Hồi ở trại Phú San, bộ di trú của nhiều nước gửi nhân viên tới phỏng vấn để nhận người tị nạn: Mỹ, Pháp, Đức, Úc...Gia Nã Đại nhận tôi rất dễ dàng, lo thủ tục cho đi khám sức khỏe, mua chịu vé máy bay, và phải hứa là không làm lại nghề bác sĩ... Cái này thì hơi kẹt, nhưng định bụng cứ hứa lèo, tới đâu hay đó... Bệnh viện Đại Hàn ngày đó rất đẹp, sạch sẽ, trang bị đầy đủ, hơn hẳn Chợ Rẫy, Nhi Đồng, Bình Dân của mình. Có nhiều người nói rằng, trước 1975, Việt Nam ngon lành hơn Hàn và Thái, tôi nghĩ mình tự cao tự đại hơi quá lố...Phú San có xưởng đóng tàu nổi tiếng thế giới, trong khi mình làm cái đinh cũng không đủ tiêu chuẩn, khi đóng, nếu gỗ cứng quá là đinh bị cong hoặc gãy.
Tôi rời trại Phú San chiều 21/07/1975, đi xe lửa đêm lên Hán Thành, đáp phi cơ qua Tokyo, Vancouver, rồi tới Mon treal cỡ 9 g tối.Từ trên không nhìn uống, thành phố rộng mênh mông, đèn sáng rực cả một vùng trời. Ở thành phố này, tôi có người quen, xa nhau từ gần 4 năm, đúng là nghìn trùng xa cách...Ngày xưa, tôi chỉ biết Gia Nã Đại là một xứ rất rộng, ở đó có nhiều tuyết, có thác Niagara, có ông thủ tướng playboy là Pierre Elliott Trudeau, và Montreal, chắc nhỏ lắm, vì thư nào gửi về, cũng chỉ thấy một con đường Maple Wood, dù số nhà, số phòng có thay đổi. Tới giờ mới biết mình lầm. Maple Wood là cây phong, nhựa của nó làm ra một loại sirop nổi tiếng thế giới, lá in trên quốc kỳ Gia Nã Đại. Đường Maple Wood nằm phía trước trường đại học Montreal, sinh viên trọ ở đây có thể đi bộ tới lớp, về sau, nó được đổi tên là Edouard Montpetit. Bây giờ, đến nơi, tôi mới biết mình lầm.
Từ phi trường, xe đi lòng vòng cả giờ mới tới khách sạn Queen, nơi chính phủ Canada dành cho chúng tôi tạm trú. Khách sạn này đã cũ, gần phế thải, nhưng đối với những người vừa rời trại tị nạn, đang khổ sở, thì đây là chốn thần tiên, thật quý phái và sang trọng. Tôi ở cùng phòng với Trần Cao Thăng: giường nệm trắng toát, thơm tho, nhà vệ sinh, bồn tắm sạch bóng. Thăng và tôi tắm rửa, kỳ cọ mãi, cố gột cho hết bụi trần, trước khi nằm, sợ làm ô uế chiếc khăn trải giường trinh bạch. Dù mệt phờ, nhưng vì lạ, lại chênh lệch thời gian, tôi cứ trằn trọc, thao thức, không sao ngủ được. Cả Thăng cũng vậy. Đến gần sáng, tôi mới chợp mắt một chút, nhưng giấc ngủ lại toàn mộng mị hãi hùng... Sáng, xuống lobby, được ăn điểm tâm bằng nước cam, sữa, bơ, trứng đánh với bacon và cà phê. Tôi rất áy náy, vì hai lý do: - Sau 2 tháng mì chay, nay được đồ mặn ngon lành, tôi ăn vừa nhanh vừa nhiều, chắc không lịch sự cho lắm. Bồi bàn mặc đồ quá đẹp để phục vụ mấy người quê mùa, khố rách áo ôm, mà khách lại chẳng ai có đồng xu dính túi để cho pourboire. Tuy nhiên, họ làm nhiệm vụ như thường lệ, rất tận t ì n h và chu đáo.
Sau khi ăn sáng xong, tôi lò mò vào cửa hàng bán đồ kỷ niệm của khách sạn để ngắm, và trầm trồ, vì món nào cũng lạ lùng và đẹp mắt. Thứ hấp dẫn tôi nhất là quầy thuốc lá đủ mầu, đủ vẻ, Camel, Lucky Strike, Pall Mall...Lúc đó, tôi có 2 tờ 10 đô la Mỹ do Hoàng Văn Thuận cho dằn túi, bèn mua một gói Pall Mall giá 75 xu. Một cây giá 5.5 đô la, một phần tư gia tài, tôi hà tiện, đâu dám mua. Trong cửa hàng nhỏ bé, tầm thường này, tôi nghe thoang thoảng một hương thơm nhẹ nhàng dễ chịu...đó không phải là mùi hoa, không phải mùi son phấn, nó là sự pha trộn của nhiều thứ, hương thơm mà sau này tôi không còn bao giờ gặp lại. Đó là mùi của văn minh, của tự do, hay chỉ là mùi thơm mà tôi tưởng tượng trong đầu? Có hẹn ở sở di trú lúc 14g mà Thăng và tôi đã lò mò đi từ lúc 11g, để gặp ông Cố Vấn ARBOUR. Chúng tôi tới nơi lúc 12g, mà tới 18g mới được gọi!
Trong thời gian chờ đợi, tôi thấy ông cố vấn cứ đi ra, đi vào, cà phê, thuốc lá, tán gẫu với đồng nghiệp, hoặc gác chân lên bàn nói chuyện điện thoại...Khi được gọi vào, ông cố vấn không cố vấn gì hết, chỉ đưa cho tôi tấm chi phiếu 49 đô la, là tiền nuôi 1 tuần, và dặn phải tìm chỗ ở và tìm việc làm, càng sớm càng tốt, tất cả không đầy 60 giây! Sau này, tôi mới biết, mấy vị cố vấn câu giờ, làm trễ để tính tiền lương phụ trội, giá gấp rưỡi. Sau khi đổi tấm chi phiếu ra tiền mặt, Thăng và tôi chán nản tìm đường về, qua trung tâm thương mại Atwater. Ở đây, trai thanh, gái lịch dập dìu, ăn mặc diêm dúa, mặt người nào cũng tươi như hoa. Có những cặp tình nhân trẻ còn ôm nhau, hôn hít loạn xà ngầu..Thăng và tôi thì trái lại, áo quần xập xệ, mặt mày ngơ ngác, giống như hai chú mán rừng, nhưng ở đây, dân chúng phớt tỉnh, ai lo việc nấy, chẳng thèm để ý. Khi về tới trước cửa phòng mình ở khách sạn, tui tôi thấy một thanh niên dong dỏng cao, tóc dài, ăn mặc giản dị, đi giày thể thao, tự giới thiệu là Trân. Ở đây, tôi phải nói một chút để quý vị hiểu rõ tình hình. Số là, khi ở Cần Thơ, tôi rất thân với cặp Nguyễn Tuấn Khoan, Vũ Thị Khánh Hải, và là cha đỡ đầu của Thuý Quỳnh, con gái lớn của 2 người. Hải có 2 người em du học ở Canada, là Vũ Quang Trân, và Vũ Thị Khánh Phương. Tôi chưa bao giờ gặp Trân, nhưng Phương thì có lần về chơi Việt Nam, xuống thăm anh chị, và tôi đã gặp. Khi tình hình đất nước quá bi quan, Hải cho tôi địa chỉ của Trân, Phương, rồi đem con về Sài Gòn. Nước mất, gia đình Hải chạy thoát, nhưng Hải đành ở lại vì Khoan bị kẹt ở Cần Thơ, và sau đó đi tù, vượt biên. Tôi và Thăng theo tàu hải quân, chạy thoát. Hôm đó Trân đến gặp cho biết mặt, và rủ tụi tôi tới nhà chơi, vì khi ở Phú San, tôi thường viết thư thăm hỏi và cho tin tức. Lúc đó, Trân ở cùng bác Rạng, ba Hải, với các em là Phương, Lân, Thuận, Hằng và người vú lâu đời là chị Thùy, ở số 3095 ave Linton.
Tối hôm đó, Thăng và tôi nhịn đói ngủ như chết, sáng hôm sau dậy muộn, ăn sáng đã hết, nên tụi tôi nhịn thêm bữa nữa. Ở Lobby khách sạn lúc đó, có một nhân viên sở di trú và 2 sinh viên Việt Nam giúp việc, có nhiệm vụ chỉ dẫn và thông dịch c h o người tị nạn. Ông Tây ôn tồn dặn chúng tôi phải tìm nhà và việc làm càng sớm càng tốt. Thấy có người Việt ở đó, Thăng và tôi tạt ngang nói chuyện và xin chỉ dẫn, nhưng cô không chỉ dẫn gì hết, chỉ lạnh lùng nói: Nội ngày hôm nay, hai ông phải rời khỏi đây để lấy chỗ cho người mới tới. Thì ra, cô đồng hương này đuổi mình còn tận tình hơn dân bản xứ. Thế là Thăng và tôi lên phòng xách cái túi rác màu đen bằng plastique đựng hành lý cà khổ của mình, rời ”tổ ấm ” để bắt đầu một cuộc đời lang thang, vô định. Lúc đó, tôi vừa tủi thân, vừa giận...Cô sinh viên này tên H, trông cũng sạch nước cản, nhưng thái độ của cô đối với đồng bào thì hơi nặng mùi, không được thơm như tên cha mẹ đặt. Tôi lẩm cẩm, cố tìm cách giải thích thái độ khó chịu ấy: Hoặc giả, cô du học lâu ngày, đã quên câu bầu ơi thương lấy bí cùng, hoặc giả, sau ngày quốc nạn 30/04, thấy dân tị nạn đến ào ào mà gia đình cô kẹt lại...Dù sao chăng nữa, chuyện cũ đã trên 40 năm, tôi hy vọng cô còn nhớ mình là người Việt, và gia đình cô, nếu bị kẹt lại thì nay cũng đã qua đoàn tụ. Hồi đó, ở lề đường, có rất nhiều chỗ đánh giầy, do người bản xứ phụ trách.
Khách ngồi trên những chiếc ghế cao lênh khênh, dựa vào tường, chỗ để chân ngang ngực người thợ. Đôi giày của tôi lúc đó đế mòn, da trầy, mõm há, nhưng đang sầu đời, lại tức nên leo tót lên ghế, phì phèo điếu thuốc, dạng chân cho người hầu hạ để xả xú bắp một cách tiêu cực. Đôi giày thổ tả của tôi, được trang điểm, quả nhiên có khá, nhưng tốn 2 đô la, đắt hơn 2 gói thuốc! Cả ngày hôm đó, Thăng và tôi đi rạc cẳng tìm nhà mà không thấy, đã tính chuyện nằm ghế đá công viên. Trời vừa tối, ngoài 21giờ, thì hai đứa tới đường Hotel de Ville, vớ được căn nhà số 999, cho thuê phòng với giá 14 đồng một tuần, trả tiền trước, không phải ký giấy tờ gì cả. Hai đứa thuê 1 phòng, mỗi ngày chỉ tốn 1 đồng bạc. Phòng khá rộng, có một cái giường, một bàn cũ, bếp gaz. Ở đây, chỗ ngủ thoải mái, nhưng vấn đề vệ sinh thì vô cùng vất vả, vì nhà tắm và phòng vệ sinh chỉ có một cái cho cả căn nhà: bàn ngồi loang lổ như bị chó gặm, mỗi khi làm công tác vệ sinh, tôi phải mang cả giầy, ngồi chồm hổm. Ngồi kiểu này vừa mỏi lại vừa dễ bị té, nên đệ tứ khoái đã trở thành một cực hình. Màn tắm rửa cũng không khá hơn, vì không có hoa sen, chỉ có cái bồn tắm cũng thuộc loại chó gặm, chắc không ai giám nằm vào đó, tôi lại phải ngồi xổm, lấy ly nhựa, hứng nước dội cầm hơi.Việc ăn uống thì còn nản hơn nữa, vì Thăng và tôi đâu biết gì, lúc nào cũng chỉ có 2 món là hột gà và mì gói...
Những ngày sau đó, Thăng thường lên sở di trú, xin học tiếng Pháp để cải thiện nghệ thuật đàm thoại, tôi thì lê gót khắp nơi để tìm việc làm. Việc đầu tiên tôi tìm được là chân rửa chén cho một tiệm ăn Tầu. Tiệm này không lớn lắm, độ 7-8 bàn, làm việc hằng ngày từ 10g tới 22g, được nuôi ăn và trả tiền mặt, 2 đồng một giờ, ngày được 24 đồng.Tôi thích lắm, vì chỉ cần làm 2 ngày là bằng tiền chính phủ trợ cấp hàng tuần. Công việc của tôi như sau: khi bồi đem chén đĩa vào, thì tôi đổ đồ ăn thừa vào thùng rác, rồi đưa qua 3 bồn nước, bồn thứ nhất để rửa thức ăn còn dính, bồn thứ nhì dùng xà bông, bồn chót để tráng cho sạch, rồi lau khô, sẵn sàng để đựng thực phẩm cho khách. Tôi bắt đầu ngày thứ tư trong tuần, khách khứa lưa thưa, công việc nhàn hạ. Từ chiều thứ sáu, khách ra vào tấp nập, tôi làm bở hơi tai, chân tay lọng cọng...cuối tuần đó, đập của chủ 5, 6 cái đĩa. Cả tuần đỡ khổ, cuối tuần sau lại đập một mớ chén đĩa nữa, nên bị đuổi. Hồi ở khách sạn Queen, thấy anh gác thang máy ngồi ghế, bấm số từng lầu, vừa làm việc, vừa đọc sách, tôi thích lắm, cố tìm cho được việc này. Các cao ốc ở đây, đều có thang máy tự động, tối tân, phải tìm mấy căn nhà cũ. Rốt cuộc, tôi cũng tìm được một khách sạn cũ 6 từng lầu trên đường Sherbrooke, làm việc từ 16 tới 24g, lương 2.60 một giờ, trả bằng chi phiếu, và sẽ bị trừ thuế lợi tức.
Thế là, mới chân ướt chân ráo tới Canada, tôi đã bắt đầu đóng góp tài chính cho quê mới, mà sau này tôi mới biết để nuôi một lô con trời ăn trợ cấp xã hội. Việc bấm thang máy không nhàn hạ như tôi tưởng, vì nó thuộc loại cổ, khi khách ra vào, tôi phải mở và đóng cửa, chạy lên, chạy xuống giật đùng đùng, kêu cót két, nên tôi đầu hoa, mắt váng, lúc ra về bước thấp bước cao như người say rượu...Cuốn sách học ECFMG mang theo, tôi không đọc được chữ nào, thường quẳng ở dưới sàn, bị thiên hạ đạp lên, lấm be bét. Ôi chữ nghĩa thánh hiền, ôi y lý sao thê thảm, Hippocrate có thấy chắc cũng đầm đìa nước mắt mà thương cho đám hậu sinh. Sau 2 tuần, tôi chịu không nổi, nghỉ việc, rồi lên sở di trú gặp ông cố vấn để xin ý kiến. Ông cố vấn cho tôi 4 địa chỉ để xin việc. Lúc đó, xe Metro và Bus đình công, tôi được dịp đi bộ, mình gốc nhà binh, thấy khỏe re vả lại còn trẻ. Hai chỗ đầu, tôi bị từ chối, nó không thèm cho mình nộp đơn. Tới chỗ thứ ba, họ nhận đơn, và gọi tôi vào gặp ông chủ để phỏng vấn. Đó là một hiệu may rất lớn, trên đường St-Laurent, ông chủ người Ý, nói tiếng Pháp còn lờ quờ, rất khó nghe: -Mày có biết xử dụng máy may không? Không. -Cắt vải theo patron? Không. Đơm nút? Không. Thế mày biết làm gì? Do phản ứng tự nhiên, tôi trả lời là mình biết chích! Trả lời xong, thấy mình ngố, bèn cười lỏn lẻn, dè đâu ông chủ chắc thương người di cư như mình nên nhận cho làm tạp dịch, tức sai gì làm nấy, việc chính là dọn dẹp và quét nhà, hút bụi, đổ rác. Lâu lâu, tôi bị sai xuống kho, vác vải lên cho thợ cắt quần áo. Ở Việt Nam, tôi nhớ xúc vải chỉ dài độ 1.2 hay 1.5 thước nặng độ 5, 6 ký, ở đây nó dài hơn 3 thước, nặng gần 50kg.
Vác được xúc vải từ kho, tầng hầm, lên tới tầng trệt, tôi đã khòm lại khòm thêm, 2 chân run lẩy bẩy, và chỉ làm một ngày là chạy luôn, xí bùm bum tiền lương, ăn thua gì mấy cái đồ lẻ tẻ! Từ đó, tôi lang thang tìm việc ban ngày, ban đêm ghé mấy quán Bar Topless, coi múa khỏa thân, uống vài lon bia, khi đã ngà ngà, mới lò mò về phòng, vừa đi vừa hát. Tôi cũng hay bị đám chị em ta ở khu Ste Catherine liếc mắt đưa tình, chèo kéo, nhưng với tấm thân bèo dạt, tương lai mờ mịt lúc đó, tôi nào có thiết gì đến chuyện mây mưa. Lúc đó sắp vào thu, nghe tin chính phủ Canada sẽ phát áo lạnh cho dân tỵ nạn, tôi liền lên hỏi ông cố vấn cho rõ thực hư, thì được phán rằng: để khuyến khích người tị nạn đi tìm việc làm, sớm hội nhập vào xã hội mới, nên quần áo không phát cho người thất nghiệp! Và tôi lủi thủi ra về. Cuối tháng 8, gia đình Thuận qua tới nơi, và Thuận may mắn tìm được việc làm ngay, và làm cho tới khi về hưu. Hắn thuê nhà ở khu Choisy, góc Belanger và Lacordaire, đã có rất đông người Việt, và rủ Thăng với tôi về ở chung cho vui. Nhà có 2 phòng ngủ mà ở 8 mạng: hai vợ chồng Thuận ở 1 phòng, 4 đứa con một phòng, Thăng và tôi trụ trì phòng khách. Chỉ ít lâu sau là Thăng đi Hull học tiếng Pháp, tôi thì tìm được việc làm mới gần sở của Thuận, ở khu Chabanel.
Chỗ tôi làm có tên là Melo Container, chuyên làm ly bằng styrofoam để uống cà phê, nước ngọt, hoặc ăn súp. Hãng làm việc 24/24, nhưng thay vì 3 toán 8 giờ, họ làm 2 toán 12 giờ, từ 6 tới 18g, và từ 18 tới 6g sáng, cứ làm ngày 2 tuần lại phải đổi làm đêm. Làm ngày còn đỡ, đêm được ngủ, làm đêm thì khổ lắm, vì ban ngày còn phải chạy đây đó lo giấy tờ, ngủ rất ít. Vả lại chu kỳ thức ngủ bị xáo trộn, sau 2 tuần làm đêm, khi đổi qua làm ngày, đêm về cũng thức luôn. Tôi còn nhớ, khi mình làm đêm, sáng lên xe bus là ngủ như chết, có ông tài xế rất dễ thương, thấy tôi ngủ, cứ để yên, cho xe chạy vài vòng lộ trình, rồi cỡ hơn 8 giờ, mới dậm chân xuống sàn xe, đánh thức tôi dậy. Hãng này làm việc theo hệ thống TAYLOR, travail à la chaîne, mỗi người mỗi việc.
Tôi đứng ở cuối chaîne, nhặt ly, xếp thành từng chồng 25 cái, bọc bao nylon, rồi cho vào thùng, mỗi thùng 40 chồng, 1000 cái. Làm phải đều tay, đúng nhịp, chậm một chút là ly nó đổ lên đầu, nên ngứa cũng không có thì giờ mà gãi, khi mắc tiểu thì phải hô hoán lên cho ông cai tới thay. Ở đây, họ trả 2.75 một giờ, từ giờ thứ 9 trả phụ trội gấp rưỡi, do đó tôi kiếm được khá tiền, dù đã bị trừ đầu, trừ đuôi đủ thứ. Làm ở đây mới thấy giá trị của 15 phút giải lao để ngồi nhâm nhi ly nước ngọt, phì phà điếu thuốc. Nó thoải mái và khỏe khoắn vô cùng. Tôi vừa thương mình, vừa phục vua hề Charlot đã cho ta thấy những chuyện cười ra nước mắt trong phim Les Temps Modernes. Tuy vất vả, nhưng lúc nào rảnh, tôi hay tới nhà Dương Hồng Huy để cùng học bài. Học với Huy, cả 2 đều lợi, vì 2 đứa có cùng phương pháp, đọc bài, làm tóm tắt, mỗi đứa học một bài, rồi giảng lại, nhớ mau hơn mà đỡ mất thì giờ, và tiến bộ vượt bực. Riêng tôi còn lời hơn vì được ăn chực, tuy cũng có mua quà cáp lai rai... Huy hồi đó rách như xơ mướp, ăn cơm lúc nào cũng chỉ có thịt băm rang mặn và dưa chua! Nhưng không bỏ được tính khôi hài. Có lần, tôi vừa lò mò vào cửa là Huy gọi vợ: Em ơi, dẹp mấy cái ly đi, kẻo nó quen tay lại xếp vô thùng. Và tụi tôi lại được dịp cười thoải mái. Xin nói thêm, là lúc đó, có nhiều động luyện thi, động Edouard Montpetit là mạnh nhất, có các anh Nguyễn Tấn Hồng, Từ Uyên, Phạm Hữu Trác, Nguyễn Mậu Hoàng, Trần Văn Kim...Động Alma, có Lê Văn Châu, Nguyễn Gia Ân, Phan Văn Thành...Thầy Đào Đức Hoành của mình, không biết thuộc động nào, cũng như anh Lâm Văn Thạch, Nguyễn Hoà Hiếu...Chắc tôi cũng quên nhiều, hơn 40 năm rồi còn gì. Lúc đó, khoảng tháng 10, trời vào thu, lá đổi màu thật đẹp và rụng khá nhiều, trời âm u, mưa nhiều và lạnh...Chợt nhớ tới chuyện xin áo mùa đông,
tôi lên sở di trú tìm ông cố vấn Arbour.
Nghe tôi trình bày tự sự, ông gạt đi: Áo lạnh để cho người thất nghiệp ông có việc làm thì bỏ tiền ra mua. Cơn giận bùng lên, tôi đứng phắt dậy, làm cái ghế đổ về phía sau, mặt tái nhợt, giọng run run, chỉ ông cố vấn mà mắng: Hôm trước, tôi thất nghiệp lên xin, ông nói phải có việc mới được, nay tôi có việc, ông nói ngược lại. Luật của các ông là luật rừng hay sao? Tôi là người tị nạn, bỏ hết cơ nghiệp qua đây để tránh Cộng Sản, tôi không phải là ăn mày. Thấy tôi dữ quá, ông cố vấn đứng dậy, dựng lại cái ghế đổ, và mời tôi điếu thuốc. Tôi từ từ ngồi xuống mà hai tay còn run, lóng ngóng mãi mới mồi được lửa. Sau vài phút yên lặng, ông Arbour lấy một mẫu đơn ra, rồi hỏi tôi cần những thứ gì? Đã bình tĩnh lại, tôi để nhẹ một câu: Xin lỗi, quần áo là của chính phủ giúp dân tị nạn, đâu phải của ông, ông chỉ việc cấp cho tôi theo đúng tiêu chuẩn. Tai ông cố vấn hơi đỏ lên một chút, ông loay hoay viết, rồi đưa cho tôi một tờ giấy, dặn qua hiệu Miracle Mart để lĩnh đồ. Hiệu này thuộc loại bình dân, nhưng đối với tôi lúc đó đã là quá sang trọng. Tôi được mua một đôi giày, một bộ quần áo, cái áo lạnh và mũ mùa đông. Đó là lần cuối cùng tôi gặp ông cố vấn trong vấn đề di trú, nhưng hơn 10 năm sau, khi tôi đã hành nghề thì tình cờ gặp ông trong một bữa tiệc, cả hai tay bắt mặt mừng, nói chuyện rất vui vẻ... Năm đó, 1975, mùa thu chưa tàn, mùa đông đã tới: trận bão tuyết đầu tiên xảy ra vào đêm 14/10. Tôi nhớ rõ, vì đó là sinh nhật của tên bạn thân Vũ Thiện Đạm, đúng một tuần trước ngày sinh nhật tôi. Đó là lần đầu trong đời thấy tuyết, chắc trên 10 phân, mọi thứ đều trắng xóa, thật sạch sẽ. Tôi quên lạnh chơi tuyết cả đêm mà không có găng tay, và giày bốt, vì ông cố vấn không nhớ mà ghi trên giấy! Và tôi bị cảm nặng, hốc hác cả tuần. Sau khi làm ở hãng Melo được độ 3-4 tháng, tôi mệt quá, vả lại đã đủ thời gian để lĩnh tiền thất nghiệp, tôi xin nghỉ ở nhà lo học thi, và hưởng ngay chính sách an sinh xã hội rất nhân đạo của Gia Nã Đại...Sau này, khi đã hành nghề, tôi mới biết chính sách này bị lợi dụng tối đa, và mình đi làm, cong lưng đóng thuế trong mấy chục năm để nuôi nó...
Vụ học hành và lập hội Y Sĩ, tôi sẽ viết sau cho dễ theo dõi. Khi gần hết tiền thất nghiệp, tôi lại phải đi tìm việc. Lần chót, tôi đi cùng anh Lê Lữ, là bạn cùng lớp, nhưng hơn tôi mười mấy tuổi, và đã qua đời cách đây mấy năm, và Dương Hồng Huy, vào xin chân Y Công ở nhà thương Nhi Đồng Ste Justine. Qua cuộc phỏng vấn, chỉ mình tôi được nhận, đâu biết tại sao, nhưng theo Huy, thì chỉ vì tôi có tướng Y Công! Cả bọn lại được dịp cười thoải mái... Sau vài ngày học nghề, tôi làm việc chính thức, và thấy quá nhàn hạ so với chỗ cũ: -Sáng dọn phòng, lau chùi đủ thứ. -Dẫn con nít đi tắm:màn này đặc biệt, vì phải năn nỉ, dụ dỗ khó khăn lắm, tụi nó mới chịu đi, khi xong, không chịu về, lại phải lạy lục, doạ nạt.. Đưa bệnh nhân đi chụp hình, khám chuyên khoa, tập physio... Khi có bệnh nhân xuất viện, làm vệ sinh, sát trùng dụng cụ và cả phòng để đón bệnh nhân mới. -Tôi làm ở Equipe volante, sáng tới trình diện, chỉ lầu nào là làm ở đó, thay đổi hàng ngày. -Bệnh nhân nhi đồng ở đây được kể tới 18 tuổi, nên nhiều trại, có người đẹp như tài tử ciné, dù bệnh mà còn mướt lắm. Phải mặc đồng phục trắng. Trưa được nghỉ tới gần 1g để ăn cơm. Mấy bà Y Tá trưởng, biết tôi là bác sĩ, đang học thi, nên cho phép, khi nào rảnh thì vào văn phòng của bà ta mà đọc sách. Tóm lại, ở đây công việc nhẹ nhàng, chỉ tội đi xa, vì tôi vẫn ở với Thuận khu Belanger. Nhưng có điều lợi là ở gần nhiều chỗ thân tình: Nhà thương trên Côte Ste Catherine, ngay góc đường Hudson, theo đường này, đi xuống dốc, về hướng bắc là tới nhà Bác Rạng, ba của Vũ thị Khánh Hải, ở số 3095 ave Linton.Lúc đó
Khoan Hải còn kẹt ở Việt Nam, nhưng Bác Rạng và các em Trân, Phương, Lân, Thuận Hằng và chị vú Thuỳ coi tôi như người nhà, lúc nào tới cũng được, và ăn chực dài dài. Tôi còn quen đám bạn của Trân, Phương, như Phạm Ngọc Việt, Đoàn Thiên Hậu (con cụ Đoàn Thêm), Lại Từ Tâm. Tâm sau kết hôn với Phương Nếu đi xa thêm về phía bắc, thì tới khu Barclay, ở đó có đám họ Mạc, là Mạc Văn Phước, Mạc Văn Trọng, Mạc Văn Tín, Anh Nguyễn Huân Trường, và nhất là hai anh Ngô Vi Dương, Lý Hồng Sen ở chung nhà, có một phòng nhỏ ở dưới để đánh mạt chược và ngủ ké cùng Trần Văn Dũng. Tôi và Dũng cũng hay ăn chực ở đây, và tới anh Trường để nhờ hớt tóc. Xin nhắc ở đây là ba anh Dương, Sen, Trường lấy ba em gái của BS Đào Hùng. - Còn một gia đình cũng rất thân với tôi, trên đường Van Horne, là Bác Thái Mạnh Tiến. Bạn thân của tôi là bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Mẹ Khuê bác Thái Thị Cảnh, dậy trường Cầu Kho là chị ruột của bác Tiến. Bác đã từng làm Bộ Trưởng bộ Thanh Niên thời cụ Diệm, sau hành nghề Luật Sư. Hai Bác có con là Thái Diệu Loan, du học Canada, và Thái Bình Minh, du học Đức, cùng với đứa em trai tôi. Tôi quen Loan từ hồi nàng còn nhỏ, thân lắm, khi nàng du học, vẫn thư từ qua lại, kể cả khi tôi ở Đại Hàn. Gặp lại, chúng tôi vẫn thân nhau, và tôi gọi hai Bác Tiến là ba, má. Lại thêm một chỗ để đến chơi và ăn chực. Ở nhà Thuận, tôi vẫn chuyên trị phòng khách, nhưng thật tình ít khi có mặt. Khi rảnh, việc mới của tôi là dậy tiếng Tây cho đám con hắn, cũng vui. Vấn đề nghề nghiệp cũng có nhiều chuyện đáng kể lại. Năm 1975, cỡ tháng 9, số bác sĩ tị nạn ở Montreal khá đông, nên anh em đã hẹn gặp nhau ở sân cỏ của một nhà thờ trên đường Sherbrooke, do cha Benoît đảm trách. Ông cha này đã ở Việt Nam, giỏi tiếng Việt, và có cảm tình với mình nên mới cho mượn sân. Anh em lố nhố kẻ đứng người ngồi.
Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada được thành lập, do anh Nguyễn Tấn Hồng làm Chủ Tịch, anh Nguyễn Văn Huệ làm phó, anh Nguyễn Đức Quảng làm thủ quỹ, tôi nhớ mài mại như vậy. Cả ba anh đều đã qua đời. Anh Huệ, sau qua Pháp. Hồi đó Thủ Tướng Quebec là Robert Bourassa, và chủ tịch Y Sĩ Đoàn là Augustin Roy. Ông này đã dành mọi dễ dãi cho y sĩ tị nạn. Tôi không có bằng cấp, chỉ có thẻ căn cước quân nhân, với hình, và họ tên, cấp bậc Y Sĩ Đại Uý, dich ra tiếng Pháp là được. Về sau, có Hội Đồng Khoa Lưu Vong, hình như do thầy Đặng Văn Chiếu, cùng các anh Đào Hữu Anh, Lê Quốc Hanh, Vũ Quí Đài, làm lại bằng Y Khoa Bác Sĩ cho mọi người. Đầu năm 1976, tôi thi rớt ECFMG, có ai đậu tôi không biết, chỉ biết có 3 người khôn là anh Nguyễn Thế Huy, Nguyễn Ngọc Bảo và chị Lưu Thanh Vũ vợ Bảo là có bằng từ Việt Nam, được làm nội trú ngay, với bằng hành nghề năm 1976. Bảo thi ra trường rớt, nên có bằng hành nghề năm 1977. Năm đó, Y Sĩ Đoàn Quebec cũng tổ chức một kỳ thi tương đương cho bác sĩ Việt Nam, cả bọn trượt hết, trừ anh Lê Dư Khương, học Y Khoa ở Đức. Lý do thì rất dễ hiểu, vì mình không có học về bệnh tâm thần, mà 1/3 số câu hỏi là về loại bệnh này. Y Sĩ Đoàn liền nghiên cứu bài làm của phe ta, cho biết: Sản phụ khoa, Nhi khoa, Giải phẫu, tốt. Nội khoa, hơi yếu. Tâm thần, zero! Họ liền tổ chức một lớp luyện thi cho mình, do 2 giáo sư Ha- demann và Joelle Lescop. Mấy tháng sau, thi lại, mình đỗ gần hết.
Tôi còn nhớ, thủ khoa là anh Nguyễn Hoà Hiếu, tôi á khoa, Dương Hồng Huy thứ 4, tôi và Huy thường học chung, nên kết quả khả quan. Họ chia chỗ nội trú cho 4 trường đại học, nhưng chỉ một số có chỗ ngay, như Lê Văn Châu, Lê Thiện Nhân, Nguyễn Tấn Hồng... Phần được hay bị chia cho Đại học Mcgill gồm các anh Nguyễn Đức Quảng, Lê Lữ, Dương Hồng Huy, Nguyễn Vũ Hải và tôi. Khi đi phỏng vấn, tôi chắc ăn như bắp, vì mình đỗ thứ nhì, tiếng Anh thì cũng nhập nhằng như nhau, dè đâu, Huy và tôi bị tuột. Khiếu nại, thì được trả lời: Hải có du học Mỹ 6 tháng, ưu tiên. (Hải đã qua đời vì ung thư ruột già.) Hai anh Quảng và Lữ thì lớn tuổi. Chúng tôi còn trẻ, chờ 1 năm đâu có sao. Thì đành chờ, tiếp tục làm y công, vui chơi, đi hộp đêm, coi phim XXX, xoa mạt chược, và ôn bài với anh Dương, chữ nghĩa đầy mình, thi chơi ECFMG, rớt tiếng Anh, nhưng phần Y khoa, được tới 84!
Qua năm sau, 1977, tôi được vào Đại học Montreal, làm nội trú ở nhà thương Maisonneuve-Rosemont, rồi làm thường trú luôn 4 năm ở đây để có chuyên môn về bệnh tiêu hoá. Xin nói thêm, là năm 1978, sau khi có bằng hành nghề, thì tôi lập gia đình. Ông nhạc tôi là một đồng nghiệp lớn tuổi, Bác Sĩ Nguyễn Khắc Định, tôi vẫn gọi là anh, giờ đổi thành ba! Nhà tôi, du học bên Mỹ, tiểu bang Oregon, qua đây thăm cha mẹ, thường gọi tôi là chú, sau thành anh, và bây giờ nàng lên chức Mẹ bề trên... Mấy năm này có phong trào vượt biên, và tôi may mắn gặp lại các bạn thân là Khoan, Hải, Trần Mộng Lâm. Hội tổ chức những buổi luyện thi, tôi có chân trong ban thuyết trình với các anh Phạm Hữu Trác, Nguyễn Mậu Hoàng, Hồ Quang Nhân… Sách vở, bùa chú của tôi thì giao cho Khoan và Lâm. Ngày đó, Lâm phục tôi lắm, không phải tại tôi học giỏi, hắn biết tôi quá rõ, mà vì những câu thơ tôi ghi lung tung trên sách, một vài câu của mình, còn đại đa số là của người khác, và ca dao, tỷ như: Sông kia sao cứ chảy hoài, Đưa người xa xứ lạc loài tới đây... Nghe sao buồn vời vợi, và thật hợp tình hợp cảnh... Xin hẹn kỳ tới, vì tôi sẽ kể về đời nội trú, thường trú, chạy taxi khám bệnh tại gia...
(còn tiếp)
Bát Sách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét