mà đói thì “chua miệng” đánh bài ít thời gian thì “chua tay,”giao hợp gặp người tảo giấy, chưa đã thì “chua l..”
Lời nói chua đôi khi biểu hiện sự nuối tiếc những gì đã mất, hoặc sự hối hận về một quyết định sai lầm:
- Các bà mẹ ngày xưa đông con, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam khá cao, vì bệnh hoạn, vì chiến cuộc. Những gì đã mất thì mình mới quý, mới tiếc, nên khi giận con, các cụ than “cục vàng thì mất, cục đất thì còn”. Câu này chua lắm chứ! Có điều con cái hiểu lòng mẹ, không giận, chỉ cười.

- Khi lập gia đình, người con gái hy vọng tìm được một chàng trai thương yêu mình thật sự, cha mẹ chàng hiền lành, dễ mến, rộng rãi thì phận làm dâu đỡ khổ.

Ngờ đâu:

Nghe đồn cha mẹ anh hiền,
Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai.

Đó là ngày xưa, tiền đồng tiền kẽm kìa, bây giờ tiền giấy, đâu cần cắn!

Lời nói chua có khi xuất phát bất ngờ, dùng để trả đũa vì bị trêu chọc:

Quý vị người Bắc chắc còn nhớ, khi nhổ mạ, cấy lúa, các bà các cô thường lom khom trong một tư thế không được đẹp lắm. Truyện kể rằng, có một chàng ở tỉnh về quê, đi qua đám ruộng, thấy các cô vừa cấy lúa, vừa hát ví, bèn nổi hứng ghẹo rằng:

Nhà em tội lỗi gì đâu,
Suốt ngày em chổng phao câu lên trời.

Một cô, thấy anh chàng có vẻ nham nhở, liền hát đối lại ngay:

Bây giờ nông vụ chí kỳ (tới kỳ)
Em mà không chổng, lấy gì anh xơi.

Chàng trai, biết gặp tay chua có hạng, cúi đầu lỉnh mất. Hỏi ra thì đó là vùng Nội Duệ, Cầu Lim, vùng mà các bà các cô nổi tiếng chua ngoa, đanh đá.

(Trai Cầu Vồng, Yên Thế,
Gái Nội Duệ, Cầu Lim)

Lời nói chua cũng có thể là phản ứng tiêu cực của kẻ yếu trước kẻ mạnh, có quyền sinh sát để tỏ sự bất mãn. Chúng ta có nhiều thí dụ về loại này:

- Cao Bá Quát là người hay chữ nổi tiếng thời Tự Đức mà chỉ được bổ một chức quan hạng bét là hành tẩu bộ Lễ, trong khi hai người tôn thất không hay chữ lắm là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thì được vua khen là “thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”, lập Mặc Vân Thi Xã để xướng họa. Cao Bá Quát bèn làm thơ chua, chê :

Ngán thay cái mũi vô duyên,
Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An.

Thuyền Nghệ An chở nước mắm nên mùi hơi khẳm.

(Cao Bá Quát có thơ phú rất hay, nhiều giai thoại được lưu truyền, tiểu sử của ông không chắc đúng hẳn, vốn là thần tượng của Bát Sách)

- Cũng thời Tự Đức, có Lê Ngô Cát, người Hà Đông, đỗ cử nhân năm 1848, cùng với Phạm Đình Toái, hợp soạn bộ Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca. Đọc xong sách,Tự Đức rất thích, thưởng cho Lê một tấm lụa và 2 đồng tiền vàng. Bị các bạn bắt khao và làm thơ tức sự, ông ngâm hai câu lục bát khi rượu đã ngà ngà:

Vua khen thằng Cát có tài,
Ban cho cái khố với hai đồng tiền.

Câu thơ chua, chê vua kẹo đến tai Tự Đức, Lê liền bị đầy lên làm Bố Chính Cao Bằng, vùng nước độc.

- Đời Hán Vũ Đế, Cấp Ảm là người có tài, nhưng vì trực ngôn nên vua không ưa, không sao thăng quan tiến chức được. Thấy những kẻ mới làm quan mà qua mặt mình vù vù, lên tới Ngự Sử, Thị Lang, Thừa Tướng, Cấp Ảm đã có lần tâu với vua:

“ Bệ hạ dùng người như chất củi, ai đến sau thì ở trên “ hậu lai giả cư thượng.

Câu này về sau được người Hoa dùng làm thành ngữ.

Cả ba ông Cao, Lê, Cấp, chẳng ai được yên thân, thậm chí ông Cao còn bị chết. (có sách nói ông bị chém, có sách nói ông tử trận khi theo Lê Duy Cự)

Có khi vì ghen ghét, vì mặc cảm thua kém mà người ta nói chua, ông Trần Danh Án đã là một nạn nhân. Ông đỗ Tiến Sĩ khoa cuối cùng của nhà Hậu Lê, được vua Chiêu Thống cử sang Tầu xin quân cứu viện chống Tây Sơn. Ông phải đi lén lút, và ăn mặc như nông dân :

Vạn cổ ưng truyền kỳ tuyệt sự,
Tệ thoa, tàn lạp, sứ thần trang.

(Vạn cổ đáng truyền sự kỳ tuyệt,
Trang phục của sứ thần là áo tơi cũ, nón lá rách)

Tôn Sĩ Nghị, thừa lệnh Càn Long, đem quân qua Việt Nam, bị vua Quang Trung đánh cho không còn mạnh giáp.

Khi nhà Lê mất, nhiều cựu thần ra làm quan với tân triều, riêng ông Trần Danh Án vẫn giữ lòng trung. Một lần, vua Gia Long tuần du Bắc Hà, triệu Trần đến triều kiến, dụ làm quan, nhưng Trần khéo léo từ chối. Vua Gia Long không nỡ ép, cho về, và ban cho một chiếc khăn. Trần hãnh diện với cách hành xử của mình, làm bài thơ tự khen, 4 câu cuối như sau:

Bắc song xử sĩ do tri Tấn,
Đông hải tiên sinh bất đế Tần,
Tử hậu mộ bàng, nhân chỉ điểm,
Cố Lê triều tiến sĩ tính Trần.

(Bắc song xử sĩ, tức Đào Tiềm, chỉ biết nhà Tấn,
Đông hải tiên sinh, tức Lỗ Trọng Liên, không chịu tôn nhà Tần làm đế,
Sau khi chết, bên mộ, người ta chỉ tay nói,
Tiến sĩ triều Lê cũ, họ Trần.)

Hàng xóm của Trần là một ông đồ, rất hay chữ, nhưng không đỗ đạt gì.

Một hôm ông đồ qua chơi, Trần đem bài thơ ra khoe. Ông đồ vốn không ưa Trần, chê câu cuối thất niêm, chữ “tính” phải là một chữ vần bằng, xin đề nghị sửa lại

Tử hậu mộ bàng nhân chỉ điểm,
Lê triều tiến sĩ, Nguyễn triều cân.

Thì ra ông Trần có nhận khăn của triều Nguyễn thật! Bị chơi chua, ông Trần vừa giận vừa thẹn, nhưng đành chịu. Theo Bát Sách, ông đồ vì mặc cảm mà chơi xỏ, chứ ở đời, cư xử được như ông Trần Danh Án thật đáng ngưỡng mộ, ít người theo kịp, vì vừa giữ được khí tiết, vừa bảo toàn được sinh mạng cho mình và gia đình. Cùng lớp với Bát Sách cũng có một ông họ Trần, thời VNCH đi Nhẩy Dù, lên Thiếu Tá rất mau, khi Việt Cộng chiếm miền Nam, ông đã thành thật khai báo, chuyên tâm cải tạo, tận tình phục vụ tân chế độ, thật không đáng sách dép cho ông Trần Danh Án. Đúng là danh tương như thực bất tương như.

Lời nói chua có khi thể hiện sự nhẫn nhục, chịu đựng vì “định mệnh đã an bài”

- Một người bạn thời trung học của Bát Sách, sau khi đậu tú tài, được học bổng Colombo, qua Canada, và lập gia đình với một nữ sinh viên du học. Bà vợ rất đẹp, hiền lành, dễ thương, nhưng là con nhà giàu, lại xa nhà sớm nên không biết gia chánh. Bà nấu ăn loạn cào cào, chẳng theo công thức nào cả. Có lần anh than: “Vũ Thành An nổi tiếng vì mấy bài không tên, tao cả đời khổ vì những món không tên của bà xã”. Hy vọng vợ anh đọc được mấy dòng này, đi mua ngay cuốn gia chánh Quốc Việt để bạn của Bát Sách đỡ khổ.

- Một người bạn nữa của Bát Sách, rất nhiều tài, có tinh thần, thích hoạt động, lại thêm thói mê cờ bạc. Chàng có chân trong ban chấp hành của hội Y Sĩ, thành viên của cộng đồng người Việt Quốc Gia Vùng Montreal, họp hành lung tung, làm MC khi có tiệc tùng, tập Tài Chi, Sa Long Cương, cờ bạc thì ai ới là đi…

Tóm lại là chàng tối ngày vắng nhà.

Chàng có một con gái. Thấy cháu nhỏ cứ lủi thủi chơi một mình, anh em xúm vào khuyên hai vợ chồng nên có thêm đứa nữa, thì cô vợ cười khẩy: “mấy anh có thấy hòn vọng phu bồng 2 con bao giờ chưa?”

Trong mục này, những câu danh ngôn được Bát Sách xếp vào loại chua, nhưng nghĩ cho cùng chỉ có 3 phần chua mà tới 7 phần cay đắng. Thôi thì đương sự cứ tiếp tục ngậm bồ hòn làm ngọt.

Những lời nói chua thì thiên hình vạn trạng, nhưng cách diễn tả của võ tướng và  của văn nhân khác nhau rất nhiều: một đằng vũ bão, cộc cằn, một đằng nhẹ nhàng, thâm thuý.

- Ông Ích Khiêm là một võ tướng tài ba lỗi lạc dưới triều Tự Đức, tính tình thẳng thắn, nhưng kiêu căng, tự phụ. Khi Pháp tấn công cửa bể Thuận An, Tôn Thất Thuyết và ông chủ chiến, Nguyễn Văn Tường và những người khác chủ hoà. Ông Ích Khiêm mời các quan đến dự tiệc, dùng toàn thịt chó, nấu thật mặn. Nhiều người không ăn được thịt chó, xin thứ khác thì ông trả lời: “ hôm nay ở đây chỉ toàn là chó “Khi khách đòi uống nước (vì cố ý nấu mặn),ông giả bộ mắng đầy tớ:  “lũ chúng bay chỉ biết ăn mà không lo việc nước non”

- Trong truyện Lều Chõng, Đào Vân Hạc là tay đẹp trai, học giỏi, nhưng vận xui, cứ trượt hoài. Có lần bị vợ là cô Ngọc nói hành, nói tỏi, Vân Hạc làm bộ đưa bài thơ chữ Hán, nhờ dịch:

Lạc đệ viễn quy lai,

Thê tử sắc bất hỷ,

Hoàng khuyển độc hữu tình,

Đương môn ngoại dao vĩ.


Thi hỏng về đến nơi,

Vợ con mặt không vui,

Chó vàng riêng có tình,

Giữa cửa nằm vẫy đuôi.

(bản dịch của Ngô Tất Tố)

Lối chơi chua này quả nhiên thanh nhã, khác hẳn lối mắng của Ông Ích Khiêm, dù cả hai đều dùng chó để làm bung xung.

Có một lời nói chua mà người Việt, người Hoa diễn tả gần giống nhau.

Người Việt thì:

Trông xa ngỡ tượng tô vàng,

Nhìn gần mới biết chẫu chàng ngày mưa.

Người Hoa thì:

Phi lai nghi tự hạc,

Hạ xứ khước tầm ngư.

Bay lại tưởng như hạc, (quý phái)

Đậu xuống cũng tìm cá.(tầm thường)

Bát Sách đọc mấy câu này thì cảm khái lắm, vì nó nói trúng phóc về mình. Quý vị ở xa, đọc Tập San Y Sĩ, tưởng đâu Bát Sách ngon lành lắm, ngờ đâu,ở Montréal, bạn bè coi Bát Sách như ruồi, tối ngày mắng lên mắng xuống. Những người hay mắng Bát Sách nhất là Phạm Hữu Trác, RIP, Trần Mộng Lâm và Trần Văn Dũng.

Đó là sơ lược một số lời nói chua mà Bát Sách còn nhớ, và còn tra cứu được. Quý vị nào có thêm thì xin vui lòng gửi cho Bát Sách để bổ túc.


Những cư xử hay hành động chua :

Người Á đông vốn thâm trầm, và rất khó chịu. Nói chua, kê tủ đứng vào miệng người ta, đối phương đã hốc hác rồi, khi cư xử chua, hành động chua thì còn độc địa hơn nữa, đối phương đau xoắn củ kiệu, không chết cũng bị trọng thương. Bát Sách xin kể những chuyện cư xử chua, 2 của Tàu và 2 của ta cho cân xứng.

Chu Mãi Thần, đời Hán, lúc hàn vi, vì quá chăm học, không lo kiếm ăn, nên nhà nghèo, bị vợ bỏ. Sau, Chu thi đỗ, lại may mắn được bổ làm quan tại quê nhà. Khi tới nhậm chức, Chu áo mão cân đai, cưỡi tuấn mã, tiền hô hậu ủng rất oai phong. Vợ cũ của Chu thấy vậy, quỳ mọp bên đường, xin trở lại. Chu lấy một bát nước đổ trước đầu ngựa, rồi nói: “nếu nàng hốt đầy được bát nước thì ta sẽ đón về

Đó chính là tích mã tiền bát thủy  trong thành ngữ Trung Hoa.

Vợ cũ của Chu, quá hổ thẹn, đã tự tử chết. Cách cư xử của Chu, chua thì có chua, nhưng hơi nhỏ mọn, không xứng đáng với một người có học. Người ta không trách Chu từ chối vợ cũ, mà trách Chu làm nhục nàng trước công chúng.

Thời Nam Bắc triều, Lương Nguyên Đế của Nam triều là Tiêu Dịch. Ông này là tay dũng lược, trận mạc liên miên, chiếm được rất nhiều đất đai, nhưng bị thương, mù một mắt. Hoàng phi của Nguyên Đế là Từ Chiêu Bội. Không hiểu Từ phi có gì thù ghét, khinh bỉ Nguyên Đế mà mỗi khi vua nhập cung, nàng chỉ trang điểm có một nửa mặt, sử gọi là “Bán diện trang”. Lý Thương Ẩn, trong bài vịnh sử “Nam Triều, có câu:

Hưu khoa thử địa phân thiên hạ,

Chỉ đắc Từ phi bán diện trang.

(Đừng khoe đất ấy chia thiên hạ,

Chỉ được Từ phi nửa mặt hoa )

Làm vua mà bị cư xử chua như vậy thì sao chịu nổi! Nguyên Đế lên ngôi năm 552, đến năm 554, bắt Từ phi phải tự tận, và sau đó còn viết cuốn Kim Lâu Tử để kể tội Từ phi, nhưng nội dung sách này không có gì bảo đảm là đúng.

Năm 1905, Lê Hoan tổ chức cuộc thi thơ vịnh Kiều, cụ Nguyễn Khuyến được mời vào ban giám khảo. Trong số người tham dự, Chu Mạnh Trinh là tay cự phách, được cụ Yên Đổ rất khen ngợi, trừ bài vịnh Sở Khanh có 2 câu bị cụ chê:

Làng nho người cũng coi ra vẻ,

Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay.

Mà cụ chê bằng thơ:

Rằng hay thì thực là hay,

Nho đối với xỏ lão này không ưa.

Câu này đến tai, họ Chu để tâm giận cụ Yên Đổ. Khi Chu làm Án Sát Hưng Yên, biết cụ Tam Nguyên đã loà, bèn sai người đến biếu một chậu hoa trà, là loài hoa rất đẹp mà không hương! Cư xử như vậy thì chua thật.

Nhưng cụ Yên Đổ nào phải tay vừa, bị chơi chua thì cụ chơi lại bằng cách làm bài thơ cám ơn, 4 câu cuối như sau:

Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá,

Gió to luống sợ lúc rơi già,

Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,

Chẳng thấy hương thơm, một tiếng khà.

Thật ra đây là bài thơ chữ Hán, cụ Yên Đổ tự dịch ra chữ Nôm. Thơ chữ Hán nhẹ nhàng, có vẻ trưởng giả hơn nhiều:

Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp,

Tiêu sắt thần phong oán lạc già,

Cận nhật tương khan duy dĩ tị

Liễu vô hương khí, nhất kha kha.

Cụ Nguyễn Công Trứ là người văn võ toàn tài, làm quan trải 3 triều nhà Nguyễn, có nhiều công trận, và lập ra 2 quận Kim Sơn, Tiền Hải. Hoạn lộ của cụ lại rất thăng trầm,vì bị đồng liêu sàm tấu với vua.

Khi về hưu, cụ thường đi dong chơi bằng chiếc xe nhỏ, kéo bởi một con bò cái, mà bộ phận sinh dục đã được che kín bằng miếng mo cau. Việc làm lạ lùng ấy dĩ nhiên khêu gợi trí tò mò của thiên hạ. Ai hỏi thì cụ trả lời “ để che miệng thế gian”.

Viết đến đây, Bát Sách vừa khâm phục cụ Uy Viễn, vừa hơi cảm khái, vì Montréal lúc này đang cần rất nhiều mo cau, mà thứ ấy ở đây lại không có. Và xin ngừng, vì nếu tản mạn thêm chút nữa, có khi lại được vài cái thư nặc danh, hoặc bị kiện ra toà..

Xin cảm ơn bồ tèo Lê Thành Ý đã vẽ giùm bức tranh Che Miệng Thế Gian.

Bát Sách, tháng 10 năm 2003.

Hiệu đính tháng 01 năm 2023.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét