(Bài thuyết trình tại buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Văn hoá Việt Nam Paris ngày thứ bảy 08.10.2022 -Trần Văn Tích)
Đối tượng của bài nói chuyện hôm nay là người trí thức nói chung, người trí thức Việt Nam nói riêng, người trí thức Việt Nam tỵ nan cộng sản nói riêng hơn nữa. Và văn hoá cũng là nền văn hoá do Thomas Mann bảo vệ, là nền văn hoá do khoảng ba vạn trí thức Pháp chống chế độ Vichy nên sống lưu vong ở Hoa Kỳ, là nền văn hoá do người Việt tự động lựa chọn sau ngày 30.04.
Thực vậy, nếu chỉ cần sống thì chúng ta có thể tiếp tục sống ở Việt Nam sau tháng tư 75. Nhưng chúng ta đã lựa chọn cách sống riêng của chúng ta. Lựa chọn trong tư thế của con người ý thức trách nhiệm và hành xử tự do. Mặc dầu khi quyết định chấp nhận thân phận tỵ nạn, khi tự đặt mình dưới sự bảo vệ của UNHCR, chúng ta đã và chỉ như cô Kiều, biết thân mình biết phận mình ra sao. Ly hương là mạo hiểm, tỵ nạn là thách thức Nhưng chúng ta muốn là và muốn làm con người. Hơn thế nữa. Chúng ta muốn là và chúng ta muốn làm trí thức. Gần nửa thế kỷ qua rồi. Chúng ta không hề nghỉ ngơi. Chúng ta không hề truỵ lạc. Chúng ta không tìm cho mình sự xa hoa hay chuyện tiêu khiển. Trái lại, chúng ta cày đất vỡ hoang, chúng ta làm việc trong môi trường xa lạ, thậm chí thù nghịch.
Chua xót và ngậm ngùi là tỵ nạn đã trở thành một tình huống trầm kha đối với một số bạn bè, thậm chí có người đã nằm xuống cho nó và vì nó. Nhưng nghị lực và can trường đã giúp đa số chúng ta đứng vững. Cho đến hôm nay. Cho đến thời gian mà y khoa xem là gần hai thế hệ. Thế hệ quyết định đứng ra xin tỵ nạn đang dần dà nhận hưu bổng. Thế hệ thai nghén khi tỵ nạn đang dấn thân vào đời. Để cho chúng ta trở thành một lực lượng đối đầu với chính quyền trong nước.
Malraux cho rằng trí thức không những chỉ là người cần đến sách mà còn là người sẵn sàng dấn thân và sắp xếp cuộc đời theo một tư tưởng (Je sais maintenent qu‘un intellectuel n‘est pas seulement celui à qui les livres sont nécessaires, mais tout homme dont une idée, si élémentaire soit-elle, engage et ordonne la vie)1. Sartre cho rằng trí thức là người vào một lúc nào đó của cuộc đời đã can thiệp vào chuyện chẳng dính dáng gì đến mình cả [(…)se sont mêlés “de ce qui ne les regarde pas“]2 Trong khi đó thì Nguyễn Trãi từng xót xa cho thân phận người trí thức : “Cổ lai thứctự đa ưu hoạn / Pha lão tằng vân ngã diệc vân“3(Xưa nay người biết chữ thường lắm lo âu và hoạn nạn / Ông già Tô Đông Pha đã nói như thế và tôi cũng nói như thế).
Hãy nhìn lại ưu hoạn của chúng ta trong nửa thế kỷ vừa qua. Hãy nhìn lại hành trang của chúng ta trước đây nửa thế kỷ. Thông thường chúng ta đã ra đi không một đồng một chữ. Đó là về vật chất. Nhưng về tinh thần còn thảm hại hơn. Chúng ta đã chỉ mang tâm trạng trốn chạy. Nhưng dẫu vậy, hành trạng của người tỵ nạn Việt Nam đã trực tiếp đánh thức lương tri nhân loại, đã gián tiếp đạp nhào bức tường Berlin. Qua kết hợp lực lượng thành thực thể được gọi là cộng đồng hải ngoại. Chấp nhận thách thức của số phận tỵ nạn, ngang nhiên cự địch lại thân phận biệt xứ, chúng ta đã cùng nhau tham gia một cuộc chiến âm thầm và dai dẳng trong gần nửa thế kỷ qua chống báng nghịch cảnh tưởng như chỉ gây chết chậm rãi, đối đầu tình huống tựa hồ nhất định đưa đến nghẹt thở tâm linh.
Xin thử phân biệt giữa khoa học gia và trí thức. Trong khi nhà khoa học tìm phát minh thì người trí thức tỏ thái độ. Dấn thân đòi hỏi trách nhiệm và lương tri. Trí thức Việt Nam thế kỷ XX đã sống một thế kỷ đau thương đen tối với hai thử nghiệm thảm khốc là phát xít và cộng sản. Nhưng nếu như Lịch sử trong thế kỷ qua đã không đòi hỏi nhiều ở kẻ sĩ về thái độ của mình đối với chủ nghĩa phát xít thì cũng chính Lịch sử đã đặt kẻ sĩ Việt Nam trước sự tự vấn lương tâm đối với chủ nghĩa cộng sản. Người trí thức Việt Nam tự do, trong gần nửa thế kỷ qua, là người tổ chức các toà án dư luận và là người bảo vệ chủ nghĩa nhân quyền dân quyền chống lại đế quốc độc tài đảng trị. Nửa sau thế kỷ XX chuyển dịch trọng tâm suy tưởng vào chủ nghĩa Marx. Nhưng rồi các biến chuyển lịch sử dồn dập đã đưa đến tình trạng vỡ mông, đã tạo nên tình trạng giác ngộ : Đại hội đãng cộng sản Liên xô thứ 20 và sự can thiệp của các lực lượng vũ trang xô viết ở Hung gia lợi năm 1956, sự chấm dứt mùa xuân Praha năm 1968, việc dịch thuật và phổ biến tác phẩm Quần đảo Goulag của Soljenitsyne năm 1974, sự thất thủ của Việt Nam Cộng Hoà và sự thiết lập chế độ mông muội tắm máu Khmer đỏ năm 1975, cái chết của họ Mao năm 1976, làn sóng thuyền nhân năm 1978, sự nhùng tay của Nga xô ở A phú hãn năm 1979, sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989 và cuối cùng, hiện tượng nổ tung của chế độ cộng sản năm 1991. Đội ngũ trí thức khoa bảng Việt Nam vừa là chứng nhân lịch sử vừa là nạn nhân trực tiếp của một số biến thiên vừa kể. Gần nửa thế kỷ qua. Chúng ta đã có một tập thể đứt lìa cuống rún Việt Nam nhưng mang nặng dòng máu tử cung của mẹ. Thì nền văn học Việt Nam hải ngoại chẳng phải là nền văn học mang nặng bản thể Việt Nam hay sao? Thì cuốn sách “Những Khuôn mặt Văn hoá Việt Nam Hải ngoại“ chẳng là tiếng nói lương tri của người trí thức Việt Nam hay sao? Những tiếng nói cất được lên sau và trong gian lao khốn khó, cùng với những tiếng nói khác, đông đảo rộn ràng ở Âu, ở Mỹ, ở Úc. Những tiếng nói do khí huyết tự thân của tạng phủ tự do, nhận sự tài trợ chủ yếu do tự lực tự nguyện. Những tiếng nói được trình bày với kỹ thuật ấn loát cao, rất ít lỗi lầm chính tả; chứng tỏ những người phụ trách đã tốn bao công sức cưu mang thai nghén. Những tiếng nói không vì mục đích thương mại mà vì mục tiêu chính nghĩa. Những tiếng nói có lập trường rõ rệt, có đường lối quang minh. Paris, Cali, Sydney đã là điểm hẹn cho con tàu văn hoá thả neo, đang là hải khẩu để chính nghĩa tự do ghé bến, tạm thời thay thế cho Sàigòn, Huế, Hànội.
Victor Hugo chống đối Đệ nhị Đế chế, oán ghét chế độ Napoléon III nên sau cuộc đảo chánh 02.12.1851, nhà thơ nhả văn lớn sống lưu vong ở Bruxelles rồi chuyển sang hai hòn đảo Jersey và Guernesey thuộc Anh từ tháng 12.1851 đến tháng 09.1870. Nhiều bạn bè thân quyến ngỏ ý mời Ông về lại nước Pháp sau khi Napoléon III ân xá, nhưng Victor Hugo từ chối sự ân xá này và dõng dạc tuyên bố : “Quand laliberté rentrera, je rentrerai.“. So sánh với hoàn cảnh Victor Hugo, hoàn cảnh của chúng ta trầm thống và đồ sộ hơn nhiều. Tác giả Notre Dame de Paris chỉ lưu vong chưa tới hai mươi năm và địa điểm biệt xứ cũng chỉ cách quê hương bản quán một xoãi chân gang tấc. Chúng ta thì đã gần nửa thế kỷ rồi mà ngày về trong tự do thì cũng vẫn còn thuộc vào vị lai. Nhưng chúng ta sẽ trở về và trở về trong vòng hoa, như thi ca Aragon:
Lorsque vous reviendrez car il faut revenir
Il y aura des fleurs tant que vous en voudrez
Il y aura des fleurs couleur de l‘avenir
Il y aura des fleurs lorsque vous reviendrez 4
Thảng hoặc chúng ta có người không về được thì tinh thần nhân bản, thái độ vì tự do, tình cảm sùng thượng cái đẹp, cái hay, cái đúng, tâm tư sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, lương tri, công lý sẽ được trao lại và truyền cho các thế hệ tiếp. Không có gì đến nỗi phải bi quan. Xin mượn lời Nguyễn Thông khi nhà nho nhận thức rằng có lẽ đời mình rồi ra e sẽ không về lại được quê cũ Long an :
Lai giả khả kế dư hà vong 5
(Người sau nối tiếp được, ta còn mong gì hơn!)
Trong khi còn phải tiếp tục sống hoàn cảnh lưu vong thì chúng ta có trách nhiệm kiên trì gìn giữ nền văn hoá ngày nào của nước Đức là nền văn hoá do Thomas Mann bảo vệ qua lời tuyên xưng của Academy of Arts and Letters khi kết nạp nhà văn mà học vị Tiến sĩ danh dự đã bị Viện trưởng Viện Đại học Bonn thu hồi trước đó ngày 19.12.1936. Nền văn hoá nước Pháp đã được duy trì bền bỉ và cương quyết trong Đệ nhị thế chiến là nền văn hoá do chừng ba vạn trí thức chống chế độ Vichy nên sống lưu vong ở Hoa Kỳ qua các hoạt động rấr đa dạng sau đây : 1) hoạt động của École Libre des Hautes Études với tạp chí Renaissance xuất bản đều đặn từ năm 1943 bao gồm mọi lĩnh vực triết học, khoa học, xã hội học; 2) mạng lưới báo chí ủng hộ đồng minh và nước Pháp tự do mà nổi tiếng nhất là tờ Pour la Victoire; 3) hệ thống truyền tin hướng về quốc nội trong khuôn khổ hoạt động của Office of War Information trên đài BBC; 4) cả phim ảnh nữa như Salute to France của Jean Renoir; 5) trực tiếp dấn thân vào đại cuộc đất nước của trí thức lưu vong mà đại biểu là Saint-Exupéry và Alain Bosquet. Văn hoá Nga trước ngày chế độ cộng sản tan vỡ chỉ xứng đáng là văn hoá qua các tác phẩm bị cấm đoán trong nước và được phổ biến ở nước ngoài như Bác sĩ Jivago của Pasternak phát hành năm 1957 ở Ý, như Quần đảo Gulag của Soljenitsyne dịch thuật và ấn hành năm 1974 ở Mỹ; cả hai tác phẩm cùng mang lại cho hai tác giả hai giải văn chương Nobel văn học mà bạo quyền đương thời không cho nhận lãnh. Nét chủ yếu của văn hoá Cuba hiện nay đang ở ngoài đảo quốc với Miami, London, Paris, Madrid đã thay thế La Havanna: Reinaldo Arenas trong La Plantation (Seuil) qua bức tranh mô tả các trại tập trung lao cải ở đó tù nhân sống kiếp nô lệ da đen thời thực dân chiếm đất; José Triana, nghệ sĩ sân khấu, tác giả La Nuit des Assassins (Gallimard), Heberto Padilla trong tiểu thuyết tự truyện Dans mon Jardin Paissent les Héros (Seuil). Gần gụi với chúng ta hơn vì tính chất đồng văn có thêm các thành quả trí tuệ trong lĩnh vực văn chương và thành quả nghệ thuật trong phạm vi hội hoạ của Ngải Vị Vị hiện đang sống lưu vong ở Đức, của Cao Hành Kiện hiện đang tạm dung thân ở Pháp.
Điều đáng vinh danh là ở chính thủ đô Paris này đã có những Hội nghị được triệu tập dưới tên gọi là Congrès pour la Défense de la Culture (từ năm 1935 lận!) với sự hiện diện của Gide, Huxley, Heinrich Mann, Pasternak và Anna Seghers v.v.. Hội nghị họp tại La Mutualité và Éluard đọc bản tuyên cáo do Breton soạn thảo. Mùa xuân năm 1951, secrétariat international của Hội nghị khác, Congrès pour la Liberté de la Culture, đặt trụ sở vĩnh viễn ở Paris, kế thừa Kongress für Kulturelle Freiheit được triệu tập tại Berlin trước đó trong vùng lãnh thổ do quân đội Mỹ quản trị.
Người trí thức Việt Nam lưu vong thực sự không hề cô đơn. Anh ấy, Chị ấy có những người đi trước. Những người đi trước đó đã vạch cho chúng ta con đường chúng ta nên đi và trách nhiệm chúng ta phải gánh. Đó là bảo vệ sự tự do cho Văn hoá, bảo vệ nền Văn hoá mang sắc thái Tây phương, chống đối lại các chủ nghĩa độc tài đảng trị và tập họp các trí thức trong tất cả các ngành nghề chuyên môn, thuộc tất cả các lĩnh vực sinh hoạt văn học nghệ thuật vào những tổ chức hợp đoàn, những tập thể thống nhất.
08.10.2022
Trần Văn Tích.
---------------------------
1 Les Noyers de l‘Altenburg, Chartres, 21 Juin 1940, Gallimard.
2 Plaidoyer pour les Intellectuels. Situations VIII. 1972. p. 377. Gallimard
3 Mạn hứng, số 61
4 “Je vous salue ma France...“
5 Đinh mão tam nguyệt nhị thập bát nhật thiên táng Sùng Đức Võ Phu tử thuật sự húc đồng học chư tử (trong Ngoạ Du Sào thi tập).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét